Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

tham thien 8

Tham Thiền 32

TUỔI THỌ

Tuổi cao dù lắm cở con rùa

Tích lũy vô vàn niệm được thua

Phú quí vinh hoa tuồng ảo hóa

Lợi quyền danh vị tựa không hoa

Tử sanh bệnh lão vân lai khứ

Thành trụ tiêu không mộng tỉnh mê

Một kiếp không tu muôn kiếp khổ

Trần gian tạm trú hãy quay về!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Niên cao thọ trưởng, thế gian không ai không ước mong cái điều "Hạnh phúc" đó.

Sống khỏe mạnh, sống vui tươi, sống an lành, sống hạnh phúc, sống đạo đức, sống lợi mình, lợi người, lợi nhân quần xã hội. Sự sống được vậy thật là quí hóa cho đời, cho tuổi trẻ, cháu con. Người xưa nói: "Cương quế chi tánh, dũ lão dũ tân". Có nghĩa là tánh gừng tánh quế càng già càng cay. Tuổi cao, đức lớn sẽ là cổ thụ trong công viên, nhiều người hoan hỷ.

Đã là đời thì "muôn vạn nẽo", tối sáng chuyện nghìn năm, phú quí hoa gian lộ, công danh thủy thượng âu, là điều có thật. Trường thọ để chịu đựng để chứng minh cảnh "tài", "mạng" tương đố. Để chạm trán với "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" thì chẳng vui sướng, hạnh phúc gì!

Con Rùa ướp xác ở đền Ngọc Sơn, trong hồ Gươm, thủ đô Hà Nội, nhà khoa học tìm hiểu, đánh giá Rùa 500 tuổi. Thế nhưng, cho đến thế kỷ 21 này, lũ rùa dưới đáy hồ, cũng như mặt nước hồ Hoàn Kiếm đến nay, đại thể chẳng có gì hơn kém.

Giáo lý đạo Phật dạy: Trường thọ hay đoản thọ không là vấn đề quan trọng. Chân lý vũ trụ:

世 間 無 常,國 度 危 脆,四 大 苦 空,五 廕 無 我

"Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã"

Lấy ý nghĩa mà suy, thi ca Tuổi thọ nhằm sách tấn người con Phật: Sống mà an lạc hạnh phúc, lợi lạc quần sanh, sự sống ấy có ý nghĩa.

Sống mà tâm sầu bạch phát, trầm mình trong vũng lợi danh, cột cổ trong làn xa mã, thì uổng kiếp! Hãy tỉnh ngộ để quay về!

Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn.

Nghĩa là:

Biển khổ mênh mông, quay đầu là bến.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

23-07-2009

Tham Thiền 33

ÂM VANG CẢNH TỈNH

Một kiếp phù sinh một kịch trường

Đồng sàng dị mộng kịch thê lương!

Say sưa mộng cảnh ai người tỉnh?

Tỉnh giấc nồng say mộng kịch tan.

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Nếu chúng ta dám nhìn sự thật, không che dấu sự thật và nói sự thật, thì mọi người có thể đồng ý với nhau.

"Một kiếp phù sinh một kịch trường"

Đời người so với không gian vô cực, thời gian vô cùng thì rõ là kiếp phù du sớm sanh chiều chết, như mây ráng buổi chiều tàn, phút chốc chỉ còn lại hư vô.

Kịch ở Kịch trường, thường là đoản kịch. Diễn xuất hai, ba tiếng đồng hồ. Rất chẳng may cho ai bị bắt buộc đóng vai trường kịch hỷ, nộ, ái, ố, ai, cụ, càng dồn dập càng gút thắt liên tục, người ta mới khen là vở kịch hay. Vậy mà tất cả chúng ta dường như ai cũng tự nguyện cho mình được đóng vai trò Kịch sĩ.

Nhân loại trên toàn thế giới, đến thế kỷ 21 hiện nay, hơn 8,4 tỷ người cùng sống chung với thỏa ước đồng sàng, dị mộng, cho nên thế giới không có lúc hòa bình, con người chẳng có ngày an lạc!

Tỉnh giấc nồng say, con đường thẳng tắt nhất, đó là con đường tìm hiểu giáo lý Phật, học Phật và tu theo lời Phật dạy, chỉ có đức Phật, giáo lý đạo Phật mới chỉ đâu là Quả khổ, đâu là Nhân khổ. Thế nào là Quả vui, thế nào là Nhân vui.

Ngày nào nhân loại còn bằng lòng lặn hụp chìm sâu trong biển khổ tham, sân, si. Ngày nào nhân loại còn hoan hỷ đam mê tài, sắc, danh, thực, thùy cuồng nhiệt, thì mộng chưa tỉnh, kịch chưa tan. Để an ủi mong manh xoa dịu vết thương lòng rỉ máu, đành mượn hai câu thơ cuối bài Thăng long thành hoài cổ của bà Huyện Thanh Quan ngâm nga mà an ủi:

"Nghìn năm gương cũ soi kim cổ

"Cảnh đấy người đây luống đoạn trường".

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

23-07-2009

Tham Thiền 34

THUYẾT PHÁP?

Tay chỉ vầng trăng chẳng chỉ gì!

Trời xanh mây trắng đến rồi đi

Ai người "bất thủ ư chư tướng"

"Bất động như như" Phật nhãn thừa!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Pháp tức là vạn vật hiện tượng, mỗi một vật, một hiện tượng, một dạng vật chất, đạo Phật gọi là một pháp. Nhìn trời xanh là một Pháp. Thấy mây trắng là một Pháp. Thấy người trẻ, thấy một Pháp. Thấy người già, thấy một pháp.

Thấy quan tài, thấy một đám ma, thấy một Pháp. Nghe giọng đàn Nam ai não nùng, thảm thiết là nghe một Pháp. Nghe điệu ca ai oán, nghe Pháp. Ngửi mùi hương, ngửi Pháp. Nếm vị ngọt, nếm Pháp. Xúc với một vật, chạm xúc Pháp. Nghĩ ngợi và nghĩ ngợi là nhiều Pháp hiện ra cùng một lúc.

Nói rút lại, tất cả hiện tượng vật chất thiên hình vạn trạng đối tượng của thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết "sáu căn" của con người đều gọi là "pháp".

Người ta nói là Phật thuyết pháp, Phật thì nói Như Lai chẳng có thuyết pháp gì! Tại sao vậy?

Tại vì pháp Phật nói ra, không phải của Phật. Sanh, già, bịnh, chết, khổ. Sự khổ ấy không phải do Phật thuyết pháp mới có khổ! Thương yêu mà chia ly, ghét nhau mà chung chạ, thèm thuồng mà không toại nguyện, thân thể mất quân bình, khổ. Những điều khổ ấy, ai ai cũng có quyền thọ dụng ngang nhau.

Điều đó không phải do Như Lai nói, Như Lai cho, con người mới được hưởng! Lấy ý Phật mà suy, rõ ràng Như Lai chẳng thuyết pháp gì ngoài sự vận chuyển, sự tuần hoàn, sự tồn tại sự mất đi. Duyên sanh, duyên diệt theo dòng nhân quả của vũ trụ vạn hữu.

Vả lại, người đệ tử nào nói Phật thuyết pháp, vô tình phỉ báng Như Lai. Tại sao? Tại vì trí tuệ Giác ngộ của Như Lai vô cùng vô cực. Những pháp Như Lai nói trong 12 bộ kinh chỉ là pháp cứu cấp, cứu nguy chúng sanh thôi! Pháp mà Như Lai chứng, Như Lai biết không phải chỉ có mấy tạng kinh từng ấy! Nước vũng, nước ao không nên nói đó là nước biển!

Pháp Như Lai nói ví như ngón tay chỉ trăng. Người trí nương ngón tay mà tìm trăng, ngón tay không là trăng. Phật dạy: Là đệ tử tu học Đại thừa, các người nên tu tập: Bất thủ ư tướng, như như bất động.

Có nghĩa là: Hãy tu hạnh Khất sĩ đi! Các thầy Tỳ kheo! Các thầy hãy cố gắng viễn ly:

"Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm".

Đấy! Như Lai bày vẽ cách cho các thầy Tỳ kheo vậy thôi, Như Lai không có gì để gọi là thuyết pháp, đâu nhé!

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

23-07-2009

Tham Thiền 35

NẾU ĐƯỢC ƯỚC !

Tôi ước tôi như sắc với không

Ước xa thế sự vấn vương lòng

Ước lìa ngũ dục ly tam giới

Ước được hòa tan tự pháp thân.

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Giáo lý Bát nhã Đại thừa chỉ rõ: Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc là không, không là sắc. Nhận thức nguồn giáo lý sắc không, không sắc là người thể nhập từng phần chân lý "bất tức bất ly" của hiện tượng vạn pháp.

Sắc là không: tìm bản chất và tự tánh của nó để sanh ra nó thì không

Không là sắc: Vật chất hiện tượng dù huyễn nhưng tiền cảnh vẫn hiện có.

Bài học "sắc", "không" mới nghe qua người ta tưởng là "sơ cơ" dễ biết. Bởi vì bài Bát Nhã Tâm Kinh 360 chữ ấy, hồi vào chùa , sau bảy ngày cạo tóc, thành chú Tiểu là Ta đã thuộc lòng rồi! Sự thật không phải vậy, tâm trí con người hòa quyện với nghĩa "sắc" "không" ấy, trình độ "vô sanh pháp nhẫn" mới có được ước mơ đó.

"Ước xa thế sự vấn vương lòng"

Đấy là ước mơ bình dị của bất cứ chúng sanh nào trên "trần thế". Bởi vì đó là một khổ trong vô vàn khổ. "Khổ hải vô biên"

"Ước lìa ngũ dục ly tam giới"

Đây là một ước mơ lành, ước mơ thánh thiện đáng tán dương tùy hỷ. Nhưng tự quán chiếu xem coi ước mơ của mình, có tương xứng, có phù hợp ngoại cảnh nội tâm trong môi trường, trong hoàn cảnh khả thi không. Chớ ước mơ để mà ước mơ thì ước mơ đó chẳng có giá trị gì đối với người đệ tử Phật!

"Ước được hòa tan với pháp thân"

Pháp thân Tỳ Lô Giá Na. có nghĩa là hiện tượng vạn pháp, tự tánh thanh tịnh, tự tánh trong sáng không ô nhiễm. Ở nơi nào, chốn nào tự tánh ấy vẫn chân vẫn như vốn vậy.

Điều ước thứ tư, thi nhân muốn mình trở thành một Thiền giả:

不 住 於 相, 如 如 不 動

Bất trụ ư tướng, như như bất động.

Đã là ước, thường đi ghép với mộng hay mơ, cũng như cầu thường đi đôi với nguyện. Vái khấn, ước mong, cầu nguyện tự nó nói lên rằng: Đừng ai tin tưởng gì ở sự "cầu nguyện", "ước mong" vì nó không thật tế!

Có lẽ Thi ca này là một cách cợt đùa ẩn tình nhắc khéo của Như Huyễn Thiền Sư chăng? Đúng rồi! Hèn chi đầu đề Thi ca rõ ràng là có chữ NẾU...!

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

23-07-2009

Tham Thiền 36

THIÊN THỦ THIÊN NHÃN I

Ông gì? ông biết ông chăng nhỉ?

Nghìn mắt nghìn tay cả lố đầu!

Dị dạng bẩm sinh trong bụng mẹ

Hay là dần lớn nhú thêm ra?

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Phật Thích Ca vốn là một người trong cộng đồng nhân loại. Từ lúc tu nhân cho đến khi thành Phật, người không nói, không nghĩ, không làm những gì ngoài mục đích đem lại sự an lạc, sự giác ngộ và giải thoát cho con người. Đức Phật cũng như toàn bộ giáo lý tam tạng của đạo Phật, tuyệt đối phủ nhận tâm tưởng siêu hình, ý tưởng hoang đường huyễn hoặc.

Một số chùa Phật giáo Việt nam Tạo và Thờ cái ngẫu tượng ngàn tay, ngàn mắt và hơn chục cái đầu. Nếu pho ngẫu tượng đó là người thì sự nảy sinh và cấu trúc ấy hoàn toàn phi lý. Vậy ngẫu tượng đó là gì? Phật Thích Ca hẳn là không trả lời được. Bởi vì nhân loại chưa có hình tướng như vậy xuất hiện trên nhân gian!

Giờ đây Phật tử chúng con xin hỏi Hòa thượng:

- Thưa Hòa thượng: Ông đó là ông gì?

- Thưa Hòa thượng: Ông đó người nước nào?

- Thưa Hòa thượng: Ông ấy chủng tộc nào?

- Thưa Hòa thượng: Ông đó dị dạng quái thai trong bụng mẹ hay là sanh ra rồi đầu tay mới mọc từ từ...?

- Thưa Hòa thượng: Ông ngẫu tượng này tu hành xong, kêu ông ấy bằng gì? Quả vị gì? Ông này hơn Phật Thích Ca tới...cả chục cái đầu, hơn 998 cánh tay và 998 con mắt???

Hòa thượng tác giả pho ngẫu tượng chắc chắn không cách nào giải đáp hợp lý được! Pho ngẫu tượng này đầu độc nhiễm ô biết bao nhiêu tâm lành trong trắng, khiến cho lớp lớp người trở thành nhẹ dạ cả tin, sợ hãi trước thần tượng siêu hình huyễn hoặc, tự đánh mất ý chí trượng phu, nghị lực kiên cường tự chủ của chính mình.

Mọi người trong chúng ta đáng để tâm suy gẫm câu châm ngôn của hàng tiền bối để lại đại khái như dưới đây:

- Làm thầy thuốc phạm sai lầm, giết chết... một hoặc vài...mạng người

- Làm văn hóa phạm sai lầm, giết chết tâm trí sáng suốt của con người từ thế hệ này đến thế hệ khác không lường hết được.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

23-07-2009

Tham Thiền 37

THIÊN THỦ THIÊN NHÃN II

Ta chẳng ông gì? Chẳng khác ai!

Đầu còn không có nói chi tay

Vô minh! tưởng tượng thân ta thế!

Lừa đảo nhân gian "cái quái thai"!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Mất một thời gian truy tầm dữ liệu lịch sử pho ngẫu tượng ngàn tay ngàn mắt ấy, người ta cho biết đó là cốt tượng Bồ tát Quán Thế Âm.

Đệ tử Phật hỏi: Thưa Quán Thế Âm Bồ tát! Ngài có thân hình kỳ dị vậy sao? Không phải con người, làm sao thành Phật được, thưa Ngài? Ngài khác với... hơn tám tỷ nhơn loại hiện có, Ngài khác Phật Thích Ca... rồi Ngài sẽ thành gì?

Bồ tát Quán Thế Âm có vẻ sửng sốt, ngạc nhiên, đâu có ngờ đệ tử Phật, họ đem mình ra làm trò "rung cây nhát khỉ" ấy, vừa hù dọa vừa bịp bợm để bán cái uy linh ảo của mình cho dân chúng trần gian!

Bồ tát Quán Thế Âm niệm danh hiệu đức Bổn sư Thích Ca, rồi đọc lại thơ rằng:

Ta chẳng ông gì? Chẳng khác ai!

Đầu còn không có nói chi tay

Vô minh! tưởng tượng thân ta thế!

Lừa đảo nhân gian "cái quái thai"!

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

23-07-2009

Tham Thiền 38

THIÊN THỦ THIÊN NHÃN III

Quán Âm Bồ tát chính là ta

Đâu có đầu, tay, mắt dị kỳ...

Thân mẫu có thai như thế ấy?

Làm sao sanh nở? "Giáo gian"...Ơ?

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Bồ tát Quán Thế Âm khẳng định với hàng Phật tử với huynh đệ tỷ muội rằng: Quán Thế Âm ta không có nhiều tay và nhiều đầu kỳ quái phi nhân loại như vậy. Quán Âm ta không thể có bất cứ duyên cớ nào khác và hơn đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni của ta được. Làm sao Quán Âm Bồ tát ta hơn Phật ta đến những 998 tay, 998 mắt cả chục cái đầu? Và khác với Phật ta chiếc thân kỳ dị ấy? Ta không thể hơn Phật, ta không thể khác Phật, ta là đệ tử Phật, tu học theo con đường giải thoát giác ngộ của Phật mà thôi!

Quán Thế Âm Bồ tát khẳng định: Người bày vẽ tạc đúc ngẫu tượng ngàn tay ngàn mắt là thành phần tôn giáo bất chánh, tham uế lợi ô danh, muốn làm "Tổ", muốn có "danh gì với núi sông..." bày vẽ với tâm tưởng hoang đường của con người có hạt giống hoang đường. Nhân loại hiện hữu ở địa cầu cho tới năm này căn cứ theo DL đã có 2008 năm, không ai thấy có thứ con người ngẫu tượng được nặng ra ấy.

Bồ tát Quán Thế Âm khẳng định: Nhân loại không bao giờ có một người mẹ nào có thai như thế đó mà sanh được con! Thế cho nên bất luận người bày ra "ngẫu tượng" đó là Hòa thượng đạo hiệu Thượng hạ là gì cũng thuộc thành phần ... bất chánh, tục gọi giáo gian!

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

23-07-2009

Tham Thiền 39

Thiên Thủ Thiên Nhãn IV

Đầu nhiều ngầm dạy chánh tư duy

Nghìn mắt trông xa để thấy nhiều

Tri kiến chánh chơn tu thật đạo

Tri hành hợp nhất mắt trong tay!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Văn hóa thế tục người ta vẫn thường sử dụng Dụ để diễn đạt ý tưởng mình, chuyển đạt cho người khác nghe, giúp họ dễ tiếp nhận, dễ cảm thông. Người viết văn thường dùng: Thí dụ, tỉ dụ, hiện dụ, ẩn dụ. Văn hóa trong Phật giáo ngoài bốn thứ dụ kể trên còn vận dụng: Tiên dụ, hậu dụ, bán dụ và biến dụ.

Nói và vẽ một Cô gái mặt đẹp như trăng rằm. Ai dám cưới!? Tạc Bồ tát Quán Thế Âm có ngàn tay, ngàn mắt, cả lố đầu, "phi nhân" "phi vật thể" vô tiền khoáng hậu, thì còn lấy cái gì để thành được quái gì?

Tâm của Bồ tát Quán Thế Âm là "Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm". Tâm đại bi, ý tế độ của Bồ tát đối với chúng sanh phát huy công năng và hiệu lực ấy, so sánh và tỷ dụ ngang bằng ngàn đầu, ngàn tay và ngàn mắt của ai đó, của con người nào đó ... nếu có.

Thế cho nên, nói nhiều đầu, ngầm dạy: Hãy tư duy nhiều. Nhiều mắt, ngầm dạy: Hãy quán sát nhiều, quán chiếu nhiều. Nhiều tay, ngầm dạy: Hãy thực hành nhiều. Hãy quyện chặt văn tư tu tri hành hợp nhất đó!

Hòa thượng bày vẽ cái thứ văn hóa sai lầm qua ngẫu tượng Quán Thế Âm là người đắc tội với chúng sanh, không biết bao nhiêu thế hệ mới gột rửa được cái tâm hoang đường, mê tín dị đoan này ???

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

23-07-2009

Tham Thiền 40

THIÊN THỦ THIÊN NHÃN V

Quán Âm : giữ niệm "Âm văn" tịnh

Chứng nhập "Tam ma" bởi nhĩ căn

Tin tưởng Quán Âm cần học hiểu

Đường tu khởi sắc đạo thêm hương!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Quí Quán Thế Âm là tốt! Niệm Quán Thế Âm là tốt! Tôn trọng Quán Thế Âm là tốt! Quí kính, tôn trọng, ái mộ, niệm danh đều tốt hết, nhưng ai quí kính, tôn trọng, ái mộ đến mức gọi Quán Thế Âm Bồ tát bằng Mẹ và nghĩ rằng: Mình có Mẹ thiêng liêng, có gì trục trặc, rắc rối trong gia đạo, trong việc làm ăn... gọi Mẹ kêu danh hiệu Me, cầu cứu Me... Me phù hộ! Sai rồi! Người đó không phải là Phật tử chân chánh kể từ đây! Quán Thế Âm Bồ tát không phải là một vị Bồ tát chuyên làm chuyện lặt vặt, tình cảm thân sơ, thương ghét. Thế cho nên, hàng Phật tử chân chánh đừng bao giờ có ý tưởng: Ta gọi Quán Âm bằng Me để được Quán Âm Me thương hơn! Người đệ tử Phật có học Phật không nên nghĩ Quán Thế Âm Bồ tát là một phụ nữ!

Quán Thế Âm là Như Lai cổ Phật là Phật tâm, Phật tánh cùng khắp vũ trụ nhơn sinh. Trong mọi người Phật tử chúng ta đều là Quán Âm, sẵn có Quán Thế Âm ngự ở tâm mình. Bởi vì Quán Thế Âm Bồ tát là vị Bồ tát: Phổ môn thị hiện, cứu khổ tầm thinh, từ bi thuyết pháp độ mê tân... Quán Thế Âm cũng tức là Như Lai nữa! Là Trí tuệ Như Lai đức tướng của mọi người "Nhứt thiết chúng sanh cụ hữu trí tuệ Như Lai đức tướng" (Kinh Hoa Nghiêm). Thế cho nên, tu theo pháp tu của Quán Thế Âm Bồ tát cần phải học, học phẩm Phổ môn (kinh Pháp Hoa), học kinh Thủ Lăng Nghiêm kỹ càng sâu sắc mới hiểu biết vì sao Đại thừa Phật giáo xiển dương, trọng kính Quán Thế Âm Bồ tát là bậc Tịnh Thánh, bậc Đẳng Giác được tôn thờ.

Bồ tát Văn Thù lựa chọn, so sánh 25 cách tu tập của 25 vị đại đệ tử Phật, mỗi vị đều đạt kết quả, chứng nhập Pháp thân. Ưu việt hơn hết là pháp tu của Quán Thế Âm Bồ tát. Pháp tu của Quán Thế Âm Bồ tát dựa vào tánh nghe của "Nhĩ căn" và đối tượng nghe là "Âm thanh". Rồi phát huy công dụng của chánh thọ, Bồ tát thể nhận nhĩ căn có ba đức ưu việt Viên, thông, thường, các môn tu dựa trên căn, trần, thức, thất đại đều không có. Pháp môn tu của Quán Thế Âm Bồ tát là pháp môn gần gũi trong mọi người đệ tử Phật, ai cũng có thể "lắng nghe", ai cũng có đối tượng nghe thường xuyên liên tục réo gọi ở lương tâm, lương tri của chính mình. "Ác nên xa lánh" "Thiện nên làm" và nhân sức mạnh ấy lên như ngàn mắt, ngàn tay và ngàn bộ óc của con người.

Thờ Quán Thế Âm là thờ điểm đó. Kính quí, ái mộ Quán Âm ở nơi phương pháp và hạnh tu của người, chứ không phải ái mộ Quán Âm bằng cách thân thương, nguyện làm con nuôi của Me, để sẵn trong nhà, gặp lúc lâm nguy kêu Me cứu giúp.

Đạo Phật không chấp nhận đệ tử, nếu người đệ tử ấy không bỏ tánh mê tín, tánh ỷ lại tha nhân, khinh thường tri kiến Phật vốn có trong chính thân tâm mình.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

23-

Tham Thiền 41

THIÊN THỦ THIÊN NHÃN VI

Giáo thể cõi nầy hợp "tiếng nghe"

Lắng nghe "tịnh thánh" tiếng lòng ta

Nhĩ căn hướng nội ly năng sở

Sanh diệt không còn, Phật hiện ra.

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Sau khi so sánh và chọn lọc, Bồ tát Văn Thù trình lên Phật:

"Phật xuất Ta bà giới

"Thử phương chân giáo thể

"Thanh tịnh tại ÂM VĂN

"Dục thủ tam ma đề

"Thật tùng VĂN trung nhập"

Có nghĩa là:

Phật giáng sanh (xuất hiện) thế giới Ta bà này, phương cách giáo hóa truyền đạt cho chúng sanh nhạy bén và thuận lợi hơn hết là: Âm và văn. Văn tức là nhĩ căn. Âm là đối tượng của nhĩ căn âm thanh. Phương pháp tu của Quán Thế Âm Bồ tát dựa vào "nhĩ căn và thanh Âm" vừa của "ngoại cảnh" vừa của "nội tâm", vận dụng Bi Trí tự hóa giải, tự điều tiết, vô hiệu hóa căn trần theo quá trình tiệm tiến:

"Sơ ư văn trung

"Nhật lưu vong (năng) sở

"Sở nhập ký tịch

"Động tĩnh nhị tướng

"Liễu nhiên bất sanh

"Như thị tiệm tăng

"Văn sở văn tận

"Tận văn bất trụ

"Giác sở giác không

"Không giác tịch viên

"Không sở không diệt

"Sanh diệt ký diệt

"Tịch diệt hiện tiền..."

Thờ Quán Thế Âm là thờ phương pháp tu tập mầu nhiệm thậm thâm ấy. Mầu nhiệm thậm thâm mà không xa xôi khó hiểu, không huyễn hoặc hoang đường. Tu bằng tánh nghe tự có của mọi chúng sanh. Tu qua "tiếng" đối tượng "nghe" tự tâm có, và ngoại cảnh cũng có. Dùng phương tiện ngữ ngôn diễn đạt yếu chỉ ấy đại lược như sau:

Tiếng tác dụng vào tai

Tiếng và tai vô hiệu hóa

Vô hiệu hóa tiếng tai rồi

Nghe Động nghe Tĩnh buông luôn!

Từ diệu lực ấy nhân lên

Gạt bỏ năng văn sở văn

Tánh năng giác sở giác hiện

Xoá tan năng sở giác

Năng không sở không hiện

Diệt ý niệm năng không sở không

Diệt luôn ý niệm diệt

Niết bàn tịch diệt, pháp thân hiện tiền...

Kính trọng, tôn thờ, ái mộ Quán Thế Âm Bồ tát, phải tu học cách tu của Người. Và tham thiền, quán chiếu nhận thức cho rõ Quán Thế Âm Bồ tát là tâm ta, Quán Thế Âm Bồ tát ở trong thân ta. Thậm chí tôn thờ ái mộ Phật cũng phải học như vậy. Quán Thế Âm Bồ tát có đủ dạng hình, từ thân hình Đồng nam, Đồng nữ, Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát ba, A tu la... Nhơn, Phi nhơn, Thinh văn, Duyên giác, Bồ tát cho đến thân Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác Như Lai. Ngài là vị Bồ tát Phổ Môn mà!

Những ai cầu Phật ở ngoài thân tâm là tu sai rồi, như người nấu cát sỏi mà mong có cơm ăn là việc không thể có. Hãy học phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa. Đừng gọi Quán Thế Âm Bồ tát là Mẹ Quán Âm nữa nhé!

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

23-07

Tham Thiền 42

NGHỊCH VẤN ĐỊA TẠNG BỒ TÁT THI

Địa Tạng tu hành phước mỏng te!

Thưa ngài Địa Tạng phải chăng? hè!

Nếu không, ai lãnh ngành chăn mộ!

Nghĩa địa buồn tênh vẫn giữ nghề

Nghĩa địa buồn tênh vẫn giữ nghề

Làm thân Địa Tạng đáng buồn ghê!

Nghĩa trang giải tỏa dời cơ sở

Lại giữ tro xương ở tháp chùa

Lại giữ tro xương ở tháp chùa

Ta từ : Thệ, nguyện, hạnh huân tu

Giữ mồ canh cốt ta đâu lãnh

Bọn nhất xiển đề cưỡng ép ta

Bọn nhất xiển đề cưỡng ép ta

Bắt ta canh mả giữ xương khô

Đem kinh ta tụng nâng cao giá

Kinh Phật Di Đà hạ thấp xa!

Kinh Phật Di Đà hạ thấp xa

Phàm phu hám lợi phịa bày ra

Ngụy trang thiền tướng tâm vô quí

Đồng đảng ma quân cách Phật ta!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Những bậc trí giả, thạc đức Cao Tăng biết rõ: Địa tạng Bồ tát thuộc thành phần "Bản cao tích hạ". Địa vị gốc của Bồ tát ngang hàng với ba đời chư Phật, hạng thầy của mười phương Bồ tát (Tam thế Như Lai đồng tán ngưỡng, thập phương Bồ tát cộng quy y)

Nhìn bên mặt hiện tượng sai trái, do thành phần vô minh lợi dụng hình thức tôn giáo hành nghề tôn giáo với tâm ý "nhất xiển đề", vì lợi dưỡng, họ khai thác lòng mê tín của những người Phật tử nhẹ dạ cả tin. Họ nhân cách hóa Bồ tát Địa tạng thành một con người gác nghĩa trang, hoặc canh giữ "kho" "nhà" "tháp" chứa rặt xương tàn cốt rụi.

Trông thấy hiện tượng sai lầm nhan nhãn đó đây, phát xuất từ số người lợi dụng tôn giáo (Phật giáo) kinh doanh Bồ tát, Phật, Trời. Bồ tát Địa tạng là ... người ... bị lợi dụng trắng trợn và công khai hơn ... các vị khác.

Như banh mắt kẻ đui, như ráy tai người điếc, như vực tỉnh thành phần mộng mị giữa ban trưa mà đề tài "Nghịch vấn Địa Tạng thi" được ra đời và ...

Địa Tạng tu hành phước mỏng te!

Thưa ngài Địa Tạng phải chăng? hè!

Nếu không, ai lãnh ngành chăn mộ!

Nghĩa địa buồn tênh vẫn giữ nghề...

Địa tạng không bao giờ làm người giữ nghĩa trang, nghĩa địa cho ai cả.

- Địa tạng không làm người canh giữ xương tàn cốt rụi cho ai cả

- Địa tạng có Bổn nguyện, Bổn hạnh và Bổn thệ. Địa tạng là phương pháp tu xuất phát từ TÂM ĐỊA của mọi người con Phật

- Địa tạng không phải ai đó đội mão trái bí rợ, cầm cây gậy sắt với cục đá trên tay vậy đâu!?

- Bắt Địa tạng canh giữ nghĩa địa, bắt Địa tạng quản lý hủ cốt xương tàn do những người kinh doanh đặt để cưỡng bách. Nhưng sự thật họ không cưỡng bách Địa tạng được, vì Địa tạng là TÂM, là Phật Tâm thanh tịnh vốn có của mọi người. Bọn nhất xiển đề làm sao "cưỡng bách" được TÂM canh mồ, giữ cốt được. Đó chẳng qua lừa gạt những Phật tử chưa học Phật, nhẹ dạ cả tin thôi!

- Kinh A Di Đà tụng tiền công "rẻ mạt", mỗi lần tụng chỉ vài ba trăm ngàn VNĐ. Kinh Địa tạng của ta, họ đòi tiền công "đắt lắm" mỗi lần tụng phải mấy triệu VNĐ. Kinh Địa tạng Bồ tát ta quí hơn kinh A Di Đà điểm nào mà ăn mắc? Vô lý thật! Dám phỉ báng A Di Đà Như Lai!?

Hãy đọc thêm Địa tạng Bồ tát phần Phụ Chánh sẽ biết Địa tạng Bồ tát là Bồ tát thế nào!???

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

22-07-2009

Tham Thiền 43

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT

Địa Tạng là ta Tâm-địa ta

Địa cầu dày chắc rộng bao la

Mượn tâm dụ đất thành TÂM ĐỊA

Thảo mộc hằng sa tự đất ra.

Thảo mộc hằng sa tự đất ra

Loài chua, giống ngọt đất sanh mà!

Tâm sanh thiện, ác... Như Lai tánh

Địa tạng là tâm của chúng ta.

Địa tạng là tâm của chúng ta

Chơn tâm xuất hiện khắp trời hoa

Càn khôn vạn tượng bừng hương sắc

Phật bảo : điềm lành Địa tạng qua.

Phật bảo : điềm lành Địa tạng qua!

Phật rằng : Địa tạng hạng thầy ta!

Ba đời Phật Phật đồng chiêm ngưỡng!

Bồ tát mười phương lễ kính quy.

Bồ tát mười phương lễ kính quy

Bởi vì Bồ tát gốc từ bi

Là nơi tích lũy nhân duyên thiện

Địa tạng phò ai tự giải nguy.

Địa tạng phò ai tự giải nguy

Minh châu tích trượng bất tương ly

Phóng quang soi khắp tam thiên giới

Đập vỡ thành môn ngục á tỳ.

Đập vỡ thành môn ngục á tỳ

Tâm là đại thánh đại từ bi

Bổn tôn Địa tạng tâm ta đó

Địa tạng là ta Tâm của ta.

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Nhìn bằng nhãn quang triết học, người ta có thể thấy triết lý của đạo Phật chữ Địa Tạng: Đọc chánh âm nên đọc Địa tàng. Địa tàng là cái kho tàng vĩ đại, ví trái đất mà con người và vạn vật sanh trưởng, đang sinh hoạt, sống còn trên đó, mượn ý nghĩa rộng lớn, dày dặn, cứng chắc, bao hàm, chở đựng của quả địa cầu mà gọi là Địa Tạng. Chữ Địa còn dùng làm ẩn dụ rất quan trọng, tương đối nhiều như: Địa tạng, địa mẫu, thập địa, tâm địa thậm chí dân gian hóa tâm địa của mình thành "Ông Địa" miệng luôn cười vui toe toét...

Kinh Tâm Địa Quán nói:

Tam giới chi trung

Dĩ tâm vi chủ

Năng quán tâm giả

Cứu cánh giải thoát

Bất năng quán giả

Cứu cánh trầm luân

Chúng sanh chi tâm

Do như đại địa

Ngũ cốc ngũ quả

Tùng đại địa sanh

Như thị tâm pháp

Sanh thế xuất thế

Ngũ thú thiện ác

Hữu học vô học

Độc giác Bồ tát

Cập ư Như Lai

Dĩ thử nhân duyên

Tam giới duy tâm

Tâm danh vi địa

Nghĩa là:

Tâm địa ví cho tâm của mỗi một chúng ta. Vì thế, Tâm được ví như "địa" gọi là "Tâm địa". Trong tam giới tâm là chủ, người hay quán tâm có được giải thoát, người không quán tâm luôn chịu trầm luân. Tâm chúng sanh ví như đại địa lục cốc, ngũ quả.. từ đại địa sanh. Tâm pháp cũng thế, sanh ra pháp thế gian và xuất thế gian... Tâm của tất cả chúng ta là chỗ chở đựng, nảy sanh ra vô số điều thiện và cũng sản sanh ra vô số điều bất thiện, sanh con người hữu học, cả thành phần vô học. Tâm làm cho con người sống trong cảnh khổ cùng cực : Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh... Tâm cũng đưa con người đến cảnh an vui trong sáng như cảnh Cực lạc, Niết bàn, như Thanh văn Bồ đề, Duyên giác Bồ đề, Bồ tát Bồ đề và Vô thượng Bồ đề Phật. Do nhân duyên đó, gọi "Tam giới duy tâm". Tâm là Tâm địa . Tuyệt đại đa số kinh dùng chữ "Địa" chuyên chở ẩn dụ ... này! Kể cả "Ông Địa" cười vui toe toét ... để bán chạy hàng ...

Đại Tạng Bồ tát là Tâm địa ta:

Địa Tạng là ta Tâm-địa ta

Địa cầu dày chắc rộng bao la

Mượn tâm dụ đất thành TÂM ĐỊA

Thảo mộc hằng sa tự đất ra ...

Địa tạng phò ai tự giải nguy

Minh châu tích trượng bất tương ly

Phóng quang soi khắp tam thiên giới

Đập vỡ thành môn ngục á tỳ.

Đập vỡ thành môn ngục á tỳ

Tâm là đại thánh đại từ bi

Bổn tôn Địa tạng tâm ta đó

Địa tạng là ta Tâm của ta.

Hãy tự tu sửa "Tâm" mình để mình tự hưởng Niết bàn, an lạc, vì Địa Tạng là Tâm địa của mình vậy.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

22-07-

Tham Thiền 44

NHÌN QUA TỤC ĐẾ

Chịu đựng giờ ni vượt mấy mươi?

Kiếp người lây lất vậy thôi sao?

Lê thê cuộc sống mòn năm tháng?

Vất vưởng hồn cô vỡ khóc cười?!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Đề cập đến tuổi tác, Thiền sư để "chơn đế" qua một bên rồi. Nói tuổi tác, là nhìn qua "tục đế", nói bằng ý thức "đùa cợt" với chính mình. Chơn đế thì không đề cập luận bàn tuổi tác.

Từ khi được sanh ra : 1, 2, 3, 7, 10, 15, 20, 30, 50 cho đến 80, 90, 100 tuổi từ giã cõi đời. Sống khoảng thời gian dài ngắn ấy, gọi là kiếp người; qua nhãn quang của Thiền sư là khoảng thời gian đầy sự chịu đựng lê thê, vừa vượt qua chịu đựng này lại tiếp nối ưu tư sầu khổ, thành bại, hơn thua, được mất... của sự chịu đựng khác. "Tâm sầu bạch phát" là chuyện có thật, bởi quá nhiều chịu đựng mà nên. Nếu chẳng may, ở vào cảnh nghèo khó lại phải thiên tai, dịch họa, thì sự chịu đựng khủng khiếp ấy sôi trào cao đến tận cùng khủng khiếp...! Giả sử ai đó có được phần may mắn như: Tiền tài, sự nghiệp, công danh... đó chẳng qua là liếm được tí mật của 5 con ong làm rơi rớt ! Giá trị của 5 giọt mật ong rơi, thiết tưởng người trí nào cũng hiểu. Suốt quá trình gọi là "hưởng thụ" ngũ dục lạc, đâu chẳng là không "lây lất"! Đâu chẳng là "không chịu đựng"!

Ngày khép cửa cuộc đời. Sực tỉnh, thấy mình chỉ là chiếc "hồn cô"! Trời là chi? Đất cũng lại là chi? Tiền tài sự nghiệp danh vọng cao vút của ta giờ này chúng ở đâu? Vợ ta! con ta! hởi những người thân thương nhất của ta!???

"Mình ênh! Giữ được gì!"

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

22-07-2009

Tham Thiền 45

CÔ HỒN!

Kinh truyền vạn pháp tổng giai vô!

Các đảng cô hồn gốc tự mô?

Vô ngã vô nhơn hà xứ đáo?

Tà sư vô thức mị nhơn hồ?

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Nếu là thầy Tỳ kheo tu sĩ Phật giáo, nói nôm na : thầy chùa của Phật giáo Việt nam ai ai cũng đều biết cái từ "Biên kiến" trong Kiến hoặc. Trong từ "Kiến hoặc" Phật dạy rằng: Thân ngũ uẩn con người sau khi buông bỏ ai đó chủ trương chết là hết, "mất trắng, sạch trơn" không còn gì, đó là ngoại đạo "Đoạn kiến" và ngược lại, ai đó chủ trương "còn": "còn hồn, còn phách, còn hương linh, còn Giác linh... tồn tại thời gian ngắn dài hoặc vĩnh hằng, vĩnh viễn" đó là ngoại đạo "thường kiến".

Theo đạo Phật, nói chết rồi "mất trắng, sạch trơn" không phải vậy. Nhưng vấn đề còn là còn cái gì, mất là mất cái gì, còn là còn ra sao? Điều đó không phải phạm vi của bài này diễn giải hết được. Bài thi nhan đề "cô hồn" nhằm nhắn gửi cho mọi người đệ tử Phật, rằng: "cô hồn" lang thang vất vưởng quán chợ, đường quan chờ những buổi thí rế xô giàn ... kiếm ăn nuôi sống là không phải đạo Phật, vì nó sai thực tế, sai lý luận và hoàn toàn sai giáo lý đạo Phật. Không có một Tỳ kheo, một Pháp sư, Thiền sư, một thầy chùa nào cắt nghĩa, giải thích, thuyết minh được. Chỉ có những thành phần không phải đệ tử Phật, tất nhiên họ cắt nghĩa theo cái hiểu riêng của họ. Điều đó nếu có sự thật, chẳng qua cũng chỉ là chuyện "duyên sinh như huyễn" trên đời này...

Đừng hiểu Đại thi hào Nguyễn Du viết văn tế thập loại "cô hồn" theo ý tưởng của những tâm hồn "nhẹ dạ cả tin, thích cầu khấn, lễ bái, nhất là tháng bảy âm lịch. Theo Đại thi hào Nguyễn Du, nếu ai không trí tuệ sáng suốt, quá đam mê tiền tài, sắc dục, danh vọng, địa vị, cháu con, sự nghiệp v.v... hãy coi chừng ! Những người ấy đều là những kẻ "đã cô hồn, đang cô hồn" chứ không cần phải chờ đến chết rồi mới được thành "cô hồn"!

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

22-07-2009

Tham Thiền 46

TAM GIỚI

DỤC GIỚI :

Dục giới do tâm tại cõi này

Tài tham sắc nhiễm lợi danh mê

Ngày đêm dục vọng không ngưng nghỉ

Cõi dục không ranh chẳng bến bờ.

SẮC GIỚI :

Sắc giới là đây vật chất này

Thiết vi sự nghiệp nhốt thân gầy

Đắm mê của cải còi "tri kiến"

Uổng kiếp phù sinh có được chi!

VÔ SẮC GIỚI :

Vô sắc vô hình vật thể ly!

Đã "phi vật thể" cõi bờ chi?

Rằng: nơi cõi ấy sinh linh ngự?

Lý: kẻ hoang đường, đúng: bọn si!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Pháp giới nhất chân, Bất nhị tùy thuận, Nhứt tức nhứt thiết là tôn chỉ, mục đích, lý tưởng hướng đến của đạo Phật, là cơ sở triết lý đạo Phật. Do vậy, nhà Phật học, người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo, Thiền sư, Giáo sư, Giảng sư có trách nhiệm bổn phận đào tạo, dẫn dắt đệ tử môn đồ, phải hết sức thận trọng thân khẩu ý với việc làm và lời nói của mình.

Đã là Nhất chân, bất nhị, nhất tức nhất thiết cho nên "Tam giới" không được nói hoặc minh họa, rằng : tầng một cõi Dục, tầng hai cõi Sắc, tầng ba cõi Vô sắc. Cũng không được chỉ phương hướng, rằng: Dục giới hướng Đông và Nam, Sắc giới hướng Tây và Bắc, Vô sắc giới hướng Trung ương và Tứ duy..., cấm tuyệt! Cách giảng dạy truyền đạt tư tưởng ngu đần, hoang đường ấy, khiến lây lan dẫn tới mê tín dị đoan, sống gật gù với thần thánh, quỷ ma do đầu óc bệnh hoạn từ thế hệ này sang thế hệ khác, tìm thực tế để chứng minh không bao giờ có. Vấn đề Tam giới, thật sự không phải đạo Phật dạy cái gì rắc rối khó hiểu cho con người, nhưng hết sức khó nói cho những đầu óc dễ sợ hãi, nhẹ dạ cả tin, thích gửi gắm, vọng ngoại mong cầu, trăm sự nhờ thầy, những đấng bề trên mà vĩnh viễn không bao giờ gặp. Những tâm hồn mê thích duy tâm siêu hình không thể nào hiểu được Tam giới của đạo Phật dạy.

Không hiểu Tam giới đúng nghĩa, đúng lý mà ham tu hành... muốn ra khỏi ba cõi, đó là hạng người nấu cát mong được thành cơm.

Vậy Tam giới là thế nào?

Tam giới: Ba cõi, sự thật không có cõi bờ, không có giới hạn, không có ranh rắp rào giậu gì hết. Mặt ngang của tam giới là không gian vô tận, bề dọc của nó là thời gian vô cùng. Nói cách khác, tam giới là toàn thể vũ trụ hiện hữu.

Con người ở bất cứ nơi đâu có toan tính dục vọng thì nơi đó là "Dục giới" của họ. Người đam mê vật chất, bảo thủ vật chất, yêu quý vật chất không niệm viễn ly, người đó ở nơi đâu, thì nơi đó là "Sắc giới" của họ. Người tin tưởng hoang đường, thích thờ cúng van lạy cầu xin với "đấng không bao giờ có", gởi gắm đời mình cho các thứ huyễn hoặc siêu hình, người đó ở nơi đâu, thì nơi đó là "Vô sắc giới" của họ, vậy thôi.

Hãy đọc lại thi kệ trên thì sẽ rõ.

Đó là ba tâm trạng, ba phạm trù tư tưởng, ba hoàn cảnh môi trường. Người nào buông bỏ được, xa lánh khỏi, hóa giải hết thì người ấy đã xuất ly Tam giới, không còn bị các khổ và nguyên nhân các khổ xâm nhập được nữa. Phật dạy người đó có Niết bàn, họ đã chứng Niết bàn và đang nhập Niết bàn.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

22-07

Tham Thiền 47

TAM ĐỒ

ĐỊA NGỤC:

Địa ngục là đây tại cõi nầy

Cháy thân cháy cảnh cháy tâm tư

Muốn còn sợ mất sầu liên tục!

Cùng cực đau thương tại chỗ đây!

NGẠ QUỶ:

Thứ quỷ tham ăn đói khát ghê!

Suốt đời thiếu thốn kiếp lê thê?

Trăm mưu nghìn kế cầu no bụng

Cung ứng quanh năm chẳng đủ cầu!

SÚC SINH:

Sinh linh mê muội lẽ vô thường

Đạo đức lương tâm bụng trống không

Lạnh mặc đói ăn no ngủ ...ỉ...a

Sống đời vô thức chết vô tri!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Phật dạy " Thực tánh cũng như thực tướng của vũ trụ vạn hữu, đạo Phật gọi là "pháp giới", do con người tạo tác ra. Con người là một hỗn hợp từ Sắc và Tâm. Nói khác đi, vật chất cộng tinh thần. Tinh thần hay tâm là năng lượng, là động cơ kích khởi thân ngũ ấm phát huy tác dụng: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Do vậy, qua nhãn quang và nhận thức của một Thiền sư: Pháp giới là danh từ gọi chung gồm đại vũ trụ và tiểu vũ trụ. Vũ trụ cộng nhơn sanh là đại vũ trụ. Sắc cộng tâm, thân ngũ ấm con người là tiểu vũ trụ. Người đệ tử Phật tu thiền tốt thấy rất rõ đạo lý ấy!

Tam đồ là Hỏa đồ, Đao đồ và Huyết đồ. Hỏa đồ ví sự cực kỳ đau khổ như nóng cháy thiêu đốt thân tâm, như cực hình "bào lạc" của Trụ vương Đắc kỷ... Đao đồ ví sự đau khổ cùng cực như hình phạt chém đầu bêu thủ cấp, như gươm "chúc lâu" tam ban trào điển của Việt Vương Câu Tiển. Huyết đồ ví sự khổ sở như lúc sa cơ bị ăn tươi uống máu để rửa thù hận hoặc để no nê !

Tam đồ còn có tên khác là Địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Tựu trung cũng chỉ cho sự khổ đau cùng cực của kiếp con người qua ba cách mô tả, diễn đạt khác của đời sống con người, không biết gì về thiện ác. Kiếp sống con người trọn đời sống bằng ác nghiệp, do ác nghiệp đóng góp mà thiết lập, kiến tạo "tam đồ". Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh chính con người tạo ra, thì chính con người lãnh lấy và chỉ có con người ác nghiệp tự thọ, tự biết. Thân nhân, bằng hữu dù ở chung một nhà cũng không ai thấy biết.

Thế cho nên Tam đồ không có địa điểm, không thể chỉ bất cứ nơi nào. Ngược lại Tam đồ có thể xâm nhập, xây dựng thiết vi thành, hình phạt con người bất chấp gia đình quí tộc hay phó thường dân. Người trí muốn hiểu nội dung nét lớn của tam đồ, hãy đọc thi kệ trên.

Hơn tám tỷ nhơn loại trên mặt địa cầu, có ai đi bỏ thăm bầu cử Ngọc hoàng thượng đế và cả chục Diêm vương ấy lần nào chưa? Nam tào, bắc đẩu ai phong chức? Ai giao nhiệm vụ? Ai phân công? Bọn quỷ sứ không một thằng có tâm lành vậy mà chưa bao giờ hưu trí, kể từ khi có con người biết mê tín cho đến thế kỷ thứ 21 ngày nay!?

Chỉ lên gọi là trên có Ngọc hoàng thượng đế, có Nam tào bắc đẩu, chỉ xuống gọi là dưới có hỏa ngục A tỳ, có Diêm vương quỷ sứ. Hãy xét lại, nếu thấy thích hợp chưa lạc hậu thì dùng, bằng đã lạc hậu thì sửa sai chưa muộn, vì tuổi thọ của quả đất còn dài!...

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

22-07

Tham Thiền 48

CHÍCH MÁU TẢ KINH

Máu huynh mấy lít hở sư huynh?

Chích máu vào nghiên để tả kinh

Tu phúc, tu tâm, tu hạnh ấy!

Ông nào chứng giám? Tuyệt nhơn tình!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Chích lấy máu tả kinh là việc làm của con người không trí tuệ. Đem phân tích bảo lưu, phản biện cho đến cùng, nếu có cái gì đó không ngu thì: Một là âm mưu, hai là thủ đoạn, ba là có ý đồ bất chánh. Bởi vì thân thể con người được bao nhiêu máu mà chích lấy để tả kinh? Thời đại này người ta có thể thuê in một lần vài ba chục ngàn bộ trong mấy ngày. Nếu muốn tả bút lông chữ Hán, thì mực tàu mua bằng lít bằng cal là việc nhỏ. Tại sao rút bớt mạng sống con người làm son thay mực tả kinh?

Chích lấy máu tả kinh là Tu phúc ư? Hắc ám! Tu tâm ư? Vô Minh! Lập hạnh ư? Đấy là thứ hạnh che mắt những người có đức tin nhẹ dạ! Hạnh dụ dỗ, lừa gạt những người kính quí, mộ đạo mà không học Phật lại tham cầu phước báo... Những Phật tử thiệt thà này cho rằng "sư huynh" chích máu tả kinh như vậy là "tu hành ghê gớm lắm"! Rồi sư huynh có ngôi chùa. Ở ít lâu, sư huynh phá bỏ chùa nhỏ, xây cảnh lớn hơn. Sự lập hạnh ấy, nếu tính ra giá cả không sao lượng định được.

Hiền, Thánh, Phật là những bậc trí và đại trí vô thượng chánh đẳng chánh giác, các Ngài không bao giờ tùy hỷ với việc làm ngu si ấy! Những bậc đại trí dư biết máu là mạch sống của chúng sinh. Vì kính quí ham mộ kinh Phật phải hy sinh ngu xuẩn một mạng sống của kiếp con người!

"Tuyệt nhơn tình" Phật không tham dự và chứng minh cho hành động rặc mùi vô minh tham vọng ấy.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

22-07

Tham Thiền 49

CHUỘNG HỎA TÁNG

Chiếc thân ngũ ấm có rồi không

Một tổ vi sinh chứa lẩn trong

Lúc sống thua loài vi khuẩn độc

Ngày đem hỏa táng thắng... vi... sinh!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Là người Phật tử cần phải học Phật. Học tư duy quán sát, đạo Phật gọi đó là học thiền, tham thiền. Người học Phật sẽ biết rõ về chiếc thân ngũ ấm, biết rõ chân lý : Sinh, lão, bệnh, tử của kiếp con người. Nhận thức được chân lý ấy, vấn đề sống chết đối với họ chỉ là sự hợp ly, sinh diệt tựa ráng mây trời, sự nổi chìm của sóng mòi bọt biển. Từ giác ngộ đó mà biết ra rằng việc mai táng sau khi con người vĩnh biệt trần gian, từ giã thân bằng quyến thuộc trên đời thì : Thổ táng, hỏa táng, thủy táng, phong táng không còn là vấn đề đáng "sợ" hay đáng "chuộng" nữa. Sự lựa chọn của con người Giác ngộ là :

1. Vệ sinh tốt cho môi trường sống

2. Tiện lợi, gọn gàng

3. Nhẹ nhàng cho thân nhân hiện thế

4. Cắt đứt hậu quả tảo mộ, cải táng di dời

5. Mạch nước ngầm hậu thế bớt nhiễm ô.

6. Khỏi tốn kém lễ nghi ma chay không cần thiết

7. Không choáng đất canh tác của người sống

8. Đóng góp mỹ quan cho xã hội hiện tại

9. Để dành chỗ ở cho con cháu hậu lai

10. Dứt sạch tư tưởng "sợ" lạc mả siêu mồ.

Thực tế mà xét, hỏa táng để phi vật thể cái xác chết "ngũ uẩn phù hư, vô ngã" kia là hữu lý, cụ thể mười điều lợi ích cho xã hội nhơn quần ở hiện tại và tương lai. Nếu quá khứ mà biết thì cũng được lợi ích hết sức lớn lao cho hiện tại.

Quá khứ có người biết đề xuất ý hay như thế, giờ đây đâu phải tốn công nay thông báo hốt cốt nghĩa trang này, mai thông báo giải tỏa di dời mồ mả nghĩa trang nọ.... Con cháu sẽ không còn có cái "sợ" siêu mồ lạc mả ông bà cha mẹ như xưa.

Ấn độ, Campuchia, Lào, Thái lan... trên thế giới đã có thứ văn hóa hoả táng tự muôn đời! Đức Thích Ca Mâu Ni Phật viên tịch phi vật thể xác Ngài bằng cách Trà tỳ tức hỏa thiêu đấy chứ ! Nói "Hỏa thiêu nóng", đối với đạo Phật, người đó hết cứu, không còn giúp họ được gì !

Ngày từ biệt cõi trần ai, Phật tử có giác ngộ hãy nói : "Tôi chuộng hoả táng"

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

22-

Tham Thiền 50

SỢ HÒA TÁNG?

Lạnh lắm ! trời ơi ! Sợ lắm rồi!

Mồ đơn huyệt chiếc chốn tha ma!

Hỏa thiêu sống sợ đòi mai táng

Lấp đất vùi chôn có sướng chi?

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Sợ hỏa táng, chuộng hỏa táng là hai tư tưởng đối lập, khi nghĩ đến bỏ chiếc thân ngũ uẩn của ai đó phải xuất bến ly bờ! "Chuộng", nói lên sự học hiểu kinh điển giáo lý, nói lên rằng : Người Phật tử có tư duy, có tập thiền, có quán chiếu sắc tức thị không. "Sợ" thì ngược lại! Nên nhớ khi ngũ ấm chia ly, thất đại trả về, thổ táng, thủy táng, hỏa táng, phong táng là việc người trí lẽ ra không đề cập. Chủ yếu việc làm đó là "phi vật thể" một vật thể nếu không "phi" nó ô nhiễm môi trường sống cho xã hội hiện sinh một cách gớm ghê, khó sống! Thực tình mà nói, các cách táng, không cách nào đáng "thích" hay đáng "chuộng" cả!

Điều nên dè dặt của Phật tử là đừng bao giờ phát ngôn : "Tôi chết con cháu chôn tôi". Hỏa thiêu nóng lắm tôi "sợ", tôi không chịu nổi?! Nói thế, tất cả những người có trí sẽ cười ầm lên một lượt mà không dám nói lý do! Vì sợ... mích cái lòng!

Nằm trong quan tài

Chốn huyệt lạnh

Một chiếc mộ bãi tha ma

Nấm mộ đè lên mấy tấn.

Nếu nhận thức qua nội lực của "tham thiền" qua quán chiếu, rõ ràng có thoải mái gì đâu ? Lạnh lắm ! Vì ở dưới lòng đất mà!

Phật tử hãy học "tham thiền", có tham thiền mới nhận thức được "chân lý" và "phi chân lý". Qua nhãn quang của thiền sư thực học, thực tu "Cao quảng đại phần" tức là "tháp", ngôi mộ cao to rộng lớn, thiền sư xem đó là "đồ bỏ" là vật biểu hiện cụ thể hóa vô minh, chẳng thèm ham, nữa là...

Thông tin từ: phatphapdaithua

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #chau#tue