Quyển 8
Quận Tây Dương thôn tính các lân quốc
Các nước gần cùng nhau trừ Dương tặc
Giáo hoàng Piô lên ngôi xuống chiếu truyền rằng: "Các đạo quan mặc dù đã được tạc tượng phong thần, há lại không cần ngự tụ tinh thần hay sao? Từ nay về sau, đạo quan từ 60 tuổi trở lên thì được nghỉ việc, hưu dưỡng tại xứ đạo sở quán, triều đình sẽ bổ nhiệm người khác đến thay. Chính quan làm việc nhiều, cấp quan to từ 55 tuổi được nghỉ việc, về hưu dưỡng tại quê quán sum vầy với thân thích vợ con. Cấp quan nhỏ 40 tuổi được hưu trí. Những người ngoài 40 tuổi mới ra làm quan thì đến 50 tuổi cũng cho nghỉ hưu. Như vậy trước là để cho các quan ngưng tụ tinh thần đặng thành linh sau khi chết, sau nữa là để thoả lòng mong muốn sống lâu. Từ nay về sau theo đó làm định lệ".
Qua năm sau, có dụ truyền: "Từ nay, dân chúng phải gọi cha đẻ của mình là "ông già", gọi mẹ đẻ là "bà già", không được gọi bằng cha mẹ. Ai không tuân lệnh xử trảm".
Bấy giờ đình thần hội bàn, thấy rằng dân chúng đã gọi Giáo hoàng và các đạo quan là Cha, lại còn gọi cha đẻ là cha thì hoá ra kẻ dưới cũng bằng người trên? Người ta lại sẽ theo tiếng xưng hô mà suy ra ý nghĩa, chỉ nhớ đến cha mẹ mà dễ sinh lòng kia khác với Giáo hoàng. Rồi đó theo trong Bí lục, thấy chép Jêsu gọi cha mẹ bằng "ông già" "bà già" cho nên mới có lệnh cấm ấy.
Trước đó, dân chúng tuy không tôn kính cha mẹ, nhưng vẫn còn giữ được cái nghĩa ấy. Từ khi có lệnh cấm nói trên, dân chúng đối với cha mẹ đẻ của mình, khi còn sống thì không được gọi là cha mẹ [1] , đến khi chết thì không được phụng thờ, chỉ được tôn kính vua quan nhà đạo làm cha mà thôi!
Qua năm sau lại có dụ truyền: "Các quan giúp việc của chúa Trời tuyệt không được có tình thân riêng. Từ nay về sau, đạo quan khi đã được phong chức thì từ cha mẹ đẻ cho đến chú bác đều phải quỳ lạy mà gọi bằng "cha", không được coi như con cháu nữa. Kẻ nào trái lệnh bị ném xuống địa ngục".
Bấy giờ đình thần hội bàn, thấy rằng các đạo quan tuy đã phải gọi cha mẹ là ông già, bà già, nhưng vẫn còn có ý thân riêng, sợ bọn họ không giữ một lòng với Giáo hoàng, muốn dứt hẳn tình thân ấy đi nhưng không thấy Jêsu dạy rõ nên không biết làm thế nào. Lại mở sách Bí lục ra xem thật kỹ, vừa may thấy đoạn ghi việc cha mẹ Jêsu quỳ lạy Jêsu, đình thần ai nấy hớn hở vui mừng, đều nói rằng: "Tìm được ý kín đây rồi!", bèn có chiếu dụ nói trên. Từ đó, các đạo quan sau khi được thụ phong, về nhà nhận lạy của cha mẹ, sau đó tùy theo sự chuyển đổi của bề trên, chỉ biết có Giáo hoàng chứ không được biết đến nỗi buồn vui của gia đình mình.
Qua năm sau, lại cấm các đạo quan khi còn tại chức từ một đồng tiền thước vải cũng không được lén cho người nhà. Cha mẹ nhớ con thì phải nhờ người khác đi thăm chứ không được tự mình đến thăm. Ai trái lệnh, bị phát giác, đều phải chịu tội không tha [2] .
Qua năm sau, Giáo hoàng xuống chiếu ban định phép thi chọn giám mục, thầy cả và các môn đồ. Phàm những môn đồ đã xếp hạng bảy thì được thăng làm thầy cả. Theo phép này người đàn ông các hạng 1, 2, 3, 4 gọi là phụ lưu (hạng phụ). Người nào đọc hiểu hết sách Giảng lục, được xếp hạng 5, gọi là giảng sư (thầy giảng). Thầy giảng nói năng khéo léo, khuynh loát được người nghe thì xếp lên hạng 6, gọi là lão sư (thầy già) [3] . Thầy già có khả năng biện quyết xảo trá mê hoặc dân chúng, làm một bài thi chừng vài chục câu [4] , ai trúng cách thì xếp lên hạng 7, được thụ lễ niệm chú bắt quyết [5] ban đạo phục, đồ làm lễ và được cấp bằng sắc phong làm thầy cả. Trong các thầy cả, người nào rất mực thông minh, kiến thức cao rộng sẽ được về kinh đô, cho ở trong nhà kín để học các phép huyền bí thiên văn, địa lý, bói toán, âm dương. Học đạt thì được dự thi, ai trúng cách sẽ được sắc phong làm giám mục [6] . Những người thi hỏng cũng phải ở luôn trong tu viện không được ra ngoài [7] .
Việc chọn người có tài ăn nói khuynh loát người nghe, để cho đậu hay hỏng [8] là phép thi phỏng theo cách Jêsu nhân cái tài của mình lấy lời chúa Trời để lòe bịp mà suy diễn ra. Chẳng hạn đối với người giàu sang không theo đạo, thì nói: "Lành thay ơn phúc chúa Trời". Đối với người giàu sang đã chịu theo đạo thì lấy sự thất bại của nhà khác ra mà doạ rằng: "Kẻ kia không biết ơn phúc của chúa Trời nên bị trừng phạt". Đối với người ốm đau suy nhược thì bảo rằng: "Chúa Trời chỉ mới thử sức ngươi đó thôi. Nếu ngươi vững lòng tin đạo, sau khi chết sẽ được hưởng phúc". Lại lấy gương những người trước thịnh sau suy mà lừa phỉnh rằng: "Chúa Trời chỉ mới thử sức ngươi đó thôi. Nếu ngươi vững lòng tin đạo, sau khi chết sẽ được hưởng phúc". Lại lấy gương những người trước suy sau thịnh mà lừa phỉnh rằng: "Người kia biết theo đạo nên được chúa Trời ban thưởng". Đối với hạng tôi tớ nghèo hèn thì bảo rằng: "Chúa Trời là đấng chí công, không câu nệ sang hèn, ai biết theo đạo dẫu ngày nay sống nghèo hèn, nhưng sau khi chết sẽ được mặc áo gấm, ngồi xe lọng mà lên thiên đường. Ai không theo đạo, ngày nay tuy sống giàu sang, nhưng sau khi chết bị đày xuống địa ngục chịu trừng phạt". Cho nên dẫu là kẻ tôi tớ nghèo hèn, chẳng ai không kiên lòng theo đạo. Việc gì cũng trước mượn lời chúa Trời sau mới chuyển sang nói về chúa Jêsu để thi hành các thuyết của đạo ấy.
Phép thi chọn người có khả năng biện bạch lắt léo mê hoặc dân chúng [9] thì phỏng theo những lời thí dụ của Jêsu mà tu sức thêu dệt thêm. Từ xưa đến nay, có hàng vạn câu trả lời bằng các thí dụ. Chẳng hạn, hỏi: "Nói chúa Trời có ba ngôi nhưng chỉ một thể thì lấy gì chứng nghiệm?" Trả lời: "Cũng ví như một nước có thái thượng hoàng, vua và thái tử, chứng tỏ rằng: tuy ba ngôi nhưng chỉ một thể vậy" [10] . Hỏi: "Đức Mẹ Maria là người có chồng, sao lại bảo Jêsu là con chúa Trời?" Đáp: "Điều đó cũng ví như trời đã sinh ra vua lại có bậc danh thần phò tá cho nhà vua. Ông Jiuse chính là bậc danh thần do chúa Trời sai xuống để bảo hộ cho chúa Jêsu, chứ không phải là chồng thật của Đức Mẹ Maria, mà cũng không phải là cha của chúa Jêsu" [11] . Hỏi: "Đã là trinh nữ thì không sinh đẻ, Đức Mẹ Maria đã sinh ra chúa Jêsu thì sao còn bảo là trinh?" [12] Đáp: "Mặt trời mượn ánh sáng mà giáng lửa xuống, nhưng ánh sáng thì vẫn trong suốt như cũ vậy thôi" [13] . Lại hỏi: "Người ta biết trước ngày tháng sinh đẻ, tại sao lại không biết trước ngày tháng chết?". Đáp: "Chúa Trời giữ kín không cho người ta biết số mệnh của mình thì còn phải lo sợ mà làm điều thiện. Ấy là lòng nhân từ của chúa Trời vậy".
Phàm việc không chân chính thì việc gì cũng phải mượn lời thí dụ để che lấp sự sai trái đi. Cái gọi là "lý đoán" đều là vô lý, khéo lời biện bạch quỷ quyệt đại khái như thế.
Qua năm sau, đình thần Tây Dương hội bàn về các luật đạo sắp xếp sửa sang chia làm hai bộ Hiến luật và Hình luật để làm quy chế mãi mãi cho vạn đời sau.
Hiến luật có những điều:
Giáo hoàng do chúa Trời lập ra để trị dân. Các giám mục, thầy cả đều là những chức quan do chúa Trời đặt ra để uốn nắn phong tục. Những lời dạy bảo của ba bậc đó đều là pháp luật của chúa Trời. Giáo hoàng và các quan việc đời, các quan việc đạo đều được tạc tượng phong thần. Con trai con gái các quan việc đời lấy vợ lấy chồng với nhau không được lấy con cái nhà thứ dân [14] . Các quan việc đời nhà nào có từ ba con trai trở lên thì phải sung một người làm môn đồ của quan việc đạo [15] . Con em các quan việc đời và môn đồ của quan việc đạo từ 10 tuổi trở lên đều được ghi tên vào Quốc bạ (sổ của triều đình). Con em các quan việc đời và môn đồ không được lấy vợ [16] . Tu nữ đồng trinh phải ở riêng một nơi biệt lập [17] . Môn đồ đã thăng đến cấp giảng sư (thầy giảng) thì tuyệt đối không được về quê nhà [18] . Môn đồ mắc những bệnh nguy hiểm hoặc thân thể bị tật nguyền, cùng là những người cha mẹ làm những nghề nghiệp hèn mọn dẫu tinh thông giáo lý cũng không được làm quan việc đạo. Môn đồ xếp lên hạng bảy đến nhà kín cắt đầu dương vật, chịu phép phong thần, sau đó mới được truyền mật chú, cấp sắc phong làm thầy cả, v.v. [19]
Pháp luật đã đầy đủ, khắc thành sách vàng, cất vào trong hộp đá, gọi là phép kín của chúa Trời.
Giáo hoàng Piô qua đời, ở ngôi hai mươi ba năm. Cháu thứ là SôNghi [20] lên nối ngôi.
Vua tôi Tây Dương có tiếng là xảo quyệt nham hiểm. Từ khi lợi dụng mưu kế của Jêsu lại càng lấy hình phạt nghiêm khắc mà xua đuổi dân chúng, người bị hình phạt rất nhiều. Đến hồi này nhân dân đã hỗn, không nghe như xưa. Giáo hoàng SôNghi muốn thử lòng dân, cho truyền thư mật hỏi các đạo quan. Đạo quan các nơi đều tâu rằng: Mỗi khi giảng sự tích chúa Jêsu chịu nạn, dân chúng đều thương xót khóc than, thấy tượng chúa Jêsu chịu nạn, mọi người đều sụp lạy khóc thương thảm thiết. Dân chúng thân yêu nhau, đối xử với người ngoài đường như anh em trong nhà vậy. Lại đã một lòng ngưỡng vọng tôn kính Giáo hoàng như cha đẻ của mình [21] .
Giáo hoàng cả mừng. Lại muốn lấy việc làm mà thử, bèn xuống dụ lừa dối rằng: "Đêm hôm qua chúa Jêsu hiện về phán cho trẫm biết Chúa muốn san bằng ngọn QuangTang [22] để làm nhà thờ Đức Mẹ Maria. Ai đến góp sức vào việc ấy, không kể già trẻ trai gái, mỗi tuổi được thiên thần ghi cho một công, dời được một hòn đất hòn đá thiên thần đều tâu chúa Jêsu ban cho một điều phúc".
Thế là đàn ông đàn bà đều tin lời kéo đến đông đủ, chỉ hai ngày sau san bằng núi QuangTang, không tốn một đấu gạo. Giáo hoàng SôNghi mừng lắm bảo rằng: "Dân chúng đã một lòng như vậy, vua tôi chúng ta chẳng còn phải lo ngại gì. Phép thuật của chúa Jêsu thật là thần thánh vậy thay!" Rồi cho mở yến hội lớn tạ ơn các Giáo hoàng đời trước [23] . Các quan trong kinh ngoài trấn đều được ban thưởng có thứ bậc.
Rồi đó Giáo hoàng SôNghi truyền mệnh sai các giám mục đi truyền đạo ở các nước ngoài, lừa bịp dân các nước ấy để mong nhất thống [24] . Giao cho đình thần bàn xét tâu lên để định các điều luật và hình luật áp dụng ở nước ngoài. Giáo hoàng phê chuẩn 20 điều hiến luật và 6 điều hình luật. Lại đặt 7 điều qui định đối với giám mục và môn đồ người nước ngoài, 11 điều qui định về việc khen thưởng. Lại qui định mẫu thức tờ sắc phong cho giám mục đốc chính [25] ở các nước và sắc phong cho các giám mục ngoại quốc. Những việc ấy đều lược bỏ không ghi ở đây.
Hội họp bàn xét đã đủ, Giáo hoàng vui vẻ cười vang, phán rằng: "Năm trăm năm tuy lâu thật, nhưng người sau tiếp người trước. Mỗi đời giám mục đốc chính ước chừng 40 năm, vậy không quá 50 đời giám mục đốc chính thì Giáo hoàng thứ 50 sẽ được thấy đại cuộc thống nhất thiên hạ, nào phải là lâu lắm đâu!" [26] .
Rồi đó chọn ngày cho các giám mục lên đường ra nước ngoài. Các viên đốc chính đều sợ phép của triều đình, tuy biết ra đi là cầm chắc cái chết, nhưng vì muốn được thờ phụng vẻ vang, cho nên không dám tiếc thân mình. Kẻ trước chết, người sau nối, trước sau một dạ trung thành, răm rắp theo phép.
Kể từ đó, đạo Gia Tô như tằm ăn lá dâu, mỗi ngày một thêm lan rộng.
Láng giềng của nước Tây Dương có hai nước là Bạch Hoa Lan và Xích Hoa Lan, tất cả gồm 72 tiểu quốc, chưa đầy 400 năm đều đã bị lừa dối. Ngày trước hai nước ấy vẫn sai sứ đến triều cống nước Tây Dương, xưng tụng là đại đế thiên triều, được Giáo hoàng ban thưởng rất trọng hậu. Hai nước ấy đều lấy thế làm mừng, mời giám mục đốc chính là quốc sư. Cuối cùng vua hai nước ấy đều bị giám mục đốc chính ám hại, đất đai bị phân chia đem nhập vào nước Tây Dương, đúng như lời Jêsu đã nói "năm trăm năm thì nhất thống" [27] .
Duy có một nước Jiuđê cùng với hai nước nhỏ chư hầu nước ấy đã sớm biết đề phòng từ trước, đời này qua đời khác giữ phép nước trước sau không thay đổi, cho nên người Tây Dương không lừa dối dụ dỗ được. Giáo hoàng Tây Dương tham nước ấy đất đai rộng lớn, nhiều lần viện quân những nước cùng phe cánh đem quân sang đánh nước Jiuđê, nhưng bao phen không thắng nổi phải bỏ hẳn ý định xâm chiếm nước Jiuđê.
Người nước Tây Vực [28] giết giám mục đốc chính Tây Dương mang tên thánh là Phanxicô, đặt lệnh cấm hẳn không cho hành đạo Gia Tô ở trong nước.
Hồi bấy giờ, Phanxicô vâng mệnh Giáo hoàng Tây Dương lẻn vào ẩn náu ở một làng miền núi nước Tây Vực. Phép nước Tây Vực vốn chỉ thờ thần Phật. Phanxicô cùng với một môn đồ đến ở đó làm thầy lang bốc thuốc chữa bệnh. Được 1 năm, đã quen thân với dân làng. Nhân nhà chùa mở hội đàm Vô già [29] , hương hào làng ấy mời Phanxicô cùng đi lễ Phật. Thầy trò Phanxicô đều cáo ốm không đi. Đến lần hội sau, dân làng lại mời, Phanxicô ra đáp: "Tôi từ phương xa đến đây không biết Phật là hạng nào cho nên không dám lạy". Các hương hào nổi giận mắng rằng: "Nhập quốc tùy tục! Ngươi có biết nước chúng ta đây là hạng nào không mà cũng dám đến?" Rồi bọn họ đem sự việc trình lên quan trấn. Quan trấn xứ ấy tâu lên. Vua Bất Thất [30] phán rằng: "Đó là tên giặc giấu mặt đấy!" Rồi truyền lệnh treo ngược hai thầy trò Phanxicô lên ngọn cây, xẻo thịt cho đến chết. Về sau giám mục Tây Dương bén mảng đến đều bị người Tây Vực bắt giết. Trước đó triều đình Tây Vực đã có lệnh cấm dân theo dị giáo, mặc dị phục. Nhân sự việc nói trên, lệnh cấm lại càng nghiêm ngặt hơn, cho nên người Tây Dương cũng phải bỏ không dám đến Tây Vực nữa.
Vua nước PhaLangSa [31] cấm đạo Gia Tô, giết hết quan tướng to nhỏ bọn giặc Tây Dương. Nguyên nước PhaLangSa ở về phía tây nước Tây Vực, có hai nước phụ thuộc là nước ĐạiNa và nước NaSa, từ xưa vẫn sang PhaLangSa triều cống. Đến hồi bấy giờ do bọn thầy tu đạo Gia Tô mua chuộc, vua hai nước ấy đoạn tuyệt với nước PhaLangSa, gửi thư cho giám mục đốc chính muốn xin phụ thuộc vào nước Tây Dương. Bấy giờ vua PhaLangSa tên là ĐaGia đã nhiều lần triệu mời, nhưng hai nước ấy vẫn không chịu đi. Vua PhaLangSa bèn sai quân sang đánh, bị thua trận phải trở về. Dò xét biết nguyên nhân sự việc, vua ĐaGia giận lắm. Rồi đó vua sai lập sổ ghi những người theo đạo thì thấy đến nửa nước đã trở thành người Tây Dương rồi! Vua ĐaGia cả kinh bảo rằng: "Không trừ bọn giặc này thì không phải chỉ hai nước kia, mà chẳng bao lâu nữa nước ta cũng hóa thành Tây Dương. Nói đoạn vua gọi các quan tứ trụ là bọn BộtTốc vào bàn riêng trong phòng kín. Bọn BộtTốc tâu rằng: "Đạo của bọn chúng bắt rễ sâu lắm rồi. Triều đình đã nhiều lần ra lệnh cấm mà vẫn không dứt được, không biết nguyên do vì đâu? Nhưng dân ta một nửa là người Jiuđê, cái thế muốn làm cũng còn dễ. Vậy xin hoàng thượng tìm người giỏi phép diệt trừ tả đạo biểu dương khen thưởng trọng hậu. Trong dân gian cũng có bậc trí giả ra hiến kế hay thì mới có thể dẹp tắt được".
Vua ĐaGia khen phải rồi hạ chiếu kể tội rằng: "Đạo Tây Dương bắt người ta bỏ thờ cúng tổ tiên, chỉ được thờ cúng một mình Jêsu; không cho dân chúng tuân kính triều đình bản quốc, chỉ được tuân theo Giáo hoàng Tây Dương". Chiếu văn lại nói: "Nếu không vì mối lợi lớn thì việc gì phải xa xôi tìm đến? Nếu không tìm mưu lớn thì vì sao phải coi khinh sống chết? Ai có tài diệt trừ đạo ấy cho phép tâu lên cửa khuyết, trẫm sẽ phong thưởng vẻ vang cho bản thân con cháu".
Bọn thầy tu Tây Dương ở khắp nơi trong dân gian, nghe tuyên chiếu thảy đều lo sợ, bèn đem tiền của đến đút lót các quan lại địa phương. Bọn hào lý kẻ có đạo cũng như không có đạo đều nói: "Người ta ăn ngay ở lành, chẳng giết hại ai, việc gì phải lùng bắt gắt gao như thế?" Bọn cha cố Tây Dương lại gọi giáo đồ tụ tập ở nhà thờ không cho ra ngoài [32] . Giám mục đốc chính cho truyền mật thư cho giáo dân, bảo rằng: "Chúa dạy: phàm những ai trước đã ở nhà lo việc đạo mà nay gánh việc đời, thì cha anh phải nhắn gọi về" [33] . Rồi đó đốc chính chuyển thư về nước tâu Giáo hoàng.
Bấy giờ giám mục nước ĐạiNa là ChânBình, thầy giảng nước LangSa là CảmHợi đến cửa khuyết xin hiến kế diệt trừ tả đạo.
Nguyên ChânBình ở nước ĐạiNa, đã được thăng đến chức giám mục, trót ăn nằm với tu nữ đồng trinh có mang. Giám mục đốc chính tâu xin vua ĐạiNa cho bắt xử trảm, nhưng không bắt được, bèn bắt cha anh ChânBình đem đi đày. Bình cùng với người tu nữ đồng trinh kia trốn sang nước LangSa đến hồi bấy giờ đã được 15 năm.
CảmHợi là thầy giảng ở nước LangSa. Trước đó bố Hợi chết, giám mục đốc chính không cho để tang. Về sau Hợi xin về nhà lấy vợ. Đốc chính cho người đến tận nhà réo chửi, làm nhục. Hợi bèn quyết chí bỏ đạo Gia Tô trở về với chính giáo.
ChânBình và CảmHợi đều biết rõ sự giả dối trong những sách kín của đạo Tây Dương, lại vì nỗi oan ức chưa được giãi tỏ, đến khi nghe chiếu truyền, hai người cả mừng, liền về kinh đô xin hiến kế.
Vua Đagia được hai người này cả mừng, hỏi vì lý do gì mà bỏ đạo Tây Dương? Hai người đều thực tình tâu lên, vua ĐaGia lại càng thêm tin cậy. Rồi đó vua ĐaGia hỏi về việc xem sổ dân thấy ghi người theo tả đạo cả, hai người tâu rằng: "Sổ sách cũng không thể ghi chép hết, chỉ vì bọn quan lại tham nhũng thừa gió bẻ măng càng làm cho dân thêm khổ. Nếu dân theo tả đạo cả thì bệ hạ còn làm vua với ai? Một khi xảy ra sự biến, tai họa hẳn là không nhỏ. Bên trong thì mất dân, bên ngoài thì xua dân cho giặc Tây Dương. Vả lại, Giáo hoàng Tây Dương đã từng chê cười các nước rằng: "Họ giết dân nước họ, thật là điều lợi lớn cho ta!". Vậy xin bệ hạ chớ làm những điều mà bọn chúng chê cười. Các đời trước nay từng ra lệnh cấm mà không dứt được là vì bọn chúng lẩn trốn như dê chó, phần nhiều mượn nghề thầy lang đi bốc thuốc chữa bệnh, giả dạng làm ăn mày, dẫu ngồi giữa đường cũng không ai biết. Chẳng có duyên cớ gì khác, chỉ vì dân chúng tin tài bốc thuốc chữa bệnh của tả đạo cho nên mới không truy bắt hết được. Bởi vậy phải có lệnh cấm thật nghiêm thì bọn chúng không còn chỗ dung thân. Đại phàm muốn làm cho cái cây to tàn héo, trước hết phải đào đứt rễ thì cành lá cũng tự úa khô".
Vua ĐaGia nghe nói chợt tỉnh ngộ, nhân đó lại hỏi đầu đuôi sự tích Gia Tô. Hai người tâu rằng việc ấy kể 10 ngày cũng chưa hết, xin cho một căn phòng yên tĩnh ngồi viết thành sách dâng lên hoàng thượng ngự lãm. Vua ĐaGia ưng chuẩn cho viết. Sau năm tháng, sách soạn xong, thuật lại mọi chuyện từ khi Jêsu ra đời cho đến khi thuật của Jêsu đắc dụng ở Tây Dương, tất cả gồm 10 quyển. Vua ĐaGia và các đình thần đọc xong ai nấy đều phải kinh ngạc thốt lên: "Đúng là bọn giặc!"
Chân Bình và CảmHợi tâu rằng: "Xin lấy luật của giặc mà trị giặc mới có thể cấm đứt được". Vua ĐaGia bèn giao cho hai người cùng với đình thần lựa chọn luật lệ của nước Jiuđê làm ra luật cấm như sau:
1. Trong dân gian ở đâu có nhà thờ đạo Gia Tô, bất kể lớn nhỏ, quan sở tại đều phải làm biên án và triệt phá, thu nộp cho quan trấn sung vào quân khố. Kẻ nào ẩn lậu xử trảm.
2. Bọn đốc chính giám mục người Tây Dương đều là giặc nước, kẻ nào dám che giấu cho trốn tránh sẽ bị trị tội cả ba họ. Các chức sắc làng trấn đều phải liên đới chịu tội.
3. Người bản quốc theo giặc làm giám mục, môn đồ, đều là kẻ a tòng bán nước, trị tội cả ba họ, không tha.
4. Làng nào có kẻ nhận chức của giặc Tây Dương làm giám mục, môn đồ thì phải cử ra 40 người cùng với hương trưởng ghi tên bọn chúng vào sổ khai. Kẻ nào che giấu về sau phát giác thì bọn hương hào 40 người nói trên đều bị xử trảm.
5. Họ nào có kẻ nhận chức của giặc Tây Dương làm giám mục, môn đồ, thì ba họ của kẻ ấy hạn trong ba tháng phải đi khai báo. Ai khai trước thì được khỏi tội. Nếu không khai báo về sau phát giác ra thì cả ba họ bị tru di, lớn bé đều không tha.
6. Ai cất giấu các thứ kiệu, lọng, ảnh tượng, áo mũ, đồ lễ, sách vở của đạo Tây Dương, hạn trong ba tháng phải đem nộp cho quan sở tại thì được miễn tội. Kẻ nào không tuân về sau phát giác thì chủ oa trữ bị giết cả nhà, lớn bé đều không tha.
7. Người nào có công bắt được bọn thầy trò bọn đốc chính giám mục Tây Dương thì được phong quan tứ phẩm, sau khi chế dân làng tả đạo phải lập miếu đặt tượng thờ, kể cả kẻ thủ hạ cũng được thờ chung.
Luật lệnh đã đầy đủ, ChânBình và CảmHợi lại tâu lên vua rằng: "Trong các nhà thờ đều có các thầy trò bọn đốc chính giám mục Tây Dương trú ngụ. Xin xuống dụ cho mỗi làng chọn 50 hào mục cùng chịu trách nhiệm khai báo họ tên, nhân số bọn chúng, rồi cứ theo danh sách ấy mà tróc nã.
Lệnh vua truyền xuống, giáo đồ các họ tả đạo đều kinh hãi tái mặt, chỉ những kẻ cường hào khấp khởi mừng thầm, bí mật tung người đi dò la khắp nơi để mong được phong thưởng. Về sau hào mục các họ tả đạo thấy có lợi cũng lừa bắt bọn cha cố đem nộp. Chỉ trong 1 năm, cả nước bắt được 10 tên đốc chính, thầy trò giám mục hơn 70 tên. Những tên còn trốn tránh thì chiếu sổ mà trách hỏi huyện quan [34] , giao cho chức sắc các làng lùng bắt cho kỳ hết. Thu được các đồ khí mãnh, lễ phục, vua bèn bảo mọi người theo thứ tự mặc thử xem sao, thấy đều cùng một kiểu áo thụng chui đầu, vua ĐaGia bật cười mà bảo: "Quả là kiểu áo chó!"
Rồi đó vua ĐaGia xuống chiếu kể tội bọn cha cố Tây Dương rằng: "Bọn các ngươi từ nước ngoài lẻn vào dụ dỗ dân nước ta để cuối cùng biến nước ta thành nước của các ngươi. Gan ruột của bọn ngươi, ta biết rõ cả. Người bản quốc vụng lén nhận chức của các ngươi, chiếu theo pháp luật sắc lệnh của triều đình đều khép vào tội theo giặc, xử chém hết không tha!".
Xét đến những người thân thuộc ba họ có con em làm thầy tu mà không khai báo, số người bị bắt rất nhiều, vua ĐaGia thương xót muốn tha tội cho. Nhưng đình thần tâu rằng: "Nhà nước thương xót bọn chúng, nhưng bọn chúng lại làm hại nhà nước. Vả lại trước đây đã có lệnh cho đi khai báo trước được miễn tội, nhưng bọn chúng cố ý không tuân lệnh, nếu không phải mê muội cuồng tín thì ắt là nghe theo mưu chước của bọn giặc Tây Dương. Bởi vậy chỉ nên tha cho trẻ con, còn người lớn thì xin cứ chiếu phép gia hình".
ChânBình và CảmHợi nói rằng: "Giết bọn chúng cũng phải đúng phép, làm mất tuyệt hình tích thì bọn giặc Tây Dương mới hết bề lợi dụng, xin hoàng thượng cho phép mật tâu". Vua ĐaGia cho phép, nghe tâu xong bèn mật truyền lệnh: nhân lúc đêm tối, chia bọn giặc Tây Dương làm ba tốp, bỏ xuống thuyền chở đến bãi cát bên bờ vực Tam Long (ba rồng) sắp cho quân canh phòng cẩn mật, giữ kín không cho dân tả đạo hay biết. Sáng ra, khi bọn họ biết tin kéo đến, trước hết lôi bọn thầy tu Tây Dương ra bắt quỳ xuống mà trói lại, cởi hết quần áo, giày mũ của chúng châm lửa đốt ra tro xúc đổ xuống sông, bảo dân tả đạo: "Kẻ nào cả gan dám chuộc tro về thờ thì khép tội chết, kẻ nào dám xông vào cứu thì xử chém". Bọn thầy tu Tây Dương mất hết quần áo giày mũ biết không còn di tích gì, có trốn thoát cũng không còn manh vải che thân mà về nước nữa, đứa nào đứa nấy đều kinh sợ ngơ ngác nhìn nhau. Rồi đó ra lệnh, cho dân tả đạo ai nấy phải đái vào mồm vào mặt bọn cha cố Tây Dương, khiến cho bọn chúng tự biết mình chết không trong sạch thì không được quy hồn về Tây Dương. Bấy giờ cả bọn mới trông nhau mà gào khóc thảm thiết. Lại vì Giáo hoàng Tây Dương đã có mật chỉ căn dặn: khi bị hành hình phải thung dung không chút sợ hãi thì hồn mới ngưng tụ thành thiêng. Kẻ nào không tuân mệnh, dẫu chết vì đạo cũng truất không phong. Đến đây, cũng theo mật lệnh, mỗi lần nghe một tiếng chuông thì quân sĩ vung đao chém một nhát, cứ như thế cho đến khi tên giặc chết hẳn mới thôi. Cả bọn không thể kiên lòng chịu đau, thảy đều khiếp sợ, kêu thét thất thanh. Rồi đó sau khi cả bọn cha cố Tây Dương đã chết hết, quân sĩ lại đẵn gỗ xếp làm thớt, đặt xác bọn chúng lên chặt đầu từng mảnh, chân tay mình mẩy đều băm vụn từng khúc rồi trộn lẫn vun thành đống, không phân biệt được xác nào xác nào nữa, rồi nhất loạt xúc hắt xuống vực sâu làm mồi cho thuồng luồng, rùa, giải nuốt ăn. Lại đào bới cả một lớp đất nơi ấy hất nốt xuống sông, làm cho trên bờ không còn một vết tích nào. Tất cả những cách thức ấy đều là mưu kín của ChânBình, CảmHợi tâu trình.
Thế là bọn thầy tu Tây Dương không mống nào sống sót mà về nước. Giáo hoàng Tây Dương gần nửa năm [35] bặt tin không nhận được thư vấn an gửi về, biết chắc xảy ra biến cố lớn. Sau đó dò hỏi dân buôn biết rõ sự việc, Giáo hoàng cả giận đập tay kêu lớn: "Cha chả! Ắt phải có kẻ nào cáo giác!".
[1]Thật đau xót lắm.
[2]Phép này ngày nay thi hành ở nước ta chưa dám cấm ngặt lắm; cha mẹ vẫn được đến thăm con. Nhưng người con thì mỗi tháng chỉ được về thăm nhà một lần, ngoài ra không được biếu tặng gì cả.
[3]Ý nói già dặn về đạo lý.
[4]Nay gọi là thi Thánh đoán.
[5]Tức lễ thụ phong thầy cả, đã nói ở Q. VI.
[6]Thiên văn thì thi xem mây, địa lý thi làm thử trên đống cát, lại giấu đồ vật đi để thi tài bói, đem người ra để thi xem tướng.
[7]Sợ những người này đã hiểu các phép kín, ra ngoài ắt lộ chuyện.
[8]Tức là phép thi chuyển từ cấp thầy giảng lên cấp thầy già.
[9]Tức là phép thi chuyển cấp từ thầy già lên thầy cả (linh mục).
[10]Nếu hỏi thái thượng hoàng có vợ cho nên mới có con. Chúa Trời có vợ đâu mà cũng có con? Không biết hỏi như vậy bọn họ trả lời thế nào?
[11]Khi Jêsu mới sinh ra sao chúa Trời lại không sai một bà vú nuôi bảo hộ, đến khi Jêsu khôn lớn hãy sai Jêsu từ bên ngoài đến làm tôi, như thế thì người ta làm sao mà chỉ trích được?
[12]Nhà Nho ta cho đức trinh phải giữ suốt đời người. Tả đạo hiểu đức trinh khác hẳn nhà Nho ta. Cái thuyết ấy đã thấy ở trên đây.
[13]Ánh sáng là vật vô sinh cho nên vẫn trong suốt như cũ. Còn Maria là người, đã sinh đẻ thì làm sao còn trong sạch được nữa?
[14]Nay xem người Tày, Nùng ở nước ta có phép "chú thi" (đọc chú bên thi hài người chết) và cũng có phép cấm con em các quan lang không được lấy con nhà dân.
[15]Lúc đầu môn đồ đều lấy trong dân. Nay phần nhiều chọn trong số con cái nhà quan.
[16]Phép này ở trên đã nói tới.
[17]Sợ tiết lộ ý mật hoặc nảy sinh ý định bỏ đạo.
[18]Sợ tiết lộ ý mật hoặc nảy sinh ý định bỏ đạo.
[19]Tiếp theo còn 50 điều nữa được lược bớt. Hình luật gồm 9 điều, cũng lược bỏ không ghi.
[20]Tên phiên âm trong nguyên văn.
[21]Nay tả đạo ở nước ta chính đúng như thế!
[22]Ở phía nam cửa thành. (Tên phiên âm chữ Hán, chưa rõ nguyên ngữ. ND)
[23]Xem đó thì biết vua tôi Tây Dương vẫn thờ cúng tổ tiên chứ không bỏ.
[24]Nhất thống = thâu tóm; thu về một mối. Thông thường từ này dùng để chỉ ý quyền hành, lãnh thổ trong một nước thu về một mối sau một thời kỳ chia cắt. Nếu nói rộng ra với các nước có chủ quyền thì từ đó bao hàm ý: xâm lược, thôn tính. Tác giả sách này đã dùng từ "nhất thống" theo ý thứ hai đó.
[25]Giám mục đốc chính: người đứng đầu giáo đoàn ở một nước, do Giáo hoàng chỉ định; cũng gọi là giám mục khâm mạng.
[26]Ở đây có thể nhầm lẫn về con số, nhưng chúng tôi cứ dịch đúng như nguyên thư đã chép, vì nghĩ rằng ý câu văn đã rõ, còn các con số đó chỉ có ý nghĩa đại khái mà thôi.
[27]Hoa Lan, Huề Lan, Hoa Lang cũng là một. Ngày nay ta gọi đạo Tây Dương là đạo Hoa Lang là nhân theo tên được Bạch Hoa Lang mà gọi vậy.
[28]Tây Vực: từ dùng để chỉ các tiểu quốc phía Tây châu Á, thuộc vùng Trung Đông hiện nay. Tuy vậy, ở đây tác giả nói đến một nước riêng biệt, chưa biết chính xác là nước nào.
[29]Tên phiên âm trong nguyên thư.
[30]Tên phiên âm theo nguyên thư.
[31]Tiên phiên âm trong nguyên văn. Trong thư tịch Hán Nôm, PhaLangSa, PhápLangSa, PhúLăngSa đều là phiên âm tên nước Pháp (France).
[32]Sợ người ta bỏ đạo.
[33]Sợ những người ấy mật tâu với triều đình đem quân đến đánh. Tả đạo gọi những người theo đạo là "ở trong nhà" (cư gia trung), bỏ đạo lấy vợ gọi là "ra gánh việc đời" (xuất dài thế sự), đều dùng cách nói lờ mờ, sợ người ngoài biết chuyện. Nhưng người ta ai là người chẳng ở trong nhà? Mà việc làm của người thiên hạ việc gì chẳng là "việc đời"?
[34]Nguyên văn: Hán tịch trách a thần (...), kèm đó có chú thích: như tiếng Hán gọi là huyện quan. Chưa rõ a thần phiên âm từ chữ gì.
[35]Nguyên thư chép: bán quý (= nửa quý), tạm dịch là gần nửa năm cho xuôi ý.
Nguồn: Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1981. Bản điện tử do talawas thực hiện.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro