~CHƯƠNG 11~
Chương 11
Thư gửi Tâm Đan
(From: Việt Nam
To: Berlin , Germany )
Sương mù, ngày hai bốn, tháng năm, năm Ất Mùi.
Tâm Đan (cô bồ yêu mến của mình!)
Mình đã nhận được thư hồi âm của bồ.
Không ngờ đã ngần ấy năm, mà Tâm Đan vẫn còn nhớ chuyện đó.
Cũng đúng thôi, làm sao có thể quên được một kỷ niệm đáng giá như vậy nhỉ?
Ngày ấy không có bồ chắc giờ này, mình không thể ngồi đây viết thư được.
Hôm đó, bồ khỏe thật đấy! Cõng mình từ con suối vượt qua những ngọn đồi, ra được bên ngoài quả là một kỳ tích.
Công nhận bọn mình cũng xui xẻo thật, cúp học đi lội suối đã chẳng được gì, lại còn chuốc họa vào thân.
Nhưng cũng nhờ tai nạn đó mà mình nhận ra được thế nào là tình bạn.
Người bị rắn cắn là mình, thế mà người lo lắng, hốt hoảng nhất lại là bồ.
Hình như, bồ coi trọng sự an nguy của Ngọc Diệp còn hơn bản thân Ngọc Diệp lo cho mình nữa.
Ngày ấy đã khắc sâu vào tâm khảm mình.
- Ngọc Diệp, đừng ngủ, đừng ngủ... không được ngủ. mau tỉnh lại đi.
Khi đó mình bị trúng nọc rắn, đang rơi vào trạng thái mê mang. Bồ lay gọi mình, gào đến khản cổ.
Bồ còn định dùng miệng hút độc chỗ vết thương.
- Đừng làm vậy... nguy... nguy hiểm lắm! - Mình thều thào.
- Hừ, có chết thì cùng chết.
Nói xong, bồ cúi xuống hút máu độc chỗ chân mình, nhổ ra ngoài.
- Vô... ích thôi... Hãy nói... nói lại với...anh mình...-
Lúc đó mình nghĩ rằng sẽ chết chắc nên trăn trối vài lời.
Nhưng, bồ lập tức ngắt lời mình ngay:
- Im đi! Mình không cho phép bồ nói như vậy. Nếu có chết thì chết cho đẹp. Ta có thể bị số phận đánh bại, nhưng tuyệt đối không để chính bản thân mình đánh bại mình, hiểu chưa hả! phải đấu tới cùng, chơi tới cùng, phải sống đến cùng, đến cùng...ggg.
Bồ thét lên như một dũng sĩ oai linh giữa chiến trường oanh liệt.
Những lời nói đó đã tiếp thêm sức mạnh cho mình. Khi nằm ở trên lưng bồ, mình luôn dùng ý chí để dặn mình: "Không được ngủ! không được ngủ! mày phải sống, phải sống, nhất định phải sống."
Bồ đã đúng khi nói:
- "Trong cuộc vật lộn với thần chết, có thể mình sẽ thất bại, nhưng trước khi ngã xuống phải cho hắn ta một phen đổ mồ hôi sôi nước mắt, hắn có thể hủy hoại thể chất của ta chứ không thể, và không bao giờ hủy hoại được tinh thần và ý chí kiên cường của ta. Dù hắn có đánh ngã ta đi nữa thì ta vẫn là người chiến thắng. Sẽ luôn luôn là như vậy."
Kỉ niệm nhắc lại để chúng ta thêm trân trọng tình bạn cao cả, chúng ta dành cho nhau.
Mình đang chờ đợi, ngày đêm chờ đợi... ngày bồ trở về thăm mình, đi theo một anh chàng người Đức siêu tài giỏi giống như bồ vậy. Mình không dám hứa trước đâu nha. Nhưng mình sẽ cố gắng để đến ngày hôm đó, mình cũng đi theo một anh chàng siêu đẹp trai, siêu tài giỏi, lại vô cùng tốt bụng nữa, để ra mắt bồ.
Mình cá chắc là bồ đang rất sốt ruột và nôn nóng lắm đây! Câu chuyện về chàng thám tử kỳ tài lần trước mình kể cho bồ, không chỉ làm mình bồ quan tâm thôi đâu. Anh trai mình và, sơ Bình cũng rất háo hức. Lần nào họ viết thư hồi âm cho mình cũng hối thúc mình kể về tình tiết tiếp theo cho họ nghe. Anh trai mình thì đặc biệt chú ý đến ông Trịnh Vỹ và đám người Hoa. Còn sơ Bình lại tập trung hỏi về những cơn ác mộng, cô Hoàng Lan và bà Thùy Dung. Còn bồ thì lại khác, đúng là bạn thân của mình chẳng sai chút nào; có bồ là hiểu tâm tư của mình nhất. Hèn gì bồ cứ hay hỏi về ảnh. Mình sẽ trả lời câu hỏi của bồ ở bức thư trước. Bồ hỏi: "Mình có cảm nhận được tình cảm Khôi Nguyên dành cho mình không?" Thú thật với bồ: Mình mù tịt. Tình cảm của Khôi Nguyên dành cho mình còn là một ẩn số, riêng về phần mình thì đã có kết quả. Tất nhiên, mức độ tình yêu thì còn quá sớm, nhưng thích và mến ảnh thì...
CHẮC CHẮN RỒI.
---
Khôi Nguyên muốn tìm thêm những manh mối từ người nhà của Kiều Oanh - người phụ nữ đã mất 2 năm về trước, có đến tìm Khôi Nguyên kể về giấc mơ ma ám.
Mẹ của Kiều Oanh là cô Thúy, một người đàn bà vốn dĩ cũng rất lạc quan yêu đời. Nhưng kể từ ngày đứa con gái duy nhất của cô mất đi, cô vẫn chưa thôi đau khổ, dằn vặt. Đêm nào cũng khóc con nên hai mắt đã thành tật - nó cứ sưng húp lên. Cơ thể vốn ốm yếu mỏng manh của cô, nay phải chịu sự trừng phạt của số phận bi thảm; nên xuống cấp thêm trầm trọng. Gương mặt với khí sắc u uất ảm đạm, quá nhợt nhạt đến nổi làm người ta phải lo sợ cho cô; e rằng: cô khó có thể chống chọi thêm được nữa.
Tụi mình vào nhà thắp cho Kiều Oanh nén nhang.
Khôi Nguyên không che giấu mục đích của cuộc viếng thăm; anh ấy nhận mình là thám tử, nói cho cô Thúy nghe về cuộc gặp gỡ giữa ảnh và Kiều Oanh; tại văn phòng của Khôi Nguyên hai năm về trước.
Cô Thúy là người hiểu chuyện, thế nên cô đồng ý giúp tụi mình; bằng cách trả lời tất cả những câu hỏi có liên quan đến con gái của cô; là Kiều Oanh, những tháng ngày trước khi người con xấu số đó bỏ lại cô mà ra đi vĩnh viễn.
- Một, hai tháng trước khi Kiều Oanh mất, cô có thấy biểu hiện gì khác thường không ạ? Thí dụ như buồn phiền hay bị kích động chẳng hạn. - Khôi Nguyên hỏi.
- Nó luôn trong tâm trạng bất an lo lắng, ăn ngủ không yên. Nó kể cho cô nghe những cơn ác mộng kinh hoàng và muốn cô mời thầy cúng. Cũng tại cô tất cả, nếu cô không vô tâm bỏ mặc nó, thì nó đã không bỏ cô lại mà đi rồi.
Cô Thúy rưng rưng nước mắt.
- Đó không phải lỗi của cô, cô đừng tự dằn vặt mình như vậy Kiều Oanh sẽ buồn lắm! Nếu cô thương con gái mình thì phải vượt qua mọi nỗi đau, sống khỏe và an lạc mới phải chứ!
Mình động viên, khuyên nhủ cô ấy.
- Cám ơn cháu, Ngọc Diệp!
Cô Thúy dụi nước mắt, cố gắng bình tâm lại.
- Kiều Oanh là người rất lạc quan, cho đến khi cô ấy gặp phải những cơn ác mộng thì tinh thần bị suy sụp hoàn toàn. Nhưng ngoài nguyên nhân đó ra thì cô Thúy có phát hiện gì khác không? Ý cháu là những áp lực từ cuộc sống, gia đình hay thậm chí là từ bạn trai chẳng hạn?
Khôi Nguyên tiếp tục lần tìm manh mối.
- Ngoài những cơn ác mộng ra, không có áp lực nào từ gia đình, bạn bè, công việc, hay xã hội. Trước khi mất khoảng 2 tháng nó còn đang hẹn hò với một người con trai; nó còn khoe với cô về anh chàng đó nhiều lắm. Nào là anh ấy rất đẹp trai phong độ, lại tài giỏi và giao tiếp tốt...
Khôi Nguyên tỏ ra đặc biệt quan tâm đến thông tin vừa rồi. Đang ngồi yên lành trên cái ghế mây, ảnh bổng chồm người về phía trước.
- Kiều Oanh đã hẹn hò với bạn trai, trước khi mất hai tháng ư? Vậy người con trai đó là ai? Đang làm gì? Cô Thúy có biết không ạ?
- Thời gian đó nó có nói với vợ chồng cô: "Ba mẹ chuẩn bị tinh thần đi, con sắp đem con rể tương lai về ra mắt ba mẹ rồi đấy!" Cô và chú rất tò mò muốn biết cậu đó là người như thế nào nên cũng hối thúc nó đem về cho cả nhà xem mặt. Cuối cùng con rể cũng chẳng thấy mặt mũi đâu, mà con mình đã bạc mệnh rồi.
Ánh mắt Cô Thúy buồn bã.
- Vậy là, đám tang Kiều Oanh, người con trai đó không đến viếng ạ?
Mình hỏi.
- Không cháu à!
Mắt cô Thúy cụp xuống vì thương cảm cho con.
- Sao lại có những con người vô tình đến thế nhỉ? Người ta hay nói: nghĩa tử là nghĩa tận còn gì.
Mình cảm thấy bức xúc.
- Chắc cậu ta lo làm ăn quá(!) nên người yêu của mình chết lúc nào cũng chẳng biết luôn.
Cô Thúy mỉm cười chua cay.
- Cô có biết chút gì về lai lịch của anh ta không?
Khôi Nguyên tiếp tục điều tra.
- Có lần cô nghe Kiều Oanh khoe cậu ta là giám đốc của một thẩm mỹ viện làm ăn rất phát đạt. Thông tin về cậu ta chỉ có bấy nhiêu đó thôi.
Không ngờ một người lạc quan như Kiều Oanh lại quyết định như vậy. Mình cũng buồn thay cho cô ấy. Gặp mình thì dẫu trời có sụp xuống đè lên người mình, mình cũng lóp ngóp bò dậy cho bằng được, chứ không đời nào tự mình giết đi sinh mệnh quý giá của mình.
- Cô nói có sách mách có chứng, hai cháu ngồi chờ cô một lát, cô lấy thứ này cho xem.
Nói rồi cô Thúy đứng lên bỏ đi vào phòng.
Lát sau, cô trở ra với tập album ảnh trên tay.
- Đây, hai cháu xem đi!
Cô Thúy chuyển album ảnh gia đình cô cho mình.
Mình lật từng trang ảnh để xem, phải công nhận, Kiều Oanh là một cô gái cực kỳ duyên dáng, dễ thương. Cách cô ấy cười, cô ấy làm duyên, cử chỉ của cô ấy qua những bức ảnh chụp chung với gia đình; có thể đoán được cô ấy là một người hướng ngoại, năng động, sôi nổi, nhiệt tình.
Trong khi mình xem ảnh thì Khôi Nguyên tiếp tục hỏi cô Thúy để thu thập những thông tin mà anh ấy quan tâm.
- Kiều Oanh có tài khoản facebook chứ ạ?
- À, nó không chơi face.
- Lạ thật! Theo như tính cách của Kiều Oanh thì...
- Cô hiểu ý cháu, nhưng con gái của cô là vậy đó, nó có những nguyên tắc xem ra hơi bảo thủ.
- Hơi bảo thủ?
- Tức là, nó sống hòa mình với người khác, nhưng vẫn theo chiều hướng gia giáo. Âu cũng do chú ở nhà cả, ông ấy mà dạy con thì nho gia không ai bằng đâu. Ông ấy nói: "mạng xã hội làm con người ta sống ảo, lệ thuộc, dễ bị nghiện và "thiếu tình".
- Vậy nên chú đã cấm Kiều Oanh ạ?
- Không phải như vậy đâu cháu, chú ở nhà coi vậy mà rất đề cao tính tự giác của con trẻ. Phải cái, chú rất có uy, chỉ cần nói qua là con cháu tự noi theo ngay.
Cô Thúy, tự hào về chồng mình.
- Khôi Nguyên, anh xem này!
Mình cắt ngang cuộc nói chuyện của hai người. Đưa quyển album ảnh cho Khôi Nguyên xem.
- Đây, anh xem đi!
Mình chỉ cho anh ấy xem một bức ảnh chụp đại gia đình nhà cô Thúy.
Khôi Nguyên như bắt được vàng, "soi" bức ảnh rất kỹ. Sau đó, đưa cho cô Thúy xem và hỏi cổ:
- Người đàn ông này là ai ạ?
Khôi Nguyên chỉ ngón tay trỏ vào bức ảnh chụp có rất nhiều người, trong đó có một người làm Khôi Nguyên rất chú ý.
- À, đó là anh trai của cô.
- Còn cậu bé này?
Khôi Nguyên tiếp tục hỏi.
- Là con trai của anh ấy: Hoài Phong.
- Trời ơi! – mình thốt lên.
Lúc đầu khi nhìn thấy bức ảnh chụp có thằng bé dị tướng đang ngồi bằng lưng trên ghế, lòng bàn tay, bàn chân to bè; lại lều khều, lóng ngóng. Thì bỗng nhớ lại câu chuyện bà Hiền mới kể gần đây về đứa cháu kỳ dị của ông Trịnh Vỹ.
- Ngọc Diệp, cháu bị làm sao vậy? - Cô Thúy ngạc nhiên hỏi.
- Vậy ra, cô và nhà ông Trịnh Vỹ là bà con sao?
- Đúng rồi, sao cháu biết? - Cô Thúy ngơ ngác.
Mình kể lại những điều ma quái mình đã gặp phải trong thời gian qua cho cô Thúy nghe. Nghe xong cô Thúy vừa sửng sốt, vừa hoang mang, và còn rất lo lắng cho mình nữa. Có lẽ cô ấy không muốn mình sẽ như con gái cô ấy, có một kết cục bi thảm.
- Cô Thúy có thể nói rõ hơn cho cháu nghe về hai cha con họ (Đăng Khoa và Hoài Phong) không ạ?
Khôi Nguyên như bắt được vàng.
- Người này, - cô Thúy chỉ vào người đàn ông trong bức ảnh, tức là Đăng Khoa - là anh cùng mẹ khác cha với cô. Cha của anh ấy là một viên sĩ quan trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, ông ta là một kẻ ăn chơi trác táng; năm mẹ cô 17 tuổi ông Sinh - cha của Đăng Khoa - đã làm bà có bầu. Sau đó, ông ta bỏ rơi mẹ cô để bà bơ vơ bất vất đầu đường xó chợ. Lúc đang mang thai anh Khoa, mẹ cô đã gặp ba; ba vì thương mẹ số khổ nên cưu mang, rồi lấy bà làm vợ. Mẹ cô có bốn người con cả thảy: 1 với người đàn ông phụ bạc kia - tức là ông Sinh - , và 3 với chồng của bà.
Đúng là: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh", anh Khoa giống gì không giống, lại giống ông Sinh ngón nghề ăn chơi, cờ bạc, gái gú, rượu chè... Đi theo vết xe đổ của người cha không nuôi được anh ấy một ngày, anh Khoa làm cho một người đàn bà có bầu rồi bỏ rơi chị ta. Nhưng phấn đấu hơn người cha của mình ở điểm, anh ấy giật lấy đứa bé mới sinh đang nằm bú trên tay mẹ nó. Anh ấy cướp nó đi, chia cắt hai mẹ con họ; mà bản thân anh ấy thì thật tồi tệ. Không có khả năng và điều kiện để nuôi con thế mà vẫn ham hố dành lấy, để rồi thằng nhỏ phải lớn lên trong một hoàn cảnh cay đắng. Đi đâu cũng bị người ta xua đuổi, ở với mẹ ghẻ cũng không yên, sống lay lất như vậy mà thằng nhỏ Hoài Phong đó cũng qua được đến năm mười lăm tuổi.
Một buổi chiều nọ. Hai cha con họ đến gặp vợ chồng cô. Chẳng là, thằng Hoài Phong không thể ở với mẹ ghẻ nó được nữa rồi. Ba nó (anh Đăng Khoa) lại không có khả năng nuôi dưỡng nó vì còn phải lo cho ba đứa con khác với người vợ đang chung sống. Lại thêm, thằng Hoài Phong này bướng bẩn, lì lợm; nên anh ấy không quản lý được. Anh ấy muốn giao nó lại cho cô chú chăm sóc một thời gian.
- Nhưng cô đã từ chối?
- Đúng vậy Khôi Nguyền à! Ban đầu, cô cũng thương và muốn nhận nó, nhưng chú không cho phép. Chú nói: "Nó còn cha, còn mẹ. Cha nó không có trách nhiệm hay sao? mà bận mình phải quan tâm đến." và chú rất bực mình anh Đăng Khoa. Chú thường bảo: đó là nghiệp chướng từ đời ông Sinh để lại. Chiều hôm đó, chú nhà rất cương quyết. Chú đuổi thẳng hai cha con ra khỏi nhà, và tuyên bố: "Từ nay không còn quan hệ anh em gì nữa." Tưởng làm vậy anh Đăng Khoa sẽ tự ái mà lo làm ăn nuôi con, không còn bài bạc rượu chè nữa. Nào ngờ anh ấy lại đem thằng Hoài Phong giao lại cho Dượng Vỹ - một người không bà con thân thích gì với anh ấy. Chẳng thà, dì Thanh Mai còn sống thì còn được. Đằng này dì đã mất sớm, hai cha con dượng Vỹ sống với nhau, thêm một bà điên (Thùy Dung) đã đủ mệt rồi, nay lại phải nhận nuôi một đứa bướng bỉnh, cứng đầu như Hoài Phong thì khỏi phải hỏi cực thế nào.
- Hai cha con họ vẫn còn liên lạc với cô chứ?
- Anh Đăng Khoa đã mất gần mười năm, còn thằng Hoài Phong thì không gặp lại nữa kể từ ngày đó.... (10 năm trước) lúc nó trở về đưa đám cha nó, Thằng Hoài Phong bây giờ phát đạt lắm! Chẳng ai biết nó làm gì mà có nhiều tiền vậy, nó ở nước ngoài, sau lần về đưa tiễn cha nó thì chẳng ai còn thấy mặt nó nữa. Nó vẫn thường xuyên gửi tiền về giúp những người trong dòng họ gặp khó khăn, nhưng hình như chỉ có vậy thôi. Nó không muốn quan hệ thân thiết với chúng tôi hay sao đó. Chắc nó còn ám ảnh quá khứ bị người khác coi thường, xua đuổi.
- Mẹ của cô và mẹ của Hoàng Lan là hai chị em ruột. Quan hệ họ hàng cũng khá là gần gũi. Vậy chắc Kiều Oanh cũng đã qua bên nhà ông Trịnh Vĩ nhiều lần rồi?
- Nó ít qua lắm Khôi Nguyên! Nói đúng hơn là nó không dám qua.
- Không dám qua?
- Vì căn nhà đó làm nó sợ và bà điên kia nữa.
- Căn nhà đó cũng làm Kiều Oanh sợ sao ạ?
- Đúng vậy Ngọc Diệp, không chỉ Kiều Oanh thôi đâu. Mà ngay cả cô và mọi người sống quanh khu vực đó đều tránh xa nó. Lúc nãy, nghe cháu kể chuyện của mình, nói thật cô đã rất lo lắng cho cháu; cô lo lắng không phải vô duyên đâu.
- Cô biết chuyện gì nữa sao?
Khôi Nguyên hỏi.
- Đã có ba vụ mất tích xảy ra ở căn nhà đó. Đó đều là những người đến thuê nhà ở.
Cô Thúy trả lời, vẻ mặt toát lên nỗi sợ sệt.
- Có chuyện như vậy ư, rồi công an họ đã vào cuộc điều tra chưa?
Mình thấy Khôi Nguyên có hơi chau mày, điều đó chứng tỏ anh ấy đang rất phấn khích trước thông tin vừa rồi cô Thúy cung cấp.
- Rồi, họ đã điều tra. Nhưng vô ích, những người bị mất tích đó đến nay không biết đã tìm được chưa(?)
- Nó đã xảy ra lâu chưa ạ?
- Cô không nhớ rõ chính xác thời gian. Đó là, còn chưa kể đến những chuyện khủng khiếp khác liên quan đến ngôi nhà ma đó.
- Có những chuyện khủng khiếp nữa sao?
Mình tái người khi nghe cô Thúy nói.
- Đó là những trường hợp thuê căn nhà, ở một thời gian, người thì tai nạn chết, người thì bị bệnh điên. Theo như lời kể của cư dân sống bên kia đồi trà, đã có nhiều người ở đó nhìn thấy một bóng ma đi vất vưởng bên này (trên đồi trà), người ta đồn rằng: đó là bóng ma của Hoàng Lan, vì hồi đó Hoàng Lan đã treo cổ tự tử ở cây đa vốn dĩ đã có rất nhiều câu chuyện ma quỷ đồn thổi.
Không biết Khôi Nguyên nghĩ gì trong đầu, riêng mình tin chắc những điều đó là sự thật. Vì mình đã tận mắt nhìn thấy cái bóng trắng trong đêm mưa tầm tả hôm rồi. Mình không phải đang bị ảo giác, mà đó là hiện thực.
- Kiều Oanh kể lại cho cô nghe những cơn ác mộng của mình ra sao ạ?
Khôi Nguyên tìm kiếm thêm thông tin quý giá.
- Nó kể: nhìn thấy cô Hoàng Lan hiện về mỗi đêm và nói với nói: "Cô chết tức tưởi lắm! Tức tưởi lắm!" Một tháng trước khi mất, nó kể: cô Hoàng Lan hiện ra trong giấc ngủ, bóng cô ấy vắt vẻo trên cành cây, cô ấy nói với nó: "Coi chừng! Coi chừng! Hãy coi chừng!"
Cả mình và Khôi Nguyên đều nín lặng. Cô Thúy cũng vậy, không nói thêm gì nữa, mỗi người với một suy nghĩ riêng.
"Rò...rò...rò..."
Mình giật thót,
Đó là tiếng rung của chiếc điện thoại Nokia nằm trong túi áo khoác của Khôi Nguyên.
Mình để ý thấy đôi mắt anh ấy sáng lên khi nhìn vào màn hình chiếc điện thoại.
Khôi Nguyên nghe máy:
- Alo "..." "..."...
Cuộc điện thoại vừa kết thúc, ảnh quay sang mình nói:
- Ngọc Diệp, chúng ta phải về thôi!
Khôi Nguyên đứng lên, có vẻ nhanh nhẹn khác thường.
Cuộc điện thoại vừa rồi là của ai?
Và người đó đã nói gì với anh ấy?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro