Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Truyện 1: Hoàng Hôn Là Dấu Chấm Hết Cho Ban Ngày

Làng Mai vốn là nơi sinh sống của một ông đồ nổi tiếng đức cao vọng trọng. Tuy tài đức chẳng thiếu, nhưng ông đồ Cảnh lại thiếu một gia đình trọn vẹn. Trời đâu cho ai tất cả bao giờ? Vợ ông mắc bệnh nan y, đã sớm từ giã hai bố con ông từ lâu. Ông Cảnh chỉ còn độc một người con gái đang đến độ trăng tròn - Cô Cẩn. Cô đẹp người tốt nết, hơn nữa việc tề gia nội trợ đảm đang khéo léo vô cùng. Quả thật con gái làng Mai rồi cả mấy làng lân cận khác chưa thấy người nào bì kịp. Cô Cẩn được bố rất mực thương yêu. Ông Cảnh hay âu yếm bảo con:

"Mày thích học chữ thánh hiền thì thỉnh thoảng nghỉ ở nhà dăm bữa, bố dạy mày lấy đôi ba chữ cho hơn hẳn chị em bạn bè."

Cô Cẩn vờ ngúng nguẩy đáp lời:

"Thôi, con ứ học đâu. Dức đầu lắm! Con dốt sẵn rồi, cố nhồi chữ vào đầu chỉ tổ mệt cái thân ạ."

Ông đồ nghe vậy thì cười khà khà, chiều theo ý của cô con gái cưng. Cứ như vậy, cô Cẩn như chú gà con quanh quẩn bên chân ông Cảnh - Người đàn ông không may lâm vào cảnh đớn đau "Trai thất nội trợ", một thân một mình vò võ chịu kiếp gà trống nuôi con.

Cô Cẩn mê mẩn làm sao giây phút ánh dương chói lọi sắp sửa vụt tắt, mấy văn sĩ hay gọi một cách hoa mỹ là "Hoàng hôn" ấy. Biết là mỗi người có sở thích khác nhau, đâu ai có quyền phán xét, song, sự thích thú đặc biệt cô Cẩn dành cho khoảnh khắc ngày tàn cứ khiến ruột gan ông đồ Cảnh quặn thắt, dội lên tâm trí ông cái cảm giác kinh hãi và bồn chồn khó tả. Dẫu trong lòng lo đến chết là thế, ông Cảnh vẫn không hé răng nửa lời với con, sợ con nghĩ ngợi. Những khi bắt gặp cô Cẩn ngồi lặng thinh dưới hiên nhà, mắt đắm đuối nhìn các tia nắng cuối cùng của ngày; ông Cảnh càng bất an tợn. Ông chẳng hiểu vì sao bản thân lại trở nên bứt rứt không yên vì điều cỏn con vặt vãnh này nữa. Phải chăng đây là điềm báo gì? Ông đồ hoảng hốt lắc đầu thật mạnh, cố xua đi ý nghĩ đó. Ông chỉ đành tỉ mỉ dặn dò con chú ý, cẩn thận việc này việc nọ.
...
Năm nay cô Cẩn mười chín rồi mà còn nấn ná ở với bố, xem chừng chẳng muốn lấy chồng. Ông đồ cũng không nỡ xa con, nhưng con ở giá suốt đời thì ông càng đau gấp bội. Bởi vậy, ngày đêm ông đồ vắt óc tìm kiếm một hiền tế để kết duyên cùng cô Cẩn. Không cần mơ tưởng tới bậc quyền quý cao sang nơi lầu son gác tía làm gì cả, mình mãi mãi chẳng với tới họ đâu, nhưng ít nhất con rể đừng thuộc dạng vũ phu, động tí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ kẻo khổ con gái ông. Ông đồ để ý thấy làng Mai toàn hạng vai u thịt bắp, tính tình hung hăng dữ dằn nên hơi thất vọng.

Thế rồi nhân tết Trùng cửu đi sang làng Hoàng uống rượu ngâm thơ cùng ông bạn tri âm tri kỷ, ông Cảnh rắp tâm nhờ bạn mối lái cho cô Cẩn một chàng trai hiền lành tốt tính.

Thong thả nhấp chén chè mạn thơm, ông bạn già dò hỏi ông đồ:

"Bác nhắm được đám nào cho cháu nhà chưa hở?"

Ông Cảnh rầu rĩ trả lời:

"Chưa bác ạ. Đám thanh niên làng tôi chả đứa nào ra hồn. Hay là... bác Liêu ạ, bác có biết người nào khá thì giới thiệu cho con Cẩn nhà tôi nhá?"

Ông Liêu đăm chiêu suy nghĩ một hồi rồi nói:

"Ờ thì... có đấy bác ạ! Bác từng nghe danh cụ Phan Kình làng tôi chưa?"

Mặt ông đồ thoáng chốc tái mét làm ông Liêu luống cuống sửa lại:

"Ấy chết, ý tôi là con trai cụ Kình chứ không phải..."

Đến lượt ông Cảnh rơi vào trầm tư. Hình ảnh bệ vệ, nghiêm nghị của cụ Kình làng Hoàng vụt qua óc ông. Cụ giàu nhất họ, của nả nhiều vô kể, phân nửa số ruộng đất trong làng thuộc về nhà cụ. Nhưng nhà đó thèm dòm tới con Cẩn nhà này chắc?

Ông bạn già vỗ vai ông đồ:

"Bác chớ lo. Tuy giàu nứt đố đổ vách mà họ không khinh bạc kẻ nghèo đâu. Thậm chí..."

Đoạn, ông Liêu ghé tai bạn nói khẽ:

"Dạo này những tay giàu sang trên thành phố đang hô hào một cái là "mốt bình dân", tức là phải tỏ ra mình rất yêu rất quý người nghèo, không được khinh bỉ người có gia cảnh bần hàn. Nếu hành xử vậy thì sẽ được coi là có óc bình dân, được mọi người vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt, được tiếng thơm. Cụ Kình làng tôi cũng muốn đua đòi cái "mốt" ấy, cơ mà cụ vẫn sợ nghèo đi đôi với hèn nên đang có ý kén chọn con gái các ông đồ."

Ông Cảnh trố mắt vì cái "mốt" lạ đời quá. Ông Liêu tiếp:

"Đã mấy lần, cụ Kình sang đây cậy tôi tìm một mối cho cậu Kính, con trai thứ. Ý bác như nào?"

Hình như cụ Kình thương nhất cậu Kính thì phải. Nghe đâu trong bốn con trai của cụ Kình, duy chỉ có cậu hai Kính thông tuệ chữ nghĩa, mấy cậu kia dốt đặc cán mai, đành ở nhà tập buôn bán. Tuy không dạy cậu Kính nhưng cái tài văn chương thơ phú của cậu đã nhiều phen vang vọng đến tận tai ông đồ. Cậu nho nhã, điềm đạm, đứng đắn, xứng đáng mang dòng dõi họ Phan trâm anh thế phiệt. Rể đông sàng, rể đông sàng!

"Vậy trăm sự tôi nhờ bác."

"Bác cứ yên tâm giao quyền của ông Tơ cho tôi, tôi coi cái Cẩn như con ruột, chung thân đại sự của nó tôi ắt lo liệu chu toàn."
...

Tháng mười năm ấy, con gái ông đồ Cảnh kết duyên với cậu hai Kính. Ai nấy đều nắc nỏm khen quả là mối lương duyên, trai tài gái sắc xứng đôi vừa lứa. Cơ mà hỡi ôi, nằm trong chăn mới biết chăn có rận! Gia đình cụ Kình tiếng rằng giàu có bạc vạn, song hai vợ chồng cụ kiệt vắt cổ chày ra nước. Từ đợt Cẩn về làm dâu, cụ Kình bà cho kẻ hầu người hạ trong nhà nghỉ việc hết, chỉ giữ lại con Bống hầu cụ chải đầu vấn tóc. Bao nhiêu chuyện tới tay mợ lớn tất. Sao Mai vừa mọc, mợ Cẩn đã lục đục trở dậy lo cơm nước. Hết cơm nước, mợ quần quật quét tước, giặt giũ cả ngày. Nhà cụ Kình làm theo lối Tây nên vừa to vừa rộng, đã thế đồ đạc nhiều phát sợ. Bố chồng bắt mợ Cẩn hàng ngày phải lau chùi thật kỹ bộ bàn ghế gỗ trạm trổ theo kiểu nửa Tây nửa Tàu lố lăng. Đặc biệt hôm nào cái đồng hồ quả lắc "Kính coong" yêu quý treo trên tường bớt bóng loáng một chút thôi cũng đủ khiến cụ Kình phồng mang trợn má chì chiết con dâu. Rồi bộ bàn đèn hút thuốc phiện, rồi điếu cày, rồi bộ ấm chén cổ... ti tỉ thứ lặt vặt khác nữa. Thà có vậy thôi thì còn đỡ, đằng này mợ Cẩn tối tăm mặt mũi vì hầu hạ, cung phụng bố mẹ chồng. Hở ra tí là cụ Kình bà nheo nhéo gọi:

"Chị Cẩn đâu rồi? Xuống bếp xách ấm nước mang lên đây rồi têm cho tôi miếng trầu."

Cô con dâu đang rửa bát vội vã quăng miếng xơ mướp, tất tả chạy vào chái bếp. Chiếc ấm đựng nước nặng trình trịch khiến bước đi của mợ thật khó nhọc. Mợ Cẩn cắn răng lê từng bước. Nhưng cụ bà lại từ trên nhà đay nghiến:

"Sao lề mà lề mề thế, mãi chả thấy mặt? Đồ lười chảy thây nhà chị chết dấp ở xó xỉnh nào rồi hở?"

Mợ bặm chặt môi ngăn tiếng khóc, cố gắng rảo bước mau hơn. Con Bống nhiều lần nói với bà chủ để nó đỡ đần mợ chủ các chuyện vặt. Song, cụ Kình bà nghiệt lắm, cụ gạt phắt:

"Tao tốn tiền tốn của, tốn trầu tốn cau rước nó về nằm xềm xệp một chỗ à?"

Cái Bống nín thinh, nó chỉ còn nước lén cụ Kình bà giúp mợ chủ. Nó thương mợ quá chừng, làm dâu mà có khác gì làm tôi đòi đâu!

Thiên hạ bảo cơm canh nhà giàu ngon lắm, nhiều lắm! Mợ Cẩn mãi cũng không bao giờ có cơ may nếm thử nên chẳng biết nó ngon chừng nào! Đối với mợ, cơm nơi quyền quý cao sang thổi bằng sự khổ cực của con dâu, chan bằng nước mắt của con dâu. Đúng thế thật, các em chồng buôn bán cả ngày nên ăn khoẻ quá, mợ luôn buông đũa để xới cơm mà vẫn không kịp tốc độ họ ăn uống. Chưa bữa cơm nào mợ được ăn một cách yên lành, no nê. Hết bữa thì hết cơm, kể cả cháy nồi cũng hết nhẵn, mà bụng mợ Cẩn đói meo, lép kẹp. Đừng hòng hy vọng van nài bố mẹ chồng cho phép bỏ thêm gạo vào nồi. Hai người đấy đếm từng củ dưa hành, đong từng lọ nước mắm, năm chừng mười hoạ cũng mơ mà được thổi nhiều cơm hơn.

Ăn uống kham khổ, việc nhà cực nhọc làm cô con gái ông đồ mơn mởn sắc xuân thuở nào biến mất tăm mất dạng. Thế gian chỉ còn mợ Cẩn gầy khẳng khiu như que củi, má xanh xao teo tóp hệt người ngã nước thôi. Khổ chừng tháng hai tháng thì chịu được, nhưng hơn năm ròng bị đày đoạ thế, thử hỏi dáng dấp mợ Cẩn sao lại không biến dạng thành hình ma tướng cóc? Bấy giờ mợ mới hiểu, à thì ra nhà chồng không cưới mợ về làm vợ cho con trai họ, à thì ra... họ mua mợ về làm con ở không công. Lấy chồng theo chồng, mợ biết, mợ hiểu, nhưng cái lẽ hiển nhiên ấy nó làm tội làm nợ mợ quá!
Ác một nỗi, mỗi khi người ngoài tò mò hỏi dạo này mợ Cẩn ốm thế, cụ Kình bà sẽ loa lên rằng mợ khảnh ăn, mợ chê ỏng chê eo không thèm động đũa. Nào ai thấu cảnh khổ mợ đang oằn mình cam chịu đây, nghe cụ bà trả lời vậy thì à uôm gật gù. Ơ, vậy cậu Kính đâu lại không bảo vệ mợ khỏi sự ác nghiệt của bố mẹ cậu? Cậu đi học tận phủ bên, một năm ghé thăm nhà chưa đầy ba bận thì che chở cho vợ kiểu gì? Cậu Kính biết thừa vợ mình khốn khổ dường nào, nhưng cậu lựa chọn làm ngơ! Trời ạ, cậu nhẫn tâm mặc xác vợ cậu, càng có cớ để cụ bà hoạnh hoẹ mợ nhiều điều quá quắt hơn. Mợ Cẩn sống như chết, chính gia đình chồng "giết chết" mợ.
...
Cái Bống ngọt nhạt xin xỏ hộ mợ Cẩn mãi, cụ bà mới đồng ý cho mợ về nhà ăn giỗ mẹ. Mợ vui mừng trở về ngôi nhà quen thuộc. Thấy bố lầm rầm khấn vái trước bàn thờ, mợ oà khóc nức nở sà vào lòng bố. Mợ Cẩn thút thít kể mình thảm như nào ở nhà chồng. Ông Cảnh điếng người, hối hận vì đã đẩy con gái vào chốn địa ngục trần gian. Nhưng muộn rồi, con gái xuất giá đã là con người ta, ông đồ bất lực không cách nào cứu con. Ông chỉ đành gói ghém chút đồ ăn, hoa quả cho con mang về. Lúc mợ phải trở lại nhà chồng cũng là thời điểm ngày tàn. Ngắm nhìn hoàng hôn dần phủ xuống vạn vật, mợ sợ hãi tột độ. Hoàng hôn là dấu chấm hết cho ngày, nó cũng báo hiệu rằng đời mợ bây giờ sẽ chỉ còn tăm tối. Mợ vốn thích hoàng hôn cơ mà, sao giờ mợ ghê sợ nó đến vậy? Hoá ra khi vô lo vô nghĩ người ta mới thấy khoảnh khắc mặt trời tắt nắng thật nên thơ, chứ khi quằn quại, giãy dụa trong bể trầm luân rồi mới thấy kinh hãi, kinh hãi vì cảm giác cuộc đời mình đã tàn úa giống như ban ngày, nhường chỗ cho bóng đen tăm tối bủa vây phần đời còn lại. Chung quy, đời mợ Cẩn đớn đau âu cũng vì "Kính": Vì kính yêu cha nên chấp nhận gả đi, vì kính sợ bố mẹ chồng mà bị hạch sách, chèn ép, vì người chồng tên Kính lúc nào cũng vô tâm, lạnh nhạt mà lửa lòng của thiếu nữ đương xuân tắt phụt. Một bà thầy bói chép miệng thở dài:

"Làng này tên là Mai, con bé lại thích điều ngược lại, xét về mặt tâm linh thì quả thật đã nghịch ý trời, số mệnh trắc trở là điều tất yếu. Rõ khổ, thuỳ mị nết na, tần tảo ngoan hiền mà không được sung sướng."

...
Truyện này lấy cảm hứng từ chính cuộc đời của cụ ngoại bà nhà tôi, tức là mẹ ruột của ông ngoại tôi. Tuy định viết thêm nhiều điều cho tới 5k chữ nhưng tôi không dám viết thêm nữa vì đối với tôi những điều tôi chưa viết vào quá bi thảm và đau thương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro