Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

tap thu 59

Một.

ÁCH GIỮA ĐÀNG MANG VÀO CỔ

Lại sắp sửa bắt đầu một mùa nghỉ hè, Ga­by mừng thầm. Ngày mốt Tứ quái TKKG sẽ đổ bộ lên miền đất phương Nam rực rỡ ánh mặt trời thuộc khu vực hồ Lugano giáp ranh giữa Italia và Thụy Sĩ. Cứ hình dung đến bốn đứa tha hồ tung tăng đùa giỡn dưới những hàng cọ cao vút là Ga­by đã thấy lòng rạo rực, một năm trôi qua quá là nhanh, nhanh nhu bước chân cô trên lộ trình dành cho khách bộ hành hôm nay.

Lúc này đã là cuối giờ hành chính, các cửa hàng đang lục tục đóng cửa. Công chúa rộn ràng treo túi hàng vào ghi-đông và dắt xe đạp lững thững dạo một đoạn cho đến phố Breil­ing. Đến đây có thể lên xe được, nhưng ngay ven đường có hai tốp nhạc công đang biểu diễn. Một nhóm gồm hai nhạc công đang biểu diễn một bản nhạc của Mozart. Nhóm thứ hai là mấy nhạc công người Mỹ Lat­inh, đang biểu diễn những bản nhạc Mỹ Lat­inh sội động, có lẽ là điệu Sam­cha. Mấy nhạc công Viôlông đỏ mặt vì giận dữ.

Đúng lúc đó thì Ga­by trông thấy một tên móc túi.

Gã so vai rụt cổ lượn lờ quanh quầy bán báo chẳng khác gì con mèo đi quanh đĩa bột nóng. Khuôn mặt gã tàn tạ như bộ quần áo. Da mặt gã nhợt nhạt, tím tím, lông mày sâu róm, ria mép đen nháy. Gã rõ ràng không phải là người Đông Âu.

Tim Ga­by đập thình thịch. Đúng là gã. Mắt cô dáo dác nhìn chung quanh nhưng đáng tiếc thay không có bóng cảnh sát lẫn trạm điện thoại nào. Trời ạ, cô đã nhận ra gã.

Hôm thứ ba vừa rồi, lúc cô và đại ca dừng lại trướng một cửa hàng đại hạ giá cho Tròn Vo mua mấy phong sôcôla thì gã xuất hiện bằng một phu vụ chớp nhoáng.Gã đã thó một chiếc ví da của một bà cụ gần đó cực lẹ.Vừa trông thấy,Tarzan đã vọt đi ngay.Cứ mỗi lần nghĩ tới lúc đó là Ga­by thấy bủn rủn chân tay. Tarzan lao nhanh không để ý đến chiếc Porsche đang phóng tới. Không thể hãm người lại được, Tarzan đã đâm sầm vào xe. Già mà người khác thì đã mất mạng hoặc chí ít cũng bị thương nặng, nhưng với Tarzan thì khác, hắn đã kịp thời co người lại, lộn như một chú mèo và ngồi gọn trên hè đường. Tiếng người la hét thất thanh, tiếng còi ôtô inh ỏi, nhiều người xuýt xoa thán phục, riêng Ga­by thì sợ thót tim, còn tên kẻ cắp kịp thời lặn mất, có lẽ gã cũng đoán được anh chàng suýt bị tai nạn kia định làm gì gã. Ấy thế mà gã chưa tởn sao để hôm nay lại "trồi" lên ở đây?

Tên móc túi đã thụp xuống đám đông sau quầy báo và buông cái bóp vừa "thổi" được xuống một thùng rác. Y chang lần trước, gã lủi còn nhanh hơn lươn. Ga­by chỉ có thể đoán chắc chắn gã còn ăn cắp của một số người nữa.

Ga­by buồn bực đẩy chiếc xe đạp tới gần quầy sách báo. Thùng rác được gắn vào bờ tường quầy báo, trong chứa đủ thứ rác thải: báo cũ, túi nilông, chai lọ và các cốc nhựa, túi giấy và...cái bóp bằng da màu đỏ.

Thế là rõ! Tên ăn cắp đã quẳng cái bóp rỗng vào sọt rác. Ga­by cuối xuống và vươn tay lấy cái bóp.

Cô giật bắn mình bởi một giọng cợt nhả vang lên bên tai:

- Chào người đẹp moi rác!

Lạy chúa, Ga­by quay người lại. Coi, sau lưng cô là một thằng con trai cỡ 17 tuổi nhe hàm răng vàng ệch cáu bẩn cười nhăn nhở. Ga­by quát:

- Biến đi!

- Hề hề, hung hăng làm chi hả cô em. Cô em có lọt hẳn vô thùng rác cũng vẫn xinh đẹp cơ mà.

- Này, tôi không phải là hạng con giá như cậu nghĩ đâu nha.

- Hừm, cũng một thứ đứng đầu đường xó chợ như nhau còn bày đặt làm phách.

Ga­by dằn từng tiếng:

- Nếu anh bạn không cút đi thì liệu hồn với người bạn trai võ sĩ của tôi đấy. Anh ta sẽ đến đây bây giờ.

Không phải nói, thằng lưu manh có là gan...thỏ đế chuồn một mạch. Nào, bây giờ thì Ga­by có quyền mở bóp kiểm tra. Trong bóp không có tiền, chỉ duy nhất một thẻ căn cước có dán ảnh. Ảnh của một bà cụ 77 tuổi họ tên là Pauline Anger­mann, tên thường gọi là Nolte-​Schrey­haltz. Cụ có khuôn mặt sang trọng, mái tóc bạc trắng, tai đeo khuyên mặt ngọc. Thẻ căn cước ghi bà cụ ở số 11 hẻm Pflaster. Con đường cụt ngủn này vắng vẻ, ngay ban ngày cũng có ít người qua lại.

Bất chấp con đường vắng, Ga­by lên yên xe. Dù sao thì cô bé cũng đem trả cái bóp mất tích tận tay bà cụ.

*

Đồn trưởng cảnh sát Knotinger dùng bàn tay to bè của mình che ống nói điện thoại, ngáp dài.

- Saegerecht ơi, cũng lại bà già này nữa.

Trung sĩ Saegerecht mối được chuyển về đồn dừng tay viết, dỏng tai nghe.

Đồn trưởng Knotinger nói:

- Xin chào vụ Anger­mann, cụ định báo chúng tôi vụ gì nữa đây?

Bên kia đầu dây, giọng một bà già run run:

- Tôi cho rằng kẻ gi­an đã đột nhập vào...nhà băng, rõ ràng là tôi nghe một tiếng nổ lớn...

- Cụ chắc chứ?

- Chắc mà.

- Hay đó là tiếng nổ trên tivi?

- Không, trên tivi đang có phim, nhưng tôi bảo đảm với ông là tôi nghe rõ tiếng nổ mà.

- Thôi được, cảm ơn cụ. Chúng tôi sẽ quan tâm đến vụ việc này.

Viên đồn trưởng buông máy, Saegerecht lúc lắc đầu:

- Lại tin vịt phải không sếp?

- Còn hỏi. Bà già này đã "quậy" chúng ta cả thảy 19 lần, chiều thứ sáu tuần nào bà già cũng phôn cho đích danh tôi với nội dung như trên, báo hại chúng ta phải cử đội điều tra lưu động đến nhà băng để rồi cuối cùng tên trộm chỉ là sản phẩm tưởng tượng của bà lão.

- Phù, nhà băng nào thế hả sếp?

- Nhà băng tư nhân "Sei­dl-​Brinkheym", một cái nhà băng buồn thiu nằm gần khu vực dành cho khách bộ hành trong Khu Phố Cổ.Khu đó chẳng có gì vui vẻ, buồn như trong nghĩa trang vậy.

- Ừ...ừm, hèn chi bà già tìm niềm vui bằng cách thả tin vịt cồ nhỉ?

- Mới đầu tôi bị mắc bẫy bà lão, số là bà già ở ngay tầng trên nhà băng.

- Sao?

- Bà lão 77 tuổi này sống một thân một mình. Cô cháu giá tên là Flo­ren­tine thì lấy chồng xa xứ ở tận Lugano. Có khi vì quá cô độc nên bà ta nghĩ ra các chuyện quái quỷ.

- Sếp hiểu sai thắc mắc của tôi rồi, tôi muốn biết tại sao bà già lại ở cùng một nơi với nhà băng kia?

- Thì bà ta là chủ nhà chớ sao. Nhà băng thuê tầng dưới và tầng hai. Bà cụ đòi sống trong căn nhà của mình. Cụ đã sống ở đây trên 50 năm.

Đồn trưởng cười và nói thêm:

- Có thể bà cụ tự cho mình là nhân viên bảo vệ cũng nên.

*

Ga­by đạp xe dọc hẻm Pflaster. Đường phố lặng ngắt như đường đến nhà mồ. Chỗ nào cũng chỉ thấy đá, bê tông và đường nhựa. Không một ngọn cỏ, nhành cây, thậm chí không có cả chậu hoa trên cửa sổ nữa. Khi đứng trước ngôi nhà số 11 cô mới ngạc nhiên. Tại sao tư gia của bà cụ lại là Ngân hàng Sei­dl-​Bringheym mới lạ chớ, chẳng lẽ bà cụ là chủ của ngân hàng này ư?

Cô bần thần rồi ngước mắt nhìn lên tầng trên. Nếu bà cụ sống ở đây thì hẳn là ở tầng trên. Nhưng không biết vào lối nào?

Ga­by do dự một hồi rồi dắt xe đạp vào một con hẻm nhỏ nằm giữa ngôi nhà ngân hàng và tòa nhà bên cạnh. Trong hẻm, cô quả thấy lối đi vào sân, một cánh cửa sắt khép hờ hững. Ga­by đẩy cửa vào và ngó thấy thùng thư để tên bà cụ Anger­mann nằm sau cánh cửa sắt. Kế thùng thư có nút bấm chuông đàng hoàng hẳn hoi.

Đúng vào lúc cô định bấm chuông bỗng đằng sau cánh cửa vang lên một âm thanh lệch xệch. Ga­by ngơ ngác:

- Thưa, có phải cụ Anger­mann không ạ?

Không có ai hồi âm và cũng không có người. Thế thì tiếng chân kéo lê vừa rồi ở đâu ra? Ga­by ngước mắt dòm khoảng hành lang dài lê thê, trong không gi­an nửa tối nửa sang, cô cầm chặt cái bóp sa trong tay và dò dẫm từng bước lên cầu thang lạnh lẽo.

Ga­by đi qua cánh cửa thứ nhất tới cánh cửa thứ hai, cánh cửa này để ngỏ. Cô bé thấy ba người đàn ông, hai người quay lưng lại phía cô loay hoay với hộp cầu dao điện còn người thứ ba cúi xuống lục lọi đồ nghề. Đúng lúc đó Ga­by thấy người đàn ông này nhìn cô chằm chằm. Gã có đôi mắt đen láy, lạnh lùng, trên mặt gã, phía má trái có một vết sẹo to tướng. Trông dáng dấp của gã, có thể đoán gã là người miền Nam châu Âu.

Không cần chờ giải thích, Ga­by cũng có thể biết ngay bọn người này là thế nào.

Ga­by mới nghĩ đến đó là gã đã nhảy bổ về hướng cô. Tên mặt sẹo ra tay nhanh như báo

vồ mồi. Gã chụp gọn cô và lẹ làng dùng bàn tay đeo găng da trám miệng. Ôi, gã khỏe hơn cả gấu, Ga­by bị nhấc bổng lên, đồng thời gã đạp mạnh chân vào cánh cửa để đóng sập cửa lại. Lúc đó gã mới buông Ga­by ra.

Ga­by thở hổn hển và nhìn hai tên còn lại. Một gã trùm vớ nilông che kín mặt, tên kia cũng đang vội vàng kéo chiếc vớ xuống tới cằm nhưng Ga­by đã kịp nhìn thấy bộ râu đen đậm rì của gã. Ga­by lẩm bẩm:

- Các người là bọn ăn cướp nhà băng.

Gã mặt sẹo không cần che mặt, vả lại có làm cũng chẳng ăn thua. Ga­by đã nhìn rõ mặt gã. Gã gầm lên:

- Mày đã biết mặt tao, nhóc con ạ. Số mày xúi quẩy đấy. Hừ, mày vô đây để làm gì hả?

- Tôi...tôi...nhưng làm sao tôi biết được là đã làm phiền các ông. Thế các ông là ai?

Tất nhiên Ga­by không hy vọng bọn chúng trả lời, nhưng cô bé hỏi câu đó để tỏ ra mình hoàn toàn bình tĩnh. Không được để chúng thấy mình sợ, cô bé nhủ thầm.

Ga­by làm rơi chiếc bóp tiền.

Một tên bịt mặt cầm chiếc bóp lên.

- Mày lấy đâu ra cái này?

- Tôi tình cờ lượm được của một bà cụ sống trong căn nhà này và đến đây để trả lại.

Gã mặt sẹo xoa cằm. Mẹ kiếp, con nhỏ có thể thành thực, một đứa con gái thật xinh đẹp, có điều nó gõ cửa không đúng lúc chút nào. Gã quay qua hai tên cộng sự hất hàm:

- Tụi bay tính sao với con bé tóc vàng này hử?

Gã nói giọng khàn khàn, có thể do hút quá nhiều thuốc lá, cũng có thể do uống quá nhiều rượu. Một tên nhún vai, tiếp tục quay lại với túi đồ nghề của mình.Ga­by trông thấy nào búa, kìm cộng lực, một thanh sắt và một đống nhào nhão trông như đất sét màu xám và bóng nhẫy. Ga­by cảm thấy bủn rủn tay chân, đúng là chất nổ rồi.

Tên còn lại làu bàu một tràng tiếng Italia và thuận tay moi trong túi áo khoác ra một thanh kẹo Chew­ing­gum, y lột vỏ thanh kẹo mà không ngờ một mẩu giấy đỏ cũng rơi ra khỏi túi. Gã vén chiếc tất và nhổ toẹt bã cao su cũ xuống đất rồi ấn thanh Chew­ing­gum mới vào mồm.

Gã mặt sẹo nói:

- Ừ, đành phải thế, không thể nào làm khác được.

Ga­by bước nhẹ về phía có bã kẹo cao su.

Gã mặt sẹo nói với cô bé:

- Tụi tao buộc phải giữ mày lại đây để mày không thể phản bội chúng tao được.

- Thì các ông đang giữ tôi đây.

- Hà hà, không chỉ sơ sài vậy đâu. Mày sẽ bị gi­am đến sáng thứ hai.

- Sao??? Bữa nay mới là thứ sáu, chủ nhật này gia đình tôi lên đường đi nghỉ hè.

- Kệ mày, con nhóc. Ai biểu mày đến đây chứ? Mày sẽ được an tọa một chỗ dưới tầng hầm để miễn quấy rầy tụi tao. Tao muốn mày câm mồm cho tụi tao làm việc.

- Không, tôi xin các ông đừng làm như thế.

Ga­by giả vờ phản đối bằng cách giãy nảy. Cô bé lại nhấc giò lên và lần này hạ bàn chân có dính kẹo cao su xuống mẩu giấy màu đỏ. Ngay lập tức mảnh giấy rơi dính chặt vô viên kẹo.

Ba gã đàn ông trói Ga­by, buộc mồm cô bé lại rồi lôi cô vào một cái phòng nhỏ vốn được dùng làm văn phòng.

Ga­by tức muốn trào nước mắt. Trời ơi, cô phải ở lại đây cho đến lúc các nhân viên ngân hàng tới nhiệm sở vào thứ hai tuần sau!!!

*

Giây phút ấy tự nhiên Tarzan bồn chồn. Không hiểu sao lòng hắn như có lửa đốt, hắn đâu có hẹn hò gì với Công Chúa bữa nay nhưng...cần gì phải hẹn hả, linh tính chưa bao giờ phản bội hắn, Ga­by chẳng lẽ đã gặp rủi ro rồi sao?

Hắn phôn đến nhà Ga­by và điếng người khi bà Glock­ner thông báo tin cô bé xách xe đạp đi mua sắm ở Khu Phố Cổ. Trời ạ,quãng đường từ đó đến Beitling vô cùng hoang vắng. Tarzan ba chân bốn cẳng phóng lên ngựa sắt phi nước đại tìm cô bé dù hiểu không hy vọng gì.

Mà đáng lẽ phải ngập tràn hy vọng mới đúng, phải không Ga­by? Chúng ta sắp đi nghỉ hè sau một năm học tập bá phát. Chứ còn gì nữa, mở học bạ là thấy ngay ba quái Tarzan, Karl, Ga­by được xếp loại xuất sắc, còn Kloe­sen cũng...rất hả hê với kết quả trung bình. Coi, chỉ cần cái kết quả tà tà ấy mà quý tử Tròn Vo muốn chi cũng được là cái chắc. Cu cậu đề nghị đi chơi xa, thế là ông chủ nhà máy sôcôla Sauer­lich gật đầu chuẩn y ngay. Số là ông Sauer­lich vừa tậu được một ngôi nhà nghỉ ở gần hồ Lugano, cạnh rặng núi Alpen hung vĩ. Vùng đất xinh đẹp này là trái độn giữa đất Italia và miền Nam Thụy Sỹ, chung quanh là rừng cọ thơ mộng miễn bàn.

Bà mẹ của Tròn Vo nói với cậu con trai cưng từ tuần trước:

- Mẹ sẽ đi qua đó trước để sắp xếp rồi đón bố con và Tứ quái đến khai trương nhà nghỉ sau.

Tròn Vo sướng rên mình mẩy. Đi du lịch mà đủ bộ tứ thì có xuống địa ngục nó cũng sẵn sàng. Nó đem tin lành ấy thông báo với cả đám. Coi như đứa nào cũng sống trên mây cho đến hôm nay.

Tarzan phóng xe dọc theo phố Men­di­an hẹp hun hút như một cái ống, chỉ đủ cho ôtô con đi một chiều.

Trời nóng nực đến nỗi các quán nhậu dọc đường tuôn bia vô ẩm khách như suối. Và lẫn lộn trong đám khách nhậu ào ào thưởng thức thứ nước cay mát dạ ấy, bỗng dưng có một gã đàn ông ria mép đen nháy chạy vụt ra xém lao thẳng vào xe đạp của Tarzan.

Quả là oan gia không hẹn mà gặp.

Tarzan ngẩn người. Vết xước ở cùi chỏ lúc hắn lộn người mấy vòng tránh chiếc ôtô đâm sầm đến tới bây giờ vẫn còn đau. Đầu đuôi cũng do ga móc túi tóc đen, ria đen, mắt đen đó chớ ai. Hắn lao thẳng con ngựa sắt về phía gã trong khi tiếng phụ nữ đằng sau la lên ơi ới:

- Bớ người ta, thằng ăn cắp...

Gã chôm chỉa nữa ư? Được rồi. Tarzan bay xuống xe đạp hất chiến mã vào vệ đường. Chỉ sau hai cú nhảy hắn đã tóm cổ được gã. Tên móc túi chới với. Gã cố móc ngược một nắm đấm vô cầm Tarzan nhưng vô ích.

Hự!

Mạng sườn của tên ăn cắp được nếm đòn, Tarzan đã dạy gã biết thế nào là lễ độ trước một bậc thầy môn võ Đông phương. Hắn đe:

- Nhúc nhích là mềm xương đấy.

Gã lưu manh co rúm như con sâu róm dưới mặt đất. Cái nhìn gã đầy hằn học. Một người đàn bà và hai người đàn ông cũng đã chạy tới nơi. Người đàn bà tóc vàng, đội mũ rộng vành thở hào hển:

- Chính nó vừa giật đồ của tôi...

Bà ta định nhào vô tát tên ăn cắp nhưng Tarzan gạt ra:

- Ô hay, gã đã bị tóm rồi cơ mà.

- Nó cướp của tôi...2.000 mark...

Một người đàn ông nói:

- Phải gọi cảnh sát.

Người thứ hai ôm bụng nhăn nhó như đang bị đau xóc:

- Để tôi gọi điện thoại, họ sẽ đến ngay thôi. Hình như nó là người Thổ Nhĩ Kỳ.

Tarzan cuối xuống tên ăn cắp:

- Này, mày có nhớ tao không? Mày tên gì? Vì mày mà tao bị lao vào xe ôtô đấy. Hôm đó mày gặp may nhưng tao và bạn gái của tao đã nhận được mặt mày. Mày là kẻ cắp chuyên nghiệp hả?

Gã ria mép đen gật đầu nói một tràng tiếng ngoại quốc.

- Ơ, mày là dân Ru­mani hả?

Người đàn ông đứng cạnh người đàn bà nói:

- Gã vừa nói tiếng Nam Tư chứ không phải tiếng Ru­mani. Tôi biết thứ tiếng này.

Người phụ nữ thán phục:

- Tôi đã nhìn thấy cậu hạ nó như thế nào. Tôi muốn tạ ơn cậu...

Tarzan cười:

- Cất lấy mà xài đi cô. Tụi này là học sinh chưa biết cách xài tiền, thấy chuyện bất bình thì can thiệp thôi.

Tên lưu manh bị đưa lên xe tuần tra bởi hai viên cảnh sát. Gã tên là Branko Drutz­ki chiếu theo thẻ tùy thân. Trong người gã còn nguyên số tiền vừa ăn cắp của người đàn bà, ngoài ra còn có khoảng 1.500 mark nữa.

Người đàn bà mời Tarzan đi ăn kem nhưng hắn lễ phép từ chối. Hắn lên xe đạp, về phía nhà Ga­by.

Hai.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Cửa hàng thực phẩm mang tên "Công Chúa" đã đóng cửa từ lâu. Tarzan bấm chuông rồi đứng lùi xa căn nhà một chút bởi Ga­by có thói quen là phải nhìn thấy mặt người bấm chuông mới chịu mở cửa. Sự thận trọng của Tarzan đâm ra thừa, sau rèm cửa không phải là cô bé mà là bà Glock­ner.

Tarzan vui vẻ:

- Chào cô ạ, cháu vẫn chưa gặp được Ga­by.

Tiếng bà thật dịu dàng:

- Con bé vẫn chưa về cháu ạ.

Tarzan liếc đồng hồ:

- Ông Sauer­lich đang chờ cháu đến ăn cơm bên đó.

- Cô hiểu. Cháu cứ đến chỗ bác ấy trước đi rồi gọi điện về đây sau. Không hiểu sao mà hôm nay Ga­by về trễ thế, cô phải thay nó cho con Os­kar đi vệ sinh đấy.

- Ga­by là một cô bé rất tôn trọng giờ giấc, cháu đoán rằng bạn ấy chắc gặp chuyện rắc rối lớn mới chậm về như vậy. Thôi, cháu đành đạp một vòng nữa xem sao đã rồi mới ghé nhà bác Sauer­lich.

- Nhớ gọi điện cho cô nghe Tarzan!

Tarzan dạ ran. Con ngựa sắt lại chồm lên theo hướng ngược lại. Cho dù Ga­by đủ thông minh và bản lãnh để đối phó với mọi tình huống nhưng Tarzan cảm thấy bồn chồn. Trời ạ, suốt đoạn đường dọc Khu Phố Cổ vẫn không thấy có bóng dáng cô bé, hắn buồn bã đạp thẳng xe tới dinh biệt thự của gia đình sôcôla. Đây là tổ ấm của hắn mấy ngày nghỉ này trước khi hắn nhổ neo cùng Tam quái sang Lugano.

Chặng hành trình du lịch sắp tới cũng khá lắt léo. Do phải giải quyết một số công việc ở Du­yarich nên ông chủ hãng sôcôla Sauer­lich sẽ chở Tứ quái tới đó bằng xe Jaguar. Sau đó bọn trẻ mới đáp tiếp tàu hỏa tốc hành tuyến Brus­sel-​Mai­land bởi ngôi nhà nghỉ vùng Lugano nằm trên tuyến đường này. Tất nhiên là ông Sauer­lich sẽ tới đó vào sáng hôm sau lúc đã giải quyết xong chuyện làm ăn buôn bán.

Hắn đạp xe qua cổng nhà bá tước Plet­vai­lo để tiến vào gia trang Sauer­lich mà tâm hồn để tận đâu đâu. Hình như ông bá tước hàng xóm này cũng có một ngôi nhà nghỉ ở Lugano theo lời bác Sauer­lich kể, và hình như Plet­vai­lo bị tai nạn một cách lãng xẹt. Hôm ấy bác Sauer­lich kể mà ráng nín cười. Coi, tự nhiên ông bá tước đãng trí nhảy xuống hồ bơi mà quên rằng hôm trước mình đã cho tháo hết nước ra để tổng vệ sinh. Thế là...Plet­vai­lo lãnh đủ một chân bó bột đến tận đùi và đau khổ chống gậy cả tuần lễ.

Tròn Vo bổ sung:

- Ống bá tước muốn nhắn bà vợ bên Lugano về để săn sóc cho ông ta nhưng bà ấy chẳng chịu về. Vì vậy kì này chúng ta phải chuyển quà tặng của ổng cho bà vợ cà chớn vậy.

Đúng là tình nghĩa phu thê thời kinh tế thị trường. Tarzan ngao ngán nghĩ thầm. Xe đạp hắn dừng trước cửa lãnh địa Sauer­lich. Ê, cậu quý tử Tròn Vo từ phía trong ục ịch chạy ra.

- Sao giờ này mới tới hả đại ca? Ngoài phố có nóng lắm không?

- Đâu mà chẳng nóng.

- Tao ngồi suốt trong bể bơi. Chỉ ở trong đó là dễ chịu mà lại chóng đói. Đại ca có định đi bơi không hay ăn cái đã?

Tarzan lắc đầu:

- Để tao gọi điện về nhà Ga­by đã, vừa rồi có gặp được đâu.

Tròn Vo hôm nay diện quần soóc màu vàng, áo thun ba lỗ màu tím. Dạo này nó lại có hội chứng si mê màu tím. Trông cu cậu sặc sỡ như một con két.

- Cất xe đạp vô gara đã đại ca.

- Ờ, tí nữa tao quên kể chuyện này cho mày. Chuyện tên móc túi làm tao xém chết hôm thứ ba ấy. Tao mới tóm được nó.

- Sao, sao?

Thằng mập thô lố mắt cho đến lúc Tarzan kể xong. Nó toe miệng:

- Mày ngu quá, sao không lấy tiền đền ơn đáp nghĩa của nạn nhân chớ?

- Trời đất, trước giờ tao chưa từng nghe mày đề cập đến chuyện ruồi bu này.

- Trước khác, giờ khác. Tại sao mày không dùng tiền hậu tạ đó tồi mua sôcôla ban ơn cho tao. Biết đâu tao sẽ mang ơn mày rồi hậu tạ tiếp tục. Cứ như thế tụi mình có kẹo xơi dài dài.

- Đồ mập!

Hai thằng đi qua phòng làm việc của ông Sauer­lich. Vị gia chủ nhìn chúng hiền triết lạ lùng. Ông chỉ có ánh mắt hiền triết như vậy lúc đánh chén xong. Rõ ràng ông đã chén đẫy dưới bếp.

Sauer­lich xoa xoa cái bụng trống chầu.

- Mới về hả Tarzan?

- Dạ...

Hai thằng bay qua phòng khách. Tarzan nhấc máy điện thoại:

- Có phải cô Mar­got không ạ? Dạ, cháu không gặp Ga­by ngoài đường...

- Lạy Chúa, sao mãi giờ này con bé vẫn chưa về, cô lo quá.

- Ga­by không phôn cho cô ư?

- Không. Hôm nay chú Glock­ner lại trực ca đêm. Lỡ có bề gì thì...

- Cô hãy bình tĩnh, mười phút nữa cháu sẽ gọi lại.

Tarzan buông máy xuống ngó đồng hồ thẫn thờ.

*

Tòa nhà chìm trong yên lặng. Ga­by bị trói gô trên chiếc ghế bành của ông giám đốc nhà băng. Cô gần như nghẹt thở bởi một đống giẻ nhét đầy họng. Vết trói ở cổ tay và cổ chân như dao cứa vào thịt cô.

Điên rồ! Bọn cướp kia muốn giở trò gì đây? Chúng định phá tung két sắt à? Muốn phá tung két sắt thì chỉ có thể dùng thuốc nổ, và như thế liệu tòa nhà này sẽ ra sao, chưa kể bà cụ Anger­mann. Bà cụ chắc cũng bị bọn cướp bịt miệng?

Một loạt câu hỏi làm Ga­by quay mòng mòng. Cô chỉ ngừng suy nghĩ khi nghe tiếng chân người. Coi, cánh cửa buồng gi­am mở ra, tên mặt sẹo bước vào cười nhăn nhở:

- Sao vậy? À, ừ nhỉ. Hề hề, để tao gỡ mớ giẻ cho nhé.

Mớ giẻ vừa được mở ta, Ga­by nói ngay:

- Các ông thật tồi tệ, làm như vậy để làm gì chớ?

Gã mặt sẹo nói tiếng Đức khá lưu loát:

- Đừng hỗn, cháu bé. Chẳng qua là mày gặp tai bay vạ gió thôi.

- Làm việc thiện không thể gọi là tai bay vạ gió được.

- Mày lẻo mép nhỉ, nhờ việc thiện của mày mà tụi tao biết được trong nhà băng còn có người ở.

Hề hề, có lẽ bà già bị điếc nên lúc tụi tao cho nổ mìn chẳng thấy bà già phản ứng gì.

- Hả? Các ông đã phá két sắt rồi à?

- Rồi, nhưng mà chưa, lúc mày sắp bước vào thì tụi tao đã nổ xong cánh cửa buồng két sắt. Còn cái két tao dại chi phá chứ, phá bằng mìn tiêu hết ngọc ngà châu báu làm sao chia, hê hê. Tụi tao có chìa khóa vạn năng mở 150 ngăn kéo trong két, phi vụ tế nhị này cần tới lòng kiên nhẫn. Có lẽ ngày mai mới xong đại sự.

- Tôi không tin bà Anger­mann không nghe tiếng nổ. Biết đâu lúc này cảnh sát đang trên đường kéo đến đây?

Gã mặt sẹo cười hô hố:

- Mày đừng hù tao, nhãi ranh. Bà già cứu tinh của mày điếc đặc. Bằng chứng là hồi nãy tao ghé phòng bà ta trả cái bóp từ thiện của mày, bà già cứ ngớ ra cảm ơn tao rối rít. Bà lão còn đếch biết mình bị móc túi nữa kia.

Ga­by thất vọng:

- Tôi đã tìm thấy cái ví trong thùng rác.

- Đáng đời mày, trong bóp không có xu mày lượm làm gì để chuốc họa vào thân.

- Nhưng tôi thấy tội nghiệp bà, nên tính đem trả cho bà. Chẳng lẽ vì vậy mà các ông gi­am tôi ở đây đến sáng thứ hai sao?

- Còn phải hỏi, tụi tao cần phải lặn êm đã nhóc ạ.

Ga­by đột nhiên đổi giọng rụt rè:

- Tôi có một đề nghị thế này...ông có thể báo cho gia đình tôi hay rằng tôi bị "bắt cóc" đến sáng thứ hai được không? Tất nhiên tôi muốn nói chuyện trực tiếp với bố mẹ nhưng đời nào ông đồng ý. Vì vậy ông hãy báo rằng tôi bị giữ đến sáng thứ hai, rằng tôi khỏe mạnh để bố mẹ tôi đỡ lo. Ông hãy giúp tôi việc đó.

- Thế tên cô cháu là gì?

- Tôi tên là Ga­by Glock­ner, số điện thoại...

- Khoan đã, bố mày làm nghề gì?

Ga­by nuốt nước bọt. Nói dối ăn thua gì. Chỉ cần chúng xem danh bạ điện thoại là biết ngay thôi mà.

- Ba tôi là chánh thanh tra cảnh sát hình sự Tổng nha.

Tên mặt sẹo có vẻ hoảng hốt ra mặt:

- Mày...mày là con nhà cớm à?

Ga­by gật đầu.

- Chậc chậc, thế thì tao chẳng đút đầu vô rọ đâu. Ngộ nhỡ nhà mày có thiết bị theo dõi máy gọi đến thì sao chớ?

- Nhà tôi không có.

- Tao chẳng tin được.

- Tôi nói dối làm gì kia chứ.

Gã mặt sẹo sa sầm. Ngôn ngữ gã lúng túng thấy rõ.

- Tại sao tao lại phải nghe mày gài nhỉ, nhóc?

- Nếu ông cho đó là gài thì tôi đưa số điện thoại khác vậy. Tôi có vài người bạn cùng đi nghỉ hè vào chủ nhật tới đây. Ông hãy phôn cho bác Sauer­lich, chủ nhà máy sôcôla xin gặp Willi hoặc Tarzan. Cụ thể là Tarzan, bạn ấy sẽ báo tin cho cha mẹ tôi mà ông khỏi cần bị phiền phức.

- Ừ...ừm, giải pháp tương đối ổn đó. Nhưng đợi tao suy nghĩ đã.

Gã mặt sẹo nói là nói thế thôi chớ còn lâu mới có thì giờ tư duy. Ê, lúc Ga­by đọc số phôn là tay gã quay điện như cái máy, gã cũng không thể hiểu nổi lý do mình lại phục tùng con nhỏ một cách lãng nhách như vậy.

*

Trong phòng khách của gia trang Sauer­lich, Tarzan sốt ruột đến điên người. Chỉ còn một phút nữa là hắn đã phải gọi điện cho bà Mar­got Glock­ner mà tin tức về Ga­by vẫn mù mịt sa gi­ang.

Còn ba mươi giây nữa, hắn vừa thò tay vào máy thì bỗng nhiên chuông điện thoại rên vang.

- Alô, đây là tự gia ông Sauer­lich. Xin lỗi, ông là ai?

- Ai cầm máy đó?

- Tôi là Pe­ter Carsten.

- Tôi muốn nói chuyện với một người tên là Tarzan. Cậu ta có ở đây không?

Tarzan chới với. Giọng gã đàn ông thô lỗ này nghe quen kinh khủng, chất giọng lơ lớ của gã lai căng tiếng ngoại quốc mà hắn đã thưởng thức tối thiểu một lần. Hắn ngập ngừng:

- Tôi chính là Tarzan đây.

- À, vậy cậu có biết ai tên là Ga­by Glock­ner không hả?

- Tất nhiên là có. Ga­by là bạn gái tôi.

Gã đàn ông cất tiếng khàn khàn:

- Cậu chớ có lo lắng về sự vắng mặt của cô bạn nhá, nó vẫn bình an vô sự. Cậu hãy nhắn cho bố mẹ cô ấy biết như vậy.

Tarzan hét toáng lên:

- Thế là thế nào? Ga­by hiện ở đâu? Ông hãy cho tôi nói chuyện với Ga­by.

- Đừng có hét lên thế. Hiện tại bọn ta gi­am giữ bạn gái cậu đến sáng thứ hai. Vì sự an toàn của bọn ta nên buộc phải làm như vậy. Ta không thể nói thêm được nữa.Cậu hiểu chớ?

- Tôi chẳng hiểu gì cả. Ông là ai?

- Bạn gái của cậu tình cờ tới chỗ bọn ta, cô ấy đã quan sát bọn ta... Tóm lại là không thể để cô ấy tự do được. Nhưng cậu có thể nói với bố mẹ cô ấy rằng sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra cả. Thế thôi.

Tiếng "cộp" trong ống nghe như một mũi dao xuyên vào tim Tarzan. Hắn cảm thấy như máu đang đông đặc lại. Vậy là Ga­by đang ở trong tay bọn tội phạm. Nhất định là như thế. Ga­by đã tình cờ chứng kiến việc làm của chúng. Và chúng giữ Ga­by lại để có thời giờ tẩu tán.

Tarzan gục đầu xuống. Hắn chỉ ngẩng lên khi giọng Tròn Vo líu lo sát bên.

- Ăn thôi, đại ca, ngon hết sảy.

Tarzan lắc đầu:

- Tao không thể ăn được. Ga­by đang bị kẹt rồi. Bọn bắt cóc vừa phôn cho tao.

Tròn Vo há hốc mồm, nó không hiểu được gì nữa, nó bảo Tarzan nói lại, nhưng hắn đã cầm máy điện thoại, quay số tới Tổng nha cảnh sát, xin nói chuyện trực tiếp với thanh tra Glock­ner.

*

Ngân hàng Sei­dl-​Brinkheym chìm trong tĩnh mịch. Bọn trộm không dám bật đèn vì sợ lộ. Hai thằng Car­lo Ar­guno và Lu­ciano Vinel­li đang ở dưới tầng hầm, ra sức mở các ngăn kéo. Chúng đã mở được hơn 100 ngăn. Giờ thì chúng hí hửng trút mọi vàng bạc châu báu vào một cái bao.

Gã mặt sẹo tên thật là Ri­car­do Paccalone, 39 tuổi, sinh ở Mai­land bắc Italia. Ở Italia người ta biết gã là một thương gia cư trú tại Catag­no­la, một vùng ngoại ô của Lugano. Trong tay gã có một xưởng sửa chữa ôtô, một nhà trọ loại khá, một hiệu giải khát ngay bên bờ biển và một cửa hàng dịch vụ cho thuê xuồng, ấy là chưa kể Paccalone còn làm chủ một du thuyền sang trọng dài 40 mét quanh năm neo ở hai cảng xinh đẹp Portofi­no thuộc Địa Trung Hải.

Mới nghe qua đời sống vương giả của Paccalone ai lại nghĩ rằng gã là một tên trong bọn chuyên cướp nhà băng hả? Ấy thế mà gã là sếp sòng đấy, sếp sòng không phải bây giờ mà từ hàng tá phi vụ trước. Không đi ăn cướp thì lấy tiền đâu mà mang tài sản đến thế kia?

Lúc này Paccalone đã quay ra. Gã liếc xem cánh cửa phòng giám đốc đã đóng kín chưa rồi phôn cấp tốc. Gã gọi điện thoại đường dài cho thằng Jean-​Claude Ne­flet ở Brus­sel.

Ne­flet không xa lạ gì đối với thế giới ngầm châu Âu. Y là ông trùm kinh doanh hàng hóa chôm chỉa mánh mung của bọn đạo tặc. Mạng lưới tiêu thụ của y lan sang cả Trung Cận Đông và Bắc Phi. Y "ngậm" và đầu cơ tranh ảnh, đồ mỹ nghệ cho đến súng ống, giấy thông hành lẫn tiền giả. Y còn cao cơ hơn cả sếp Paccalone một bậc nhờ bộ dạng trí thức và thành thạo 5 thứ tiếng Pháp, Hà Lan, Italia, Đức, Đan Mạch. Sự có mặt hợp pháp của y ở đây làm cảnh sát Bỉ ăn không ngon ngủ không yên.

Y đợi cho chuông reo đến lần thứ 9 mới chịu cầm máy. Chứ sao, bởi vì y là trùm Ne­flet. Một ông trùm có cỡ bao giờ lại chẳng nhờ đàn em van xin.

Tuy nhiên người gọi phôn lần này không nằm dưới trướng y. Gã có tên là Paccalone, găngxtơ hảo hạn hẳn hoi.

- Chào ông trùm Ne­flet.

- Chào sếp Paccalone. Sao rồi?

- Ồ, tôi điện cho anh như đã gi­ao hẹn đây. Phòng anh có "bọ" không đó?

- Ha ha, chẳng có một cái "ăng-​ten" nào. Bọn cảnh sát Bỉ đã không buông tha cho tôi sau một trận quần tơi tả, số là khi tôi xuất hiện ở đây thì 5 bức tranh trong Bảo tàng quốc gia Bỉ mọc cánh. Chúng cứ tưởng tôi mó tay vào chớ. Ai mà dám làm bậy vậy hả Paccalone? Ăn trộm tranh của danh họa Hà Lan là rục tù như chơi. Thật là một sự xúc phạm danh dự trắng trợn, tôi bảo thẳng vào mặt chúng như vậy.

- Nghĩa là ông anh đếch thò vòi bạch tuộc?

- Chứ gì nữa. Chôm những họa phẩm độc nhất vô nhị ấy dễ bể lắm. Tôi bán cho ai bây giờ?

Paccalone cười văng nước bọt.

- Mẹ kiếp, ông anh tính qua mặt tôi chắc? Tôi dám cá độ rằng ông anh đẩy được mớ tranh ấy cho bọn vua Ả Rập đấy. Hê hê, lúc vờ tờ báo đọc xong vụ mất trộm tranh là tôi biết đây là tác phẩm của thằng cha Jean-​Claude. Nói thật đi, có phải cậu không?

Ne­flet cười rung cả người:

- Trời, không tao thì thằng chó nào chớ. Hà hà, đúng là tao làm vụ đó, mày biết thì dán băng keo nơi mồm giùm tao.

- Nhưng đệ vẫn chưa biết ông anh bán cho ai?

- Mày rành sáu câu mà còn vờ vịt.Năm bức tranh xịn ấy đang treo trong một tòa lâu đài gồm 200 phòng của một thằng lãnh chúa dầu hỏa sa mạc. Thế nào lão lại khoe với đám vương tôn công tử châu Âu hả, nhưng kệ mẹ lão lãnh chúa, chủ yếu của tao vẫn là tiền. Tiền trao cháo múc. Thế phi vụ mày ra sao, mày đã đột nhập vào nhà băng rồi hả?

- Rồi. Vừa vặn một tiếng rưỡi đồng hồ. Hai thằng đệ tử Car­lo và Lu­cian­no được việc lắm. Chúng đang "hốt hụi" cú chót ở các ngăn kéo.

- Xin chúc mừng thành quả của mày. Tao đã có mồi tiêu thụ mớ châu báu đó ngay lập tức.

- Ôkê. Tụi này sẽ gi­ao hàng tận tay.

- Bao giờ mày qua đây?

- Chiều mai. Tôi phải thu xếp một vài công việc vặt.

Ne­flet thở mạnh:

- Mày mà chậm trễ là tao vù đấy.

Paccalone rống lên:

- Cấm xù chớ ông anh. Ông anh có nghĩa vụ ở yên tại chỗ và đặt phòng khách sạn cho tụi này. Nhất định tụi tôi sẽ có mặt vào thứ bảy để kịp chuyến tàu đêm Brus­sel-​Mai­land. Tôi muốn ngửi tiền vào sáng thứ hai.

- Chà chà, mày có vẻ nhớ mái nhà xưa quá ha.

- Còn phải hỏi, quê nhà ai không nhớ chớ.

- Tao đoán hồ Lugano chỗ mày ở chắc nên thơ lắm, đáng tiếc là tao chưa đặt chân tới đó bao giờ.

Paccalone cười xòa:

- Tôi sẽ mời ông trùm ghé tệ xá chơi, tuy nhiên chuyện đó chỉ xảy ra khi tôi xong việc đã.

Này, chuẩn bị thật nhiều tiền nhá. Bọn tôi mang theo một mẻ lớn đó.

Ba.

LẦN THEO DẤU VẾT

Sau khi báo tin cho Karl, Tarzan cùng Tròn Vo ra trước cổng dinh thự Sauer­lich để đón thanh tra Glock­ner. Chỉ tội nghiệp cho ông chủ hãng sôcôla, nghe sắp nhỏ thuật chuyện Ga­by bị mất tích, Sauer­lich thấp thỏm đến mức quên béng bữa ăn chiều.

Tròn Vo bứt rứt:

- Mày không tìm ra manh mối nào sao đại ca?

- Có chút ít. Bắt đầu từ giọng nói của tên bắt cóc.

- Cái gì?

- Giọng của gã trong điện thoại vừa khàn khàn vừa lơ lớ chứng tỏ gã chẳng phải là công dân bản xứ, tao dám chắc tụi mình đã từng nghe giọng nói này một lần.

- Phù, nghe mày nói tao nhức óc quá. Ơ... Xe của bố già đang tiến vào kìa.

Tarzan nhướng mắt. Đúng là chiếc BMW trắng đang ập đến như cơn lốc. Thanh tra Glock­ner tay cầm áo khoác bước ra khỏi xe. Khuôn mặt ông hình như nhiều vết nhăn hơn.

- Tụi cháu chào chú.

- Chào Tazan và Willi. Sao, Karl chưa đến à?

- Dạ, lát nữa bạn ấy sẽ đến. Tụi cháu đã gọi điện.

Giọng gia chủ Sauer­lich thân mật:

- Nào, vô trong này đã ông Glock­ner.

Bố già gật đầu. Ông quàng vai Tarzan bước vào nhà.

- Cháu khẳng định rằng giọng nói tên bắt cóc ấy quen thuộc ư?

- Dạ đúng. Hôm đó có mặt đủ ba đứa cháu, nhưng Karl đứng ngoài. Chuyện xảy ra ở nhà bá tước Plet­vai­lo cách nhà Tròn Vo hai căn. Tụi cháu thấy rành rành ông bá tước tiếp một người khách lạ có cái sẹo vắt ngang mặt. Bọn cháu sang đó vì...nhưng tốt nhất là để bác Sauer­lich kể ạ.

Tarzan nhìn ông Sauer­lich. Vị chủ hãng sôcôla hiểu ý gật đầu:

- Tôi có biết chuyện này. Gia đình bá tước Plet­vai­lo mua ngôi biệt thự ở đây hồi năm ngoái. Họ là những người dễ chịu. Ông bá tước đã gần 60 tuổi, sống bên cạnh bà vợ tên là Em­ma, còn gọi là Eme­ly thua ông ta tới 20 tuổi. Bà này thì kênh kiệu đỏng đảnh. Có lẽ cơm không ngọt hay sao đó mà bà vợ bay sang ngôi nhà nghỉ ở Lugano bỏ mặc ông bá tước sống một mình. Mới đây Plet­vai­lo buồn quá uống rượu say bất ngờ té xuống hồ bơi cạn nước đến nỗi gãy cẳng phải băng bột, khi nghe tin chúng tôi chủ nhật này lên đường đi nghỉ ở Lugano, ông bá tước có nhờ tôi đem một món quà cho bà vợ để dàn hòa. Gói quà ấy hiện tôi để trong xe Jaguar. Và người sang nhà ông bá tước nhận gói quà không phải tôi mà là ba đứa nhóc nên tôi không gặp người nói giọng khàn khàn đó.

Tròn Vo bổ sung:

-Dĩ nhiên là ba không biết cái gã mặt sẹo đó. Mà phải đâu một mình ba không biết, con là kẻ có mặt tại tư gia ông bá tước cũng chẳng thấy gì cơ mà.

Glock­ner chưng hửng:

- Chú không hiểu...

- Dễ hiểu lắm chú ơi. Lúc vừa phát hiện lão mặt sẹo, đột nhiên cháu bị mắc nghẹn sôcôla nơi cổ khiến nước mắt nước mũi trào ra,thành thử chẳng nhìn thấy gì hết.

Ông thanh tra nhìn Tarzan:

- Nếu cháu nhận ra giọng gã thì chắc gã cũng nhận ra giọng của cháu.

Tarzan lắc đầu:

- Không đâu, lúc ở đó cháu chỉ nói đúng ba tiếng. Cháu chỉ chào ông ta thôi ạ. Lúc tụi cháu đi qua cổng thì ông bá tước và gã mặt sẹo đang rì rầm với nhau tại hồ bơi như đôi bạn chí cốt. Họ nói về kiến trúc khu vườn. Gã mặt sẹo trông như người miền Nam châu Âu. Ngoài vết sẹo chém, gã có ba đặc điểm: mắt đen, tóc đen, bộ ria đen. Khi tụi cháu sắp trò chuyện với ông bá tước thì gã còn cất giọng khàn khàn và có âm lơ lớ Italia nói về các loại cây cỏ và hòn non bộ.

Ông Glock­ner hỏi:

- Thế cháu giới thiệu Tarzan như thế nào, Willi?

Tròn Vo chẳng nhớ gì cả. Tarzan lại nói tiếp:

- Tròn Vo giới thiệu cháu là thủ lĩnh TKKG cho ông bá tước.Bạn ấy định nói tên cháu thì đột nhiên ho rũ rượi làm văng cả sôcôla trong miệng ra. Cháu phải đấm vào lưng bạn ấy cho cắt cơn.

Tarzan trông rõ nét lo lắng trên mặt ông thanh tra. Ông nói khẽ:

- Cho tôi xin một cốc nước được không?

Thằng mập ba chân bốn cẳng chạy xuống bếp. Ông Sauer­lich ái ngại:

- Ông uống bia nhé? Theo tôi thì cháu Ga­by không đến nỗi nào đâu, nếu không thì chúng đã gọi điện thoại.

- Tôi hiểu điều ấy. Nhưng hà cớ gì chúng lại giữ cháu tới hai ngày ba đêm như thế? Rồi cháu sẽ ăn ngủ ra sao? Hay chúng đã mua vé vào sáng thứ hai để ra nước ngoài? Nè Tarzan, cháu có nghĩ rằng ông bá tước quen biết trước với thằng mặt sẹo không?

Tarzan nhún vai:

- Cách rì rầm thì có vẻ như thân nhưng cách phát ngôn của họ chỉ thuần túy vấn đề làm ăn buôn bán hời hợt. Cháu có cảm giác như gã mặt sẹo muốn thầu về mặt trang trí khu vườn của ông bá tước.

Bố già uống cạn ly nước khoáng của Tròn Vo vừa đưa. Ông thở dài:

- Ông ở nhà nhé ông Sauer­lich.Tôi phải qua người hàng xóm của ông để làm việc đây. Chuyện ông có mặt cạnh tôi e rằng không được tế nhị lắm.

Sauer­lich sửng sốt:

- Ông thanh tra cho rằng ông bá tước sẽ bao che cho gã mặt sẹo đó ư?

- Cũng có thể như vậy hoặc không, dù sao tôi cũng hy vọng rằng quan hệ của ông ta và tên mặt sẹo không đi quá xa đến chỗ mờ ám.

- Ừ...ừm, nếu thế thì tôi đành ngồi nhà đợi kết quả vậy.

Tarzan và Tròn Vo nháy mắt cho nhau. Hai quái cùng la lên:

- Nhưng tụi cháu sẽ cùng đi với chúng.

*

Cổng vườn ngôi biệt thự láng giềng chỉ khép hờ nên ba chú cháu không cần phải bấm chuông, họ thong thả bước vào. Trong gara lớn, Tarzan trông thấy một xe hơi loại trung bình phủ đầy bụi bặm bên cạnh máy xén cỏ. Chỗ trống trải có lẽ để dành bên cạnh máy xén cỏ. Chỗ trống trải có lẽ để dành cho chiếc ôtô của bà Eme­ly vợ ông bá tước, và chiếc "xế hộp" ấy có lẽ cũng bốc hơi theo gót hài của bà tới Lugano.

Bá tước Plet­vai­lo đứng ngẩn ngơ trước cửa với dáng người đồ sộ, béo phị và trông khá đần độn. Ông ta khoác áo gilê lụa, chống gậy nhìn ba người khách không mời mà đến trừng trừng. Mới liếc qua khó ai nghĩ ông ta thuộc tầng lớp quý tộc, Plet­vai­lo thích hợp với một kẻ hành nghề đồ tể hơn ở bộ mặt đỏ gay vì huyết áp, cái mũi cà chua và ria mép rậm rì.

Cặp lông mày sâu róm của ông ta nheo lại một cách khó chịu:

- Xin lỗi, mấy người là ai?

Thanh tra Glock­ner chìa thẻ hành sự ra. Bố già trả lời rất đổi lịch sự:

- Tôi muốn bá tước cung cấp thông tin về một nhân sự mà ông từng tiếp xúc.

Plet­vai­lo nặng nề mở rộng cửa và nói:

- Có chuyện rắc rối với với tôi à. Nào, mời vào.

Nhưng điệu bộ của ông khiến người ta hiểu rằng giá được đóng sắp cửa lại trước mũi khách thì thích thú hơn nhiều.

Trong phòng khách có vô số đồ gỗ quý, một loạt chân dung ông bà tổ tiên dòng họ và mấy tấm thảm bằng lụa tơ tằm. Cái vô tuyến màu nâu đỏ trông thật lạc long trong gi­an phòng cổ kính này.

Thanh tra Glock­ner nói:

- Thưa bá tước, hôm qua khi hai cậu bé này sang bên nhà ông để nhận quà của ông gửi cho bá tước phu nhân, bất ngờ gặp một người khách mặt sẹo gần hồ bơi. Chúng tôi rất cần biết tên họ vị khách đó.

Plet­vai­lo im lặng chỉ tay vô chiếc ghế bành ra dấu cho ông thanh tra ngồi. Phần ông ta thì chình ình cái bụng phệ trên chiếc ghế đối diện.Vị bá tước hươ tay:

- Tôi không biết, rất tiếc, thưa ông thanh tra.

- Bá tước không biết ông ta?

- Tôi hoàn toàn mù tịt về thân thế gã ấy. Đó hoàn toàn là người lạ.

Glock­ner xoa xoa cằm:

- Đám nhóc có kể rằng ông đã trò chuyện với gã khá lâu.

- Ồ, chuyện ấy tự nhiên thôi. Người dưng gặp nhau vẫn chào hỏi như thường. Huống hồ gì gã đang có ý định tìm việc làm, gã đi ngang thấy tôi thư giãn trong vườn nên mạnh dạn gõ cửa đề nghị xin được một chân xén cỏ. Đáng tiếc là tôi không đồng ý.

- Chẳng lẽ ông thân mật dễ dàng với một kẻ vô danh ư?

- E...hèm, gã xưng tên bằng thứ tiếng nào đó như tiếng Italia làm sao tôi nhớ nổi.

- Gã từ đâu đến?

- Tôi không biết. Gã ba hoa về một công trình thiết kế vườn tược nào đó. Gã nói năng cực kỳ lộn xộn, ba hồi xin làm vườn, ba hồi đòi tân trang hoa viên khiến tôi điếc cả ráy. Cũng may nhờ đám trẻ xuất hiện nên tôi có cớ tống cổ gã.

Ông bá tước hạ giọng với vẻ tò mò:

- Tay mặt sẹo ấy phạm pháp à, thưa ông thanh tra?

- Chúng tôi tạm thời chưa có kết luận vội, tuy nhiên chính gã đã gi­am giữ con gái tôi khi con bé phát hiện gã phạm pháp. Tôi nghĩ rằng con gái tôi đã đề nghị gã gọi điện cho Tarzan. Nhờ vậy, chúng tôi tình cờ khám phá ra giọng nói khàn khàn của gã.

Ông bá tước há hốc mồm ngạc nhiên, suýt nữa thì buông rơi cây gậy chống:

- Té ra gã là người làm vườn giả dạng ư? Rất có thể gã đến đây để dò xét...

Glock­ner đảo mắt nhìn căn phòng:

- Một vụ trộm tại đây tất nhiên rất phù hợp với ý thích của gã.

- Đúng, đúng, tôi có nhiều bức tranh quý giá.

- Nhà ta có hệ thống báo động không?

Cặp môi dày của Plet­vai­lo vêu ra một cách quá quê kệch. Ông ta ngơ ngác:

- Không, không bao giờ. Những trang sức quý báu của dòng họ tôi đều gửi trong két sắt nhà băng hết. Tên trộm muốn vơ vét chỉ tổ tuyệt vọng thôi.

- Ông có nói điều đó với gã mặt sẹo không?

- Đời nào tôi khờ khạo đến thế. Của gia bảo nhà tôi hiện chỉ mình ông là người đầu tiên biết đấy.

Glock­ner đứng dậy thất vọng:

- Ông thực tình không nhớ tên gã sao?

- Không,thật mà.

- Vậy chúng tôi xin kiếu từ. Xin lỗi đã quấy rầy bá tước.

- E...hèm, tôi tiễn quý vị ra cổng nhé.

Lúc đặt chân qua cổng, Tarzan ngó ông bá tước trăn trối.

- Cháu có một điều muốn hỏi bá tước được không?

- Nói đi.

- Bá tước đã gửi vàng bạc châu báu ở nhà băng nào ạ?

Plet­vai­lo nhăn trán:

- Chú mày cần biết sao?

- Cháu nói thực, sự thắc mắc của cháu chỉ có lợi cho bá tước.

- Thế hả? Ta tiếc lộ sơ sơ thôi nghe. Tài sản tiền bạc của ta trước giờ độc gửi cho một ngân hàng tư nhân.

- Cháu muốn biết rõ hơn.

- Hừm, đó là ngân hàng Sei­dl-​Brinkheym. Một ngân hàng rất đáng tin cậy. Ta khuyên cháu nếu có tiền thì nên gửi vào đó.

*

Khi ba chú cháu trở về gia trang Sauer­lich có them Karl nhập bọn. Mọi người kéo rốc vô phòng khách bàn luận về những gì thu lượm được. Phòng khách của nhà sôcôla có khác, từ chỗ ngồi ai nấy đều tự thư giãn bằng cách phóng tầm mắt nhìn xuyên qua cửa kính lớn ra vườn. Khu vườn hoa xinh tươi được trồng một loại cỏ rất mịn chuyên dùng ở sân golf. Chim chóc, sâu bọ và nhiều loại bướm đủ màu sắc tụ tập trong khu vườn. Tròn Vo thường khoe rằng đây là "rừng nhiệt đới" riêng của nó.

Karl đưa một ngón tay lên môi ra hiệu cho thằng mập im lặng. Còn phải hỏi, nó đang thống kê những tin tức ban đầu để giải chứ sao. Chỉ có ông Sauer­lich ngồi thoải mái, mồm ngặm xì gà lắc lư bên ly rượu cô nhắc, còn thanh tra Glock­ner ông cầm ly nước khoáng đã gần cạn mà vẫn chưa tỉnh táo chút nào. Và Tròn Vo, tất nhiên nó lại móc túi ra một phong kẹo sôcôla.

Tarzan cố gắng giải tỏa bớt sự ngột ngạt:

- Cháu đã rà soát lại trong đầu tuyến đường đi của Ga­by đến năm lần mà không thể nào phát hiện được điểm gặp tai họa. Ga­by có thể sơ xuất nhưng không sơ xuất đến mức quên báo cảnh sát khi có biến. Vả lại bọn tội phạm đâu dễ gì bắt giữ Ga­by trong khi bạn ấy còn cái miệng để gào lên. Hiện giờ mọi nghi vấn của chúng ta đều tập trung vào tên mặt sẹo.

Glock­ner thở nặng nề:

- Chú đã phôn về nhà nhưng cô Mar­got vẫn chưa có một tin tức gì mới.

Karl gỡ kính ra lau, nó nói:

- Những điều Tarzan nhận định về những phản xạ của Ga­by chỉ phù hợp khi bạn ấy có chuẩn bị, bằng ngược lại nếu bị tấn công bất ngờ thì bạn ấy á khẩu là cái chắc.

Tarzan nói:

- Đồng ý. Nhưng xét về mặt khoa học thì trên lộ trình ấy chẳng có hàng quán nào hấp dẫn để cô bé tấp vào, à à, trừ khi gặp một người quen. Nhưng người quen thì cớ sao lại bắt cóc nhau hả?

- Một tên nguy hiểm như mặt sẹo khó mà làm quen được.

- Vậy thì Ga­by là nhân chứng duy nhất đã nhìn thấy tội ác của tên mặt sẹo nên gã buộc phải ra tay. Nhưng mà gã phải phạm pháp gì cơ chứ, ăn trộm chăng, hay ăn cướp, hay khủng bố?

Tròn Vo nuốt ực thanh sôcôla vô họng.

- Có thể...gã mặt sẹo đó đã ăn cướp một quán ăn nào đó.

Thanh tra Glock­ner nhíu mày lúc quay trở lại ghế:

- Tôi vừa gọi điện về Tổng nha và được báo rằng trong vòng hai giờ đồng hồ gần đây tại Khu Phố Cổ không hề xảy ra tai nạn gi­ao thông. Điều đó có nghĩa là lộ trình di chuyển của Ga­by hoàn toàn êm thấm.

Tazan tư lự:

- Ga­by có thể di chuyển đi theo một tuyến đường khác vì một điều gì đó và rớt vào bẫy,thưa chú.

- Đó là những điều mà chú nhức đầu đây.Thôi, xin chào mọi người,tôi phải về sở làm ngay bây giờ.

Cả đám tiễn bố già Glock­ner ra tận cửa xe BMW. Chiếc xe hơi vừa biến sau chỗ quẹo, Tarzan đã vươn vai răng rắc:

- Đêm nay sẽ là một đêm không ngủ đối với tao. Chắc chắn tao sẽ lượn lờ trong Khu Phố Cổ.

Máy Tính nhếch mép:

- Có tao nữa. Chúng ta sẽ có tới "bốn con mắt" dò thám khu vực khả nghi ấy.

Tròn Vo nghiêm trang:

- Sáu con mắt chớ, tụi mày quên tao rồi sao. Sau khi ăn sôcôla, mắt và tai tao thường thính hẳn.

*

Đêm âm u và oi nồng. Trời không trăng không sao làm như sắp có giông. Ngoài đường không một bong người, ít ra ở khu vực giành cho người đi bộ. Tam quái đã tảo thanh khắp các ngóc ngách trung tâm thành phố nhưng tuyệt nhiên không nghe bất cứ tiếng động nào. Chúng đã kiên nhẫn suốt mấy giờ liền đến nỗi lúc này phần lưng ba đứa đều mướt rượt mồ hôi.

Tròn Vo thở phì phò, cu cậu làu bàu vì đã hết nhẵn sô cô la.

Tarzan bảo các bạn:

- Chúng ta phải tìm cho kỳ được bạn ấy. Tụi mình lại góc phố Vilette xem có tiếng động nào chăng?

Tarzan phóng xe đi tiên phong. Tuy nhiên tiếng động lại phát ra từ Tròn Vo mới chết dở. Số là cu cậu cần phải "xả xú bắp" nên bất chấp xe đạp đỗ chỏng gọng lao vào cột đèn chỗ tối om ngay.

Mười giây sau, thằng mập thở phào:

- Xong. Giờ thì tao có quyền là đà cánh nhạn tìm Công Chúa cùng trời cuối đất.

Tarzan nhăn mặt:

- Không dám cuối đất đâu. Chúng ta mò đến đồn 15 kia nghe ngóng thử.

- Nhưng tao dám cá là thiên hạ trong đồn không biết ái nữ ông thanh tra bị bắt cóc đâu. Nếu biết họ đã cho bố già hay rồi.

- Sao mày lúc nào cũng tía lia cái mồm. Không nhớ ông Knotinger, đồn trưởng đồn 15 à? Ông ta là "bạn già" của tụi mình trong một đặc vụ trước đây ấy, tại sao không nhân cơ hội này thăm viếng hả?

- Á à, vậy thì được.

Ba quái dắt xe đạp lững thững vào đồn. Coi, ông đồn trưởng ngự tận buồng trong với tư thế ngủ gà ngủ gật, trên bàn là một lô một lốc hồ sơ cao nghệu. Bọn chúng đi ngang qua dãy bàn ăn của những viên cảnh sát trực đêm. Họ đang ăn suất ca đêm và uống sữa.

Một viên cảnh sát đang ăn hỏi:

- Ê, mấy cậu tính làm gì hả?

Tròn Vo le lưỡi:

- Ơ, tụi tôi đi kiếm "bạn già" mà.

- Chúa ơi, sếp của tôi mà lại là bạn của quý vị à?

- Chứ gì nữa. Không tin hỏi ổng thử coi.

Đúng lúc đó đồn trưởng Knotinger choàng dậy mở bừng mắt.Ông cười toe toét:

- Chà, thượng sĩ Hobo Segerecht. Những đứa trẻ tuyệt vời này là bằng hữu chí cốt của ta đấy.

Ông đồn trưởng oang oang:

- Sao? Các thám tử mi­ni đến đây có chuyện gì vậy? Ồ,thật là một câu hỏi ngớ ngẩn. Về chuyện của Ga­by chớ gì?

- Chú đã biết bạn cháu bị mất tích rồi ạ?

- Biết, trung tâm đã điện báo đến các đồn, nhất là đồn 15 này. Nhưng ở đây chẳng có chuyện gì ăn nhập với cái sự kiện đó cả.

Tarzan thất vọng:

- Chú không có một tin tức gì khả dĩ sao?

- Không.

- Chẳng lẽ từ 18 giờ chiều đến lúc này không có chuyện gì ạ?

- Ừ...ừm, chỉ toàn ba cái vụ lẻ tẻ, một loạt thằng say rượu, mấy đứa quậy trong quán nhậu, vài ba vụ chửi bới mất hòa khí hàng xóm, hai vụ trộm xe đạp và một con rắn.

- Rắn?

- Chứ sao. Con rắn xuất hiện sau một vụ bà già lẩm cẩm gọi điện tới. Thế này, có một cặp vợ chồng đang ngồi xem tivi ở nhà vườn, cửa sổ để mở, bỗng một con rắn bò tới dưới chân bà vợ khiến bà ta tru tréo. Hai ông bà hoảng quá chui vô toa lét trốn. Khi hoàn hồn, ông chồng gọi phôn đến đây. Chú phải nhờ chuyên gia bắt rắn của Tổng nha xuống ẵm con rắn dài 2 mét ấy nhốt vào sở thú.

Tarzan nói:

- Bọn cháu sẽ tiếp tục đi dò la suốt đêm nay. Sau hai tiếng đồng hồ nữa sẽ quay trở lại, biết đâu có chuyện gì đó xảy ra.

Khi ra đến cửa, hắn chợt quay lại nói:

- Chú có thể nói cho cháu biết nội dung cú điện thoại của bà già lẩm cẩm được không ạ?

*

Ga­by cố gắng tháo dây trói nhưng không tháo được còn làm đổ luôn chiếc ghế. Gã mặt sẹo dựng chiếc ghế lên và tháo chiếc giẻ bịt mồm cô ra, gã đe:

- Mày quá lắm nhóc ạ, chuyên phiền nhiễu chúng tao. Đừng làm chúng tao phải tức lên.

- Thế tôi phải cảm ơn ông à?

Gã kiểm tra nút trói, lại nhét giẻ vào mồm Ga­by. Chuyện đó xảy ra cách đây chừng ba giờ đồng hồ. Lúc này Ga­by đã nghe thấy tiếng chuông nhà thờ điểm 12 giờ đêm.

Gã mặt sẹo quay lại, Ga­by chỉ trông thấy bóng của gã. Gã nói:

- Số mày hên đó, hai chiến hữu của tao đã khoáng sạch 150 ngăn két chỉ trong vòng hơn ba tiếng đồng hồ.

Gã tháo chiếc giẻ ra khỏi mồm Ga­by, cô bé nói luôn:

- Ông đi mà đăng ký tên vào kỷ lục Gui­ness.

Mắt gã mặt sẹo long song sọc:

- Mày muốn phê bình gì thây kệ mày nhưng số phận mày đã được định đoạt, thiên thần tóc vàng ạ. Giờ thì mày sẽ đổi xuống chỗ buồng két, buồng ấy cách âm nhưng thở được bằng lỗ thông hơi và có cả đèn đóm. Mày hãy hưởng thứ tự do hạn chế đó cho tới sáng thứ hai, ha ha ha.

- Nhưng làm sao tôi sống đến ngày đó chứ?

- Mày sẽ có bánh quy và nước khoáng. Tao đã chuẩn bị sẵn. Tao sẽ khuân cho mày cái tivi.

- Tôi cần mấy cuốn sách cơ.

- Ừ...ừm, để tao coi có không.

- Ông hãy cố giúp tôi để sau này khi ông ở tù tôi còn gởi vào trại gi­am biếu ông bánh ngọt tự tôi làm. Ít ra là năm đầu tôi sẽ làm như vậy. Theo ông, với tội này ông ngồi tù bao nhiêu năm? 10 năm hay 15 năm?

Gã mặt sẹo nghiến răng kèn kẹt:

- Mày cứ hỗn láo như thế thì tụi tao sẽ đối xử khác đấy.

Tên cướp cởi dây trói cho cô và Ga­by cà nhắc đi theo gã xuống tầng hầm. Gã hỏi:

- Nhóc con, mày làm sao thế?

- Tôi bị tê chân.

Thực ra Ga­by nói dối. Cô bé sợ mất mẩu giấy đỏ ở gót giày mà cô đã dính được bằng kẹo cao su.

*

Đồn trưởng Knotinger nói:

- Bà già Anger­mann vô địch tung tin vịt kia đã làm cả đồn này ê càng tới 19 lần, hiểu chưa? Trong vòng 19 lần kêu réo ẩu đả đó, chú và đồng nghiệp đã tốn xăng đổ xe tuần tra vô ích 18 lần cả thảy.

- Trời đất!

Knotinger kể lại cú điện thoại lần thứ 19 cùa bà già gân về những chuyện khả nghi ở một nhà băng tư nhân.

Lần này thì đến phiên Tarzan giật mình:

- Nhà băng ấy tên gì vậy chú?

- Đó là ngân hàng tư "Sei­dl-​Brinkheym" ở ngõ Pflaster.

Ngày hôm nay, Tarzan đã nghe tới tên cái ngân hàng này lần thứ hai. Hắn không nói thêm một lời nào, nháy mắt với hai quái đi thẳng ra cửa. Lúc leo lên xe đạp tự nhiên Tròn Vo buột miệng:

- Tao nghe tên ngân hàng này có vẻ quen quen,đại ca à. Hình như ông già tao có tài khoản ở đây thì phải.

- Không đâu. Chính lão bá tước Plet­vai­lo gửi gắm của cải châu báu tại nhà băng này, mày quên rồi sao.

Tròn Vo reo lên:

- Tao nhớ rồi, tao có nghe lão kể lão gửi tài sản dòng họ trong một cái két sắt ở ngân hàng này.

Đi được một đoạn bỗng thấy Máy Tính chậm rãi nói:

- Theo tao, cách xử trí của ông đồn trưởng như thế là tắc trách. Cho dù bà già đó lẩm cẩm thì cũng phải xem hư thực ra sao đã chớ.

Tròn Vo lắc đầu:

- Nhưng nếu nhà băng bị cướp xâm nhập thiệt thì giờ này tụi mình đến nơi cũng huề tiền. Bởi bà già ranh mãnh ấy đã đứt bóng hoặc đi đời nhà ma.

Tarzan trợn mắt:

- Sao nỡ ăn nói với người lớn vậy Kloe­sen. Chà, mày biết hẻm Pflaster không Karl?

- Biết. Con đường vắng vẻ và nhỏ xíu. Đi theo tao.

Bốn.

SAI MỘT LI, ĐI MỘT DẶM

Quyết định của thủ lĩnh TKKG làm Tròn Vo than trời như bọng. Rằng nào thì phải nó muốn bỏ rơi bà già, mục tiêu của cả băng là cứu khốn phò nguy cơ mà, nhưng giờ này chưa tẩm bổ chút gì vô bụng mà đạp xe nữa thì oải quá. Thằng mập gò lưng trên ngựa sắt thở hồng hộc. Nó giận run người khi thấy các hàng quán dọc đường đóng cửa hết trơn.

Karl an ủi:

- Ngõ Pflester trước mặt rồi kìa, thấy tòa nhà ba tầng cao lù lù chớ. Chính nó đó.

- Không có ánh đèn mày ơi.

Tarzan dừng xe lại chụm tay quan sát. Từ tuốt trên tầng cao mới có chút ánh sáng mờ nhạt, hình như ánh sáng hắt ra từ một căn buồng. Hắn thì thầm:

- Hẳn là bà cụ chưa ngủ nên còn chong đèn đây.

- Mình phóng qua con hẻm kia đi đại ca.

Coi, ba quái vừa lướt vô một khoảng sân rộng bỗng Tarzan suỵt khẽ. Dưới ngọn đèn le lói có ba bóng đen lom khom xách theo mấy chiếc valy.

Có lẽ họ đi về hướng nhà ga cho kịp chuyến tàu. Tarzan hoang mang "nghía" hai gã đàn ông đi đầu đội mũ rộng vành, thứ mũ mà dân Italia thường sử dụng. Họ rẽ vào một con hẻm tối. Có tiếng cười khẽ vẳng lại. Chậc chậc, họ là kẻ gi­an hay là khách du lịch đi nghỉ hè phương xa đây?

Ba cái bóng vừa bốc hơi là Tarzan tỉnh người.Nào,quay về thực tại là hay hơn hết.Hắn mím môi quan sát. Trong bóng tối hắn thấy một ngõ nhỏ, Karl và Tròn Vo đuổi theo xe của Tarzan, cả ba dừng lại trước một cánh cửa sắt.

Tròn Vo kêu lên:

- Ôi chao, cửa không khóa. Thế mà gọi là nhà băng được à?

Máy Tính chưng hửng:

- Tao cũng không hiểu sao một nhà băng chứa đầy tiền mà dám cho một bà cụ ở ké nhỉ? Mà cửa ngõ lại không an toàn kia chứ.

Tarzan cảm thấy hồi hộp, hắn quành xe về phía ngọn đèn đường. Ở đó có quá nhiều ngóc ngách, ba gã đàn ông khả nghi biến đâu mất. Hắn quay lại nói:

- Hồi nãy tao gặp ba cái bóng xách valy. Nhưng không hiểu họ biến đi đằng nào.

Tròn Vo trề môi:

- Còn tao chỉ nghe tiếng cười hả hê của một cái bóng. Chắc là ma xó đó. Rượt theo làm gì.

Tarzan dựng xe đạp vào bức tường nhà. Ba thằng rón rén tiến vô sân. Quả nhiên chúng dễ dàng phát hiện ra một cánh cửa hông có nút điện trắng. Tarzan bấm nút. Mèn đét ơi,đèn bật sáng lòa.

Hắn đưa tay che mắt cho đỡ chói.

Karl Máy Tính tò mò sờ tay lên cánh cửa. Ma quỷ ạ,cánh cửa chỉ khép hờ, nói chới với nhìn xuống dưới chân. Coi,mặt đất đấy những mảnh vội tơi tả.

- Ồ khóa đã bị phá rồi, đại ca.

Tròn Vo le lưỡi.

- Vậy là bà cụ báo động chính xác. Nhà băng đã bị xâm nhập.

Tarzan mím môi đẩy mạnh cánh cửa trong tư thế sẵn sàng ra đòn. Hắn tiếp tục bật mọi nút đèn. Ánh sáng chan hòa nhưng những tên cướp thì chẳng thấy đâu. Hắn giậm chân:

- Tụi mình đã bị sảy ba con cá lớn. Chính bọn tội phạm là ba gã xách valy hồi nãy.

Karl điếng người:

- Chúng không cướp những đồ đạc bình thường ở đây mới là nguy.

- Quá nguy đi chớ. Tụi mình xuống tầng hầm mau. Đi theo lối hành lang thử xem.

Cả ba quái thừa kinh nghiệm để hiểu rằng nơi hấp dẫn nhất của nhà băng là buồng chứa két sắt và căn buồng quan trọng ấy thường được thiết kế dưới tầng hầm.

Ê, khi cả đám lọt xuống dưới tầng hầm mới choáng váng. Căn buồng có két sắt bị phá tung, các ngăn kéo nhỏ bị đứt khóa nằm ngổn ngang. Toàn bộ căn buồn như trải qua một cơn địa chấn đầy những mảnh bê tông vỡ vụn.

Tarzan nhận xét:

- Rõ ràng bọn chúng đã dùng thuốc nổ phá cánh cửa sắt bên ngoài để vào phòng.

Tròn Vo lẩm bẩm:

- Kỳ này "bạn già" của tụi mình tiêu rồi.

- Mày nói ai?

- Thì ông đồn trưởng Knotinger chớ còn ai. Chú ấy cứ tưởng bà già Anger­mann tung tin vịt nào dè có tiếng nổ thiệt. Phen này thì ông ta không thể nào được yên.

Bỗng có tiếng nói vang lên:

- Tarzan ơi, Tarzan à...mình đây này...

- Lạy Chúa, Ga­by!

Tarzan reo lên, hắn vội vàng đạp phăng cánh cửa gần căn buồng chứa cái két sắt.

Thực tuyệt vời, Ga­by đang co rúm trong góc phòng ngó hắn như một con mèo bị thương.

- Ga­by!

Nửa khóc nửa cười, Ga­by ôm chầm lấy Tarzan.

*

Khỏi phải nói, cuộc hội ngộ của bộ tứ TKKG cảm động đến chừng nào. Chưa bao giờ Tròn Vo cảm thấy Công Chúa nắm tay nó nhiều lần đến thế. Phải đến ba phút sau, cô bé mới nói được:

- Làm thế nào các bạn tìm ra mình ở đây vậy?

Tarzan ôm vai bạn gái:

- Nhờ quân sư Karl đó Ga­by. Trong lúc tụi này nói chuyện với vị đồn trưởng Knotinger về cú điện thoại thứ 19 của bà cụ Pauline Anger­mann báo tin có một vụ nổ ở nhà băng, hầu như ai cũng không quan tâm bởi bà cụ thường tung tin dỏm. Chỉ trừ Karl, Karl muốn tụi mình đến tận nơi kiểm tra cho chắc chắn.

Bốn đứa hào hứng nói chuyện như bắp rang. Tarzan nhân tiện báo tin mừng cho Ga­by về việc tóm cổ tên móc túi Drutz­ki từng làm hắn một lần suýt chết. Cuối cùng cả bọn tranh nhau hỏi vì sao Ga­by chỉ đi có một chiếc giày.

Công Chúa cười:

- Chiếc giày mình đã tháo ra để trên cái giá kia kìa, kế bên mấy chai nước khoáng, mấy túi bánh bích quy và một chồng báo ảnh. Các bạn đoán thứ gì ở dưới gót giày nào?

Tròn Vo khịt khịt mũi:

- Chắc là một con gián?

- Không dám đâu. Phía dưới là cả một dấu vết vĩ đại,nhưng mình ghê quá nên không dám đi giày nữa.

Tarzan chồm tới. Hắn gỡ cẩn thận mẩu giấy màu đỏ lớn cỡ một bao diêm khỏi chất kết dính của kẹo cao su.

Ôi chao, gỡ kiểu này ớn da gà. Không biết trong nước bọt kẹo Chew­ing­gum của tên tội phạm có vi trùng gì không đây?

Hắn reo lên:

- Một chiếc vé tàu.

Trên mẩu giấy ghi dòng chữ "Sco­ci­ets Nav­igazion Lago­di Lugano". Tarzan nói:

- Dòng chữ Italia này dịch ra là "Công ty tàu thủy hồ Lugano".Thực là trái đất tròn. Lugano, đó là nơi chúng ta lại sắp tới nghỉ hè. Giá vé ghi rõ ràng 4 frank. Lugano là mảnh đất cuối cùng của Thụy Sĩ nên người ta xài tiền Frank chớ không phải đồng Li­bra. Số vé là 16959. Mày nghĩ sao quân sư?

- Tuyệt lắm. Vậy là dấu vết kéo dài tới tận Lugano, Par­adiso.

Tarzan vỗ trán:

- Đường day nóng kéo dài tới tận Lugano thuộc Par­adiso. Té ra gã mặt sẹo dám là dân Italia như lão bá tước Plet­vai­lo đã hé mí. Mà tại sao Plet­vai­lo lại có vẻ quen biết tên thợ làm vườn giả danh đó chớ, bộ ông ra ngây thơ đến mức không biết được rằng gã vờ vịt đóng kịch để thăm dò tài sản ông ta ư?

Karl nói:

- Nhưng cuối cùng gã đã không chôm chỉa đồ đạc trong nhà ông ta mà chuyển sang mớ châu báu ông bá tước gửi ở ngân hàng, tao nói đúng không đại ca?

- Đúng một trăm phần trăm. Tên mặt sẹo chắc chắn là dân địa phương ở Lugano trong khi Plet­vai­lo có nhà nghỉ ở đó. Có thể thông qua hàng xóm quanh ngôi nhà nghỉ, gã tình cờ biết được lão bá tước gửi châu báu ở ngân hàng này. Chính vì thế, gã cùng hai thằng lâu la kéo qua Đức trinh sát cho ăn chắc rồi mới xâm nhập nhà băng đánh quả. Trong vụ này bá tước Plet­vai­lo bị hớ quá nặng, ông ta gián tiếp vẽ đường cho hươu chạy. Đáng tiếc là chúng ta bỏ qua ba tên cướp. Bao nhiêu đồ trang sức quý giá lúc này đang nằm trong ba cái valy của bọn tội phạm rồi. Đúng là sai một ly đi một dặm.

Tròn Vo thở dài:

- Thế là dịp nghỉ hè này chúng ta lại không được yên thân rồi. Tao hi vọng bọn này chỉ tới Lugano để nghỉ hè thôi. Có thể chúng ở mãi Đan Mạch hoặc Bồ Đào Nha cũng nên.

Tarzan gạt đi:

- Vớ vẩn, ba tên này là bọn đạo tặc người Italia ở Lugano, Thụy Sỹ. Tao không thể tin khác được. Khi nào chúng ta tới Lugano, chúng ta sẽ làm sáng tỏ chuyện này ngay. Chúng ta phải lấy lại những tài sản quý giá của ông bá tước, phải trừng trị bọn chúng vì những điều chúng đã gây ra cho Ga­by của chúng ta.

Ga­by cảm thấy rã rời. Cô bé hơi ngã đầu vào vai Tarzan:

- Mình rất mừng là được cứu thoát và chuyến nghỉ hè của chúng ta không bị đổ bể.

Tarzan chợt ra hiệu cho mọi người yên lặng: có tiếng động.

Đúng lúc đó tiếng chân từ ngoài hành lang vang lên, Tarzan chưa kịp phản ứng gì thì điện tắt. Có ai đó đã tắt điện.

Tròn Vo thì thầm:

- Bọn chúng đã quay trở lại để tìm cái vé.

Tarzan nhảy ra đứng sát tường, kề đó là nút điện. Hắn ấn nút. Lúc này khu tầng hầm cũng tối như bưng. Hắn lo lắng nghĩ thầm: Bọn trộm đã phát hiện ra tụi mình, chúng sẽ thanh toán cả nhóm để bịt miệng đây.

Tarzan gỡ bàn tay của Ga­by đang níu lấy tay hắn và men theo cầu thang nhẹ như một con mèo. Dù sao thì hắn cũng phải tấn công đối phương ngay trước khi bị động. "Tiên hạ thủ vi cường" cơ mà.

Coi, hắn mới dò dẫm được quá nửa cầu thang thì khựng lại trước một luồng ánh sáng quất vào mặt. Người đàn ông cầm đèn pin quát to:

- Đứng yên, không tao bắn...ủa...

Tarzan nhẹ hẳn người. Té ra tiếng động và các sự cố hồi nãy đâu phải do bọn tội phạm.Mà là...

Hắn nói thật lớn:

- Cháu là Tarzan đây, thưa chú đồn trưởng Knotinger. Cháu và Karl, Kloe­sen đều ở đây. Tụi cháu đã tìm thấy Ga­by.

*

Mọi việc diễn ra sau đó cứ như đèn cù. Phòng tiếp khách của nhà băng vô cùng nhộn nhịp. Cảnh sát ba-​rê bốn phía. Đủ thành phần cảnh sát: từ đội điều tra hình sự, các chuyên gia lấy dấu vết cho đến hầu như toàn bộ cảnh sát thuộc đồn 15.

Thanh tra Glock­ner cũng có mặt sau cú phôn khẩn cấp. Đáng thương nhất là ông chủ nhà băng Lois Zinsler, khuôn mặt ông ta chảy xệ như người đưa đám.

Kẻ hồn nhiên duy nhất trong đám đông là bà cụ Pauline Anger­mann. Bà già ngồi nhịp chân trên chiếc ghế hớn hở hệt con nít được cho quà. Thái độ vô tư và dửng dưng của bà hoàn toàn xa lạ với đám đông rầu rĩ.

Bà già ngó đồn trưởng Knotinger cười tủm tỉm:

- Ông thấy tôi nói có sai không, tôi đã báo động về vụ nổ đâu ra đó mà. Ai biểu ông đồn trưởng không tin thì ráng chịu.

Knotinger dở khóc dở cười. Ông ta chỉ muốn độn thổ.

Chủ nhà băng Lois Zinsler thở dài:

- Tôi biết ăn nói với khách hàng sao bây giờ? Những cái két nhỏ chứa đầy vàng bạc châu báu, trong đó có toàn bộ gia sản của dòng họ Plet­vai­lo.Tôi biết làm gì bây giờ?

Glock­ner quay sang Tarzan:

- Một người đi đường thấy đèn sáng đã báo cho đồn 15. Ông Knotinger đã đến, nhưng tiếc rằng chậm 5 tiếng đồng hồ.

Tarzan nói:

- Chú Knotinger cũng đáng để được thông cảm, chú Glock­ner ạ. Bà cụ Anger­mann đã 18 lần báo động sai thì đến lần thứ 19 chẳng ai muốn đến làm gì. Ai mà ngờ lần thứ 19 là thiệt hả chú.

Glock­ner cau mày:

- Tổng nha cảnh sát đã phát lệnh truy nã ba tên lưu manh kia khắp nơi, cũng may là qua các cháu, chúng ta đã biết sơ sơ về nhân dạng của chúng. Chú cũng đã gọi điện cho Plet­vai­lo. Ông ta thề thốt là không hề tiết lộ cho gã mặt sẹo về số châu báu gửi ở ngân hàng này. Điều đó có vẻ mâu thuẫn, vì các cháu đã gặp tên mặt sẹo ở nhà ông ấy, sau đó gã lại đến đúng ngân hàng ông ấy gửi tiền, vơ vét không sót một thứ gì trong 150 ngăn két sắt. Hay phi vụ này chỉ là chiến tích ngẫu nhiên của chúng. Chà, chỉ biết rằng hiện giờ chúng đã phân tán tài sản và cao chạy xa bay, trong khi chúng ta chỉ nắm trong tay chân tướng thằng mặt sẹo và một cái vé tàu thủy.

Tarzan cười nói:

- Chúng ta sẽ có câu trả lời chính thức trong vụ này nếu đặt chân đến Lugano. Sẽ chẳng khó khăn gì lắm, bởi Lugano chỉ là một thành phố nhỏ.

- Hả? Chú mày định lợi dụng cơ hội du lịch Lugano để làm thám tử hả. Vậy thì chú sẽ cho tất cả ở nhà luôn. Thế nào?

Tứ quái đồng thanh la lên:

- Không dám đâu ạ!

Tarzan nói thêm:

- Tụi cháu xin hứa sẽ hết sức cẩn thận. Vả lại ngôn ngữ bất đồng, tụi cháu sẽ chẳng làm gì được đâu ạ.

Glock­ner cười:

- Với các con thì ta không thể yên tâm được.

Bà cụ Pauline đứng dậy đi về phía Tarzan hỏi:

- Nè, cháu vừa nói đến Lugano à?

Tarzan ngạc nhiên:

- Đúng vậy, thưa cụ. Sáng mốt tụi cháu sẽ được đến chân trời xinh đẹp đó. Cha mẹ bạn Tròn Vo của tụi cháu có một nhà nghỉ đang rất cần những đứa trẻ đến khai trương.

Bà già rất tươi tỉnh, có lẽ trời đã phú cho bà cụ cái miệng luôn luôn tươi tắn đó.

- Thế hử? Bà tò mò bởi vì bà có một cháu gái đang sống cùng ông chồng bên ấy. Mỗi năm bà đều thăm nó vài ba lần. Năm nay bà bận chưa đi được nhưng bên đó đẹp lắm. Con cháu cứ muốn bà về ở chung với vợ chồng tụi nó để dưỡng già cơ.

- Vậy hả bà?

- Ừ, con người xứ sở đó niềm nở lắm. Các cháu sẽ được đón tiếp thân mật.

Tròn Vo cũng đã từng ở đó,góp chuyện:

- Ở đó nước hồ cũng xanh, nhưng không phải do nước xanh mà là vì các ngọn núi soi mình vào nước hồ trong vắt. Thưa cụ, vì cụ hay đến đó, cụ cho cháu hỏi, cụ có thấy một người đàn ông Italia nào có cái sẹo to tướng ở nửa mặt bên trái không ạ?

Bà già cười mỉm:

- Phần lớn người Italia không có sẹo. Bà cũng không biết người đàn ông nào có sẹo ở mặt cả.

Tròn Vo kiêu hãnh nhìn mọi người. Thấy chưa, Willi này cũng có ý thức trách nhiệm đó nghe.

Công Chúa quay qua nói chuyện với bà cụ về chiếc ví bị mất đã tìm lại được. Còn Tarzan lặng nghĩ đến bà tước phu nhân. Theo lời lão Plet­vai­lo thì và vợ trẻ hơn ông ta 20 tuổi đang cư ngụ ở Lugano. Chậc chậc, không biết người đàn bà này có hở ra với ai hay không mà của cải châu báu dòng họ Plet­vai­lo cất trong nhà băng lại...lọt vào tai gã mặt sẹo và hai đệ tử. Và nếu giả thuyết vừa rồi đúng thì biết đâu bà ta quen với gã mặt sẹo từ trước. Ái chà chà...

Hắn lễ phép nói với bà cụ Pauline:

- Thưa cụ Anger­mann, cụ có cần tụi cháu chuyển lời hỏi thăm của cụ đến cô cháu gái ruột không ạ?

Bà già giật mình, nụ cười trên môi tắt ngấm, bà già trả lời bằng giọng lạnh lùng:

- Ờ ờ, cũng có thể...nhưng ta nói trước, cháu gái bà rất dị ứng với người lạ. Để ta hỏi thăm ý kiến nó xem.

Tarzan gạt đi:

- Thôi ạ, cụ khỏi cần bận tâm. Cụ không thích thăm hỏi thì tụi cháu sẽ gọi điện giùm cho cụ vậy.

- Ồ không...được. Ta vừa sực nhớ cháu gái ta phải đi Venise sáu tuần. Phải...sáu tuần.

Bà cụ nhanh chóng đổi sang đề tài khác:

- Các cháu thấy ông đồn trưởng có tích cực không? Nhờ công của bà đấy nhé. Chỉ một cú phôn là lực lượng cảnh sát kéo đến rầm rầm.

Mọi người đều cố ý tránh mặt đồn trưởng Knotinger, đặc biệt là các đồng nghiệp, bởi họ biết về sai lầm của ông. Riêng bà cụ Pauline Anger­mann là người duy nhất vẫn tin rằng cảnh sát được huy động đến đây là do cú điện thoại của cụ.

Tarzan tự hỏi, không hiểu bà cụ nói thực bụng về ông đồn trưởng hay làm lỡm ông ta? Bà cụ không muốn tụi hắn gặp cô cháu gái hay thực sự cô ta không có ở nhà?

Tarzan nhìn quanh quất. Thanh tra Glock­ner đang nghe báo cáo về kết quả phân tích dấu vết, những điều thu được chẳng có bao nhiêu.

Tarzan đến bên Knotinger đang đứng ỉu xìu ở một góc phòng. Hắn nói nhỏ:

- Cụ Anger­mann và chú có quen nhau à?

- Ờ ờ...Cụ biết chú từ lâu lắm rồi.

- Cháu hơi khó hiểu khi bà cụ không muốn cho tụi cháu gặp cô cháu gái.

- Ồ. Cái cô Flo­ren­tine ấy vẫn về thăm bà đó chớ.

- Cụ Anger­mann nói là cô Flo­ren­tine lấy một người Italia.

- Đúng thế.

- Chú biết mặt chồng cô Flo­ren­tine không ạ?

- Chú chưa thấy lần nào.

- Tên họ của cô ta hiện nay là gì, chú có biết không ạ?

-Chú có nghe bà già kể rằng cháu rể của bà tên Palaz­zo, hay Pat­tirone hay Paccalozzi gì đó. Tốt nhất là cháu cứ hỏi thẳng bà cụ.

Tarzan gật đầu, tất nhiên hắn sẽ không hỏi làm gì.

*

Ngày thứ bảy, đứa nào cũng rục rịch chuẩn bị cho chuyến đi.

Vẫn không thấy tin tức gì về bộ ba tội phạm.

Tarzan rủ Tròn Vo sang bên nhà láng giềng hỏi thăm bá tước Plet­vai­lo. Hai thằng an ủi ông bá tước xui xẻo, đã bị té gãy chân phải băng bột mà còn mất sạch của cải gửi ngân hàng.

Bá tước Plet­vai­lo cười trông thật thảm hại:

- Cũng chưa đến nỗi nào đâu các cháu. Công ty bảo hiểm phải đền cho tôi hơn một triệu mark bởi vì tôi đã mua bảo hiểm. Vấn đề là sự thiệt hại tinh thần kia. Làm sao mà không thiêng liêng cho được khi mỗi báu vật đều dính liền với gia phả dòng họ nhà tôi. Chẳng hạn cái vòng ngọc gia bảo, đó là quà tặng của ông cụ cố ông tôi cho cụ cố bà sau một cuộc đi săn, cụ cố ông đã bắn nhầm cụ cố bà, làm mất một ngón tay. Về sau, người ta gọi cụ cố bà là "bá tước phu nhân chín ngón". Tôi tiếc cái vòng ấy lắm, nó có từ năm 1647 kia. Trên mặt vòng nạm những viên hồng ngọc tuyệt đẹp. Quả là một thứ kỉ niệm độc nhất vô nhị. Ta có mấy tấm ảnh về cái vòng đó, các cháu có muốn xem không?

Tất nhiên là hai quái tha thiết muốn xem.

Ông bá tước cà nhắc đi vào phòng trong để lấy tấm ảnh.

Tarzan hơi ngạc nhiên khi khám phá lần đầu tiên Plet­vai­lo có thái độ hòa nhã như vậy, phải chăng ông ta hài lòng vì số tiền bảo hiểm khổng lồ được đến bù?

Năm phút sau, vị bá tước bước ra. Ông ta xòe tấm hình trước mặt hai đứa.

- Giá trị chưa nào, nghe nói các cháu sắp đi nghỉ mát phương Nam làm ta háo hức quá. Ta chỉ muốn đi ngay thôi nhưng sợ nắng nóng ở đó khiến cái chân bó bột ngứa ngáy khó gãi.

Tròn Vo nói ngay:

- Cháu rất thông cảm với bác. Tức nhất là ngứa mà không thể nào gãi được.

Tarzan lặng im không nói. Hắn mãi ngắm bức ảnh và nghĩ rằng, hắn sẽ nhận ra cái vòng đeo tay này nếu thấy nó ở bất kì đâu.

Năm.

TAO NGỘ CHIẾN

Cuối cùng thì ngày chủ nhật đã đến.

Chiếc Jaguar đã chất đầy hành lý. Trong cốp xe ngoài đồ đạc cá nhân của mọi người còn có sự hiện diện của gói quà mà ông bá tước gửi cho vợ và một đống sôcôla cao nghệu của Tròn Vo.

Ra tiễn phái đoàn Tứ quái lên đường chỉ có mỗi thanh tra Glock­ner. Coi, trước lúc xe lăn bánh, bố già kéo Tarzan ra một góc dặn dò:

- Chú chỉ yêu cầu mấy đứa đi đến nơi về đến chốn. Chắc cháu hiểu chú.

Tarzan cười cười:

- Xin chú yên tâm. Ga­by bao giờ cũng can ngăn không để cháu làm điều gì nguy hiểm đâu.

Như thường lệ, chú Georg tài xế ngồi sau tay lái, ông chủ hãng sôcôla Sauer­lich ngồi bên cạnh với một chồng tài liệu kinh tế trên tay. Bốn vua quậy ngồi hết trên băng ghế đằng sau. Câu nói duy nhất ông Sauer­lich cất lên nghe thật mát dạ:

- Chiều nay xe tới Du­yarich. Bác sẽ xuống đó còn buổi tối các cháu sẽ đi tàu tốc hành.

Tự do trên hết. Tứ quái nhìn nhau im thin thít. Đợi ông Sauer­lich quay đầu lên, Tarzan mới nói nhỏ:

- Mình có cảm giác rằng tên mặt sẹo và đồng bọn cũng đang trên đường tới Lugano. Các bạn thấy sao?

Tròn Vo ưỡn ngực:

- Còn sao gì nữa. Tao đã sẵn sàng để "tao ngộ chiến".

*

Di­eter Blunchi và Ot­van Freg­ger vừa cười nói hô hố vừa tiến về hướng Maisons de Cor­po­ra­tion, một di tích lịch sử nổi tiếng mà tiền sử vốn là một nhà tù.

Theo đúng hẹn, bọn chúng tụ tập ở một quán rượu. Chúng đến rất đúng giờ vì biết lão buôn đồ cũ Jean-​Claude Ne­flet không thể chịu được cảnh chờ đợi. Ne­flet đâu phải tay mơ, lão là một tên đại bịp cỡ quốc tế. Lão là người muốn gì cũng được, lão có thể hô phong hoán vũ, thậm chí có thể bê được một tượng đài đồ sộ ngay giữa thủ đô nước Mỹ. Trong thế giới ngầm ở Bỉ, lão được tôn vinh là người toàn năng.

Hai thằng anh chị đang cư trú ở đất Bỉ này vốn là người Thụy Sĩ. Di­eter Blunchi sinh ra ở Du­yarich còn Ot­van Freg­ger gốc tận St. Gallen. Chúng đều có thành tích bất hảo nhưng chưa phải bóc lịch bao giờ. Cả hai thằng đều sinh năm 1960, một thằng tựa gã chăn bò thế kỷ 18, một thằng nhỏ thó, mắt luôn lấc láo như chuột.

Tại quán rượu mang tên Hers-​Ass, Ne­flet đang ngồi chờ hai thằng ở chiếc bàn trong cùng. Phòng sặc sụa mùi thuốc lá. Máy đánh bạc tự động chạy rè rè. Viên chủ quán đứng xỉa răng. Nhạc nổi lên ầm ĩ.

Ne­flet chỉ tay vào hai chiếc ghế ra hiệu cho hai đàn em ngồi xuống, đồng thời vẫy tay kêu chủ quán mang ra hai ly rượu vang. Lão ăn mặc rất hợp thời trang, toàn đồ may đo đắc tiền. Lão có bộ mặt lưỡi cày, cặp mắt diều hâu, đôi môi mỏng dính lúc nào cũng như hơi nhếch mép cười.

Ne­flet hừ khẽ:

- Tụi bay hôm nay có việc làm.

Hai đàn em hí hửng chóng cằm chờ lệnh. Từ trước tới nay,hoàn thành hàng chục phi vụ dưới trướng sếp, chúng đều được trả công hậu hĩnh. Nhưng tiền kiếm ra như muối bỏ bể, chúng ham ăn chơi nên nướng sạch bách vào sòng bạc hoặc tửu quán.

Khi hai ly rượu vang đã sóng sánh trên bàn, Ne­flet mới hắng giọng:

- Tụi bay nghe đây, Blunchi, Freg­ger.

- Dạ, thưa sếp.

- Bọn chúng gồm ba thằng, tên Ri­car­do Paccalone, Car­lo Ac­guno, Lu­ciano Vinel­li. Ba thằng Lugano ấy chỉ là dạng bán chuyên nghiệp. Chúng đủ đồ nghề nhập nha cực giỏi nhưng đấm đá thì chán phèo. Tao nghĩ hai thằng bay dư sức hạ gọn chúng.

Blunchi nhanh nhảu nâng ly vang:

- Em bảo đảm "chặt đẹp" bất kì đối tượng nào mà ông trùm lên danh sách.

- Bộ ba đó vừa chơi rỗng ruột một ngân hàng ở Đức. Trong một đêm chúng khui hụi 150 két mi­ni và lột sạch châu báu vàng bạc. Một quả cực đậm, đúng không? Tao đã đồng ý mua quả đó với giá 440.000 frank Thụy Sỹ. Nhưng tao hiểu tụi nó ma le lắm, chúng chỉ bán cho tao những thứ vớ vẩn thôi. Mánh chính của chúng là một túi đồ trang sức gia bảo của một lão bá tước đã tồn tại hơn 200 năm. Chúng ta phải "vật" lô hàng này.

Blunchi liếm mép.

- Tụi em sẽ thịt tất, thưa sếp. Lô hàng của lão bá tước, tụi em sẽ gi­ao cho sếp và...

- Chúng mày không được biển thủ một món gì, rõ chưa. Theo lịch trình, lát nữa chuyến tàu tốc hành ban đêm sẽ chở bộ ba này tới Lugano. Một đệ tử của tao đã chụp ảnh chúng. Đây, chúng mày coi kỹ trước ba con mồi đi.

Mắt hai thằng đầu gấu hoa lên trước các...nạn nhân tương lai. Vẫn là thằng Blunchi xuýt xoa.

- Chậc chậc, nhớ mặt rồi, nhất là gã mặt sẹo này. Em sẽ khử gã, hê hê hê.

Ne­flet gật đầu:

Ba cái vụ cướp giật, trấn lột trên tàu chạy đêm là chuyện bình thường. Tụi bay chỉ cần khéo tay một chút rồi lặn.

Freg­ger tới bây giờ mới mở miệng:

- Có sợ chúng nghi ngờ không?

- Nghi cái chó gì, mà nghi cũng ráng chịu. Đối với tao, món nào có lợi là "bụp". Nhờ vậy tụi bay mới có tiền chia, phải không? Ê, nhưng mà "bụp" lần này không được xài "mả" hoặc "chó lửa", mà xài thuốc mê.

Blunchi nhẹ người.

- Hả, tụi em xài thuốc gây mê à?

- Ôkê!

Freg­ger vô vấn đề.

- Mánh này cực béo 440.000 frank và túi nữ trang bá phát. Phần của tụi em là bao nhiêu?

- Tụi bay không có phần trong túi châu báu của lão bá tước. Còn tiền thì...e hèm, một phần ba như cũ.

- Một nửa đi ông trùm.

- Không. Đúng một phần ba cho hai thằng bay.

Freg­ger đau thắt ruột. Gã cố nài nỉ.

- Thôi, sếp cho hai phần sáu vậy.

Blunchi chửi:

- Mẹ, mày đúng là một thằng ngu. Một phần ba với hai phần sáu khác đếch gì nhau.

Gã tu cạn ly vang:

- Không năn nỉ nữa. Một phần ba là đủ sống rồi. Bây giờ thì tụi tôi lên tàu ngay đây. Sau khi hốt ổ xong, tụi này phải quay về để nộp cho sếp chớ?

- Chẳng cần. Chúng mày cứ ở Lugano tha hồ, bởi tối mai tao cũng sẽ có mặt ở đó. Cụ thể là tao đi máy bay tới Mai­land rồi mướn một cái "xế hộp" để đi tiếp.

- Trời đất, ngộ nhỡ chúng trông thấy sếp thì sao?

- Ha ha ha, tụi nó có mắt cũng như mù. Vì tao sẽ cư ngụ ngay nhà sếp sòng của chúng. Ngay nhà trùm Ri­car­do Paccalone.

- Cái gì?

- Chẳng có gì khó hiểu cả. Thằng sếp Paccalone rất tin tưởng tao. Nó là bạn của tao mà. Trong điện thoại nó đã mời tao đến Lugano chơi, và...hà hà, tao sẽ đích thân ngơi ở nhà nó.

Blunchi cố diễn đạt được ý nghĩ của mình:

- Bạn? Thế mà sếp lại muốn nẫng sạch của bạn sao?

- Phù, nghề chôm cũng lắm công phu, chúng mày ạ. Thằng nào nhanh tay lẹ chân là...ăn tiền. Rồi có ngày chúng mày phất lên như diều nếu thuộc lòng câu châm ngôn đó. Trên đời không có bạn, chỉ có mánh. Cá lớn nuốt cá bé. Đó là luật của thế giới ngầm, hiểu chưa?

- Hiểu, thưa sếp. Chúng ta sẽ tái ngộ tại Lugano.

- Ừ, tao sẽ ở khách sạn lớn Eden thuộc quận Par­adiso, ngay bờ hồ, một đêm thôi. Ngày thứ ba thì chiến hữu Paccalone sẽ đón tao về gia trang. Ha ha, như vậy là hai thằng bay gi­ao hàng cho tao ở khách sạn Eden nghe. Tụi bay tha hồ bay nhảy trong các hộp đêm xứ Lugano. Còn tao ư? Tao sẽ ngỏ lời chia buồn sâu sắc cùng kẻ bị chính tao phỗng tay trên, ha ha ha.

*

Xe hơi tới Du­yarich bình an vô sự. Suốt buổi chiều, cả nhà đi tham quan thành phố Du­yarich, thời tiết đẹp tuyệt vời. Mọi người đi bộ rạc cả chân.

Tứ quái đã được ông Sauer­lich đặt vé tàu đêm trước. Bốn đứa sẽ ở trong toa 106 với các số giường từ 17 đến 20.

Tứ quái canh giờ đến nhà ga. Coi, con tàu chạy rầm rập tới như một con rắn khổng lồ. Trời cũng như chiều lòng cắp giò ngắn ngủn mỏi rời của Kloe­sen, toa 106 dừng ngay chỗ bốn đứa đứng.

Ông già sô cô la ôm chặt quý tử Tròn Vo rồi bắt tay tạm biệt các bạn của con. Tứ quái ôm hành lý lên toa 106. Tarzan và Ga­by ở tầng trên. Karl và Tròn Vo ở tầng dưới. Thu xếp xong chỗ nghỉ, bốn quái lại nhảy xuống giường đi ra cửa chào ông chủ hang sô cô la Sauer­lich.

Đúng lúc ấy thì một ông cụ bước lên tàu. Chiếc túi nặng trịch trên vai làm ông lão suýt ngã. Tarzan mau mắn nháo tới đỡ ông lão và dòm vé dìu ông đến tận cuối toa. Ông cụ cảm động:

- Cảm ơn cháu rất nhiều.

- Không có gì đâu ạ.

Khi hắn về lại vị trí cũ thì ông Sauer­lich bóp trán:

- Hình như bác biết ông cụ ấy, Tarzan à. Có điều bác không nhớ là gặp ở đâu. Trông cụ ấy quen lắm.

Tiếng còi hiệu hụ lanh lảnh. Các cửa nhanh chóng đóng lại và con tàu từ từ chuyển bánh. Bóng ông Sauer­lich mờ dần. Tròn Vo bắt đầu kêu ca về đói và khát. Karl nói:

- Trưa nay thức ăn quả hơi mặn, tao cũng khát nước lắm.

Tarzan đồng tình:

- Tao cũng rứa đó.

Ga­by an ủi:

- Toa ăn uống ở cách đây hai toa thôi. Phải tới 10 giờ khuya mới đóng cửa cơ mà. Mình nghe ông kiểm soát vé tàu nói thế.

-Vậy thì lên đường chớ chờ chi nữa.

Toa ăn không đông khách lắm. Bốn đứa chiếm hẳn một bàn. Kloe­sen uống nước chanh ào ào hết ly này đến ly khác để rửa hận bao tử. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Tứ quái lại chạm trán ông cụ hồi nãy trong toa ăn. Nguyên nhân gặp gỡ khá giống ban đầu, khi con tàu lao vào đường cong, ông cụ ở đâu lò dò bước vô toa và...Tarzan lại phải bay tới đỡ trước lúc ông cụ té bật ngửa.

- Lạy Chúa, vẫn là cháu. Cháu đúng là cứu tinh của ta.

- Cháu không phải là sứ giả của Thượng đế đâu, thưa ông. Tên cháu là Pe­ter Carsten, và đây là ba người bạn của cháu.

Tarzan giới thiệu bằng hữu rồi mời ông cụ vào ngồi cùng bàn. Ông lão hào hứng thấy rõ:

- Cảm ơn các cháu đã cho ta một chỗ ngồi. Ta là Phidric Klumpli.

Tròn Vo nói:

- Cụ có liên quan đến hãng sô cô la Klumpli không? Ba cháu hình như biết cụ đấy.

- Ồ, ta cũng đã thấy ông ấy đứng ở ga lúc nãy. Hóa ra cậu là Willi Sauer­lich, con trai đồng nghiệp của ta à? Chính ta là giám đốc một loạt nhà máy sản xuất sô cô la đây.

Phidric Klumpli cao gầy và có chòm râu trắng như cước. Ông bắt tay Tròn Vo thật trịnh trọng.

Máy Tính làm quen:

- Tụi cháu đang trên đường đến khai trương nhà nghỉ của ba mẹ Willi, thưa ông. Ông có nhà ở đó không ạ?

- Có chứ. Ta đã nghỉ hưu thì tất nhiên phải có nhà nghỉ cho đỡ buồn chứ sao. Hiện giờ các con trai ta lo đảm nhận việc lãnh đạo hãng, thế mà ta vẫn cứ băn khoăn làm sao ấy. Ta còn quá thừa năng lực và mới có...91 tuổi.

- Trời đất!

Ông cụ lục trong túi một tấm danh thiếp rồi cười khà khà:

- Nhà nghỉ của ông ở Castag­no­la, kế bờ hồ. Hôm nào các cháu ghé chơi, ông sẽ cho mượn chiếc xuồng máy cỡ lớn.

Tarzan đỡ lấy tấm danh thiếp cất vào ví:

- Tụi cháu sẽ ghé thăm ông. Nhất định thế.

- Các cháu rõ ràng không phải người Du­yarich. Thế nào, quê ở đâu hả?

Tứ quái nhao nhao kể về thành phố mà chúng yêu quý nhất trần đời. Cụ Klumpli tấm tắc:

- Ta biết thành phố của các cháu. Đó là một thành phố lớn và đẹp. Ở đó ta cũng có quen một ông bạn cùng chơi đánh bài, tính ông bạn già này khó ưa lắm, nhưng ta bất chấp. Ta còn giới thiệu cho ông ta một căn nhà nghỉ tại Lugano nữa kia.

Karl hỏi:

- Ông cũng thích chơi cờ bạc sao ạ?

- Ôi dào, chuyện đã qua rồi các cháu. Hồi ấy ta còn sung lắm. Trong một đêm trên chiếu bạc ở Cam­pi­one, ta thua trắng một nửa nhà máy sô cô la đó. Ấy thế mà đỡ hơn ông bạn Plet­vai­lo. Ta còn có cái mà chơi chớ ông ta bây giờ đã sạt nghiệp rồi.

Tarzan trợn tròn mắt:

- Có phải cụ quen bá tước Plet­vai­lo không ạ?

- Chính là ông ta. Các cháu cũng biết ông ta sao?

- Dạ,vừa rồi két của ổng ở nhà băng bị bọn trộm lấy hết tất cả của cải rồi.

- Chà, thế thì ổng khánh kiệt rồi. Ngôi nhà ở Lugano đã trả tiền xong đâu.

- Bá tước Plet­vai­lo đã mua bảo hiểm số châu báu bị mất đó rồi ạ.

- Vậy hả, thế thì quả là ông bạn ta có phúc đó.

Rồi ông cụ và Tròn Vo trò chuyện hết sức tâm đắc về việc sản xuất sô cô la, Tarzan không chú ý lắm. Hắn đang khó chịu vì hai gã đàn ông trạc 30 tuổi người Italia ngồi bàn bên đang nhìn Ga­by chằm chằm. Một tên đội mũ cói rộng vành, da mặt sần sùi còn tên thứ hai luôn mồm nhai Chewingum ngay cả khi gã hút thuốc lá, mặt gã này dài như mặt ngựa.

Nào đã hết, hai gã ấy vừa rút lui là hai thằng thanh niên cô hồn khác đến trám chỗ ngay. Một thằng tóc vàng tướng thô thiển, thằng kia râu cạo nhẵn thin mắt lấm la lấm lét. Hai gã ghé sát vào nhau thì thào to nhỏ.

Ga­by đứng dậy nói:

- Mình về thôi. Thưa cụ, xin chúc cụ ngủ ngon.

*

Gã nhai kẹo cao su ấy chính là Car­lo Ac­guno, còn gã kia là Lu­ciano Vinel­li. Cả hai đứa đều toát mồ hôi vì sợ hãi.

Cả hai thằng vội vàng đi về phía tao 106, chúng ngủ ở khoang có giường từ số 21 đến số 24, còn tầng trên là sếp Ri­car­do Paccalone, tên mặt sẹo.

Gã trùm mặt sẹo buông tờ báo xuống chồm lên:

- Tụi bay no nê rồi hả, giờ tới lượt tao xuống toa ăn.

Ac­guno nói vội:

- Khoan đã, con bé Ga­by đang ngồi ở toa ăn, mày không thể ra ngoài đó được.

- Cái gì?

Vinel­li xác nhận:

- Đích thị là con Ga­by mà chúng ta từng bắt làm con tin ở nhà băng.

- Còn lâu, phải đến sáng mai người ta mới tìm thấy nó được.

Ac­guno quả quyết:

- Nó cùng đi với ba thằng nhóc và một lão khọm già. Tao vã cả mồ hôi hột còn thằng Vinel­li thì suýt bĩnh ra quần.

Paccalone chới với:

- Lão khọm là cớm hả?

- Không, nhưng nếu là cớm thì lão cũng về hưu được 100 năm nay rồi.

- Tao đếch tin.

- Khổ quá, tụi tao có mù đâu.

- Nhưng không có lý gì mà nó và ba thằng kia, cũng nhóc con hả, lại đi theo dấu vết của tụi mình?

- Tụi nó có một thằng béo, một thằng gầy, một thằng cao lớn, tóc xoăn, dáng người thể thao rất khỏe mạnh.

Cả ba nghệt mặt ra khi có tiếng ồn ào vọng vào, rồi băng Tứ quái nhộp nhịp đi qua.

Ba tên cướp xuội lơ. Chúng càng tê tái hơn khi giọng nói vui vẻ của Ga­by vang lên ở khoang bên cạnh. Quỷ tha ma bắt ả, chẳng lẽ bốn đứa trẻ này là hàng xóm của chúng à?

Gã mặt sẹo nhanh như chớp áp tai vô cánh cửa nghe lén. Nhưng nào thấy lũ nhóc nói gì, chúng nằm im re như đã ngủ. Gã thở dài:

- Thế này thì chẳng khác gì có thùng thuốc súng ở bên cạnh.

Ac­guno nhăn nhở:

- Chỉ tội sếp, phen này có mắc ị cũng ráng mà trụ chớ đừng giơ mặt sẹo ra ngoài, hề hề hề.

*

Phía bên kia khoang, Tarzan không tài nào nhắm mắt được. Hắn thò đầu xuống Karl thì thầm:

- Ê, tụi mình ghé Lugano hỏi thăm ngay bà bá tước Plet­vai­lo nghe chưa. Tao nghĩ bà ta có quen tên mặt sẹo.

Máy Tính Điện Tử ậm ừ. Nó buồn ngủ ná thở.

- Còn cô cháu gái của bà cụ Pauline Anger­mann thì sao?

- Bà cụ này còn đáng ngờ vực hơn nữa.Tại sao bà cụ có vẻ không muốn cho tụi mình gặp cô Flo­ren­tine gì đó chứ. Bà già còn nói rằng cô ấy đi Venise. Không thể tin và cụ chân thật được. Có lẽ tụi mình tìm cách tiếp xúc với Flo­ren­tine cùng lúc với chuyện lục danh bạ điện thoại cái tên Paccalone. Ông chồng cô ta có tên như thế phải không?

Không có tiếng hồi âm. Ngoại trừ điệu hò kéo gỗ của Tròn Vo.

Tarzan lặng lẽ cựa mình. Ái chà, tại sao bà cụ Anger­mann không muốn cho tụi hắn tiếp xúc với cô cháu? Hay giữa bà và cô cháu lấy chồng xa có những xung khắc ghê gớm? Chỉ có thế bà cụ mới né tránh chuyện thăm hỏi cô ta chớ.

Nhưng sao mỗi năm bà cụ vẫn sang thăm cô cháu gái mấy lần?!!

Tròn Vo vẫn kéo gỗ, đã quen với tiếng ngáy của Tròn Vo nên Tarzan vẫn nằm im.

Có tiếng cựa mình bên giường Ga­by, sau đó đèn bật sáng, cô bé ngồi phắt dậy, ngơ ngác:

- Cái gì vậy Tarzan?

Tarzan cười:

- Tròn Vo đang kéo gỗ đấy.

Ga­by quát:

- Willi, bạn ngáy thế thì ai mà ngủ được.

Tròn Vo nói giọng ngái ngủ:

- Nhưng lúc ngáy mình có biết đâu.

Ga­by lục túi xách, lấy ra một đoạn dây, cô bé bắt Tròn Vo giơ chân lên rồi buộc sợi dây vào cổ chân của thằng mập. Cô bé đe dọa:

- Nếu bạn ngáy là mình giật dây đó.

Quả nhiên, tiếng ngáy thưa dần rồi mất hẳn. Tarzan cũng ngủ thiếp đi.

Sáu.

THUỐC GÂY MÊ

Lúc đó đã là 3 giờ sáng. Con tàu băng băng chạy như một mũi tên hình con mãng xà xuyên thủng màn đêm. Nó đã dừng lại ở một số ga lớn nhưng hầu như hành khách trong toa có giường đều ngủ mê mệt không hay biết.

Toa số 106 không một bóng người qua lại.

Đã đến lúc Di­eter Blunchi và Ot­van Freg­ger ra tay hành động.

Hai thằng bám theo ba gã người Italia từ Brus­sel. Chúng cũng rất thành thạo công việc của mình. Blunchi xốc trên vai một túi vải lớn và cùng Freg­ger đi rón rén như mèo.

Freg­ger loay hoay ở cánh cửa khoang.

- Tụi nó ngơi ngay chỗ này. Thằng cha phục vụ toa ngủ say như chết. Tụi mình ra tay là vừa.

- Ôkê!

Blunchi bê cái bình ga tổ tướng trong túi vải ra. Một đầu bính có đoạn giây cao su với một van xả khí, khi điều khiển thiết bị đo áp lức có thể cho xì ga nhiều hay ít tùy ý muốn.

Gã áp tai vào cánh cửa một lần nữa rồi nhét cái van vô kẽ hở bên dưới, gã nhè nhẹ mở van. Khí gây mê từ từ trào ra. Loại khí này có mùi thum thủm như trứng gà thối, nhưng không gây nguy hiểm chết người, chỉ đủ để nạn nhân ngủ mê mệt.

Bình khí đã xì hết. Blunchi thì thào:

- Đủ rồi.

Cả hàng lang lúc này đều bốc mùi thum thủm. Hai thằng lùi sang một bên và ém cái bình cạn ga vô túi vải.

- Bụp đi, Blunchi!

Blunchi móc đồ nghề mở cửa. Khí độc trong buồng ào ra làm hai thằng bịt mũi. Chúng đợi cho hơi gây mê tan loãng trong không gi­an mới dám lò dò vào trong khoang và khép cửa lại.

Mấy tên người Italia ngủ như chết. Trong chúng như những người bệnh đang chờ nhát dao mổ của bác sĩ.

Blunchi và Freg­ger cẩn thận khóa cửa lại rồi bật đèn. Là những kẻ chuyên nghiệp nên hai tên trộm biết nên lục cái túi nào. Chính vì thế mà Blunchi đã tìm thấy ngay cái túi da. Gã mau mắn đổ tất cả của cải chôm được vào cái túi vải và khoái trá moi trong áo khoác ra một kí đồ trang sức dỏm cho vào cái túi da trống rỗng từng đựng châu báu cùa lão bá tước.

Freg­ger reo lên, chỉ vào cái hộp các tong trong vali:

- Tiền đây rồi.

Blunchi lại dốc nốt tiền vào túi vải và thay vào đó những tập giấy đã được cắt xén bằng kích thước tiền thật.

Hai thằng xếp lại hộp vào vali. Đồ đạc trông vẫn như nguyên. Freg­ger hí hửng.

- Tao đếch ngờ tụi nó trúng quả đậm đến thế. Hề hề, tao phải xem chút đã.

Freg­ger "lấy hên" khá tuyệt vời. Gã mò đúng chiếc vòng nạm ngọc của ông bá tước và đeo luôn vào cổ tay bên phải.

Blunchi đảo mắt dọc hành lang:

- Phắn thôi.

Hai thằng gi­an bước ra khỏi khoang và khép cửa lại.

Đúng lúc đó Tròn Vo mắt nhắm mắt mở loạn choạng đi ra, lôi theo cả sợi dây mà tối qua Ga­by đã buộc ở cổ chân. Nó đóng cửa, quay bên trái, thế là đâm sầm vào Freg­ger khiến cái vòng trên tay gã này rơi xuống đất.

Tròn Vo vội vàng xin lỗi bằng cả ba thứ tiếng Đức, Italia và Pháp. Nó cúi xuống, nhặt cái vòng lên, đưa cho Freg­ger và nói:

- Ông bị rơi cái đồng hồ này.

Freg­ger vội vàng giật lấy cái mà Tròn Vo gọi là đồng hồ.

Tròn Vo mặc bộ Pi­ja­ma kẻ sọc loang choạng đi về phía nhà vệ sinh, hai tên trộm nhìn nhau rồi đi về hướng khác.

*

Tròn Vo bật dậy khiến Tarzan mở choàng mắt. Hắn hơi kinh dị khi nghe thằng mập trò chuyện với ai ngoài hành lang tối mò mò. Mũi của hắn khịt khịt. Khiếp, chân đứa nào mà thối thế nhỉ, chắc lại là đôi vớ của Tròn Vo đây. Ê, chẳng lẽ nó lại đi vệ sinh bằng chân đất sao?

Tarzan nhẹ nhàng bước ra hành lang. Ngoài này mùi còn nặng hơn. Có điều chưa đến toi­let thì hắn đã thấy thằng mập quay lại, chân vẫn mang giày, sợi dây vẫn kéo theo sau.

- Này Willi, mùi gì lạ thế nhỉ?

Tròn Vo khịt mũi:

- Tao chẳng thấy có gì cả.

- Hừm lạ thật. Cứ như có mùi khí độc vậy. Khoảng 5 giờ 5 tàu tốc hành mới tới nơi. Tao biết làm gì bây giờ?

- Ngủ chớ gì nữa. Tao còn muốn ngủ. Đại ca nhớ đánh thức tao trước khi Công Chúa dậy đó nghe.

*

5 giờ kém 10 phút. Ánh ban mai bằng bạc khắp bầu trời. Gió mát lùa nhẹ qua cửa sổ tràn vào trong tàu. Những ngôi biệt thự sơn trắng được bao phủ bằng những hàng cọ cao vút. Núi đồi trùng điệp xanh um. Tarzan lần lượt đánh thức Willi, Karl, sau đó mới cù nhẹ vào tai Ga­by gọi cô bé dậy.

Lúc này đã có nhiều người lố nhố ngoài hành lang, cụ Klumpli cũng dậy từ sớm. Tarzan tiến đến bên cạnh cụ cùng ngắm nhìn phong cảnh Lugano dưới ánh nắng mặt trời.Nhìn kìa, dưới sân ga lố nhố thân nhân ra đón người nhà.

Tarzan nhanh nhẹn đỡ chiếc vali cho ông cụ Klumpli đúng lúc một tài xế Italia cúi gập đầu chào:

- Thưa ông chủ, tôi, Mario đã có mặt.

Cụ Klumpli toan mời cả nhóm lên chiếc xe Rolls-​Royce nhưng Kloe­sen lắc đầu:

- Cám ơn cụ, mẹ cháu đang đứng đợi ở nhà ga kìa. Chúc cụ đi đường bình an trước nghe.

Năm ông cháu chia tay. Phái đoàn du lịch của Tứ quái kéo về phía cổng. Bốn đứa chung hửng khi thấy hai người đàn ông từng dòm chằm chằm Ga­by trong toa ăn tối qua đang dìu một người bị thương băng bó kín mặt chỉ chừa hai con mắt. Ba gã đi qua chúng, tay xách nách mang đủ thứ valy túi xách. Chẳng lẽ đêm qua chúng cờ bạc ăn nhậu rồi say xìn hay sao mà bước đi như đeo đá vậy?

Mặc kệ ba gã đàn ông xa lạ, đám trẻ đổ xô vô thân mẫu của Willi. Bà Er­na sung sướng ôm Ga­by vào lòng và vui vẻ chào ba thằng quái "quậy". Ngược lại với thân hình ú nụ của hai bố con Sauer­lich, mẹ của Tròn Vo trông thanh mảnh dịu dàng. Trong gia đình sôcôla, chính bà là người có nguyên tắc hơn hết.

Bà Sauer­lich vẫn còn thở dồn dập, chắc do đi vội:

- Bác đã đón sẵn xe taxi cho các con rồi.

Xe chạy. Thành phố dường như còn chìm trong giấc ngủ. Đây đó là những khách sạn hai ba tầng xây từ thế kỉ trước vẫn tồn tại những đường nết trạm trổ hết sức tinh tế. Phố xá sạch như lau. Rất nhiều quán ăn nhỏ, cây cối xanh tươi ở khắp mọi nơi.

Xe chạy ven hồ đi vô khu Par­adiso. Ngôi nhà nghỉ của ông bà Sauer­lich tọa lạc trên triền đồi, xa xa là rặng núi Sal­va­tore cao gần một ngàn mét. Bà Sauer­lich nói với Tứ quái:

- Bác trai có thuê một mảnh đất gần hồ, ngay bến đỗ xuồng máy. Các con tha hồ chèo xuồng hoặc chạy nhảy nhưng nước bên này hồ không được sạch lắm.

Ôtô đi vào một con đường rẽ rồi dừng lại. Ngôi nhà nghỉ của gia đình Sauer­lich đã ở ngay trước mặt.

*

Trước cổng nhà ga, nơi chiếc Lan­drover đỏ đậu sẵn, một người đàn bà xinh đẹp mặc bộ đồ Jeans dựa lưng vào hông xe hơi phì phèo thuốc lá. Hầu hết tất cả đàn ông đi qua cũng phải liếc nhìn.

Người đàn bà sửa lại món tóc màu đỏ hoe cột ở sau gáy. Hai con mắt màu xanh của bà ta lạnh lùng.

Và tính tình của bà ta cũng lạnh như băng.

Người phụ nữ há hốc mồm khi phát giác ba gã đàn ông đang lừ lừ đi đến. Chúng cất bước như đeo đá, hai thằng è cổ vì vác quá nặng lại phài dắt Paccalone mặt băng kín, lết từng bước chân.

Người đàn bà phát hoảng:

- Chúa ơi! Ri­car­do, anh làm sao thế?

Paccalone buôn phịch túi da xuống ôm chầm lấy người đàn bà. Gã nói khẽ:

- Êm ru, Flo­ren­tine ạ. Tụi anh băng bó để ngụy trang thôi. Đêm qua tụi anh có nhậu nhẹt, nhưng chưa đến nỗi say xỉn quá trớn. Trong rượu vang có cái gì đó nên cả ba đều bị đau đầu.

Flo­ren­tine Paccalone, mà họ thời con gái là Anger­mann, nhăn nhó:

- Thôi đi, quá chén thì cứ nhận là quá chén. Đồ quỷ tha ma bắt.

- Không mà, hai thằng đệ tử của anh thì uống, chớ đêm qua anh chỉ nhấp môi thôi.

Flo­ren­tine chẳng nói chẳng rằng quăng hết đồ đạc lên xe. Hai thằng cô hồn Ac­guno và Vinel­li vừa ngồi vô băng sau là lại gục xuống ngủ tiếp. Ả đàn bà bực bội nổ máy.

- Sao, bộ tình hình gay go hả?

Paccalone cười:

- Anh đã tính phôn cho em biết mọi việc lúc lai rai ở Brus­sel, nhưng lúc đó đang mải nhậu, mà cũng chẳng có chuyện gì.

- Mọi chuyện diễn ra đúng kế hoạch chứ?

- Tuyệt vời.

- Không có gì trục trặc sao?

- Không, à có, đó là chuyện vặt vãnh về con nhỏ Ga­by, lát nữa anh sẽ kể với em về nó, còn bây giờ thì chúng ta nên nhiệt liệt hoan hô bà của em. Mẹ kiếp, bà già xứng đáng có một thằng cháu rể như anh tôn thờ. Chính bà giá mới đáng mặt là sếp sòng phi vụ. Em biết không, em yêu. Bà Anger­mann của em đã nhập vai tuyệt hảo, bên ngoài và già vờ lú lẫn báo động dỏm cho đồn cảnh sát tới 18 lần khiến chúng hớ nặng. Đến lần thứ 19 thì bà báo động thiệt, nhưng lúc đó bọn cớm bị lừa quá nhiều nên không thèm cho xe tuần tra đến nhà băng. Thế là chẳng trách bà già được nữa. Chẳng những thế, bà còn ung dung ngồi trên sân thượng bắc ống nhòm quan sát toàn bộ diễn biến dưới nhà. Anh chỉ có thể kết luận, trong phi vụ độc đáo này, bà em rõ ràng là kẻ lập công đầu, không có cụ không xong.

Flo­ren­tine khẽ nhếch môi:

- Tại anh chưa biết bà đó thôi. Già rồi vẫn được việc là bà thích lắm đó. Thế Ne­flet trả giá bao nhiêu?

- 440.000 frank.

- Phần của bà tính sao?

- Anger­mann sẽ được sống với tụi mình suốt đời. Anh sẽ để bà ở căn buồng nhìn ra biển. Chúng ta sẽ chăm sóc cụ chu đáo.

Flo­ren­tine cho xe chạy ra hướng công viên thành phố Castag­no­la kế bờ hồ. Gia trang của chúng ở khu Par­adiso, phía tây Lugano. Xét về địa thế, thì Par­adiso và Castag­no­la nhìn mặt nhau qua cái hồ thơ mộng.

Ngôi nhà của vợ chồng đạo tặc Paccalone nằm trên triền núi, quay mặt ra hồ, đường cũng chỉ chạy tới đây vì phía sau là núi cao.

Paccalone và Vinel­li luôn mồm ca cẩm vì đau bụng, buồn nôn, chúng nguyền rủa mấy cốc rượu vang và thề sẽ cạch rượu vang tới già.

Flo­ren­tine bẻ vô lăng cho xe hơi vào gia cư. Khu đất chia làm hai phần, một phần làm xưởng sửa chữa ôtô mà Paccalone là ông chủ và hai thằng thợ trời gầm Ac­guno và Vinel­li, phần còn lại là ngôi nhà quay mặt về hướng đông nam đón ánh mặt trời.

Ngôi nhà tên tướng cướp cao ba tầng, trông như một khối chữ nhật to đùng.

Flo­ren­tine dùng xe sát cửa nhà. Ac­guno bị dựng dậy ngơ ngác. Phải đợi đến khu nữ gia chủ quát tháo gã mới cùng hai đồng bọn uể oải khiêng mớ chiến lợi phẩm vô trong.

Paccalone hớn hở vung vẩy chiếc túi da nghe tiếng kim loại va vào nhau lẻng xẻng.

- Vô mánh lớn, ha ha ha.

Thuận tay gã vỗ bồm bộp vào cái hộp các­tông lấy từ vali ra rồi nhìn Flo­ren­tine tình tứ:

- Nè cưng, trong hộp là 440.000 frank Pháp. Em biết không, trong đời em, chắc chắn chưa bao giờ nhìn thấy nhiều tiền bạc và của cải đến thế.

- Khoan khui hộp, cho em xem những món đồ trang sức đã. Phòng ở quét sơn màu mận chín và treo mất bức tranh phiên bản khá đẹp. Chính giữa là bộ bàn ghế 12 chỗ ngồi. Nghe đâu bộ đồ gỗ này đã có hơn 300 năm.

Bốn tên ma đầu ngồi vào bàn.

Paccalone đặt chiếc túi da xuống.

Ac­guno lại muốn gục đầu xuống bàn nhưng ông chủ Paccalone bắt nó ngồi nghiêm chỉnh.

Paccalone nói:

- Quả là những báu vật có một không hai, tiếc rằng anh không thể giữ cho em được một cái gì cả.

Gã cẩn thận dốc cái túi lên mặt bàn.

Trong một giây ngôi nhà im lặng. Vinel­li giụi mắt lia lịa, Ac­guno thè lè lưỡi xém rớt kẹo cao su. Flo­ren­tine quơ một cái vòng nhựa đồ chơi trẻ em cười như điên khùng.

- Hi hi hi, quả là một tuyệt tác, cái vòng này đáng giá 50 xu.

Paccalone tím mật. Gã gào lên:

- Chó đẻ thiệt, đây không phải là châu báu ngọc ngà của lão Plet­vai­lo. Tụi mày nghĩ sao hả Car­lo, Lu­ciano?

Vinel­li toát mồ hôi hột.

- Thì thằng nào lại không mở ta coi lần cuối trong toa. Thằng nào không nổ đom đóm mắt vì trúng quả. Cái vòng đeo tuyệt đẹp đâu rồi?

- Hừ hừ, tao điên lên rồi đây. Mày không biết nó ở đây thì thằng Ac­guno biết. Nói đi Ac­guno, những thứ đó biến đằng nào, tụi bay định đánh tráo qua mặt tao à, đồ súc vật phản chủ.

Vinel­li nện bàn tay hộ pháp xuống bàn nghe cái rầm. Đột nhiên vết sẹo trên mặt gã giựt giựt. Nhanh như cắt, gã chụp lấy cái hộp các tông:

- Tao còn một chút hy vọng về số tiền...Ôi lạy Chúa, may vẫn còn.

Sếp mở nắp hộp, chỉ thấy những tập giấy trắng tinh. Mặt Paccalone tái nhợt, gã xoa ngực.

Vinel­li chạy vội vào toi­let nôn thốc nôn háo.

Ac­guno gục đầu xuống bàn, khóc rống lên.

Paccalone chậm rãi nói:

- Chúng ta bị trấn lột sạch rồi.

Flo­ren­tine đứng dậy:

- Tôi đi pha cà phê.

Cô ả xuống bếp, Paccalone chợt vỗ ngực bình bịch:

- Ra vấn đề rồi. Tụi anh đã bị chúng đánh thuốc mê nên mới mê mệt đến thế này. Ngấm khí gây mê thì làm sao mở mắt và cựa quậy được. Và thế là chúng vét sạch sành sanh rồi quăng mớ ve chai hẩu lốn vào.

Tiếng Flo­ren­tine từ trong bếp vọng ra:

- Có thể anh nói đúng, nhưng theo anh kẻ nào làm chuyện này?

- Lũ nhóc chờ còn đứa nào nữa.

- Lũ nhóc nào?

- Bốn đứa, ba trai một gái. Vậy là con Ga­by có trông thấy và nhận ra anh.

- Này anh, nhưng đầu đuôi câu chuyện ra sao chớ?

- Anh sẽ kể ngay đây. Chúng cùng xuống Lugano với tụi anh và được một mụ đàn bà ra đón. Anh biết thằng tài xế taxi chở bọn chúng là ai rồi. Y tên là Vi­co Fedele Gio­van­ni­ni. Thằng này biết anh. Anh sẽ khai thác và ăn tươi nuốt sống lũ nhãi. Anh không thể tha thứ được.

*

Xung quanh ngôi nhà nghỉ của gia đình Sauer­lich là một khu vườn đầy lá và hoa, chưa kể đến hàng cọ cao vút đứng dọc theo bờ tường đầy khí thế. Ngôi nhà quét sơn trắng ấy có 4 buồng ngủ, 3 tấm buồng tắm và một hồ bơi hình bầu dục. Ngôi nhà còn có một mái hiên rộng, lắp cửa với hai lớp kính.

Trong khi chị bếp đang sửa soạn bữa ăn sáng thì Tròn Vo giới thiệu ngôi nhà với các bạn.Karl trầm trồ:

- Chỗ này dễ đến 1.000 mét vuông đất ấy nhỉ? Chúng ta có thể phóng tầm mắt trên những mái nhà nhìn ra hồ. Dưới kia là khách sạn Eden nổi tiếng thế giới, còn phía bên kia là Castag­no­la có phải không?

Tròn Vo chỉ ờ ờ mà không biết nói gì hơn.

Sau bữa ăn thân mật, bà Sauer­lich bảo Tứ quái:

- Bác hiểu rằng tụi con qua đây là để đi chơi, vì vậy bác đã mướn hai chiếc xe đạp.

Tròn Vo reo lên:

- Cám ơn mẹ, nhưng bốn chiếc mới đủ.

- Ồ, đây là loại xe Tan­dem cơ mà. Hai xe có tới bốn chỗ ngồi.

- Vậy là hết sảy nhé. Con sẽ cặp bồ với Karl, thằng cận đạp cùng tốc độ với con, còn Tarzan thì phóng như điên.

Tarzan cười:

- Được rồi, tao và Ga­by sẽ đi chung một xe.

Hắn nhìn đồng hồ. Chà, đã 7 giờ sáng, mặt trời lên quá đầu non tự hồi nào. Trên mặt hồ đã loáng thoáng bóng những chiếc xuồng máy đầu tiên.

Trong lúc Tam quái Ga­by, Karl, Kloe­sen lo phụ chị bếp dọn dẹp bàn ăn thì Tarzan mở danh bạ điện thoại. Hắn nghe bà Sauer­lich hỏi vọng sau lưng:

- Cháu tìm địa chỉ ai thế, Tarzan? Khu này có nhiều tài tử, ca sĩ có nhà nghỉ lắm.

Ga­by đến bên Tarzan nói khẽ:

- Nào tìm đi, vần Pac­ca.

Tarzan nói:

- Đã thấy rồi. Chỉ có một nhân vật Paccalone-​Ri­car­do là chủ xưởng sửa chữa ôtô mang tên "Via Roc­co-​Fo­leti".

- Chính là gã đó. Trong đây còn có in một tầm bản đồ thành phố nè. Đại ca thấy không, điểm này là Castag­no­la chạy thẳng lên núi. Nào, chúng ta có mấy chỗ để đến: ông cụ Klumpli, phu nhân bá tước Plet­vai­lo và vợ chồng cháu gái bà cụ Pauline Anger­mann. Mình chọn chỗ nào trước nhỉ?

- Tự nhiên mình chỉ muốn gõ cửa cô Flo­ren­tine, cháu gái bà cụ Anger­mann.

- Tại sao vậy?

- Thử xem cô ta có đi Venise như bà cụ nói không, hay bà cụ lừa chúng ta một mẻ?

- Có lý lắm. Đại ca bấm số điện thoại xưởng sửa chữa ôtô "Via Roc­co-​Fo­leti" coi?

Tarzan nhấc phôn. Bên kia đầu day là tiếng một phụ nữ lạnh lùng:

- Đây là xưởng sửa chữa ôtô Ri­car­do Paccalone.

Tarzan hỏi:

- Dạ thưa, bà là bà Paccalone phải không ạ?

- Phải!

- Cảm ơn bà.

Tarzan cúp máy rồi nói:

- Đúng là bà ta.

Ga­by phân tích:

- Nghe qua giọng nói thì người đàn bà này không phải vừa đâu. Như vậy cụ Anger­mann đã nói dối hai lần liền. Một là bà này không có vẻ ngại người lạ, hai là bà ta không đi đâu cả.

Đúng lúc đó Karl và Tròn Vo cũng đến. Quân sư phát biểu ngắn gọn:

- Chúng ta sẽ sang tận nơi.

Tròn Vo gật đầu:

- Ôkê. Mình có hai phương tiện để sang căn nhà vợ chồng Paccalone bên kia hồ:xe đạp đôi và xuồng máy. Chọn cái nào?

Tarzan quyết định:

- Chạy xe đạp đôi dễ xoay xở hơn.

Bảy.

CHẠM TRÁN

Đám trẻ xin phép bà Sauer­lich đi vào phố. Bà Sauer­lich nhìn theo hai con ngựa sắt mỉm cười.Ga­by ngồi sau xe Tarzan, cô bé quay lại vẫy chào bà Sauer­lich. Tròn Vo ngồi sau xe Karl, nhưng lại cho rằng không cần ủy mị như vậy. Cả bốn quái đều mặc quần soóc, áo pull và đi dép xăng đan.

Bà Sauer­lich thu dọn bát đĩa và lau chùi nhà bếp, bỗng có ba người đàn ông bịt kín mặt bằng tất đen, tay lăm lăm súng ngắn tiến vào bếp.

Bà tái mặt, không nói lên lời.

Một gã bịt mặt có vẻ là chỉ huy quát lên:

- Mấy đứa nhỏ đâu rồi hả?

- Dạ...các ông muốn nói ai?

- Hê hê, vờ vịt làm gì. Tụi tôi muốn nói đến bốn đứa con mà mụ vừa ra ga đón về kìa.

Bà Sauer­lich ngơ ngác:

- Tôi chỉ có một thằng con thôi. Còn ba đứa kia là bạn của nó.

- Con hay cháu gì cũng mặc kệ. Tụi này chỉ biết chúng là đại lưu manh. Chúng đã đánh thuốc mê và phỗng tay trên của cải tiền bạc của tụi này trên tàu hỏa.

Bà Sauer­lich run rẩy:

- Không, không thể có chuyện như vậy. Các cháu không bao giờ làm vậy đâu.

- Thôi bà ơi. Có mấy cha mẹ biết con mình hư như thế nào đâu. Chúng trốn ở đâu, nói mau?

- Các cháu đi chơi...tối mới về.

Gã bịt mặt lồng lộn. Con chó lửa trên tay gã gí sát vào mặt bà:

- Nhốt mụ ta vào tầng hầm.

Ngay tức khắc hai thằng kè kè hai bên gã xông tới. Chúng nhốt bà vô căn buồng chứa rượu vang rồi thảy chùm chìa khóa lên bàn ăn. Dĩ nhiên sau đó là một cuộc lục soát tơi bời. Chúng gần như cày tung cả ngôi nhà nhưng làm sao kiếm nổi một hột châu báu lẫn 1 frank nào.

*

Trời mỗi lúc một nóng, đường xá nhộn nhịp hẳn lên. Tứ quái ung dung sải chân đạp trên thiên đường dành cho khách du lịch. Trung tâm thành phố trở nên chật hẹp bởi vô số các xe buýt lớn nhỉ. Du khách kéo đến đây đông đến mức cứ hai nhà dân thì có một nhà biến thành quán ăn. Bọn trẻ mồ hôi túa ra dầm dề, chúng đã đạp qua khu vực bể bơi của thành phố.

Lúc quẹo qua hướng bờ hồ, Tarzan nói:

- Đây là đầu phố Roc­co-​Fo­leti, nơi mà vợ chồng Paccalone có bảng hiệu xưởng sửa chữa xe hơi.

Cả hai dừng xe lại. Tứ quái ngắm những ngôi nhà sạch sẽ ở hai bên đường. Tuy nhiên không thể gọi chúng là biệt thự được. Đường đi lên mỗi lúc một cao, đứng trên này có thể nhìn bao quát một khu vực rộng lớn của thành phố. Vùng Par­adiso chìm trong nắng ấm ban mai. Sau những ngôi nhà nhỏ là rừng cây mac­chia, một loại cây quanh năm xanh tươi, chỉ có ở vùng Địa Trung Hải. Lúc vượt qua khách sạn Eden nổi tiếng thế giới, lối đi ngày càng hẹp lại. Hai bên đường cỏ mọc cao, chứng tỏ người ít khi lên đến đây.

Máy Tính nheo mắt sau cặp kính cận:

- Xưởng sửa chữa ôtô của Paccalone kia kìa.

Tarzan gật gù:

- Có lẽ chúng ta leo lên cao hơn để quan sát căn nhà này.

Bốn quái khóa cẩn thận "xế điếc" trong một bụi cây và lọt thỏm trong rừng mac­chia. Tarzan nhắc:

- Hãy bám vào hướng bên phải. Còn khoảng 150 mét nữa là chúng ta đứng ngay trên đỉnh nhà Paccalone đó.

Khi leo lên đến nơi, cả bọn ngồi phịch xuống để nghỉ. Tròn Vo ngồi ngay phải tổ kiến lửa, nó hớt hải bỏ chạy ra chỗ khác.

Từ nơi này Tứ quái nhìn rõ cơ ngơi nhà nhà Paccalone. Trên sân có hai chiếc ôtô, có lẽ đó là xưởng sửa chữa, vì một xe thiếu lốp sau, một xe thiếu cánh cửa bên trái.

Khu nhà hoàn toàn yên tĩnh, không có bóng người qua lại.

Tròn Vo thì thào:

- Khó hiểu nhỉ, mắc mớ gì thiên hạ đi đâu hết trọi? Dân Italia thường dậy sớm lắm mà. Hay là họ lại ngủ lại?

Tarzan trầm ngâm:

- Vắng như chùa bà đanh. Nhưng cớ sao giọng cô Flo­ren­tine trong điện thoại lại tỉnh rụi, rõ ràng cô ta chẳng những đang có mặt ở đây mà còn bực bội vì chuyện gì đó.

Karl hấp háy mắt:

- Vì mày nhiễu sớm quá chớ sao.

Tất cả bọn ngồi yên nghe tiếng chim hót chào mừng buổi sáng, bỗng chúng nhìn thấy một chiếc ôtô hiệu Al­fa Romeo màu vàng đi vào sân. Người đàn bà lái xa tóc vàng nâu, đeo kính to tổ chảng.

Tròn Vo hí lên mốt tiếng khoái trá át cả tiếng cây lá rì rào:

- Mụ đàn bà đó chính là bá tước phu nhân Plet­vai­lo. Bà ta là hàng xóm nhà tao ấy.

*

Eme­ly, vợ bá tước Plet­vai­lo đã xuống xe. Bây giờ thì lũ trẻ đã thấy ngoài chiếc áo xanh hở hang, người đàn bà kia còn diện chiếc quần soóc màu trắng cực mốt ngắn cũn cỡn. Bà ta bấm chuông, chẳng thấy tiếng ai trả lời. Eme­ly gõ rồi đập cửa thình thình. Rồi hình như cảm thấy tức giận cũng vô ích, bà ta cắm trên môi điếu thuốc lá phà khói bách bộ lững thững.

Tròn Vo bình luận:

- Có lẽ đi vắng cả rồi.

Tarzan nói:

- Có ai đang đến, mày coi chiếc Fi­at cũ nào đang chạy vô kìa.

Đúng y chang một chiếc ôô cũ mèm lọc xọc bò vô sân. Từ buồng lái, một phụ nữ mặc quần jeans, áo gilê phóng xuống. Mái tóc đỏ xõa xuống ngang lưng.

Ngay lập tức Eme­ly chạy đến. Hai người đàn bà vồn vã bắt tay nhau. Núp trên cao, Tứ quái chỉ thấy người đàn bà tóc đỏ múa may chân tay loạn xạ, còn bà bá tước Eme­ly đứng

nghệt ra. Sau đó đầu bà ta ngoẹo hẳn sang một bên, rồi cuối cùng là một tiếng thét thất thanh:

- Không. Đồ lừa đảo! Tao không tin! Tụi mày lừa tao hả?

Ga­by ngớ người:

- Có lẽ chúng cãi nhau về giá sửa xe chăng? Nhưng sao bà Eme­ly lại có thể nói những câu như vậy nhỉ, ít ra một phu nhân bá tước phải có ăn học chứ?

Tarzan mỉm cười, đúng lúc đó hắn thấy ở trong chiếc Fi­at có một người nữa mà nãy giờ tụi hắn không để ý.

Nắng mặt trời chiếu thẳng vào mắt làm đám trẻ bị chói. Đến khi người đàn bà thứ ba xuất hiện khỏi chiếc xe hơi, thằng Karl mới kêu lên thảng thốt:

- Chu cha, thế này có kỳ không chớ?

Khỏi cần quân sư la, ba đứa cũng thất sắc. Chớ gì nữa,người đàn bà thứ ba có mặt tại sân chính là người quen của chúng: bà cụ Pauline Anger­mann chứ còn ai. Bà già mặc toàn đồ trắng, đi đủng đỉnh tới chỗ hai người đàn bà.

Không hiểu bà già nói gì mà hai ả đàn bà đang hung hăng bỗng im re. Nữ bá tước có vẻ nhẹ giọng hơn, còn ả tóc đỏ thì lầm bầm vài câu rồi quàng tay vào lưng bà cụ thân mật. Tarzan lắc đầu:

- Nếu ả tóc đỏ là Flo­ren­tine thì rõ ràng giữa hai bà cháu chẳng có xích mích gì. Khó hiểu thiệt.

Lúc này nữ bá tước Eme­ly Plet­vai­lo đã quành về xe của mình. Con mắt mụ nhìn ả tóc đỏ đầy thù hận. Ả tóc đỏ cũng đâu có lép vế, mỏ của ả cong lên trong một tiếng chửi thề.

Khi chiếc xe của Eme­ly vù mất, Ga­by thốt lên:

- Thế là tình bạn tan vỡ. Không hiểu sao họ lại cãi nhau?

Tarzan lim dim mắt:

- Rồi chúng ta sẽ biết lý do của cuộc cãi lộn này khi mang quà tặng của ông chồng già cho bà bá tước. Tụi mình sẽ có cách của TKKG để moi tin.

Ả tóc đỏ đã chuyển hết hành lý của bà Anger­mann vô nhà, gồm hai chiếc valy và một túi xách to. Tarzan cho rằng, với ngần ấy hành lý, hẳn bà già sẽ ở đây lâu.

*

Tứ quái quay trở về khu trung tâm thành phố. Tròn Vo dẫn các bạn đạp xe băng qua quảng trường Pi­az­za Ri­forr. Tứ quái thấy khát khô cổ họng. Chúng tấp vào một quán giải khát uống co­la,riêng Tròn Vo thì đánh sạch một cốc kem to.

Khi lên xe, Tròn Vo đề nghị:

- Các bạn không nên đi đường cũ mà đi đường khác để ngắm khách sạn Eden.

Chẳng ai phản đối ý kiến sáng suốt của Tròn Vo. Khi qua chỗ giếng phun Tứ quái dừng lại. Tròn Vo chỉ tay về pho tượng đá trước cổng khách sạn định nói gì đó thì nó há hốc mồm, mắt nhìn chằm chằm về phía trước.

Tarzan hiểu ngay là có chuyện gì. Hắn hỏi:

- Chuyện gì vậy Kloe­sen?

- Khôôông...hai...hai người đeo kính râm từ pho tượng đá đang vế phía trung tâm thành phố kia.

- Có gì lạ đâu.

- Không phải vậy. Tao...đã nhớ ra rồi.

- Nhớ ra cái gì?

- Tiếc là bây giờ mới nhớ. Quỷ thật, cũng tại Ga­by buộc dây vào chân tao làm tao kém minh mẫn hẳn đi.

Cả đám trố mắt, trong khi thằng mập bô bô:

- Đêm hôm qua, lúc vô nhà vệ sinh tao đã đâm phải hai người kia. Lúc đó họ vừa bước ta khỏi khoang kế bên cạnh tụi mình. Tại lúc đó mắt tao ngái ngủ kèm nhèm nên không được sáng suốt lắm, tuy nhiên dù không sáng suốt tao vẫn nhớ là tao đụng một vật gì trong cổ tay tên tóc đen. E...hèm, tao lịch sự cúi xuống lượm trả và cứ nghĩ đó là cái đồng hồ.

Tarzan vội hỏi:

- Thế là cái gì?

- Đó chỉ là cái vòng nạm ngọc đeo tay của bá tước Plet­vai­lo.

- Mày nói sao?

- Tarzan, tao với mày đều được xem cái ảnh cái vòng đeo tay của ông bá tước. Đích...đích thị là nó. Tao...tao nhớ như in chuyện ông cụ đã tặng cái vòng cho cụ bà sau chuyến đi săn ra sao.

- Willi, có đúng là cái vòng đó không?

- Tao không thể nhầm được. Cái gì tao đã nhớ thì nhớ mãi.

Tarzan sững sờ:

- Nếu mọi chuyện đúng như mày nói thì hai thằng đeo kính râm vừa rồi phải là hai trong số ba tên cướp nhà hàng. Ga­by này, bạn có nhận ra chúng không?

Công Chúa lắc đầu:

- Trật lất, mình thấy hai gã vừa rồi hoàn toàn khác ba tên bắt giữ mình.

Tròn Vo quả quyết:

- Nhưng có một điều chắc chắn rằng cái vòng mà gã tóc đen làm rơi đúng là cái vòng đeo tay của bá tước Plet­vai­lo.

Tarzan nói khẽ:

- Không nhất thiết hai gã này là thủ phạm ăn trộm nhà băng, nhưng có thể chúng là tòng phạm hoặc buôn bán đồ trang sức. Dù sao thì chúng cũng không thể là những con chiên ngoan đạo. Chúng ta phải theo dõi chúng.

*

Tứ quái bám theo hai gã, Tròn Vo nấp sau lưng Karl. Hai thằng anh chị thản nhiên rẽ trái leo lên một con đường dốc rợp bóng mát. Chúng men theo con lộ ra tới bến tàu điện treo. Tàu có hai toa đã chờ sẵn ở bến.

Tròn Vo, với tư cách là chủ, cũng đến mua vé tàu. Nó đeo cặp kính râm to đùng lên và kéo sụp chiếc mũ lưỡi trai xuống để che mặt, đề phòng hai gã kia nhận ra. Ga­by cười khúc khích:

- Nhưng còn cỡ người, Willi ơi, làm sao cho khác được.

- Để chiều lòng bạn, mình sẽ hít vào cho bụng nhỏ lại.

Tarzan và Karl dựng xe đạp vào một gốc cây cọ ngay gần bến xuất phát của tàu điện treo và khóa lại cẩn thận.

Hai gã khả nghi đã an tọa ở toa phía trước, theo gót chúng là vài du khách lục tục lên tàu. Tứ quái ngồi ở toa sau.

Tàu khởi hành, gió lộng qua cửa sổ mát rượi. Rừng cây mac­chia trông đẹp cực kì khi nhìn từ trên cao xuống. Đẹp nhất là lúc lên tận đỉnh. Sau khi đi đến ga cuối cùng, Tứ quái phát hiện sau một cửa hàng ăn uống khá đông khách là một đường mòn len lỏi giữa rừng cây mac­chia có mũi tên chỉ đường lên nhà thờ. Bốn đứa đều kinh ngạc khi thấy hai gã đeo kính râm không tha thiết gì đến chuyện ăn uống mà vẫn đi theo con đường mòn lên cái dốc dựng đứng, có những bậc thang để dễ đi hơn.

Tarzan thì thầm với các bạn:

- Chắc tụi nó hợp ở đây. Nếu có cả ba tên ở đây thì tuyệt quá. Thôi, hãy chờ xem.

Đỉnh núi là một bãi hẹp bằng phẳng, chính giữa là ngôi nhà thờ nhỏ được xây dựng từ năm 1861 nhưng được bảo quản khá tốt. Ngôi thánh đường như là một di tích cho du khách dừng chân hơn là chỗ thờ phượng Chúa. Từ chỗ này nhìn đâu cũng thấy phong cảnh hữu tình. Trên đầu là bầu trời xanh trong,xa xa là những ngọn núi liền nhau như một bức trường thành.

Tròn Vo giới thiệu hệt một hướng dẫn viên du lịch:

- Tao cũng đã lên đây hai lần rồi. Kia là ngọn La­go Mag­giore, chỗ nọ là vùng đồng bằng Lom­bar­di,chỗ đó là Mai­land và vùng Bắc Ý.

Cả đám ngây người trước thiên nhiên hung vĩ. Tuy cắt cử cho Tròn Vo theo dõi hai kẻ khả nghi nhưng Tarzan chẳng lúc nào yên tâm, mắt hắn như nam châm dính chặt vào nhất cử nhất động của hai gã. Coi, khi hai gã đi rảo một vòng quanh nhà thờ là hắn cũng bám theo.

Hai thằng đàn ông dừng lại ở một băng ghế góc nhà thờ. Chung quanh không một bóng người. Chúng đảo mắt một lượt rồi mới chịu ngồi xuống ghế.

Tarzan núp sau một bức tường, cách chúng cỡ hai mét. Hắn thấy hai gã trò chuyện với nhau bằng tiếng Đức lơ lớ âm sắc Thụy Sĩ.

Một thằng nói:

- Cảnh đẹp quá. Tao là dân Thụy Sĩ mà chưa bao giờ đặt chăn tới đây khám phá sự tuyệt vời của đất nước mình.

- Thì tao cũng có cô hội nào tới đây đâu.

- Đúng là nhớ sự rộng rãi của ông trùm Jean-​Claude Ne­flet mình mới được ngắm cảnh đẹp này.

Thằng kia cười sặc sụa:

- Đến giờ này mà mày vẫn đặt lòng tin vào sếp à, Ot­van? Lão là một trong những ông trùm chó đẻ nhất trần đời. Làm việc cho loại người này thật xấu hổ. Như mày biết đó, Paccalone và hai đệ tử Ac­guno, Vinel­li đã phá két một nhà băng tại Đức và khiêng toàn bộ chiến lợi phẩm sang Bỉ để bán cho Ne­flet. Lão già ác ôn Ne­flet đó đã trả 440.000 frank để mua lại mớ chiến lợi phẩm, trừ cái túi đồ châu báu của một lão bá tước vì đó là của thỏa thuận gì đó. Ấy thế mà cuối cùng sếp Ne­flet đã sai tụi mình ăn cắp lại 440.000 frank đó. Thế thì rộng rãi ở chỗ nào?

- Ừ...ừm, tao hiểu rồi. Nhưng đằng nào thì tao với mày cũng đã nhúng chàm khi cướp lại số tiền mua chiến lợi phẩm về cho sếp Ne­flet. Nếu đêm hôm qua tụi mình không đoạt số tiền đó thì hẳn tất cả vẫn ở trong tay tụi nó. Phải thừa nhận rằng chất gây mê đó tốt thật.

- Tao biết thứ chất gây mê đó cực mạnh.

- Mày có thấy một thằng bị thương ở đầu chăng Di­eter?

- Chắc thằng đó bị té bể đầu trong lúc mê mệt. Nó băng bó ngó thấy mà ớn. Mẹ, lão trùm Ne­flet của mình đểu thiệt. Tụi mình chẳng biết bọn Paccalone là lũ nào nhưng Ne­flet xem chừng thân thiết với chúng lắm. Mày nghĩ sao, tối nay lão sẽ tới đây, ngủ một đêm ở khách sạn Eden, và bắt đầu từ ngày mai sẽ làm khách của thằng Paccalone. Khốn nạn quá, hôm trước lão cướp của người ta còn hôm sau lão hơn hớn đến nhà người ta chơi. Đúng là vô lương tâm, chỉ có hạng súc vật mới xử sự như vậy.

Hai thằng ngồi im lặng.

Có tiếng chân người, tam quái đang kéo tới. Tarzan cuống quýt ra hiệu cho Tròn Vo lôi hai quái Karl và Ga­by ra xa.

Hai thằng im lặng.

Tarzan tiếp tục lắng nghe những thông tin quý giá.

Di­eter tiếp tục than thở:

- Ne­flet chơi quá tệ. Lão bắt chúng ta làm khâu vất vả nhất mà chỉ trả công cho hai đứa mình chưa đến 150.000 frank. Chỉ có một phần ba của 440.000 frank. Tao đang nghĩ...

- Nghĩ gì mày?

- Bắt lão phải trả thêm ít nữa.

- Bắt buộc thế nào?

- Tao sẽ phôn cho Paccalone. Phôn và báo rằng chúng đã bị sếp của mình phỗng tay trên? Mày thấy sao, Ot­van?

Ot­van Freg­ger reo lên khoái chí:

- Hay lắm! Bọn Italia rất máu trả thù, thế nào chúng cũng thịt lão Ne­flet.

- Hà hà, tao cũng nghĩ vậy đó,

- Nhưng tụi mình khoan đã, để xem tối nay nếu lão chịu năng phần chia lên thì mình tha. Cụ thể là cưa đôi. Chớ lão mà tử thì ai đi vẽ mánh cho mình nữa

- Ờ há, tao giận quá mất khôn. Thôi thì trong bữa ăn ở nhà hàng Oas­sis tối nay, tao sẽ nói.

- Đúng thế. Đếch có gì phải gấp cả, rồi đâu sẽ có đó.

Hai thằng anh chị đứng dậy. Chúng rẽ qua rừng mac­chia để về bến tàu. Tarzan cũng giả đò mải mê ngắm cảnh thiên nhiên quyến rũ không chú ý gì đến chúng, rồi hắn đi thẳng tới chỗ Tam quái đang chờ.

Tám.

CHIẾU TƯỚNG

Ot­van Freg­ger và Di­eter Blunchi vừa bốc hơi là bàn tròn TKKG họp cấp kỳ. Tam quái cũng phanh phanh biết vài chuyện nhưng qua sự tường thuật của Tarzan, cả đám mới bật ngửa. Trời ạ, chỉ vì những đống tiền, của cải bất chính mà hai băng tội phạm trở mặt lẫn nhau. Từ quan hệ chiến hữu biến thành kẻ thù.

Ga­by rùng mình:

- Tụi mình chấm dứt chuyến leo núi ở đây thôi.

Tarzan gật đầu:

- Đúng vậy. Qua hai gã đàn ông vừa rồi, chúng ta đã biết tác giả của vụ trộm nhà băng tư nhân Đức. Chúng gồm 3 thằng, trong đó có khả năng gã bịt mặt là Ri­car­do Paccalone, gã mặt sẹo, chỉ huy hai đàn em. Gã cũng chính là kẻ đến nhà ông Plet­vai­lo, rõ ràng chỉ có gã mới biết số châu báu gửi nhà băng của ông bá tước. Plet­vai­lo có thể tưởng gã là thợ làm vườn. Đồng thời gã cũng chính là chồng của Flo­renti­na, cháu gái cụ Pauline Anger­mann. Trời đất, qua đó có thể đoán được vai trò của bà lão này. Bà ta là tòng phạm. Nè Công Chúa, bạn có nhớ rằng tên mặt sẹo đã nhận phần lên lầu trả bà cụ cái vì không? Và gã đã kể rằng gã còn hỏi thăm sức khỏe cụ nữa. Có khi gã lên để thỏa thuận với bà già việc gọi điện cho cảnh sát nữa đấy. Và bà cụ đã thực hiện âm mưu một cách hoàn hảo. Bà ta đã phôn 18 lần báo động dỏm để rồi lần thứ 19, khi biết ông đồn trưởng Knotinger chán ngấy mới cùng gã cháu rể cho nổ mìn phá két nhà băng. Tội nghiệp chú Knotinger của chúng ta.

Ga­by bang hoàng. Tarzan đã nói hết sự thực. Cô buồn bã:

- Xưa nay người ta đều cho rằng các cụ ông cụ bà đều là những người tử tế.

Karl nói:

-Nhưng bọn người bất lương thời trẻ, khi về già không có nghĩa là họ đã hoàn lương hết. Bọn lừa đảo trộm cắp cũng có ở mọi lứa tuổi.

Tròn Vo vuốt tóc rồi quay sang Tarzan:

- Nghĩa là hai thằng đeo kính hồi nãy đang giữ tiền bạc cũng như số châu báu của ông bá tước đúng không đại ca? Tao nhận ra ngay cái vòng đó mà.

- Ừ, một thằng tên Di­eter, một thằng tên là Ot­van. Hình như thế.

- Ố là là, vậy thì có lẽ chúng từ một vụ cướp trở về đây?

- Chúng cướp nhưng không phải cướp nhà băng bên Đức. Chúng là dân Thụy Sỹ, rõ chưa? Ái chà, tao vừa sực nhớ ra. Lúc mày đêm hôm đi vệ sinh thì tao cũng mở bừng mắt. Tao ngửi thấy mùi gì là lạ, mày cũng vậy, đúng không Willi? Giờ tao mới hiểu mùi ấy là thuốc mê. Hai thằng khốn ấy đã đánh thuốc mê ngay trong toa tụi mình, mà có thể là khoang bên cạnh cũng nên.

Ga­by gật đầu:

- Như vậy chúng ta có thể lên danh sách được rồi. Rằng có hai băng tội phạm tất cả. Một băng do Paccalone cầm đầu hai đàn em với sự tham gia của bà Anger­mann và ả Flo­ren­tine. Một băng do trùm Jean-​Claude Ne­flet và hai gã đánh thuê Di­eter, Ot­van. Băng sau cướp lại của băng trước. Tối nay Di­eter, Ot­van sẽ tới nhà hàng Oas­sis, gặp ông chủ của chúng để chia chác tiền công.

Tarzan tư lự:

- Và có thể sẽ tố giác nhau nếu Ne­flet không chịu nâng phần chia cho đệ tử lên.

Karl cắn môi:

- Đại ca có chắc lão Ne­flet tối nay có mặt ở đó không?

- Chắc. Tao nghe hai thằng ma cô kháo nhau như thế. Nhà hàng Oas­sis nằm gần khách sạn Eden. Đi bộ cũng tới.

- Đại ca tính thế nào?

- Tụi mình sẽ có mặt tại nhà hàng Oas­sis trong vai các thực khách chứ sao. Bốn đứa cùng hùn tiền lại và kêu món nào rẻ nhất đủ trả. Chúng ta phải cứu số châu báu của bá tước Plet­vai­lo, có điều không biết chúng giấu ở đâu. Tụi mình cũng phải nghĩ xem.

Tàu điện treo lúc này lao ào ào xuống dốc. Càng xuống càng nóng hơn. Ga­by đột nhiên nói:

- Mình cứ không hiểu nữ bá tước Eme­ly, các bạn thử động não xem tại sao bà ta điên tiết trước ả Flo­ren­tine đến thế?

Ba thằng con trai giật mình. Phát hiện của Công Chúa làm chúng tỉnh ngủ. Cô bé sẵn trớn tiếp tục:

- Này nhé, mới đầu Eme­ly và Flo­ren­tine rất sung sướng lúc bắt tay nhau, nhưng sau đó chừng năm phút thì hai người cãi nhau...

Karl ngắt lời. Nó lặp lại hầu như nguyên vẹn lời nguyền rủa của bà bá tước:

- Bà Emer­ly chửi như sau: "Đồ lừa đảo! Tao không tin! Tụi mày lừa tao hả?". Tóm lại có thể hiểu là: chúng mày lừa tao để nuốt tươi số châu báu đó.

Tròn Vo reo lên:

- Điều đó có thể hiểu là vụ mất trộm này được vợ chồng ông bá tước thỏa thuận từ trước. Nhưng tại sao lại phải để cho ai đó lấy cắp của cải của chính mình?

Tarzan nói luôn:

- Đây là một vụ lừa đảo đối với hãng bảo hiểm. Lão bá tước đã nói với tụi mình lão sẽ được hãng bảo hiểm đền bù hơn 1 triệu mark nếu không tìm thấy đồ trang sức đó. Lão đang rất cần tiền vì lão vốn là một con bạc nghiện. Cụ Klumpli đã xác nhận như vậy. Phù, đây quả là một liên minh ăn cướp hoàn hảo. Gã mặt sẹo Paccalone đã đến gặp Plet­vai­lo để toan tính vụ làm ăn này. Ôi chao, nếu Ga­by không tình cờ lượm được cái bóp trong thùng rác để trả lại bà lão thì giờ này chúng ta còn lâu mới vén màn được vở kịch đại bịp này.

Tàu đã tới bến. Tròn Vo và Karl lo mở khóa hai chiếc xe đạp đôi.

Tarzan xoa tay hí hửng:

- Tối hôm nay chúng ta sẽ đánh úp bọn chúng. Băng Ne­flet, Blunchi, Freg­ger sẽ lộ mặt tại nhà hàng Oas­sis. Còn lũ 5 tên Paccalone đố thoát khỏi lưới trời. Bây giờ chúng ta mang gói quà đến cho bà bá tước đồng thời gọi điện đến Oas­sis đặt sẵn một bàn ăn tối cho bốn mạng. Ôkê?

Tròn Vo áy này:

- Chẳng lẽ để mẹ tao ăn một mình ở nhà?

- Biết làm sao bây giờ. Đưa bác gái đi thì nguy hiểm cho bác lắm.

- Nói với mẹ tao sao đây?

- Cứ xin với mẹ rằng tụi mình đi xem xinê, và nhớ ăn mặc đẹp nghe.

*

Ngôi nhà nghỉ của ông bà Sauer­lich vắng hoe. Sau khi dựng hai chiếc xe đạp trước cửa. Tròn Vo hớt hải:

- Mẹ ơi, tụi con đã về.

Cánh cửa vẫn đóng im ỉm. Đám trẻ hoảng hốt ra phía hiên. Coi cánh cửa ở đây bị phá tung, một chiếc ghế bị đổ, Tarzan hầu như không còn tin nổi vào mắt mình nữa. Ga­by kêu lên:

- Thế này là thế nào?

Tarzan vừa gọi to vừa lao vào trong nhà:

- Bác Er­na! Bác đâu rồi?

Một giọng nói văng vẳng từ xa:

- Tarzan đó hả, bác bị nhốt dưới hầm rượu nho...

Tứ quái lập tức nhào xuống hầm. Cánh cửa sắt bị khóa. Không một giây chần chờ, Tarzan dùng một cây choòng sắt phá toang cửa, mãi sau này hắn mới thấy chiếc chìa khóa hầm rượu nằm trên bàn.

Bà Sauer­lich bước ra mặt tái nhợt, nhưng không hề sây sát, bà nói:

- Hồi các con đi có ba tên cướp bịt mặt ập vào nhà. Chúng săn đuổi các con, chúng la hét rằng các con đã ăn cướp tài sản của chúng đêm qua trên tàu tốc hành. Chúng định cướp lại những tài sản đó.

Mặc dù trong nhà rất bừa bãi nhưng Tarzan vẫn không nín được, hắn lăn ra cười.

Cuối cùng mọi chuyện cũng được kể xong, Tarzan cố xoa dịu nữ gia chủ:

- Chẳng ai muốn làm đặc vụ lúc đi du lịch đâu bác, mọi việc đều do số trời. Giờ thì bác khỏi lo, ba thằng bịt mặt ấy không dám đến đây nữa đâu vì hai lý do: thứ nhất, chúng sợ ta báo cảnh sát. Thứ hai, có khi chúng đã biết ai là thủ phạm phỗng tay trên rồi.

Bà Sauer­lich lặng người:

- Khổ thân cho các con, tại sao các con quậy bạo như vậy? Willi, mẹ cấm con sau này làm cảnh sát đấy nhé. Con sinh ra là để kế nghiệp giám đốc hãng sôcôla...

-Mẹ yên tâm, con sẽ làm như mẹ mong muốn. Nhưng hiện nay công việc này rất hấp dẫn chúng con.

Máy Tính xen vào:

- Mình đã kiểm tra hết rồi. Căn nhà bị lục lọi tứ tung như vậy nhưng chỉ có một lọ hoa bị bể. Điều quan trọng là Paccalone không rờ đến gói quà của ông bá tước tặng vợ. Thế là chúng ta vẫn có cớ để lên đường.

Đám trẻ cắt dây thử coi thứ gì ở trong đó. Trời ạ, bên trong toàn là son phấn và thuốc nhuộm tóc.

*

Hai con ngựa sắt lại rong ruổi. Đám trẻ bon dọc triền núi theo đường Cac­carel­li. Ngôi nhà số 21 khá xinh xắn. Trước cửa sân lù lù chiếc Al­fa mà Tứ quái đã nhìn thấy. Bốn đứa dắt luôn xe vô khu vườn nhỏ rồi khóa lại. Tarzan tay xách cái hộp cho Ga­by bấm chuông. Hắn thì thầm:

- Không biết nữ bá tước đối xử với tụi mình ra sao đây?

Chuông reo sau nửa phút thì gia chủ bước ra. Nói sao thì nói, Eme­ly vẫn là một người đàn bà đẹp, bà ta chưa kịp hỏi thì Tròn Vo đã nhanh nhảu:

- Cố nhớ cháu chứ, cô Plet­vai­lo. Cháu là Willi, con ông Sauer­lich hàng xóm của cô đây ạ.

- Ồ...nhớ rồi. Ngọn gió nào thổi cháu đến đây thế?

- Ngọn gió của quà tặng, thưa cô. Cháu qua đây nghỉ mát có mang theo quà của ông bá tước gửi cho cô.

- Cám ơn nhé. Tôi biết trước món quà này, ông bá tước có gọi điện qua.

Phái đoàn TKKG bước vô phòng khách. Bà ta rót nước mời đám trẻ rồi với chai vang uống dở rót ra một ly cho mình.

- Các cháu đến đây hồi nào?

Tròn Vo còn ú ớ thì tiếng chuông cửa vang lên ầm ĩ. Eme­ly nhăn mặt ngậm điếu thuốc trên mép bước ra không cần sập cửa phòng khách. Tứ quái khỏi cần vểnh tai cũng nghe rõ giọng của ả Flo­ren­itne:

- Chào Eme­ly. Tôi thiết tưởng là chúng ta nên giảng hòa. Sáng nay tôi đã nói ông chồng tôi bị cướp mà chị không tin, bây giờ tôi buộc phải lôi anh Paccalone và bà tôi đến đây để họ giải thích cho chị được rõ. Chị cho chúng tôi vào nhà chứ?

Eme­ly lắc đầu:

- Không. Tôi chưa trang điểm xong. Mời quý vị đứng ngoài chờ lát nữa.

Tứ quái hồi hộp nín thở. Chúng nghe một giọng đàn ông khàn khàn:

- Đối với chúng tôi cô lúc nào cũng đẹp.

Tarzan đoán đây là tên mặt sẹo, hắn chăm chú nhìn Ga­by. Môi cô run run, cô cũng đã nhận ra gã.

Eme­ly nói:

- Tôi đang có khách, nhưng họ cũng sắp sửa ra về.

Bà ta quay vào, theo sau là Flo­ren­tine, tên mặt sẹo Paccalone và mụ già Pauline Anger­mann.

Thật là một cuộc chạm trán bất ngờ. Tên mặt sẹo như hóa đá. Gã há hốc mồm, gương mặt nhìn Ga­by chằm chằm. Mặt bà già Anger­mann tái nhợt, trông mụ ta như sắp sửa khuỵu xuống, nhưng mụ ta nhanh chóng lấy lại nụ cười giả dối trên môi.

Flo­ren­tine đưa mắt nhìn quanh, ả đã phát hiện ra chuyện không bình thường. Tarzan nói to:

- Chào ông Paccalone. Khổ, mấy ngày ở Đức ông vất vả nhỉ? Tụi này vô cùng khâm phục việc ông và hai đồ đệ đã khui sạch 150 cái két sắt trong một thời gi­an kỷ lục, mặc dù bị cô bạn tôi gây phiền nhiễu. Nhưng tất nhiên cô ấy không thể làm các vị chùn tay vì đã có bà Anger­mann làm nội ứng. Thật là một gia đình hoàn hảo.

Paccalone sùi bọt mép, gã gào lên:

- Mày...chúng mày đã đánh thuốc mê và chơi gác tụi tao, cướp hết của tụi tao.

Mặt gã đỏ ửng như sắp bị nổ tung ra. Gã nhảy bổ vào Tarzan.

Tarzan có thể dễ dàng tránh gã, nhưng nếu thế thì Ga­by đứng sau hắn có thể gặp nguy hiểm. Vì thế hắn cũng xông vào và quất cho gã một trận dồn dập như vũ bão. Sau 8 giây, Paccalone hoàn toàn bị vô hiệu hóa.

Giọng Tarzan như chuông đồng:

- Gọi tới đồn cảnh sát đi Ga­by. Thể nào cũng có người biết tiếng Đức. Chúng ta có nhiều việc để báo cho họ biết. Bọn này đã hợp đồng với vợ chồng bá tước Plet­vai­lo để ăn cắp đồ trang sức nhằm moi tiền của hãng bảo hiểm.

Hắn nhìn mấy người đàn bà:

- Kế hoạch của các người thật khôn ngoan xảo quyệt nhưng cũng không thể bịp được chúng tôi đâu.

*

Một ngày nóng nực sắp trôi qua. Nhà hàng Oas­sis rất đông khách. Từ 8 giờ 30 tứ quái đã có mặt tại bàn tiệc đặt sẵn.

Lúc này là một nhạc sĩ đang dạo đàn dương cầm. Trời chưa tối hẳn nhưng mặt trời đã lặn khá lâu. Trên mặt hồ bảng lảng những gợn mây bàng bạc. Tarzan hài lòng nhìn bạn bè. Đứa nào hôm nay cũng diện đẹp, nhất là Ga­by. Cô bé mặc bộ váy áo màu xanh nước biển có nhiều nếp gấp duyên dáng, trên mái tóc óng vàng có chiếc nơ to màu trắng.

Bàn của đám nhóc ở ven hồ, một chỗ cực tốt để quan sát chung quanh. Coi, trong khi Tròn Vo còn ngó thực đơn do người bồi đưa thì hai gã đàn ông mà Tarzan đã gặp trên nhà thờ bước vào bàn bên cạnh. Đó là Di­eter Blunchi và Ota­van Freg­ger.

Blunchi và Freg­ger vừa ngồi vào bàn thì một lão già cao gầy, mắt diều hâu lạnh lùng bước lại. Bốn quái chỉ cần liếc sơ đã đoán được lão là ông trùm Jean-​Claude Ne­flet.

Tròn Vo khai hỏa trước. Nó buông thực đơn xuống bàn và nói thật to để nhựng người xung quanh cũng nghe được:

- Đại ca ơi, tụi mình đụng oan gia rồi. Hai thằng cha ngồi cạnh bàn mình là hai gã mình gặp trên tàu ấy. Mày có nhớ mùi thuốc gây mê không?

Tarzan gật đầu, thằng mập càng khoái chí nói to hơn:

- Tao vẫn còn nhớ là cái vòng nạm ngọc rơi xuống nghe cộp một tiếng. Tao không thể quên cái vòng được.

Tarzan cùng Karl và Ga­by chiếu tướng bàn bên. Coi kìa, ba bộ mặt ngây độn ra như bị ma nhát. Chúng đâu dám hó hé gì ngoài việc giả vờ cắm đầu vô tờ thực đơn.

Tròn Vo lại bô bô:

- Tội nghiệp ông bá tước quá há, bọn đạo tặc người Italia đã chôm sạch báu vật ở nhà băng rồi vù sang thủ đô Bỉ mại cho lão trùm chuyên mánh mung đồ ăn cắp. Nghe đâu lão mua với giá 440.000 frank gì đấy. Chỉ có đống trang sức của ông bá tước là không bán.

Ga­by cười giòn:

-Ngồi một chỗ sao biết nhiều vậy, Kloe­sen?

Tarzan nheo mắt:

-Tôi cũng biết nhiều chuyện ly kì hơn nữa, Công Chúa ạ. Tôi biết trong phi vụ này bọn lưu manh còn giở trò ăn cắp lẫn nhau. Công Chúa biết không, lão lái buôn ấy sau khi mua hàng liền mướn hai thằng sát thủ bám theo tàu tốc hành đêm để đánh thuốc mê lũ đồng nghiệp. Thế là chúng chẳng những thu lại được số tiền mà còn ẵm thêm kho châu báu của lão bá tước mới...bở.

Ga­by chặt lưỡi:

- Kinh dị nhỉ. Chỉ có bọn đê tiện mới phản phé hại nhau. Đại ca hãy lánh xa đám người tráo trở đó nhé.

Tứ quái ngừng nói chừng nửa phút, thực buồn cười, ba gã bàn kế bên vẫn cứ chúi vô tấm thức đơn khiến người bồi bàn phát sốt lên, đổi chân liên tục.

Ba gã cùng đứng lên một lượt, mồ hôi chúng toát ra.

Tarzan nói tiếp:

- Muốn nhúc nhích thì cũng muộn rồi. Mụ già Anger­mann và bọn Paccalone, Ac­guno, Vinel­li, Flo­ren­tine đã sa lưới cảnh sát. Hiện cả năm đều bị tạm gi­am.

Ga­by nói:

- Nào, chúng ta gọi đồ ăn đi nha. Mình gọi xalát và quỷ biển.

Tròn Vo đế vô:

- Mình phải gọi 5 món nữa. Nè đại ca, còn lão lái buôn và hai thằng đàn em bây giờ thế nào?

Tarzan nhúng vai nhìn sang bàn bên cạnh:

- Nếu tôi không nhầm thì chúng đang đứng sớ rớ ở đây.

Mặt tên Blunchi trắng bệch như chiếc khăn trải bàn, còn thằng Pregeer đã xé vụn bảng thực đơn mà không biết. Gã bỗng chồm lên, cả Ne­flet cũng đứng dậy, nhưng đã muộn rồi.

Ngay lập tức cái bàn của chúng bị bao vây.

Mấy bồi bàn lảng vảng quanh đây, thực chất đều là cảnh sát trá hình, đã lăm lăm súng trong tay.

Bọn tội phạm không dám kháng cự.

*

Net­flet run như cầy sất còn hai thằng đệ tử khai sạch sẽ. Chúng mau mắn tiết lộ mớ châu báu lẫn tiền bạc đang gửi trong két sắt khách sạn. Cảnh sát đã thu hồi nguyên vẹn.

Ở bên Đức, thanh tra Glock­ner lập tức còng tay lão bá tước gi­an manh. Bọn tội phạm không tên nào thoát. Nghĩ tình bà Anger­mann già cả gần đất xa trời nên tòa xử án treo.

Lúc này mới là thời điểm của TKKG. Bốn đứa lại thành trẻ con ngây thơ tha hồ leo núi, bơi xuồng, đạp xe rong chơi. Còn đến thăm cụ Klumpli nữa. Ái chà, ông cụ cứ vò đầu Tròn Vo rồi nói:

- Ôi chao, ta luôn mong ước rằng sôcôla Klumpli ngon hơn sôcôla Sauer­lich.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: