Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

i.

Người ta bảo ở cái làng Kỳ có phủ ông Thôi nổi tiếng giàu có nhứt vách đổ vữa. Ông có cái đầm to bằng ba thửa ruộng góp lại, ông có cái vườn điều rộng hàng trăm héc-ta, cái cầu xây cho ngựa ông đi cũng to ngang ngửa cái lối mòn dẫn vào xóm. Vàng bạc nhà ông thì nhiều vô kể, đến độ bà con trong làng hay trêu nhắng: ông mà bỏ chia cho dân làng thì phải đi ba vòng mới hết cho nổi. Mà ở cái thời còn nghèo đói, quanh năm ngày tháng chỉ biết gặm khoai ngứa lót dạ thì người như ông Thôi nghiễm nhiên được coi là có quyền lực ngang ngửa quan làng. Mọi người sợ ông như sợ hùm, đến độ mà mỗi đợt kiệu ông đi qua, chợ búa có tụ họp đông đến mấy cũng phải vội vã thu dọn mà nép vào hai ven đường nhường lối ông đi.

Đáng lí được nể nang như thế, ông Thôi phải tỏ ra kiêu ngạo lắm. Ấy vậy mà ông lại hiền hậu có tiếng, ai gặp qua cũng bảo ông lành tính. Ông rất quý trẻ con, đặc biệt là mấy đứa còn loắt choắt lên bốn lên năm, thí dụ đi dạo loanh quanh mà gặp đứa nào chạy lại chào là ông lại móc trong túi mấy cái kẹo cốm đưa cho ngay. Ông cũng thương nhất mấy đứa hầu nhà ông, cha mẹ chúng nó mượn vài đồng nộp sưu không có tiền trả, đành nặng lòng bán chúng nó cho ông làm ở đợ. Ô vậy mà vào nhà ông làm thuê, đứa nào đứa đấy mụ mẫm hẳn ra. Thế mới tài.

Ông Thôi cũng không mặn mà gì với chuyện cưới xin cho lắm. Mấy lúc ông ngồi uống chè ở trên phản gỗ, ông hay bảo với thằng Huân là ông cóc thèm cưới vợ, ông thích ở vậy hơn, vừa thoải mái vừa tự do. Thằng Huân tay liên tục phẩy cái quạt vải thêu chim phượng, cũng gật gù theo ông. Ông Thôi chỉ thích uống chè đặc, thích đi tản bộ vào tầm gà gáy, thích chơi chim cảnh với ăn canh rau muống thêm muối vừng lạc thôi.

Nghe ông bảo vậy cơ mà ai ngờ, lương duyên lại nối ông với bà Hoàng Kiều, con gái thầy Dung làng Xoan cách cái làng Kỳ này một buổi sáng đi ngựa. Bà là con nhà gia giáo đã ba đời trạng nguyên từ thời cụ nội. Ông Thôi bữa ấy phải qua cái làng bên ấy có việc, vô tình đi ngang cái lớp chòi be bé dựng gần cuối làng của bà Hoàng Kiều. Bà đang say mê dạy bảng chữ cái cho mấy đứa trẻ con bập bõm đọc theo. Cái vẻ đẹp tri thức dịu dàng của bà thuở ấy là quý giá nhất với một người phụ nữ. Giọng bà mềm mỏng mà trầm bổng như rót mật vào tai, làm cho ông Thôi làng Kỳ cứ đứng bên mạn cửa say mê dòm vào nhìn. Hai ông bà sau nấy làm quen rồi càng ngày ông Thôi càng mến cái đức hạnh của bà Kiều. Được đâu đấy chục bữa đã kéo sính lễ đến nhà bà mong được rước bà về dinh. Vừa nghe bên ấy chấp thuận, chọn được ngày lành tháng tốt liền tổ chức cưới hỏi linh đình. Ngày hôm ấy, người dân trong làng ùn ụt xếp thành hai hàng dẹp đường cho kiệu bà Kiều đi, lẽo đẽo chạy theo sau còn có mấy đứa được bà dạy đọc, dạy viết. Đi đến đâu là tiếng khen ngợi không ngớt hướng theo. Thế là một bước lên mây, bà ung dung bước lên bên cạnh ông Thôi với cái danh bà cả cao sang.

Sau này nghe ông Thôi kể lại, sao cái ngày nấy lại vội vã muốn rước bà Kiều đến vậy. Ông chỉ cười, vừa đùa vừa bảo tại ngày nấy ông biết bà được lắm kẻ si mê lắm chứ nào có phải mình ông. Ông mà không nhanh cưới bà là khéo chậm chút nữa mất vợ. Mà mỗi lần nghe ông kể, bà Kiều bên cạnh cũng chỉ biết bụm miệng cười xoà.

Hai ông bà thương nhau lắm, chắp vén từng chút tình cảm xây lên một tổ ấm toàn vẹn y như trong mấy câu chuyện cổ tích bọn trẻ trong làng hay được nội chúng nó kể cho. Hạnh phúc sớm đến với hai người khi vừa mới về dinh chưa được bao lâu, bà Kiều có mang một mụn con, là một cậu quý tử. Ông Thôi vừa hay tin mừng thầy thuốc báo liền chạy đến ôm bà thật chặt, hớn hở như đứa trẻ được mẹ nó mua bánh rán đường sau phiên chợ ồn ã.

Sau khi sinh hạ cậu con trai đầu lòng, ông Thôi ngẫm sao mà đặt cho cậu cái tên Tú Bân. Cái tên này đẹp y chang cậu vậy. Gương mặt sáng láng, tuấn tú mang đầy vẻ thư sinh học thức. Tiếng là cậu cả nên ông Thôi quản cậu chặt lắm, muốn đi đâu cũng phải có hầu theo sau, thành ra mắc cho cậu cái nết lầm lì, khó chiều. Cái gì cũng phải theo ý cậu, thuận cậu thì cậu mới xuôi. Còn mà làm phật ý cậu là cậu mắng xa xả. Nói vậy chứ cậu Bân chỉ là có thói hay càm ràm khó bỏ, còn lại đánh giá cũng là một đứa nhóc đa tài đa nghệ, thông minh nhanh nhẹn. Mới lên ba đã trỏ mặt từng người trong nhà mà đọc tên phanh phách. Lại được bà Kiều dạy dỗ đàng hoàng, càng ngày tương lai của cậu Bân lại càng được vạch rõ ràng.

Năm cậu tròn ba tuổi, cả nhà lại được dịp đón tin vui. Bà Kiều lại sanh thêm một đứa con trai nữa, đặt là Phạm Khuê. Ông bà cũng đặt nhiều kì vọng vào đứa con này lắm, mỗi tội là đứa trẻ này, phải nói là so với Tú Bân thì như là khác một trời một vực.

Phạm Khuê cũng có ngũ quan tuấn tú không thua kém gì anh hai, được cái là nét mặt nó có vẻ mềm mại giống bà Kiều hơn. Mỗi tội không biết nó sinh vào giờ nào, là bà mụ nào đỡ nó mà lục tung cái làng Kỳ này cũng đố tìm được ai nghịch bằng. Mới bằng cái mắt muỗi mà quậy phá không gớm ai, ham chơi suýt đuối nước mấy lần vẫn chưa kinh rồi lại học đòi theo đàn chạy tít đi sang tận làng bên mua kẹo. Ngỗ nghịch nhất là phải kể đến một lần, nó rủ thằng Huân đi chọc chó. Mà con chó nó chọc lại phải trúng con chó mới đẻ nhà bà Lý. Rồi không hiểu chạy nhảy thế nào ngã vêu cả mồm miệng, tác hại gãy hai cái răng cửa, cười không dám cười mà khóc không dám khóc. Hôm đấy nó bị ông Thôi vụt hai cái roi vào mông, hằn như con lươn, sau cũng bớt nghịch dại đi một chút.

Từ ngày có thằng Khuê, tóc trắng trên đầu ông Thôi mọc lên nhiều hẳn. Ông không lo nó sau ngày chẳng làm lên công chuyện gì bởi đã có cậu cả Bân, cái ông lo là mấy cái trò nghịch như giặc của nó sau này liệu có tự đem đến rắc rối cho nó không ấy chứ. Bây giờ nó nghịch ông còn đánh nó được, vài năm nữa chắc nó cầm cả roi nó rượt trả.

Bữa trưa hè nay oi đến đau đầu. Ve trên cây cũng vãn kêu hẳn hồi đầu hè. Thằng Khuê năm nay cũng đã lên bảy tuổi, tuy lớn tồng ngồng như thế nhưng cái tính nghịch dại vẫn còn nguyên xi. Nó nằm trên cái phản thầy nó hay ngồi rít thuốc lào, hai cái cúc áo cổ giật bung ra. Nóng quá, nó mới gào lên.

-"Giời ơi, nắng cái gì mà nắng gớm thế. Thế này thì làm sao mà đi chơi được!"

Trong đầu nó chỉ có đi chơi với đi chơi thôi. Khác với Tú Bân nay đã mười tuổi ngày đêm bên đèn cầy sách bút, nguyện vọng đỗ trạng nguyên. Khuê ưa bay nhảy, lại cả cái tính ham vui nên cứ đụng vào sách vở là nó lại tìm cách trốn. Ban đầu, u nó cũng dỗ dành mãi mà nó chả chịu nghe, cuối cùng cũng đành mặc nó. Miễn là nó không giao du với mấy đứa hư hỏng thì bà luôn dễ dàng cho nó chơi.

Tú Bân đang đọc sách, nghe em than ầm bên ngoài gian chính thì lật đật chạy ra. Thấy nó đang nằm giãy đành đạc trên phản, cậu mới vẫy nó, ra vẻ bí mật lắm. Khuê cũng ngóc đầu dậy, tí tởn chạy ra.

-"Bây giờ em chịu khó nằm ngoan ở đây, đợi anh đọc xong mấy trang sách sẽ đưa em đi mua cà lem, nhá?"

-"Nhưng mà u bảo u không cho em đi, em mà đi là u đánh em lằn chân"

Nó phụng phịu. Dạo này ông Thôi hay có việc thường xuyên xa nhà thế là bà Kiều tất nhiên là tiếp quản mọi việc trong phủ. Khuê nghĩ đến lúc ông Thôi đi rồi sẽ chẳng ai can được nó đi chơi, nào ngờ bà Kiều còn quản chặt hơn ông bấy nhiêu lần. Nó chán cái cảnh cứ chạy từ đầu nhà đến cuối nhà này lắm rồi. Nó muốn đi chăn trâu với thằng Tèo, nó muốn đi bơi ở ao làng với bọn trẻ con đầu làng lắm.

-"Em cứ nằm im đây. Lát anh bảo u là dẫn em đi mua sách. Thể nào u cũng cho"

Bân dỗ ngọt em. Bây giờ trời cũng hẩng nắng, không còn chói chang như thuở nãy. Khuê nghe êm tai, gật đầu lia lịa rồi ngoan ngoãn nằm im trên phản. Nó sắp được đi chơi rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro