ĐỌC SÁCH MÀ GIÀU
Có người nói: "muốn giàu phải đọc nhiều sách", nhưng cũng lại có người nói: "nếu đọc sách chỉ làm giàu mà trở nên giàu có thì ai cũng giàu cả rồi". Cả hai người đều là những người giàu và thành công, vậy... thật khiến người ta có chút bối rối. Thực ra, hai câu trên chẳng có gì mâu thuẫn cả.
Trên đời không có "nhất phương trị bá bệnh", không có thứ thần dược nào có thể trị được tất cả các loại bệnh thì cũng không có con đường nào dẫn đến sự giàu có phù hợp cho tất cả mọi người. Mỗi người đều có tố chất và nỗ lực khác nhau, sở hữu tính cách khác nhau, lại sống trong những hoàn cảnh khác nhau, hiển nhiên việc lựa chọn con đường phải đi cũng không giống nhau như lang trung, tuy chữa cùng một thứ bệnh nhưng cũng tùy thể trạng, giới tính, sinh hoạt thường ngày... của bệnh nhân, lại xem xét hoàn cảnh môi trường, tùy tiết trời nóng lạnh... mà kê đơn bốc thuốc. Lại nói đến sách, đơn thuần chỉ là công cụ ghi chép. Đặc biệt, "sách chỉ làm giàu" – loại sách được kỳ vọng sẽ vạch ra con đường tiến thẳng đến sự giàu có thông qua việc thay đổi một khía cạnh nào đó của cuộc sống - thường mang tính chất đúc kết tương đối cao.
Về mặt nội dung có thể chia thành hai dạng, gọi nôm na là lý thuyết và thực hành. Dạng "Lý thuyết" tức là những sách chỉ bao gồm lập luận kiểu nếu bạn học bài chăm chỉ thì khả năng qua được kỳ thi giữa kỳ sẽ cao hơn là bấm game chăm chỉ. Ưu điểm của dạng sách này là tính bao quát cao do chỉ lập luận thôi mà, khái quát tất cả các trường hợp trong một quyển sách, dĩ nhiên là dạng tính cách nào cũng có. Khuyết điểm chính là sách là "lý thuyết suông", lập luận trên sách vở thì chẳng khác nào chỉ vào bản đồ rồi nói "đường gần nhất từ A qua B là đường thằng nối A với B." – thực tế, ta phải đi trái rẽ phải theo tuyến đường, đi xe máy khác với đi xe hơi và đi bộ, nếu gặp đường một chiều hay có công trình thì mọi thứ sẽ còn phức tạp hơn nhiều lần. Nói một cách đơn giản, "nói luôn dễ hơn làm", kỳ vọng và kế hoạch thì luôn suông sẻ cho đến khi chúng ta phải đối mặt với nhiều phát sinh bất ngờ từ sức khỏe, gia đình... đến môi trường, đồng nghiệp, đối tác... có thể hoặc không thể kiểm soát. Dạng "thực hành" thì có thể chi tiết hơn dưới dạng hồi ký của tác giả hoặc đánh giá khách quan từ bên ngoài. Ưu điểm của dạng này chính là có người thật việc thật, kiểu quý ngài Alex đã đi tuyến đường này từ A đến B nhanh hơn bất kì ai khác nên nếu bạn đi theo con đường này thì bạn cũng đi nhanh được như vậy. Nhưng, đây cũng chính là khuyết điểm chung của sách dạng "thực hành" này. Dù là nghiên cứu trên một triệu người ngẫu nhiên thì cũng chỉ là lấy một nhóm nhỏ mà kết luận cho tất cả, một triệu người trong số bảy, tám tỷ người tương đương tỷ lệ còn chưa tới 0.01%, thì một hai dẫn chứng cụ thể vốn dĩ không đáng nói đến. Lấy một ví dụ so sánh thì đó chính là trong Hằng hà sa số những người nông dân cùng khổ cùng nổi dậy chống quân Hồ lỗ (nhà Nguyên) thì cũng chỉ có một Chu Nguyên Chương lên làm hoàng đế mà thôi. Một khuyết điểm khác chính là mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, tố chất khác nhau, cuộc sống khác nhau... thì sao có thể dùng cùng một cách? Giả như hai anh em sinh cùng ngày giờ, cùng trong bụng mẹ, cùng sống với nhau đến năm 18 tuổi, tính cách cũng tương đồng, sức khỏe cũng tương tự cũng chắc gì số phận đã giống nhau? Tỷ như hai người chẳng thể lấy cùng một người vợ, chẳng thể sinh cùng một đứa con, cùng trúng vé số, cùng thăng chức, ... rất nhiều thứ vốn dĩ không thể giống nhau. Thế nên, chẳng thể nói đã có hàng vạn người trên thế giới làm theo cách abc này đã thành công thì anh làm theo chắc chắn cũng thành công. Huống hồ, còn vô vàn những chi tiết nhỏ nhặt không được nhắc đến đầy đủ trong tác phẩm, đôi khi lại ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sau cùng. Chẳng như nếu không có đợt tăng mạnh giá đường năm 1961 ở Ấn Độ thì tỷ phú đầu tiên của Singapore, ông Quách Hạc Niên có lẽ cũng không giàu lên nhanh như thế. Hay đơn giản là nói, vì vợ của bạn không phải là Michelle Obama nên bạn không thể trở thành tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ vậy.
Lại nói đến, dẫu cho bạn có đọc hết sách vở trong thiên hạ, thông tuệ đến mức có thể thấu suốt mọi huyền cơ bên trong, lại có được những điều vụn vặt, những cơ duyên xảo hợp của những vị tỷ phú đó... mà bạn vốn không chịu làm gì cả thì cũng không thể giàu. Ví như nhân vật Vương Ngữ Yên trong tác phẩm Thiên Long bát bộ của Kim Dung, vốn thông hiểu tất cả chiêu thức võ công trong thiên hạ, thậm chí chỉ cần nấp phía sau chỉ điểm cho một thanh niên chỉ mới học vài miếng võ công Đoàn Dự vẫn có thể đánh thắng cả Mộ Dung Phục đỉnh đỉnh đại danh, nhưng bản thân cô ta lại không thể trở thành võ lâm minh chủ: cô ta không luyện võ. Lại nói, nếu bạn không thực hành thì những gì bạn có được qua sách vở kia chẳng phải cũng giống Vương Ngữ Yên kia sao? Như câu "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông" của triết gia Heraclitus, mọi thứ đều xoay vần khó mà đoán định cho chính xác được. Một trận bóng mà tất cả các cầu thủ đều xung mãn, chơi hoàn hảo, chuẩn bị tốt vẫn có thể trở thành thảm kịch bởi một trận mưa. Vẫn nghe "chó ngáp phải ruồi", thì chí ít, con chó nó cũng phải ngáp thì mới có cơ hội cho con ruồi bay vào chứ!. Tương tự, nếu bạn chỉ ngồi trong nhà gặm nhấm những quyển sách, thì ngay cả việc kiếm được một công việc bình thường để nuôi sống bản thân và gia đình cũng hãy còn khó chứ nói chi đến làm giàu. Tất cả những điều trên, chung quy vẫn là "nếu chỉ đọc sách chỉ làm giàu mà giàu thì ai cũng giàu cả rồi." À, thời đại này thì có thể khá khẩm hơn, nếu bạn thực sự như Vương Ngữ Yên, ít nhất, hãy trở thành một nhà văn. Bạn có thể viết "sách chỉ làm giàu"... và trở nên giàu có từ tiền tác quyền chứ nhỉ.
(còn tiếp)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro