[1]
Kể từ cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa một ông lão và một cậu thiếu niên nọ, mối duyên được liên kết cũng là lúc thế giới vận hành, và câu chuyện bắt đầu như sau:
"Chàng trai trẻ, ta thấy cậu là người có thiên phú dị bẩm, cốt cách thanh kỳ, phong tư trác tuyệt, quả là kỳ tài ngàn năm có một, sau này hẳn sẽ gặp được nhiều mối kỳ ngộ, tương lai ắt sẽ có quý nhân đi theo phò trợ (chính là ta đây này). Nay đã gặp nhau ở đây coi như duyên phận, ta quyết định truyền lại tuyệt học cả đời cho cậu, từ đây phục hưng môn phái Đỉnh Thiên Lập Địa. Trò ngoan, ý con thế nào?"
Nghe xong một tràng dài lý thuyết không hề ngắt nghỉ lấy hơi, chàng trai không mảy may động lòng:
"À thôi, cháu không cần đâu ạ. Cảm ơn ông. Cái gì tốt thế thì ông cữ giữ lại mà dùng đi ạ."
"Tốt lắm! Quả là như vậy. Ta rất thích sự nhiệt huyết này của con...? Ủa khoan, trò vừa nói gì cơ?"
Lão già nghe không rõ. Hình như nó nói "không cần" hay sao ấy nhỉ, không không, phải là "cảm ơn thầy, con nhất định sẽ thay người chinh phục đỉnh cao!" mới phải chứ!
"Cháu từ chối ạ, học gì học xong mà lãng tai như ông thì thôi ạ. Với lại ông đừng gọi cháu là học trò, cháu có quen ông đâu."
Nghe vậy, ông lão run bắn cả người, phần vì giận dữ, phần vì bẽ mặt mà quát: "Hoang đường! Sao ngươi lại hồ đồ như thế! Ngươi có biết thứ này có thể đưa ngươi đến cảnh giới cao nhất của đạo tu, bước một chân vào lãnh địa của thần linh hay không?"
"Vâng vâng vâng, từ lúc cháu rơi xuống đây ông đã nói câu này tám lần rồi ạ. Thay vì thế, chẳng phải chúng ta nên lấp đầy cái bụng đói trước hay sao?"
Như để đồng tình với quan điểm của chàng, một tiếng rột rột rất chi là bẽ mặt từ bụng ai đó vang lên.
"Đúng là đồ thiển cận." Ông lão vừa nói vừa bứt lá cây cho vào miệng với vẻ mặt cau có: "Đây là công pháp tu tiên đã thất truyền từ thời thượng cổ đến nay, trường sinh, sức mạnh, quyền lực, tất cả, nó sẽ cho ngươi tất cả, ta nói mà sao ngươi không thủng thế thiển cận, đúng là nông cạn!..."
Chàng trai nhìn cảnh đó hết sức buồn cười, ngoài mặt chàng đáp: "Không biết ai mới thiển cận đây ông ơi? Cái ăn mà không lo thì thành con ma đói."
"Mi xỉa xói ai đấy? Ta hẵng còn sống nhăn ra đây này!"
"Cháu tự nói mình thôi." Chàng trai nhún vai không thèm để ý, thấy sắc trời dần tối, chàng nằm xuống nền đá, muốn dùng giấc ngủ để lấp đầy cơn đói.
Lão già hừ một tiếng nhắn nhó, cười nhạo: "Nước đổ đầu vịt, ngươi mà chịu tiếp thu công pháp của ta thì cho dù nhịn đói trăm năm cũng chẳng hề hấn gì."
Chàng trai hỏi vặn: "Thế ông học chưa ạ?"
"Dĩ nhiên! Ta tự hào là người giỏi nhất trong số những kẻ từng tu luyện công pháp..." này.
"Nhưng giờ ông vẫn đói mốc lên như cháu thôi."
Lão già xị mặt, cao giọng đáp: "Nếu không phải bị kẻ tiểu nhân hãm hại, tu vi tàn phế thì sao ta có thể lâm vào bước đường này?"
Chàng trai lật người, nói một cách vô thưởng vô phạt: "Ôi vậy thì thật khổ thân cho ông quá, mạnh thế mà vẫn thua người ta. Thôi ông ngủ đi, mai cháu đưa ông ra ngoài vậy..." Nói rồi, đôi mắt nặng nề khép lại, chàng trai thiếp đi trong cơn mỏi mệt, bỏ lại mọi tạp âm ở thế giới bên ngoài.
Chàng trai đó tên là Lâm Trạch Dương.
.
Nói về xuất thân, Lâm Trạch Dương là con trai út nhà họ Lâm nghèo kiết xác trong một thôn nghèo kiết hủ lậu tại một vùng "đất không lành chim chẳng thèm đậu", hẻo lánh đến nỗi chó không có đá mà ăn, gà không có sỏi để mổ.
Thực ra chàng đâu phải con ruột của nhà này, mà khi còn sơ sinh bị bỏ rơi trong cánh rừng dưới chân núi được bố nuôi nhặt về lúc đi kiếm củi vào mùa đông. Chàng lớn lên trong tình yêu thương, cùng hai ông bà già sống nương tựa lẫn nhau trong hoàn cảnh khốn khổ.
Bố mẹ đáng tuổi ông bà hắn, có với nhau mấy đứa con trai con gái đều đã rời làng đi nơi khác, lập nghiệp hay kết hôn đều ở vùng xa. Sau này chắc họ cũng chẳng quay về cái nơi tồi tàn này phụng dưỡng cha mẹ già nữa, chẳng thể trông cậy được gì. Chỉ có đứa bé nhỏ như cháu mình còn quẩn quanh bên cạnh.
Nói về tài cán, tuổi nhỏ, Dương đã là một đứa trẻ lanh lợi sáng dạ, chăm chỉ ngoan ngoãn.
Nhà ông cụ sống bằng nghề điêu khắc gỗ. Lớn một tí, chàng học nghề của bố, ngoài giúp ông tỉa mấy cây cột nhà cửa nẻo, chàng cũng thường đục đẽo những hình động vật hoa lá nhỏ xin rồi đem bán như món thủ công cho bọn nhỏ, hoặc mang lên thị trấn kiếm chút tiền tiêu vặt vào những phiên chợ lớn hay những dịp lễ lạt trong năm. Tay nghề chưa đến mức điệu nghệ, nhưng cũng có khách quen là mấy đứa trẻ con trong làng, gọi là có còn hơn không.
Năm 10 tuổi, có một thầy dạy học từ thị trấn về làng, vui vui thì nói là cáo lão hồi hương, chứ thực ra là măng lên lớp lớp đã không có nhiều tài cán thì khỏi tranh việc với người trẻ. Trên trấn thì ông chỉ là thầy giáo quèn, nhưng về cái làng hẻo lánh này thì nghiễm nhiên thành người đức cao vọng trọng, có ăn học, có tiếng nói nhất. Về làng, thấy Dương còn nhỏ mà đã có lòng ham học nên nhận làm học trò. Thầy giáo thấy trò thông tuệ, sáng dạ, học một biết mười nên càng quý.
Biết chữ và một vài tri thức cơ bản, Dương lại có thêm một công việc mới, đó là thỉnh thoảng lên thị trấn giúp việc sổ sách cho nhà ông chú họ hàng xa, người mở một quán cơm. Thành ra chàng cũng gọi là có đồng ra đồng vào, một khoản tiết kiệm, khoản để thi thoảng mua cho bố mẹ chút quà vặt. Hai ông bà vô cùng tự hào vì có đứa con hiếu thảo, ăn đứt mấy đứa con ruột chả biết chết ở xó nào rồi.
Nói về ngoại hình, việc nó là con nuôi thì cả làng cả tổng, họ hàng gần xa, hay người lạ đi qua cũng biết. Không phải vì ông bà lão lu loa lên, mà vì thằng bé trông khác xa bố mẹ.
Người quê lam lũ quanh năm, mấy ai có được ngoại hình sáng sủa đẹp đẽ. Thế mà thằng con rơi con nhặt lại trắng trẻo xinh xắn, tuy cũng vất vả từ bé nhưng lớn lên ngoại hình xuất chúng, dáng người cao gầy trông yếu ớt quý giá như chim hoàng anh trong lồng vàng. Thi thoảng Dương cũng bị bắt nạt vì trông yếu nhớt nên lần nào cũng đánh nhau ra trò. Ngày nào cũng vượt núi băng sông từ làng lên thị trấn làm việc, nó lại chẳng khoẻ hơn gấp mấy lần bọn ranh con vùng đồng bằng kia. Nói chung, hai ông bà đoán bố mẹ ruột nó phải là nhà quyền quý hưởng thụ vinh hoa châu ngọc nên mới di truyền cái vẻ công tử ca ấy.
Không chỉ vậy, về mặt tính cách thì khỏi phải nói. Hỏi có đứa con trai nào vừa hiền lành, ôn hoà, thân thiện như nó? Tuy nói thực rằng nó không nghịch ngợm năng động như con nhà khác, nhưng bù lại, Dương luôn kiên nhẫn, điềm tĩnh, lại yêu thương, hiếu thảo, kính trọng bề trên. Đấy là người ngoài đồn Dương hiền ngoan thế này thế kia, chứ lúc nó bày trò tinh quái người ta cũng đâu có biết.
Có lẽ từ đó tới giờ, cuộc đời chàng không có chỗ nào để chê, thế nhưng thực ra cũng có điều phiền toái nho nhỏ. Trời cao đố kị nhân tài, Lâm Trạch Dương nghĩ mình có bệnh nan y, hoặc không thì cũng bị yếm bùa.
Từ năm vừa tròn 12 tuổi, Dương đêm nào cũng nằm mơ, liên tục ròng rã ba năm trời cho đến bây giờ. Giấc mơ về cuộc đời của một người từ bần cùng đi đến đỉnh cao, một huyền thoại, một mặt trăng được vây quanh bởi các vì sao, một người chắc chắn sẽ được chọn làm nhân vật chính trong tiểu thuyết dân gian.
Nhưng không chỉ thế! Cái tên nhân vật chính đáng ghét kia giống chàng như đúc! Tên cũng giống! Ngoại hình cũng giống! Trải nghiệm cuộc đời cũng giống!
Điều này khiến chàng tự hỏi liệu đây có phải tương lai của mình không? Hay là ảo tưởng? Hay là kí ức tiền kiếp của mình? Hay có lẽ đó còn chẳng phải chàng, chàng chỉ chiếm lấy thân xác này thôi vì cái người kia có tính tình chẳng giống chàng tẹo nào.
Nhưng mà không một ai giải đáp. Chỉ thế thôi thì không sao, trừ việc ngày nào mơ mộng chán chê, chàng cũng bị đau đầu rất dữ dội. Cơn đau thường kéo dài không lâu lắm, nhưng ai mà chịu nổi bệnh đau đầu kinh niên thế này? Huống chi nó còn là sự đau buốt như in hằn lên xương tuỷ.
Bốc thuốc vô ích, đủ thể loại cách chữa dân gian cũng vô rác dụng, Dương còn làm được gì ngoài cam chịu đây hả?
.
Trong giấc mơ đêm nay, chàng lạc vào một khoảng không trắng xoá, điểm trên đó là những vệt đen trôi nổi, phát ra tiếng ù ù. Rồi Dương nghe thấy một giọng nói như vọng từ cõi hư vô:
"Lâm Trạch Dương, ngươi có hối hận không?"
Về điều gì?
"Lâm Trạch Dương, ngươi đã mãn nguyện chưa?"
Về điều gì?
"Lâm Trạch Dương, nếu có cơ hội làm lại, ngươi có tiếp tục cuộc sống mà ngươi đã lựa chọn không?"
– Không...!
Lâm Trạch Dương bừng tỉnh, theo sau là cơn đau đầu như búa bổ. Cơn đau này ập đến bạo liệt như núi đổ, nhưng cũng lặng lẽ như muốn nhấn chìm cả linh hồn xuống dưới đáy biển. Chàng thoi thóp tựa vào người vào tường một cách yếu ớt, không thể tỉnh táo để nhận thức. Mãi đến một lúc sau sự đau đớn mới rút đi từ từ như thuỷ triều.
Chàng thở phào nhẹ nhõm. Định thần lại, Dương thấy sắc trời tối mịt, chỉ có một mặt trăng tròn vành vạnh treo trên đỉnh đầu, toả ánh sáng mát lạnh. Còn ông lão khẩn thiết đòi nhận chàng làm học trò nằm cạnh vẫn đang say giấc nồng.
Hoá ra giấc mơ chẳng lâu lắm, có lẽ cơn đau đầu cũng thế, nhưng chàng đã mất nhận thức rồi nên chẳng cảm nhận được gì. Còn bây giờ, hẳn nên ngủ tiếp thì hơn, vì ngày mai có thể sẽ rất bận rộn.
Nằm xuống, trong đầu chợt hiện lên giấc mộng mờ ảo ban nãy, Dương thì thầm như để trả lời: – Không... đó, không phải là ta. Còn mi, mi là ai vậy?
Đêm đen bao trùm lấy mặt trăng cô độc. Dường như có lời sấm ngôn đang tan vào trong hư ảo.
" Ta? Ta là người tuyên bố rằng: Lâm Trạch Dương, ngươi đã bị trục xuất khỏi thần đàn."
❄️
lảm nhảm
-warning: lowercase-
ông lão: trò ngoan...
chàng trai: ông đừng thấy người sang bắt quàng làm họ nữa đi!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro