Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Truyện 3: Nhất Phí Nhì Phan

Lựu vừa thổi xong nồi cơm thì sấm sét nổi đùng đoàng. Thị khiếp vía, vội vã đặt nồi xuống cái rế đen nhẻm những nhọ là nhọ rồi tất tả lục lọi chạn. Nhà thị vẻn vẹn vài ba cái bát ranh chứ mấy, vơ quàng vơ xiên cũng sạch trơn chiếc chạn cũ nát. Đã thế cái nào cái nấy cáu bẩn bởi nhựa chè, không sứt miệng thì mẻ trôn, chán không thể tả. Lựu thẹn đỏ mặt, lòng dạ quặn đau. Thị nghiến răng nghiến lợi mà cầm chúng, kế đó chạy ù một phát về chỗ để nồi cơm. Hôm nay anh cả phải đi rước đánh giải cho làng nên thị ăn một mình dưới bếp, đỡ lịch cà lịch kịch bê mâm lên nhà. Vả dường như sắp mưa to gió lớn, Lựu không muốn xống áo ướt nhẹp vì đội mưa xuống bếp để rửa bát. Thị lẳng lặng xới một bát cơm độn khoai vàng khè, chan mắm, gắp cà. Tiếng rằng ăn cơm mà lòng bát đặc khoai, ăn nghẹn ứ cổ.

Sư bố chúng nó, cái mùa lắm dông gió như này mà bảo dân đen rước kiệu, đày đọa người ta quá chừng! Ức lắm nhưng không tài nào bắt tội được mấy ông quan viên, lệ làng nó thế chứ các ông ấy vẽ ra làm gì. Năm năm một lần, làng của Lựu tổ chức hội lớn. Dân chúng tấp tểnh sửa sang đền đài miếu mạo, quét tước đình và đường sá thật cẩn thận. Hết thảy già trẻ gái trai tụ tập ở bãi đất trống rộng mênh mông sau làng, mê mải xem đánh vật hoặc kéo nhau ra đình làng nghe vở chèo Quan Âm Thị Kính. Hồi Lựu còn nhỏ thì hội làng là dịp vui tưng bừng hiếm có. Thị lon ton theo chân anh đi trẩy hội. Anh Lê tuổi chưa tới đôi bảy nhưng đã đủ sức bẻ gãy sừng con trâu mộng, từ leo cột tới bịt mắt bắt dê, anh đều hăng hái tham gia. Sức anh hơn nhiều so với đám trai làng, dễ dàng giật được kha khá giải, khi thì cái quạt Tàu, lúc thì gói chè lam. Đoạt bao nhiêu phần thưởng, anh nhường Lựu tất. Thị sướng rơn, miệng nhai khúc chè lam ngọt khắt còn tay phe phẩy quạt một cách kiêu kỳ. Chúng bạn thấy Lựu tỏ vẻ thì tức nổ đom đóm mắt, đố kỵ tím cả mặt. Ngẫm lại vẫn thấy thích, chẳng bù cho bây giờ...

Lựu thở dài não nuột, bỏ tọt nốt nhúm cơm hiếm hoi vào miệng. Thị nhai trệu trạo rồi đứng dậy thu dọn đũa bát. Lúc thị lên nhà, trời vẫn chưa mưa. Bởi vậy trong nhà nóng hầm hập như chõ đồ xôi, thị lăn qua lăn lại trên chõng nhưng không ngủ nổi. Lựu đành nằm im, dỏng tai nghe ngóng tiếng léo xéo bên hàng xóm. Bà Mít sợ ông Thiên Lôi đánh sét, cứ kêu "Bặp Bặp" liên hồi nhằm đuổi Thiên Lôi cuốn xéo. Ông Ngũ quát con cháu vào nhà, không ngồi ở sân kẻo dễ đi đời nhà ma. Lựu cười chua chát, thà rằng đi đời nhà ma, thị ghét cay ghét đắng đời sống lay lắt, nay bữa rau mai bữa cháo này rồi. Mở tung cửa, thị bước phăm phăm ra sân. Song đứng một lát, Lựu lại ngậm ngùi quay trở về chiếc chõng tre. Nhỡ thị chết, anh Lê cũng khốn khổ khốn nạn vì lo liệu tang ma. Mấy chục đồng bạc đào đâu ra, chưa kể món tiền biếu bọn lý dịch. Lựu chẳng nỡ bỏ anh cả một thân một mình, thôi thì thầy mẹ đã về trời, hai anh em hòn máu cắn đôi lần hồi nuôi nhau, đùm bọc nhau ngày nào hay ngày đấy.

Lựu trằn trọc mãi tới nửa đêm, bụng réo ầm ầm. Thị cố quên cơn đói giày vò cùng cực, cố nghĩ về bồ thóc trống không và sưu thuế. Tuy Lê khỏe hơn vâm, hùng hục cày thuê cuốc mướn quanh năm suốt tháng, tiền công nhận được chỉ đủ đóng một vụ thuế. Lựu chạy vạy cơm áo đến nhục, mò cua bắt ốc rạc cả thân gái đương độ xuân thì. Ác thay, anh cả Lựu thanh niên trai tráng bị ép làm một chân đô tùy, thành thử cày cấy bỏ bẵng, cắn răng tập khiêng kiệu tại đình hơn một tháng ròng. Hơn một tháng ròng, Lựu gầy võ vàng, gấu váy nâu non càng bạc phếch vì dãi nắng. Ác mộng đối với kẻ khố rách áo ôm chính là những đêm đói cồn ruột. Đêm nào anh em Lựu cũng trải qua cơn ác mộng ấy.

Thị thiếp đi một lúc thì trời bắt đầu trút nước. Mệt lả, Lựu chẳng còn mấy nả sức mà bịt chỗ bị dột, cứ mặc kệ từng giọt mưa chảy tong tỏng xuống nền đất, hắt vào mặt thị. Bỗng "Vút", một cái roi vụt chân Lựu đen đét. Thị đau quá phải bật dậy chửi đổng. Thằng chết trôi nào tự dưng lẻn vào nhà thị cướp của phỏng? Song khuôn mặt giận dữ cau có của thằng mõ làm thị nín bặt.

- Vạ đầy đầu đầy cổ rồi kìa, nhà chị vẫn ngủ trương thây trương xác đấy à?

Thị sửng cồ đốp chát:

- Á à, mẹ cha cái thằng mõ. Mày đã cạy cổng thì chớ, lại ác mồm rủa chị. Để tao kêu làng nước cho mày đẹp mặt.

Thằng mõ tá hỏa, nhanh chóng bịt miệng Lựu:

- Giời ơi khổ lắm! Anh Lê bị ông Chánh hội trói ở đình, tội vứt bỏ cơm quả, làm làng mình nhuốc nhơ với hàng tổng. Ông ý bảo tôi đi rao để bà con tới xỉ vả anh Lê đây này.

- Đang rước kiệu sang làng Mùng giao hiếu, sao bị trói ở đình được? Mày điên à thằng kia? - Lựu run bần bật, mồ hôi lạnh thấm đẫm chiếc yếm nâu.

- Giời ơi khổ lắm, tôi van chị, muốn sống thì đi ngay ra đình với tôi. Đi đường tôi sẽ kể chị hay.

Lòng rối tung rối mù, thị vừa khóc rấm rứt vừa khoác chiếc áo cánh rồi rời khỏi nhà. Thằng mõ bảo lúc lễ xong, quan viên cho phép dân nghỉ ngơi dưới gốc cây đa đầu làng Mùng nên ai nấy giở cơm ra ăn. Trước thời điểm thực hiện rước sách, mỗi đô tùy đều được phát một phần cơm đựng trong quả đỏ. Nhưng ông Chánh thù anh Lê từ độ anh phát hiện ông trộm đôi vòng vàng của vợ cụ cả, bèn rỉ tai đứa phụ trách nấu nướng, sai nó đưa anh đồ ôi thiu. Biết thừa là ông Chánh giở trò, Lê tức giận hất văng phần cơm quả. Chánh hội vin luôn vào cớ ấy để thét tuần phu giải về làng Hoàng rồi nọc cổ thằng đô tùy xấc láo ra đánh roi.

Có đồng tiền thì lời xin xỏ mới lọt tai cửa quyền. Lựu hỏi vay mõ vì thị không còn đồng nào nữa. Chẳng ngần ngừ tí ti, thằng mõ gật đầu lia lịa. Nó dặn thị cứ đợi nó ở cổng đình để về lấy tiền. Lựu ngó theo đầy cảm động, đấy, các cụ cứ dè bỉu rằng cái giống mõ nó tham nó kiệt, nhưng phải lòng ai thì bụng mõ còn rộng rãi hơn khối người.

...

Lựu phủ phục nơi giọt đình, nài nỉ Trương Tuần cho vào. Bên trong rinh ỏm tỏi những lời chửi mắng:

- Thằng Mới láo thật, nãy giờ chưa thấy mõ kêu.

Chánh Hội quay qua người thanh niên đang bị trói và dậm dọa:

- Tao đã cho người gọi các cụ kỳ mục. Phen này mày chỉ có nước tự tử con ạ.

Trời ơi, gọi đến đám "kỳ mục kỳ nát" đấy thì còn chịu thêm nông nỗi gì chẳng biết! Lựu liều mình lừa bác Trương, chạy một mạch tới chỗ anh trai. Thị kính cẩn dâng ông Chánh mấy đồng bạc bóng loáng. Đoạn, Lựu tha thiết xin lỗi ông, mong ông đừng chấp kẻ quê mùa vô học. Lựu bã bọt mép nhưng may rằng ông Chánh đã nguôi nguôi. Ông đồng ý ỉm chuyện này đi, tha cho Lê. Dẫu uất ức, anh Lê đành hạ mình tạ ơn Chánh hội rồi tập tễnh lê bước về nhà. Trời đậm màu mực đến nỗi không có lấy một ngôi sao tòi lên. Hai anh em khổ sở mò mẫm trong bóng tối mãi mới trở lại ngôi nhà xơ xác. Lựu nức nở hồi lâu thì khẽ hỏi:

- Anh ơi, cớ sao anh bị trói đêm hôm thế này?

- Trưa hôm qua nó bắt anh ăn cơm mốc cà thiu. Rồi nó kiếm cớ hạch sách hòng trả thù anh. Nó sợ thanh thiên bạch nhật khó bắt tội nên mới giải anh về lúc đêm, để quan với dân mất giấc ngủ mà căm anh, đòi phạt anh. - Anh trai mếu máo.

Thị bảo Lê lên giường nằm nghỉ, mai lại tiếp tục việc đồng áng. Ông Chánh không bắt khiêng kiệu nữa lại càng may, càng có thời gian làm lụng. Rõ tội nợ, khi nghèo thì đời cứ như giấc chiêm bao, con người ta cứ chìm nghỉm trong đó mà chẳng tài nào thoát ra được. Muốn vùng vẫy thức dậy để "sống" nhưng ác mộng ghì chặt trí óc, hết cơn đói đến cường hào đẩy tới đường cùng, nhất quyết buộc người ta phải mê man không tỉnh, lầm than suốt kiếp. Không sướng sách gì cái cảnh nghèo khó, Lựu thích ăn sung mặc sướng, chức trọng quyền cao hơn. Trở thành kẻ "chân giày chân dép" mới giẫm đạp được bọn quan viên cho hả cơn uất ức, chứ Lựu và Lê không một xu dính túi dễ bị đè đầu cưỡi cổ.

Lựu cố nhớ xem đám quyền thế trong làng đã hà hiếp dân nghèo khiến họ chẳng ngóc đầu lên nhìn đời như thế nào. Dân làng Hoàng hay rỉ tai nhau rằng: "Nhất Phí Nhì Phan". Đối với đám trẻ con bụng ỏng mắt toét, câu này dùng để so kè mức to lớn, bề thế của ngôi nhà mà gia đình ông Phí Văn Sang và cụ Phan Kình ở. Đối với cánh đàn ông, câu này dùng để so kè cái vất vả, nặng nhọc khi làm thuê cho người hai họ này. Dòng họ Phí và Phan cậy có của ăn của để nên ngang nhiên làm càn. Dẫu thức khuya dậy sớm, hay lam hay làm cũng mặc, các cụ các ông vẫn gân cổ mắng sa sả, vẫn đánh người làm thuê toạc cả lớp da ngoài, lộ thịt đỏ hỏn bên trong. Chó hơn nữa, không mấy kẻ là không bị quỵt tiền công. Dân bất bình, bao vụ kiện cáo, tố lên quan trên xảy đến nhưng nhà các cụ các ông vững hơn bàn thạch. Chỉ thiệt thân ai đâm đơn kiện sẽ bị bậc đàn anh ở làng trù dập tối mày tối mặt! Đối với cánh đàn bà, "Nhất Phí Nhì Phan" dùng để so kè sự xa xỉ, lộng lẫy của những người vợ nâng khăn sửa túi cho trai họ Phí, Phan. Từ bà vợ cả tới mấy thân cát đằng, hết thảy đều có cuộc sống nhung lụa, giàu sang tột bậc, Phan đeo trằm bạc còn Phí quấn vòng vàng. Bởi vậy cha mẹ tại làng Hoàng ham thích gả bán con cho người họ Phí với Phan lắm kia! Nhà đẻ mợ Cẩn, con dâu cụ Kình, nghèo rớt mùng tơi, nhưng Cẩn lấy chồng rồi thì gạo thịt ê hề tha hồ ăn, ngấy tới nỗi sinh ra khảnh ăn cơ mà. Mắt Lựu sáng rực. Cẩn hơn thị mỗi cái tiếng "con ông đồ" chứ mấy, mợ ấy bước vào được thì thị cũng thế. Phút chốc, Lựu quên béng mất nạn cường hào ác bá đày đọa anh em thị bấy lâu.

...

Bà con chòm xóm xì xào bàn tán không ngớt. Quái, sao dạo này con Lựu nó diện quá! Yếm trắng bong, váy lụa sồi, lại sắm thêm chiếc nón ba tầm mới tinh buộc quai thao rất khéo, rất đẹp. Chị Bưởi đồn thị Lựu đang ve ai, bà Bính bảo thị vừa mắt ông quan nào nên ông dốc túi lấy tiền đặt vào tay. Cụ Minh cười nhạt, trề môi chê hai người ngu dốt. Không thấy cậu Quý cứ thậm thụt ra vào nhà Lựu đấy ư mà còn thắc với chẳng mắc. Chị Bưởi và bà Bính giật mình rồi gật gù. Ừ nhỉ, đôi trẻ gặp ở đâu là vồ vập nắm tay, hỏi han xoắn xuýt gớm! Khiếp, trai chưa vợ gái chưa chồng thân mật quá trớn, khéo mai sau chẳng ma nào thèm rước. Trừ khi chúng nó tự buộc nhau, không thì ế sưng ế sỉa cho mà xem.

Giọng mấy người hàng xóm vừa mỉa mai, giễu cợt lại nhuốm mùi đố kỵ ghen ghét. Nhưng họ chỉ dám động chạm tới Lựu thôi, chứ cậu Quý, thằng em vàng bạc châu báu của ông Sang, bố ai dám rớ. Đứa nào vô ý nhắc tên cậu, người ta cũng lảng sang chuyện khác hoặc lấp liếm bằng cách nói cậu theo học chương trình tân thời, không biết chữ Nho hủ lậu nên phóng khoáng như Tây. Tổng Máng được mấy vị tân tiến giống cậu Quý em ông Sang? Nghe đâu cậu đánh bạn với nhiều ông Tham, Phán trên tỉnh, lỡ gây thù chuốc oán thì chết toi.

Đôi bên tin đi mối lại, đằng trai sêu trong vòng hai năm thì chọn ngày đẹp để cưới chính thức. Tháng Giêng năm kế, Lựu chuẩn bị nên vợ nên chồng với cậu Quý. Độ mươi hôm nữa là thành mợ lớn rồi, thị hồi hộp mất ăn mất ngủ. Đang vui bằng mở cờ trong bụng mà bị phá đám thì có tức không, tự dưng thằng mõ khuyên thị đừng bước chân vào nhà đó. Nó xanh xao dặt dẹo, cố nói thều thào:

- Chị Lựu, tôi bảo thật, đừng cưới cậu Quý kẻo hối không kịp.

- Câm ngay cái mồm đặt điều. Mày thương chị nhưng chị xin chịu, không thương nổi cái khố rách của mày. Kể cả mày giàu sang thì chị cũng chả thèm lấy mõ đâu nhá. Mang tiếng! Chị sắp lấy chồng rồi, về đi chả thiên hạ dị nghị. - Lựu cong cớn đáp.

Thằng mõ sững sờ. Nó chua chát lắc đầu:

- Giời ơi khổ lắm, chị lấy ai mặc lòng, miễn không phải bọn họ Phí họ Phan. Chị đàn bà con gái nên biết thế nào được cảnh ngộ mấy bà con dâu nhà ấy, thắt lưng buộc bụng đã đành, còn rạc cả xương thịt vì hầu hạ bố mẹ chồng đấy, động tí là ăn chửi đấy, đã sướng chửa? Giời ơi khổ lắm, mợ Cẩn không khảnh ăn đâu, mợ ý quắt lại như cây khô vì nhà chồng kiệt vắt cổ chày ra nước, không cho thổi thêm cơm đấy. Dân cứ tưởng bở người ta rước con dâu về nhà để làm bà phỗng ăn trên ngồi trốc. Chỉ có tôi, thằng mõ làm đầy tớ người ta, mới hay được cái nhục cái khổ...

Lựu chặn họng thằng mõ, dùng sào đuổi nó nguây nguẩy. Cái thằng lếu láo thật, tính chuyện phá phách phỏng? Nếu thế thật thì sao nó không mách ngay từ lúc đằng trai vừa sang dạm ngõ mà để đến tận bây giờ mới nỏ mồm. Nó còn dám bảo do ông Sang biết nó định mách lẻo nên ngầm sai ông Lý bắt nó canh bãi tha ma của làng, quanh quẩn ở đó không được đi đâu. Hễ nó trốn khỏi túp lều thì bọn tuần đinh lập tức hô hoán trói lại rồi đánh tuốt xác. Hai năm ròng, thằng mõ bị nhốt như một con súc vật, thử hỏi còn nước nào thoát thân. Những đêm hè, trời hóa cái lò thiêu đốt người, nó ngủ mê man, người ngợm mệt nhọc, lúc nào cũng mơ thấy Lựu chạy theo cậu Quý. Rồi nó bật dậy khi chưa đẫy giấc, lưng áo sũng mồ hôi. Bọn tuần đinh kháo nhau cậu Quý sang dạm hỏi, cậu Quý sang sêu là nó khóc tấm tức. Hôm qua nghe tin Lựu sắp lấy cậu Quý thật, nó mất vía, tìm mọi cách chạy hộc tốc về đây. Chưa kết duyên thì vẫn còn nước còn tát, thằng mõ đinh ninh vậy. Ai ngờ Lựu chống nạnh, phồng mang trợn má đuổi nó cút.

Hết cách, mõ thất vọng rời khỏi nhà Lựu. Giờ nó quay trở lại túp lều thì không xong với ông Lý, chi bằng... biệt xứ. Thằng mõ tím ruột, tím gan dứt áo ra đi. Ngồi trong lòng đò, nó ngoẹo đầu nhìn quê hương lần cuối. Nó sẽ không nằm mê thấy Lựu nữa. Không rõ đó là mộng đẹp hay cơn mơ khủng khiếp.

...

Thằng mõ nói đúng y. Ngay ngày đầu sống ở nhà chồng, Lựu đã bị chị dâu mắng như băm như bổ vào mặt. Ôi chao cái bà vợ ông Sang, nghiệt gớm nghiệt ghê, thị mặc cái yếm mới quá cũng chửi. Cậu Quý tổ tôm tài bàn suốt, bỏ thị chăn đơn gối chiếc trong căn buồng tối. Hiếm khi hai vợ chồng đầu gối tay ấp khiến Lựu rầu rĩ vô cùng. Bởi vậy bụng Lựu cứ phẳng lì, mãi chẳng to lên bằng cái thúng. Làng trên xóm dưới bắt đầu xúc xiểm cậu Quý bỏ quách vợ. Người chồng không chịu nghe theo nhưng Lựu cũng sầu ruột héo gan. Nhìn người ta âu yếm thằng cu cái đĩ, thị thèm có con bế con bồng giống vậy. Các cụ bảo "Gái chửa cửa mả", song xin ngay cho rằng cận kề lỗ huyệt, thị không hề sợ tí ti. Lựu mòn mỏi ngóng tin mừng, lo lắng quá thành thử sinh đủ thứ mộng mị ghê rợn. Đã dăm ba hôm, thị cứ nhìn thấy một cái bóng trắng nhờ nhờ đứng ngay cuối giường. Nó nhỏ thó, bất động, không trông rõ được mặt mũi tay chân, thân hình mờ ảo tựa khói mây. Lựu khiếp đảm, vội thắp đèn thì cái bóng mất tăm mất dạng. Thị tắt đèn, nó lại xuất hiện chình ình trước đôi mắt đờ đẫn vì thiếu ngủ của thị. Gió sỗ sàng thốc vào cửa sổ từng cơn, lay động bóng trắng. Thứ gì giống tà áo dài Lơ-muya bay phất phơ theo hướng gió. Căn buồng bí bách bỗng ngập tràn hơi lạnh lẽo giữa mùa hè nóng nực. Quý đi hát không có nhà, Lựu chẳng dám đánh thức anh chị chồng. Thị đành lầm rầm khấn vái tổ tiên che chở và nhắm tịt mắt để hình ảnh trăng trắng, mờ mờ kia khỏi đập vào mắt.

...

Dùng xong bữa trưa, Lựu lắp bắp kể điều kinh hoàng tối qua. Ông Sang nhếch mép khinh bỉ, nghĩ rằng Lựu lo quá hóa rồ. Bà chị dâu độc mồm độc miệng hơn, rỉa rói thị là loại không biết chửa đẻ nên ma quỷ hành. Bà ta nhíu mày suy tính rồi lệnh em chồng ở nhà, không được đi đâu nửa tháng nhằm theo dõi xem Lựu bị gì. Cậu Quý thương đàn bà non gan, chấp nhận ngủ cùng vợ cho vợ bớt sợ. Quả thật từ khi có cậu ở bên, Lựu không thấy cái bóng nữa. Tinh thần thị thoải mái hẳn. Cuối cùng thị có mang sau hai năm sống trong lời đay nghiến của nhà chồng. Cậu Quý chẳng bỏ được thói cờ bạc, lại mặc vợ bầu bí đơn côi lẻ bóng. Tuy nhiên Lựu không lẻ bóng lâu vì cái bóng dạo nọ bắt đầu đứng ngay cuối chân giường ngay đêm đầu tiên cậu Quý ra ngoài chơi tổ tôm. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, thị trông rõ mặt mũi nó. Đó là một thiếu nữ tân thời trẻ măng, bận áo dài cổ lá sen, tóc búi thấp thật đài các. Cái bóng kỳ dị nhe răng cười he hé, vẫy vẫy đôi tay xương xẩu:

- Chị cứ đẻ đi em nuôi cho! Chị cứ đẻ đi em nuôi cho!

Cái bóng nhìn bụng Lựu với vẻ thèm khát làm thị ngất lịm bởi kinh hãi. Thị ốm liệt giường nửa năm ròng rồi sảy mất cái thai gần bảy tháng. Trời ơi, con vong con yêu kia bắt con thị đi với nó thật rồi! Những lần mang thai sau còn thảm gấp bội, độ gần tuần trăng nữa là đẻ mà cứ sảy mất. Tấm thân da bọc xương của thiếu phụ ngày một yếu rợt. Vợ chồng ông Sang không muốn mất tiền mời đốc tờ hay làm lễ trừ tà ma quỷ quái. Họ bàn nhau đợi Lựu chết thì cho cậu Quý cưới em họ Lựu. Biết không thể trông chờ gì ở tình người nữa, thị phát điên phát dại, bò ra bãi tha ma. Cái bóng trắng chắn ngang đường của Lựu. Dường như sắp chết sẽ can đảm bất thường, thị căm phẫn rít lên, chửi nó:

- Cái loại tà ma chó tha diều mổ. Tao không làm gì nên tội mà mày vẫn cố hại tao, bắt mất con tao. Mày tạo nghiệp ác thì đừng hòng mong đầu thai.

Nó bóp chặt cổ Lựu khiến thị thở hổn hển, gầm gào hồi lâu. Cái bóng trừng mắt, xẵng giọng:

- Mày nghe đây, tao là tình nhân cũ của anh Quý. Chúng tao quen nhau lúc học trên tỉnh, yêu nhau đến độ anh ấy đưa tao về nhà chơi. Chúng tao ăn nằm với nhau trên chính manh chiếu, cái giường mày ngủ đấy! Đang mặn nồng là thế, chỉ vì mày giở trò gạ gẫm mà anh Quý phụ bạc tao, không dạm hỏi tao để bảo toàn danh dự cho tao. Thầy mẹ tao đuổi tao lang thang, tao tìm gặp tình nhân thì được tin anh ấy chuẩn bị cưới mày, con ả nghèo kiết. Ngày mày lấy anh ấy, tao uống thuốc độc chết... chết với một đứa con trong bụng, mày biết không? Mày biết không?

Mỗi lúc nói xong câu "Mày biết không?", oan hồn lại dùng móng tay sắc nhọn, dài ngoẵng cào vào da Lựu thật mạnh. Nó lặp đi lặp lại hành động đó, máu Lựu loang trên nền đất. Thị vùng vẫy, miệng ú ớ phủ nhận nhưng cái bóng trắng không tha. Nó tiếp tục rạch cho đến khi Lựu thở hắt ra rồi chết. Cái bóng cười nhăn nhở, từ từ tan biến vào hư không. Hồn Lựu ngồi thất thần bên cái xác của mình, không hề hay rằng bản thân đã hồn lìa khỏi xác. Thị nghe thấy một giọng nói vọng lên từ dưới đất:

- Đào Thị Lựu chưa đến tuổi xuống đây. Không cần bắt vội, để ả ở dương thế một kỷ nữa mới đúng kỳ hạn.

Bấy giờ, hồn mới ngộ ra mình không còn là người. Lựu nhớ tới lời thằng mõ trong hối hận, thị nức nở gọi mõ giúp thị. Tiếng khóc thê lương văng vẳng khắp làng Hoàng hết đêm này đến đêm khác. Nhiều năm sau, các cụ bảo hồn của Lựu vẫn chưa tan. Thị giả tiếng cái mõ kêu "lốc cốc" những mong thằng mõ sẽ trở về. Các cụ bảo thêm rằng vì không được thỏa ước nguyện có con cái nên Lựu hay rình bọn trẻ con đi ngoài đường khi tối trời, hễ thấy đứa nào là bắt hồn vía. Một bô lão làng Hoàng dặn cháu:

- Chúng mày chớ ra đường ban đêm kẻo mợ Lựu thấy.

Chúng nó không dám trái lời. Tuy nhiên có thằng cháu đích tôn của bô lão tỏ vẻ không tin, đợi sương khuya bắt đầu xuống, nó lẻn ra ngoài đường dò xét. Thằng cháu bình yên vô sự, không bị ma mãnh nào trêu cả. Nó bèn ung dung vào giường ngủ. Trong cơn mơ, một người đàn bà người ngợm máu me bê bết ôm nó thật chặt, bón cho nó ăn toàn dòi bọ giun dế. Mơ mấy đêm liền, thằng cháu hoảng sợ lắm. Thầy mẹ nó mời thầy cúng khắp tứ phương nhưng không sao kết thúc ác mộng ám ảnh con mình hằng đêm. Nhất là những đêm hè gió mát trăng thanh, thằng cháu của bô lão càng giãy giụa như đỉa phải vôi. Trong mộng, người đàn bà toàn thân vấy máu cứ vươn tay chực móc tim nó hòng bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến. Ai cũng thương nhà bô lão đen đủi. Bây giờ đối với tất cả dân làng Hoàng, "Nhất Phí Nhì Phan" còn dùng để so kè số kẻ bỏ mạng vì người họ Phí, họ Phan. Phan giết năm thì Phí giết bảy, không chết đau bởi đòn roi thì chết lây bởi oan hồn báo oán.

...

Chú thích:

¹ Rế: Đồ đan bằng mây, tre để lót dưới nồi.
² Rước đánh giải: Trong các hôm nhập tịch (Hay còn gọi là vào đám), các thôn, làng thờ chung một thần thì rước lẫn sang nhau để giao hiếu, gọi là rước đánh giải. Sau khi lễ thần thì mọi người cùng uống rượu nghe hát.

³ Đô tùy: Người khiêng kiệu vào các dịp lễ hội.

⁴ Cụ cả: Người già nhất trong làng, cùng với cụ hai, cụ ba, cụ tư hợp thành tứ trụ. Tứ trụ rất được cung kính, thuộc Lão hạng (Một trong những ngôi thứ ở làng), khi lên lão thì phải khao vọng. Khi trở thành một vị thuộc Tứ trụ phải khao lần nữa, khi thành cụ cả cũng phải khao lần nữa.

⁵ Quan viên: Gồm các ngôi thứ: Chức sắc (Người đỗ đạt, có chức tước. Thi văn phải đỗ tú tài trở lên, thi võ đỗ tạo sĩ, phó bảng, cử nhân.), chức dịch (Tân/cựu chánh/phó lý/tổng, người bỏ tiền mua nhiêu, mua xã...), Thí sinh và khóa sinh. Muốn có chân quan viên thì phải khao vọng theo lệ, không khao vọng thì dù đỗ cao cũng không được dự vào hàng quan viên.

⁶ Lý dịch: Là đương thứ lý dịch, gồm Lý trưởng, phó Lý, Hương trưởng, Khán thủ, Trương tuần, làm việc từ ba đến năm năm. Khi mãn hạn vẫn không phạm lỗi gì thì được lên hạng kỳ mục.

⁷ Kỳ mục: Trên Lý dịch, gồm Lý cựu, cựu Chánh hội, cựu Chánh tổng...

⁸ Áo dài Lơ-muya: Được khởi xướng bởi họa sĩ Cát Tường vào những năm 1930, có nhiều màu sắc tươi sáng, mặc với quần trắng. Áo dài Lơ-muya (Lemur) có một số đặc điểm khác với áo dài truyền thống như cổ áo lá sen hoặc không cổ, tay bồng...

...

Lảm nhảm:

Aaaaaaa tính ra bà Bình ác khẩu thật sự, hết chửi cô em dâu trong truyện này lại nhẫn tâm rỉa người vợ hai của chồng trong "Ngọc Vỡ"😞

Tình tiết tà ma thì do tui được nghe mẫu hậu kể rồi tui thêm mắm dặm muối nên đương nhiên sẽ không đặc sắc như các bạn chuyên viết truyện ma. Mong mọi người lượng thứ ạ(⁠。⁠・⁠ω⁠・⁠。⁠)⁠ノ⁠♡

Có gì không vừa ý thì mọi người cứ góp ý để tui sửa nha. Yêu tất cả mọi người ♡⁠(⁠>⁠ ⁠ਊ⁠ ⁠<⁠)⁠♡

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro