Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Quyển 6

Sang Tây Dương, phép thuật Jêsu đắc dụng
Trình "Bí lục", môn đồ Jêsu được phong

Con Thiên Chúa bị bại phải chạy trốn vào hang núi Cửa ải [1] . Thần binh và các đội quân tay súng đi lùng bắt, bắn vội vào khắp các hang sâu hốc hẻm. Jêsu phải lẻn trốn sang nước Tây Dương. Quân LâmBô chạy theo Jêsu bấy giờ chỉ còn khoảng 20 tên, Jêsu sai đi tìm Phêrô, hẹn gặp nhau trên núi Pania [2] . Cha mẹ Jêsu và các môn đồ nghe tin Jêsu đến, tưởng là thắng trận, ai nấy cả mừng. Khi đến nơi hẹn, nghe Jêsu thuật lại sự việc, ai nấy đều thất kinh rụng rời. Hỏi nguyên do, Jêsu đáp: "Trước đây ta đã nói: nếu để cho bọn chúng học thiên văn, địa lý, bói toán thì một khi thông hiểu, chúng sẽ làm hại đạo ta. Nay sự đã quả nhiên! Ta đã làm phép bắt sao Chổi mọc lại, thổi gió về hướng sao Giốc, gọi quỷ sứ đến bày mưu giúp sức, thật oại hùng lừng lẫy, vậy mà dân Jiuđê vẫn cứng lòng [3] không chịu theo ta mà còn vâng phục ma quỷ! Nay ta quyết chí rời khỏi nước Jiuđê [4] . Than ôi! Sau vít vồ đã bị chúng giết. Nhưng không biết các thầy cả do các ngươi lập ra thì nay như thế nào?" Mọi người nhân đó hỏi về việc sáu vít vồ bị hại, Jêsu buồn rầu đáp: "Khi bị quân dữ bắt giam, bọn chúng đã dâng sách ghi chép phép kín của ta, hy vọng được vua Jiuđê trọng dụng. Nhưng tên vua ấy không tin, lại thêm tên giặc ĐôSaNùng dùng hình phạt quá độc ác, cho nên linh hồn của bọn họ chẳng bao lâu đều phải tiêu tan. Hơn nữa, vua tôi Jiuđê sau khi biết rõ các phép kín của ta bèn nhân đó mà đề phòng nghiêm ngặt, đã đoạt lại tất cả giáo đồ của ta". Môn đồ nghe nói như vậy đều rất lấy làm buồn.

Jêsu nói: "Nay ta thử một phen hiển linh sang nước Tây Dương, nếu được quốc vương nước ấy tin cậy thì các ngươi hãy cùng theo sang. Bằng không thì phải tính liệu cách khác, nếu còn tụ tập một nơi như trước thì lại chuốc lấy vạ như ở nước Jiuđê mà thôi". Bà Maria mẹ Jêsu nghe nói như vậy bèn can rằng: "Đức Thầy khi còn sống thì lao khổ phần xác, nay chết rồi còn phải vất vả phần hồn. Sáu ông vít vồ cũng do tôn kính đức Thầy mà phải chịu chết. Tôi bấy lâu đã phải lo âu đau khổ, chỉ mong đức Thầy đừng theo sang nữa". Sáu vít vồ còn sống cũng tỏ ý lo buồn. Jêsu thấy vậy bèn nói: "Cứ nghe lời bà thì người ta mất hết chí khí!" Rồi Jêsu cấm hẳn không cho các môn đồ lui tới nhà bà Maria nữa, ai không tuân theo về sau đừng hối. Bọn Phêrô sợ phép thần linh, từ đó không ai dám lui tới nhà mẹ Jêsu nữa [5] . Rồi đó Jêsu lại cưỡi mây bay sang nước Tây Dương [6] . Tới nơi, Jêsu quành lượn trên trời, hóa phép gây mưa, những ai mưa ướt đều bị ốm nặng. Khắp nơi trong kinh thành dân chúng đều phải chống gậy mà đi cà nhắc.

Quốc vương nước ấy là Maisen [7] sai quan Thái bốc tên là Đinô xem quẻ bói. Đinô gieo quẻ xong tâu rằng: "Có vị thiên thần đến bảo ta cho diệu pháp, nếu bệ hạ cho lập đền thờ phụng thì sẽ được tốt lành lớn!" [8] .

Vua Maisen bèn lập đàn cầu khấn, phút chốc bỗng thấy trên không hiện ra một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ, bên trong có một vị thần mũ áo oai nghi đang ngồi bốn phía cột có bốn tên lính mặc áo đỏ đứng hầu. Cờ hiệu có dòng chữ đề: "Đức chúa Jêsu con đích thực của chúa Trời" [9] . Jêsu quát lớn: "Ta là con chúa Trời giáng sinh xuống nước Jiuđê dạy phép lớn để thống nhất thiên hạ, không ngờ bọn chúng quay lại hại ta. Tuy vậy ta cũng tha tội cho chúng, vẫn hiện về dạy bảo cho. Những vua tôi Jiuđê lại cầu viện ma quỷ đánh lại ta không chút thương xót. Nay ta đem cái phép lớn nhất thống thiên hạ ấy ban cho ngươi. Nếu ngươi làm theo lời ta thì nước Jiuđê rồi cũng phải chịu đến thần phục".

Vua Maisen cả mừng, cùng với quần thần rập lạy xin được nghe lời chỉ giáo. Jêsu nói: "Ta có sáu môn đồ hiện đang ở trong nước ngươi [10] , ngươi hãy tìm đón, bọn họ sẽ nói thay lời ta". Vua tôi Tây Dương vái lạy xin vâng lời. Rồi đó tòa lâu đài vụt biến, dịch bệnh cũng dần yên. Vua Maisen hạ chiếu khắp nơi trong nước truyền rằng: "Chúa Jêsu con chúa Trời đã hiển linh truyền bí pháp, các vị vít vồ hãy vâng chiếu về kinh triều cận để hoàng đế hỏi chuyện".

Jêsu cả mừng bảo các môn đồ: "Vua Tây Dương đã chịu nghe lời ta, đúng là bậc minh quân trong thiên hạ! Nay trước hết các ngươi phải khoe khoang sự linh thiêng của ta để xem lòng tin của họ có vững hay không rồi sau mới đem trình bí pháp". Jêsu vừa dứt lời thì bà Maria tắt thở. Bà Maria từ khi đi lánh nạn vì quá ưu phiền lo sợ nhiễm thành bệnh. Lại vì chồng là Jiuse theo đạo, ăn ở chay tịnh để ngưng tụ linh khí, cho nên chỉ sinh hạ được mỗi một Jêsu, mà lại gặp lúc nguy khốn như thế. Cho nên, đến đây chợt nghe tin vua nước Tây Dương, bà Maria ngạc nhiên kinh sợ mà chết. Các môn đồ của Jêsu lo liệu chôn cất mà chẳng thấy bóng dáng Jêsu hiện về. Cho nên ngày nay có lễ Đức Bà lên trời [11] .

Bọn Phêrô sáu vít vồ vâng chiếu chỉ cùng nhau về kinh đô Tây Dương, trong lòng vẫn còn ngờ sợ, đến khi được vua Maisen tiếp đón như tân khách mới thật yên lòng. Vua Maisen và các đại thần cùng hỏi bọn Phêrô về chuyện Thiên Chúa. Bọn Phêrô muốn kể cho hết mọi sự linh thiêng, bèn soạn ra một bộ sách thuật chuyện từ khi Jêsu sinh ra cho đến khi lại hiện xuống sau khi chết, gồm 4 quyển, gọi là sách Gia Tô thực lục [12] . Riêng đoạn nói về sự việc từ khi Jêsu dẫn môn đồ lên núi Ôlivêtê [13] truyền dạy bí pháp thì chép riêng thành 1 quyển, gọi là Bí lục [14] .

Sách soạn xong dâng lên, vua Maisen cùng quần thần đọc đến phần Bí lục, ai nấy đều gật đầu tán thưởng. Bấy giờ có tả thừa tướng là Xumêi [15] và hữu thừa tướng là Nasarô [16] nói rằng: "Nếu Jêsu quả thật linh thiêng thì hãy hiện xuống đây xem sao?". Bọn Phêrô lập đàn cầu thỉnh, phút chốc thấy Jêsu hiện xuống vạch 5 vết sẹo bị đóng đinh ở lòng bàn tay, bàn chân và giữa ngực cho Xumêi xem. Nasarô thấy vậy nói: "Nếu đánh được ta chết, rồi lại làm cho ta sống lại thì mới thật là thiêng". Vừa dứt lời, Nasarô liền lăn ra chết, 4 ngày sau thì được sống lại [17] .

Thế là vua tôi Tây Dương rập đầu vái lạy la liệt, thỉnh cầu Jêsu phò giúp cho vương triều. Rồi đó vua Maisen cho dựng 5 ngôi đền ở kinh đô để thờ phượng con Thiên Chúa. Lại truy phong tôn hiệu thánh cho 6 vít vồ đã bị hành hình ở Jiuđê [18] .

Vua tôi Tây Dương bản tính xảo hiểm [19] , đến đây được phép thuật hiểm độc của Jêsu, bèn cùng nhau bàn rằng: "Một lòng trung nghĩa, muôn đời thiêng liêng, muốn sai khiến dân chúng từ xưa đến nay chỉ có cách ấy của Jêsu là thượng sách [20] . Dòng dõi vua tôi chúng ta nếu làm được như thế thì địa vị ngồi trên đầu dân sẽ ngàn vạn năm yên vững. Phương sách ấy đem thi hành ra nước ngoài thì sau 500 năm có hy vọng thống nhất bờ cõi. Đúng như chúa Jêsu đã dùng phép đại số mà bấm độn, thì nước lớn phải mất 700 năm, nước vừa mất 500 năm, nước nhỏ cũng phải mất 300 năm, cũng không phải là lâu lắm. Vua tôi chúng ta cùng vạn đời con cháu, người trước chết, kẻ sau nối, trên dưới một lòng, ngưng tụ anh linh để hưởng ngày thiên hạ thu về một mối. Muốn được như thế ắt phải đồng tâm nhất trí như thầy trò Jêsu, kẻ nào phản nghịch tất phải trừng trị nặng không tha".

Rồi đó vua tôi cùng nhau cắt máu uống thề, đồng lòng suy tôn phép thuật của Jêsu. Vua Maisen, theo lời dặn của Jêsu, cho làm nhiều giá câu rút để nhắc nhở người ta dẫu chết cũng không quên đạo. Trước đó đã cho vẽ ảnh Jêsu đầu đội vành gai nhọn trên giá câu rút ở bên trên; phía dưới là 6 vít vồ đứng hai bên giá, nét mặt và hình dáng đều hao tựa Jêsu, cùng được vẽ vào đó để thờ chung, phong làm thánh" [21] . Sau đó vua truyền cho các quan phải treo ảnh này trong nhà mình để hằng ngày trông thấy không quên cái ý sẵn sàng chịu chết". [22]

Xét ra người Jiuđê và người Tây Dương đều thờ chúa Trời, nhưng phong tục Jiuđê chuộng sự thẳng thắn, cho nên phép thuật của Jêsu không thi hành được. Còn thói tục Tây Dương thì giảo hiểm, cho nên phép thuật của Jêsu mới được trọng dụng. Các sách nói về thuật âm dương của người Tây Dương đều là bắt chước của người Jiuđê, nay lại thêm các sách thiên văn của Jêsu, chiêm nghiệm rất đúng.

Tả thừa tướng Xumiê tâu rằng: "Xin hoàng thượng lấy sự đối xử công tâm để thống nhất ý chí của dân chúng". Vua Maisen bèn hạ chiếu phong thưởng tặng cho những người hiền tài từ xưa [23] , cùng với các vít vồ môn đồ lớp sau của Jêsu như bọn Timông đều được phong là thượng khách, cùng được phụng thờ.

Lại phỏng theo lời dặn về việc mặc đạo phục để ghi nhớ sự tích chúa Jêsu chịu nạn, vua Maisen sai may triều phục đúng như kiểu áo do Jêsu đặt ra [24] , nhưng có qui định thêm về việc dùng 5 màu sắc, thêu hoa vàng hay hoa bạc để phân biệt phẩm tước cao thấp.

Lại sai bỏ 3 chiếc đinh câu rút, vành mũ gai và chiếc khăn tay che mặt của Jêsu vào trong một chiếc hộp, gọi là "Hộp tàng hồn" đặt trong nhà thờ. Bấy giờ bọn Phêrô tâu rằng: "Chiếc giá câu rút trước đây bọn thần đã đem cất giấu ở núi Cửa ải, xin hoàng thượng bí mật sai lính đến lấy về, nhưng xin dặn bọn chúng không được quét sơn để bảo tồn nguyên dạng". Các môn đồ lại tâu: "Ở nước Jiuđê, trong lùm cây Ghêtsêmani còn tảng đá có vết đầu gối của chúa Jêsu quỳ cầu nguyện khi lâm nạn, hiện chưa lấy về được".

Vua Maisen bèn bí mật sai người mang nhiều tiền bạc sang mua chuộc dân làng sở tại để khuân tảng đá đó xuống thuyền chở về Tây Dương. Khi đem được tảng đá ấy về, vua cho sửa sang một khu vườn rộng có cây cối um tùm để đặt tảng đá ấy trong vườn, làm nơi tượng trưng di tích, cũng đặt tên là vườn Ghétsêmani. Lại cho đổi tên búi Bađa thành núi Calavariô và dựng giá chữ thập bằng đá trên núi ấy để tượng trưng ngọn núi nơi Jêsu bị hành hình.

Phỏng theo ý nghĩa việc làm "hòm đựng hồn", vua Maisen sai thợ tạc tượng gỗ cho vua và các quan trong triều. Bên trong tượng khoét rỗng, tượng của người nào thì cắt lấy một nhúm tóc, 10 mẩu móng tay, 10 mẩu móng chân, một mảnh thân sau áo lót của người ấy, dùng dao chích sau lưng lấy máu chấm vào đầu bút mà ghi tên hiệu, quê quán, quan tước vào mảnh áo lót ấy, rồi bỏ tất cả vào trong ruột tượng, làm riêng một căn buồng để cất giữ. Tờ chiếu nói về việc này có đoạn viết: "Các đại thần còn sống đây, sau này sẽ trở thành linh thánh, phải nhất tâm đồng lòng, không được phản trắc. Kẻ nào theo giặc phản bội bề trên thì sẽ bị giết đến cả vợ con, bị hủy tượng truyền thần". Quần thần nhất loạt vái lạy, thề chết không dám ăn ở hai lòng. Người Tây Dương bắt đầu phong thần từ đó. Cho nên vua tôi Tây Dương [25] cũng như các cố đạo ngoại quốc mỗi khi gặp nạn đều có thể coi cái chết như sự trở về [26] .

Cũng vì việc này, đình thần có người tên là LêChiTa hỏi rằng: "Nếu dùng phép ấy mà có thể khiến cho trên dưới một lòng thì hà tất còn phải mượn đến cái thuyết Jêsu làm gì?". Vua Maisen đáp: "Không phải thế! Việc đó ngươi còn chưa hiểu. Sau này sẽ cho thi hành nhiều phép khác, phải đem chúa Trời ra mà lòe dọa. Dân chúng muốn biết [27] chúa Trời nói gì, ắt phải lòe bịp rằng con chúa Trời nói thay chúa Trời thời người ta mới tin". LêChiTa nghe xong lạy tạ hồi lâu.

Nước Tây Dương trước kia vốn là người chư hầu của nước Jiuđê, sách vở chữ viết đều như Jiuđê cả. Nhưng về việc thờ chúa Trời, đặt chức đạo, thờ quỷ thần thì có chế độ riêng, khác với Jiuđê. Đến khi dùng phép thuật của Jêsu, vua Maisen bèn mượn uy linh của Jêsu xuống chiếu truyền cho các làng xã thành bang trong nước phải sửa sang lại các đền thờ Thiên Chúa.

Khi ở kinh đô đã có đủ các viên quan coi việc ở các nhà thờ [28] , vua Maisen bèn truyền cho các đình thần bàn định các việc cần thiết trước sau để làm cho thiên hạ tôn thờ đạo Jêsu. Nasarô nói: "Trước kia chúa Jêsu đặt ra các phép đạo mỗi năm mới cho thi hành một phép [29] , khuyên dỗ người ta dần dần, như thế mới là chắc chắn không lo". Vua Maisen bèn giao cho các đình thần họp kín để bàn bạc, phải mất 5 tháng mới bàn định xong.

Năm ấy chiếu truyền cho các trấn thành làng xóm trong nước phải vẽ ảnh mây để làm bàn thờ Thiên Chúa; chọn một người thông tuệ trong làng làm thầy cả để hướng dẫn dân chúng làm lễ, cứ mỗi lễ lạy trước 3 lạy, đợi triều đình chính chúng bổ nhiệm thầy cả về cai quản.

Giáo hoàng [30] lại bàn rằng: "Vua tôi noi theo thầy trò Jêsu, trước sau một lòng không đổi, vì vậy cần vẽ ảnh chúa Jêsu chịu nạn, khiến cho mọi người trông bên ngoài mà động bên trong [31] . Nếu ngại rằng vẽ ảnh ấy dân chúng xem thấy sẽ bảo rằng: đã linh thiêng thì làm sao còn khốn khổ như thế? Thì cứ giấu đi là được". Đình thần đều cho là phải, xin cứ cho làm. Nhưng có viên quan tên là Môria [32] tâu rằng: "Chỉ sợ lâu ngày tất sẽ lộ chuyện ra, người ta không tin nữa thì mưu kế của chúng ta phải thất bại. Chi bằng cứ phỉnh dân chúng rằng: Đức chúa Con đem thân ra chịu khổ để chuộc tội cho dân ta khỏi bị đày xuống địa ngục, đâu phải con chúa Trời không có phép thiêng để bảo mạng cho mình. Như thế, dân chúng thấy con chúa Trời mà còn phải chịu khổ như thế thì bản thân mình dẫu phải nguy khó cũng cam lòng mà ở với chúng ta, dẫu bị nạn lớn cũng không thay lòng đổi dạ. Vua đã được lòng bề tôi, lại được lòng dân, thật là điều lợi lớn!".

Triều thần nghe xong thảy đều giơ tay tán thưởng rằng: "Đúng là sáng suốt thần diệu!" Môria nhân đó soạn ra bổn kinh gọi là kinh Bởi đâu [33] đem dâng. Giáo hoàng Maisen đọc xong cả mừng, lại truyền cho quần thần dựa theo sách Thực lục mà soạn thêm sách Ngoại lục, cốt làm sao cho mỗi tiết trong Thực lục đều có những lời lẽ tu sức thêm để thổi phồng sự linh thiêng của chúa Jêsu [34] . Đó là gốc của cái thuyết chúa Jêsu chuộc tội cho thiên hạ.

Qua năm sau, Giáo hoàng truyền chiếu ban sách Ngoại lục cho thiên hạ [35] , lệnh cho chức sắc các làng xã phải về nghe lời mật dụ [36] của Chúa, rồi sau đó mới được ban sách đem về dạy bảo cho dân. Trước hết phải dạy dân rằng: chúa Trời có ba ngôi, mà ngôi thứ hai đã giáng sinh ở nước Jiuđê, tên gọi là Jêsu. Chúa Jêsu đã chuộc tội thay cho thiên hạ, để cho dân ta sau khi chết khỏi bị nỗi khổ phải đày xuống địa ngục. Sau đó hằng ngày sẽ đọc sách Ngoại lục và kinh Bởi đâu để lòe phỉnh mọi người. Từ đó vua nước Tây Dương (Italia) mỗi khi truyền bảo điều gì đều nói: "Chúa Trời phán rằng..."

Sau khi dân chúng đã được nghe nói về việc Jêsu chuộc tội, qua năm sau Giáo hoàng xuống chiếu truyền rằng: "Chúa Trời có ba ngôi, ngôi thứ hai tên là Jêsu đã giáng sinh chuộc tội cho thiên hạ ở nước Jiuđê, nay đã hiển linh ở nước ta. Đó không phải là đấng mà các thần khác có thể sánh được. Thờ chúa Jêsu sẽ được phúc vô hạn. Chúa đã hiện xuống ở kinh đô, chính mắt trẫm đã được trông thấy". Lại sợ rằng những lời lẽ sự việc trong sách Ngoại lục phần nhiều gò ép, những kẻ hiểu biết trong dân chúng ắt sẽ hỏi vặn nọ kia, Giáo hoàng lại truyền rằng: "Phàm những điều các đạo quan đã dạy dân chúng phải cúi đầu lắng nghe. Kẻ nào dám hỏi vặn này nọ tức là phạm tội xấc ngạo với bề trên, sẽ bị trị tội". Thế là những người có kiến thức hiểu biết đều sợ phép không dám hỏi han gì nữa [37] . Dân gian các nơi đều phải tu sửa giáo đường, tôn thờ đạo mới.

Qua năm sau, Giáo hoàng ban bố kinh Mười điều răn và kinh Lạy cha, truyền cho tất cả đàn ông đàn bà ai nấy đều phải học thuộc lòng, ai không thuộc sẽ giao cho đạo quan xử phạt [38] .

Bấy giờ Giáo hoàng hỏi các vít vồ về việc kinh Mười điều răn ắt có ý tế nhị gì chăng? Phêrô tâu rằng: "Cả mười điều răn, điều nào cũng tựa như khuyên người ta làm điều thiện, nhưng cái ý lớn là cốt làm cho người ta kiên lòng theo ta mà thôi.

Điều răn thứ nhất khuyên người ta kính chuộng một đấng chân chúa của trời đất. Đã nói là "một đấng" chân chúa thì tất cả những thứ khác như quỷ thần, bói toán, âm dương ngũ hành, thờ cúng tổ tiên, v.v, người ta đều không được tôn kính, mà chỉ được lòng tôn kính đạo ta mà thôi.

Điều răn thứ hai răn rằng: Chớ gọi tên chúa Trời mà thề nhảm. Nói "tên chúa Trời" là có nói ngầm tên của Jêsu, nhưng không nói rõ ra. Lại có ý kiến cho những kẻ hay dối trá sợ mang tội bị đày xuống địa ngục phải dâng hết sự thật với ta.

Điều răn ba răn rằng: Phải nghỉ ngày lễ Chúa, tức là dọa dân chúng phải thường xuyên đi xem lễ. Năng đi xem lễ thì nghe giảng kinh nhiều lần, không trễ biếng lòng tin đạo.

Điều răn tư răn rằng: Phải hiếu kính cha mẹ. Răn như thế không phải cốt để bảo con cái chăm lo phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ còn sống và thờ cúng sau khi cha mẹ chết. Cái chính là làm cho con cái thuận lòng cha mẹ. Như thế thì những người làm cha làm mẹ vui mà theo đạo ta càng bền hơn, càng đốc thúc con cái chuyên tâm thuận tòng ý muốn của ta.

Điều răn thứ năm răn rằng: Không được giết người. Họ đã sợ giết người là phạm tội thì sau này họ cũng không giết hại người của đạo ta.

Điều thứ sáu răn rằng: Chớ làm sự tà dâm. Răn như thế thì người ta càng cẩn thận gìn giữ lời dạy phòng kín của ta [39] , một vợ một chồng không khác lòng đổi ý.

Điều thứ bảy răn rằng: Chớ ăn trộm ăn cắp của người. Dân chúng không trộm cướp của nhau thì nhà nước cũng không bị trộm cướp.

Điều thứ tám răn rằng: Chớ làm chứng dối. Đã không làm dối trá trong việc làm chứng thì giáo dân cũng nói hết sự thực khi xưng tội, và tất cả mọi việc đều không dám dối ta.

Điều thứ chín răn rằng: Chớ ham muốn vợ chồng người. Giáo dân không ham muốn vợ chồng người, thì những kẻ do ta gian dối ghép cưới gả cũng không bị người ngoài mơ tưởng tới nữa, cả bên nam bên nữ đều không thể không thể dựa cậy vào thuyết của ta.

Điều thứ mười răn rằng: Chớ tham tiền tài của người. Như thế thì của cải của ta không ai dám lấy.

Lời cuối cùng nói: Trước sau mười điều răn, quy về hai mối: phải kính mến chúa Trời, coi là điều đầu tiên của muôn việc; cùng là: yêu người như yêu mình. Ba điều trước (điều 1 – 3) nói về việc chuyên tâm tôn phụng chúa Trời, tức là hướng về ta càng bền hơn. Còn cái ý dưới: yêu người như yêu mình, thì cả bảy điều sau (điều 4 – 10) đều không dám phạm, tình cảm của họ đối với ta càng thân thiết hơn. Cho nên nói rằng: cả mười điều răn điều nào cũng tựa như khuyên làm điều thiện nhưng cốt là để chuyển biến những kẻ ngu khờ cho họ kiên lòng theo đạo ta. Sau này tất cả đều sẽ là dân đạo ta cả mà thôi. Lời dạy của con Thiên Chúa thật là huyền diệu biết bao!"

Giáo hoàng nghe xong cười vang mà rằng: "Thật đúng là lời dạy của con Thiên Chúa!" Rồi đó sai làm bia đá để khắc kinh Mười điều răn, ghi thêm một câu cuối cùng: "Đây là lời chúa Trời xưa kia đã phán dạy người đời tuân giữ. Người nào thuận theo thì được lên thiên đường hạnh phúc. Kẻ nào bội nghịch thì bị đày xuống gia hình dưới địa ngục. Amen!" [40]

Giáo hoàng Maisen lại hỏi những điều ngụ ý trong kinh Lạy cha [41] như thế nào? Phêrô tâu rằng: "Kinh ấy nói: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, tức là không quý trọng cha đẻ của mình mà coi chúa Jêsu là chính thật cha mình. Nói: Chúng tôi nguyện danh Cha thành thánh, nước Cha trị đến... như thế tức là người ta cũng nhận vua nước mình là cha chính thật của mình. Vâng ý Cha làm dưới đất cũng như trên trời, như thế người ta sẽ một lòng vâng theo đạo ta mà thi hành vậy. Chúng con rày mong Cha cho chúng con đủ miếng ăn hằng ngày, như thế tức là người ta chỉ yên phận đủ ăn chứ không cần nhiều đến nỗi phải làm trộm cướp [42] . Xin Cha tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, đó là ý cầu mong được chúa Trời tha tội. Lại nói: Chớ để chúng con bị hãm vào chước mê hoặc dụ dỗ, thế là họ tự hứa không để cho ma quỷ cám dỗ, kỳ thực là cốt để cho họ khỏi bị dụ dỗ bởi kẻ ngoại đạo.

Giáo hoàng nghe xong cả mừng nói: "Ý tứ hàm súc thần diệu lắm thay!". Rồi cho ban hành kinh Lạy cha [43] .

Được một năm, xem chừng dân chúng đều đã biết chuyện Jêsu là con chúa Trời chịu cực hình trên giá chữ thập, Giáo hoàng Maisen bèn xuống chiếu truyền cho các thầy cả dựng giá chữ thập không [44] trong nhà thờ để thăm dò ý tứ dân chúng thế nào [45] .

Đến khi cha Jêsu là Jiuse chết, Giáo hoàng Maisen muốn phong tôn hiệu thánh phụ, thánh mẫu cho cha mẹ đẻ của Jêsu, vít vồ Juan tâu rằng: "Nếu hoàng thượng phong cho Jêsu thì dân chúng đều biết Jiuse là cha đẻ của Jêsu, họ sẽ không tin đạo ta nữa". Giáo hoàng Maisen nói: "Không có khanh nhắc cho thì trẫm làm hỏng việc này rồi". Rồi đó lập đều thờ Maria, còn Jiuse thì chỉ liệt vào hàng môn đồ, chôn cất theo nghi lễ đối với các vít vồ khác, cũng theo phép phong thần đem tượng Jiuse vào điện thờ đặt hầu dưới tượng Jêsu. Rồi đó sai soạn kinh Thánh Jiuse để đè nén lòng dân [46] . Một mặt Giáo hoàng Maisen sai sứ giả tìm đến nhà bà Maria ở trọ dựng bia giả ghi nhớ sự tích Đức Bà và giấu đặt một chiếc khung cửi trong căn nhà đó.

Việc dìm dập Jiuse cốt để làm cho nổi bật Jêsu chính là con chúa Trời, sau đó mới có thể đem ra mà lừa bịp dân chúng.

Jêsu biết chuyện vua Maisen trước sau tôn phong mấy lần bèn hiện về bảo các môn đồ rằng: "Nếu nghe lời Đức Bà thì thầy trò ta làm gì được phúc hiển như ngày nay?" [47] . Môn đồ vui mừng vái lạy. Jêsu nói xong biến mất.

Qua năm sau, vua Maisen truyền chiếu bảo mỗi làng chọn một người trai chưa vợ cho về kinh để học đạo Thiên Chúa, người nào học thông sẽ được cấp bằng phong làm giám mục hoặc thầy cả. Bấy giờ 6 vít vồ chỉ còn lại 5 người, cho nên vua mới ra chiếu ấy. Sau ba năm, các đồng nam đều mãn khóa. Giáo hoàng chiếu theo số quận huyện và các làng trong nước phong chức cho 20 người làm giám mục, được ghi tên vào Thực lục, số còn lại đều phong làm thầy cả [48] , chỉ theo phép được ban lễ bùa chú mà thôi [49] . Các thầy cả ở quận nào thì thuộc dưới quyền của giám mục quận ấy.

Lại theo phép tên thánh do Jêsu đặt ra, khi làm lễ thụ phong, tên các thầy cả được đọc kèm sau tên của giám mục bề trên. Như vậy là có ý hẹn sau khi chết được thờ chung một nơi với giám mục ấy. Mỗi người đều được cấp đạo phục cùng các nghi thức rồi mới được đi giảng đạo ở các nơi như phép của Jêsu đã định [50] . Dân đạo thì người làng nào đặt tên theo thầy cả làng ấy, nhưng ý nghĩa chỉ để khiến cho người ta hễ nhớ đến tên mình là nghĩ đến việc đạo. Môria [51] mật tâu rằng: "Đạo ta phần nhiều dùng xảo thuật để làm những việc không thuận tình người như các phép đâm mù mắt người chết, bắt đào huyệt chôn sâu, bỏ thờ cúng, v.v, Nhưng người ta ai chẳng thương xót người thân? Nếu không có phép phạt nghiêm thưởng hậu thì sợ rằng các giám mục, thầy cả không giữ được kiên tâm làm trước sau như một. Các đình thần hội lại đề ra phép cắt đầu dương vật và nghi thức cắt tóc, chích máu đề tên hiệu thụ phong lên tượng gỗ như đã nói ở trên và cấm không được lấy vợ. Vua Maisen xuống chiếu truyền rằng: "Chúa Trời phán dạy: kẻ nào để lộ ý kín sẽ bị xử trảm, cha ông bị đóng đinh câu rút, kể nào nửa chừng bỏ đạo cũng phải chịu tội như thế". Từ đó các giám mục, thầy cả đều phải răm rắp tuân phép, không ai dám trái nghịch mảy may. Tả đạo có phép đặt tên thánh và phong chức giám mục, thầy cả bắt đầu từ đó.

Sắc phong cho các giám mục đại khái viết: "Nay phong cho ngươi... làm giám mục để đốc thúc các thầy cả kiềm chế dân chúng cho trẫm. Người sống làm người, chết được phong làm thánh, ân lễ trọng hậu, phải dốc một lòng như phép Sacramentô đã định, Há ngươi không biết hình phạt của triều đình rất nặng hay sao?"

Sắc phong cho các thầy cả đại khái viết: "Nay phong cho ngươi... làm thầy cả, trên thì phải tuân kính giáo hoàng, thứ đến vâng theo giám mục, dưới thì phải khuyến dụ dân ta một lòng theo đạo. Người được tạc tượng vẻ vang, ân lễ long trọng, nếu không biết giữ phải chịu hình phạt thảm khốc, chớ hối" [52] .

Phêrô chết, vua Maisen xuống chiếu lừa dối dân chúng rằng: "Phêrô là bậc đại môn đồ của chúa Jêsu, nay được lên cầm chìa khóa giữa cổng thiên đường". Rồi đó cho phát hành kinh Thánh Phêrô [53] .

Qua năm sau, Giáo hoàng ban cho các giám mục, thầy cả mỗi người một bức ảnh chúa Jêsu chịu nạn trên giá câu rút. Tả thừa tướng Xumêi xin cho vẽ ảnh cỡ nhỏ để khỏi lộ chỗ xấu, cho nên ngày nay các ảnh chúa Jêsu chịu nạn trên giá câu rút phần nhiều đều làm theo cỡ nhỏ.

Qua năm sau, Giáo hoàng xuống chiếu truyền rằng: "Giao cho các giám mục, thầy cả tạm giữ quyền chính để cho các viên đốc trấn, quản quân, v.v. về triều lĩnh thụ lời giáo huấn của chúa Jêsu và nhận lễ phục theo các cấp bậc khác nhau". Khi bọn họ về kinh, mỗi người đều được khắc tượng truyền thần và mật cấp bằng sắc như đã nói ở trước. Xong việc ai nấy lại trở về cai quản địa hạt của mình. Từ đó quan lại nước Tây Dương đều là người theo đạo Gia Tô cả.

Năm sau, Giáo hoàng xuống chiếu truyền rằng: "Từ nay các giám mục, thầy cả gọi là đạo quân (quan lo việc đạo), các viên trấn thủ, đốc trấn... gọi là chính quan (quan lo việc đời). Các quan lại triều cũng theo lệ ấy. Từ đó quan lại Tây Dương có hai ngạch chính quan và đạo quan. Vua Maisen lại phỏng theo kinh Mười điều răn của Jêsu, cho dùng những lời lẽ mà hồ soạn ra kinh Bảy điều cốt yếu và kinh Tam phúc lành ban phát cho quan dân.

Kinh Bảy điều cốt yếu nói rằng: "Thứ nhất là phải khiêm tốn, nhường nhịn, không được kiêu ngạo [54] . Thứ hai là phải bố thí tiền của, không được bủn xỉn hà tiện [55] . Thứ ba không được gian dâm, chớ ham mê dâm dục [56] . Thứ tư là phải nhẫn nhục chịu đựng, chớ nên oán giận [57] . Thứ năm là phải ăn uống dè xẻn, chớ ham mê ăn uống rượu chè [58] . Thứ sáu là phải yêu người, chớ đem lòng nghi kỵ [59] . Thứ bảy là phải chuyên cần việc thờ phụng chúa Trời, chớ biếng lười việc thiện [60] ". Kinh ấy lại khuyên rằng: "Thứ nhất là phải khéo thuyết dụ người [61] . Thứ hai là phải mở mang giáo hóa cho những kẻ mê muội [62] . Thứ ba là phải an ủi những kẻ ưu sầu [63] . Thứ tư là phải biết quở trách những kẻ phạm lỗi [64] . Thứ năm là phải tha thứ cho những kẻ khinh thường xúc phạm ta [65] . Thứ sáu là phải nín nhịn những kẻ làm phật lòng ta [66] . Thứ bảy là phải cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết [67] ". Đại khái toàn là những lời lẽ giả dối như vậy cả: bên trong thì sai trái, nhưng bên ngoài tựa như là đúng đắn, vì vậy lại càng khiến cho người ta bị mê hoặc nhiều hơn.

Kinh Tám khúc lành nói rằng: "Một là ngày nay tuy nghèo khổ nhưng đó là phúc thực, ngày sau [68] sẽ được no đủ. Hai là kẻ có lòng lành thì đó là phúc thực, ngày sau sẽ được chúa Trời ban thưởng. Ba là kẻ có lòng thương người thì đó là phúc thực, ngày sau sẽ được vui sướng v.v." [69] . Đó là những lời khuyên dỗ người ta kiên lòng theo đạo, sợ người ta cực khổ quá mà bỏ đạo cho nên mới lừa dối người ta rằng đời nay chịu khổ chịu nạn, sau khi chết đổi lấy vẻ vang, cũng tựa như nói: đời nay chết yểu, đời sau sống lâu [70] .

Về phép xưng tội, lúc đầu các đạo quan chia đi các nơi ngày ngày gọi người đến làm lễ. Giáo hoàng có mặt dụ truyền rằng trước hết chỉ làm mấy phép rảy nước rửa tội, phép xức dầu cho người ốm và phép Cônfirmaxông mà thôi. Đến năm nay Giáo hoàng xuống chiếu truyền rằng: "Chúa Trời đã dạy phép xưng tội và giải tội, đạo quan khắp nơi đều phải theo phép tuân hành".

Qua năm sau, lại có chiếu truyền: "Năm trước việc đạo nhiều nơi làm khác nhau. Nay tất cả đàn ông đàn bà đều phải đọc kinh tôn đạo, đạo quan sở tại phải ghi tên từng người, ai làm trái sẽ bị trừng phạt nặng".

Qua năm sau, phong tục đã dần dần thống nhất, Giáo hoàng cho ban hành các sách kinh mới soạn và phát chuỗi con niệm [71] cho dân. Bấy giờ đình thần xét thấy cần phải có một phép chung để cho hết thảy già trẻ trai gái ngày đêm thân vái miệng đọc, lâu dần ngấm đọng mới có thể thay đổi được cõi lòng của người ta, bèn định ra phép ấy. Phép đọc kinh nam nữ cũng đọc bắt đầu từ đó. Kinh văn do đình thần cùng soạn, gọi thẳng tên Maria và Jêsu, không kiêng tên kỵ húy là cốt để cho tình cảm người ta trở nên thân thiết, lời lẽ dùng lối nói thông tục quê mùa là cốt để cho những kẻ ngu khờ dễ hiểu [72] . Nay giáo đồ tả đạo nước ta đọc kinh bằng quốc âm là lời dịch từ sách kinh ấy.

Phép đọc kinh lúc bắt đầu làm dấu phép trên mặt. Trước hết dùng ngón tay trỏ vẽ một dấu chữ thập trên trán, tiếp đó vẽ thêm hai dấu ở miệng và ở ngực, tất cả là ba dấu chữ thập. Mỗi lần làm một dấu đều khẽ tiếng niệm rằng: "Vì dấu mà ta câu rút chúa Dêu [73] , chúa chúng tôi giúp chúng tôi kẻo phải [sự] dữ [74] . Đó là phép "tập tích" (tục gọi là làm dấu kép). Kế đó xòe năm ngón tay phải đặt lên đỉnh đầu, niệm nhẩm rằng: "Nhân danh Cha", chấm tay trên ngực, niệm tiếp: "... và Con...", chấm tay qua hai vai, niệm tiếp: "... và Phiritô Săngtô". Như thế gọi là "đơn tích" (làm dấu đơn). Sau đó cả nam lẫn nữ cùng giọng đọc mấy chương kinh Lạy cha [75] , tiếp đến kinh chúa Jêsu chịu nạn, rồi đến kinh Thánh Antô [76] . Về sau phép đọc kinh có chia riêng nam nữ [77] . Từ kể sự tích chúa Jêsu giáng sinh đến Đức Mẹ lên trời chia làm 15 đoạn [78] . Mỗi khi đọc chung xong một đoạn, tiếp theo bên nam đọc kinh Bởi trời bên nữ đọc kinh Lạy cha, dùng hai câu mở đầu rồi bên nam hát hai kinh Avơ Maria, bên nữ hòa kinh Santa.

Mỗi bên hát 10 tiếng, lần tràng hạt mà tính số tiếng. Cuối cùng bên nam hát đến câu: "...Luxia", bên nữ hòa theo đến câu "...đời đời", thế là hết một đoạn. Đến đoạn thứ hai đổi lại: bên nữ xướng mà bên nam hòa theo, cách thức như trước [79] . Đọc hết 15 đoạn, cả bên nam bên nữ cùng hòa giọng đọc mấy chương trong kinh Avơ Maria [80] , lại đọc mấy chương kinh Bởi trời. Cuối cùng, một người nam hát: "Chúng tôi trông cậy rất thánh Đức Bà xin chớ chê chớ bỏ lời chúng tôi là kẻ khó khăn thiếu mọi sự, nguyện xin Đức Bà đồng trinh rất sáng láng..." Mọi người đồng thanh hát tiếp: "... giúp chúng tôi tránh khỏi mọi sự dữ. Amen!" Mọi người khẽ tiếng cầu khẩn tự đấm vào ngực ba tiếng [81] , rồi ai nấy đưa tay làm dấu phép như đã nói ở trên. Lễ cầu nguyện thế là xong, hằng ngày con chiên đều hội họp đọc kinh như vậy.

Kinh Bởi trời và kinh Lạy cha đã nói ở trên. Còn kinh Avơ Maria thì có câu: "Avơ Maria đầy ơn phúc, chúa Dêu ở cùng bà. Trong các người nữ bà có phúc là bà thế tử Jêsu nhiều phúc lạ" [82] . Kinh Santa có câu: "Santa Maria đức mẹ chúa Dêu, cầu cho chúng tôi kẻ có tội khi nay cho đến khi bọn chúng tôi chết. Amen!" Câu Luxia, nguyên cả câu là: "Luxia, đức chúa Cha, đức chúa Con và đức chúa Phiritô Santô". Câu "đời đời", nguyên cả câu là: "Đời đời trước sau vô cùng. Amen!"

Qua năm sau, vua Maisen hạ chiếu truyền rằng: "Chúa Trời phán dạy: đàn ông đàn bà ai có tội đều phải đến nhà thờ xưng tội với các đạo quan là kẻ thay mặt chúa nghe xưng tội". Xưng tội xong, gục đầu đọc kinh Cáo thân [83] , rồi sáng hôm sau chịu lễ nhận bánh thánh và nghe lời giảng dạy của đạo quan.

Lại nói rằng: "Đạo quan đều là bề tôi của chúa Jêsu. Thầy cả xưng tội với giám mục. Nhưng để cho tiện việc [khi không có giám mục] thì thay thầy cả thay phiên làm phép xưng tội, giải tội cho nhau cũng được. Các giám mục cũng thay đổi phép làm cho nhau như vậy". Kèm theo đó cho ban hành kinh Cáo thân, "Cáo thân" có nghĩa là tự mình bảo mình. Kinh này cũng do Môria soạn ra. Khi đọc ba tiếng "Con có tội" thì giơ tay đấm ngực ba lần, rồi nói: "Nay con xin tự bảo bản thân con trước mặt thầy". Lúc ấy kẻ nào hối lỗi khóc ra nước mắt tức là có lòng thành thật thì mới được chúa Jêsu tha tội. Dụ dỗ người ta một lòng theo đạo đến chết không thôi, mánh khóe mê hoặc lòng người thật rất diệu! [84]

Trước đó, các quan trong kinh ngoài quận đều đã được phong chức nghe truyền mật dụ để trên dưới đồng lòng. Đến năm nay lại có chiếu truyền cho học trò các trường phải đến nhà đạo quan để xin chịu đạo. Từ đó dân Tây Dương ai nấy đều bị lừa dối hết.

Bấy giờ các vít vồ môn đồ của Jêsu đã chết cả. Giáo hoàng bèn cho ghi tên bọn Nicôla, Timông, v.v. 12 vít vồ đặt làm chén thánh, truyền chiếu cho quan dân ai nấy đều phải đeo tên thánh, kẻ trái lệnh sẽ bị trị tội [85] .

Qua năm sau, Giáo hoàng cho làm các loại ảnh, tượng để ban chấp cho thiên hạ. Loại vẽ hình gọi là ảnh, loại khắc chạm thì gọi là tượng. Có loại tượng đức mẹ Maria bế chúa Jêsu hài đồng, có loại chỉ vẽ một mình Maria, có loại tượng chúa Jêsu chịu nạn trên giá câu rút [86] , lại có tượng của các môn đồ.

Rồi đó Giáo hoàng cho chép truyện 12 môn đồ và vẽ hai bức ảnh dài, mỗi bức 6 người treo hai bên tả hữu thờ chung với Jêsu [87] . Lại căn dặn các thợ vẽ phải chú ý tinh tế để vẽ lờ mờ cho khỏi lộ liễu. Ảnh giấy thì dùng mực vẽ. Ảnh vải thì phải lấy dầu sơn hòa với thuốc màu xanh đỏ mà vẽ vì sợ để lộ xấu trên mình chúa Jêsu chịu nạn. Đình thần xin rằng tất cả các ảnh đều phải vẽ lờ mờ khiến cho dân chúng khó phân biệt khỏi sinh nghi ngờ. Bấy giờ quan quân ai nấy sợ phép nước đều... [88]

Qua năm sau, Giáo hoàng lại xuống chiếu dụ rằng: "Chúa dạy việc hôn nhân chỉ một vợ một chồng. Những ai từ trước đã trót lấy nhiều vợ thì tha không hỏi đến. Từ nay về sau, phải theo phép một vợ một chồng, ai trái lệnh sẽ bị đạo quan trị tội".

Qua năm sau, triều đình bàn định về việc khuyên dụ dân chúng theo phép chôn sâu. Rồi đó Giáo hoàng xuống dụ truyền rằng: "Ngày nay cả nước ta đều theo đạo Thiên Chúa, cho nên ma quỷ rất căm tức. Vì không dụ dỗ được người sống nên ma quỷ thường nhập vào xác chết để sinh yêu tác quái. Từ nay về sau chôn cất người chết phải đào sâu 6 thước [89] để tránh nạn ấy. Khi có đám tang, thầy cả làng ấy hoặc môn đồ giúp việc phải đến tận nơi xem xét, kẻ nào trái lệnh thì phải trị tội".

Lại có chiếu truyền rằng: mỗi làng phải cử ra 5 người để làm môn đồ giúp việc cho đạo quan. Khi đủ tuổi sẽ thi tuyển, người nào học thông thì được phong chức đạo quan.

Về việc đó, đình thần Môria tâu rằng: "Hiện nay các đạo quan, người làng nào đều được cai quản làng ấy, tình cảm thân quen, sợ xảy ra diễn biến. Kính xin thường kỳ cho chuyển đổi đạo quan làng này qua làng khác". Giáo hoàng bèn xuống chiếu truyền rằng: "Giám mục thì cứ 5 năm thuyên chuyển một lần, thầy cả 4 năm một lần, thành định lệ". Từ đó có lệ chuyển đổi đạo quan.

Qua năm sau, Giáo hoàng dụ rằng: "Chúa Jêsu dạy dân bảy phép: thuở sơ sinh thì có phép rửa tội, khi trưởng thành thì lại có phép Cônfirmaxông (thêm sức, hoặc kiêm đạo), khi đã phạm nhiều tội lỗi thì có phép giải tội, phép xưng tội lĩnh bánh thánh, khi ốm đau thì có phép xức dầu thánh, lấy vợ lấy chồng thì có phép Matrimôniô (cưới), phong chức cho giám mục, thầy cả thì có phép Cômônhong (truyền chức). Quan dân ai nấy phải tuân hành, kẻ nào làm trái đều phải trị tội". Rồi đó ban hành kinh Bảy phép [90] .

Lại dụ rằng: "Chúa Trời truyền bảo: Chúa vốn không có hình tượng, do chia bớt linh thiêng cho Jêsu nên mới có hình tượng. Từ nay về sau khi đọc kinh Chầu mình thánh thì câu: Lạy mình thánh chúa Trời phải sửa lại là: Lạy mình thánh Đức chúa Jêsu". Từ đó rõ ràng là nói đến chúa Trời là nói đến Jêsu.

Đình thần lại bàn xét, thấy rằng: nếu để cho tâm hồn người ta được yên tĩnh thì hay suy nghĩ, mà suy nghĩ thì người ta sẽ vạch ra những điều sai trái, phép được đại để cốt làm cho dân chúng trở nên ngu khờ, mỗi ngày sáng sớm đi làm lễ sợ còn chưa đủ. Đình thần bàn nên dùng chiêng trống khiến cho dân chúng không lúc nào được rỗi trí mà suy nghĩ nữa. bọn Juachim [91] xin đặt các lễ lớn hằng năm, kể từ lễ đầu thiên thần hiện xuống báo tin (lễ Truyền tin) đến lễ Đức Bà Maria lên trời là hết một năm. Rồi đó quay lại lễ đầu. Tính từ khi Jêsu chưa chịu nạn đưa môn đồ lên núi Ôlivêtê cho đến khi rời nhà ra đi là 40 ngày, từ khi ra đi đến lúc chịu nạn là 7 ngày. Nay tính gộp lại tất cả là 47 ngày, xin gọi là "Mùa thương khó" [92] , làm các việc quăng tro ném đá, rước liễu [93] .

Lại chia kinh Jêsu chịu nạn thành 15 đoạn, đếm con niệm đọc chung với kinh Bởi trời và kinh Avơ Maria, bên xướng bên họa như cách thức đã nói ở trước. 40 ngày đầu, mỗi đêm đọc 5 đoạn, 7 ngày sau mỗi đêm đều đọc hết 15 đoạn. Trong những ngày ấy [94] , lệnh cho quan dân: đạo quan mỗi ngày chỉ ăn một bữa, binh lính và dân chúng chỉ ăn hai bữa, thảy đều phải kiêng thịt.

Lại soạn ra kinh Sự tích năm đinh [95] và kinh Bảy thống khổ [96] để ngâm tụng trong tuần chay.

Trước phục sinh một ngày, làm trò diễn thuật đầu đuôi sự tích chúa Jêsu chịu nạn khiến cho người xem lòng càng khôn nguôi, như vậy chẳng còn trí óc mà suy nghĩ điều gì kia khác.

Trò rước tượng Chúa ở Tây Dương thì làm ban ngày, truyền vào nước ta tuy chưa bị ngăn cản lắm, nhưng cũng có ý sợ cho nên vẫn làm về ban đêm. Trước đó ba ngày, giám mục địa phận xức cho các thầy cả và con chiên các làng chọn 500 tráng đinh khi diễn trò mỗi người đều cầm đuốc và gậy để đóng giả làm quân Jiuđê. Mười hai thầy cả bưng nước rửa chân cho từng người, tượng trưng Jêsu rửa chân cho các môn đồ. Lại làm một hình nộm tên Jiuđa có máy giật [97] mang túi bạc chạy ra ngoài. Một lát sau tuần đinh ập vào bắt Jêsu lôi đi. Xong đó dựng lên một bức ảnh cỡ lớn để tượng trưng cho việc Jêsu bị bắt. Tiếp theo lại dựng ảnh lớn vẽ Jêsu vác giá câu rút, dùng một cỗ xe kéo ảnh đi. Giữa đường gặp một đoàn trinh nữ hơn chục người áo mũ đẹp đẽ rước ảnh đức mẹ Maria, tượng trưng việc mẹ con Jêsu gặp nhau. Sau đó cả hai ảnh cùng được kéo lên thiên đường. Lại kéo ra một bức ảnh lớn vẽ Jêsu treo thân trên giá chữ thập, quân Jiuđê cầm gậy đánh vào bức ảnh. Mọi người dự hội vẳng nghe tiếng gập đập liền cất tiếng khóc vang như sấm. Khi bức ảnh dựng lên, một tên quân Jiuđê cầm giáo đâm vào sườn để tượng trưng việc ĐôSaNùng đâm Jêsu trên giá câu rút. Rồi đó đến đoạn đưa xe nhặt xác Jêsu chở đi chôn. Ảnh Jêsu đặt nằm trong xe, một số con chiên nam nữ sà vào hôn chân ảnh tượng trưng các môn đồ hôn chân Jêsu [98] .

Đình thần lại bàn việc diễn thuật sự tích quân LâmBô căn cứ theo kinh Vì đâu. Vào hội ấy, chiêng trống vang lừng, giáo dân tụ hội đông hàng vạn. Giám mục địa phận phò tượng chúa ngồi trên cỗ xe hai bánh sơn son che bốn lọng vàng. Các thầy cả ngồi võng điều che hai lọng xanh. Tráng đinh vác giáo gậy đi tùy tòng hai bên, con chiên nam nữ theo sau vừa đi vừa đọc kinh, ai nấy đều cầm đuốc sáp, cả một vùng đèn nến như sao.

Sáng hôm sau lại nổi trống làm hiệu. Bàn thờ che màn treo trướng bốn phía, bên trong thấp thoáng trông thấy một chiếc ghế ngai trang hoàng lộng lẫy trên đặt tượng chúa Jêsu tay cầm cờ đỏ. Nhiều thiên thần bằng gỗ có máy giật cử động bay lượn xung quanh. Bên dưới nam nữ đồng trinh mặc váy xòe, vai đeo cánh giả, tay cầm cờ đi hàng đôi tượng trưng đội quân thiên thần. Mọi người giơ tay vẫy chào. Đám rước đi đến đâu hoa tung đến đấy, tiếng chiêng trống hòa với tiếng hoan hô dội cùng khắp mười dặm [99] . Đó là lễ hội Phục sinh.

Đình thần lại làm lịch các ngày lễ ban cho dân chúng xem để biết các ngày làm lễ. Phép lịch này lấy 7 ngày làm một tuần. Qui định từ lễ Truyền tin đến lễ Giáng sinh là bao nhiêu ngày, từ lễ Giáng sinh đến lễ Mệnh danh (đặt tên) bao nhiêu ngày, lần lượt cho đến lễ Đức Mẹ Maria lên trời cũng như thế. Tháng thì có tháng đủ tháng thiếu, mà số ngày từ cuộc lễ nọ đến cuộc lễ kia đã định sẵn cho tròn một năm, vì thế bỏ không ghi ngày tốt ngày xấu chỉ ghi tháng đủ hay thiếu, làm lễ vào những ngày nào mà thôi. Đó là nguồn gốc phép làm lịch của đạo Gia Tô.

Lại xét thấy ba ngày đầu một năm là những ngày vui, sợ dân mải chơi mà biếng lòng tôn đạo cái thế không thể không hạn chế, Giáo hoàng phải xuống chiếu lừa phỉnh rằng: "Chúa Trời đã định 3 ngày đầu năm: ngày mồng một thờ Đức chúa Cha, ngày mồng hai thờ Đức chúa Con, ngày mồng ba thờ chúa Phiritô Santô. Trong ba ngày ấy, mọi người nên hội họp mà đọc kinh thì được phúc lớn nhất, không thể bỏ qua". Đến khi mọi người hội lại, trên tường treo một bức tranh lớn bằng chiếc chiếu gọi là tranh Phán xét ngày tận thế. Tranh ấy chia làm ba tầng: tầng trên gọi là thiên đường, vẽ Đức Mẹ Maria và chúa Jêsu đang ban thưởng quần áo cho những con chiên đắc phúc [100] . Tầng giữa đề là Phán xét, vẽ một thiên thần cầm ống thổi lửa xuống thiêu đốt hết muôn vật. Lại vẽ một chiếc cân lớn để cân phúc tội của người ta. Tầng dưới đề là địa ngục, vẽ bọn quỷ đang nuốt ngọn lửa, nhai thịt người. Kẻ ngu khờ thấy vậy đều sợ hãi tái mặt không dám nghĩ đến chuyện vui chơi nữa. Đó là bức tranh vẽ phỏng theo lời Jêsu nói về ngày tận thế.

Lại cũng vào những này đầu năm, lấy sợi vải trắng nhuộm đỏ để phát cho trẻ con gọi là "dây phép", bảo rằng đeo dây ấy thì được phúc. Bọn trẻ đều vui mừng. Do vậy cả ba ngày tết, mọi người cũng không biết lười việc đạo.

Từ đó ngày thường cũng bắt các nhà dân phải treo bày các ảnh tượng. Lại làm bùa bằng giấy, bên trong viết: "Chúa Trời dạy ta gọi tên Jêsu là Maria", bảo con chiên làm lấy quả đồng [101] hoặc may túi lụa nhỏ bỏ bùa vào đó mà đeo bên cánh tay, nói rằng: "Bùa ấy có phép lạ, trấn áp được hết mọi yêu tà".

Lại lấy đồng đúc những miếng nhỏ hình tròn hai mặt đều có tượng Chúa đúc nổi, bên trên có lỗ để trẻ con buộc dây đeo trên đầu khiến cho mọi người già trẻ xung quanh hằng ngày đều trông thấy: thấy ở bên ngoài ắt phải xúc động bên trong, lâu dần càng dốc lòng không quên đạo.

Giáo hoàng cả mừng, bèn hạ chiếu ban truyền thiên hạ để các đạo quan và tất cả dân chúng tuân hành [102] . Kể từ đó, tả đạo có các ngày lễ, tranh Phán xét, dây phép và bùa phép lạ. Cũng vì thế mọi người quanh năm đều phải lưu tâm đến việc đạo.

Rồi đó Giáo hoàng lại cho làm tượng câu rút loại nhỏ chia làm hai hạng thếp vàng và thếp bạc, triệu đạo quan vào chầu tự tay ban cho, gọi là tượng khắc lòng [103] . Giám mục được ban trượng vàng, thầy cả được ban trượng bạc, ngày đêm đeo liền bên mình. Lời mật dụ của Giáo hoàng bảo rằng: "Nếu bất hạnh gặp hoạn nạn như thế cũng phải noi theo bức tượng, tất chịu chết chứ không hai lòng". Cho nên ngày nay các giám mục, thầy cả có tượng trì thần [104] là bắt đầu từ đó. Và chỉ những người có tượng ấy mới là giáo sĩ đã được thụ phong truyền mật dụ.

Giáo hoàng lại xuống chiếu truyền cho các xứ đạo từ kinh đô cho đến các làng đều phải dựng bên cạnh nhà thờ bốn năm dãy nhà đạo để cho những phụ nữ không chồng đến ở. Từ khi đặt ra phép một vợ một chồng đến lúc ấy đã 7 năm, làng nào cũng nhiều con gái quá tuổi mà không có chồng, chửa hoang không ít. Hoặc có những kẻ góa chồng không có con nối dõi. Người ngoài đều lấy làm ái ngại thương xót. Đạo quan các nơi tâu về triều. Đình thần bàn xét đều nói rằng: "Dương ít thì âm nhiều, số của trời đất xưa nay vẫn thế". Rồi đó Giáo hoàng bèn xuống chiếu truyền các làng làm nhà đạo như đã nói trên gọi là Nhà tu đồng trinh (tục gọi là nhà Mụ). Cấm đàn ông không được lai vãng đến Nhà Mụ và trong khu Nhà Mụ cấm không được nuôi súc vật có đủ giống đực, giống cái, sợ các trinh nữ trông thấy lại nghĩ đến sự gian dâm, hẹn với họ rằng sau khi chết sẽ phong làm thánh phụ (bà thánh), được thờ cúng đời đời. Ai muốn lấy chồng thì thưa thật với đạo quan để cho phép về nhà, nếu vụng trộm ăn nằm có mang thì phải tội chém. Về sau nhiều người tu trọn kiếp, sau khi chết được phong thánh, gọi là Rôda, Macta, Agôxta, v.v. [105] cho nên ngày nay đàn ông thì mang tên ông thánh, đàn bà thì mang tên bà thánh. Đó là nguyên do tên gọi Bà mụ đồng trinh.

Tháng ấy lại thấy Jêsu cưỡi đám mây xanh xuất hiện trên trời kinh đô Tây Dương, vua Maisen mặc áo lễ ra ngoài hiên trông thấy bèn gọi các cận thần cùng ra vái lạy. Jêsu nói: "Đạo của ta chỉ thi hành một phép mà được ba bốn điều lợi. Hãy nêu một việc cho các ngươi thấy rõ. Như phép chôn sâu vừa trấn áp được hồn thiêng kẻ chết, vừa khiến cho giảm bớt giống nòi, dẫu mạch đất thiêng thì con cháu cũng không phát đạt được, lại làm cho dân chúng biết rằng chết rồi là không có ích gì nữa, càng có lợi cho việc phong thần, khiến người ta càng dốc lòng theo đạo ta. Các phép khác đại khái cũng như thế".

Nói xong Jêsu biến mất. Đây là lần cuối cùng Jêsu hiện xuống. Từ đó về sau nói chúa Jêsu hiện xuống đều là do vua tôi Tây Dương đặt điều lừa dối, lấy sự trừng phạt đe dọa dân chúng mà thôi.

Qua năm sau, Giáo hoàng Tây Dương Maisen lúc lâm chung gọi các đại thần cùng thế tử vào truyền dặn di chúc mật, nói rằng: "Đến nay các phép đạo kể đã tạm đủ, chỉ còn những việc như bỏ thờ cúng, cắt yểm mạch đất thiêng, cấm xem thiên văn địa lý bói toán là chưa thi hành, rất khó sửa đổi. Nhưng nhờ sách Bí lục có nói: "Chớ muốn nhanh". Nếu muốn làm những phép ấy trước hết cần phải cấm xem các sách âm dương, thiên văn địa lý, tiếp đến cắt yểm mạch đất, như thế dẫu dân chúng có muốn làm giặc cũng không thể được. Trẫm mong các khanh trên dưới một lòng".

Rồi đó thế tử Lôrenxô [106] được lập làm Giáo hoàng, bèn rước tượng vua cha vào thờ trong điện, tôn phong là Đức Giáo hoàng thánh thần, xuống chiếu truyền rằng: "Nay chúa Jêsu khen ngợi trẫm giải thoát nỗi khổ muôn việc của bậc quốc vương [107] mà lên thiên đường thảnh thơi vui sướng. Thấy một áng mây bay lên trời giữa ban ngày, dân chúng hãy một lòng cầu chúc cho phúc lành mai sau, vừa là mừng tiên quan trẫm lên trời, vừa để tỏa rộng ân huệ của trẫm".

Từ đó về sau, mỗi khi vua hoặc các quan chết đều phỏng theo cách nói ấy để lừa bịp dân chúng.

[1]Tiếc thay tác giả lại không viết là con Thiên Chúa tuần hạnh Tây Dương!
[2]Nguyên thư phiên là BanNha.
[3]Nay tả đạo gọi những người không theo đạo của chúng là kẻ "cứng lòng", gốc ở đây.
[4]Nói dối với cả môn đồ.
[5]Nay tả đạo mỗi khi sắp phong một người nào lên làm thầy cả thì từ 4, 5 năm trước đã phải lánh hẳn không cho về nhà thăm cha mẹ anh em, tức là gốc ở đây.
[6]Tức La Mã (Rôma).
[7]Nguyên thư phiên là MaiLiên, bên cạnh chữ Liên với chú thích: "Ngã quốc hô Liên tự chi nghĩa, nãi thị kỳ âm" (Người nước ta đọc nghĩa chữ Liên như thế nào thì đó là âm của tiếng ấy). Nghĩa của chữ Liên = Sen, ghép lại thành Maisen. Quả đúng có tên thánh Maisen, tham khảo:
"...Song le cha ông ta ở trên rừng cũng có nhà xếp và bia luật thánh, như Đức Chúa Lời đã truyền cho ông Maisen làm cứ mẫu đã thấy ở trên núi..." (Sách tóm 4 Evang Phúc âm cùng sách truyện các thánh tông đồ. Cố Ven (M. Venard dịch ra tiếng Việt, Ninh Phú đường, 1878, tr. 247).
[8]Quẻ bói của người Jiuđê thì bảo phải đánh, quẻ bói của người Tây Dương thì bảo phải thờ. Đánh và thờ tuy khác nhau, nhưng đều có diệu ý. Lại vì ý của vua hai nước ấy khác nhau, cho nên quẻ bói cũng khác nhau, tức như trong Kinh thư đã nói: "Ý trẫm đã định trước, gieo quẻ bói để hiệp theo", đúng như vậy.
[9]Tôi là "chân" (đích thật) tức là đã bao hàm cả cái ý "ngụy" (giả) trong đó rồi. Nếu quả đúng là thật thì không phải nói "thật". Há không biết lấy việc mình vừa bị quân Jiuđê đánh bại trước đó làm răn chăng?
[10]Nguyên văn: kim tại mỗ xứ (nay đang ở nơi nọ).
[11]Xét sách Ngoại lục nói: "Bấy giờ Đức Bà đã hưởng nhiều phúc đức, bèn qua đời. Chúa Jêsu sai nhiều thiên thần xuống rước linh hồn Đức Bà lên trời". Nếu quả thế thì cần gì phải đợt chết mới rước đi? Lại tả đạo vẫn bảo rằng chết tức là sống, lại bảo chết là trường thọ, vui sướng vô cùng. Toàn là những lời lẽ lừa bịp cả, khiến cho dân đạo dẫu bị hành hình cũng không thay lòng đổi dạ.
[12]Ghi chép sự thực về chúa Jêsu. Nay có lược bớt, dựa vào sách này từ quyển I đến quyển III.
[13]Nguyên thư phiên: ULiPhêTê, cũng tức là rừng Tịnh Trai nói ở quyển III, đầu quyển IV.
[14]Tức quyển IV của sách này.
[15]Nguyên thư phiên: TuMi.
[16]Nguyên thư phiên: NaSaLỗ.
[17]Nay Kinh Thánh quốc âm có đoạn nói: "Chúa Jêsu cho thánh TuMi (Xumêi) xem dấu mình, cho thánh NaSaLỗ (Nasarô) chết 4 ngày lại sống".
[18]Không có anh linh thì làm sao dọa nạt được nước người? Thầy trò Jêsu không dám đánh lại nước Jiuđê, có lẽ cũng như câu ngạn ngữ: "Cứng xác mềm hồn" chăng?
[19]Xét: người ta gọi nước Jiuđê là nước Cú vọ, là nói tính hiểm độc của người nước ấy; gọi nước Tây Dương là nước Tu hú. Tu hú mắt đỏ, tính hiểm, thường hay trà trộn vào đàn gà để bắt gà con. Tâm địa bọn Tây Dương hiểm ác, mà mặt mũi cũng tựa như thế.
[20]Nguyên văn: "Nhất tâm trung nghĩa, vạn cổ anh linh, dân duy sở sử, tự cổ cập kim, duy Gia Tô vi thượng sách".
[21]Từ đó người Tây Dương bắt đầu phong thánh.
[22]Nguyên văn: "vô vọng kỳ tất tử dã" (không quên sự ắt chết).
Ngày nay nhiều người lấy làm lạ thấy tả đạo vẽ những bức ảnh hình thù xấu xí, đó là chưa hiểu ý chính của việc đó cũng tựa như câu: "Kẻ mạnh vì nghĩa không quên sự mất đầu" (Câu này người bình chú dẫn lời Mạnh Tử trong thiên Đằng Văn Công. ND). Từ đó tả đạo bắt đầu có ảnh thánh.
[23]Nguyên văn "cổ thánh" chỉ những người hiền các đời trước.
[24]Xem đoạn giải thích ý nghĩa của đạo phục, đã nói ở Q. IV.
[25]Nguyên thư chép: "Quốc quân cặp ngoại quốc đạo câu...", hai chữ "quốc quân" có lẽ là chép thừa chữ quốc và sót chữ thần.
[26]Tử là trở về nước Thiên đường.
[27]Nguyên thư chép: Tha giai tri Thiên Chúa hà ngôn. Ở vị trí chữ giai có lẽ là chữ dục (muốn) thì hợp hơn.
[28]Nguyên văn: Đạo đường pháp quan. Tức là quan lại của nhà nước được giao cai quản việc đạo, cũng tức là đạo quan như tác giả sách này đã dùng trong các đoạn văn sau.
[29]Dưới đây đều là những việc đã bàn định. Mỗi năm thi hành một phép. Nay các giám mục tả đạo khi đến ngoại quốc cũng đều theo như thế.
[30]Nguyên thư phiên là "BàBà", tức là phiên âm tiếng Latinh: Pape.
[31]Ý nói động nghĩ trong lòng.
[32]Nguyên thư phiên: MatDiA.
[33]Nguyên văn chữ Hán: Nhân hà kinh.
[34]Kinh Bởi đâu cũng là sách Ngoại lục toàn là lời lẽ khoe khoang đã nói ở trên.
[35]Sách Thực lục thì giấu kín.
[36]Sắc mật nói rằng: Những ai trên dưới một lòng thì được ban thưởng: kẻ nào tiết lộ thì bị xử trảm.
[37]Ngày nay, các cố đạo khi làm lễ trước bàn thờ Chúa thì đứng nghiêm mà đọc to, con chiên thì ngồi cúi đầu mà nghe, là gốc ở đây.
[38]Ngày nay, các cố đạo sau khi làm lễ trước bàn thờ Chúa thì đứng nghiêm mà đọc to, con chiên thì ngồi cúi đầu mà nghe, là gốc ở đây.
[39]Nguyên văn: huấn phòng (lời dạy về việc buồng the).
[40]Tấm bia đó đến nay vẫn còn. Sách Ngoại lục nói: "Chúa Trời sai thánh Maisen khắc 10 điều răn vào đá để truyền lại cho muôn đời sau", gốc tích ở đây.
[41]Nguyên văn: Tại thiên kinh. Tên kinh lấy theo hai chữ đầu của bản kinh chữ Hán: "Tại thiên thần đẳng phụ..." (Cha chúng tôi ở trên trời...). Chúng tôi dịch tên kinh theo bản kinh chữ Nôm (chẳng hạn bản kinh do giám mục M. Venard đã dịch, 1878), trong đó câu đầu bản kinh đã thêm hai chữ: "Lạy Cha..." cho hợp cách xưng hô của người Việt.
[42]Nguyên văn: "dĩ chi vi đạo", nguyên thư hẳn đã chép nhầm chữ đạo = trộm cướp ra chữ đạo = giáo; đã sửa lại.
[43]Phêrô lại một phen truyền ý kín.
[44]Nguyên văn: thập tự không giá. Xem chú dưới đây:
[45]Giá chữ thập không gắn tượng, gọi là giá chữ thập không (thập tự không giá). Vả lại nếu có tượng thì làm lộ sự tích bức tượng ra.
[46]Kinh Thánh Jiuse có câu rằng: "Thiên thần gọi thánh Jiuse đến hầu con Thiên Chúa".
[47]Nhắc lại việc bà Maria khuyên can Jêsu đã kể ở đầu Q. VI.
[48]Nguyên thư dùng chữ "đạo câu" (câu có nghĩa là cụ già), có thể dịch thẳng là cố đạo, hoặc cố xứ. Cách gọi đó có nguồn gốc ở đạo Do Thái: đạo này qui định bầu một người cao tuổi nhất trong làng làm đạo trưởng. Về sau đạo Gia Tô chọn người trẻ tuổi bổ nhiệm vào chức đó nhưng vẫn theo chức danh của đạo cũ, bổn đạo gọi chung là thầy cả. Như vậy, chức đạo câu (thầy cả) nói ở đây tương đương linh mục (cha xứ) như tên chức đạo hiện nay. Nhưng vì linh mục vốn là từ Hán Việt, mà nguyên thư không dùng, cho nên chúng tôi ngờ rằng đó là cách gọi về sau. Nếu quả như vậy thì từ "đạo câu" dùng trong sách này từ đây trở về sau có thể tương ứng với cả hai chức giám mục và linh mục, còn vít vồ thì chỉ các giám mục khâm mạng (cũng tức là giám mục đốc chính, bổn đạo thường gọi là cố chính).
[49]Chỉ nghi thức truyền phép kín trong lễ phong chức thầy cả, đã nói ở Q. IV.
[50]Câu "Mỗi người... Jêsu đã định" trong nguyên thư chép cách sau 1 câu (tức câu "Dân đạo... nghĩ đến đạo", chúng tôi dịch đảo lên cho thuận với cách kể chuyện thông thường; nói hết ý liên quan đến việc bổ nhiệm thầy cả rồi mới nói đến việc giáo dân đặt tên theo thầy cả.
[51]Nguyên thư chép: MạtTêDi, tức là chép nhầm tên Môria (MátDiA) đã nói đến ở đoạn trước và còn thấy ở đoạn sau.
[52]Phép đặt tên thánh đem thi hành vào phong tục trong nước để khiến cho dân chúng tuân theo đạo, đem thi hành ra nước ngoài để khiến cho dân các nước ấy đều theo tên Tây.
[53]Kinh Phêrô có câu: "Đại môn đồ cầm chìa khóa giữ cửa thiên đường". Nay trong bức ảnh thánh Phêrô ở bên phải phía trên có vẽ con gà sống phía dưới vẽ chiếc chìa khóa. Người hấp hối đều bị lừa dối được lên thiên đường là do tích chuyện này.
[54]Chỉ muốn người ta tuân theo cha cố.
[55]Muốn giáo dân hiến nạp nhiều tiền của cho nhà đạo.
[56]Muốn cho giáo dân kiên lòng theo phép một vợ một chồng, thì những "lời giáo huấn" về chuyện buồng the của Thiên Chúa mới thực hiện được.
[57]Muốn cho dân không oán trách vua quan tả đạo.
[58]Nhịn ăn nhịn uống thì không có sinh khí; tự nhiên cũng không sinh ra chuyện tà dâm, trộm cướp.
[59]Đã yêu người thì tất nhiên sẽ yêu kính vua quan.
[60]Ngày đêm chăm lo tụng kinh không rỗi thì sẽ không bị lay động bởi kẻ ngoại đạo.
[61]Muốn ta khuyên bảo nhau để người theo đạo ngày càng đông.
[62]Để cho người ta tưởng rằng ta mở mang giáo hóa cho họ, do đó, dân chúng không nghi ngờ gì ta!
[63]Càng ví dụ so sánh thật nhiều thì họ càng kiên lòng theo đạo.
[64]Nói như thế để khi ta giáo huấn cho họ, họ tự nghĩ rằng chúa Trời cũng đã dạy phải quở trách người phạm lỗi lầm, do đó mà không oán giận gì ta.
[65]Như thế thì khi ta khinh thường xúc phạm họ, họ cũng tha thứ cho ta.
[66]Như thế thì ta có nói phật ý họ, họ cũng phải nín nhịn.
[67]Nói như thế thì họ càng vui mừng cho ta là công bằng mà theo đạo.
[68]Ngày sau: nói sau khi chết.
[69]Nguyên thư chỉ thấy nói đến 3 điều, còn 5 điều khác có lẽ lược đi, không nói đến?
[70]Đúng là lừa dối người ta ngay trước mắt.
[71]Nguyên văn: Niệm sách tử, tục là chuỗi hạt để lần đếm mỗi khi đọc kinh, có tác dụng điều hòa nhịp điệu ngôn ngữ (miệng đọc), hành động (tay đếm) khiến cho đầu óc thư thái, suy nghĩ được lâu bền hơn.
[72]Người ta đều chê là vô lễ, lời lẽ thô tục đáng cười. Xem đây mới biết cái thâm ý quanh co quỷ quyệt.
[73]Nguyên thư phiên là Diêu chúa, người bản đạo đều đọc là Dêu. Dêu là chúa Trời (tiếng Latinh: Dei) cũng tức là chúa Jêsu (tác giả đã giải thích khi nói về thuyết chúa Trời ba ngôi). Câu niệm trên nói về việc Jêsu.
[74]Câu này viết chữ Nôm trong nguyên thư, trước chữ "dữ" có lẽ chép sót chữ sự.
[75]Nguyên văn: Thiên Chúa kinh.
[76]Sự tích thánh Antô sẽ nói ở sau.
[77]Phép đọc kinh chia hai bè nam nữ là qui định của dòng Đômingô.
[78]Dân tả đạo ngày nay gọi là mười lăm thứ ngẫm.
[79]Ngày thứ nhất (tức Chúa nhật) đọc hết cả 15 đoạn, còn các ngày khác thì đọc 2 đoạn, 5 đoạn hoặc 10 đoạn không hạn định.
[80]Trong đó có câu: "Xin chớ ngoảnh mặt đi mà chẳng nhìn chúng tôi..." thật là thô kệch đáng cười.
[81]Nguyên văn: đả ức tam thanh. Tiếng ở đây là tiếng khẽ phát ra khi đấm tay vào ngực.
[82]Câu này có trong bản Phúc âm (Evang) của Luca: "Ave gratia plena: Dominus tecum: Benedicta tu in mulieribus. (Luca III. 28). Nguyên thư phiên là AVơ MaDiA đài la sa.
[83]Nguyên văn: Cáo thân kinh, cũng thường gọi là kinh Sám hối.
[84]Mới đầu thấy hai thầy cả một người ngồi trên ghế một người quỳ dưới, sau đó người quỳ lại lên ngôi, người ngồi trên ghế lại quỳ xuống xưng tội, thật nực cười. Nay xem phép định của Giáo hoàng thì thấy từ Jêsu đến các thầy tu đều được tự xưng là chúa Trời, thì ra không biết bao nhiêu là chúa Trời! Lại thấy Giáo hoàng cùng các giám mục, thầy cả làm gì cũng đều bảo là thay mặt chúa Jêsu, thì hóa ra ai cũng là Jêsu cả!
[85]Các đời sau đạo quan sau khi chết được phong thánh rất nhiều, cho nên có kinh Các thánh, cũng chỉ nêu những người thật giỏi mà thôi.
[86]Giữa ngực có vẽ một vết máu đỏ, tượng trưng vết thương do ĐaSaNùng đâm.
[87]Mười hai môn đồ ấy, người nào bị cực hình mà chết thì có vẽ làm theo hình cụ ở bên cạnh (ở trên đã nói đến), người nào không bị cực hình thì không vẽ kèm hình cụ. Như thế là để tỏ ý rằng kẻ bề tôi tuy không tử nạn cực hình nhưng nếu một lòng tận tụy thì cũng được phong thánh. Về sau ảnh tượng các thánh rất nhiều.
[88]Nguyên thư bỏ trống một số chữ ở câu này và câu tiếp theo.
[89]Thước nói đây là thước ta (ngày trước) = 0,33m.
[90]Chữ Hán: Nhất yếu kinh.
[91]Nguyên thư phiên: KhuAKinh.
[92]Chữ Hán: Bi khổ chi kỳ = Mùa thương khó là chữ dùng của bổn đạo nước ta (mùa = thời kỳ).
[93]Quăng tro, ném đá, rước liễu (đầu khôi, phao thạch, liễu nghênh) = lời tắt để chỉ những lần Jêsu bị dân thông giáo các làng Jiuđê phản đối (xem Q. III). Riêng hai chữ "liễu nghênh" (rước liễu) lại là cách nhắc phớt qua đủ để nhớ việc chứ không cần chính xác: Jêsu được dân chúng vác cành liễu đi đón, đó không phải là chịu nạn, điều tác giả nhắc là việc Jêsu đêm hôm đó bị vây bắt ở làng Liễu.
[94]Tức là 7 ngày trước lúc Jêsu chịu nạn (Mùa chay).
[95]Chữ Hán: Ngũ đinh tích kinh.
[96]Chữ Hán: Thất thống kinh.
Bảy thống khổ (đau đớn): 1. bị rạch da, 2. bị trói vào cột đá, 3. bị đóng đinh ở tay trái, 4. bị đóng đinh ở tay phải, 5. bị đóng đinh ở hai chân. 6. bị đóng vành gai làm mũ, 7. bị chôn trong hang đá.
[97]Nguyên thư chép: "Hựu tác KhuDiêu cơ tượng đái ngân nang phóng khứ". Câu này ngờ có 2 chữ chép nhầm: a. hình nộm nói trên là hình nộm Jiuđa (vì có nói đến chuyện túi bạc), đúng ra phải viết KhuĐa (nhưng người chép quen tay chép nhầm là KhuDiêu như đã gặp trường hợp). b. Jiuđa phản chúa được thưởng túi bạc chứ không phải ném túi bạc đi (phóng khứ). Chữ phóng do đó tỏ ra không hợp nghĩa, đúng ra có lẽ chữ tẩu: sau khi Jiuđa chạy lánh đi, quân Jiuđê ập vào bắt Jêsu.
[98]Các cha cố bảo rằng: ai bỏ nhiều tiền (vào hòm quyên) thì được nhiều phúc, từ một đồng tiền trở lên chúa đều biết cả. Dân chúng tranh nhau ném tiền vào không dưới nghìn quan, cố đạo đều thu giữ hết, gọi là "tiền thánh giá". Lại có lễ Hôn chân. Trong ngày lễ ấy, con chiên những làng đạo không có thầy cả và những người không có điều kiện đi xem hội chính cũng đều phải đến nhà thờ trong làng hôn chân tượng đất. Các làng thu tiền nộp lên, tính dồn lại nhiều không kể xiết.
[99]Hệt như hiệu lệnh của một viên đại đốc Tây Dương chẳng kiêng sợ gì phép cấm của triều đình (câu này nguyên thư chép lẫn vào chính văn, xét tính chất đó là lời của người bình chú, chúng tôi chuyển xuống vị trí của các nguyên chú).
[100]Vẽ đàn ông đàn bà trần truồng quỳ nhận, thực nực cười.
[101]Nguyên văn: đông hoàng = cái hộp nhỏ hình cầu bằng đồng gồm hai nửa đậy khít.
[102]Đoạn trên đây, từ việc qui định các ngày lễ trong năm, nghi thức lễ Phục sinh, v.v., tác giả sử dụng bút pháp kết hợp: vừa trình bày những điều đang bàn xét, vừa mô tả sự việc đã diễn ra, cho nên mới có câu: bèn hạ chiếu ban truyền cho thiên hạ... tuân hành".
[103]Chữ Hán: Minh tâm tượng = tượng khắc nhớ trong lòng.
[104]Đeo luôn bên mình.
[105]Nguyên thư phiên: DoSa, ACaTa (ta phiên âm là "ta" và ghi đọc thanh bằng).
[106]Nguyên thư phiên: LaoLiênSô.
[107]Nguyên văn: van cơ chi khổ; vạn cơ = muôn việc; quen dùng để chỉ sự bận rộn trăm công nghìn việc của các vua chúa.

Nguồn: Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1981. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro