Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

TẬP 4

Buổi chiều ở thôn quê là một cảm giác vô cùng dễ chịu. Tôi vươn vai hít thở rồi băng qua mấy rạn hoa đồng tiền đủ màu bước ra sau vườn.


Mùa này hoa thanh long quê tôi đang nở rộ, trắng cả một góc trời. Không gian thật mênh mông và thoáng đãng làm sao. Mà sao không thoáng đãng cho được, vì vườn thanh long của bà rộng lắm đấy.


Khi xưa ông cố để lại hơn năm mẫu đất canh tác lúa cho ông bà nội. Sau giải phóng, ông bà quyên góp hẳn ba mẫu đất cho địa phương và giữ lại phần còn lại làm kế sinh nhai.


Trước đây đất này trồng lúa một năm hai vụ mùa, nhưng sau khi thanh long xuất khẩu Việt Nam được đẩy mạnh ra thế giới, bà cũng chuyển sang canh tác thanh long và thuê người chăm sóc. Cũng nhờ số đất đai này mà sau khi ba mẹ tôi mất, bà cũng lớn tuổi không thể làm việc nặng nhọc, tôi mới đủ điều kiện được ăn học thành tài thế này.


Lúc thi đại học tôi quyết không theo nghiệp bác sĩ hai đời của gia đình vì nghĩ mình không phù hợp với nghề. Tôi muốn theo đuổi một thứ nghiêm túc hơn nên đã quyết định thi Chính trị ngoại giao. Thi đỗ rồi học tập và sau cùng là tốt nghiệp, hiện giờ tôi đã bắt đầu làm việc đúng theo chuyên ngành của mình nhưng mà trong lòng vẫn có chút gì đó vướng mắc nhưng không hiểu là vướng mắc ở đâu. Mà thôi cứ cho qua tất cả đi, cuộc sống còn dài, những thứ cần thay đổi cuối cùng sẽ phải thay đổi, chẳng cần lo.


Dạo chơi một vòng chán chê tôi quay trở vào nhà thì thấy bà đang hý hoáy vào cái ti vi. Ở cái tuổi này rồi mà vẫn rất thích xem ca nhạc, nhưng lạ ở chỗ bà chỉ xem nhạc pop trẻ thôi.


Thấy tôi lững thững bước vào, bà cầm remote mở to âm lượng cho tôi nghe cùng, rồi cất tiếng, mặt thiu thiu vờ hờn dỗi:


"Đấy, năm nào đấy nhờ con xin chữ kí mà con chẳng xin được, mãi cho đến giờ bà nội đại nhân vẫn chưa có được chữ kí đây!"


"Bà ơi chuyện hai năm rồi mà bà cứ nhắc hoài, bà fangirl người này gần ba năm vẫn chưa chán ạ, con nghĩ chắc anh ta cũng ngạc nhiên lắm khi có một "fangirl" nhiều tuổi như bà! Anh ta mà biết chắc là chạy mất dép rồi."


"Có con mới chạy mất dép ấy, chó con! Suốt ngày cứ thích nói linh tinh. Tình yêu là không có tuổi nhé."


"Cơ mà bà ơi, sao bà lại thích cái tên nhìn yểu điệu bán nam bán nữ này vậy?"


"Eo ơi, sao con nói người ta như vậy? Thật ra bà chẳng thiết tha gì mấy loại nhạc trẻ xập xập xình xình này đâu, chỉ là... chỉ là lần đầu tiên bắt gặp nó trên tivi, bóng lưng đó hệt như bóng lưng của ông nội con ngày xưa làm bà không tài nào quên được. Ông con ngày đấy cũng có dáng vẻ tựa như thế này."


Ánh mắt đục ngầu của bà trở nên long lanh như muốn ngấn nước, thẳm sâu trong đó có lẽ là niềm khát khao vô tận được gặp lại người đàn ông của đời mình dù chỉ một lần. Nếu so về bất hạnh, bà bất hạnh hơn tôi gấp nhiều lần.


Trải qua nỗi đau mất bố mẹ, sau đó là mất đi người chồng thân thương, rồi lại kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh khi con trai và con dâu cũng qua đời. Một tay bà lo lắng cho tôi, hai bà cháu nương tựa nhau tiếp tục cuộc sống đơn chiếc thế này. Từ đây về sau, bàn tay này của tôi phải rộng lớn hơn, bao dung hơn để bảo hộ cho người bà giàu đức hy sinh cho con cháu, giàu lòng yêu thương này.


Tôi vội ra vẻ lém lỉnh như đánh lạc hướng câu chuyện:


"Hắn ta sao đẹp bằng ông con chứ? A cơ mà con ở nhà đến cuối tuần luôn! Nội làm đặc sản cho con ăn nhen! Không ngon là con không rửa chén đâu đó."


Bà quay sang vỗ vào mông tôi một phát rõ đau ra dáng càu nhàu:


"Từng này tuổi mà còn vòi cơm? Giỏi thì nấu đi! Chính trị gia chi mà cứ dạy bếp núc cho là trốn biệt. Mai mốt không có bà thì lấy ai nấu cho con ăn."


"Thì bởi vậy nên bà phải nấu ăn hoài hoài, bà mà không nấu nữa là con chịu chết đói luôn!"


Hai bà cháu chỉ nói chuyện phím mà vờn cả buổi chiều, tôi nhanh chân bê rổ ra vườn sau hái vội vài đọt lang non múp và nắm lá me, luôn tiện bẻ vài quả đậu bắp mọc bừa bên góc sân mang vào cho bà nấu tô canh chua. Món ăn chẳng có gì xa hoa, chỉ là tô canh cùng vài con cá khô kho quẹt mà ngon ơi là ngon.


Sau bữa cơm, nhà có khách đến. Một em gái nhỏ nhắn đi trước bê theo một rổ đầy xoài cát, xanh có, chín có, theo sau là Dì Sáu nhà bên cạnh.


Ngồi xuống bàn Dì nhìn tôi rồi nhìn sang bà:


"Cô Hai, chuyện hôm trước con có bàn với cô không biết cô đã nói cho cháu nó nghe chưa? Hôm nay con đưa bé Tiền qua đây cũng là nhờ cô và cháu nó chiếu cố dùm. Chuyện gia đình con cô đã rõ. Trước kia, nhà con còn làm quản gia cho gia đình cô, sau này cũng nhờ vào cô nâng đỡ cho đất đai cất nhà mới có thể tiếp tục sinh nhai tới bây giờ. Nhà con giờ đủ ăn đủ mặc nhưng điều kiện để cho bé Tiền lên thành phố học đại học thì quả là vượt sức chi tiêu. Ở thành phố ngay cả tiền học phí lo cho nó còn khó khăn, huống gì tiền ăn uống đi lại rồi thuê nhà, chưa kể đến sinh hoạt phí... "


Lời nói Dì Sáu nghẹn đắng nghe đứt quãng rồi lấy bình tĩnh nói tiếp:


"Con biết gia đình con nợ ân tình cô rất nhiều, không biết khi nào báo hết, việc nhờ vả cô hết chuyện này đến chuyện nọ con thực sự rất ngại nhưng mà hết cách rồi cô ạ. Nhà con độc nhất có đứa con gái này ham học, nếu không cho nó đi học khác nào giết chết tương lai và hy vọng của nó. Con ở đây xin cô thương con hãy giúp con một lần nữa!"


Lời nói chưa kịp dứt Dì Sáu đã khóc òa lên, con bé Tiền ngồi cạnh bên mắt cũng đỏ hoe rơm rớm khóc theo. Bà nãy giờ vẫn ngồi cạnh đó, miệng vẫn nở nụ cười hiền như thường lệ, lấy tay vỗ vỗ đầu con bé khiến nó nấc nấc:


"Cô có từ chối hai mẹ con bao giờ mà lại ngồi đây khóc. Chuyện nhỏ mà, nín đi! Hồi xưa ông nhà có mua cho cha mẹ Khải Liên một căn nhà ở thành phố để phòng khi tụi nhỏ đi công tác trên đó mà có chỗ ở. Từ lúc học đại học đến giờ Khải Liên đều ở đó một mình, mấy căn phòng trống nghe nói nó cho mấy đứa sinh viên thuê rẻ lại. Khải Liên dùng tiền đó với tiền đi làm thêm để đóng học phí đại học, vì thế con bé rất ít khi xin tiền cô. Nay có thêm bé Tiền lên ở cùng thì cô cũng yên tâm, hai đứa xoay trở chăm sóc lẫn nhau. Từ hôm ấy đến giờ Khải Liên bận thực tập không về nhà nên cô chưa có dịp nói với nó, sẵn đây coi như nói một tiếng để cháu nó biết . Cô hy vọng bé Tiền cũng được ăn học tới nơi chốn để thay đổi phần nào cái cảnh khổ bán mặt cho đất bán lưng cho trời, con thấy vậy được không Liên?"


Nhìn hai mẹ con Dì Sáu mà lòng tôi thắt lại, sống mũi đã cay cay tựa lúc nào. Con bé đã mười tám tuổi đầu mà thân hình cứ nhỏ thó như học sinh trung học, tôi còn nhớ lúc nhỏ hay cùng nó đi lùa vịt đồng. Nó nhỏ vậy mà giỏi lắm, đàn vịt gần trăm con mà một tay nó chăm sáng đều chiều đều no căng, chẳng mất lấy một con. Thỉnh thoảng còn chỉ tôi nhặt trứng vịt đẻ bừa ra đồng mang về nhà làm thức ăn. Ngày đi học, nó học một buổi, buổi còn lại đi cắt cỏ cho bò hay đi băm chuối cho vịt ăn, mấy ngày nghỉ tôi cũng thường theo chân nó đi hớt bèo dạt ngoài sông về nuôi vịt, nuôi heo. Tuổi thơ nó cơ cực nhưng lại vô cùng ý nghĩa, nhìn lại các cậu ấm cô chiêu chốn thị thành trong nhà cơm bưng nước rót, ra đường xe đón xe đưa mà thấy tủi thân cho nó. Nhưng đổi lại, nó có tuổi thơ đẹp mà những cô cậu kia có mơ cũng chẳng có được. Nghĩ đến đây tôi bất giác bước đến cạnh nó thỏ thẻ:


"Chị em mình từ nhỏ lớn lên cùng nhau, chị rất hy vọng em học đại học để mở rộng tầm nhìn. Phòng chị đã dọn sẵn chờ em rồi, khi nào nhập học thì cứ lên với chị nhé!"


Con nhỏ không kiềm được xúc động ôm chầm lấy tôi. Tôi cũng vòng tay qua người ôm lấy nó, thân hình gầy gò khẽ run lên bần bật thật đáng thương. Vài tháng nữa đã đến kì thi đại học, nghe bà nói học lực của nó rất tốt và định thi vào khoa ngoại ngữ Đại học quốc gia. Nghe tới đó tôi mừng không xiết, vội vội vàng vàng hướng dẫn cho nó những kinh nghiệm bản thân trong kì thi cũng như nói sơ qua phương thức học tập ở bậc đại học.


Cả buổi nó nghe rất say mê, hai mắt long lanh có vẻ như ngưỡng mộ lắm. Nó cầm lấy tay tôi nói:"Em rất hâm mộ chị, lúc đi học nghe mấy thầy cô trong trường hay nhắc về chị. Vì vậy mà em rất mong được học chung trường mà chị đã học lúc trước. Em sẽ là đàn em của chị."


"Em ngoan quá, lúc thi đại học cứ lên báo chị một tiếng. Chị sẽ đưa em đi thi. Nhé!"


Sau buổi nói chuyện tôi tiễn hai mẹ con ra về mà lòng còn ẩn đầy tâm sự, quả thật cái trách nhiệm đè lên vai thế hệ trẻ như nó như tôi quả không hề nhỏ. Một đứa bé nhỏ thó phải mang trong mình bao ước mơ hoài bão đổi đời của cha mẹ, kỳ vọng của bản thân khiến bước đi của nó càng thêm nặng nhọc. Nó không còn nhỏ nhưng có lẽ vẫn chưa biết được bản thân nó cần gì. Và vì sao tôi lại nói ra câu này? Bởi vì nó nói với tôi mục đích của nó là kiếm thật nhiều tiền. Nghe câu đó tôi bất chợt nghĩ đến bản thân mình năm năm về trước, lúc tập tễnh một thân một mình lên thành phố, có lẽ tôi cũng từng nghĩ như thế. Nhưng bây giờ thì sao? Mọi thứ đã khác rồi, vì tôi nhận ra ngoài tiền thì vẫn có nhiều thứ khác đáng giá hơn cho cuộc đời hữu hạn này. Tư duy của con bé lúc này chỉ là bước khởi đầu cho cả quá trình thay đổi phía trước.


****


Số ngày nghỉ ở quê trôi qua thật chóng vánh, mấy chốc đã đến cuối tuần, tôi phải trở về thành phố. Kế hoạch cho Lễ hội gia lưu văn hóa Việt - Pháp đã xong xuôi từ trước, tôi cũng đã mail về cho phòng ban và đã được thông qua. Sáng ngày thứ bảy tôi phải sang nhà văn hóa nơi tổ chức sự kiện đàm thảo kế hoạch với ban tổ chức.


Vừa gởi xe xong bước vào thì nghe thoang thoáng mấy tiếng quát lớn trong phòng vang ra, tôi đẩy cửa bước vào thì thấy anh Thông phụ trách bên khâu báo chí đang cầm điện thoại lớn tiếng với người nào đó phía bên kia đầu dây. Mặt anh ấy cau có gắt lại nhưng vừa nhìn thấy tôi thì cơ mặt lập tức dãn ra, hiện liền nét cười thân thuộc:


"Khải Liên đến rồi à? Anh đã xem bản kế hoạch em gửi. Rất OK."


Anh ấy nhìn một loạt từ chân đến đỉnh đầu tôi rồi cầm cái điện thoại vẫn chưa kịp dập máy, mắt sáng lên nói to:


"À há! Tôi có người rồi. Đợi đấy, tôi mang đến ngay!"


Vừa dập máy anh liền quay sang tôi hỏi vội:


"Nay và mai em rảnh đúng không? Giúp anh một việc!"


Tôi còn chưa kịp ú ớ gì ảnh đã nắm tay lôi tôi đi, một mạch đưa tôi đến quảng trường thành phố không một lời giải thích gì thêm. Vừa mở cửa xe đã vội dắt tôi ra ngoài như chạy giặc không bằng.


Bên ngoài khá đông người tụ tập, hình như là một đoàn làm phim. Tôi thoáng thấy các trang bị đều đã chuẩn bị sẵn sàng, ngay cả máy quay, ánh sáng cũng đã đâu vào đấy, ắt là đang trong tiến trình quay. Tôi tự hỏi chẳng biết kéo tôi đến đây làm gì, xem náo nhiệt chắc. Cơ mà chưa kịp tư duy cái vai trò của mình ở chốn này là gì thì đã bị ảnh kéo tới trước, không kịp chuẩn bị nên cứ theo lực quán tính đâm về trước, cả người mất đà va vào tấm lưng của một người đàn ông trong bộ sơ mi sạch sẽ đứng trong đám đông ấy. Người đàn ông này bị tôi đẩy về trước một cái nhưng rất nhanh nhẹn xoay qua chụp lấy hai vai tôi làm tôi hết cả hồn. Và đúng là hết cả hồn theo nghĩa đen đấy! Hay nói đúng hơn là hồn vía tôi nó lên hết trên mây cả rồi, kêu cũng chẳng về được nữa.Các bạn có biết vì sao không?


Ừ thì đúng như suy đoán của các bạn đấy! Chính là cái người đàn ông mặc áo sơ mi mà tôi va phải khiến cho tôi giác quan tê liệt, ngay cả xung quanh có bao nhiêu người tôi cũng không còn thấy nữa. Gương mặt này đúng là quen quá đi mất, quen đến phát sợ và quen đến mức ám ảnh.


Là anh ta.Là tên Bất Lương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro