Tất Cả Đều Là Chuyện Nhỏ
Nguyên tác: Don't sweat the small stuff at work.
Tác giả: Richard Carlson
Biên dịch: Phan Thanh Huyền, Phan Hồng Hà
Nhà Xuất bản: NXB Trẻ - 2004
Lời giới thiệu.
Đường đến thành công là bộ sách của vợ chồng tiến sỹ Richard Carlson- tác giả nhiều tựa sách được đông đảo độc giả trên thế giới đón nhận.
Với cách chọn lựa đề tài gần gũi với đời sống, phân tích và đưa ra giải pháp dưới lăng kính của vừa là một chuyên gia tâm lý, vừa đặt mình là người trong cuộc, tác giả đã song hành với những độc giả là vợ, chồng, cha, mẹ , thầy giáo, sinh viên, trẻ thơ, nhà doanh nghiệp…để cùng họ giải quyết những vướng mắc của cuộc sống, từ đó bồi đắp hạnh phúc, tạo dựng sự nghiệp, củng cố niềm tin, góp phần làm cho cuộc sống của mỗi người và của xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Sách có nhiều dẫn chứng thực tế, sinh động bên cạnh những phân tích mang tính khoa học, hy vọng sẽ giúp bạn đọc rèn luyện kỹ năng sống trên bước đường chinh phục thành công cho đời mình.
NXB Trẻ trân trọng giới thiệu.
Lời tác giả.
Chúng ta ai cũng dành rất nhiều thời gian cho công việc – 8 tiếng, 10 tiếng, thậm chí 12 tiếng mỗi ngày. Và dù bạn làm cho tập đoàn lớn hay công ty nhỏ; cho nhà nước hay tư nhân; dù lĩnh vực của bạn thuộc ngành công nghiệp hay dịch vụ thì có một điều bạn vẫn không thể chối bỏ: công việc luôn kéo theo sự căng thẳng-stress.
Mỗi ngành nghề là một nỗi niềm, mỗi kiểu stress khác nhau, cũng như mỗi công việc đem đến mỗi gánh nặng, mỗi cơn ác mộng. Cùng lúc, bạn phải đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối chồng chất lên nhau: một ông sếp khó tính, quan lieu lại hay đòi hỏi, một cô đồng nghiệp ích kỷ, hay giận dỗi, một cuộc họp ngớ ngẩn, một công việc với cái hạn quá vô lý, rồi phê bình, nói xấu, quấy rối trong công ty…Chưa hết, thêm vào đó là tranh đua gay gắt trong điều kiện làm việc chưa hoàn hảo cùng với các quy định, luật lệ của chính phủ, tiền lương và các khoản chi phí… Dường như xung quanh ta, không ai thoát khỏi những muộn phiền nơi công sở.
Thật vậy, vấn đề đặt ra ở đây không còn là “ Công việc của bạn có dẫn đến stress hay không” mà là:” Bạn sẽ phải đối mặt với chúng như thế nào đây?”. Bạn có thể đầu hang trước sự thật hiển nhiên, công việc là phải thế và mệt mỏi đến kiệt quệ vì không biết phải làm sao. Nhưng bạn cũng có thể tìm ra cho mình những cách phản ứng mới mẻ và nhẹ nhàng hơn trước những đòi hỏi của công việc, mà nếu chọn hướng đi này bạn sẽ phải tìm ra câu trả lời từ chính bản thân mình.
Bất cứ ai cũng có thể làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn bằng những thay đổi nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Bạn không xem nhẹ các vấn đề nhưng đừng tự biến mình thành nạn nhân của “ nhà tù của hoàn cảnh”. Bạn hoàn toàn có thể thay đổi- không phải hoàn cảnh cuộc sống mà chính bản thân bạn, vì một cuộc sống nhẹ nhàng, êm ái hơn nơi công sở.
Chúng ta đã được chứng kiến, được nghe kể nhiều câu chuyện của nhiều người về những khủng hoảng, những vấn đề nan giải nhất : khi họ bị sa thải, bị đối thủ cạnh tranh đánh gục, bị ép buộc chuyển công tác, khi phải giải quyết những vụ trộm, hành hung trong nội bộ…Con người có lúc thật mạnh mẽ, thông minh và uyển chuyển trước những khó khan, thử thách nan giải, nhưng khi đối diện với những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hàngngày, họ lại trở nên vụng về, vô tình biến nó thành những chuyện nặng nề. suy cho cùng, ngoài một số ít những vấn đề thật sự lớn lao, đa phần những chuyện làm ta bức xúc nơi công sở lại là những chuyện vô cùng nhỏ nhặt.
Mỗi lần căng thẳng, giận dữ vì những chuyện như thế xảy ra xung quanh, bạn phải hao tốn biết bao năng lượng . Thậm chí chỉ cần nghĩ đến chúng, bạn dã đủ mệt mỏi. Nếu năng lượng đó, hay dù chỉ một phần nhỏ được chuyển hóa thành óc sang tạo, chúng sẽ hữu ích biết bao.
Có nhiều chuyện vốn dĩ nhỏ bé bị chúng ta biến thành lớn lao. Chúng là những chuyện cần được giải quyết trong cuộc sống hàng ngày, nhưng do sự hoang mang, lúng túng của ta, chúng được tích tụ lại ngày này qua ngày khác, và cuối cùng bắt bạn phải đối mặt với chúng như thể một vấn đề lớn.
Xung quanh ta luôn có quá nhiều những chuyện như thế, mà cách bạn giải quyết sẽ làm nên kinh nghiệm. Hãy tỏ ra khéo léo, kiên nhẫn với đôi chút hài hước, bạn sẽ phát huy tối đa khả năng giải quyết vấn đề của mình. Bạn không lãng phí thời gian chỉ để bất mãn, chán nản, giận dỗi mà dành thời gian đó cho sức sang tạo. Nếu như ở tâm trạng chán nản, bạn chỉ toàn thấy những chuyện không hay thì trong tâm trạng bình tĩnh, bạn sẽ thấy rất nhiều hướng giải quyết.
Khi bạn học cách để không bị tác động vì những chuyện nhỏ, bạn sẽ tự rèn luyện khả năng phán xét của mình. Bạn phản ứng một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển và thông minh thay vì căng thẳng hay mụ mị. Dĩ nhiên, công việc vốn là khó khan nhưng ta có quyền chọ cho mình cách giải quyết tích cực trước những khó khan đó. Mong bạn gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp và hy vọng cuốn sách này sẽ giúp bạn có một cuộc sống dễ chịu hơn nơi công sở.
Richard Carlson.
DÁM HẠNH PHÚC
Có những người không bao giờ tự cho mình cái “quyền xa xỉ” được thể hiện niềm hạnh phúc, thoải mái, phấn chấn trong công việc. Đây là một hình thái đáng tiếc nhất của chủ nghĩa sống ép xác. Dường như người ta sợ người xung quanh, sợ đồng nghiệp, khách hàng, hay ông/bà chủ nhìn thấy biểu hiện hạnh phúc của mình. Bởi họ ngại người khác nghĩ mình thiếu cần mẫn trong công việc. Lý do họ chống chế là: người hạnh phúc là người hài lòng với thực tại, người không có động cơ phấn đấu, không tồn tại nổi trong môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt này.
Tôi thường được mời nói chuyện ở nhiều tập đoàn trên thế giới về đề tài làm sao để khống chế căng thẳng và hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Rất nhiều lần, chính người tổ chức mời tôi đến đã hỏi tôi: vậy tôi không sợ giúp nhân viên của mình quá vui vẻ sẽ làm họ giảm bớt khả năng suy nghĩ trong công việc sao?
Quả thực lạ lung, không ai có thể tin người thoải mái, hạnh phúc là người thiếu động lực phấn đấu. trái lại, người hạnh phúc sẽ yêu thích, say mê với những gì họ làm. Động lực của họ bắt nguồn từ nhiệt huyết, từ niềm đam mê được hoàn thiện bản thân và những gì họ đang thực hiện. họ biết lắng nghe, có đầu óc nhạy bén, sang tạo, có sức thuyết phục cao và là một đối tác đầy triển vọng.
Trái lại thì sao? Người không hạnh phúc thường để hoàn cảnh và sự căng thẳng của mình cản trở đế công việc, đến những bước tiến trong sự nghiệp. cảm giác từ những người này là sự nặng nề và khó hợp tác. Chính họ mới là những nguowif thiếu động cơ phấn đấu bởi chỉ với vấn đề của riêng mình, họ đã đủ mệt mỏi.
Người không hạnh phúc luôn tự cho mình là nạn nhân của hoàn cảnh. Họ không tìm được lối thoát bởi trong mắt họ tất cả đều do lỗi của người khác, của môi trường làm việc thiếu hoàn hảo. Họ coi bản thân cùng những vấn đề của bản thân là trung tâm và vì thế, không thể đóng vai trò của một nhân viên đắc lực. Họ không biết lắng nghe, luôn ở trong thế sẵn sàng phản bác, tấn công. Giả sử họ có được thành công, bất hạnh cũng không phải là động lực mà thật ra chính là vật cản họ đã phải vượt qua. Giá như những người này biết cách sống thoải mái và hạnh phúc, họ chắc sẽ còn đạt được nhiều thành công hơn nữa.
Tôi chọn chương này để vào quyển sách của mình bởi một trong những mục tiêu của tôi là muốn bạn hiểu rằng bạn hoàn toàn có quyền thể hiện niềm hạnh phúc, thanh thản, kiên nhẫn, khoan dung, nhân hậu…Điều này có lợi cho bạn cả trong công việc và cuộc sống riêng tư. Bạn sẽ không vì hạnh phúc mà trở nên thiếu động lực. Trái lại, bạn sẽ thấy như được truyền cảm hứng, thấy mình trở nên sáng tạo và muốn cống hiến nhiều hơn. Ở nơi mà người khác chỉ nhìn thấy khó khăn, phức tạp; bạn sẽ luôn nhìn ra cơ hội và hướng giải quyết vấn đề. Tương tự, bạn sẽ không dễ dàng gục ngã trước thất bại. Bạn lấy lại thăng bằng giữa tâm bão, tiếp tục đứng vững và trở thành chỗ dựa cho mọi người.
Dám hạnh phúc, bạn sẽ thấy cuộc sống và sự nghiệp của mình như một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Mọi người yêu mến bạn và chắc chắn bạn cũng không dễ căng thẳng vì những chuyện nhỏ nhặt nơi công sở.
BỚT TÍNH THÍCH CHỈ HUY
Có những người thích điều khiển hết thảy mọi người, mọi việc xung quanh. Chỉ cần sự việc diễn ra không đúng ý, họ lập tức có cảm giác khó chịu, bất an. Họ ấn định trước từng hành động, từng xử sự của người khác cùng ảnh hưởng của nó lên mình ra sao để rồi khổ tâm khi mọi chuyện không như những gì họ đã tính toán.
Có hai điều tôi rút ra khi quan sát những người này. Thứ nhất, quá nhiều người có xu hướng này. Thứ hai, “công việc chỉ huy” thật ra không nhẹ nhàng chút nào, nó làm cả người chỉ huy lẫn người bị chỉ huy căng thẳng, và vì thế bạn nhất thiết phải từ bỏ nó vì một cuộc sống thanh thản hơn.
Tôi có một thí dụ điển hình cho trường hợp này. Chuyện liên quan đến người luật sư làm việc cho một công ty luật lớn có tính thích mọi việc theo đúng ý mình- từ chuyện lớn cho đến chuyện nhỏ. Anh thích dùng kẹp giấy mày đồng trong khi loại công ty mua màu bạc ( tôi không hiểu tại sao điều này quan trọng đến thế?), vậy là cứ hàng tuần cô thư ký lại được yêu cầu mua loại kẹp giấy cho riêng anh. Còn hễ ai đó sơ ý đặt trên bàn anh xấp hồ sơ với chiếc kẹp không đúng màu đồng là anh nổi giận ngay. Anh nổi tiếng trong công ty với cái tên “Vua kẹp giấy”.
Có lẽ bạn cũng không mấy ngạc nhiên khi nghe tôi kể công việc của anh với khách hàng thường không được trôi chảy. Phần lớn thời gian của anh bị choán bởi những nỗi bực dọc nhỏ nhặt không đáng có. Chuyện cái kẹp giấy chỉ là một trong vô số những thứ anh muốn chỉ huy, sắp xếp theo ý mình mà thôi. Bên cạnh đó là đủ các loại quy tắc, luật lệ do anh đặt ra: từ tách cà phê phải được pha trong bộ chén sứ Trung Quốc có đĩa lót, cho đến cách họ giới thiệu anh trong buổi họp phải thế nào… Kết cục là, anh đã làm mất khá nhiều khách hàng và được yêu cầu nghỉ việc.
Đây là một thí dụ ít gặp, hơi mang tính cực đoan. Thế nhưng, bạn hãy thử xem lại bản thân mình. Biết đâu, bạn cũng tìm thấy ở mình nhiều thói quen khá tức cười.
Người thích chỉ huy trước hết mang lại cho bản thân mình sự căng thẳng. Bạn tính toán chuyện của mình: những khả năng gì sẽ xảy ra và mình sẽ xảy ra và mình sẽ quyết định ra sao, đồng thời can thiệp vào cách suy nghĩ, cư xử của người khác. Đôi khi, bạn gây được đôi chút ảnh hưởng cho họ, nhưng điều đó không có nghĩa bạn có thể ép buộc họ sống theo một kiểu nhất định. Và với bạn, người thích chỉ huy, thì điều này làm bạn không chịu nổi.
Tôi không phủ nhận rằng trong công việc, có những lúc bạn cần phải thuyết phục người khác để hướng mọi người đến một quan điểm tương đồng. Bạn sử dụng hết trí lực, tầm ảnh hưởng, thậm chí cả sức mạnh để bảo vệ quan điểm của mình, đồng thời tìm mọi cách thay đổi suy nghĩ của người khác. Đó là phần phải có của công việc, và nó hoàn toàn không liên quan đến những gì đang đề cập đến ở đây. Tôi cũng không khuyên bạn đừng quan tâm đến thái độ ứng xử của người khác. Thực tế, bạn rất nên quan tâm! Điều tôi muốn nói là thái độ khăng khăng và những suy nghĩ cứng nhắc đem đến cho bạn sự căng thẳng và mệt mỏi.
Vấn đề mấu chốt của một người thích chỉ huy là sự thiếu tôn trọng quan điểm, cách sống của người khác. Bạn không muốn để người khác được sống đúng với con người họ, mà muốn họ sống theo những gì mình ấn định. Thế nhưng điều này đi ngược lại với bản chất cố hữu của con người nên tất cả những gì bạn nhận được chỉ là nỗi thất vọng, cảm giác bất lực và sự lãng phí thời gian vô ích. Bạn cho rằng những gì mình nghĩ là đúng đắn nhất và rồi khi có cơ hội, bạn sẽ chỉ cho người khác thấy sự khờ khạo của họ. Đây cũng là điều thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác của bạn.
Cách duy nhất để bạn bớt tính này là nhìn ra những lợi điểm của nó, khi bạn không còn chỉ huy người khác. Hãy nghĩ rằng khi cần thiết, bạn vẫn có thể hướng mọi chuyện theo ý mình, nhưng đừng can thiệp quá sâu vào cá nhân người khác, nói một cách cụ thể là suy nghĩ, xử sự và cách sống của họ. Hãy bắt đầu với cách nghĩ: người khác có cách nhìn cuộc sống của riêng họ, bạn sẽ thấy trong lòng vơi hẳn những căng thẳng và tranh đấu tư tưởng.
Bên cạnh đó, con người vốn không ai thích bị chỉ huy. Điều này làm họ xa lánh, oán ghét bạn. Nhưng một khi họ được chấp nhận với đúng bản chất con người thật của mình, họ sẽ biết ơn và yêu mến bạn hơn bao giờ hết.
GIÃ TỪ TÂM TRẠNG “ĐẦU TẮT MẶT TỐI”
Nhiều người thích nói về sự bận rộn “đầu tắt mặt tối” của mình một cách thoải mái như nói về thời tiết hay như câu chuyện xã giao vậy. Qua cách nói của họ, đây dường như là phần phải có của cuộc sống. Không ai và không có cách gì để thoát khỏi nó.
Vấn đề ở đây nằm trọn trong quan niệm “đầu tắt mặt tối”. Họ tự đặt mình vào tâm trạng: tôi đang rất vội, làm ơn đừng ai phiền tôi, tôi không có đủ thời gian, cuộc sống của tôi là đấu đá, là cạnh tranh… Chính quan niệm và niềm tin dại dột luôn được bao biện, củng cố này làm họ sợ hãi, hoang mang và mất hết kiên nhẫn. Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp, họ thật ra đã cường điệu hóa. Xung quanh họ, nhiều người khác cũng làm công việc đó, dưới áp lực trách nhiệm đó, thời gian biểu đó, nhưng lại có cái nhìn nhẹ nhõm và đầy thú vị về công việc của mình. Chưa kể, xét về hiệu quả công việc, những đồng nghiệp này không hề kém cạnh so với họ, những người luôn tự coi mình là bận bịu.
Tôi rất thích tiếp xúc với những người không tự chụp cho mình cái vỏ bận bịu, dù xung quanh vẫn bộn bề công việc. cảm giác ở bên họ thật dễ chịu. Khi phải nói về những gì đã qua, họ không bao giờ để chuyện không tốt đẹp ám ảnh, đeo đuổi cuộc sống.
Cuộc sống phụ thuộc vào chính cách bạn diễn tả. Sau một ngày trôi qua, bạn phàn nàn: “ngày hôm nay thật tệ hại. Tôi bị nhấn chìm giữa đám khách hàng ai ai cũng giận dữ, khó chịu. Suốt cả ngày là những cuộc gặp gỡ chán ngắt, chưa xong người này đã phải cuống quít lo gặp người khác. Tôi giống như con quay giải quyết cho hết các cuộc cãi vã của họ.”
Thế nhưng, vẫn ngày hôm đó, bạn cũng có thể nghĩ: “công việc của tôi là phải gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người. Cũng không dễ dàng đâu nhưng tôi phải cố giải quyết từng trường hợp một, đảm bảo hết công việc mà không để người kế tiếp phải chờ. Công việc của tôi là dàn xếp cho các mối quan hệ vốn không được tốt đẹp. Cũng khá thú vị vì tôi cảm thấy mình có ích cho họ.
Bạn thấy có gì khác nhau không? Đừng vội cho rằng một kiểu nghĩ là thực tế và một kiểu là hão huyền. Cả hai đều thực tế, chỉ có điều nó phụ thuộc vào tâm trạng của người nghĩ mà thôi. Bạn hãy thử ứng dụng quan điểm này trong cuộc sống hàng ngày, trong cách bạn sử dụng quỹ thời gian. Thay vì cho rằng mình luôn phải “đầu tắt mặt tối”, hãy nhìn nó từ góc độ tích cực hơn.
Trước hết hãy bắt đầu từ việc đừng bao giờ phàn nàn rằng bạn bận tối mắt tối mũi. Bên cạnh đó, mô tả về cuộc sống, công việc một cách lành mạnh hơn. Khi cách nghĩ trở nên tích cực và bạn bắt đầu có hứng thú ở món quà của cuộc sống, bạn sẽ nhận thấy nhiều điều bạn chưa từng thấy trước khia. Trong mắt bạn giờ đây, trục trặc, khó khăn được thay thế bằng các phương án giải quyết, các cơ hội cho bạn thêm kinh nghiệm sống.
Tôi thật sự hy vọng một khi bạn quyết định từ bỏ tâm trạng “đầu tắt mặt tối”, công việc và cuộc sống của bạn sẽ nhẹ nhàng trôi chảy hơn.
ĐỪNG BI KỊCH HÓA THỜI HẠN CÔNG VIỆC
Nhiều người trong chúng ta thường xuyên phải làm việc dưới áp lực của những công việc với thời hạn gấp gáp, và việc sáng tác lại càng không phải ngoại lệ.
Tôi không phủ nhận các thời hạn là một thực tế không thể chối bỏ. Tuy nhiên có một điều, nguyên nhân sâu xa của sự căng thẳng thường không phải do thời hạn mà do ý nghĩ về thời hạn gây ra. Bạn tự hỏi không hiết mình có kịp hoàn thành đúng hạn hay không, rồi tủi thân, rồi phàn nàn, mong đợi ở người khác một sự đồng tình.
Có lần, khi đang ngồi đợi ai đó ở văn phòng, tôi tình cờ nghe hai nhân viên nói chuyện với nhau. Họ phàn nàn về một công việc có thời hạn quá vô lý. Đại loại là họ chỉ có hai tiếng đồng hồ để viết một bản báo cáo gì đó.
Tôi ngồi nghe mà vô cùng kinh ngạc. Trong suốt gần một tiếng đồng hồ, họ chỉ nói chuyện, phàn nàn với nhau mà thôi. Mãi đến khi tôi chuẩn bị rời khỏi đó, mới nghe một trong hai người thảng thốt:” trời, bắt đầu thôi, mình chỉ còn một tiếng đồng hồ”.
Có thể ví dụ này hơi cực đoan và không mấy ai trong chúng ta phí phạm thời gian trong một tình huống như thế. Tuy nhiên, câu chuyện mịnh họa cho ý tôi đề cập trên đây: rằng thời hạn thực chất không phải là nguồn gốc gây căng thẳng. Ở một mức độ nào đó, hai người trong ví dụ trên đây đã biết họ có thể hoàn thành công việc này, thậm chí trong một tiếng đồng hồ. Giá họ im lặng, khẩn trương bắt đầu công việc thì họ đã không phải bất mãn vì cái thời hạn vô lý.
Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi rút ra một điều: phàn nàn về những thời hạn cho dù chính đáng đi nữa cũng là ta tiêu hao rất nhiều năng lượng tinh thần và thời gian. Chu dù bạn phàn nàn thành lời hay tự lẩm bẩm trong đầu ddeuf như nhau. Chính ý nghĩ về thời hạn sẽ gây cho bạn tinh thần bức bối.
Tôi biết trong công việc, đôi khi có những thời hạn gấp gáp đến vô lý làm bạn phải căng thẳng. Nhưng, nếu không để các cảm xúc tinh thần tiêu cực chi phối, bạn sẽ làm việc dễ dàng hơn.
Hãy để ý xem mình thường phàn nàn, bất mãn, lo lắng về các thời hạn ở mức độ nào, nhận biết nó một cách kịp thời và tự nhủ: mình sẽ dùng năng lượng đó vào việc khác. Rồi một ngày nào đó, bạn sẽ thấy bình thản trước mọi thời hạn.
NHỮNG KHOẢNG THỜI GIAN KHÔNG ĐIỆN THOẠI.
Với tôi, điện thoại là một công cụ mà một mặt, nó là thứ hiển nhiên không thể thiếu nơi công sở. Trong khi mặt khác, nó rất có thể là thứ phiền toái, gây căng thẳng nhất. Có những lúc ta liên tục phải trả lời điện thoại, không làm được việc gì khác. Nó làm ta bực bội, cảm thấy oán giận người ở đầu dây bên kia.
Có lần, tôi đang ngồi trong phòng làm việc của một vị giám đốc thì chuông điện thoại trên bàn reo. Anh gào lên” cái điện thoại chết tiệt này không bao giờ ngừng reo” và mất gần 15 phút trả lời điện thoại. nhìn anh đầy mệt mỏi, chán nản. Thế nhưng, chỉ vài phút sau, anh lại phải xin lỗi tôi vì điện thoại lại reo. Anh nói anh không thể tập trung hoàn thành công việc gì chỉ vì luôn phải trả lời quá nhiều điện thoại. tôi hỏi: vậy đã bao giờ anh thử dành ra những khoảng thời gian không trả lời điện thoại chưa?. Đầy ngỡ ngàng, anh trả lời: chưa. Đề nghị này hẳn sẽ giúp anh thảnh thơi hơn, có nhiều thời gian đầu tư cho công việc hơn, bởi cũng giống như nhiều người khác, anh cần những khoảng khắc không bị quấy rầy. Anh hoàn toàn có quyền nhấc điện thoại và nói: tôi sẽ gọi lại sau.
Nếu bạn làm tiếp tân, nhân viên bán hàng…điều này có thể không mấy phù hợp. Nhưng với nhiều người khác, nó rất cần thiết. Bản thân tôi là một ví dụ. Tưởng tượng nếu không tự đặt ra cho mình những khoảng thời gian” không điện thoại”, chắc chắn, suốt cả ngày, tôi sẽ không còn thời gian để viết lách hay làm chuyện gì khác.
Tuỳ theo trường hợp, bạn có thể “ không trả lời điện thoại” theo nhiều kiểu khác nhau. Như tôi, có những lúc trong ngày, tôi ngắt điện thoại và chỉ trả lời những cú thật khẩn cấp (mà thường rất hiếm có). Như thế, tôi có thể tập trung tối đa cho công việc của mình.
Trường hợp khác, nếu trả lời điện thoại là một phần trong nhiệm vụ công việc của bạn thì bạn sẽ phải sáng tạo đôi chút. Bạn định ra khoảng thời gian này trước khi công việc chính thức bắt đầu hoặc sau khi tan sở chẳng hạn. Một người phụ nữ tôi quen biết đem đồ ăn trưa vào ăn ngay ở bàn làm việc, đồng thời tắt điện thoại trong khoảng thời gian cho phép này. Ít nhất cô cũng có thể tập trung làm việc trong giờ ăn trưa.
Một cách khác, bạn thẳng thắn đề nghị với sếp và trong khoảng thời gian nhất định, bạn gài chế độ nhắn, hoặc vẫn nhận điện thoại nhưng nói mình sẽ gọi lại sau. Như thế dù sao bạn cũng chỉ mất 1 đến 2 phút thay cho 10 hay 15 phút trên điện thoại.
Nếu bạn làm việc tại nhà thì điều này còn dễ thực hiện hơn nữa. bạn chỉ cần định ra những khoảng thời gian nhất định cho mình.
Vậy còn những cú điện thoại khẩn hay thật quan trọng thì sao? Trong trường hợp của tôi, tôi có một đường dây riêng dành cho gia đình, bạn bè thân thiết và một vài người quen. Có một cách khác là bạn để lại số máy nhắn tin hoặc số điện thoại khác của mình và yêu cầu chỉ liên hệ trong trường hợp thật sự cấp bách. Tôi tin mọi người sẽ tôn trọng yêu cầu đó của bạn. Nếu không áp dụng được cách này, bạn có thể tỉnh thoảng kiểm tra máy nhắn tin, điện thoại của mình. Như thế, bạn có thể tránh được khá nhiều cuộc điện thoại mà vẫn không sợ để lỡ những cuộc gọi gấp và quan trọng.
Khi không bị sao lãng bởi các cú điện thoại, tôi thấy mình có thể tập trung làm việc với hiệu qủa gấp hai, ba lần, và sau đó quay lại trả lời điện thoại khi việc đã xong.
Tôi tin tưởng bất cứ cách gì bạn dùng để thử nghiệm trong chiến thuật này đều sẽ có ích. Hãy chấp nhận và đối mặt với nói, bởi bạn không thể chờ đợi ở một công việc ít phải trả lời điện thoại hơn.
TRÁNH KHOE KHOANG NỖI VẤT VẢ
Một trong những công việc chính của tôi là đi khắp nơi diễn thuyết, giúp mọi người không bị chi phối bởi những chuyện nhỏ, khống chế stress và sống hạnh phúc. Thông thường, trước và sau buổi nói chuyện, tôi hay được mời dự họp, ăn uống, tiệc tùng.
Tôi phải công nhận đa số những người tôi đã từng gặp gỡ đều tỏ ra giỏi giang, biết suy nghĩ và rất dễ thương. Thế nhưng, tôi vẫn nhận thấy ở họ một xu hướng chung- đó là xu hướng thích khoe khang về công việc.
Người ta thích kể cho người khác nghe mình bận rộn đến thế nào và làm việc chăm chỉ ra sao. Đề tài này không chỉ thoảng qua trong câu chuyện mà nó là trung tâm của mọi chủ đề. Dường như người ta thấy vẻ vang hơn nếu mình bận đến mất ngủ, đến không còn thời gian cho cá nhân. Người ta kể về cuộc sống mệt mỏi của mình, rằng đã nhiều tháng nay họ không có chút thời gian nào dành cho gia đình, người yêu, không hề nghỉ phép, thậm chí vô lý đến mức không có thời gian để ăn hay để đi vệ sinh. Không chỉ dừng ở những người đi làm, dường như tất cả mọi người ai ai cũng mắc vào xu hướng này.
Trước khi tiếp tục, tôi phải nói rằng tôi không hề có ý phủ nhận sự vất vả của mọi người, phủ nhận sự thật công việc vốn là khó khăn bởi chính tôi cũng đang đương đầu với nó. Vấn đề là ở chỗ: càng cố nhấn mạnh sự bận bịu của mình, bạn sẽ càng cảm thấy căng thẳng hơn mà thôi. Điều này giới hạn tầm nhìn của bạn chỉ ở góc độ tiêu cực của công việc.
Khoe khoang về công việc, về sự vất vả của mình suy cho cùng là một đề tài vô nghĩa và lãng nhách. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều cuộc nói chuyện xoay quanh đề tài này mà chưa bao giờ thấy ai tỏ ra phấn khởi khi phải nghe về sự bận bịu của người khác. Người đối thoại thường chỉ nóng lòng chờ đợi đến phiên họ kể về công việc của mình, hay hờ hững nhìn quanh. Đề tài này quả thật cũ rích bởi ai cũng đã nói về nó.
Nói một cách thẳng thắn, người khác không tích nghe bạn phàn nàn và bạn càng không thích nghe người khác phàn nàn. Bạn thích gặp ai kể bạn nghe về những điều thú vị trong cuộc sống hơn chứ, phải không?
Nói gì đi nữa, đây cũng là một thói quen không tốt. Nếu bận, bạn càng cần rút ngắn, thậm chí cắt bỏ hoàn toàn khoảng thời gian vô bổ này. Kể ra sẽ chỉ càng làm bạn kém sức lôi cuốn và căng thẳng hơn mà thôi.
CẢI THIỆN CÁC CUỘC HỌP BUỒN TẺ
Tôi đã từng thực hiện một cuộc điều tra xem điều gì làm người ta ngao ngán nhất nơi công sở và kết quả là họp, đặc biệt những cuộc họp buồn tẻ. Nhiều người nói họ phải tham dự quá nhiều cuộc họp mỗi ngày, mỗi tuần trong khi rất nhiều trong số đó không hề cần thiết.
Thú thật, do tính chất công việc của mình, tôi không phải tham dự họp hành nhiều. Dù thế, tôi đã tìm cho mình một chiến thuật rất hữu hiện để đối phó với các cuộc họp. và nhiều người sau khi thử nghiệm ý tưởng này cho biết họ cũng thấy hiệu quả.
Có hai điều bí mật giúp tôi biến các cuộc họp trở nên thú vị và hữu hiệu. Thứ nhất, tôi coi các cuộc họp như cơ hội để thực tập “ sống ở hiện tại”. Nói cách khác, tôi không để đầu óc mình suy nghĩ vẩn vơ theo kiểu ước gì mình đang ở chỗ nào khác hay nghĩ về những việc sẽ làm sắp tới, mà tôi cố gắng hòa nhập vào cuộc họp. Tôi đã có mặt ở đây, nên tôi phải sống với hiện tại này, tập trung lắng nghe. Nhờ thế, tôi bỗng trở nên tích cực với bất cứ nội dung gì đang được thảo luận và đóng góp ý kiến khi có thể.
Kể từ khi bắt đầu thực hiện điều này, với tôi, các cuộc họp bỗng trở nên thú vị hơn. Tôi học hỏi được nhiều hơn và cảm thấy mình tích cực hơn. Mọi người xung quanh dường như cũng quý trọng tôi hơn. Có thể bản thân họ cũng không nhận ra điều này nhưng trong cuộc họp, khi họ được bạn lắng nghe, họ cũng sẽ muốn được lắng nghe bạn nói. Sự hiện diện đúng nghĩa cùng sức mạnh lội cuốn ở bạn làm hấp dẫn người khác.
Điều bí mật thứ hai của tôi là luôn tự nhủ mình sẽ học được điều gì đó từ mỗi cuộc họp. Vì thế, tôi lắng nghe chăm chú, chắt lọc cho mình những kiến thức, thông tin chưa biết thay vì đánh giá những gì đang nghe. Tôi nhận ra rằng: một khi có ý định học hỏi, bạn sẽ luôn tìm thấy điều gì đó để học.
Kết quả tôi đạt được khá lớn. Tôi học thêm được nhiều điều, đồng thời các cuộc họp với tôi trở nên thú vị hơn. Quan điểm của tôi là: dù sao mình đã có mặt ở đây. Vậy tại sao không tìm cách sử dụng thời gian đó cho hữu ích? Điều này sẽ góp phần làm cho cuộc sống của bạn nơi công sở trở nên vui vẻ và hiệu quả hơn.
ĐỪNG BAO GIỜ NGHĨ ĐẾN SỰ MỆT MỎI
Trên một chuyến bay, tôi tình cờ nghe hai người thanh niên nói chuyện với nhau về một đề tài ngu ngốc nhất trên đời. Câu chuyện của họ kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ xoay quanh chuyện ngày mai, rồi tuần sau, họ sẽ mệt mỏi thế nào.
Họ, hai người, người này cố thuyết phục người kia sắp tới mình sẽ phải làm việc vất vả bao nhiêu giờ một ngày, sẽ thiếu ngủ và mệt mỏi đến kiệt sức ra sao. Tôi không xác định được họ thật sự đang phàn nàn hay “ khoe”. Nhưng có một điều, cả hai đều có vẻ càng ngày càng mệt mỏi hơn. Giọng nói của họ trở nên nặng nề như thể kể từ lúc đó, họ đã bắt đầu phải hứng chịu sự vất vả và thiếu ngủ. Bản thân tôi, dù chỉ nghe họ nói cũng bắt đầu thấy mệt.
Vấn đề là khi bạn tưởng tượng về sự mệt mỏi, bạn sẽ càng lám nó phát triển hơn. Tâm trí bạn bị cuốn vào những giờ thiếu ngủ, vào cảm giác kiệt quệ, để rồi buổi sáng ,khi vừa thức dậy, bạn sẽ lập tức tự nhắc nhở rằng mình đã ngủ chỉ mấy tiếng đồng hồ. Điều này về sau trở thành một thông điệp ngầm gửi đến bộ nhớ của bạn, nhắc bạn phải cảm thấy mệt, phải hành động một cách mệt mỏi như thể đã được lập trình từ trước.
Dĩ nhiên tôi không phủ nhận mọi người đều cần được nghỉ ngơi đầy đủ. Tôi đọc một số bài báo viết đa phần chúng ta đều thiếu ngủ. Giải pháp tốt nhất cho bạn dĩ nhiên là đượcngủ cho đủ. Thế nhưng, trong trường hợp không thể thực hiện điều ấy, Nếu bạn tiếp tục nghĩ đến nó, thậm chí tưởng tượng trước trong đầu mình sẽ mệt mỏi vì nó thì quả là điều không đáng làm nhất. Theo tôi, hãy trân trọng từng giờ phút mình đã được ngủ dù ngắn ngủi thế nào đi nữa.
Tôi là người thường xuyên phải đi công tác xa. Có những khi tôi chỉ được ngủ 3 hoặc 4 tiếng, thậm chí ít hơn. Tôi nhận thấy nếu mình có thể quên, tạm thời không đề ý đến nó, thì vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi đó trở nên hiệu quả hơn nhiều. ngoài ra, bất cứ khi nào có thể, tôi tranh thủ chợp mắt trong giây lát. Đặc biệt tôi không bao giờ nói với ai về sự thiếu ngủ của mình. Bởi nói đến nó chỉ làm tôi thấy mệt hơn mà thôi.
Tôi nhận thấy kiểu tưởng tượng này dã trở thành thói quen của khá nhiều người. Nếu bạn cũng mắc vào xu hướng này, hãy cố điều chỉnh, bạn sẽ thấy mình ít mệt hơn. Và chắc chắn càng ít mỏi mệt, bạn sẽ càng ít phải bận tâm vì những chuyện nhỏ trong công việc.
ĐỪNG CĂNG THẲNG VÌ CƠ CHẾ QUAN LIÊU
Không ai đi làm lại không phải đối mặt với nạn quan liêu dưới đủ kiểu dạng: từ chính quyền địa phương đến thành phố, bảo hiểm, an toàn xã hội, bệnh viện, bưu điện, quản lý an toàn giao thông, giấy phép kinh doanh…và đương nhiên là thuế vụ. Dù ở ngành nghề nào: giáo dục, y tế, thực phẩm, hàng không, xây dựng hay môi trường…bạn đều phải đối mặt với nạn quan liêu.
Bạn có quyền phàn nàn suốt ngày này qua tháng khác về quan liêu, ước ao nó sẽ biến mất, hoặc tranh đấu, cãi cọ và bất mãn. Nhưng dù thế nào, sự thật vẫn là sự thật: bạn vẫn phải đối mặt với quan liêu. Chính vì vậy, tôi đề nghị bạn đừng căng thẳng vì nó mà hãy tìm cho mình cách gì đó.
Joe làm chủ một doanh nghiệp nhỏ với 6 nhân viên. Có lần, anh bỗng nhận được từ phòng thuế giấy thông báo xác nhân đóng cửa doanh nghiệp. vấn đề là doanh nghiệp của anh vẫn hoạt động bình thường và không hề có ý định đóng cửa. anh gọi điện rồi viết đơn nhưng hết lần này đến lần khác, họ vẫn trả lời: doanh nghiệp của anh đã chính thức đóng cửa. Phải đến 6 tháng sau, vấn đề mới được giải quyết xong xuôi.
Chuyện đáng nói ở đây là Joe đã không hề tỏ ra hoang mang. Anh tâm sự với tôi: trên xác suất thì trước sau gì cũng phải đụng độ mấy chuyện kiểu này. Vì thế, thay vì căng thẳng, hoang mang, anh tỏ ra bình tĩnh lạc quan.
Tôi không đề nghị bạn thu mình lại để trở thành nạn nhân của quan liêu, cũng không yêu cầu bạn chấp nhận nó. Tôi càng không nói bạn hãy mỉm cười khi phải đói diện với những kết luận hệt như từ trên trời rơi xuống đất của các cán bộ quan liêu. Tôi chỉ khuyên bạn tìm ra một các tương đối hiệu quả nhất. Bạn cũng có thể viết thư góp ý nhưng đừng để mình phải căng thẳng vì nó.
Ngoại trừ một số ít các trường hợp, hầu hết mọi việc đề có cách giải quyết. miễn là bạn kiên nhẫn, bền bỉ và đừng quá tỏ ra lo lắng. Nhìn từ góc độ hài hước, xã hội nào cũng phải có chỗ cho các quy tắc, luật lệ, chỉ có điều các quy tắc luật lệ đó đang bị trục trặc đôi chút mà thôi.
Năm ngoái, tôi cũng phải đụng độ với hai vụ việc quan liêu, một ở phòng quản lý giao thông công chánh và một ở cơ quan nhà nước nọ. Nhìn từ mọi phương diện, cả hai vụ việc đều quá vô lý. Thậm chí lúc đó tôi tự hỏi không biết mình đang đứng trên hành tinh nào.
Tuy nhiên trong chính cơ chế quan liêu này cũng có những người không hoàn toàn như thế, họ tỏ ra biết linh động, có thiện chí và đây chính là điều đem đến cho chúng ta chút tia hy vọng. Hãy cố tìm đến những người này khi bạn buộc phải liên hệ ở các cơ quan quan liêu. Trong cả hai lần gặp rắc rối kể trên, cuối cùng tôi đều giải quyết được mọi chuyện ổn thỏa nhờ có sự giúp đỡ của những người này.
Tuyệt đối đừng giận dữ bởi các cán bộ quan liêu sẽ lập tức dở nguyên tắc, luật lệ ra để nói chuyện với bạn thay vì tìm một giải pháp thật sự.
Tôi biết vấn đề này không dễ dàng, ngay cả với tôi cũng vậy. Thế nhưng tôi đã nghĩ rất nhiều và đưa ra kết luận rằng nó hoàn toàn không đáng để ta phải nản lòng.
HÃY GHI NHỚ: CHẾT LÀ HẾT LÀM ĂN
Mấy năm về trước, cha tôi còn làm việc cho tổ chức BENZ. Ở tổ chức này, người ta giảng giải cho các chuyên viên kinh tế về sự vô lý của cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân cả về tính chất nguy hiểm lẫn gánh nặng kinh tế do nó gây ra. Trong đó, có một câu nói thường được nhắc đi nhắc lại: Chết là hết làm ăn. Ở đây, họ muốn nhấn mạnh một cách hài hước rằng khi tất cả chúng ta đều nổ tung thì chẳng còn ai có lợi.
Chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng câu nói này trong cuộc sống hàng ngày : Chết là hết làm ăn.
Nếu bạn nói: “Tôi không có thời gian để tập thể dục”, thì câu bạn cần phải nói chính là: “Tôi không còn thời gian để không tập thể dục”. Một khi để mất sức khỏe, bạn sẽ chẳng làm được gì. Thử nhìn về lâu về dài bạn sẽ thấy, khoảng thời gian bạn bỏ ra để chăm sóc bản thân thật ra rất ít so với nếu bạn để mất sức khỏe, mất khả năng làm việc.
Tôi có một người quen, làm việc cho một công ty luật lớn ở New York. Anh làm việc không biết mệt mỏi. ngày ngày, anh rời khỏi nhà từ sáng sớm và trở về lúc tối mịt. anh luôn sống trong căng thẳng. Anh không có thời gian dành cho lũ trẻ trong khi chúng ngày một khôn lớn. Anh thiếu ngủ, thiếu thể thao. Anh bảo tôi: “Này, Richard, với nhịp đọ làm việc này chắc mình chết mất”. Mà vấn đề ở chỗ, anh làm thế cũng chẳng với mục đích, tương lai gì cụ thể, sáng lạn hơn. Anh càng cống hiến, càng có vị trí trong công ty, nó lại càng đòi hỏi ở anh nhiều thời gian hơn.
Thế rồi đến một lúc vượt quá giới hạn của mình, anh đã phải đấu tranh tư tưởng rất dữ dội và cuối cùng, đưa ra một quyết định: phải thay đổi. Công việc cũng quan trọng nhưng anh không thể hy sinh tất cả vì nó, kể cả những giây phút chứng kiến từng bước trưởng thành của con mình. Anh rời bỏ công ty luật, mở một văn phòng riêng. Với anh đây là một bước chuyển biến vô cùng lớn lao. Cách đây không lâu tôi gặp lại anh, anh nói chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như thế. Mọi thứ đều đâu vào đó và lần đầu tiên, anh có nhiều thời gian đến thế dành cho vợ con. Anh vẫn làm việc chăm chỉ, nhưng anh đã tìm thấy cân bằng trong cuộc sống. Anh đã vận dụng đúng câu nói: Chết là hết làm ăn.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể đưa ra một quyết định thay đổi táo bạo đến thế. Nhưng ít nhất, ăn uống điều độ, tập thể dục, nghỉ ngơi đầy đủ và sống lành mạnh cũng rất có ý nghĩa. Nếu bạn bỏ qua những đòi hỏi của cơ thể để duy trì sức khỏe, nhìn về lâu về dài bạn mới thấy mình thật ra là lãng phí rất nhiều thời gian. Chỉ cần bị cảm cúm, bạn cũng phải bỏ mất cả ngày làm việc. ai có thể nói chính xác nếu bạn chăm sóc tốt bản thân, bạn sẽ tiết kiệm được tới bao nhiêu năm thời gian?
Hãy luôn ghi nhớ điều này và giữ gìn sức khỏe cả về thể xác lẫn tinh thần. bạn sẽ thấy hạnh phúc, vui vẻ và sống lâu hơn. Đừng sợ mình sẽ tụt hậu bởi với một sức khỏe tốt, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn, bền bỉ hơn. Vậy hãy giữ gìn sức khỏe, vì sự nghiệp và tương lai của bạn.
TÌM RA LỢI ĐIỂM CỦA NHỮNG CHUYẾN CÔNG TÁC.
Do tính chất công việc, nhiều người ít khi hoặc thậm chí không bao giờ phải biết đến những chuyến công tác. Trong khi đó, có những người thường xuyên phải đi, phải chịu đựng những sự bất mãn của một chuyến công tác: chuyến bay hoãn, hủy; bị giam cầm trong khoảng không gian bức bối nhiều giờ đồng hộ trên tàu xe, rồi đong đúc bát nháo, nỗi lo rớt máy bay, chưa kể đến việc thay đổi múi giờ, mất ngủ, thức ăn không hợp khẩu vị…
Bạn không có cách nào để tránh được những chuyến công tác, nhưng có thể làm một số điều để cải thiện chúng.
Trước hết, hãy tỏ ra thân thiện hơn với tiếp viên hàng không. Nhiều lần, tôi được họ khen là hành khách dễ chịu. điều này làm tôi khá bối rối bởi thực ra tôi không hề thích bay và chắc là kém nhã nhặn nhất khi phải ở trên máy bay. Thế nhưng, qua điều này, tôi hiểu rằng hầu hết chúng ta đều thiếu kiên nhẫn khi ngồi trên máy bay. Xin hãy nhớ các tiếp viên có mặt ở đó vì công việc, vì đồng lương của họ nhưng cũng vì giữ gìn sự an toàn và thoải mái cho chúng ta.
Tôi cảm thấy dường như mỗi khi mình tỏ ra dễ thương, thể hiện thái độ thân thiện như nói lời cảm ơn…thời gian trôi qua nhanh hơn và chuyến bay cũng thú vị hơn. Nếu tôi dễ chịu với các tiếp viên, họ sẽ đáp lại tôi bằng thiện chí. Họ cố giúp tôi vui vẻ và có thể do tôi tưởng tượng chăng, các hành khách quanh tôi dường như cũng vui vẻ theo.
Khi bạn phải xếp hàng mua vé cũng vậy. nếu bạn vui vẻ với mọi người, bạn sẽ phải ngạc nhiên vì thái độ dễ chịu của họ dành cho bạn. Có lần, tôi được đổi vé từ hạng thường qua hạng thương gia chỉ vì tôi là người duy nhất không phàn nàn ở đó, không gây khó dễ cho người bán vé. Trong chuyến công tác, sự kiên nhẫn và lòng nhân ái của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.
Còn một điều: đừng nên ăn quá nhiều trên máy bay. Nếu phải uống bia hay rượu, bạn chỉ nên nhấm nháp đôi chút. Khi ăn hay uống quá nhiều trên máy bay, nó sẽ làm bạn uể oải.
Bên cạnh đó, hãy đem theo một vài quyển sách. Trên máy bay, tâm trạng của bạn rất khác thường, thích hợp để đọc những loại sách mà thường bạn không bao giờ nghĩ mình sẽ đọc. Hãy thử đọc truyện trinh thám, tiểu thuyết hay một loại nào khác lạ với bạn hơn. Tôi đã từng gặp những người thích học ngoại ngữ trên máy bay. Họ đem theo chương trình dạy ngoại ngữ bằng bang cassette, nhắm mắt lại, thư giãn và học. Như thế, sau 100.000 dặm bay, họ sẽ nói được thêm một ngoại ngữ.
Dĩ nhiên bạn cũng có thể sử dụng khoảng thời gian này để làm việc. Khoảng một phần tư cuốn sách này tôi đã viết trên máy bay, tuy không phải chương này. Bạn hoàn toàn có thể dành thời gian trên máy bay để làm những việc tốn nhiều thời gian, hoặc sáng tác như trong trường hợp của tôi.
Khi đã đến nơi cần đến, hãy tận hưởng tối đa điều kiện ở đó. Đã bao giờ bạn có ý định học thiền hay yoga? Nếu có thì còn lúc nào tốt hơn khi bạn đang một mình trong phòng khách sạn? Bạn cũng có thể tranh thủ giải quyết một số công việc cần làm trong điều kiện không bị ai quấy rầy này. Rồi tập một vài động tác thể dục, đi dạo vài vòng trước khi bắt đầu cuộc họp hay vào buổi tối, khi mọi việc đã kết thúc. Tôi còn thấy đây là lúc thích hợp để tôi tranh thủ liên lạc với một vài người bạn cũ, mà thường tôi sẽ không bao giờ có thời gian để gọi họ từ văn phòng hay ở nhà.
Vấn đề mấu chốt là hãy tỏ ra sáng tạo, tối đa tận dụng nhữn lợi điểm của hoàn cảnh. Hãy tìm ra điều gì đó để làm thay vì phàn nàn. Dù thế nào, những chuyến công tác rồi sẽ trôi qua. Ký ức không phải ở khoảng thời gian ngắn, dài hay thành phố, địa điểm nào bạn đã đến, càng không phải ở số kilomet bạn đã bay, mà ở chính thái độ sống của bạn. Lần tới, khi phải lên đường cho một chuyến công tác mới, hãy cố gắng tận dụng nó và tìm cho mình những niềm vui.
HÃY THẮP SÁNG NGỌN NẾN THAY VÌ NGUYỀN RỦA BÓNG ĐÊM
Tôi đã được nghe triết lý này từ nhiều năm trước và luôn cố gắng ghi nhớ. Vô cùng đơn giản mà chính xác, triết lý này dạy chúng ta hãy tiến một bước tiến tích cực dù nhỏ để tìm ra giải pháp thay vì xoáy sâu vào vấn đề. Triết lý này thường bị bỏ qua, nhưng tôi nhận thấy môi trường công việc là nơi thích hợp nhất để chúng ta thực hành.
Trong công việc ta thường có xu hướng tốn thời gian, công sức vào những chuyện tiêu cực. Ta phàn nàn về vấn đề tài chính, về những con người thiếu thiện chí, về lòng tham, về sự thiếu thốn tình nhân ái, về quan liêu và rất nhiều điều khác. Tóm lại, bất cứ lúc nào, tại đâu ta cũng có thể tìm ra chứng cớ để củng cố niềm tin thế giới này đầy rẫy những vấn đề.
Thế nhưng, nếu nhìn lại, bạn sẽ thấy trong hầu hết các trường hợp, phàn nàn, tâm sự để tìm sự đồng cảm của người khác hay nghĩ quá nặng nề sẽ chỉ tăng thêm căng thẳng, đồng thời biến vấn đề trở nên nan giải hơn mà thôi. Khi ta chỉ tập trung vào một vấn đề và nói quá nhiều về nó, tự khắc ta tin cuộc sống chỉ toàn là phức tạp, là khó khăn. Trong đầu ta khi ấy chỉ toàn xuất hiện những sự việc đáng chê trách, cần phải thay đổi, còn tâm trạng trở nên chán chường, mệt mỏi.
Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp, bạn hoàn toàn có thể “ thắp sáng ngọn nến” để làm nhẹ bớt nỗi căng thẳng đang đè nặng. Hãy nhấn mạnh hơn ở các giải pháp thay vì nguyền rủa hoàn cảnh.
Ví dụ ở nơi công sở của bạn có tệ nạn thích ngồi lê, nói xấu. Đừng bất mãn, oán giận mà hãy tìm ra một cách gì đó. Bạn có thể tìm cơ hội tập trung một số người và nhẹ nhàng đề cập đến vấn đề này. Đừng buộc tội ai, chỉ tập trung đến phần trách nhiệm của bản thân mình thôi. Thú nhận mình cảm thấy rất tội lỗi vì đôi lúc có tham gia ngồi lê đôi mách, nhưng mình sẽ cố gắng không như thế nữa. Đồng thời, rủ người khác cùng mình tham gia. Hãy nói chuyện một cách thoải mái, vô tư. Tập trung đề cập đến những lợi điểm khi bớt đi tệ nạn này như: mọi người sẽ cảm thấy dễ chịu với nhau hơn, bớt đi nỗi lo không biết người khác đang nói gì về mình, bớt căng thẳng,…tôi chắc nhiều ngưới sẽ muốn tham gia cùng bạn, đơn giản vì bạn là người đã đi bước đầu tiên. Mà cho dù họ không muốn tham gia đi nữa, bạn cũng đã tiến một bước tiến nhằm giảm bớt tệ nạn không mấy tốt đẹp nơi công sở. Đằng nào, bạn cũng là người thắng cuộc.
Tôi từng tiếp xúc với một cô gái tên Sarah làm ở phòng quản lý giao thông công chánh. Tôi chưa từng gặp ai làm việc hiệu quả và đảm nhận tốt vai trò của mình như cô. Cô rất nhã nhặn, thân thiện. Không nén được tò mò, tôi hỏi cô bí quyết gì và đây là câu trả lời: “ Nhiều năm qua, tôi đã luôn trì hoãn công việc của khách hàng với cái cớ: đó không phải là việc của phòng, ban tôi, dù thật ra, ít nhất trong một nửa các trường hợp, tôi biết câu trả lời. Hầu hết mọi người đều tỏ ra giận dữ, căm ghét thái độ quan liêu của tôi. Rồi đến một lúc, chính tôi cũng cảm thấy chán ngán sự cộc cằn, gắt gỏng của mình. Tôi quyết định mình phải thay đổi.Giờ đây, tôi luôn cố gắng giúp đỡ mọi người bất cứ khi nào có thể, tôi giúp họ không bị hẹn tới hẹn lui và cũng không phải tiếp tục xếp hàng ở một quầy khác. Xung quanh tôi, tất cả đều thay đổi. Mọi người biết tôi và bản thân tôi cũng hài lòng vì bản thân mình. Công việc của tôi trở nên thú vị hơn nhiều.”
Bạn thử nghĩ xem, thắp sáng ngọn nến có dễ dàng không?
THÀNH VIÊN CỦA HỘI “TGIT”
Giới công chức và những người phải đi làm trên thế giới ngay nay được chia làm hai hội. Hội thứ nhất, cũng đồng thời là hội phổ biến nhất là “TGIF” hay “ Thank God It's Friday” nghĩa là “ Ơn trời, hôm nay là Thứ Sáu”. Để trở thành thành viên của hội này, bạn phải là người của những ngày cuối tuần. Bạn luôn nghĩ, luôn tưởng tượng và mong đợi đến ngày thứ sáu để được thoát khỏi công việc. Thành viên của hội này sống trong căng thẳng suốt tuần. Với họ, mỗi tuần chỉ có hai ngày đẹp. Chủ nhật cũng căng thẳng với ý nghĩ ngày hôm sau, họ sẽ phải quay lại với công việc.
Hội thứ hai nhỏ hơn nhưng ở góc độ nào đó, thành viên của hội này tâm huyết với hôi hơn. Đó là hội “ TGIM” hay “ Thank God It's Monday” nghĩa là “ Ơn trời, hôm nay là Thứ Hai”. Thành viên của hội này là những người tham công tiếc việc. Họ không chịu đựng nổi những ngày cuối tuần. Cuộc sống thành viên hội này cũng không kém phần căng thẳng. Dù đã có tới 5 ngày làm việc nhưng tuần nào cũng xuất hiện những ngày cuối tuần đáng ghét. Với họ, ngày căng thẳng nhất là ngày thứ sáu bởi trong mấy ngày kế tiếp, Họ biết mình sẽ không được làm việc. Dù họ vẫn có thể làm ở nhà nhưng họ sẽ bị quấy rầy vì những đòi hỏi, yêu cầu từ gia đình.
Khỏi cần phải nói bạn cũng biết thành viên của hai hội nghĩ về nhau như những kẻ điên.
Còn tôi xin mời bạn tham gia vào một hội khác. Hy vọng của tôi là cuối cùng hội chúng ta sẽ đạt được 100% hội viên tham gia. Hội tên là ‘TGIT” hay “ Thank God It's Today” nghĩa là ‘ Ơn trời, hôm nay là hôm nay”. Thành viên hội chúng ta sẽ có cả bảy ngày hạnh phúc. Chúng ta biết ơn vì được ban cho cuộc sống này. Từng ngày trôi qua tràn đầy những cơ hội, những điều kỳ diệu.
Để là thành viên của hội “TGIT”, bạn không cần bất kỳ điều kiện nào ngoại trừ ước mong được sống một cuộc sống tươi đẹp và niềm khao khát được biết ơn từng ngày cuộc sống. Bạn hiểu rằng ao ước ở một ngày nào khác hơn ngày hôm nay là điều vô ích. Dù bạn thích hay không, thứ hai vẫn là thứ hai và dù bạn muốn hay không, thứ sáu vẫn phải đến. Tất cả đều tùy thuộc vào bạn, vào cách bạn sử dụng từng ngày trôi qua. Ao ước của bạn ở điều gì khác mãnh liệt đến thế nào đi nữa cũng không làm nên thay đổi.
Là thành viên của hội, bạn sẽ thấy sự khác biệt đáng kể trong thái độ sống của mình nơi công sở nói riêng và cuộc sống nói chung. Mỗi sáng khi thức dậy, chỉ cần tự nhủ: “Ơn trời vì ngày hôm nay. Tôi sẽ biến nó thành một ngày thật tươi đẹp”; bạn sẽ thấy ngày hôm đó trôi qua nhẹ nhàng và ít căng thẳng thế nào. Sự chuyển biến này trong thái độ sống sẽ giúp bạn tiến bước dài đến một cuộc sống tích cực hơn.
MỘT ÔNG CHỦ HAY ĐÒI HỎI
Tôi nghiệm thấy phần lớn những người tôi quen biết đều đang hay ít nhất đã từng làm việc cho một ông chủ hay đòi hỏi. Cũng giống như chuyện thời hạn công việc, chuyện thuế má, ông chủ hay đòi hỏi là điều bạn khó lòng tránh khỏi trong công việc. Giả sử bạn không làm việc dưới quyền ai đi nữa, bạn cũng sẽ phải đối mặt với những đồng nghiệp hay đòi hỏi, những khách hàng khó chịu.
Cũng như mọi vấn đề khác trong cuộc sống, bạn có hai kiểu phản ứng. Cách mà phần lớn mọi người vẫn làm là phàn nàn, nói xấu, ước cho ông chủ biến khỏi tầm mắt, rồi toan tính mưu mô trong đầu, trù ẻo ông ta…Tất cả dẫn đến kết cục: bạn mãi mãi phải chịu đựng, phải căng thẳng vì sự thật không thể thay đổi này. Cách thứ hai là chọn cho mình một hướng đi khác hơn, nhắm đến những mặt tích cực của họ.
Với tôi, điều này quả thật không dễ bởi tôi vốn là người ghét bị “ giật dây”. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm tiếp xúc với rất , rất nhiều người như thế trong công việc, tôi nhận thức được một số điều quan trọng về họ.
Trước hết, những người có tính hay đòi hỏi sẽ đòi hỏi tất cả mọi người. Trước khi hiểu ra điều này, tôi luôn tưởng rằng cái ông, bà hay đòi hỏi nào đó chỉ tập trung vào tôi mà thôi. Tôi ngộ nhận cách xử sự của họ và cảm thấy vô cùng căng thẳng, áp lực. Tôi liên kết các vấn đề với nhau, tìm xem động cơ, nguyên nhân nào kiến họ đói xử với tôi như thế và tự củng cố thêm cho mình “ cái quyền được tức giận”. Buổi tối, khi về nhà tôi sẽ kể lể, phàn nàn với vợ dù biết cô ấy đã phải nghe chuyện này rất nhiều lần.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ khi tôi nhìn ra sự “ vô tội” của họ. Họ thật ra không cố tình xử sự như thế, họ đã bị vướng vào vai trò này. Dĩ nhiên, điều này không thể làm tôi thích làm việc với họ, Nhưng dù sao trong trường hợp bất khả kháng, tôi chấp nhận dễ dàng hơn.
Vài năm trước, tôi bị dồn vào tình thế phải làm việc với một người biên tập thích đòi hỏi. Tôi khổ sở vì sự chỉ trích, phê phán và yêu cầu này nọ của ông ta. Có lần, một người bạn chợt hỏi tôi: “ Anh có bao giờ nghĩ chính người hay đòi hỏi lại là người giúp anh phát triển năng lực lên một tầm mới không?”. Cho đến lúc đó, tôi mới thử nghẫm lại những kinh nghiệm công tác mình đã trải qua và chợt nhận ra chính những người hay đòi hỏi đã làm tôi phát huy hết năng lực của mình. Giọng văn, khả năng thuyết trình trước công chúng, kỹ năng sử dụng máy vi tính của tôi đều có liên quan đến những người hay đòi hỏi.
Suzanne, người quen của tôi làm việc cho một người sếp cực kỳ khó chịu. theo những gì cô mô tả, ông ta đòi hỏi chỉ để đòi hỏi, không hề có lý do nào. Dường như ông ta cảm thấ mình có uy quyền hơn khi ra lệnh này nọ.
Không riêng gì Suzanne, mọi người trong văn phòng đều chán ngán và sợ hãi. Rồi vì một lý do nào đó, Suzanne thông suốt được bản thân trước mọi xử sự quá quắt và cái tôi quá lớn của ông. Thay vì căm ghét, tập trung vào tính xấu, cô tìm kiếm những điều học hỏi được từ ông. Chẳng bao lâu sau, nhờ thái độ điềm tĩnh trong mọi tình huống, cô đã được cấp trên của sếp thăng chức và chuyển sang làm ở một bộ phận khác.
Chính nhận thức hai mặt: tích cực và tiêu cực của những người hay đòi hỏi đã làm thay đổi cuộc sống của tôi. Công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn. Thay cho thái độ sợ hãi, phòng thủ trước đây, tôi tiếp cận những người hay đòi hỏi với một thái độ hoàn toàn mới lạ. Tôi chờ đợi ở những gì họ sẽ dạy cho mình và tự nhủ, cách xử sự của họ không chỉ dành riêng cho tôi. Thật kỳ lạ, tôi thấy họ dễ gần hơn nhiều. Chính phản ứng thái quá trước đây của tôi đã làm khó tôi khi phải đối diện với những con người này. Tôi không định biện hộ cho hành vi thích đòi hỏi của họ, tôi vẫn nhận định đấy là một thói quen tiêu cực. Nhưng với tôi, đó chỉ là “ chuyện nhỏ” mà thôi.
BIẾT NHỚ ƠN
Tôi nghĩ không ai lại không thích được người khác nhớ ơn. Thậm chí ngược lại, khi bị quên ơn, người ta sẽ cảm thấy bị thiếu tôn trọng và tức giận.
Có rất nhiều cách để bạn thể hiện lòng biết ơn của mình. Ai đó gọi điện cho bạn, bạn cảm ơn. Ai đó gửi quà cho bạn, bạn dành chút thời gian viết cho họ đôi lời. Cả khi ai đó xin lỗi bạn, hãy biết ơn họ. Nhớ ơn lòng tốt sẽ là điều khuyến khích người ta tiếp tục xử sự như thế, tất cả chúng ta đều có lợi.
Như tôi đã nói, ai cũng thích được nhớ ơn. Bạn thích được khen khi mình làm một việc có ích, thích được hiểu, được cảm ơn khi phải lao động vất vả.
Dennis là người phụ trách một ban lớn ở công ty bảo hiểm nọ. Anh trực tiếp lãnh đạo khoảng 50 người. anh từng có quan điểm: “ Mọi người ở đây đều may mắn vì có việc làm. Nhưng nếu tôi thấy ai đó làm việc tốt, tôi sẽ thưởng thêm tiền.” Tôi đã khuyên anh nên suy nghĩ lại, nên sống nhân hậu, độ lượng và mở rộng hơn khái niệm” biết ơn”. Cũng phải mất một thời gian, nhưng sau cùng anh đã hiểu ra một cách chân thành.
Giờ đây khi nhìn lại, anh thấy khó tin vì mình đã từng xử sự như thế. Anh nói: “ mọi người làm việc cho tôi trong nỗi hoang mang, sợ hãi, chẳng ai cảm thấy được nhớ ơn. Bây giờ tôi luôn tỏ ý biết ơn khi công việc được hoàn thành suôn sẻ và tôi cảm nhận được sự khác biệt rất lớn. Mọi người đều vui vẻ, thoải mái, trung thành hơn. Chắc còn phải mất nhiều thời gian nhưng tôi có cảm giác họ đã bắt đầu tha thứ cho tôi. Tôi đã hiểu ra rằng tôi cần các nhân viên của mình cũng không kém gì họ cần đến tôi.”
Chúng ta phải biết ơn người khác, không chỉ để được trả ơn mà còn vì bản thân ta. Đó là điều nên làm, điều sẽ đem đến cho ta một tâm trạng vui vẻ. Tuy nhiên, những gì ta nhận được cũng sẽ rất xứng đáng. Những ai được ta nhớ ơn, yêu mến sẽ độ lượng hơn với ta, họ dễ dàng châm chước cho những lỗi lầm của ta, và điều này đem lại cho ta một cuộc sống vô cùng thanh thản và dễ chịu.
Trong sự nghiệp và cuộc sống của tôi, biết nhớ ơn đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Vậy, còn bạn? Hãy nghĩ xem, trong số những đồng nghiệp của bạn, có ai cần được bạn cảm ơn?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro