Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Hoàn thành

Note:
+Minhee: Mẫn
+Hyungjun: Tuấn
+Jeongmo: Chính
+Hyunbin: Hiền
+Wonjin: Nguyên

1.

Mẫn ngồi bần thần trong rạp hát, vậy là thêm một suất diễn nữa được hoàn thành, khán phòng cũng chật kín người, kịch đã vào tay anh Nguyên thì không còn gì phải chê, cậu cũng không hiểu sao trong lòng cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó.

"Chú sao vậy?" anh Chính, chủ nhiệm sân khấu kịch ngồi xuống bên cạnh cậu. Ngay từ ngày đầu chân ướt chân ráo vào Sài Gòn tìm việc rồi viết kịch, anh đã giúp đỡ cậu bao nhiêu là thứ: cho cậu ở nhờ, giới thiệu cậu tới chỗ hiệu may của chị Phương làm việc, gửi kịch bản cậu viết cho anh Nguyên. Sân khấu của anh cũng là nơi công diễn vở kịch đầu tiên của cậu. Cậu mang ơn anh nhiều, vậy mà lúc nào anh cũng xua tay bảo chuyện nhỏ.

"Em không biết nữa. Anh xem, vở này diễn vẫn chật kín phòng đến tận suất cuối, vậy mà em vẫn thấy thiếu quá anh ơi." Mẫn thở dài, lấy tay vân vê vạt áo khoác đã sờn cũ.

"Anh thấy chú nghĩ nhiều thôi. Được người xem mến mộ là thành công của sân khấu kịch rồi. Tối nay chú có việc gì không, nếu không thì ghé nhà anh ăn cơm, vợ anh hôm nay nấu nhiều lắm." Chính vỗ vai cậu, cười hiền lành.

"Chị Chuyên nấu ăn thì nhất rồi. Có gì em ghé hiệu sách rồi qua nhà anh sau." Mẫn đứng dậy, đội cái nón bê-rê màu nâu lên đầu rồi rời đi. Chính nhìn theo bóng lưng của đứa em thân thiết, bóng cậu đổ dài trên mặt đất, dáng vẻ lặng lẽ lại cô đơn, mà không khỏi băn khoăn. Anh biết gần đây sân khấu kịch miền Nam chủ yếu đi theo dòng kịch hài nhẹ nhàng bởi người dân lao động vất vả thích xem để giải trí, cộng thêm sự cạnh tranh của rạp chiếu bóng, nếu không đổi mới sẽ bị nhàm chán, những nhà viết kịch và đạo diễn sân khấu cũng theo đó mà trăn trở không ít. Mấy lần Nguyên ghé nhà anh ăn cơm cũng tâm sự với anh, bảo là dạo này kịch bản gửi về chỗ cậu cũng chẳng được cái nào nên hồn, khéo điệu này sân khấu mình rớt giá thì toi. Nguyên nói thế khiến Chuyên vốn ngày ngày chỉ lên lớp dạy học, không để tâm đến chuyện kịch nghệ của chồng cũng thấy lo lắng. Sân khấu này là tâm huyết cả đời của anh chứ không còn là chuyện kinh tế nữa.

Thôi thì tới đâu được thì tới, Chính nghĩ vậy rồi quay bước về nhà.

2.

Cách nhà hát vài căn là một hiệu sách nhỏ. Chủ hiệu sách này là Thu, người gầy nhẳng như cái que, trắng nhợt nhạt như bị ốm, mắt lúc nào cũng chỉ mở ra có một nửa, nếu nhìn qua sẽ dễ tưởng lầm anh nghiện xì ke, mà thật ra là từ bé trông anh đã như thế, ngày xưa trượt Đại học nên mở hiệu sách. Cửa tiệm nhỏ nhưng được cái nhiều sách, muốn mua sách gì cứ bảo Thu một tiếng, vài ngày sau là có ngay.

"Cậu Mẫn! Lâu quá không thấy cậu ghé chơi." hồi xưa khi mới từ quê vào, hiệu sách của Thu là nơi Mẫn hay ghé đến nhất. Đi nhiều thì thành khách quen, đến chị Xuân vợ anh còn bảo cậu làm cha đỡ đầu cho bé Thảo con gái anh chị.

"Dạo này nhà may chị Phương tới mùa đắt khách anh ạ, cả tiệm làm việc luôn tay luôn chân, nay em mới rảnh đi xem suất cuối kịch em viết đấy chứ, sẵn ghé đây chơi." Mẫn cười cười, lấy cái ghế đẩu con con ngồi xuống. Làm mỗi nghề biên kịch thì không đủ ăn, nên cậu vẫn ở lại làm việc cho nhà may để kiếm thêm đồng ra đồng vào để cuộc sống đỡ vất vả.

"Lâu ngày cậu không ghé, anh có cuốn này hay lắm, cậu mang về mà đọc, thấy thích thì trả tiền, không thì giữ kĩ rồi trả anh." Thu sực nhớ ra, lật đật chạy ra sau nhà, lúc quay lại cầm theo một cuốn sách nhỏ quyển vở một chút, dày gần hai đốt ngón tay.

"Sách gì vậy anh?" Mẫn cầm lấy mà ngắm nghía. Tên tác giả chỉ độc một chữ "Tuấn".

"Tiểu thuyết đấy. Cậu nhà văn này dạo gần đây được ưa chuộng lắm. Anh đánh điện cho nhà xuất bản mãi mới lấy hàng về được, mà bán cũng chạy. Anh nghĩ chắc là cậu thích nên để cho cậu một cuốn."

"Cảm ơn anh nhiều. Tối nay em có hẹn ăn cơm với vợ chồng anh Chính, có gì anh chào chị Xuân với bé Thảo hộ em." Mẫn đứng dậy, chuẩn bị rời đi.

"À nói đến bà xã anh thì bầu đứa thứ hai ba tháng rồi, đầu năm sau sanh." Thu vui mừng báo, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

"Thật ạ? Có gì hôm nào em mang sang cho chị nhà giỏ trứng gà. Anh đừng để chị làm việc nặng, bà bầu họ cũng nhạy cảm, anh chú ý tới chị một chút." Mẫn vỗ vai Thu rồi lọc cọc đạp con xe Phượng Hoàng đi về phía nhà vợ chồng Chính.

3.

Mở cửa cho cậu là chị Chuyên. Chị nổi tiếng xinh đẹp lại còn hiền dịu, đảm đang. Chị là cô giáo một trường phổ thông lớn trong thành phố, không hiểu vì sao đột nhiên lại đi lấy ông chủ nhà hát kịch có con xe Hon-đa C110. Đám cưới tuy không rình rang nhưng nổi danh khắp một góc Sài Gòn, bởi Chính cũng thuộc loại cao ráo đẹp trai, lại còn là ông chủ nhà hát kịch lớn nhất nhì cái phố thị này.

"Chú Mẫn đấy à, lâu ngày quá, chú vào nhà chơi, chồng chị còn đang tắm rửa." chị Chuyên niềm nở. Nếu không tính cha mẹ ở nhà, có lẽ chị là người sốt ruột cậu chuyện vợ con nhất. Nhưng mà cậu cũng mới hai hai, cũng không vội vàng gì.

Cậu để ý tới cái bụng lùm lùm của chị Chuyên, chợt nhớ ra hai người lấy nhau cũng được bốn năm rồi chứ không ít. Không chỉ anh chị mà những người chung quanh cũng thấy sốt ruột.

"Dạo này em gặp nhiều bà bầu thật, chị Xuân vợ anh Thu cũng mới bầu đứa nữa." Mẫn cười tít cả mắt.

"Đúng là chỉ có cậu Mẫn tinh ý. Ông xã chị đến tận khi chị ngất xỉu đưa ra trạm xá mới biết, quả nhiên con người nghệ thuật thì vụng về trong ngày thường." chị cười hiền, bưng ra một ấm chè xanh với mấy cái tách con con.

Mẫn yên lặng nhặt phụ chị Chuyên rổ rau, ánh mắt lơ đễnh nhìn về phía dàn thường xuân phất phơ ngoài cửa, cơn gió mang theo mùi hương của mùa hạ len qua mái tóc, một ý tưởng mới nhen nhóm trong đầu chàng tác giả trẻ tuổi.

4.

Tuấn cho hai tay vào túi quần, bước nhanh trên con đường dẫn tới nhà xuất bản để lĩnh tiền nhuận bút. Nó vừa đi vừa nghĩ, không biết lĩnh được tiền xong rồi thì làm gì. Tiền nhà vừa thanh toán, giấy mực thì vẫn còn nhiều.

"Cậu Tuấn đây rồi. Tiền nhuận bút của cậu đây, bản thảo cho cuốn kế cậu chóng nộp nhé, người ta viết thư yêu cầu sách cậu nhiều quá tôi đếm không xuể." chú Tín cười, đưa cho nó một phong bì dày cộp. Chú Tín là tổng biên tập của nhà xuất bản, chú là một người đàn ông đôn hậu và tốt bụng. Chú hay mặc cái áo sơ mi kaki con gái chú mua cho để đi làm, lúc nào cũng chê Tuấn gầy, cứ bảo nó phải ăn nhiều lên. "Sách cậu bán chạy nên tôi đưa thêm đấy, về mua cái gì ngon mà ăn nhé, thanh niên trai tráng gì mà gầy như cái tăm thế kia."

"Cháu biết rồi, cảm ơn chú."

"À tôi thấy cậu sống cũng tiết kiệm quá đấy, hay đi du lịch một chuyến đi. Còn trẻ mà, đi cho mở rộng tầm mắt, cậu còn là nhà văn nữa."

"Để cháu hỏi anh Hiền xem sao chú ạ, nếu anh ấy mấy bận nữa không đi công tác thì cháu vào Sài Gòn xem thử trong đó thế nào." Tuấn cười cười chiếu lệ. Kì thực nó cũng muốn vào Nam một chuyến, ngặt nỗi nếu đi thì nhà cửa không ai trông.

"Đấy là tôi nói thế, cậu đi được thật thì tốt cho cậu." chú Tín xua tay. Nó mỉm cười tạm biệt chú rồi ra về.

Về đến ngoài cổng, nó đã thấy Hiền đang loay hoay quét sân. Hiền là con trai của dì nó, làm nghề thông ngôn cho một ông bác sĩ người Pháp kiêm luôn dịch tiểu thuyết Pháp văn phục vụ bà con. Anh hay theo ông bác sĩ đi công tác nên chẳng mấy khi ở nhà. Từ sau hồi bố mẹ nó dọn về quê, vợ chồng dì thì vào Hải Phòng làm ăn, còn lại mỗi anh với nó ở lại làm việc ở Hà Nội.

"Anh Hiền!" Tuấn gọi lớn, khiến anh ngẩng đầu lên. Anh Hiền còn trẻ, lại đẹp trai, đặc biệt anh có đôi mắt sáng thông minh. Mọi người chung quanh ai cũng quý anh, một phần vì anh hiền lành tốt tính, một phần nữa là vì ai cũng muốn anh làm con rể, nhưng mà anh thì chưa ưng được ai.

"Tuấn về rồi hả em, vừa đi lĩnh nhuận bút đúng không?" anh vẫy tay với nó, cất chổi vào góc sân rồi vào lại trong nhà.

"Anh này, em định gom tiền nhuận bút lần này với tiền tiết kiệm để vào Sài Gòn một chuyến, anh có bận gì không, em sợ nhà cửa không ai trông." Tuấn tụt rè mở lời. Cậu có muốn đi cũng không thể để anh dang dở công việc của mình được.

"Hết tháng này bác sĩ không đi công tác tận bốn tháng đấy, nếu em muốn thì đi đi, cũng vì anh mà em phải ở nhà suốt còn gì." Hiền thoải mái đáp, lấy tay xoa đầu Tuấn. Lúc nào Hiền cũng xem Tuấn như em trai ruột. Hai bác trước khi về lại quê đã gửi gắm Tuấn cho anh, khiến anh nghĩ mình càng phải có trách nhiệm với nó. Anh vẫn luôn bảo bọc nó, cho tới khi anh thấy nó đem khoản nhuận bút đầu tiên về, anh mới nhận ra rằng nó đã trưởng thành rồi. Tuấn viết văn hay lắm, nó viết theo cảm nhận cá nhân, thổi hồn cho từng câu chữ, làm cho những hành động đơn giản như một cái gật đầu, một nụ cười cũng trở nên đẫm tình.

"Cảm ơn anh." Tuấn nhoẻn miệng cười, khiến anh cảm thấy ấm áp.

"Tối nay em muốn ăn gì, lâu lắm rồi hai anh em mình chưa ăn cơm với nhau."

5.

Tuấn ra ga Hà Nội đi chuyến tàu sớm để vào Sài Gòn là chuyện của hai tuần sau đó.

Ga tàu thưa thớt đến lạ, chỉ có vài nhóm nhỏ đi cùng nhau, thấp giọng trò chuyện. Tự nhiên nó thấy mình lạc lõng quá. Anh Thắng ở trong đấy bảo là đến nơi thì anh đón, bây giờ nó vẫn phải trải qua chuyến tàu này một mình. Tuấn thở dài, đặt hành lý lên tàu rồi đi tìm khoang của mình. Nó ngồi xuống, lấy bút và sổ tay ra, tranh thủ viết thêm một chút. Ngòi bút của nó lướt nhẹ trên giấy, để lại những dòng chữ thanh mảnh, mềm mại. Viết được một lúc rồi cũng hết ý, Tuấn gập quyển sổ lại, ngả đầu về sau chờ tàu xuất phát.

"Cháu vào trong đấy làm gì vậy?" bà cụ ngồi kế bên cậu nhẹ nhàng hỏi. Gương mặt bà trông hiền hậu và thấm đượm sương gió, lo âu của cả một đời người. Hẳn bà đã từng ở trên chiến trường, hoặc là ở hậu phương ngóng trông chồng con trong làn bom đạn của kẻ thù.

"Dạ cháu đi du lịch bà ạ. Cháu muốn vào đó thăm thú xem trong đấy khác ngoài mình như thế nào." nó lễ phép trả lời.

"Còn trẻ mà đi được là tốt. Bà vào thăm con thăm cháu. Chúng nó muốn vào đó lập nghiệp, đòi đưa bà theo, mà bà không nỡ xa Hà Nội nên ở lại." ánh mắt bà nhìn xa xăm về phía sân ga, như thể cuộn phim kí ức về bầu trời thủ đô từ ngập trong đạn bom lại hóa trong veo hiện về tâm trí bà.

"Cháu cũng không nỡ xa nơi này bà ạ. Từ bé bố cháu đã đạp xe chở cháu đi vòng quanh Hà Nội rồi, lớn lên một chút thì cháu đi một mình. Chưa bao giờ cháu thấy chán thành phố mình cả bà ạ. Nhưng mà cháu cũng tò mò về Sài Gòn lắm, người ta gọi nó là hòn ngọc Viễn Đông mà." Tuấn đong đưa chân.

"Ừ, trong đấy đẹp, hiện đại nữa. Cháu vào đó đi chơi nếu có rảnh thì ghé nhà bà." bà cụ khoan thai viết cho Tuấn dòng địa chỉ nhà mình. "Cứ nói với mấy người đánh xe họ đưa đi cho."

"Dạ vâng." Tuấn lễ phép nhận lại quyển sổ, để lại vào trong cặp da.

Còi tàu kêu một tiếng dài, cuối cùng thì chuyến tàu cũng lăn bánh. Cả chuyến đi, Tuấn cứ nghĩ ngợi mãi về thành phố mình sắp đặt chân tới. Nó cuối cùng cũng thôi tưởng tượng mà ngủ một chút.

Khi đến nơi, sự náo nhiệt và hoa lệ của ga Sài Gòn khiến Tuấn choáng ngợp. Sân ga tràn ngập ánh nắng, dòng người tấp nập qua lại ngược xuôi.

Nó tìm thấy anh Thắng đang đứng ở một góc gần hàng quà lưu niệm trong sân ga. Anh Thắng là một biên tập viên làm việc ở nhà xuất bản phụ trách phát hành tiểu thuyết của nó trước khi chuyển vào Sài Gòn mở cửa hàng vải giờ đây nổi tiếng nhất nhì miền Nam. Anh cao lớn, vóc người vạm vỡ khỏe mạnh, khuôn mặt chữ điền chất phác lúc nào cũng nở nụ cười. Vợ anh, chị Nga, lại là một người phụ nữ nhỏ nhắn kiệm lời dẫu chị rất tốt bụng.

"Cậu đi đường dài vất vả rồi, anh đưa cậu về nhà anh nghỉ ngơi, mai anh gọi tài xế của anh đến đưa cậu đi chơi." anh Thắng nhiệt tình cầm lấy hành lí của nó. Tuấn ngượng ngùng đi theo anh. Anh Thắng lúc nào cũng quá nhiệt tình, tới độ lúc gặp anh lần đầu, nó đã bị anh dọa cho sợ. Giọng nói sang sảng và nụ cười rộng tới tận mang tai của anh thỉnh thoảng sẽ khiến người khác không thoải mái, nhưng sự chân thành không toan tính của anh thì không phải ai cũng có được.

6.

Ngày hôm sau, Tuấn dậy sớm như thường lệ. Dù là ở nhà hay đi đâu thì nó cũng không dậy muộn được. Nó vươn vai, vệ sinh cá nhân trước khi lên phòng khách. Người đầu tiên nó gặp là chị Nga đang pha trà.

"Cậu Tuấn dậy sớm vậy, sao không ngủ thêm chút nữa?"

"Em dậy sớm quen rồi chị ạ." nó cười, kéo ghế ngồi xuống. "Chắc em đi ra ngoài ăn sáng rồi đi thăm thú luôn, chị không cần nấu phần em đâu ạ."

"Cậu không đi với tài xế của anh Thắng à?"

"Dạ thôi, em mua tấm bản đồ rồi tự đi chị ạ. Có gì em ghi lại địa chỉ nhà anh chị là được rồi." nó lắc đầu. Ban đầu nó định ở khách sạn cho đỡ phiền hai người, dù sao ở lại đến cả tháng trời chứ không ít, nhưng ngay cả chị Nga cũng không đồng ý vì không muốn nó tốn kém.

"Vậy cậu đi chơi vui nhé. Nếu được thì cậu ghé nhà hát kịch mà xem một vở, coi coi kịch trong này khác kịch ngoài đó thế nào." chị Nga nhoẻn miệng cười. Tuấn gật đầu xem chừng như đã hiểu. Nó chào chị rồi đi ra ngoài, theo lời chỉ dẫn của chị mà ra tới hiệu sách đầu phố mua một tấm bản đồ.

"Khách du lịch hả cậu?" ông chủ hàng sách tươi cười, lấy ra một tấm bản đồ kèm theo một cuốn sách, đề là "Cẩm nang du lịch".

"Dạ vâng, em từ Hà Nội vào." Tuấn lịch sự nhận lấy bằng hai tay.

"À, ra là trai Hà Nội. Vào đây thì cứ thoải mái nhé, không ai chặt chém gì đâu." anh chủ hiệu sách cười xòa.

"Anh ơi, nhà hát kịch lớn nhất là ở chỗ nào vậy ạ?" Tuấn nhỏ nhẹ hỏi. Anh chủ hiệu sách chỉ về phía cuối đường rồi bảo cậu rẽ phải, đi thẳng là sẽ tới. Nó cúi đầu chào anh chủ tiệm tốt bụng rồi tiếp tục bước đi.

So với Hà Nội cổ kính, Sài Gòn là một phép cộng thú vị giữa kiến trúc Pháp và phong cách cổ xưa của người Việt. Những tòa nhà mái ngói phủ rêu phong nằm san sát những tòa nhà cao tầng, bảng hiệu to nhỏ đầy màu sắc, dòng người qua lại xen kẽ giữa áo dài truyền thống nền nã và những bộ Âu phục tân thời, tiếng chuông xe đạp hòa với tiếng động cơ xe máy và người bán hàng rong, những chiếc xe hơi bọ rùa đậu nối đuôi nhau sát lề đường, cả con đường tràn ngập trong ánh nắng vàng ươm, xen qua những tán lá khẽ lay động trong gió. Sài Gòn tươi sáng như chính con người nơi này vậy.

Tràn ngập sức sống, tràn ngập tình yêu.

7.

Tuấn tìm đến nhà hát kịch là khi trời đã ngả bóng hoàng hôn.

Nó mua vé rồi đi tìm chỗ ngồi. Còn nửa tiếng nữa mới tới giờ diễn nhưng rạp đã chật kín người, chỉ có chỗ bên cạnh nó là còn trống. Cuối cùng thì cũng có người ngồi xuống. Hình như cậu ta chạy vội đến đây, trên trán còn hơi lấm tấm mồ hôi.

"Xin lỗi, làm phiền cậu rồi, nhưng tôi trông có nhếch nhác lắm không?" chàng trai vừa tới rụt rè hỏi. Tuấn hơi ngớ ra rồi mỉm cười, lắc đầu.

"Không đâu, cậu trông đẹp trai lắm."

Lần này đến lượt chàng trai kia ngẩn người. Tuấn phì cười, trông cậu ta đẹp trai thật. Mắt to, mũi cao, trắng trẻo, trên mặt lại có một ít tàn nhang nhìn rất duyên. Cậu ta húng hắng quay lên, hai tai còn hơi hồng hồng.

Nó quay lên, tập trung vào vở kịch. Nội dung vở kịch là về cặp vợ chồng trẻ lần đầu có con, đối mặt với không biết bao nhiêu lo toan bộn bề trong cuộc sống. Từ cơm áo gạo tiền đến những trận đau ốm của con, những hiểu lầm không đáng có, lời ra tiếng vào của xóm giềng. Dẫu cho đây có là một câu chuyện thường gặp trong cuộc sống, Tuấn thấy cả biên kịch lẫn đạo diễn đều rất khéo léo tạo nên sự mới lạ trong vở diễn. Các diễn viên cũng rất giỏi nữa, diễn viên đóng vai người vợ đã khiến cô ngồi kế bên nó bật khóc. Từng ánh mắt và cử chỉ đều rất thật, khiến người xem tưởng như đang hòa vào vở diễn, là một phần của nó.

Đột nhiên nó thấy có một ánh mắt đang chăm chú nhìn mình. Quay sang trái, nó phát hiện ra là chàng trai ban nãy. Tuấn nhoẻn miệng cười, huơ huơ tay.

"Cậu ơi, cậu nhìn sân khấu chứ nhìn tôi làm gì?"

"Xin lỗi cậu." chàng trai đỏ mặt. Nó thấy cũng không có vấn đề gì, đó giống như người ngắm nhìn một đóa hoa thôi.

"Tôi tên Tuấn." nó nghiêng đầu nói nhỏ.

"À, tôi tên Mẫn." chàng trai, bây giờ gọi là Mẫn đi, ngượng ngùng đáp lại.

Nó chẳng thể nhớ được đoạn kết vở kịch này là gì nữa.

8.

Mẫn thấy mình bị điên rồi.

Cậu suýt chút thì đến muộn suất diễn mà cậu nhờ anh Nguyên giữ chỗ giúp. Cũng may là chưa muộn, không khéo lại làm phiền mọi người.

Người ngồi kế bên cậu trông như học sinh trung học. Mái tóc mềm mại rũ trước trán, đôi mắt tròn xoe sáng lấp lánh, mang dáng vẻ nhỏ nhắn mềm mại cần được bảo vệ. Cậu muốn thử bắt chuyện với người ta trước, nhưng chẳng biết nói gì đành đánh bạo hỏi.

"Xin lỗi, làm phiền cậu rồi, nhưng tôi trông có nhếch nhác lắm không?"

"Không đâu, cậu trông đẹp trai lắm." chàng trai xinh đẹp đáp.

Đó không phải là câu trả lời mà Mẫn mong chờ. Cậu ngẩn người, mãi cho đến khi chàng trai kia gọi cậu mới thoát khỏi trạng thái mộng mơ.

Rốt cục cậu chẳng tập trung nổi vào vở kịch. Cậu cứ thế quay sang nhìn chàng trai xinh đẹp, cẩn thận ghi nhớ gương mặt cậu ấy. Trông cậu ấy thật dễ thương khi nhìn từ góc độ này.

"Cậu ơi, cậu nhìn sân khấu chứ nhìn tôi làm gì?" tiếng nói của cậu ấy làm Mẫn ngượng chín mặt. Đã nhìn trộm còn bị phát hiện, thật là.

"Xin lỗi cậu."

"Tôi tên Tuấn." chàng trai xinh đẹp đột ngột nói.

"À, tôi tên Mẫn."

Cứ vậy đi, bắt đầu như thế là được rồi.

9.

Cả hai ra khỏi rạp hát khi mọi người đã ra về gần hết. Bình thường Mẫn sẽ ở lại nói chuyện với anh Chính hoặc anh Nguyên, nhưng có vẻ hôm nay nó sẽ phá lệ một lần.

Sài Gòn tối trời mát mẻ dễ chịu. Ánh sáng của đèn điện tạo thành không gian tràn ngập ánh sáng nhưng lại không rực rỡ mà mềm mại, dịu dàng. Tiếng người hát rong cùng tiếng chuông leng keng, tiếng xe đẩy hủ tíu gõ quyện vào nhau tạo nên sự sinh động của con người về đêm, khi người ta chỉ cần một cái ghế đẩu, thêm một cốc trà đá là đã dễ dàng cùng nhau chuyện trò đủ chuyện trên trời dưới đất. Về đêm còn là lúc những người ăn mặc màu sắc rủ nhau đến những tụ điểm vui chơi để giải tỏa căng thẳng.

"Cậu đói chưa, có muốn ăn gì không?" Mẫn là người bắt chuyện trước khi cả hai thả bộ ngược hướng dẫn tới nhà hát.

"Mình ở ngoài Hà Nội vào mà, cậu muốn dẫn mình đi ăn cái gì là tùy cậu." Tuấn nghiêng đầu cười. Hóa ra Tuấn bằng tuổi Mẫn, nhỏ hơn có hai tháng. Lúc biết Mẫn cũng bất ngờ, cậu đâu có ngờ người ta nhìn nhỏ nhỏ vậy mà bằng tuổi mình.

"Vậy đến nhà mình đi, mình biết nấu ăn một chút." Tuấn gật đầu khi nghe cậu đề nghị.

Nhà của Mẫn là lầu trên của một hiệu cầm đồ cho thuê. Cậu mướn được với giá rẻ, lại có đầy đủ bếp núc và kệ sách.

"Cậu ngồi đi." Mẫn bật đèn, để cho Tuấn ngồi trên cái trường kỷ cũ kĩ của mình. Chợt nó phát hiện ra quyển sáng được để trên bàn, ngạc nhiên khi phát hiện ra đó là sách của mình.

"Cậu cũng đọc quyển này à?" Tuấn giơ quyển sách lên khi Mẫn quay đầu lại.

"Ừ, ông chủ hiệu sách gần rạp hát giới thiệu cho mình đó." Mẫn gật đầu. "Sao vậy?"

"À không, đây là sách mình viết." Tuấn cười lớn. Nó có thể nhìn thấy nét ngạc nhiên trên khuôn mặt của người bạn mới.

"Mình không ngờ đấy. Mà thật ra vở kịch ban nãy chúng ta xem là của mình viết đấy."

"Xem cái cách cậu cứ nhìn mình mà không nhìn sân khấu là biết rồi." Tuấn trêu Mẫn, khiến cậu đỏ hết cả mặt.

"Sách của cậu hay lắm, thật đấy." Mẫn ngại ngùng nói. Biểu cảm của cậu càng khiến Tuấn cười dữ dội hơn nữa. Nó đứng lên rửa tay, bắt đầu xắt rau để nấu canh. Dù sao cũng không thể để Mẫn làm một mình được.

"Này, không cần đâu, để mình làm cho."

"Mình cũng không thích ngồi một chỗ. Với lại kịch bản cậu viết khéo lắm, cái này là khen thật lòng nhé." Tuấn xua tay.

"Cảm ơn cậu." Mẫn lí nhí đáp, không dám nhìn thẳng vào mắt Tuấn.

Bữa tối diễn ra trong không khí hòa thuận và thoải mái. Mẫn kể nhiều về chuyện kịch nghệ, về Sài Gòn, về những người cậu quen như anh Chính, anh Nguyên, chị Phương, anh Thu. Tuấn nói về một Hà Nội nên thơ với những hàng cây rợp bóng cùng những con phố cổ kính, những buổi chiều nhộn nhịp mà cũng bình yên ở bờ hồ Gươm. Nó cũng kể về anh Hiền, chú Tín, anh Thắng, cả chị Minh nhà hàng xóm hay sang cho anh em nó ít rau trước khi chị mang đi bán ngoài chợ. Mẫn chăm chú nhìn khuôn mặt sáng bừng của Tuấn, sự dịu dàng không tên vỗ về Mẫn như một cơn gió dịu dàng.

"Nhà cậu ở đâu, để mình đưa cậu về?" sau khi rửa xong bát đũa, Mẫn rót cho Tuấn một cốc nước.

"Đây này." Tuấn chìa quyển sổ ra. Mẫn gật gù, cũng không quá xa.

Cả hai về nhà anh Thắng trên chiếc xe máy cũ mà Mẫn mua lại từ chỗ anh Thu. Cảm giác gió đêm mơn trớn trên mặt thật dễ chịu. Khi Mẫn đỗ xịch trước cổng, Tuấn cảm thấy có chút nuối tiếc. Tiếc cơn gió đêm lạnh lạnh và cả tấm lưng ấm áp của cậu nữa.

"Ngày mai mình sang chở cậu đi chơi. Bảy giờ nhé." Mẫn cười đến hai mắt cong lại. Tuấn gật đầu, vẫy vẫy tay chúc người bạn mới ngủ ngon. Nhìn theo bóng lưng cậu dần khuất, nó chợt thấy chút xuyến xao nở rộ trong lòng.

"Cậu Tuấn về rồi à, đã ăn tối chưa?" chị Nga nhỏ nhẹ hỏi.

"Dạ rồi ạ."

"Ừ, vậy cậu tắm rửa rồi đi ngủ sớm đi, đừng thức muộn. Mai cậu cũng đi chơi chứ?"

Tuấn chợt nhớ tới bà lão ngồi bên cạnh mình trên chuyến tàu. Nó không biết bao giờ bà quay lại Hà Nội, nên quyết định ghé thăm bà.

"Dạ có, mai em đi với bạn em."

"Đã quen được bạn mới rồi à, cậu Tuấn nhanh thật."

"Em vô tình quen trong nhà hát thôi, chị ngủ ngon nhé."

Đêm đó, Tuấn chìm vào giấc mộng với một nụ cười.

10.

Ngày hôm sau, đồng hồ vừa điểm bảy giờ, Tuấn đã thấy Mẫn đứng ở cổng nhà anh Thắng.

"Cậu chở mình đi chỗ này được không?" Tuấn chìa dòng địa chỉ của bà cụ ra.

"Được chứ, chỗ này kế bên hiệu may mà mình làm việc này." Mẫn gật đầu. Hôm nay Sài Gòn vẫn tràn ngập ánh nắng, vẫn đẹp và vẫn rộn ràng.

"Cho em hỏi đây có phải nhà cụ Thanh không ạ?" Tuấn lễ phép hỏi người phụ nữ ở trước cổng.

"Đúng rồi, cậu tìm cụ à?"

"Dạ vâng, em ngồi kế bên cụ trên tàu từ Bắc vào, cụ nhắn bao giờ rảnh thì đến thăm cụ."

"À, ra là cậu trai mà mẹ tôi kể. Cậu vào nhà đi, bà cụ đang ở trong phòng khách đấy." người phụ nữ dẫn đường cho nó vào trong. Tuấn quay đầu vẫy tay với Mẫn, bảo rằng khi nào xong sẽ sang hiệu may với cậu.

Vừa bước vào trong, Tuấn đã choáng ngợp trước sự sang trọng của căn nhà. Bàn ghế được làm bằng gỗ tinh xảo, sàn lát gạch men bóng chỉ dành cho gia đình giàu có, tường sơn trắng. Nó thấy mình hơi rụt người lại trước căn nhà này.

"Ngồi đi cháu." bà cụ hiền lành bảo.

"Cháu không nghĩ là nhà sẽ lớn thế này." Tuấn rụt rè nói.

"Nhà của con bà đấy, không phải bà xây đâu, cháu đừng sợ."

Nói chuyện với cụ rất dễ chịu. Cụ Thanh có cả một cuộc đời dài để trò chuyện. Thời trẻ, cụ là bộ đội cụ Hồ, là quân Y của chiến trường. Đã biết bao lần cụ giành giật sinh mạng của các chiến sĩ với tử thần, những trận chạy bom, những đứa trẻ bị bỏ rơi. Tuấn nghe không sót dù chỉ một chữ. Hóa ra cụ cũng rất thích văn chương, cũng có tâm hồn bay bổng lãng mạn, yêu những cuốn tiểu thuyết tình yêu hay những bài ca êm ái.

"Bà ơi, ngày xưa làm sao bà biết bà yêu ông ạ?" Tuấn tò mò hỏi.

"Bà ư, ngày xưa bà cảm thấy như có hoa nở khi nhìn thấy ông vậy. Sao nào, cháu yêu ai sao?" bà cụ hỏi, nụ cười hiền hậu vẫn ở trên khóe môi.

"Cháu không chắc nữa bà ạ." trong đầu Tuấn hiện lên nụ cười của Mẫn khiến nó bối rối.

"Nếu yêu ai thì cháu cứ việc nói ra thôi, đừng để mình hối hận." bà nhẹ nhàng nói.

Tuấn chào bà khi bà tiễn nó ra cửa, đi sang hiệu may ở kế bên. Nó ngẩn người khi nhìn thấy Mẫn nghiêng đầu, chăm chú viết cái gì đó vào giấy, một ít nắng trải trên khuôn mặt cậu, lấp lánh. Cậu mau chóng phát hiện ra nó, vẫy tay như một đứa trẻ.

Nó che giấu xúc cảm rối bời trong đáy mắt, mỉm cười lại gần cậu. Có lẽ chuyện này chỉ nên là một bí mật của riêng nó mà thôi.

11.

Mẫn ngồi đằng sau quầy, hí hoáy viết kịch bản cho vở kịch tiếp theo, tiếng bút sột soạt trên giấy bị tiếng máy may chạy át đi mất.

"Hôm nay tưởng ngoan ngoãn đi làm thế nào, hóa ra là sang đây viết kịch bản." chị Phương gõ đầu cậu một cái. Chị mạnh mẽ hơn bất kì người nào cậu biết: một mình chèo chống cả một hiệu may, bỏ qua những gièm pha từ họ hàng, vượt qua giông bão khi suýt chút chị bị hại phá sản. Chị Phương đã hào phóng nhận Mẫn làm thợ học việc ở tiệm của chị khi anh Chính giới thiệu, còn thỉnh thoảng dấm dúi cho cậu ít tiền mua giấy mực.

"Hôm nay vắng người mà chị, với lại em chờ bạn em nữa." Mẫn tặc lưỡi.

"Đâu chị xem nào? Hai người đàn ông yêu nhau? Cậu liều nhỉ, nhiều người kì thị lắm đấy." 

"Chị Phương thì sao?" Mẫn ngẩng đầu lên, hồi hộp hỏi.

"Chị mày chả thấy sao. Chừng nào mà có ai cướp cơm chị thì chị mới thấy sao." chị Phương tỉnh bơ đáp khiến Mẫn bật cười. Kiểu nói chuyện này đúng là phong cách chị Phương, không sai lấy một ly.

"Sao, cậu thích cái cậu nhóc mà sáng cậu chở đúng không?" 

"Em không biết nữa." Mẫn đỏ mặt. 

"Lại còn bày đặt ngại." chị Phương bĩu môi trước khi quay lại với chồng vải cao ngất ngưởng.

Mình có thích cậu ấy không, Mẫn đã tự hỏi mình như thế. Cậu viết thêm một lát nữa rồi ngừng bút. Vừa quay mặt sang, cậu đã bắt gặp Tuấn đứng trước cửa. Cậu đưa tay vẫy vẫy nó, tinh tế nhận ra khoảnh khắc nó hơi khựng lại nhưng không nói ra.

Có thích hay không, sau này hẵng nói.

12. 

Những ngày sau đó, Mẫn dùng con xe máy của mình đưa Tuấn đi khắp nơi. Cả hai ghé chợ Bến Thành mua một ít quà lưu niệm cho mọi người. Cũng chẳng biết Mẫn tìm đâu ra những góc nhỏ xinh xắn, dù rất đẹp nhưng ít người biết tới.

"Đẹp thật, làm sao cậu tìm ra thế?" Tuấn cảm thán.

"Bí mật." Mẫn tủm tỉm cười. Tuấn ngại ngùng quay đi, tiếp tục ngắm nghía chung quanh. Đây là một quán trà nhỏ có mùi hương nhẹ nhàng của trà được rang với các loại hoa. Nó quyết định mua một ít mang về cho chị Nga. Chị thích nhất là uống trà.

Mẫn còn dẫn cậu đi cả vùng ngoại ô sình lầy với những cây cỏ lau cao hơn cả người, có đàn bò ung dung gặm cỏ và trẻ con chơi thả diều, đuổi bắt. Trong cùng một thành phố, ta lại có thể bắt gặp những hình ảnh hoàn toàn đối lập, tạo nên một Sài Gòn phong phú, năng động, cũng rất đỗi bao dung.

"Cậu có muốn đi nhà thờ Đức Bà xem thử không?" Mẫn hỏi khi cả hai đang ngồi ở một quán cơm bên đường. Những quán ăn nhỏ không cần bảng hiệu, không cần sang trọng rình rang vẫn có những món ăn với hương vị tuyệt vời chinh phục lòng người.

"Mai dẫn mình đi đi." Tuấn hào hứng nói. Mẫn nhìn nó bằng ánh mắt dịu dàng, mỉm cười khi thấy sự vui vẻ của nó.

Mẫn thật sự dẫn Tuấn đến nhà thờ. Cậu còn dẫn nó đi một phòng bưu điện thành phố, sau đó đèo nó sang tận phố người Hoa. Chiếc xe máy kêu ồ ồ và bóng lưng ấm áp của Mẫn bỗng trở nên quen thuộc với Tuấn suốt mấy tuần qua. Nó lặng lẽ dựa vào lưng cậu, ngắm nhìn từng tòa nhà vụt qua. Nắng hoàng hôn ấm áp phủ lên mọi thứ như một lớp mật ong ngọt ngào, khiến mọi thứ như tan ra. Tuấn ghi nhớ tất cả những điều này, một chút cũng không quên.

13.

"Ngày mai mình sẽ về lại Hà Nội. Mấy tuần qua, cảm ơn Mẫn nhiều." Tuấn nói khi Mẫn đưa nó về nhà.

"Được, mai mình ra tiễn cậu." Mẫn đáp, cố gắng để tự nhiên nhất có thể. Nó có chút lưu luyến nơi này, lưu luyến cả cậu nữa.

Tuấn vụng về vẫy tay rồi vào trong, lặng lẽ sắp xếp hành lý. Thời gian trôi nhanh như vậy, chẳng mấy chốc mà ngày về lại Hà Nội đang ở ngay trước mắt. Nó thở dài, nhìn tấm ảnh nó và Mẫn chụp chung. Dù sao nó cũng đã đưa cho Mẫn địa chỉ để hai đứa viết thư, chắc sẽ không tệ đến mức mất liên lạc đâu nhỉ.

Ngày hôm sau, anh Thắng đưa nó ra ga Sài Gòn. Nó không thấy Mẫn đâu cả, trong lòng có chút hụt hẫng. Anh Thắng đã về được một lúc, Tuấn đưa mắt nhìn sắp sân ga, ôm chút hi vọng nhỏ nhoi. Khi nó từ bỏ, thất vọng quay đầu đi, một tiếng gọi quen thuộc vang lên.

"Tuấn ơi!"

Mẫn chống gối thở dốc khiến Tuấn phì cười. Lần nào cậu cũng gấp gáp như vậy cả, cho dù là lần đầu tiên hay lần này vẫn vậy.

"Lần sau mình ra Hà Nội, cậu là chủ nhà đi."

"Được." Tuấn gật đầu. Đột nhiên một bàn tay phủ lấy mắt nó, khiến tầm nhìn của cậu trở nên tối đen. Tiếng còi tàu cũng trở nên nhòe đi, dòng người hối hả qua lại, chẳng một ai để ý đến hai người. Nó cảm nhận được một đôi môi ấm áp hôn mình, dịu dàng và ngọt ngào. Tuấn nắm lấy vạt áo của Mẫn, nghiêng đầu kéo cậu lại gần hơn một chút. Khi hai người tách ra, nó thấy cậu bối rối nhìn mình, ngượng ngùng đẩy nhẹ vai nó.

"Cậu lên tàu đi, coi chừng muộn, mình sẽ viết thư cho cậu."

"Được. Mình yêu cậu." Tuấn mỉm cười, vội vàng lên tàu để che đi khuôn mặt đỏ lựng của mình.

Mẫn ngây người đứng đó, nhìn theo đoàn tàu khuất trong ánh mặt trời giòn tan.

14.

Nửa năm sau khi về lại Hà Nội, mỗi tuần Tuấn đều nhận được thư của Mẫn gửi ra. Mỗi lá thư đều được bắt đầu bằng "Tuấn thương mến" và kết thúc bằng "Thân yêu". Nó luôn cất giữ những lá thư này thật cẩn thận. Mẫn chẳng viết gì hoa mĩ, chỉ toàn xoay quanh chuyện thường ngày như viết kịch bản thi thoảng rơi vào bế tắc, anh Nguyên trở nên nóng nảy bất thường, hóa ra là sắp lấy vợ nên cái gì cũng sốt ruột, đứa thứ hai nhà anh Thu là con trai, giống bố y hệt, anh Chính cứ cuống hết cả lên mỗi lần chị Chuyên đau bụng dù chưa tới ngày sinh, chị Phương được một ông người Anh cầu hôn, và cậu nhớ Tuấn biết nhường nào.

Những lá thư Tuấn gửi lại cho cậu cũng đơn giản như vậy. Cậu đã viết được hai cuốn sách, dịch thêm một cuốn tiếng Nga, anh Hiền đang hẹn hò với một chị gái xinh đẹp gần nhà, chú Tín vừa có thêm cháu, chị Minh cuối cùng cũng gom đủ vốn mở một sạp rau trước nhà, và nó nhớ Mẫn nhiều không kém.

Lá thư hôm nay của Mẫn đọc có vẻ kì lạ hơn bình thường. Cậu kể về hai chàng trai yêu nhau, nhưng bị gia đình ngăn cấm, một trong hai phải bỏ đi thật xa. Chuyến hành trình dài đến vô tận, để lại sau lưng nỗi đau của một tình yêu khôn nguôi, Mẫn đã viết như thế. Nó lo lắng không biết có chuyện gì đã xảy ra. Khi nó đọc đến những dòng cuối cùng, khi hai chàng trai cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc bên nhau, có một khổ thơ của Xuân Diệu được Mẫn viết vào.

Kể chi chuyện trước với ngày sau;
Quên gió môi son với áo màu;
Thây kệ thiên đường và địa ngục!
Không hề mặc cả, họ yêu nhau.

Nó nghe được một giọng nói quen thuộc đọc bài thơ lên, có lẽ nó nhớ cậu quá nhiều rồi. Nhưng bóng người phủ lấy khiến nó phải buộc lòng ngẩng đầu, kinh ngạc khi thấy nụ cười ấm áp mà nó vẫn mơ về hằng đêm ở ngay trước mắt. Nó lao vào vòng tay rộng mở của Mẫn, ôm siết lấy cậu thật chặt, đặt tất cả nhớ thương vào nụ hôn hai người trao nhau.

"Lần này thì đến lượt cậu trở thành chủ nhà rồi nhé." Mẫn cười, dịu dàng vuốt tóc nó.

"Được, mình làm chủ nhà của cậu cả đời."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro