Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tây Tiến-Tượng đài bất tử về người lính vô danh

Tây Tiến của Quang Dũng là một bài thơ hay trong dòng thơ của cách mạng Việt Nam. Tác giả vốn là người tài hoa, từng viết văn, soạn nhạc, vẽ tranh khá nổi, nhưng người đời thường chỉ nhớ tới Quang Dũng như là một nhà thơ là nhớ riêng một bài thơ Tây Tiến ấy được sáng tác cách đây 42 năm. Một bài thơ có sức sống lâu dài như thế kể cũng lạ lùng và đáng cho nhiều nhà thơ ao ước.

Vậy điều gì đã làm cho Tây Tiến thắng vượt sức cản phá của thời gian để làm rung động trái tim nhiều thế hệ khác nhau như vậy ? Câu hỏi thật khó trả lời vì cái đẹp nhất là cái đẹp nghệ thuật bao giờ cũng là cái đẹp hài hòa, người ta chỉ có thể cảm nhận chứ không thể phân tích rõ ràng được. Nhưng dầu sao ở đây cũng phải có một vẻ đẹp gì đó riêng biệt đã quyến rũ người đọc giữa bao vẻ đẹp “thơ” khác.

Thực ra, trong Tây Tiến, Quang Dũng không có sáng tạo gì khác thường, đột xuất. Bài thơ vẫn là sự tiếp tục của dòng thơ lãng mạn tiền chiến, nhưng đã được tác giả thổi vào một hồn thơ rất mới và rất trẻ, khác hẳn những tiếng thơ bi lụy trước đó, Tây Tiền nhắc nhở cả một thời gian khó và oanh liệt, không thể quên của lịch sử đất nước, nó mang đậm hào khí bừng bừng của một dân tộc vừa vùng lên tự giải phóng đã phải cầm ngay súng để tự bảo vệ nền độc lập tự do còn non trẻ của mình những ngày đầu Cách mạng tháng Tám.

Nhưng cái hào khí đó, cái hồn dân nước đó, đi vào bài thơ Tây Tiến lại được Quang Dũng, nghĩa là của một người trong cuộc qua nột tâm trạng và tình huống cụ thể: nỗi nhớ đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Chính niềm thương nhớ máu thịt và lòng tự hào chân thành của Quang Dũng về những người lính vệ quốc đoàn - đồng đội của ông trong đoàn quân Tây Tiến - là âm hưởng chủ đạo. của bài thơ đã khiến người đọc cảm thông sâu xa. Thật hiếm thấy bài thơ nào viết về đồng đội lại thắm đượm ân tình chân thành đến thế.

Mở đầu bài thơ là một nỗi nhớ da diết, trang trải cả một không gian, mênh mang :

Sông Mã xa rỗi Tây Tiến ơi !

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Rồi cứ thế nỗi nhớ đồng đội ấy lan tỏa, thấm đượm nồng nàn trên từng câu thơ, khổ thơ. Có thể nói toàn bộ bài thơ được xây dựng trên cảm hứng triền miên với bao kỉ niệm chồng chất, ào ạt xô tới.

Vì yêu, vì nhớ những gì nhỏ bé đơn sơ nhất trong cuộc sống đời lính thường ngày cũng hóa nên gần gũi, ấm lòng :

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Trong bài thơ, Quang Dũng không dùng bút pháp hiện thực khi thể hiện tâm trạng nhớ ấy. Vì cuộc sống một khi được tả ở khoảng cách quá gần dù không tránh khỏi thô thiển, chật hẹp và tầm thường, khi viết về Tây Tiến, tác giả đứng ở góc độ nhớ về tức là đã có một khoảng lùi không gian, thời gian nhất định, mọi kí ức - gương mặt - hình ảnh đã chịu một độ nhòa ít nhiều nên chỉ hiện lên mờ ảo, chập chờn theo dòng hồi tưởng mà thôi. Vì vậy ở đây Quang Dũng đã khéo léo biết sử dụng bút pháp lãng mạn với lối gây ấn tượng hội họa. Trong Tây Tiến, tác giả ít đặc tả cận cảnh, không dừng lại ở những chi tiết tĩnh tại, con người và cảnh vật rừng núi miền Tây Tổ quốc được ông tái hiện ở khoảng cách xa xa hư ảo với kích thước có phần phóng đại khác thường. Từng mảnh hình khối, đường nét, màu sắc chuyển đổi rất mau, bất ngờ trong một khung cảnh rừng núi bao la, hùng vĩ như một bức tranh hoành tráng :

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Thiên nhiên trong thơ Quang Dũng nói chung và trong bài Tây Tiền nói riêng bao giờ cũng là một “nhân vật” quan trọng, tràn đầy sinh lực và thắm đượm tình người. Hồn thơ tinh tế của tác giả “bắt” rất nhạy từ một làn sương chiều mỏng, từ một đáng hoa sau núi phất phơ đơn sơ bất chợt, rồi ông thổi hồn mình vào đó để mãi mãi trong ta, một niềm bâng khuâng thương mến và một áng thơ đẹp.

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Trong Tây Tiến hiện lên khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ, với đủ cả núi cao, vực thẳm, dốc đứng, thác gầm cùng cồn mây heo hút, dòng lũ hoa trôi với khói lên, sương lấp, mưa xa khơi... Trong cảnh thiên nhiên kì vĩ, dữ dội đó nổi bật lên hình ảnh đoàn quân Tây Tiến nhỏ bé, nghèo nàn, như bị ngập lút đi. Nhưng chính sự đối chọi tương phản đó càng tăng khí phách anh hùng của đoàn quân cách mạng, kẻ thù cũng như gian khó không gì khuất phục nổi. Hình ảnh của những người lính qua nét vẽ Quang Dũng hiện lên trong bài thơ cũng thật khác thường. Khác thường ở sự gian khổ : ăn đói, mặc rét, bệnh tật đến xanh da, trụi tóc ; khác thường ở chỗ tác giả cố ý không miêu tả các phẩm chất tốt đẹp của những tráng sĩ Tây Tiến thành gương mặt chiến sĩ riêng biệt với tên tuổi cụ thể nào, ông đã dồn đúc tất cả các phẩm chất tốt đẹp của những tráng sĩ Tây Tiến thành gương mặt chung của cả một đoàn quân, dùng lối vẽ phiếm chỉ để khái quát nên chân dung rất oai hùng của những chiến sĩ vô danh, dám xả thân vì nghĩa lớn, đã khiến cho kẻ thù khiếp sợ :

Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gởi mộng qua biên giới

Khác thường ở chỗ những chiến sĩ dũng cảm ấy tâm hồn thật dịu dàng lãng mạn :

Đếm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Nghĩ cho cùng, giữa chiến trường miền Tây Bắc vô cùng khốc liệt ấy, nếu người lính không biết mơ mộng thi vị hóa cuộc sống vì một mục đích cao xa hơn thì họ chết chìm trong hiện thực khắc nghiệt ấy trước khi gục ngã vì viên đạn của kẻ thù, chất men lãng mạn nồng say ấy chính là phẩm chất cần thiết giúp con người có sức mạnh vươn lên trên hoàn cảnh để chiến thắng. Nhờ thế ! mặc dù tác giả miêu tả rất đậm sự kham khổ, khốc liệt của chiến trường, của đời lính nơi chiến trường Tây Bắc hoang vu mà bài thơ phỏng đượm chút màu sắc u ám, bi quan nào khiến con người run sợ nản lòng.

Đặc sắc của ngòi bút Quang Dũng trong Tây Tiến còn ở chỗ tuy ông viết về chiến tranh nhưng cả bài thơ không hề có một chữ nào về trận đánh, về tiếng súng, về máu đổ hay về kẻ thù, bài thơ chỉ đơn giản nói về những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Lào - Việt những năm 1947, nhưng người đọc vẫn hình dung rất rõ gương mặt và không khí của chiến tranh. Điều lạ lùng là trong bài thơ có tới ba lần nhà thơ Quang Dũng miêu tả cái chết của những chiến sĩ Tây Tiến trong các trường hợp khác nhau, nhưng không một lần ông nhắc tới cái chết hoặc hi sinh như các bài thơ về sau vẫn phải dùng đến. Ngòi bút tài hoa của Quang Dũng dã thay thế từ chết bằng các cụm từ giản dị : về đất, bỏ quên đời, hồn về... để hạ gam, bình thường hóa, tự nhiên hóa cái chết theo đúng quan niệm của các chiến sĩ cách mạng thời kì đầu kháng chiến đang còn tưng bừng hào khí. Họ dám xả thân vì sự nghiệp độc lập tự do của Tổ quốc và họ cũng biết rất rõ những gì chờ đợi họ khi dấn thân, nên đã coi cái chết nhẹ tựa “lông hồng” :

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hòn về Sâm Nứa chẳng về xuôi

Ở đây lí tưởng cách mạng và tuổi trẻ đã truyền cho các chàng trai Tây Tiến chất anh hùng ngang tàng mà cả chất men say lãng mạn đáng yêu nữa, ngay cả khi họ chết cũng phảng phất chất nghệ sĩ tài tử :

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Cho đến bây giờ, sau gần nửa thế kỉ đất nước ta đánh giặc, đã từng có nhiều bài thơ hay về sự hi sinh của người chiến sĩ trên chiến trường như Núi Đôi của Vũ Cao, Nấm mộ và Cây trầm của Nguyễn Đức Mậu... nhưng Tây Tiến vẫn có một vị trí đặc biệt và màu sắc riêng khó có những bài thơ nào về sau này sánh nổi khi miêu tả sự hi sinh của người chiến sĩ. Quang Dũng chỉ bằng vài dòng thơ đã khắc họa thật ấn tượng và xúc động về cái chết vừa bi thiết vừa hùng tráng mà xiết bao cao cả của người chiến sĩ :

Rải rác biên cương mồ vẫn xứ

Chiến trường đi chằng tiếc đời xanh

Ao bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khắc học hành.

Để tiễn đưa người lính vô danh ra đi, Quang Dũng không một lời ngợi ca sáo mòn nào của con người cũng không cần đến cả một giọt nước mắt xót thương thường tình của người mẹ, người vợ. Ông chỉ để cho trời đất chứng giám và thu nhận thể xác và linh hồn của người lính vào lòng, để cho "Sông Mã gầm lên khúc độc hành” tiếc thương tống tiễn là đủ để đưa người lính Tây Tiến vào cõi bất tử. Bởi vì từ đây các anh đã hòa quyện vào cỏ cây, sông núi để trở thành hồn thiêng đất nước.

Có thể nói Tây Tiến - Đó chính là tượng đài bằng thơ bất tử mà nhà thơ Quang Dũng với tất cả tấm lòng chân tình đã dựng lên để tường niệm cả một thế hệ thanh niên ưu tú của dân tộc sau Cách mạng tháng Tám đã hăm hở ra đi để giữ nước và nhiều người đã không trở vế !

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: