CHƯƠNG 9: GÒ BÊ TÔNG
Cả tuần sau đó, tôi cứ mon men xung quanh căn phòng của bà như chờ đợi điều gì đó. Căn phòng bà lúc ấy lúc nào cũng thoang thoảng mùi hương trầm, còn có 1 cái đài cát xét bật kinh cả ngày đêm. Có vẻ như họ hàng của bà cũng rất chu đáo với việc lo hậu sự cho bà, nên cảm giác căn phòng luôn ấm cúng chứ không lạnh lẽo như vừa có người mất. Có những lúc, tôi còn nghe thấy tiếng dép quen thuộc của bà loẹt quẹt khe khẽ ở trong căn phòng không có bóng người. Tôi tò mò đẩy cửa vào xem thì không thấy gì nữa cả.
Có lẽ vì qua lại nhà bà nhiều quá nên một đêm, tôi nằm mơ một giấc mơ kì lạ nữa.
Trong giấc mơ, tôi đang ngồi ở giữa phòng khách chơi đồ hàng. Trong nhận thức của tôi lúc đó, tôi chỉ ở nhà một mình thôi, không có ai khác cả. Tôi cứ ngồi chơi như vậy, cửa ra vào vẫn mở toang, ánh sáng bên ngoài trăng trắng loa lóa như ngày hè oi bức nào đó.
Bất chợt ánh sáng từ cửa ra vào bị chắn bởi một vật thể. Tôi bèn ngẩng mặt lên để xem đó là gì thì nhận ra hình bóng quen thuộc.
Bà Hon, tươi tỉnh béo tốt hơn hình ảnh cuối cùng của bà tôi nhìn thấy, mặc chiếc áo lụa gấm vạt dài, chiếc quần vải đen ống rộng tươm tất, đứng trước cửa nhà tôi. Hai tay bà giang ra, tựa vào cửa, dáng điệu như bà đã từng bao nhiêu năm. Miệng bà mỉm cười với tôi.
Bà cất tiếng: "Ly, con đi chợ với bà không?"
Tôi ngập ngừng không biết có nên đi hay không. Tôi đi bây giờ thì không có ai trông nhà cả, mẹ tôi sẽ mắng tôi mất. Thực lòng tôi vẫn muốn bà vào nhà ngồi chơi với tôi, để tôi được tỉ tê với bà nhiều chuyện.
"Bà vào ngồi chơi với con đi..." Tôi nói.
Bà Hon vẫy vẫy tay: "Nhưng bà phải đi. Đi với bà đi con, tí bà mua bánh rán cho con ăn nữa nhé!"
Tôi nghe có vẻ xuôi ta, đứng dậy chuẩn bị bước ra phía cửa. Bỗng nhiên từ phía sau tôi, một người lao ra, nắm chặt lấy bàn tay của tôi.
"Không được đi con! Nếu con đi, bà dẫn con xuống Âm phủ đấy!".
Tôi giật mình quay lại thì nhận ra mẹ tôi, không hiểu từ đâu nhảy ra. Rõ ràng là tôi đang ở nhà một mình mà?
Tôi giật mình choàng tỉnh, lưng ướt đẫm mồ hôi. Giấc mơ thật quá, cứ như bà Hon chưa bao giờ mất vậy. Giờ vẫn đang là đêm khuya, trời chưa sáng tỏ. Mẹ tôi nằm bên cạnh ú ớ:
"Nằm xuống ngủ tiếp đi con!"
Thế là tôi nằm xuống ngủ, lòng hoang mang.
Ngày hôm sau tôi đem giấc mơ kể cho mẹ. Mẹ tôi chỉ cười cười.
"Đó...cũng có nhiều người nói về trường hợp ma dẫn người đi trong giấc mơ. Nếu mà đi theo là sáng hôm sau không tỉnh dậy nữa. Đấy, trong giấc mơ chỉ có mẹ là bảo vệ được con thôi nhé! Thấy mẹ thương con chưa nào!"
Tôi gật gù công nhận. Mẹ tôi đúng là Thần hộ mệnh của tôi. Tôi nhớ có lần đi biển Cát Bà chơi với cơ quan bố, gặp phải sóng thần hơn 2m, tôi bị sóng đánh chìm nghỉm. Mẹ tôi lúc ấy lao xuống từ trên bờ, giữa mênh mông nước biển mẹ vẫn mò được đúng lưng áo bơi của tôi, nắm mà kéo lên. Chậm hơn chút nữa có khi tôi bị cuốn ra ngoài khơi mất xác rồi. Nhiều sự việc kì diệu xảy ra mà tôi không sao giải thích được. Đúng là những khi con cái gặp nguy hiểm, bản năng của người mẹ vẫn là tuyệt vời nhất. Có lẽ trong tiềm thức, mẹ tôi nhận thấy tôi đang gặp nguy nên đã nhảy vào giấc mơ của tôi để cứu giúp?
Sáng hôm sau, mọi người cứ xôn xao. Chẳng là người họ hàng của bà Hon tới thắp hương với làm lễ 49 ngày cho bà Hon thì nhìn thấy đôi dép nhựa mà bà hay đi, đã được cất cẩn thận trong tủ thờ, tự nhiên lại nằm ngay ngắn trước cửa ra vào. Hóa ra đêm tôi nằm mơ cũng chính là đêm thứ 49 từ lúc bà mất. Chẳng hiểu tại sao đôi dép lại được để ở đó, không ai nhận mình đã làm việc này. Hôm ấy hàng xóm láng giềng qua thắp hương cho bà Hon rất đông. Khi sinh thời bà Hon sống hiền lành tốt bụng nên ai cũng yêu quí. Tôi thầm nghĩ rằng, có lẽ đêm qua, bà đã đi thật rồi. Bà xỏ đôi dép mình hay đi, bước qua cửa nhà và sang một cõi khác.
Sau những lời mẹ tôi nói, tôi lại đâm ra tủi thân và hờn ghét bà. Tôi trách bà tại sao lại muốn kéo tôi xuống Âm phủ? Đành rằng bà yêu quý tôi quá muốn tôi đi cùng, nhưng như thế có phải là ích kỉ quá không? Có phải là cướp đi mạng sống của tôi không?
Tôi tháo chiếc vòng bà tặng ra cất đi, không thèm đụng đến nữa. Mỗi khi đi chùa hay có chuyện gì buồn rầu, tôi cũng không khấn tên bà nữa. Tôi dần quên đi bà.
Lời hờn trách ấy của tôi mãi sau này mới có người giải đáp cho tôi. Đó là một người thầy mà tôi rất kính mến, người đã giải thoát cho tôi khỏi những tháng ngày mắc kẹt ấy. Thầy nói với tôi rằng: "Nhiều người sau khi chết không ý thức được rằng mình đã chết. Người ta vẫn ở lại nơi chốn người ta từng ở, làm những việc người ta hay làm. Đến lúc thực sự phải rời đi, họ chỉ biết là họ phải đi, chứ vẫn không biết là mình không còn trên thế giới loài người nữa. Trong giấc mơ đấy của cô, bà Hon đó phải rời cõi tục chuyển sanh sang các cõi khác, thế nhưng ý niệm của bà vẫn hướng về cô, vẫn yêu thương cô và vẫn muốn ở bên cạnh chăm sóc cho cô. Chính vì thế nên bà vẫn rủ cô đi chợ như thói quen lúc còn sống thôi, chứ không hề có ý định làm hại gì cô cả...".
Lần đó nghe thầy nói, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi vẫn còn nhớ lời bà: "Họ tìm đến con vì cái duyên nào đó, chứ chưa chắc đã có ý hại con...". Tôi ân hận vì đã trách lầm bà, đã lãng quên bà. Sự đau khổ nhiều nhất của một con người không phải là cái chết mà là sự lãng quên. Bà ra đi, không con cái thờ phụng, người bà yêu quý nhất là tôi lại chọn cách quên đi bà, thật tàn nhẫn. Chiếc vòng bà tặng cho tôi năm nào, tôi không còn tìm lại được nữa...
Sau sự kiện 49 ngày của bà Hon, cả xóm tôi lại xôn xao vì một điều khác.
Chẳng là, ở trên tầng 4 khu tập thể C6 của tôi có những điều cấm kị là lạ.
Dọc hành lang chật hẹp của dãy nhà, có một gò bê tông khá lớn, dài dài mọc lên ở gần cuối dãy hành lang, gần gần nhà bà Oanh, bà nội cái Miu. Nhìn nó giống như một bãi xi măng ai đó bất cẩn làm đổ ra vậy. Tuy nhiên người lớn luôn dặn bọn trẻ con chúng tôi TUYỆT ĐỐI không được dẫm lên khối bê tông đó. Đặc biệt tránh xa được thì càng tốt. Tôi nhìn thấy ai đi qua khu vực đó cũng đều ne né ra đi rất cẩn thận. Điều đó như một luật lệ bất thành văn của tầng 4 dãy nhà tôi, đến mức ai cũng coi đó là điều hiển nhiên, một tín ngưỡng mà không thắc mắc gì.
Thêm một điều cần phải lưu ý nữa, đó chính là căn phỏng cuối dãy. Căn phòng 412 đó có cánh cửa sơn xanh cũ kĩ, khác hẳn những cánh cửa của những phòng khác. Cánh cửa gỗ mục đó như một phiên bản cũ từ thời sơ khai nào đó, và lúc nào nó cũng đóng im ỉm. Căn phòng đó có người ở, điều đó là chắc chắn. Thi thoảng khi đi sang nhà bà Oanh chơi với con Miu, tôi vẫn nghe thấy tiếng động khe khẽ phát ra đằng sau cánh cửa đó. Nhưng quả thực ở đây từ bé đến lớn tôi chưa từng gặp mặt người ở trong căn phòng đó. Người lớn cũng dặn dò chúng tôi không được máy mó gì đến căn phòng đó. Vì thế nên chẳng đứa nào dại mà làm trái lời bố mẹ, nếu không sẽ bị no đòn.
Tuy nhiên, một sự cố đã xảy ra khiến cho hàng loạt những điều kinh hoàng xảy đến với cư dân tầng 4 nhà C6. Tất cả như bị nghiền nát dưới những quân cờ Domino.
Hôm đó, thằng Tôm dẫn bạn của nó bên khu C5 sang chơi. Cả lũ trẻ con lao nhao chơi với nhau, chạy ầm ầm trên hành lang. Tôi vừa đi học về mệt, cũng không tham gia với chúng nó nữa mà ngồi bật quạt xem tivi.
Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng ầm ĩ chí chóe phát ra từ ngoài hành lang vọng vào.
"Aaaaa! Giả cho tao đây!"
"Không đấyy!!"
Tôi ngó đầu ra ngoài hành lang xem đúng lúc thằng nhóc bên khu C5 đẩy thằng Tôm ngã nhào xuống đất.
Chúng nó đang đánh lộn vì lí do nào đó, cứ ôm lấy nhau mà đấm đá trên nền đất. Thế nhưng tôi hoảng hồn nhận ra rằng, chúng nó đang lăn lộn trên gò bê tông trên hành lang mà chúng tôi cấm kị không được dậm vào...
Tôi tính chạy ra can chúng nó thì từ sau lưng tôi, một bóng hình nhanh chóng hơn đã chạy vượt lên trên. Người đó quát lên: "Chúng mày làm cái gì thể hả?" rồi nắm cổ áo hai đứa kéo dậy.
Tôi nhận ra thằng Thành, bằng tuổi tôi, trước cũng ở bên tòa nhà C5 đối diện. Nó là anh họ của con Miu. Từ hồi bố mẹ nó ly hôn, nó ở với mẹ, không còn ở khu tập thể này nữa. Thằng Thành chỉ về đây thăm bố và bà nội mỗi dịp cuối tuần, vì thế nên những lúc đó tôi mới gặp được nó.
Thực ra tôi có thích thẳng Thành. Từ hồi bé, khi chơi cùng nhóm với nó, tôi đã thấy nó rất ngầu. Thằng Thành được bố cho đi học võ, người nó lúc nào cũng rắn chắc nhanh nhẹn, tính tình lại lanh lợi và hài hước. Giờ nó đã lên đai cam gì đó rồi. Mỗi khi tôi ngồi xem phim hoạt hình cùng nó, nó đều tự nhận mình là nhân vật chính: siêu nhân hay siêu năng lực, cùng lũ trẻ con đi diệt trừ cái ác (thực ra là đi bày trận giả với lũ trẻ con dãy nhà đối diện). Tôi thích lắm, thường âm thầm tự nhận mình làm nữ chính để được sánh đôi với nam chính. Thằng Thành cũng không phản đối gì, dù sao hồi bé tôi cũng rất nghịch, cho tôi đi "đánh nhau" cùng cũng được, nhưng tôi nghĩ nó không biết là tôi thích nó.
Hay dẫn lũ trẻ con đi đánh trận giả là thế nhưng thằng Thành cực ghét gây gổ xích mích thật. Đứa nào đánh nhau là nó nhảy vào can ngay. Chắc hôm nay thằng Thành lại sang nhà bà nội chơi, vô tình nhìn thấy mới nhảy vào can. Lũ trẻ con bên C5 C6 nó còn lạ gì nữa.
Thằng Thành như người anh cả, tách hai đứa trẻ con đang đánh nhau ra rồi mắng chúng nó. Hóa ra chúng nó tranh giành con robot đồ chơi mượn được của thằng Tí. Thằng Thành tịch thu, không cho đứa nào chơi hết.
"Đem giả lại cho nó. Không biết nhường nhịn nhau thì nghỉ chơi. Giải tán, đi về nhà hết đi!".
Cuộc tranh chấp được giải quyết gọn lẹ như thế. Lũ trẻ con sợ anh Thành một phép vì Thành biết võ. Người lớn chẳng phải nhúng tay vào nữa. Ai nấy đều đang bận cơm nước tắm rửa sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Duy chỉ có một điều cấm kị đã bị phạm phải mà không nhiều người biết. Gò bê tông của dãy nhà tôi đã có người dẫm vào, đè lên, thậm chí là lăn lộn ở trên ấy nữa. Bọn trẻ con không ý thức được việc chúng vừa làm, kể cả tôi. Sau vụ cãi lộn đó, mọi thứ cũng trôi tuột khỏi trí nhớ của tôi.
Cho đến khi người lớn phải chịu hậu quả.
Mọi sự bắt đầu với đôi thỏ của bà Oanh.
Bà Oanh mới mua hay được cho ở đâu một đôi thỏ rất xinh. Lông chúng nó trắng muốt, đôi mắt màu đỏ tinh ranh nháo nhác liên hồi. Năm ấy trên Hà Nội này có mốt nuôi thỏ, chỉ cần cho chúng ăn rau củ là được, rồi nhốt vào trong lồng, cũng dễ nuôi.
Mẹ tôi cũng chiều tôi và thằng em nên mua cho chúng tôi một con thỏ mắt đen, thế nhưng vì bẩn quá bố tôi không chịu được đành phải mang về quê. Mất con thỏ yêu quý nên tôi buồn lắm, trách bố mãi. Vì thế nên biết nhà bà Oanh có thỏ, tôi suốt ngày sang lân la vuốt ve bọn chúng.
Tuy nhiên, ở nhà bà Oanh chưa được một tuần thì chúng nó chết.
Đôi thỏ không chết theo cách thông thường mà chết một cách thảm khốc. Một buổi sáng thức dậy, bà Oanh định bụng cho lũ thỏ ăn thì phát hiện chúng đã chết. Đầu của hai con thỏ bị cắt rời ra khỏi thân, máu me be bét.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro