Tập 3
Hôm nay là sáng thứ hai đầu tuần nên công việc bên Sở ngoại vụ khá nhiều, ngoài đống tài liệu nghiên cứu về phát triển du lịch của thành phố đã soạn ban tối, tôi còn phải kiêm luôn nhiệm vụ dịch chúng ra tiếng anh gởi qua cho đoàn công tác bên Lãnh sự quán Mỹ. Nghe nói trong tương lai họ sẽ cử phái đoàn sang tiến hành dự án thúc đẩy du lịch giữa hai thành phố nên công tác này phải kĩ lưỡng không được khinh suất.
Vốn tốt nghiệp từ Đại học Quốc gia chuyên ngành Ngoại giao nên tôi khá tự tin với kiến thức ngành cũng như vốn ngoại ngữ của bản thân khi làm việc tại đây. Thế nhưng cả một tập hồ sơ dày như quyển từ điển tiếng Việt thế kia thì một hai ngày sao có thể làm nổi cơ chứ, chắc chỉ có cách làm việc 24/24 không ăn không uống không đi vệ sinh thì may ra làm kịp thôi. Huống chi tôi chỉ mới là thực tập sinh được ba tháng, kinh nghiệm lẫn kiến thức vẫn còn khá non kém, chắc là nên tìm trợ giúp từ đàn anh đàn chị là nên.
Vờ vuốt nhẹ mấy giọt mồ hôi trên trán, tôi bước qua "Phòng hành chính cán bộ" bên cạnh nhẹ đẩy cửa vào, không thấy ai nên tôi khẽ cất tiếng:
"Chị Thanh Trang ơi!"
Từ dưới gầm bàn một cái đầu chui lên lộ ra cặp mắt kính dày cộm, đống tài liệu giấy tờ trước mặt chất thành từng chồng trên bàn chắc cao đến hơn ba tấc chỉ thấy thôi cũng hãi hùng. Chị ta đưa tay kéo cái mắt kính xuống, lên giọng cao lanh lảnh:
"Gì đây cô nương, cần chứng thực giấy tờ chứng từ gì sao?"
Tôi đưa tay se se mấy ngọn tóc vẻ bối rối đáp lời:
"Chị có thể giúp em mớ từ vựng chuyên ngành này không, nhất thời một lượng lớn quá giao cho em mà chỉ cho thời gian ba ngày thì em hơi rối ạ!"
Chị ấy đẩy ghế bước ra ngoài, tiến về phía tôi đón lấy một xấp giấy trên cùng đọc thử trong vài giây rồi cau mày lại:
"Em gọi anh Quốc Bảo, người hướng dẫn của em ban cho em mảnh vải lụa trắng đi, như vậy có vẻ em sẽ chết dễ chịu hơn. Ai đời giao tài liệu cả một dự án lớn của thành phố cho một thực tập sinh mới nhận chưa bao lâu chứ? Qua "Phòng lãnh sự" giao lại cho bên đó xử lí phần còn lại! Đây là tài liệu quan trọng trong chính sách năm năm tới của toàn thành phố, một mình em làm lỡ có sai sót thì cả phòng "Chính trị, kinh tế đối ngoại" sẽ bị kỉ luật mất. Còn nhiệm vụ của em là trong bốn ngày tới hoàn thành danh sách chương trình của "Lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Pháp" giao lại cho chị, chốt list ca sĩ khách mời cũng như khảo sát địa điểm tổ chức báo về cho ban truyền thông báo chí."
Nhìn thái độ chị ấy có vẻ nghiêm trọng tôi biết việc này khá gấp, mình có lẽ nên tranh thủ thì hơn, đoạn tôi mở cửa bước ra ngoài chạy vội đến "Phòng lãnh sự" thì bị chị ấy gọi với theo:
"Tuần này em được nghỉ cho đến thứ sáu để đi khảo sát, chiều thứ sáu phải xong nhiệm vụ và báo cáo. Rõ chưa đồng chí Liên?"
Tiếng "rõ" chưa kịp bay ra khỏi miệng đã bị tiếng "rầm" đóng cửa của chị ấy làm cho hoảng sợ chui tọt lại vào trong miệng. Ôi bà chị này đã bị công việc quay quần đến khó chịu, chắc cũng vì tham công tiếc việc đến đầu bù tóc rối nên đến tận bây giờ vẫn chưa có người đón về dinh.
******
Vẫn là cái cảm giác tan ca luôn làm con người ta hạnh phúc mà, dù có hơi ồn ào đi kèm khói bụi kẹt xe nhưng dù gì cũng đã quen rồi. Sống ở thành phố này những năm năm rồi, dù rằng những ngóc ngách chưa thể biết hết nhưng tâm tính và thói quen của nó thì tôi đã nắm chắc trong lòng bàn tay quá rồi. Giờ này đi cung đường chính mà về nhà thì kẹt xe là cái chắc, thôi sẵn cũng không hề vội vì dù gì mai cũng được nghỉ mà. Hôm nay đầu tuần nên quảng trường thành phố chắc sẽ không đông, ghé qua đó hít thở tản bộ vài mươi phút cho tinh thần sảng khoái rồi hãy về nhà. Nghĩ là làm ngay, tôi thong thả lượn qua những con đường quen thuộc đến bãi giữ xe rồi vào quảng trường dạo mát.
Buổi chiều vẫn ồn ã tiếng xe cộ và người nói, bước thong dong dưới những tán cây để hít thở vài hơi oxy giữa dòng người xuôi ngược, đầu óc tôi có vẻ tỉnh táo và sảng khoái hơn chút rồi. Chợt đằng xa hình như có một đám đông, từ ban nãy đến giờ cứ mãi thơ thẩn nên tôi chẳng để ý, đến khi định thần lại thì đã nghe tiếng nhạc xập xình bên tai.
Thì ra hôm nay ngoài quảng trường tổ chức nhạc hội mừng quốc khánh, cái sân khấu sừng sững đằng kia cùng dàn loa công suất lớn hòa dòng người bên dưới khiến tôi cảm thấy mất cả hứng dạo mát. Tôi cũng chả quen náo nhiệt nên đá chân một cái lên nền đá, lắc nhẹ cái đầu rồi quay lưng một trăm tám mươi độ đi về phía ngược lại. Lững thững bước đi được vài mươi bước thì tiếng nhạc văng vẳng càng dồn dập, bất chợt tôi sững người lại, đôi mắt hình như cũng tròn lên vì bất ngờ. Từ phía sau lưng tiếng nhạc như vang vọng từ tiềm thức vọng đến, trong phút chốc toàn bộ khung cảnh ngày ấy như dồn về tựa vũ bão. Chính là khi trong khán đài tối tăm, một tiếng hát cất lên, một người con trai lướt qua mặt tôi cùng hương thơm lưu luyến.
Chính xác là trong hai năm nay tôi chưa từng thay đổi nước hoa cũng chính vì mùi hương đặc biệt ấy, cho đến bây giờ, mùi hương trên người tôi cũng chính là thương hiệu nước hoa ngày ấy tôi đã kiếm tìm trong suốt hơn một tuần lễ ròng. Có lẽ ngay cả ý thức cũng chưa nhận ra rằng cơ thể tôi bất giác ngoái lại phía sau, hướng về phía âm nhạc đang phát. Trên sân khấu cao hơn hai mét đèn hoa rực rỡ có người đàn ông đang đứng và hát bài nhạc nghe có vẻ quen thuộc. Tôi nhếch miệng cười một tiếng rồi không biết vì lí do gì mà quay đầu cất bước trên con đường đang đi của mình, âm thanh càng ngày càng nhỏ dần theo tiếng bước chân đều đều và mấy cái đá chân vu vơ không tư niệm. Tôi bước ra khỏi quảng trường như thế và không một lần nào ngoái lại nữa.
*****
Công việc được giao ở Sở ngoại vụ trong mấy ngày tới có vẻ khá đơn giản không phải vì tôi có khả năng chuyên môn cao mà là vì tôi có đám bạn thân thời đại học khá là thần thông. Sau một cú điện thoại cho cô Perfect lắm lời, mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa từ địa điểm tổ chức cho tới danh sách khách mời và ngay cả dàn tổ chức sự kiện. Vì cậu ta là bà trùm sự kiện đang làm việc ở một trong những công ty tổ chức sự kiện lớn nhất thành phố, chuyện này chỉ là một cái búng tay mà thôi. Thế nhưng cuộc sống không ai cho không ai thứ gì, dĩ nhiên là phải một cái hẹn đi ăn sang chảnh theo ý cậu ta rồi, bạn thân thì thân nhưng đồ ăn vẫn là thứ thiết yếu mà. Cứ thế thì công việc của tôi xem như đã hoàn thành rồi, mấy ngày rảnh rang sắp tới sẽ là về quê hít thở không khí trong lành với Đại Nhân nhà này, không thì bà lại gọi điện thoại lên trách tôi vô tâm, tham công tiếc việc bỏ rơi bà mất. Nghĩ thôi đã thấy có chút hào hứng rồi.
Quơ vội vài thứ lặt vặt, nai nịt gọn gàng thôi phi thẳng về quê không suy nghĩ. Đường về nhà cũng không xa mấy, chỉ là vài mươi cây số ra khỏi ngoại thành, đương nhiên nó không bao giờ là vấn đề gì với tôi cả vì bản thân đã từng được các bạn trong lớp gọi là "kì thủ xa lộ", thoáng chốc đã băng qua mấy đồng thanh long bạt ngàn, tôi rẽ vào một hẻm to và dừng lại trước một căn biệt thự cổ với hàng rào sắt phía trước. Loay hoay một lúc mới rút được cái chìa khóa từ trong cặp táp ra, tôi tra vào ổ, đẩy cửa và dắt xe thẳng vào bên trong sân. Vừa đi vừa tinh nghịch gọi to:
"Bà nội đại nhân! Cháu nội đích tôn giá đáo!!"
Chưa kịp gọi đến tiếng thứ hai thì bà nội đã đẩy cửa gỗ lớn bước ra, lao ngay đến bên tôi đưa hai tay nhéo hai bên má đau điếng, đoạn cất tiếng hờn dỗi:
"Sao mấy tuần rồi mới về đây, có phải hết tiền rồi không?"
Tôi nghe thế có ý nũng nịu:
"Hết tiền rồi nên về cho Đại Nhân nhà mình bao nuôi nè. Ốm quá rồi, cần vỗ béo ạ!"
Rồi như một cách tự nhiên tôi sa vào lòng bà dụi dụi như thể con gái làm nũng với mẹ.
Bà nội năm nay đã bảy mươi lăm tuổi rồi nhưng vẫn còn dẻo dai lắm. Khi xưa bà là con gái của một điền chủ lớn nhất tại đây, năm mười tám tuổi được ông cố cho đi du học Pháp vài năm nhưng sau đó bà trở về và quyết định kết duyên cùng một bác sĩ, và vị bác sĩ đó chính là ông nội tôi. Nghe kể rằng chuyện tình của hai ông bà khi xưa nức tiếng cả vùng ai ai cũng ngưỡng mộ, khi đó ông là bác sĩ duy nhất của tỉnh được trao bằng cấp chính thống của Pháp còn bà là vị tiểu thư duy nhất của gia đình đại phú hào, vừa có học thức lại giỏi giang chu đáo. Sau khi ông bà cố mất đi, bà và ông nội sống tại ngôi biệt thự cổ lớn nhất vùng của ông bà cố để lại.
Kể ra thì ngôi biệt thự nhỏ này cũng đã được hơn một trăm hai mươi năm tuổi nhưng vẫn cực kì kiên cố và đồ sộ, quả không hổ danh công trình kiến trúc Pháp. Nghĩ tới đây thôi tôi cũng đã thấy tự hào dâng tràn. Tiếc là sau đó ông nội mất đi năm ba tôi tròn hai mươi tuổi, sau đó bà một mình nuôi con cho đến giờ.
Người ta thường bảo: "Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí" quả là không sai. Ba tôi là đứa con duy nhất của ông bà, sau khi lập gia đình thì ba vẫn công tác ở địa phương nối nghiệp bác sĩ của ông lúc trước, còn mẹ tôi là một nữ y tá chung bệnh viện nơi ba công tác. Tôi đã có một tuổi thơ vô cùng hạnh phúc với ba và mẹ nhưng rồi chính xác vào cuối năm 2002, năm đấy tôi còn chưa đầy mười tuổi, cả ba và mẹ đều được điều đi công tác ở Singapore do bùng phát đại dịch SARS và họ cần chuyên viên y tế nước ngoài hỗ trợ y tế ngăn cản lây lan dịch. Tôi còn nhớ năm đó SARS là dịch bệnh cảnh báo toàn cầu, rất nhiều y bác sĩ giỏi đều được điều đi nước ngoài. Thế rồi chuyến đi đấy cả bố và mẹ đều không về nữa, tôi chỉ nghe tiếng bà khóc như xé không gian vào ngày nhận tin dữ và rồi những khi ôm tôi vào lòng thủ thỉ những lúc tôi nhớ ba mẹ đến bật khóc: "Ba mẹ con mang nghĩa cử cao đẹp là cứu người, hai đứa nó đã đi cứu người rồi con ạ! Khi nào mọi người đều khỏe hết rồi chúng nó sẽ về với bà cháu mình". Nhưng vĩnh viễn từ đó về sau ba mẹ đã không về bên tôi nữa, cả thế giới của tôi chỉ còn lại bà cùng ngôi nhà lạnh lẽo này. Đến một thời gian dài sau đó tôi mới dần chấp nhận được sự thật và vượt qua nó như một vết thương của số phận, không còn người bên cạnh chăm sóc, tôi sẽ phải mạnh mẽ nhiều hơn. Nghĩ tới đây thì nước mắt tôi lại chực tuôn nhưng rồi như một phản xạ tự nhiên, tôi lại bật cười ngô nghê trong lòng bà. Mọi thứ đã qua không thay đổi được nữa, chỉ có nụ cười là mới là dũng khí lớn nhất khiến tôi tiếp tục cuộc sống này. Lấy tay gạt vài hạt bụi còn vương trên mặt, tôi nắm tay nội bước vào nhà. Đầu tiên sẽ là thắp nhang cho ông và ba mẹ, sau đó là nằm ườn ra ngay bộ ghế gỗ dài khảm xà cừ trong phòng khách như một con mèo lười biếng.
Cái ồn ào của thành thị chán quá rồi, về đây để lắng cái yên tĩnh của cuộc sống một chút cũng không tệ. Bà từ sau bếp bê lên một đĩa trái cây đã gọt sẵn đặt trên bàn rồi quay sang vuốt tóc tôi hỏi chuyện:
"Nhà chính trị gia sao giữa tuần lại về, không bận công việc sao con?"
Tôi bình thản đáp ngay:
"Nhớ nội nên về chứ không có lí do gì hết. Mấy ngày tới con sẽ chăm vườn cùng nội, làm thôn nữ chính gốc luôn"
Bà cười khẩy rồi chợt vỗ mông tôi:
"Về đây, bà nuôi cả đời!"
Tôi ngước lên ngắm khuôn mặt hiền từ của bà rồi lém lỉnh đáp trả:
"Thế con lấy bà nội làm chồng nhé!"
Sau câu nói đó là tiếng cười giòn giã của hai bà cháu nức cả một gian nhà, tưởng như nhìn thấy cả ông và ba mẹ tôi cũng cười theo câu nói đùa đó. Quả là về nhà cảm giác thật tuyệt.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro