Quyển 1
Nước Jiuđê, Jêsu ra đời . Được môn đồ Jêsu thêm kiêu ngạo
Ngày xưa ở phía đông [1] nước Tây Dương có nước gọi là Jiuđê [2] . Nước ấy có một làng gọi là làng Bêtlehem [3] . Từ ngọn núi ngoài làng ấy thường bay ra một đám mây đỏ chở hai thầy trò con quỷ bộ dạng xem ra có vẻ đẹp đẽ đàng hoàng. Đời này qua đời khác người ta vẫn thấy thế, lâu ngày quen dần, không ai lấy làm sợ nữa. Đến thời Hêrôt [4] làm vua thì trong dân ở ngoài làng ấy có một cô gái tên là Maria [5] mồ côi từ năm lên mười tuổi, được ông trùm đạo trong làng đem về nuôi, đến mười sáu tuổi thì gả cho bác thợ mộc tên là Jiuse [6] . Khi hai người đã thành vợ thành chồng, thì thấy đám mây đỏ thường che toả phía bên trên nhà, cho đến khi Maria có mang thì không thấy thầy trò con quỷ ngồi trên đó nữa.
Sách Ngoại lục kể rằng: Ông trùm đạo muốn kén chồng cho Maria, hẹn với trai làng hễ ai chưa vợ đến ngày nọ mỗi người cầm theo một chiếc gậy tre tới nhà ông, ông sẽ cầu nguyện chúa Trời, chúa bảo gả cho ai thì sẽ cho hoa nở trên gậy người ấy. Trai làng đúng hẹn kéo đến, bỗng trên đầu gậy của Jiuse bật nở một bông hoa. Bấy giờ Jiuse đã hơn 110 tuổi, nhưng cũng là người chưa vợ, ông trùm đạo bèn gả Maria cho.
Thành vợ chồng rồi, Jiuse bảo Maria rằng: "Tôi muốn ở một mình để tu hành". Maria nói: "Thiếp mồ côi từ nhỏ, cũng muốn giữ đạo đồng trinh" [7] .
Rồi đó, hai người đem tình thực nói với thầy cả. Được thầy cả cho phép, hai người bèn đến làm lễ thề trước bàn thờ chúa Trời. Thầy cả nói: "Khi làm lễ cưới, hai người đã yết kiến chúa Trời, hứa sẽ chăm sóc nuôi nấng nhau. Nếu không làm được như thế, về sau xảy ra chuyện gì thì tội to lắm đấy". Hai người bèn viết mỗi người một tờ cam đoan, hứa sẽ chăm sóc nuôi nấng nhau, nhưng xin giữ riêng lòng trinh, gọi là "vợ chồng thiêng liêng", nói "thiêng liêng" nghĩa là cùng ở chung với nhau nhưng không tơ hào tình chăn gối [8] .
Một hôm đã khuya, Jiuse đã đi nằm, Maria còn ngồi bên đèn đọc cuốn sách Sấm truyền [9], thấy có câu: chúa Trời nói có con quỷ sẽ sinh làm vị thánh để cứu giúp người. Maria thầm cầu nguyện xin cho vị thánh ấy sớm ra đời. Bỗng thấy một người khắp mình đầy lông và có cánh như chim đi tới nói rằng: "Tôi là thiên sứ Gabơrien [10] ". Maria kinh sợ, gọi Jiuse dậy. Vị thiên thần trịnh trọng nói: "Avơ Maria gratia plena [11] (đẹp thay bà Maria đầy ơn phúc), Chúa Dêu [12] sẽ ở cùng bà".
Từ hôm đó Maria có mang. Bác thợ mộc Jiuse rất lo sợ nghĩ đến tờ cam đoan khi trước. Rồi một hôm nhân lúc đêm tối bỏ nhà chạy trốn. Nhưng vừa tới cổng làng thì thấy thiên thần hiện lên ngăn lại, bảo rằng: "Chớ chạy! Hãy ở lại chăm sóc chúa Dêu!". Nói xong thiên thần biến khuất trong đêm tối.
Xem sách Ngoại lục ghi chép như trên thì đại khái người Tây Dương muốn cho Jêsu trở thành con chúa Trời, cho nên phải đặt ra câu chuyện Jiuse đã quá già để đánh tan lòng ngờ vực của người đời về sự vợ chồng Jiuse không ăn nằm với nhau. Bởi vậy cái thuyết ấy rất mập mờ, gượng ép, thật nực cười. Cho đến ngày nay vẫn còn giữ kín, chỉ thấy bắt đầu bằng lễ thiên thần báo tin [13] mà thôi.
Jiuse nhà nghèo, phải lấy nghề thợ mộc nuôi thân, vợ khâu vá thuê, nhà không có phải đi ở nhờ. Bấy giờ người dì của Maria là bà Isave [14] từ khi còn trẻ không sinh đẻ lần nào, năm ấy tuổi đã năm mươi bỗng thấy có mang. Maria đến thăm dì, bà Isave nói thật việc ấy cho nghe. Maria nói mình cũng bất ngờ có mang như thế [15] .
Maria có mang đủ tháng, sắp đến ngày ở cữ, bác thợ mộc Jiuse xin nhà chủ cho vợ được ở lại sinh nở tại nhà, nhưng chủ nhà không cho. Đến khi Maria trở dạ sắp đẻ, nhà chủ tức giận chửi bới thậm tệ. Lúc ấy đang giữa đêm khuya rét buốt, Jiuse đành phải đưa vợ vào đẻ trong lũng núi ở ngoài làng Bêtlêhem. Lũng núi này khá rộng, người ta phần nhiều buộc lừa ngựa ở đấy. Maria nằm sinh trong chiếc máng bỏ cỏ cho lừa ngựa ăn. Một đứa bé khỏe mạnh, xinh xắn ra đời, cất tiếng khóc vang động như sấm [16] . Chim bầy bỗng cất tiếng hót vang, lừa ngựa cũng vùng cả dậy [17] .
Nay xem hai sách Ngoại lục và Bí lục thì thấy nói rằng: khi Maria vào lũng núi đã thấy một cậu bé nằm trong máng cỏ rồi. Lại nói rằng lúc bấy giờ vang lên muôn lời ca hát chúc mừng Thiên Chúa giáng sinh. Lại nói lừa ngựa xúm đến hà hơi sưởi ấm cho cậu bé. Lại nói vợ chồng Jiuse bế cậu bé lên mà nói rằng: "Sao Ngài không đến chốn lâu đài mà lại tìm đến cửa kẻ nghèo hèn chúng tôi?" [18] .
Cùng ngày hôm ấy, bà Isave cũng sinh con trai [19] dáng mạo cũng tựa như con của Maria, về sau đặt tên là Juan [20] .
Sách Ngoại lục nói: Năm ấy vua ba nước phương Đông là nước Thiên Trúc, nước ManSa và nước NhuGia [21] nghe tin Thiên Chúa giáng sinh đều đem phẩm vật địa phương tìm sang yết kiến. Vì vậy ngày nay, sau lễ Truyền tin tiếp đến là lễ Ba vua. Nguyên là người Tây Dương biết nước Thiên Trúc thờ đạo Phật cho nên mới đặt ra những lời lẽ trịch thượng như vậy.
Lại ở sách Giảng lục có nói: Bác thợ mộc Jiuse thấy vua nước ManSa mặt mũi xấu xí bèn ngăn lại không cho vào. Nhưng đã là vua nước ManSa thì kẻ thợ mộc nghèo hèn kia làm sao mà dám ngăn cản? Huống chi còn nói vua nước ManSa phải quỳ lạy Jiuse!
Khi đứa bé chẵn năm, vợ chồng Jiuse đem một đôi chim bồ cầu làm lễ đến biếu thầy cả, xin đến ngày hôm sau làm lễ xin chúa Trời đặt tên cho con. Thầy cả nhận lời và thấy đứa bé xinh đẹp, thầy bèn đặt cho tên là Jêsu [22] , theo tiếng nước ấy có nghĩa là thông minh tốt đẹp. Vì vậy, ngày nay có cuộc lễ gọi là lễ Mệnh danh (đặt tên).
Năm ấy quan chiêm tinh nước Jiuđê tâu vua rằng: "Nay trong dân gian có con quỷ mới sinh làm người. Mười lăm năm nữa nó sẽ làm ngu muội huyễn hoặc dân chúng, kẻ a tòng sẽ đông đến mấy vạn người". Vua nước Jiuđê lấy làm lo, sai quân lính ngày ngày đi vây xét các làng, hễ thấy đứa bé nào mặt vuông tai lớn vào trạc tuổi ấy thì bắt giết đi. Dân chúng ai nấy đều oán ghét căm giận, giặc giã nổi lên khắp nơi.
Thế là, vợ chồng Jiuse phải bế Jêsu chạy trốn sang nước Êgiptô [23] . Sách Giảng lục nói: Khi vợ chồng Jiuse đi trốn vào tháng Sáu, lúa ngoài đồng đang xanh. Quan quân đuổi theo đến nơi thì thấy một đám ruộng bỗng nhiên lúa chín vàng. Bọn chúng hỏi người đàn bà đang gặt lúa ở đó có thấy ai bế con chạy qua không? Người đàn bà ấy đáp: "Có thấy từ dạo mới đi cấy". Quan quân bảo nhau: "Từ khi cấy đến khi gặt, lâu quá rồi!", bèn không đuổi theo nữa, nhờ vậy cả nhà Jiuse thoát nạn.
Một hôm Maria bế Jêsu đi xem lễ ở nhà thờ, thầy cả Ximêôn [24] trông thấy, bế Jêsu mà nói rằng: "Cậu bé xinh quá! Nhưng xem ra không phải là người ở thế gian. Đời cậu này rồi chỉ vì biện thuyết mà phải chuốc lấy tai vạ đây. Đến năm 33 tuổi, thế nào cha mẹ cũng phải một phen nguy khốn". Do sự tích này cho nên ngày nay có cuộc lễ gọi là lễ Nhập điện (Đức Bà vào đền).
Sách Ngoại lục nói: "Thầy cả Ximêôn đã biết trước rằng sau này sẽ có con chúa Trời giáng sinh, cầu mong mình sẽ được gặp con chúa. Đêm ấy thấy có điềm lạ, sáng hôm sau thầy ra đứng chờ ở cửa nhà thờ, vừa thấy Jêsu liền chạy tới bế và reo to: "Đúng là con chúa Trời đây!", rồi quỳ xuống mà vái lạy".
Jêsu cùng sống với cha mẹ ở nước Êgiptô, đến năm lên 8 tuổi bắt đầu trổ tài lạ khiến cho người ta phải kính sợ. Một hôm Jêsu lấy đồ nghề thợ mộc của cha mầy mò đục đẽo một con thú bằng gỗ, dưới chân có lắp bánh xe, chuyển động đi lại được theo lời hô gọi của người, ai nấy đều lấy làm kinh lạ. Từ đó, Jêsu ngày càng tỏ ra thông minh lanh lợi, không cần phải học mà cái gì cũng biết. Từ đó, Jêsu bắt đầu lòe bịp lừa người. Về sau thì y làm nhiều sự việc kỳ dị không tài nào ghi chép xuể.
Năm Jêsu lên 12 tuổi, nhân có ngày lễ lớn, Jêsu cùng với cha mẹ đi lễ ở nhà thờ. Tan lễ, mọi người ra về cả, Jêsu không nói cho cha mẹ biết, một mình vào chơi nhà riêng của thầy cả. Thầy cả thấy Jêsu còn nhỏ bèn hỏi xem đã học những sách nào, Jêsu liền đáp: "Tôi đã đọc biết hết mọi sách kinh truyện [25] , thuộc hết sử ký các đời". Thầy cả và các môn đồ lớn xúm lại cùng hỏi thử Jêsu. Jêsu ngồi chính giữa đối đáp chan chát [26] , nhưng khi hỏi tên cha mẹ thì không chịu nói. Thầy cả hỏi học với thầy nào, Jêsu đáp: "Có trời ắt là có ta, cần gì phải học mới biết như người thường?". Thầy cả thấy lời lẽ ngạo ngược lấy làm ghét, bảo rằng: "Thằng bé này vô lễ lắm!".
Bấy giờ cha mẹ Jêsu thấy con mất hút không biết đi đâu, vội chia nhau đi tìm, gặp ai cũng hỏi có thấy con mình hay không. Jiuse vừa đi vừa gọi to: "Con đâu? Mau ra cùng với bố mẹ!". Nghe người ta nói có thằng bé lạ đang ở trong nhà thầy cả, khi ấy cha mẹ mới tìm được Jêsu, xin phép thầy cả cho đón về [27] .
Về đến nhà, Jêsu bảo bố mẹ rằng: "Tôi đây là con chúa Trời, sinh xuống trần gian để giảng đạo, nhờ ơn chăm nuôi của ông bà, nay xin lấy đạo Cha để tôn thờ ông, xin lấy đạo Mẹ để tôn thờ bà" [28] . Jêsu và Maria hai người thấy mình là kẻ nghèo hèn, không dám nhận. Jêsu lấy có phải ngồi cho nghiêm trang để làm lễ, rồi lên ngồi giữa giường cao, gọi Jiuse là Ông Già, gọi Maria là Bà Già. Thực ra thì khi ấy cả hai cha mẹ vẫn ngồi giữa đất, Jêsu nào có vái lạy cung kính tôn thờ gì đâu!
Mười bốn tuổi, Jêsu theo bố mẹ trở về nước Jiuđê sống ở làng Nagiarét [29] , nói rằng từ đây dứt hẳn lòng dục để theo việc tu hành, sống độc thân không lấy vợ. Rồi đó, Jêsu tự cắt đầu ngọc hành để tỏ cho mọi người tin. Bà Maria thương xót, bỏ ăn mất hai ngày, nhưng Jêsu vẫn không chịu đổi ý [30] .
Tới năm 18 tuổi thì phép kỳ, thuốc lạ của Jêsu đã có nhiều lắm. Nào là khi đi thì có mây che trên đầu, chữa cho người ốm chỉ cần chỉ trỏ lập tức khỏi bệnh. Jiuse không dám nhận là "bố già" nữa, chỉ xin được làm môn đồ mà thôi. Jêsu cũng bằng lòng như thế. Từ đó Jêsu đi khắp hết miền này sang miền khác để chữa bệnh cứu người, dân chúng đồn nhau lấy làm kinh lạ. Phàm được tặng biếu vật gì, Jêsu cũng đem chia phát cho người nghèo khổ, khiến họ phải mang ơn mình, nhờ vậy mà thu phục được 12 môn đồ. Đó là Phêrô, Jiuse, Damian, Nicôsamô, Juan, Giacôbê, Philipphê, Ximông [31] . Môn đồ thứ 12 là Jiuđa, Nicôsamô là hai gã thầy lang nghèo khó. Philipphê là mộ tên kẻ cướp. Juan là con bà Isave, dì của mẹ Jêsu, v.v, Bọn họ đều là những người hàm ơn Jêsu hoặc là hâm mộ phép thuật kỳ lạ của Jêsu cho nên chịu theo làm môn đồ. Còn Jiuđa nguyên là một tên du đãng ở làng Ghêtsêmanê [32] . Jêsu từ nhỏ đã là kẻ xấc xược, ngang ngạnh, nay có được chừng ấy môn đồ, lại càng càn rỡ chẳng coi ai ra gì, tự xưng là thầy cả mà chẳng phải do dân làng bầu ra [33] .
Đến đâu Jêsu bày bái vị thờ chúa Trời đến đó, từ đứng ra làm lễ, dõng dạc nói rằng: "Nước ta từ xưa tới nay thờ phụng chúa Trời, mà chưa ai biết chúa Trời ra sao, chỉ riêng mình ta được biết rõ. Chúa Trời chỉ một nhưng có ba ngôi: ngôi thứ nhất là ngôi đức chúa Cha, ngôi thứ nhì là ngôi đức chúa Con, ngôi thứ ba là ngôi chúa Phiritô Santô [34] . Ba mà là một vậy. Ở dưới đất có địa ngục, nơi đó chúa Trời nuôi quỷ dữ để trừng phạt tội nhân trong thiên hạ. Phàm người ta kiếp trước làm những điều ác gì, quỷ đều có sổ ghi chép hết, dẫu bé mọn cũng không bỏ sót tội nào. Nay ta vâng mệnh đức chúa Trời dạy cho các ngươi, ai biết theo phép của ta thì sau khi chết sẽ được lên thiên đường. Nếu không, Chúa ngôi Ba sẽ phạt đày xuống địa ngục, mãi mãi chịu cực hình". Nghe Jêsu nói như vậy, chẳng ai không cho là lạ lùng [35] .
Jêsu lại làm ra hai bổn kinh gọi là kinh Bởi trời [36] và kinh Lạy cha [37] , và làm ra chuỗi hạt gọi là chuỗi con niệm để cho những kẻ ngu dốt sử dụng khi làm lễ đọc kinh: cứ đọc xong một câu hai lần đếm một hạt con niệm, hết mười hạt là xong một chầu kinh. Nay theo tiếng nước ta thì kinh Bởi trời niệm rằng: "Chúng tôi lạy thiên địa chân Chúa ở trên trời là cha chúng tôi, chúng tôi nguyện danh cha cả sáng, nước cha [38] trị đến vâng ý cha, làm dưới đất bằng trên trời vậy...". kinh Lạy cha niệm rằng: "Chúng tôi xin cha rằng cho chúng tôi thường nhật dùng đủ, hãy tha tội cho chúng tôi, bằng chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi vậy. Xin chớ để chúng tôi sa chưng (= vào) cám dỗ, biện trợ (= phân biệt giúp) chúng tôi chưng dự dữ, Amen!". Về sau người Tây Dương thay đổi cách đọc, dụng ý sâu xa của việc ấy xin xem ở phần sau [39] .
Jêsu lại làm ra kinh Mười điều răn, bắt những kẻ ngu đần làm theo những lời răn ấy, lấy đó làm cái đích để tự xét tội lỗi của mình, ai phạm điều gì thì phải tự xưng ra, gọi là "cầu phép chúa Trời" [40] .
Khi làm lễ, Jêsu nói: "chúa Trời sinh ra người, coi linh hồn là cao quý. Những ai theo đạo thì sau khi chết chúa Trời sẽ cho linh hồn người ấy được lên thiên đàng. Còn thể xác thì chỉ là chất đất, sau khi chết lâu ngày cũng biến thành cát bụi cả, ấy là vật thấp hèn không có gì đáng quý mà luyến tiếc. Người ta tuy sống lâu hay chết non có khác nhau, nhưng cũng đều không tránh khỏi một lần chết. Còn phải mang phần xác ngày này là còn ưu phiền đau khổ ngày ấy. Cái phần xác như thế có để làm gì đâu?". Sau này đạo Gia Tô Tây Dương nói "phần xác là cục đất hèn mọn", tức là gốc ở đó.
Jêsu lại nói: "Chúa Trời đã hạn định cho trời đất phải có lúc chung tận, từ khi tạo thiên lập địa cho đến lúc chung tận gọi là tận thế. Đến ngày ấy, trời sẽ đổ mưa dầu, hạn lửa, người và mọi súc vật đều phải chết hết. Lúc ấy giữa trời hiện lên một thiên thần cầm chiếc ống sắt mà thổi lửa xuống, thiêu cháy hết nhân gian, chỉ còn lại trên trời dưới đất mà thôi" [41] . Bấy giờ tất cả người chết, không kể là mới chết hay chết đã lâu, đều hiện lên thành hình người. Thiên thần cầm một chiếc cân lớn để cân từng người xem phúc, tội nặng nhẹ ra sao. Người phúc nhiều được ban thưởng áo mũ, cho lên thiên đường. Kẻ nào lắm tội bị ném xuống địa ngục cho lửa thiêu hoặc làm mồi cho rắn rết ma quỷ ăn. Những ai bên thiện bên ác đều một nửa thì đem lên giữa lưng chừng trời để chờ phán xét".
Môn đồ của Jêsu nghe xong kinh sợ hỏi rằng: "Cái ngày tận thế ấy còn bao lâu nữa, thầy có biết trước chăng?". Jêsu đáp: "Chỉ có cha ta mới biết được, còn ta thì không biết, mà nếu biết cũng không thể tiết lộ được [42] . Nhưng các ngươi cần phải biết rằng: Hễ khi nào thấy mặt trăng mặt trời bỗng dưng tối sầm, sao rơi đất chuyển thì đó là điềm báo hiệu ngày tận thế".
Jêsu lại nói: "Khi tất cả mọi người đều chết hết thì gọi là tận thế chung, nếu chỉ một người chết thì gọi là tận thế riêng. Dịch bệnh lớn thì gọi là tiểu tận thế. Ta xem tượng trời thì thấy không đầy ba mươi năm nữa".
Những kẻ ngu ngốc nghe nói vậy thì kinh hoàng lo sợ, mặt xanh như chàm, tranh nhau xin theo đạo của Jêsu. Thuyết tận thế của đạo Gia Tô Tây Dương bắt đầu từ đó. Về sau người Tây Dương vẽ bức ảnh "Ngày phán xét' cũng là gốc ở đấy.
Xưa ở nước Êgiptô có người thợ mộc tên là Nôê có tài đóng thuyền biển rất giỏi. Vua nước ấy lo về sau thuật ấy thất truyền, nhân ở trong dãy núi MiĐông ở gần kinh đô có một hang đá rộng có thể để lọt chiếc thuyền, bèn sai Nôê đóng một chiếc thuyền lớn đem đặt vào trong hang đá ấy, rồi làm mái che lên để lưu truyền lại diệu thuật cho đời sau. Đến nay chiếc thuyền ấy vẫn còn.
Khi đến xứ ấy, Jêsu bảo dân chúng [43] rằng: "Các ngươi không biết chiếc thuyền này có từ thời thượng cổ. Ngày ấy chúa Trời đã giáng nạn hồng thuỷ khiến cho muôn loài phải tận thế. Chỉ có Nôê là bậc thánh nên được chúa Trời cho biết trước để đóng chiếc thuyền này, cho chọn các loài vật, mỗi loài một con đực và một con cái để lưu truyền nòi giống. Qua nạn hồng thuỷ, nước rút, các loài vật lại được ra ngoài, sinh đẻ, truyền mãi cho đến ngày nay. Chúa Trời có chủ ý vị diệu nên mới cho chiếc thuyền ấy giạt đậu ở núi này để tỏ cho muôn đời sau biết sự tận thế là có thật để mà kiên tâm theo đạo. Nay ta nói về ngày tận thế, đâu phải là đặt chuyện lừa dối các ngươi! Lại nói chuyện Nôê ngày ấy có một trăm con trai, sinh ra ngàn vạn con cháu đều khôn lớn cả. Bỗng một hôm, mỗi người nói một thứ tiếng khác nhau, không ai hiểu nhau nữa! Thế là hàng vạn con cháu của Nôê lìa nhau đi khắp mọi nơi trong thiên hạ, mỗi người làm ăn sinh sống một nơi, cho nên các nước ngày nay mỗi nước đều nói một thứ tiếng khác nhau là vì thế".
Cả bọn ngu khờ xiết đỗi kinh ngạc mà nói rằng: "Đúng là con chúa Trời, nếu không thì làm sao mà biết được việc vạn năm về trước!".
Jêsu đi đến đâu cũng leo lên giường cao ngồi chễm chệ, dẫu đối với ông già bà cả cũng chỉ xấc xược gọi bằng ngươi, bằng mày, không có tí gì khiêm tốn, vì vậy mọi người đều ghét. Chỉ có những kẻ ngu khờ nghèo khổ hàm ơn mới kính nể tin lời, chịu chứa chấp che chở, nhờ vậy Jêsu mới được dung thân [44] .
Môn đồ của Jêsu là bọn Phêrô, Jiuđa thường kín đáo khuyên can Jêsu hãy nên nhũn nhặn hơn để lấy lòng dân, nhưng bị Jêsu mắng rằng: "Bọn các ngươi làm sao hiểu được ý ta! Nếu thân ta chịu khuất thì đạo ta làm sao có thể vươn ra được? Không làm cho tôn nghiêm thì đạo không tôn lên được, người ta chẳng ai theo". Jiuđa nói: "Chỉ sợ xảy chuyện không hay, điếm luỵ đến tôn danh". Jêsu nói: "Việc gì mà phải luỵ? Ngày sau ta sẽ có diệu kế khiến cho mọi người phải chịu luỵ với ta!". Jiuđa nói: "Thầy có phép diệu thì tốt được cho một mình thầy, còn hàng vạn môn đồ thì làm sao mà tốt được? Vả lại, nói như thầy thì chẳng hoá ra cả nước này đều ngu dốt cả sao?".
Jêsu gạt đi mà nói rằng: "Như thế là ngươi cũng không tin đạo ta rồi". Từ đó Jiuđa âm thầm nảy sinh ý định phản bội Jêsu [45] .
[1]Nguyên thư chép là phía "tây". Trong bài Nguyên dẫn đã nói nước Tây Dương là nước Ý Đại Lợi (Italia), vậy nước Jiuđê ở về phía đông nước Tây Dương, chúng tôi sửa sai.
[2]Jiuđê (Judéa), tức nước Do Thái. Bây giờ Do Thái là một tiểu vương quốc chư hầu của đế quốc La Mã.
[3]Nguyên thư là BaLinh thành, có ghi chú: "Người phương Tây gọi làng là thành", tức là những làng quân sự hoá thời cổ có hào luỹ bên ngoài.
[4]Hérodes I (79 tcn - 4 scn): vua Do Thái từ 39 tcn – 4 scn. Nguyên thư phiên là ÊviGia.
[5]Nguyên thư phiên MaDiA và chép là "nhị nữ danh..." (hai người con gái tên là...) nhằm chữ "nhất" thành chữ "nhị".
[6]Nguyên thư là KhuSa.
[7]Về sau người Tây Dương cũng có phép tu đồng trinh. Xem ra thì chỉ giả dối mà thôi.
[8]Thật nực cười!
[9]Sấm truyền, cũng có nghĩa là Sấm ký.
[10]Nguyên thư phiên là CaBiDiÊ.
[11]Nguyên thư phiên: "Avê MaDiA đài gia ca sa" tức là phiên câu nói của thiên sứ Gabơrien ghi bằng tiếng Latinh (xem Evang, Luca, I.3:28).
[12]Nguyên thư phiên: Diêu chúa, tức là chúa Trời (phiên theo tiếng Latinh = Dei). Sách của bổn đạo trước đây, đối với câu nói của thiên sứ Gaborien chỉ phiên là chúa Dêu mà không dịch là chúa Trời, bởi lẽ Gabơrien đã là người trời rồi, cho nên không gọi Dei là chúa Trời nữa, chỉ phiên âm mà thôi.
[13]Thường gọi là lễ Truyền tin.
[14]Nguyên thư phiên ISaVê.
[15]Đích thị là con quỷ Tây sắp ra đời!
[16]Không tin được!
[17]Thì ra cũng có chút "linh thiêng" thật chứ chẳng nên nói là toàn không!
[18]Những lời nói khoe khoang đều tỏ ra ngu ngốc, dối trá.
[19]Chỗ này nguyên thư chép một câu chuyện chú: "Dì còn chẳng chịu chứa, huống chi người ngoài!". Có lẽ câu này ghi liền sau đoạn nói nhà chủ chửi bới Maria, bị chép lạc vào đây.
[20]Nguyên thư phiên: KhuAn.
[21]Thiên Trúc tức là Ấn Độ, còn ManSa và NhuGia chưa biết chắc chắn là phiên tâm từ chữ gì. Theo Macus Gispert: "Không ai biết cho tỏ ba đấng ấy làm vua về nước nào... Lại có kẻ nói rằng ba vua ấy có tên là Gaxpa, Menstor, Banthasa" (Bốn quyển sách Phúc âm của Đức chúa Jêsu Kirixitô", Phú Nhai đường, 1926, tr. 10). Như vậy có lẽ ManSa và NhuGia phiên âm chữ Mensior và Banthasa (Melchior, Balthasar).
[22]Sách Giảng lục nói: Jêsu nghĩa là Chúa cứu thế , an dân. Nếu tin như vậy thì người thầy cả sao dám tự tiện đặt tên? Và kẻ thường dân sao dám nhận gọi tên mình như thế? Về sau tả đạo thêm một chữ "phụ" (cha) bên trên chữ Gia (Da) để tỏ ý tôn kính.
Nguyên thư phiên là ChiThu và có chú thích: người Trung Hoa phiên là Gia (Da). Các giáo sĩ đầu tiên đến Việt Nam phiên Jêsu là ChiThu, không theo cách phiên của Trung Quốc. Nguyên thư dùng cả hai cách phiên ấy.
[23]Êgiptô, nguyên bản phiên là YthiTo tức là nước Ai Cập, đúng với các sách của bổn đạo viết về tiểu sử Jêsu. (Cũng có khi phiên là IChiTô). Nhưng tiếp đó, trong nguyên thư lại có câu: YThiTô tức là nước ngày nay gọi là Tây Dương, lại còn gọi là nước Huề Lan (Hoà Lan). Ghi như vậy là sai. (Có lẽ người chép sách nhầm với Ý Đại Lợi, mà trong sách này tác giả cũng gọi Italia là nước Tây Dương, cho nên mới ghi sai như vậy).
[24]Nguyên thứ phiên: SaMiAn.
[25]Nguyên văn viết là: "Thư, lục". Thư và lục nói đây là các sách kinh, sách sử của đạo Do Thái.
[26]Theo Phúc âm của Luca: "Khỏi ba ngày tròn mới thấy người đang ngồi trong đền thờ ở giữa các thầy tiến sĩ..., và các kẻ nghe các lời sâu nhiệm khôn ngoan của thầy thưa hỏi thì lấy làm kinh khiếp". (Phúc âm, Luca, II, 4.46,47). Nhưng Luca nói việc này khi Jêsu đã về Jêrusalem.
[27]Jiuse đã gọi như thế, chẳng phải cha con là gì? Vậy mà nay người Tây Dương vẫn giấu kín chuyện ấy.
[28]Nay Kinh Thánh có câu "Chịu khuất đức mẹ cùng ông thánh Jiuse cho đến ngày nay...".
[29]Nazareth: nguyên bản phiên là NaSaLiệt.
[30]Từ trước, các thầy cả (đạo Do Thái) vẫn lấy vợ. Từ khi Jêsu đặt cái phép ấy, được người Tây Dương làm theo. Thầy tu phải cắt đầu dương vật, không lấy vợ là bắt đầu từ đó. Phép ấy đến nay vẫn còn. Ngày trước, khi tả đạo mới truyền ra nước ngoài, có bản kinh gọi là kinh Sáng bỉ, bởi lẽ phần nhiều mập mờ che giấu chuyện ấy. Về sau các giám mục khâm mạng sợ lôi chuyện xấu, bèn lừa dối rằng: "Giáo hoàng ở Tây Dương thấy Chúa hiện phép lạ , cho nên ra lệnh không cho đọc kinh ấy nữa". Đại phàm người Tây Dương khi ấy muốn lòe doạ điều gì thường bảo "thấy chúa Trời hiện phép lạ", nay cũng vẫn nói như thế.
[31]Nguyên thư phiên: PhêLô, KhuSa, DaMian, NêCôSaMô, KhuAn, GiaCôBa, BảoLộc, SaMông, KhuDa; cộng 9 người, thiếu 3. Về 12 môn đồ của Jêsu, các sách Phúc âm chỉ có Mathêu ghi đủ, nhưng so với các bản khác thì có trường hợp tên gọi khác nhau. Sau đây là tên gọi mà bổn đạo vẫn dùng: Ximôn (tức Phêrô), Andrê (André, em Ximôn), Jăc và Jăng (con của Xêbêđê), Philip (tức Philipphê), Bathêlêmi, Mathiơ, Thôma, Jăc (con của Andrê), Ximôn (Ximôn nhiệt thành), Jiuđa (con của Jăc), Jiuđa Ichcariôt (Judas Iscariot, kẻ phản bội Jêsu). Trong 9 người nguyên thư đã ghi ở trên, Jiuse, Damian, Nicôsamô không có tên trong bảng đã dẫn. Có tài liệu cho Jiuse (cha Jêsu) cũng là 1 trong 12 môn đồ, có tài liệu nói đó là Jêsu khác ở làng Arimathea đã cùng với Nicôsimô táng xác Jêsu (Xem Phúc âm, Juan, XIX, 8: 38-39).
[32]Nguyên thư: NhiệtSiMaNê.
[33]Tục nước ấy, chức thầy cả phải do dân làng bầu ra.
[34]Tiếng Latinh: Spiritu Sancto = đức chúa thánh thần. Nguyên thư phiên: PhiDiTu SanTô.
[35]Bởi vì từ trước dân nước ấy chỉ biết có một chúa Trời, nay nghe nói Chúa có ba ngôi thì ai cũng phải lấy làm lạ. Đạo Gia Tô Tây Dương nói Chúa ba ngôi là bắt đầu từ đó.
[36]Chữ Hán: Tại thiên kinh. Đặt tên kinh như vậy là do kinh này ở câu đầu có câu: "Tại thiên thần đẳng phụ" (Cha của chúng tôi ở trên trời). Sách kinh bằng chữ Nôm dịch là kinh Bởi trời (Cha của chúng con bởi trời mà xuống...).
[37]Chữ Hán: Thỉnh phụ kinh.
[38]Nguyên thư chép: "nhân cha trị đến...".
[39]Theo Thánh giáo kinh nguyện (chữ Nôm) thì cả hai đoạn trích trên đây đều là thuộc về kinh Lạy cha , không có đoạn nào ở kinh Bởi trời.
[40]Nay giáo đồ tả đạo nước ta đọc lời kinh này bằng quốc âm rằng: "Đạo chúa Trời có mười sự răn. Thứ nhất thờ đấng chân chúa của trời đất. Thứ hai là chớ gọi tên chúa Trời mà hư thệ (= thề nhảm). Thứ ba giữ ngày lễ bái. Thứ tư hiếu kính cha mẹ. Thứ năm chớ giết người. Thứ sáu chớ làm tà dâm. Thứ bảy chớ làm trộm cướp. Thứ tám chớ nói chứng dối. Thứ chín chớ muốn em con (= vợ con) người. Thứ mười chớ tham của người. Trước mười sự răn rút về hai nơi mà chừa, kính dám Thiên Chúa trên hết mọi sự, chưng yêu người như yêu mình ta vậy. Amen!". Về sau người Tây Dương lại đọc thêm câu đầu với câu cuối. Ẩn ý sâu xa xem ở sau sẽ rõ.
[41]Trời, đất vẫn còn thì làm sao lại gọi là "tận" (hết)?
[42]Đại phàm người Tây Dương lòe doạ người ta thường vẫn hay nói kiểu ấy.
[43]Nguyên bản chép nhầm một chữ "vị chúng viết" (nói với dân chúng rằng...), nhầm chữ "chúng" thành chữ "tôi" (hai chữ này viết thảo hơi giống nhau, dễ lầm).
[44]Nay thầy tu Tây Dương thường hay tìm người nghèo mà bố thí ơn huệ để gây chỗ nương thân là bắt đầu từ đấy.
[45]Tên du đãng (Jiuđa) nói nghe cũng có lý.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro