tham thien 4
Tham Thiền 8
TRÀ ĐẠO
(Đạo lý của người đệ tử Phật uống trà)
Đây chén cam lồ nghi ngút hương:
Hương trà, hương đạo quyện hương thiền
Tinh hoa...hương sắc...vào trong một
Vị bát trà thơm vị các phương.
TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Nhân loại có bao nhiêu ngàn chủng tộc hiện sống trên mặt địa cầu, có lẽ chưa có nhà nhân chủng học nào tự mãn cho rằng mình biết đúng. Có một điều mà nhân loại biết chắc hẳn là đúng, đó là cái đạo lý của mỗi chủng tộc. Dân tộc nào, chủng tộc nào cũng có cái truyền thống, cái đạo lý, cái phong tục tập quán riêng của con dân nước ấy. Trà thì hầu hết nhân loại đều biết, đều uống chẳng mấy gì khác nhau. Nhưng trà đạo, cái đạo lý uống trà của người đệ tử Phật, nhất là đệ tử Phật có học Phật, biết tu, tâm tưởng họ cách biệt nhau như trời xanh, vực thẳm!
Trà là tên một thực vật, một thứ cây lá, người ta hái đọt non rồi chế biến vị, gia ướp hương và phải trải qua nhiều công đoạn người ta mới có được một thương hiệu trà nổi tiếng. Ở Việt nam hiện có các hiệu trà Olong Tâm Châu, Olong Cầu Đất, Olong Cầu Tre, Olong Trâm Anh ... Nói chung, người ta khai thác danh hiệu "Olong" trên thương trường trà, thời điểm hiện nay mạnh và rộng. Nhưng theo tôi mà nói, các hiệu trà có chữ "Olong tea" nói trên đều ngon hết. Tuy nhiên hương vị không thể trăm phần trăm bằng nhau và giống nhau; Thế cho nên nếu cần nhận xét hương vị, đánh giá tinh vi, bần đạo xin kính nhường các bạn. Ở Đài loan có Vương trà (King tea) Hoàng trà (Queen tea), hai hiệu trà này có mùi hương rất khó kiếm người chê. Nhưng nói về vị thì các thứ Olong Việt nam ta, nó đậm đà cho bạn nào cần cảm giác mạnh.
Trà Việt nam ta còn gọi nó cái tên nữa là chè. Vì sao gọi như vậy, đố ai mà biết. Chỉ biết, hễ ai ghiền uống trà lại thêm mang chứng nghiện rượu bỏ bê công ăn việc làm, xiêu đình ngã quán bại hoại gia phong thì người ta gọi nó là "thằng rượu chè be bét". Thanh niên mà bị dán cái nhãn ấy thì khó có vợ lắm con ơi!
Thế thì trà cũng có cái hay như Trà đạo, trà cũng có thể có nguy cơ khi đổi nó qua cái tên "chè"!
Từ xửa từ xưa, người Trung quốc đã từng khai thác cả hương cả vị và cả nguồn kinh tế ở cây trà, cho nên người ta đã chọn tên đặt hiệu cho trà những cái tên gợi cảm nhưng nhẹ nhàng và thanh lịch như Olong, Võ tước, Liên tâm v.v...
Hồi 12, 13 tuổi, tôi đã phải nấu nước sôi bằng củi, pha trà, châm trà và dâng cúng trà bàn Phật, bàn ông bà tổ tiên, cả bàn "ông thiên" nữa. 4 giờ 30 sáng, cái giờ ông thân sinh tôi tụng kinh "Công phu" khuya, phần tôi phải làm nhiệm vụ ấy. Bàn Phật cúng ba chung, bàn ông bà một chung, bàn "ông thiên" một chung. Khi rót trà cúng phải đọc bài kệ hiến trà, các thầy ở chùa thường gọi là bài "chú cúng nước", chú rằng:
Khổng tán võ tước thực châu trà
Thanh thủy hương tuyền hổ phách ba
Phấn khí ngọc bôi phân phúc úc
Cúng dường chư Phật hỷ thiện đa
Nam mô Cam lồ vương Bồ tát (3 lần)
Uống trà mà biết trà ngon, là phải nhờ có môi trường, hoàn cảnh tốt. Tốt cho thân, tốt cho tâm là điều quan yếu tối cần. Cũng như mùa xuân, vui cho những tâm hồn hoàn cảnh vốn có vui, chớ đau khổ tương tư thì trời xuân chỉ còn là một trời ảm đạm. Thân khang kiện bình an, tâm thanh thoát nhẹ nhàng, bát trà thành chén cam lồ, nhắp vào một ngụm tinh thần sảng khoái, chánh niệm phấn chấn nảy sanh, hương trà giờ đây thêm mùi hương đạo, đỉnh cao hương đạo là hương thiền, là chánh niệm, chánh định, chánh tư duy.
Do vậy, người ta có thể nhận thức rõ, biết rất rõ về Pháp giới tánh, về Nhất chân pháp giới, về Pháp giới bất nhị, về Bất nhị pháp môn và về giáo lý: Nhất tức nhất thiết, Nhất thiết tức nhất, trong một có tất cả, tất cả có trong một, trong một vi trần có tánh chất của địa cầu và trong địa cầu đích thị là vi trần. Thế cho nên, vị của một bát trà là hương vị của mười phương trong ấy. Quán chiếu như vậy, tư duy như vậy, thiền định như vậy rồi, thiền giả ở một chỗ, bất cứ chỗ nào, tự có Cực lạc Tây phương, tự có Niết bàn đương xứ, và đã tham quan du lịch khắp pháp giới chư Phật mười phương và đương nhiên đã biết rõ những gì của Âu, Á, Úc, Mỹ, Phi châu rồi!
Trà đạo, cái đạo lý uống trà của người đệ tử Phật là vậy.
Viết cái gì cũng không trúng, là trúng.
Thông tin từ: phatphapdaithua.com
01-09-2009
Tham Thiền 9
NHÂN QUẢ
Rắm hạt xoài thơm có quả ngon
Trồng cây mít nghệ được cơm vàng
Vàng thơm chua ngọt do ươm giống
Ảnh hưởng đời con: liệt tổ tông.
TRƯC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Cho đến thế kỷ 21 này, cơ quan thống kê nhân số thế giới cho biết, nhân loại trên địa cầu đã được trên tám tỷ người. Đức tin của số người hiện diện ấy, dẫu có ông trời thật bằng xương bằng thịt, tuyệt kỷ ngành điện toán, siêu xuất lập trình viên cũng không thể nào dự liệu biết được lòng dạ mỗi người họ đang nghĩ ngợi những gì.
Tuy nhiên, con người ưu điểm mà cũng có nhược điểm. Người ta có thể biết được lòng dạ của tha nhân bằng cách tìm biết lý tưởng, qua tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo mà người đó đang quy kính tôn thờ.
Thi đề Nhân quả mới nghe qua, người ta tưởng thi đề đó phát xuất từ giáo lý đạo Phật. Sự thật không phải, nhân quả chỉ là một hệ trong đa hệ, một nguồn trong nhiều nguồn giáo lý của đạo Phật mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đề cập để chỉ dạy cho con người. Giáo lý nhân quả thuộc về tài sản, chân lý chung của cả nhân loại, nó không phải giáo lý riêng của đạo Phật. Bởi vì, sự cấu tạo, sự hình thành của động vật thể, thực vật thể, khoáng vật thể cả phi vật thể cũng không lọt ngoài chân lý nhân quả mà có ra được. Đệ tử Phật cũng như tất cả mọi người không phải đệ tử Phật, thử dành một ít thời gian tư duy đều thấy rõ và nhận ra chân lý đó.
Chưa ra khỏi tam giới phải chịu sự chi phối hoàn toàn theo luật nhân quả. Tuy nhiên, hữu vi pháp thì nhơn quả không có "định luật" cố định. Thế cho nên nhân quả có thể "cải tạo" "chuyển hóa" bằng cách: Thay nhân đổi quả, chuyển nhân biến quả.
Thi đề Nhân quả, nội dung bốn câu thơ rất mộc mạc, chẳng thi chẳng thơ gì ráo, nhưng về giáo lý nhân quả, nói để nhắc nhở nhau thì nó bình dân đến nỗi không còn ai nghe mà không hiểu. Người nông phu trồng cây gieo giống thế nào sẽ gặt hái hoa trái như thế ấy. Trong gia đình, ông bà cha mẹ ăn ở đạo đức thảo ngay thì con cháu theo gương đạo đức thánh thiện của cha mẹ của ông bà. Sách có câu rằng:
"Hiếu thuận hoàn sanh hiếu thuận tử
Ngỗ nghịch hoàn sanh ngỗ nghịch nhi
Bất tín đản khán thiềm đầu thủy
Điểm điểm đích đích bất sai di"
Dịch:
Hiếu thuận sanh con, con hiếu thảo
Ngang tàng cháu chắt cứng đầu theo
Nhà ngang giọt nước bong xa mái
Mái dốc êm dòng nước chảy xuôi.
Đấy là cách diễn đạt chỉ bày nhân quả thế gian; nhân quả của phạm vi Nhơn thiên thừa Phật giáo đó thôi. Muốn đến đỉnh tột cao, đệ tử Phật còn phải học tập quán chiếu, tư duy nhân quả của Thanh văn, Duyên giác, của tối thượng thừa Phật giáo nữa. Nhân quả của tam thừa sâu sắc ưu việt rồi siêu việt, đó là Nhân của Bồ đề và Quả là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chân lý nhân quả có sự nhiệm mầu như vậy, từ ưu việt đến siêu việt, từ siêu việt mà thành tựu Phật quả. Thế cho nên, người đệ tử Phật rất sợ nhân quả, nếu nhân quả đó thuộc trong xu thế, trong chiều hướng thất đức, bất nghĩa, bất nhơn, vô lương, vô đạo. Nhưng ngược lại, người Phật tử cũng rất quí trọng đạo lý nhân quả, tôn thờ chân lý nhân quả, thường xuyên liên lục trong ký ức, trong sự tỉnh thức, trong sinh hoạt bình nhật, trong cuộc sống của đời mình, nếu đó là nhân quả bên con đường thánh thiện.
Nói là nói vậy thôi, chứ ngày nào còn sợ nhân quả, còn kính quý, tôn trọng, hâm mộ nhân quả thì những ngày ấy ta còn cực khổ, còn mắc công tu với tập đấy.
Hởi ai là đệ tử Phật! Hãy học, học nữa và học mãi. Hãy tu, tu nữa, tu đi. Tu cho đến khi nào chân lý Nhân quả của thế gian vô tác dụng đối với ta, khi ấy công trình tu tập của ta, ta thấy đó chỉ là một trò chơi, nó trở thành đạo lý: tu vô tu tu, hành vô hành hành, chứng vô chứng chứng mà Như Lai đã dạy. Chừng đó, bạn đưa một tay chỉ lên, một tay chỉ xuống dõng dạc tiếng hải triều:
NHƯ LAI ĐÃ VỀ ĐẾN ĐÍCH!
Thông tin từ: phatphapdaithua.com
01-09-2009
Tham Thiền 10
HỌC ĐẠO
Hướng đến vô vi học đạo chân
Sâu xa tuyệt học dứt lần khân
Vô minh, Phật tánh không hai một
Ngũ uẩn phù hư tức pháp thân.
TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Đạo để cho nhân loại "tín ngưỡng" ở toàn cầu nhiều lắm khó mà biết. Đến thế kỷ 21 có bao nhiêu thứ đạo phục vụ cho hơn 8,4 tỷ người trên thế giới cũng khó có người biết. Học đạo ở đây nhằm giới thiệu cách học và hiểu giáo lý của đạo Phật cần phải thiền định, nhận thức, quán chiếu, tư duy qua hai mặt:
1. Hiện tượng Hữu vi pháp
2. Bản thể Vô vi pháp
Bên mặt hiện tượng hữu vi, người đệ tử Phật phải học hiểu Ngũ thừa Phật giáo" tức là năm hệ tư tưởng để đáp ứng yêu cầu của năm chủng tánh, năm căn cơ trình độ sai biệt bất đồng. Đó là: Nhơn thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát đại thừa. Nếu gặp thầy hay bạn giỏi hướng dẫn học tốt, tu đúng, sẽ đem lại kết quả an lạc ngang với giáo lý của "thừa" mình tu học. Ví dụ:
- Học tu Tam qui y, ngũ giới pháp là Nhơn thừa
- Học tu Thập thiện nghiệp đạo là Thiên thừa
- Học tu Tứ diệu đế là Thanh văn thừa
- Học tu Thập nhị nhân duyên là Duyên giác thừa
- Học tu Lục độ vạn hạnh là Đại thừa Bồ tát
Ngũ thừa Phật giáo mở bày chỉ dạy về các hiện tượng hữu vi và phương pháp vượt ra khỏi sự buộc ràng bức ngặt của hiện tượng "hữu vi duyên sanh" ấy.
Vô vi là thật tướng của hiện tượng. Phải hướng đến bản thể vô vi mới thật biết, thật chứng cái đạo chân thật: Chân thường, chân lạc, chân ngã và chân tịnh, bản thể của hiện tượng vạn pháp. Học Hữu vi pháp như người chỉ biết nước biển qua sóng mòi bong bóng bọt, học vô vi pháp thâm ngộ ra rằng: sóng bọt lao xao kia không phải là nước biển và liễu ngộ ra rằng: ngoài sóng bọt lao xao, còn một bản thể trong suốt phẳng lặng như gương, đấy mới là nước biển thật. Học đạo ở hữu vi pháp chỉ là biết chân lý: vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh của hiện tượng vạn pháp. Hướng đến vô vi học, người đệ tử Phật biết rõ bốn đức Niết bàn: Thường, lạc, ngã, tịnh.
Tỉnh ngộ, nhận thức chân lý, rõ ra: bản thể không rời hiện tượng; hiện tượng không ngoài bản thể. Vô vi không rời hữu vi; hữu vi không ngoài vô vi. Vô minh không rời Phật tánh; Phật tánh không ngoài vô minh. Phật tánh và vô minh nói một không phải, nói hai không đúng. Thân ngũ uẩn và Pháp thân cũng vậy. Chúng sanh và Phật bất tức, bất ly. Phiền não tức Bồ đề, sanh tử tức Niết bàn.
Học đạo như vậy gọi là "Tuyệt học"
Học đạo như vậy mới gột rửa hết nạn vấn "lần khân"!
Thông tin từ: phatphapdaithua.com
31-08-2009
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro