Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

tham thien 3

Tham Thiền 5

GẶP PHẬT và THẤY CẢNH

Cảnh Phật sao mà rỗng lặng thênh!

Duyên gì Phật ở một mình ênh?

Phật rằng : Vạn pháp đâu từng có!

Phật Phật hằng sa một Phật thân!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Ai có khả năng tư duy, quán chiếu, nhận thức thực tướng của vạn pháp là không có thực. Chúng như mộng, huyễn, bào, ảnh... Đó là người gặp Phật rồi, người gặp được "Phật tánh" của chính mình rồi đấy ! Người có học đạo Phật, không bao giờ nói: han hạnh tôi được diện kiến đức Phật sống. Dù phải chạm trán đức Phật Thích Ca cũng không nói bậy như vậy.

Cảnh Phật mọi người có khả năng thiền quán tư duy đều có thể thấy, có thể gặp, có thể ở, sống trong cảnh Phật. Chỉ cần nghe lời Phật dạy trong một câu, tập tu ba chữ "Bất ưng trụ" Người đệ tử Phật rong chơi cảnh Phật suốt đời cho đến khi nào hết muốn sống, và sau khi chết vẫn cứ vậy mà vui chơi rày đây mai đó trong vũ trụ bao la vô tận!

Học thêm tám chữ nữa "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" chừng ấy người đệ tử Phật nhìn đâu cũng là cảnh Phật, nhìn đâu cũng gặp, cũng thấy Phật. Bởi vì "Chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng". Hữu vi, vô vi có cái gì không có tướng tịch diệt trong ấy đâu?

Có nhận thức hữu vi, vô vi pháp qua thiền quán, bấy giờ tự giải đáp nguyên do:

- Vì sao cảnh Phật rỗng lặng thênh

- Vì sao Phật ở một mình ênh

- Phật Phật hằng sa trong một Phật

- Vạn pháp không từng có. Thế nào?

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

01-09-2009

Tham Thiền 6

THẢ DIỀU

Tà dương lãng đãng bóng vàng

Con diều năm sắc tung hoành trời xanh

Trời xanh mây trắng trong lành

Bóng diều vẩn đục trời xanh ớ diều.

Bóng diều có làm gì vẩn đục?

Vốn phong tranh là vật vô tâm

Van ai khéo chớ hiểu lầm

Diều không vẩn đục, không phiền bận ai!

Diều tự nhủ: ta vô can sự

Bởi ai kia nghĩ ngợi diều thôi

Thân diều hợp bởi nhân duyên

Làm ai bận rộn đảo điên được nào?

Thương hay ghét tự ai chuốt lấy

Chiếc diều này một mớ duyên sanh

Nói điều quyến Yến rủ Anh

Chiếc thân vô ngã ai cho tự mình

Mảnh vô định lượn hình theo gió

Gió dương rồi bỡ ngỡ phôi pha

Chiều tàn gió lặng dương qua

Gió dương đôi ngã diều rơi cô sầu

Bay cao lắm diều sa nặng lắm

Ai thả diều xin nắm cuộn tơ

Gió diều lượng cả bóng dương

Tà dương khuất bóng ai thương ai sầu?

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Diều giấy, tiếng Hán nôm gọi là phong tranh. Thả diều thú vui của trẻ con. Mùa nắng đến ruộng đồng thu hoạch thóc, rơm rạ còn sực nức mùi thơm no ấm, ngọn gió chướng thổi nhẹ, rong theo một hướng, đi ngược gió đôi vành tai có tiếng phù phù thì đấy là lúc thả diều ngon nhất, và đấy cũng là hiện tượng báo hiệu xuân sang. Thú chơi diều, coi vậy mà không phải ai cũng có khả năng chơi được. Thưởng thức trọn vẹn thú chơi diều gió chỉ có hai thành phần. Một, trẻ nít, cái tuổi còn chất liệu "anh nhi" từ 10, 15, khoảng tuổi này mê diều nhất. Thả diều, đá bóng là trò chơi hiếu động của bọn nam nhi, nhưng có số nữ nhi tuổi học trò cũng mê không kém. Hai, thành phần có tuổi trung niên, thành phần này lại có thể chia hai: Một, người đã đầy đủ trọn vẹn tiền tài, danh vọng, địa vị ... tự thấy mình tới lúc vui thú điền viên. Hai, thành phần đệ tử Phật có học Phật, có tu tập, có vận dụng giáo lý, kinh điển. Ứng dụng giáo lý ấy, thông qua cuộc sống hằng ngày. Người có chất "thiểu dục vô vi" mới thưởng thức ngoạn mục cái thú chơi diều.

Kinh điển giáo lý Phật chỉ ra rằng: Tất cả hiện tượng vạn pháp tánh của nó, tướng của nó vắng lặng trong sạch. Vạn pháp có món nào mê hoặc cám dỗ ai đâu! Ma túy, rượu mạnh đâu có say nghiện người, mà người tự say tự nghiện. Cảnh đẹp hoa xinh đâu có mê đắm người mà người tự đam mê tham đắm đó thôi.

Diều không làm gì vẩn đục được trời xanh, và cũng không làm gì bẩn nhơ mây trắng! Lấy đó mà suy, ta thấy cái câu "Bóng diều vẩn đục trời xanh ớ diều". Người ta có thể xem đó là "công án" là "thoại đầu" không có gì quá đáng. Ở vào thế kỷ 21, công án thoại đầu này không hề non kém giá trị đối với bất kỳ công án thoại đầu xưa cũ nào. Công án thoại đầu ấy đủ sức phát huy công dụng để cho thiền giả quán chiếu, tư duy, soi rọi để rồi nhận thức cái "Thể tánh tịnh minh" của Tâm cũng như của Cảnh. Đó là cơ sở thiền học: Năng sở song vong rồi!

Cách nay 70 năm, hồi đó tôi được 12 tuổi, cái tuổi "mê" diều nhất. Gặp buổi "Tà dương lãng đãng bóng vàng; con diều năm sắc tung hoành trời xanh" là có thể bỏ cơm chiều không thèm về ăn. Tối ngủ còn chiêm bao thấy diều ta bay lượn ... Ôi! Hạnh phúc! Hồi đó, một tờ nhật trình cũ, chuốt vài cọng sóng lá dừa, vài mươi hạt cơm dẻo dẻo là tôi có được một con diều. Òn ỉ xin 2 xu mua cuộn chỉ là đủ đầy hạnh phúc của lứa tuổi chưa mờ nhạt hạnh anh nhi rồi!

Cho tới bây giờ, tôi lại thả diều, nhưng diều của tôi cũng như diều của bọn trẻ con đều là diều ngũ sắc, chúng bay lượn sặc sỡ trên nền trời xanh mây trắng. Tuy nhiên, thân diều cũng chỉ là một mớ nhân duyên: Một mảnh vải ni lông nhiều màu sặc sở và bốn cọng nan tre hoặc cọng đót phơi khô, chừng ấy nguyên liệu là có được con diều rồi! Thế chẳng phải một mớ duyên sanh là gì? Chẳng rõ là chiếc thân vô ngã đấy sao? Với căn và cảnh diều vô can sự, với vật chất diều chỉ là vài tí món nhân duyên, với khoảng không gian diều không khả năng làm vẩn đục, với cảm tình diều nào quyến rủ ai đâu! Diều là mảnh vô định lượn hình theo gió! Nếu mơ diều, thích diều, mê diều, khoái thả diều là tại ai, chứ diều chẳng làm gì nên phiền, nên bận lòng ai!

"Các pháp từ xưa nay, tánh tướng đều vắng lặng, Phật tử mà hành đạo, ai cũng thành Phật hết".

(Kinh Pháp hoa)

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

01-09-200

Tham Thiền 7

THIỀN TRÀ

(Uống trà khéo vận dụng tư duy)

Uống nước suối đã lòng khi giải khát

Nhấp trà ngon quán niệm chuyện nhân tình:

Đã là đời có trọng cũng có khinh

Cảnh giác mạnh : kẻ "tâm xà khẩu Phật"

Ít ai biết mắt trời như điện chớp

Soi lòng người, rọi khắp hết trần gian

Ở năm rồi tước đoạt của nhà Đông

Năm này đến dựng xây cho nhóm Bắc

Vật phi nghĩa chẳng cứ đâu làm chắc

Sự nghiệp này, như băng nổi biển nước sôi

Như cát trôi theo dòng thác của núi đồi

Ai ngăn được vô thường đổi thay xoay chuyển?

Lập sanh kế với âm mưu quỷ quyệt!

Sự nghiệp cơ đồ : bông bí cánh phù dung!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Chữ Thiền trong đạo Phật cần hiểu qua hai danh từ: Thiền na hay thiền định, có nghĩa là tu bằng cách "tư duy và quán chiếu trong hoàn cảnh, môi trường tịch tĩnh". Thiền có thế gian thiền: đối tượng thiền này là chưa vượt ra tam giới. Xuất thế gian thiền: đối tượng của thiền này là vô đắc bất tư nghì; thị xuất thế gian trí; xả nhị thô trọng cố; tiện chứng đắc chuyển y.

Thiền trà, là uống trà mà có chánh niệm, có tư duy. Uống trà biết mình uống trà. Uống trà đang suy nghĩ gì, biết mình uống trà đang suy nghĩ gì! Tư duy đối tượng thiền nào biết mình đang tư duy đối tượng thiền nào: Phàm phu tam giới thiền, Thánh nhơn xuất thế gian thiền. Tự huấn luyện, tập cho mình thành thói quen như vậy, thì chính mình là thiền giả, thiền sinh, thiền sư rồi. Rồi tự mình có thiền hành, thiền tọa, thiền trụ kể cả thiền ngọa, không có gì trở ngại trong việc tu thiền hết.

Nội dung Thiền trà thi, đọc lên thiền giả biết ngay đây là "phàm phu thiền". Đối tượng thiền này không có chất liệu vượt ra ba cõi. Cái đích tư duy tột đỉnh của Thiền này là soi rọi thấy được cái lý lẽ, cái thiện ác trong cuộc sống giữa con người với con người; và thấy được một bộ phận, một góc cạnh chân lý vô thường. Thế tục mà thiền được như vậy, kể ra cũng không dễ có!

Thiền Trà Thi, Như Huyễn Thiền Sư trước sau như một, nó vẫn là chơi, đừng đòi hỏi, chớ yêu cầu ở đó cái gì hay ho, cao xa trọng đại. Nhưng nếu khéo tư duy, ứng dụng bài thi này nó có thể giúp ích cho ai đó lắm lắm. Ví dụ: "Cảnh giác mạnh kẻ tâm xà khẩu Phật". Hãy cẩn thận! Điều đó nhan nhãn trên kiếp sống trần ai đấy. Rồi khắc khe, rồi gian ác, rồi lừa đảo, rồi chiếm đoạt đầu này đem xây dựng chỗ kia, rồi tranh danh, rồi cướp lợi, rồi triệt hạ, rồi suy cử, rồi suy tôn, rồi và rồi v.v... Kết cuộc kinh Phật chỉ ra rằng: Tài thuộc ngũ gia phi ngã hữu; thân quy tứ đại bổn lai không. Có nghĩa rằng: Tiền tài, danh vọng, sự nghiệp khó tin tưởng nó chắc thật của mình, mà nó thuộc của "Ngũ gia":

1) Chính phủ tịch thu xung công.

2)Thiên tai lũ lụt tàn phá.

3)Hỏa hoạn thiêu rụi.

4) Giặc cướp chiếm đoạt.

5) Con hư phá tán hết.

Uống trà có tư duy, có nhận thức, có đánh giá cuộc đời, cái nào tốt, cái gì xấu, người nào nên theo những ai nên tránh, thiện ác là gì? Kết cuộc của kiếp phù sinh ...!?

Khát ẩm thanh tuyền muộn ẩm trà

Kham thán nhân tâm độc tợ xà

Hãy uống trà có chánh tư duy thì ta là thiền giả, ta là thiền sinh, ta là thiền sư vì ta được uống trà mà.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

01-09-2009

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #chau#tue