tham thien 2
THẤY TRĂNG...
Trăng vàng chênh chếch đỉnh Tà Dương
Lồng bóng thông xanh Liễu Liễu Đường
Lặng lẽ đêm khuya ta với bóng
Êm đềm cảnh vắng ý mang tình
Việc đời luận mãi sai thêm lớn
Ý đạo thiền sâu ngộ mới thâm
Quẳng gánh ưu tư vui "tĩnh lự"!
Thanh bần lạc đạo có "NÊ HOÀN"
TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Trăng là một pháp ở trong vô vàn các pháp. Qua nhãn quang của Thiền sư, thấy trăng đồng nghĩa thấy tự tánh thanh tịnh bản nhiên của hiện tượng vạn pháp.
"Chư pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tướng"
Thiền sư thấy trăng, rồi nhìn qua thấy những thông xanh lồng bóng, ngoảnh lại Liễu Liễu Đường, lướt tầm nhìn rộng, đây là đồi Tà Dương. Một câu nói không lời: Mình đang ở Liễu Liễu Đường, đồi Tà Dương, dưới bóng trăng khuya! Đang là:
"Lặng lẽ đêm khuya ta với bóng
Êm đềm cảnh vắng ý mang tình"
Đêm khuya cảnh vắng là môi trường gợi cảm tư duy thế cuộc, nhơn sinh.
Trong bối cảnh tịch tĩnh cô liêu, Thiền sư phát kiến ra chân lý: Chuyện đời "nói gì cũng không trúng, là trúng"! Ai nghe qua mà chẳng tưởng đó là ngông!
"Luận mãi sai thêm lớn
Thiền sâu ngộ mới thâm"
Rõ là sự thật, ai có tập tu sẽ thấy rõ điều đó. Phải học tập tham thiền mới có cơ hội ngộ đạo, chứng đạo. Kinh sách Phật ví như ngón tay chỉ trăng, người trí mượn ngón tay mà nhìn trăng. Nương kinh điển học lấy cách tham thiền, tư duy quán chiếu, gột rửa, lắng lọc để bỏ hết phiền não, vô minh, thì nước trong trăng hiện, mây tan trời hiện, vô minh hết Phật tánh hiển lộ ra. Đó là:
"Quẳng gánh ưu tư vui tĩnh lự
Thanh bần lạc đạo có NÊ HOÀN".
Nê hoàn tức là Niết bàn, là đức "giải thoát" một trong ba đức của một vị Phật. Quả Niết bàn là "Liễu nhân" cho nên người Phật tử hãy tu tập "thanh bần lạc đạo" để hạn chế, để cắt đoạn trần duyên, để "ly" tứ tướng.
Thông tin từ: phatphapdaithua.com
01-09-2009
HỌC THẤY
(Tập Quán Chiếu)
Học thấy Thân ta sắc cộng không
Sắc không, không sắc hỗ tương dung
Duyên sanh ngũ ấm không duyên sắc
Hiện tượng phù hư nhất quán thông.
TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Thấy bằng cách mở mắt tròn to, nhìn ngoại cảnh trước mắt, nhìn người không lạ gì phải học. Thấy phải học là thấy không cần mở mắt to mà có thể thấy trong, thấy ngoài, thấy gần, thấy xa, thậm chí thấy hết những gì trong ba ngàn đại thiên thế giới. Cái thấy này nói cách khác là không dùng mắt mà dùng tâm trí thấy, dùng quán chiếu thấy, dùng tư duy thiền định thấy. Vì vậy phải học, phải tập mới sử dụng được cách thấy của các Thiền sư, của Tu sĩ Phật giáo Việt Nam và các Thiền sư tu sĩ chánh thống Phật giáo thế giới bằng cách thấy này.
Là Tỳ kheo tu sĩ Phật giáo, là Thiền sư, Phật tử tại gia cũng có khả năng là thiền sư được. Học thấy là phải thấy cho rõ: Thân ngũ ấm của con người vốn là sắc hòa hợp tâm, tâm hòa hợp sắc, vật chất hợp tinh thần, tinh thần hợp vật chất, sắc ấm hợp thức ấm, thức ấm hợp sắc ấm. Thấy được vậy, có nghĩa là thiền sư thấy được sự tương dung, tương nhiếp, tương nhập, thấy chơn lý "duyên sanh như huyễn" của nhơn sinh đối nội; cũng thấy được chơn lý "duyên sinh như huyễn" của đối ngoại nữa. Từ cách học thấy ấy, ta tỏ ngộ rằng: "Nội ngoại chư pháp tận tri bất thật; tùng tâm biến khởi tất thị giả danh". Thiền sư sẽ khinh an thanh thoát trong kiếp sống.
Học thấy, trọng tâm cũng như chủ đích, nhằm đào tạo, bồi dưỡng cho thiền giả thường xuyên, liên tục nguồn tư tưởng Ngã pháp câu không!
Thông tin từ: phatphapdaithua.com
01-09-2009
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro