Q3 - Chương 2: Đám cưới người Dao
Xuất phát từ Hà Nội vào lúc sáu giờ sáng, chạy theo Quốc Lộ 1A đến hơn mười giờ mới tới thành phố Lạng Sơn. Bốn người bọn hắn kéo nhau đi ăn phở vịt quay đặc sản ở Lạng Sơn. Sau hơn bốn tiếng ngồi trên xe lúc này được thoải mái duỗi cái lưng, ăn bát phở vịt thơm lừng. Thầy Giáp miệng bóng mỡ nói
- Ngon, ngon thật... vừa béo ngậy lại thơm, ăn với măng chua đúng là ngon. Hay làm thêm bát nữa nhỉ?
Nói dứt câu thầy Giáp lại úp mặt vào bát húp xì xụp. Trước khi rời khỏi thành phố Lạng Sơn thầy Giáp còn bắt hắn đi vòng vèo tìm mua hai bọc bánh Cao Sằng và bánh Áp Chao mang lên xe ăn dần.
Nhà chị Huệ ở huyện Lộc Bình, lên cửa khẩu Chi Ma cũng khoảng mười bốn cây số. Giáo sư Lê đã tính toán rồi. Phương hướng cụ thể khoảng từ phạm vi cửa khẩu Chi Ma đi sâu vào Trung Quốc thuộc địa phận Quảng Tây. Từ đây hắn phải tìm huyệt lớn tại phạm vi này.
Rời thành phố Lạng Sơn, bọn hắn đi theo quốc lộ 4B đến Lộc Bình. Con đường này xe ô tô tải, contener chạy rầm rập suốt ngày đêm. Vừa mới ăn no xong gặp phải đoạn đường xóc, thầy Giáp vuốt vuốt ngực cố nén cơn buồn nôn.
Cứ mỗi lần thầy Giáp ục ục trong miệng một cái, Tùng kều lại hốt hoảng kề túi nilon vào tận miệng thầy Giáp tận tình chăm sóc. Mới nhìn qua còn tưởng nó xót xa cho thầy Giáp lắm. Chẳng qua là nó sợ cái đám phở Vịt, bánh Cao Sằng, Áp Chao bay như hoa khắp sàn xe của nó.
Sau gần một tiếng, bọn hắn mới đến Lộc Bình. Đây là một huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn, núi non trùng điệp bao quanh. Nhà chị Huệ lại nằm ở ven huyện Lộc Bình. Đồi núi, cây cối xanh um, căn nhà xây bằng gạch đổ mái bằng có ba gian nhà ngang và hai gian nhà dọc ôm lấy cái sân gạch.
Biết bọn hắn lên, vợ chồng chị Huệ đã thấp thỏm chờ sẵn. Ở trên này hai vợ chồng chị làm ăn cũng có của ăn của để, nhưng lúc nào cũng bận rộn chả mấy khi có thời gian về xuôi thăm anh em họ hàng. Vì vậy nghe nói hắn và anh Quyết lên thì mừng lắm.
Vừa mới đỗ xe, thầy Giáp lao vội xuống tìm một gốc cây to chúi đầu vào đấy nôn òng ọc. Ngẩng đầu dậy đang vuốt vuốt ngực, từ đâu một con chó vàng to lao ra gầm gừ nhìn thầy Giáp. Nhìn thấy hàm răng của nó nhe ra, thầy Giáp sợ quá, cái đám đang dâng lên thập thò tới cổ vội tụt xuống. Chừng như phát hiện ra điều gì đó, con chó vàng bỗng nhiên sủa ăng ẳng ra sức ngoe nguẩy cái đuôi. Thầy Giáp thừa dịp nó còn đang chăm chú đến cái gốc cây vội vọt ra chỗ cổng sân chạy tọt vào nhà.
Bữa cơm chiều, rôm rả tiếng cười nói. Rượu vào lời ra, bao nhiêu tâm tình anh Quyết với chồng chị Huệ đem ra nói vung trời. Bọn trẻ con ăn xong từ sớm đã đi học bài. Chị Huệ thì xuống bếp dọn dẹp. Trên nhà chỉ còn cánh nam giới vẫn đang khề khà. Giọng anh Lân chồng chị Huệ đã bắt đầu nhừa nhựa, nhưng anh vẫn còn tỉnh táo lắm
- Này hay ngày mai mình vào Pò Phát trong Đình Lập đi. Cái thằng A Xẻo vẫn đi chở hàng cùng anh, con trai nó lấy vợ có mời anh đấy. Các chú có muốn đi xem đám cưới người Dao không?
Vừa nghe đến vào bản người dân tộc tham dự đám cưới, hai mắt hắn và Tùng kều sáng ngời hưng phấn. Thầy Giáp bắt đầu say gật gà gật gù nói
- Đi thì đi... cái cột đó nó có chân chạy mất đâu mà lo
Thấy bọn hắn gật đầu như con gà mổ thóc anh Quyết hỏi
- Đi vào đấy cũng năm, sáu mươi cây. Đám cưới buổi chiều à?
- Mình vào đó trước, buổi chiều mới đi đón dâu. Anh Lân đáp.
- Có phải đi bộ không ạ? Hắn hỏi.
- Hầu hết là đi bộ, đường rừng núi không đi xe được. Anh Lân đáp.
- Hay thầy ở nhà đi, quốc bộ như thế đi sao nổi. Tùng kều quay sang thầy Giáp đề đạt ý kiến
- Ở nhà... là ở nhà thế nào... sao cứ có chuyện hay ho... là chúng mày tính gạt tao sang một bên vậy hả trời?
Thầy Giáp lèm bèm, lè nhè nói câu được câu mất rồi nằm còng qoeo xuống chiếu không dậy nổi. Hắn và Tùng kều phải khênh thầy Giáp xuống nhà dưới đi ngủ.
Sáng sớm ngày hôm sau, anh Lân và chị Hoa dậy sớm lục xục chuyển bị đồ ăn nước uống cho mấy người mang theo. Hắn và anh Quyết ngồi trên thùng xe ngắm nhìn trời đất, núi non trùng điệp xanh ngút tầm mắt. Những con đường ven sườn núi qoanh co khúc khuỷu, thỉnh thoảng bắt gặp một tốp các thiếu nữ người dân tộc đeo gùi đi bộ, những tua rua màu đỏ lắc lư theo từng bước chân các cô gái.
Chín giờ sáng, bọn hắn gửi lại xe bắt đầu đi bộ. Con đường mòn trên núi cây cối, cỏ lau cao ngút đến thắt lưng. Nắng bắt đầu lên chiếu những tia nắng vàng rực trên sường núi. Trên trán mọi người bắt đầu lấm tấm mồ hôi. Thầy Giáp mặt đỏ phừng phừng hỏi
- Còn bao xa nữa? Sao đi mãi mà vẫn chưa đến nơi?
- A... còn một khăn vắt vai nữa thôi là đến nơi rồi.
Người đàn ông dân tộc đi trước dẫn đường quay đầu hồn nhiên cười với thầy Giáp.
- Là sao? Cái gì mà một khăn vắt vai? Thầy Giáp nhăn nhó hỏi.
- Là đi đến khi nào khăn trên vai ướt mồ hôi nặng rồi thì chuyển sang vai kia. Như thế được gọi là một khăn vắt vai. Anh Lân vẫn cắm đầu đi chẳng buồn quay lại chỉ đáp lời thầy Giáp
Thầy Giáp thấy chóng mặt liêu xiêu bủn rủn cả chân tay
- Mẹ ơi...! Đi đến khi nào thì mới ướt cái khăn vắt trên vai chứ? Tao đây chả ướt đến mấy cái quần đùi rồi ấy. Thầy Giáp kêu than chỉ muốn chửi bậy một câu.
Sau khi ướt thêm vài cái quần đùi như lời thầy Giáp nói, bọn hắn cuối cùng cũng đến nơi. Ngôi làng nhỏ trên núi lưa thưa vài mái nhà tranh tre, hàng rào xiêu vẹo. Người Dao ở đây không ở nhà sàn như hắn tưởng. Ngôi nhà đắp nền đất tường đất. Ngoài sân lợn gà, trẻ con đi chân trần chạy chơi khắp nơi. Người lớn đang tụ tập trong nhà, tiếng cười nói rộn rã. Đám phụ nữ người Dao mặc đồ màu chàm vấn khăn đỏ tụ tập làm cỗ bàn bên hông nhà.
Chú rể mặt non choẹt đang ngại ngùng trước những lời bông đùa của đám đàn ông đang ngồi quây quanh bếp lửa. Rượu từng hũ được xếp dài sát vách. Lễ cưới của người Dao được gọi là Lễ uống rượu, chả trách ở đây lắm rượu như thế. Bàn A Xẻo là một người đàn ông chất phác chừng mới bốn mươi tuổi mà cả đàn con lóc nhóc. Thấy bọn hắn đến anh vui vẻ ra mặt, cứ líu ríu cười nói suốt.
Một giờ chiều, nhà trai bắt đầu chuyển bị đi đón dâu. Chú rể mặc trang phục người Dao Thanh y, vạt áo ngắn màu chàm, treo trên người đủ loại dây rợ màu đỏ có gắn các miếng vải thêu trông y hệt như các lá bùa trước ngực. Chàng trai trẻ cười cười ngượng nghịu để mọi người phục sức cho mình. Bình thường người Dao khi đi đón dâu chú rể không được đi cùng. Chỉ có người Dao Thanh Y là chú rể trực tiếp đi đón cô dâu. A Xẻo vui cười hớn hở, hệt như là anh ta sắp cưới vợ vậy. Trong đoàn đi đón dâu hắn với Tùng kều cũng đi theo để xem cho biết.
Đi bộ hơn một tiếng đồng hồ cuối cùng cũng đến bản nhà cô dâu. Bốn người phụ nữ cầm sợ dây đỏ giăng ngang đường đi. Họ cất lên một bài hát chúc mừng bằng tiếng Dao bọn hắn chẳng hiểu gì cả. Người đàn ông đi đầu bên nhà trai vui vẻ móc túi lấy mười hai nghìn đưa cho họ để mở dải lụa đào. Qua thêm một chặng giăng dây ngáng đường nữa bọn hắn mới vào đến nhà cô dâu. Trước cửa buồng cô dâu cũng có bốn người phụ nữ giăng dây đợi sẵn. Người đàn ông lại vui vẻ lấy mười hai nghìn đưa cho họ mở cửa để chú rể vào đón cô dâu.
Cô dâu mặc trang phục dân tộc Dao, chùm đầu bằng một chiếc mũ với những tua rua màu đỏ che kín mặt. Chú rể và cô dâu đều được một người lớn tuổi dắt đi bằng một sợi dây màu đỏ. Đoàn người nhà gái đưa cô dâu về nhà chồng. Đến trước cửa nhà trai, thầy mo dải sẵn một sợi thắt lưng màu đỏ ngay ngạch cửa. Cô dâu bước qua sợi dây trong tiếng cười nói phấn khởi của hai họ.
Vào đến nhà chồng các thủ tục lễ lạy, uống rượu được làm phép của thầy mo trên chiếc chiếu tượng trưng cho chiếc giường hạnh phúc xong, hai người chính thức là vợ chồng. Chú rể đưa cô dâu vào buồng riêng.
Cỗ bàn chính thức được bày ra trên chiếu, người nhà hai họ ngồi xuống bắt đầu uống rượu ăn cỗ, tiếng hát mừng cất lên du dương. Người nọ hát nối người kia. Lần đầu tiên trong đời bọn hắn chứng kiến một lễ cưới người Dao, không khỏi bỡ ngỡ cũng ngạc nhiên phấn khích. Các đôi trai gái người Dao cũng nhân dịp này mời nhau uống rượu hát giao duyên để làm quen. Âm thanh trầm bổng du dương vang vọng khắp núi rừng, lâng lâng theo tâm tình của những người trong cuộc.
Rượu được mời nhau bằng bát, thịt gà thịt lợn bày trên nia tre. Người người đều say men rượu nồng. Trong lúc vui vẻ anh Lân hỏi A Xẻo
- Tại sao chỗ chúng mày bày trên bàn thờ nhiều bát đũa thế đến mười hai cái liền?
- A... mười hai cái bát là mười hai dòng họ tổ tiên của ngươi Dao chúng tao. A Xẻo đáp.
Hắn và Tùng kều bắt đầu chếnh choáng, thầy Giáp thì đã lăn quay ra chiếu từ lâu rồi. Rượu men lá cây trong suốt như pha lê sủi bọt tăm, thơm nồng. Tiếng rượu rót vào bát thánh thót trong veo, uống êm mà không gắt. Từng bát rượu hào sảng được mời nhau ực ực rót qua cuống họng. Tiếng hát càng về khua càng tình tứ sâu lắng đượm hương nồng. Rượu vào lời ra, hắn lè nhè hỏi A Xẻo
- Em nghe nói vùng này của các anh có ma gà, ma xó. Có thật vậy không?
- A... tao không có biết đâu. Chuyện từ lâu rồi... Các thầy Mo cũng có nói. Nhưng mà chưa nhìn thấy. Chỉ biết thế thôi. A Xẻo đáp.
Bọn hắn cũng thuộc dạng tửu lượng cao vậy mà không đấu lại nổi nam thanh nữ tú ở đây. Chừng như thấy bọn hắn không chịu nổi nữa, A Xẻo cho người đưa hắn, Tùng kều và thầy Giáp sang nhà ông thầy mo gần đó ngủ nhờ. Hai thằng bọn hắn chân nam đá chân xiêu khật khừ hát ông ổng đi theo hai thanh niên người Dao đang khênh thầy Giáp về phía nhà thầy Thoong.
Chả còn biết mình đang ở chỗ nào, hắn lăn ra chiếu ngủ như chết. Rất lâu sau, cơn khát khô cổ khiến hắn cựa quậy, mắt hắn díp lại không mở ra nổi. Thầy Giáp ở bên cạnh ngáy ầm ầm rít lên từng cơn sòng sọc như đang hút thuốc lào. Cố mở đôi mắt tèm nhèm ra, hắn giơ chân đạp thầy Giáp hai cái. Thầy Giáp vẫn há miệng quay mặt về phía hắn ngáy vang, mùi rượu cùng mùi thức ăn nồng nặc bốc vào mũi hắn. Cáu kỉnh trong lòng, hắn gắng sức nhấc tay đẩy mặt thầy Giáp nghiêng về phía Tùng kều rồi nuốt nước bọt cho trơn cái cổ họng đang khô không khốc nhắm mắt chìm tiếp vào giấc ngủ.
Tùng kều đang ngủ lăn ra như phỗng bị hắn ẩy thầy Giáp vào người thì tỉnh giấc. Tùng kều lầm bầm, lèm bèm trong họng rồi quay người sang phía bên kia tránh mùi hương nồng nặc hôi mù bốc ra từ cái miệng đang há hốc đầy dãi của thầy Giáp. Tiếng thầy Giáp vẫn ngáy ầm ầm rít lên từng cơn làm Tùng kều nổi cáu, nó giơ chân đạp thầy Giáp mấy cái rồi ẩy cái đầu thầy Giáp quay về phía hắn.
Cơn khát làm Tùng kều không sao ru mình ngủ tiếp được. Nó lồm cồm bò dậy, mắt nhắm mắt mở liêu xiêu đi tìm nước uống. A! trong góc nhà có cái chum nước to đùng. Tùng kều bước thấp bước cao tiến lại gần cái chum. Vẫn chưa hết cơn say, Tùng kều lần mò mãi mà vẫn chưa mở được cái nắp. Một giọng nói thoang thoảng trong gió vang lên
- Tôi đói quá... cho tôi ăn một chút được không?
- Ăn cái gì? Mà mày là đứa nào? Tùng kều lơ mơ hỏi.
- Cho tôi ăn một chút thôi, tôi đói lắm. Âm thanh thút thít rất đáng thương
- Ăn cái gì? Tùng kều mắt vẫn nhắm tịt cáu kỉnh quát.
- Cho tôi ăn thịt gà được không? Một chút thôi
- Lấy éo đâu ra thịt gà mà cho mày ăn. Tùng kều lầm bầm.
- Chuồng gà bên ngoài đó. Làm ơn giúp tôi... giúp tôi... tôi đói lắm... xin cậu đấy...
- Bị điên à, giờ này bảo tao đi bắt gà. Tùng kều lèm bèm.
- Chỉ cần bắt gà vào đây cho tôi thôi. Xin cậu đấy... giúp tôi đi
- Mày ra mà bắt
- Tôi không đi được
- Nói éo gì mà nhiều thế đau hết cả đầu
Tùng kều chửi thề rồi loạng choạng đi ra ngoài thẳng hướng chuồng gà đi tới. Thò tay vào chuồng gà tóm lấy một con gà đang ngủ, Tùng kều loạng choạng đi vào nhà. Trời tối đen, ánh trăng sáng vằng vặc trên bầu trời mà Tùng kều chả nhìn rõ cái gì. Lúc này rượu đang làm nó hoa mắt chóng mặt chả phân biệt nổi cái gì với cái gì. Hai chân soắn quẩy đi đứng không vững, đâm đầu vào cột cửa mấy lần Tùng kều mới đi được vào nhà.
- Đây, ra mà lấy. Tùng kều nói mà giọng cứ líu vào.
- Bỏ vào cái chum cho tôi... làm ơn... giúp tôi... tôi đói quá không đi nổi nữa...
Tiếng rên rỉ hết sức khốn khổ khe khẽ vang lên
- Mịa, đồ điên...
Tùng kều chửi một câu rồi khật khưỡng đi đến chỗ cái chum. Mắt nó cứ hoa lên, mãi mới mở được nắp chum thả con gà vào. Dường như mất hết sức lực, Tùng kều quên luôn cơn khát bò về chỗ của mình nằm thẳng cẳng toan ngủ tiếp.
Đang cơn buồn ngủ bị Tùng kều lục xục đi ra đi vào lại thêm tiếng gà quang quác, hắn bực dọc nhấc chân đạp Tùng kều
- Mày làm cái gì mà ồn thế?
Tiếng cái nắp bằng sành va lạch cạch vào miệng chum. Tiếng gà kêu quang quác, tiếng loạch xoạch không ngớt, ồn không thể chịu nổi. Hắn lừ đừ ngồi dậy, mắt nhắm nghiền đầu óc lơ mơ cố gắng mở mắt nhìn xem cái thứ gì đang gây ồn ào.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro