Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

TẬP LUYỆN THANH

Bạn có một giọng hát hay nhưng bạn đã biết cách thể hiện nó cho những người xung quanh mình biết chưa? Bài viết này của tôi sẽ giúp bạn làm điều đó tốt hơn.

Mở thanh quản (hay là mở họng): Để có thể hát cao hơn, bền hơn mà ko bị đau họng sau mỗi lần hát karaoke ta từng khổ sở với mấy bài sến. Sau khi lấy hơi để “lên” 1 đoạn nào đó bạn phải uốn lưỡi sao cho nó có hình chữ U khi nhìn vào. Thật ra tôi thấy cách tốt nhất để kiểm tra xem mình đã hát đúng hay chưa là nên tập trước Gương, soi vào đó mà thấy rõ cái hột gà và cái lưỡi nó lõm xuống thì tức là bạn mở họng đúng cách.

Khẩu hình: Tức là liên quan đến cách phát âm. Khi hát lời 1 bài, bạn phải mở rộng miệng, phát âm cố gắng sao cho rõ ràng từng chữ. Nếu bạn để ý, bạn sẽ nhận thấy các singer chuyên nghiệp như Lan Anh, Trọng Tấn… đều có khẩu hình rất chuẩn. Khi hát, bạn nên để ý 1 số điểm sau: Hàm dưới phải mềm, tránh căng cứng.

Thế Bảo Music xin được mách bạn một số cách luyện giọng hát đơn giản sau:

1. Thổi nến – (tập thở):

Thắp 1 ngọn nến để cách xa khoảng 50 cm hoặc hơn (ngồi trong phòng kín gió). Lấy hơi sâu và thổi thật đều hơi sao cho ngọn nến nó rung đều hoặc nghiêng đi 1 góc cố định nào đó cho đến khi dứt hơi. Mục đích là để ta có thể lấy được hơi dài và điều chỉnh hơi đều. Vì thường thì khi sắp hết hơi thì độ mạnh của hơi thổi ra hay bị giảm nên phải cố gắng điều chỉnh làm sao để từ khi bắt đầu thổi đến khi ngắt là phải có 1 độ mạnh như nhau (ta có thể thấy được điều đó qua ngọn nến), khi dứt hơi là khi ko còn khả năng thổi mạnh như ban đầu nữa ấy (đoạn này là khó nhất, nhưng cũng là đoạn cần thiết nhất).

2. Ngụp nước: để luyện âm (“a” và ” i” thôi) để phát âm được hay và chuẩn

Luyện âm “a” là dễ nhất trong tất cả các âm . Và âm “i” đúng là cái loại khó nhất, tôi xin bổ xung thêm là âm i phải đẩy lên mũi thì ta sẽ hát được tốt và được tiếng đẹp hơn. Chính vì thế bài tập ngụp nước sẽ giúp chúng ta rất nhiều.

Lấy 1 chậu nước sạch, đặt lên ghế cao càng tốt để người ta khỏi bị gập quá khi ngụp. Hít 1 hơi thật sâu, ngụp mặt vào chậu nước (tai phải ở trên mặt nước) và bắt đầu nói hoặc hát từng câu mà có âm a và âm i. Âm a đơn giản bạn chỉ cần phát 1 hơi chữ “a” cũng được (Nhưng nên đi vào câu hát thì sẽ tốt hơn) sao cho bạn nghe được tiếng “a” đấy gần được như nghe “trên bờ” là đạt. Các bạn cứ thử dần dần rồi sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị. Còn âm “i” cũng cách làm như vậy với câu hát nào có âm i ở cuối câu hay đơn giản tua đi tua lại từ “i” cũng được. Bạn sẽ biết là âm “i” có đẩy lên mũi không qua việc bóng khí sẽ thoát ra từ mũi bạn. Phải cố gắng và phải luyện đấy vì có thể bạn sẽ bị sặc nước vào mũi vì cách luyện tập này đấy. Chăm chỉ chiêu này thì khi hát, âm “i” của bạn cực đẹp. bạn cũng có thể dùng cách này để luyện cao độ (tăng dần tông lên), nói chung là cách này lợi hại lắm đó.

3. Luyện cao độ với đàn: gọi là luyện Mi – Ma

VD: Với đàn guitar, 3 nốt thấp nhất là Mì Fa Sol thì bạn tập như sau: đánh Són – Fa – Mì ; Són – Fa – Mì tương ứng với việc đánh như thế là phát âm Mí i ì ; Má a à. Sau đó lại tăng lên nửa cung và lặp lại mi ma như trên. Phải cố gắng đến mức cao nhất có thể. Tập với piano là tốt nhất.

Chú ý: Nên giữ họng cho tốt bằng cách vệ sinh răng miệng, dùng nước muối thì càng tốt. Tập sướng âm vào buổi sáng sớm là tốt nhất. Hút thuốc nhiều thì phá giọng ghê lắm.

Xem thêm các bài viết về kỹ thuật luyện thanh:

Xin chia sẻ với quý bạn một phương pháp tập luyện hỗ trợ cho việc học luyện thanh có hiệu quả

Chuẩn bị nước muối bão hòa

Dùng một bình nhỏ, khoảng 2-3 lít. Đổ muối vào trong bình khoảng 1/5, đun nước sôi đổ vào bình, quậy cho tan hết muối. Tiếp tục đổ thêm muối và quậy tan, đến khi thấy muối đóng một lớp dày dưới đáy bình mới thôi.

Cách tập

- Một tuần lễ tập 3 lần. Nên tập vào buổi sáng sớm, lúc mới ngủ dậy, nhưng nếu không tiện, có thể tập bất cứ lúc nào trong ngày. Sau 3 tháng, nếu thấy có kết quả tốt, có thể giảm xuống còn 1 hay 2 lần. Riêng với những người làm nghề ca hát, nên tập thường xuyên 2 lần/tuần để vệ sinh cổ họng và giữ gìn thanh quản.

- Mỗi lần tập, rót ra chừng nửa ly xây chừng. Hít một hơi dài, ngồi dựa lưng vào thành ghế, cổ ngửa ra sau đến mức tối đa. Thả lỏng cổ họng từ từ cho nước lọt vào trong cổ. Khi nước muối chạm thành sau họng thì dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu “khò khò” đều đặn (có thể hình dung lúc súc họng là khi ta đang phát âm o, a hoặc ê) . Khi hết hơi, ngồi thẳng dậy, hít một hơi dài, lập lại động tác trên. Sau 3 lần, nhổ nước cũ đi, hớp một hớp nước muối mới, lập lại động tác trên cho đến khi hết nước muối. Súc miệng bằng nước lạnh cho hết mặn.

- Tập như trên, muối sẽ từ từ ngấm vào thanh quản, rút bớt nước ra, làm cho thanh quản sắt lại (giống như thuộc da vậy). Chỉ sau khoảng 3 tháng là trông thấy kết quả ngay: hát những nốt cao dễ dàng và nhẹ nhàng hơn nhiều, khi ngân dài ở những nốt cao nhất không bị ho, tập nhiều và ở cường độ cao không hề bị khàn hay bể giọng.

Chú ý

- Khi thả cho nước muối lọt vào trong cổ họng, cố gắng đừng để lọt quá sâu đưa đến mức nuốt luôn. Nên thực tập với nước thường (không có muối) trước cho quen, khi quen rồi mới dùng nước muối bão hòa (Nếu lỡ nuốt phải nước muối, nên nuốt thêm vài miếng ớt xắt mỏng và ăn thêm vài lát xoài tượng, rất ngon. Đùa đấy, đừng làm thật nhé!)

- Những người bị áp huyết cao hay có bệnh về thận cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập vì lượng muối đưa vào cơ thể có thể tăng cao.

- Đây chỉ là phương pháp tập thanh quản cho bền bỉ và mạnh mẽ, không thay thế được các bài tập luyện thanh. Không phải áp dụng kỹ thuật này là “tự nhiên” hát hay lên được!

- Sau khi súc họng xong, nếu có thể được thì nên luyện thanh ngay, còn nếu sợ hàng xóm kêu phòng cháy chữa cháy hay liệng đá vào nhà mình thì để đến lúc nào tiện cũng được. Khi luyện thanh, cố gắng lên những nốt cao nhất của tầm cữ giọng mình và kéo dài tối đa.

HƠI THỞ TRONG THANH NHẠC

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA HƠI THỞ TRONG THANH NHẠC

1. Sóng Âm phát xuất từ khe thanh quản do thanh đới mở đóng tác động trên làn hơi từ phổi đẩy lên. Chẳng hạn như khi ta muốn nói hoặc muốn hát, muốn hát cao hoặc thấp, to hoặc nhỏ, kéo dài hoặc ngắn gọn … thanh đới phải căng ra ở một mức độ cần thiết tương ứng với áp lực của làn hơi từ phổi đẩy lên, để tạo ra một âm thanh có cao độ, âm sắc, cường độ và trường độ theo ý muốn[1]. Áp lực của làn hơi và mức căng của thanh đới phải luôn luôn tương xứng với nhau thì mới có được âm thanh chính xác và chất lượng (ví như người nhạc công vĩ cầm, tay trái vừa bấm đúng vị trí trên giây đàn, vừa rung tay tạo vẻ đẹp cho tiếng đàn, trong lúc đó phối hợp với tay phải kéo vĩ làm rung giây đàn tạo ra sóng  âm…). Những người hát kém, một phần là do không biết điều khiển hoạt động của hơi thở và thanh đới.

2. Đàng khác, hơi thở còn góp phần làm rõ ý nghĩa của câu hát : những chỗ ngắt hơi đúng lúc, cũng như những chỗ ngân dài vươn tiếng đúng chỗ, giúp làm cho lời ca thêm rõ nghĩa, tức là giúp cho bài hát thêm ý nghĩa, thêm tâm tình, thêm sức sống. Ngoài ra hơi thở còn giúp thể hiện những cảm xúc tinh tế trong diễn tấu, chẳng hạn như để biểu hiện một sự xúc động đột ngột, sự ngạc nhiên, thán phục, sự dồn dập của cao trào âm nhạc … (Vì thế, không nên lấy hơi tuỳ tiện).

II. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA HƠI THỞ THANH NHẠC Ở CHÂU ÂU

1. Châu Âu là nơi nghệ thuật ca hát được phát triển rõ ràng hơn các nơi khác, trong đó nước Ý là nước có truyền thống ca hát lâu đời, là quê hương của những ca sĩ nổi tiếng như Enricô Carusô (1873-1921), Đalmontê … Ngay từ thế kỷ 17, trường phái ca hát cổ điển Ý, còn gọi là trường phái Bel Canto ( hát thính phòng, nghĩa gốc là:tiếng hát đẹp) đã đạt được những thành công lớn trong nghệ thuật ca hát. Nhiều giáo sư thanh nhạc như R.Todi (1647-1927). D.Mancini (1716-1800) đã viết sách về các kỹ thuật thanh nhạc cho các giọng nữ cao màu sắc, trong đó họ đã đề cập nhiều đến vấn đề hơi thở. Theo họ khi hít hơi, thì phải rất nhẹ nhàng, không phình bụng nhưng hơi hóp bụng, lồng ngực trên hơi nâng lên rồi hạ dần xuống khi đẩy hơi ra ngoài (đây là kỹ thuật lấy hơi bằng ngực trên). Không lấy hơi quá căng, không để hết hẳn hơi rồi mới lấy hơi khác …

2. Trường phái mới của nghệ thuật ca hát Ý, xuất hiện khoảng hậu bán thế kỷ 19, quan niệm rằng : Khi hát các bộ phận hô hấp và các cơ bắp hô hấp phải hoạt động tích cực, tạo nên một cột hơi đầy và sâu. Người thầy đại diện cho trường phái này là ông F.Lamperti (1813-1892). Ông nói : “Nghệ thuật ca hát là nghệ thuật hơi thở”. Kiểu thở của trường phái này là kiểu thở bằng hoành cách mô phối hợp với lồng ngực.

3. Sở dĩ kỹ thuật hơi thở thanh nhạc có sự tiến triển như vậy là do nhu cầu cần có những âm thanh càng ngày càng vang mạnh hơn, hầu đáp ứng với sự thay đổi trong tính chất âm nhạc cũng như trong phong cách và môi trường diễn tấu (tính chất âm nhạc càng ngày càng đồ sộ hơn, dàn nhạc đệm đông hơn, nơi trình tấu rộng hơn, thể loại âm nhạc phong phú hơn, các vai trong ca kịch cần diễn tả nhiều hơn … tất cả đòi hỏi người ca sĩ phải có giọng vang khoẻ hơn).

III. PHƯƠNG PHÁP HÍT THỞ TRONG CA HÁT

1.            Trong sinh hoạt bình thường, con người thở một cách tự nhiên với sự tham gia của lồng ngực và hoành cách mô. Trong ca hát, chúng ta cũng thở nhưng với sự tham gia chủ động và tích cực hơn của các cơ năng đó. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kỹ thuật hơi thở, người ta đúc kết lại một số kiểu thở, tuỳ theo người ta nhấn mạnh đến sự tham gia của ngực hay của hoành cách mô hoặc cả ngực cả hoành cách mô.

a. Kiểu thở ngực : Chỉ có phần ngực trên hoạt động tích cực, nên hơi vào ít, có thể dùng để hát những bài hát nhẹ nhàng, không có cao trào, câu nhạc ngắn. (hình 6B)

b. Kiểu thở bụng : Chỉ có bụng phình ra do hoành cách mô hạ xuống, các cơ bụng dưới hoạt động tích cực hỗå trợ cho hoành cách mô (hình 6A).

c. Kiểu thở bụng kết hợp với ngực : Hoành cách mô hạ xuống (làm bụng hơi phình ra), các xương sườn cụt giương lên, ngực dưới căng ra, trong lúc ngực trên trương lên. Các hoạt động này kế tiếp nhau rất nhanh theo thứ tự : Hoành cách mô (bụng trên) + xương sườn cụt + ngực dưới + ngực trên. Nói cho gọn lại, gồm hai động tác : phình bụng (do hoành cách mô hạ xuống và sườn giương lên) và trương lồng ngực (ngực dưới căng ra, giữ nguyên độ căng và chuyển lên ngực trên). Lấy hơi theo thứ tự đó thì làn hơi vào sâu đáy phổi, vừa lan toả ra đều khắp hai bên trái và phải, lượng hơi vào được tối đa (hình 3 ; 6D).

Đây là kiểu thở phổ biến nhất mà các ca sĩ nhạc kịch thường dùng.

Trong ba kiểu thở trên, chúng ta thấy kiểu ba có nhiều lợi điểm hơn. Nhưng hai kiểu kia vẫn có người sử dụng và tạo được hiệu quả như họ mong muốn.

2. Trong hơi thở bình thường, cũng như hơi thở thanh nhạc, ta thấy có hai động tác ngược chiều nhau, đó là hít vào và thở ra. Trong ca hát, phải tập để hít hơi vào (còn gọi là lấy hơi) làm sao cho đủ lượng hơi cần thiết cho từng câu hát dài ngắn, mạnh nhẹ, cao thấp khác nhau. Đồng thời cũng phải tập thở ra (còn gọi là đẩy hơi) sao cho làn hơi được phù hợp với mọi tình huống của câu hát. Nói cách khác là tập điều chế hơi thở cho tốt, tuỳ theo sắc thái cường độ, cao độ, trường độ của âm thanh. Sau đây là một số yêu cầu chung cho hai hoạt động nói trên :

a. Lấy hơi (hít hơi) :

- Cần phải nhẹ nhàng và hít vào mau lẹ bằng mũi và bằng miệng (như vậy làn hơi mới vào sâu trong phổi được).

- Nén hơi vài giây trước khi hát và cố gắng giữ lồng ngực căng trong suốt câu hát.

b. Đẩy hơi (điều chế làn hơi) :

- Đưa hơi thở ra chính xác cùng lúc với hoạt động của thanh đới, không sớm, không muộn. Nếu sớm quá (sur la glotte) âm thanh nghe cứng cỏi vì thanh đới căng ra trước khi làn hơi tới. Nếu muộn quá (sur le souffle), âm thanh nghe không rõ, mà lại tốn hơi, vì làn hơi ra trước khi thanh đới rung.

- Đưa hơi ra đều đặn, không đứt quãng, không quá căng. Khi phải hát những bước nhảy (từ quãng 4 trở lên), nên có tác động ép bụng cách mềm mại để âm thanh phát ra đúng cao độ và âm vang đầy đặn. Tạo cảm giác như điểm tựa của làn hơi ở vùng xương chậu : làn hơi như được đẩy lên nhờ tựa vào vùng xương chậu. Các cơ bụng dưới hơi căng, tạo thành chỗ dựa vững chắc cho làn hơi phóng lên.

3. Một số điểm cần tránh khi lấy hơi cũng như khi đẩy hơi :

a. Khi lấy hơi :

- Không nên lấy hơi hoàn toàn qua miệng, trừ những trường hợp cao trào, phải cướp hơi, hoặc những trường hợp hát khi các vần mở mà phải hát nhanh, nhịp nhàng.

- Không nên hít hơi quá nhiều, làm căng thẳng các cơ bụng, sườn, ngực … tác hại đến việc phát thanh. Cần tập lấy hơi theo mức dài ngắn, mạnh nhẹ của câu nhạc.

- Không nên để hết hơi hoàn toàn mới lấy hơi khác, như vậy âm thanh cuối câu dễ bị đuối đi, có thể làm đỏ mặt, đỏ cổ …

- Không nên nhô vai lên khi hít hơi vì sẽ ảnh hưởng đến các cơ hô hấp, lấy hơi không sâu được.

- Không nên phình bụng ra trước khi lấy hơi : Chính không khí đi vào sâu trong phổi đồng thời với việc hạ hoành cách mô làm phình bụng ra. Nếu phình bụng trước sẽ làm cho cơ thể bị căng cứng, ảnh hưởng xấu đến việc phát âm.

b. Khi đẩy hơi :

- Không nên đẩy hơi quá mạnh khi hát các dấu cao, đành rằng có tốn nhiều hơi hơn hát dấu trầm (vì thanh đới không khép kín hoàn toàn khi hát dấu cao), nhưng nếu quá mạnh, sẽ làm thanh đới quá căng, ảnh hưởng tới âm sắc.

- Không nên phí phạm hơi thở, phải biết điều chế hơi thở sao cho phù hợp với tính cách của từng câu, để âm thanh vẫn âm vang đầy đặn từ đầu đến cuối câu. Điều chế hơi thở nhờ hoành cách mô nâng lên dần dần và mềm mại với sự hỗ trợ của các cơ bụng, còn lồng ngực vẫn căng tạo thành một cột hơi phía trên luôn luôn liên tục, đầy đặn.

4. Luyện tập hơi thở :

Việc luyện tập hơi thở thường phải đi đôi với việc luyện thanh, nghĩa là tập hơi thở với âm thanh, có như vậy ta mới dễ kiểm tra được hoạt động của hơi thở qua chất lượng của âm thanh phát ra. “Hơi thở đúng, âm thanh đẹp” ( xem chú thích 2), đó là câu châm ngôn của người ca hát. Hơi thở đúng sẽ giúp đặt vị trí âm thanh đúng, làm cho tiếng vang đẹp. Ngược lại vị trí âm thanh đúng giúp cho việc đẩy hơi được dễ dàng, tiết kiệm được hơi thở. Vị trí âm thanh và hơi thở là hai yếu tố hỗ trợ nhau để phát ra âm thanh có chất lượng, nên không thể tách rời từng hoạt động riêng rẽ. Tuy nhiên trong bước đầu, chúng ta có thể tập hơi thở riêng để làm quen với kiểu thở tích cực trong thanh nhạc, hoặc để tăng cường lực hít hơi và đẩy hơi của chúng ta.

a. Tập xì : (xem bài 1, phần thực tập số 2)

b. Tập thổi bụi : (xem bài 2, phần thực tập số 1)

c. Tập hơi thở với âm thanh qua các mẫu luyện thanh.

{ PHẦN THỰC TẬP

1. Tập các cơ bụng để hỗ trợ cho hoành cách mô :

- Đứng thẳng người : thẳng lưng, thẳng đầu, áp mặt hai bàn tay vào sau lưng để ngón cái nằm bên hông ngang thắt lưng.

- Đặt bàn chân phải sát đất hướng ra phía trước, chân thẳng, người thẳng.

- Rút chân phải về, bàn chân vẫn chạm đất, và đưa chân trái ra y như chân phải : 50 – 100 lần.

- Thân người không nghiêng qua nghiêng lại, không nhô lên nhô xuống (Bài tập này dùng để khởi động khi học thanh nhạc, hoặc để tập thể dục trong ngày).

2. Tập lồng ngực :

- Hai bàn tay nắm lại, thẳng ra phía trước, song song mặt đất : thở ra từ từ.

- Hất mạnh hai tay ra phía sau, luôn thẳng cánh tay : hính nhanh vào.

- Dừng lại một vài giây : nén hơi.

- Đưa hai tay ra phía trước như lúc đầu : thở ra từ từ …

3. Tìm cảm giác điểm tựa của làn hơi :

- Lấy hơi vào như thường lệ.

- Làm như “thổi bụi” nhưng ngậm miệng (bịt mũi nếu cần) để cho hơi không thoát ra ngoài, nhưng hơi dội lại xuống hoành cách mô và tác động lên bụng, lên vùng xương chậu, làm căng các cơ ở xung quanh vùng đó. Đó được coi như điểm tựa của làn hơi trong khi chúng ta hát, nhất là khí phải hát cao, hát mạnh.

4. Tập mẫu luyện thanh 4 và 5 :

Mẫu 4 :

* Yêu cầu của mẫu 4a : 1, 2, 3 như mẫu 3a.

* Yêu cầu 4 : liền tiếng + ép bụng ở phách thứ 4.

·         Yêu cầu 5 : càng lên cao, giữ căng lồng ngực, nâng hàm ếch mềm và buông lỏng hàm dưới.

Mẫu 5 :

* Yêu cầu của mẫu 5 : 1, 2, 3 như các mẫu trước.

* Yêu cầu 4 : rời tiếng bằng cách ép nhẹ bụng mỗi khi hát 1 dấu.

{ CÁC CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Tại sao hơi thở lại quan trọng và phải tập luyện ?

2. Trường phái mới của nghệ thuật ca hát nước Ý chủ trương như thế nào ? Tại sao có sự biến chuyển so với trước đó ?

3. Kiểu thở bụng kết hợp với lồng ngực hoạt động ra sao ? Ích lợi thế nào ?

4. Những điều cần làm khi lấy hơi và đẩy hơi ?

5. Những điều cần tránh khi lấy hơi và đẩy hơi ?

6. “Hơi thở đúng, âm thanh đẹp” nghĩa là gì ?

Theo Nhóm Quê hương biên soạn

BỘ MÁY PHÁT ÂM

Tiếng hát cũng như tiếng nói, được tạo ra do hoạt động phối hợp rất chặt chẽ và đồng bộ của nhiều bộ phận khác nhau làm thành bộ máy phát âm.

Các bộ phận chính yếu của bộ máy phát âm gồm :

1. Bộ phận cung cấp làn hơi

2. Bộ phận phát thanh

3. Bộ phận truyền tăng âm

4. Bộ phận phát âm (nhả chữ)

5. Bộ phận dội âm (cộng minh)

I. BỘ PHẬN CUNG CẤP LÀN HƠI :

Bao gồm hai lá phổi, được sự tác động của các cơ ngực, sườn, cơ hoành cách mô, cơ bụng (hình 1).

1. Phổi gồm những tế bào xốp, có độ co giãn lớn, tạo thành bỡi những túi nhỏ, các túi này giãn ra để chứa đầy không khí, và co lại để đẩy không khí ra ngoài bằng các phế quản. Các phế quản này đều thông vào khí quản, trông giống như những rễ cây bám vào gốc cây .

Sự co giãn chủ động của phổi là do sự hỗ trợ tích cực của lồng ngực và hoành cách mô cùng các cơ bụng : Hoành cách mô hạ xuống, lồng ngực trương ra, làm cho phổi giãn ra tăng thêm thể tích, tạo khoảng trống cho không khí ở bên ngoài vào. Hoành cách mô nâng lên, bụng hơi hóp vào, lồng ngực buông lỏng xuống, làm cho phổi thu nhỏ lại, đẩy không khí ra ngoài (hình 2).

2. Chúng ta có thể ví hai lá phổi như một cái bễ, cung cấp dưỡng khí cho cơ thể và thải thán khí ra ngoài. Mỗi lần thở bình thường, ta hít vào nửa lít không khí. Mỗi phút, ta thở khoảng 15 lần và 15 lít máu được đổi mới.

Khi làn hơi từ phổi được đẩy ra ngoài, nếu tác động đúng cách lên thanh đới (dây tiếng), thì sẽ phát ra âm thanh. Chất lượng của âm thanh phát ra, một phần lớn phụ thuộc vào làn hơi từ phổi đưa lên tác động vào thanh đới. Cần phải tập luyện hơi thở sao cho đầy đặn, và điều chế làn hơi sao cho nhuần nhuyễn phù hợp với nhu cầu trong ca hát.

II. BÔ PHẬN PHÁT THANH

(Chỉ mới phát ra âm thanh chứ chưa phát ra tiếng, ra lời) gồm 2 thanh đới nằm trong thanh quản (hình 3a).

1. Thanh quản là một ống nối tiếp với khí quản. Phần giữa thanh quản thắt lại như cổ chai. Chỗ thắt lại này là do các dây cơ và sụn chắn ngang hai bên tạo nên thanh đới. Thanh đới là bộ phận chủ yếu tạo ra âm thánh : Do áp lực của làn hơi từ phổi đưa lên, thanh đới, với những độ căng khác nhau và hình dạng khác nhau, mở ra và đóng lại nhanh chậm khác nhau, cắt làn hơi thành những sóng âm có tần số khác nhau, tạo thành những âm thanh có cao độ khác nhau[1]: Thanh đới mỏng/ngắn mở đóng nhanh hơn thanh đới dày/dài(thanh đới ở phụ nữ và trẻ em ngắn và mỏng hơn ở đàn ông, nên giọng nữ và trẻ em cao hơn giọng đàn ông một bát độ). Thanh đới mỏng hơn khi được căng ra, hoặc thanh đới không mở đóng toàn phần, mà chỉ mở đóng trên một phần nào đó của mình, làm cho phần thanh đới tham gia cắt làn hơi ngắn đi, và như vậy tạo được những âm thanh cao. Độ căng,hình dạng, kích thước của thanh đới không chỉ ảnh hưởng đến cao độ, mà cả âm sắc nữa. Còn cường độ âm thanh là do sức mạnh của làn hơi đưa lên

Như vậy âm thanh phát ra phù hợp hay không là do sự phối họp nhuần nhuyễn giữa làn hơi và các cơ điều khiển thanh đới. Do đó, cần bảo vệ thanh đới cho lành mạnh.

2. Biện pháp bảo vệ thanh đới tốt nhất là hát cho đúng cách, nghĩa là hát làm sao để cho mọi hoạt động khác hỗ trợ cho thanh đới đều phải phù hợp, không bao giờ hát quá sức, tức là hát quá lớn và quá cao. Hát quá lớn như gào thét, có thể dẫn đến chỗ “mất tiếng” do thanh đới bị tổn thương không có khả năng làm việc linh hoạt theo yêu cầu của nghệ thuật ca hát. Hát quá cao không phù hợp với loại giọng của mình, làm cho thanh đới căng ra quá mức, nếu kéo dài và phối hợp với hát lớn, cũng gây tổn thương đến thanh đới.

III. BỘ PHẬN TRUYỀN TĂNG ÂM

Gồm chủ yếu là cuống họng (yết hầu) thông với đường miệng hoặc đường mũi.

1. Các chấn động âm thanh do thanh đới tạo ra, được bộ phận truyền âm gom lại và dẫn ra ngoài theo hai hướng miệng hoặc mũi. Cuống họng và miệng không những truyền âm, mà còn góp phần khá quan trọng vào việc tăng âm (đóng vai trò như một hộp cộng hưởng).

2. Cuống họng được bao bọc bởi một hệ thống niêm mạc, dễ bị kích thích, do đó cần phải giữ gìn để cuống họng không bị viêm nhiễm, ảnh hưởng xấu đến giọng hát (tránh dùng rượu, cà phề, thuốc lá và thức ăn thức uống quá nóng, quá lạnh, quá cay …)

IV. BỘ PHẬN PHÁT ÂM (nhả chữ)

Là miệng với các hoạt động của môi, răng, lưỡi, hàm dưới, vòm mềm (hàm ếch mềm, cúa mềm, ngạc mềm,). Chúng ta nhận ra được lời ca, tiếng hát với ý nghĩa của nó, là nhờ vào hoạt động của các cơ năng trên. Khi nói đến khẩu hình là nói đến hình thể, hình dáng, cả bên ngoài lẫn bên trong của miệng do hoạt động phối hợp của môi, lưỡi, hàm dưới, vòm mềm tạo ra khi phát âm. Mở khẩu hình không đúng cách sẽ ảnh hưởng không chỉ đến chất lượng âm thanh, mà nhất là ảnh hưởng đến việc rõ lời, là một yêu cầu cơ bản trong thanh nhạc.

V. BỘ PHẬN DỘI ÂM

Gồm tất cả các khoảng trống trong thân thể, chủ yếu là các khoảng trống trên đầu, trên mặt, gọi là xoang cộng minh (cộng hưởng). Ngoài khoang họng và khoang miệng vừa tăng âm vừa dội âm, thì các xoang mũi, xoang vòm mặt, xoang trán v.v… chủ yếu có tính cách dội âm, tức là làm cho âm thanh được cộng hưởng, âm vang đầy đặn, giàu âm sắc nhờ các bội âm (hoạ âm) mà chúng tạo ra. Vì thế, khi hát cần phải phóng âm thanh lên phía trước (tiếng Pháp gọi là chanter en avant) để tạo được vị trí dội âm trước mặt. Vị trí trước mặt mà làn hơi phải hướng tới không giống nhau đối với mọi người. Mỗi người sẽ tìm từng vị trí cho từng cao độ, nhưng nói chung chúng nằm khoảng giữa hàm trên và trán (ngay cả khi nói, nếu ta biết nói âm thanh ra phía trước, thì họng ta sẽ đỡ mệt và tiếng nói ta vẫn rõ ràng mà không tốn sức) (hình 4).

{ PHẦN THỰC TẬP

1. Tập thổi bụi :

Cách chuẩn bị giống như tập xì : Sau khi nén hơi, thì môi chúm lại và cho hơi ra giống như ta thổi bụi trên bàn.

Chú ý : thổi hơi ra thật nhẹ nhàng và đều đặn, dùng bàn tay, đặt cách miệng một gang, để kiểm tra xem làn hơi ra có đều không. Làn hơi ra cho cảm giác mát ở tay. Lấy hơi một lần có thể “thổi bụi” trên 45 giây, nếu được càng lâu càng tốt.

Khi đã quen với thổi bụi đều đặn, nhẹ nhàng thì sẽ tập “thổi giấy”, cầm tờ giấy cách xa miệng 20 – 30 cm và thổi vào một góc giấy, gắng điều chế làn hơi sao cho tờ giấy luôn luôn giữ một vị trí cố định nào đó. Lúc đầu thổi nhẹ, càng ngày càng tập để thổi cho tờ giấy nâng cao góc hơn.

2. Tập mẫu luyện thanh 2 và 3 :

Mẫu 2

* Các yêu cầu 1, 2, 3 : giống như ở mẫu 1 (trang 4)

* Yêu cầu 4 : Hát chữ Ngô, chữ Nga liền giọng hơn và vươn tiếng bằng cách hơi ép bụng ở đầu chữ Ngô, Nga.

Mẫu 3

* Các yêu cầu 1, 2, 3 : giống như mẫu 1

* Yêu cầu 4 : Hát liền tiếng cả câu + nhấn tiếng ở phách thứ 3 và 6 bằng cách ép bụng đột ngột

{ CÁC CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Bộ phát âm gồm những bộ phận chính nào ? Bộ phận cung cấp làn hơi hoạt động ra sao ?

2. Bộ phận phát thanh và bộ phận phát âm hoạt động như thế nào ?

3. Tăng âm và dội âm khác nhau ở điểm nào ?

4. Vai trò quan trọng của miệng trong bộ máy phát âm như thế nào ?

Tài liệu do nhóm Hải Linh biên soạn.

Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao những chính trị gia nổi tiếng, doanh nhân thành đạt, hay MC…lại có một giọng nói hay như vậy? Bạn đừng lầm tưởng giọng nói hay là do trời phú. Không phải vậy đâu nhé! Chất giọng (trầm, ấm, vang, thánh thót…) là do trời phú nhưng bạn hoàn toàn có thể nói hay bằng cách tự mình luyện tập.

Có nhiều người đã nói: “Khi đánh giá một con người, nhiều khi không cần nghe họ nói điều gì, chỉ cần nghe giọng nói của họ thế nào”. Nói như vậy đủ hiểu về vai trò của giọng nói quan trọng thế nào. Dù bạn không có một chất giọng trời sinh nhưng bạn vẫn có thể tự luyện tập để có một giọng nói hay và gặt hái được thật nhiều thành công trong công việc và cuộc sống.

Một giọng nói được coi là hay cần đạt được các tiêu chuẩn: Rõ ràng – Điều khiển được âm lượng và tốc độ nói – Có ngữ điệu êm ái – Sức truyền cảm.


1. Phát âm rõ ràng:
Để phát âm rõ ràng, ta phải tập đọc mỗi ngày vài mười trang sách, đọc thật kỹ từng chữ đến khi nào ta nhập tâm đến nỗi trong khi nói chuyện bình thuờng ta cũng phát âm kỹ lưỡng từng chữ, là thành công. Nếu khi nói chuyện với mọi người mà còn phát âm vội vã, chưa tròn chữ thì phải luyện tập tiếp.

2. Điều khiển được âm lượng và tốc độ nói:
· Âm lượng khi nói: Nói quá khẽ như người hụt hơi hoặc quá mạnh như quát mắng đều không thích đáng, nên khống chế giọng nói với âm lượng vừa phải, đảm bảo nhả chữ rành rọt khúc chiết trong sáng. Khi luyện tập, nên đứng trước gương cho dễ theo dõi chỉnh sửa ngôn ngữ cơ thể. Nếu muốn hạ thấp giọng thì trước hết phải điều chỉnh tâm trạng cho thật thoải mái, hoặc liên tưởng đến một số làn điệu quen thuộc. Ngoài ra còn phải luyện tập cách nói chuyện tỉ tê thầm thì, trong một đoạn có câu nói to cao giọng, có câu hạ thấp giọng thầm thì như gió thoảng, như vậy sẽ có tác dụng cuốn hút người nghe.
· Tốc độ nói: Người nói nên tránh tiết tấu đều đều suốt từ đầu đến cuối. Phải có lúc nhanh hơn một chút, phải có lúc chậm hơn một chút, thậm chí có lúc ngưng hẳn để mọi người suy nghĩ. Tránh nói quá nhanh hoặc quá chậm. Nói nhanh quá làm cho người nghe phải tiếp nhận một lượng thông tin lớn trong một thời gian ngắn khiến cho não họ không xử lý, phân tích, đón nhận kịp, và khiến họ bị quá tải, nghe vài phút là mệt. Ngược lại, nói quá chậm cũng làm bộ não người nghe không cần phải làm việc nhiều, và cũng sinh buồn ngủ.Ta phải khéo điều chỉnh tốc độ sao cho vừa phải, đừng nhanh, nhưng cũng đừng rề rà quá.

3. Tạo ngữ điệu êm ái:
Ngữ điệu là sự trầm bỗng của các tiếng phối hợp với nhau, phù hợp đến mức nào đó với tình cảm và ý nghĩa cần biểu đạt. Ngữ điệu không đòi hỏi phải lả lướt như điệu nhạc, nhưng cũng rất cần sự êm ái. Một trong những cách để có một ngữ điệu êm ái là tập nói rồi ghi âm và nghe lại giọng nói của mình để tinh ý nhìn ra những độ cao chưa phù hợp. Ngoài ra thì việc thỉnh thoảng cất giọng hát một giai điệu yêu thích nào đó cũng là cách rất hiệu quả để luyện ngữ điệu.

4. Tạo sức truyền cảm:
Sự chân thành xuất phát từ bản thân người nói sẽ dần dần tạo nên âm sắc và tính truyền cảm. Theo Phật giáo, “Tính truyền cảm” trong giọng nói được tạo nên bằng lòng “Từ bi vị tha”. Người có trong tim lòng thương yêu muôn loài tự nhiên giọng nói sẽ truyền cảm. Đây là điều không thể làm khác đi được.Ai không có lòng từ mà chỉ muốn tập luyện để có âm sắc hay tự nhiên là điều không thể được.Khi có lòng từ ái vị tha, mặc dù chưa thể làm điều gì lợi ích cho mọi người, ta vẫn giữ gìn cẩn thận từng lời nói, cử chỉ để không làm người khác buồn. Khi tiếp xúc với ai, ta chỉ muốn người đó được vui vẻ hài lòng thoải mái. Hãy để ý so sánh, có những người sẵn sàng buông ra một câu làm đau lòng người khác, và một người ý tứ chỉ muốn nói những câu làm đẹp lòng người, rất chân thành. Tấm lòng chân thành muốn cho mọi người vui là nguyên nhân khiến cho ta có giọng nói truyền cảm. Chính vì vậy, người ta thường nói giọng nói biểu thị nội tâm.

5. Nguyên tắc vàng: Nói giọng bụng:
Liệu bạn có biết rằng hầu như tất cả những người thành đạt, giàu có, những chính trị gia đều có âm phát ra từ trong bụng? Nói giọng bụng tức là lấy hơi thở từ cơ bụng. Người nói giọng bụng thì tiếng trầm và sâu lắng. Nhưng làm thế nào để có thể tập luyện được phương pháp nói giọng bụng?

Bước 1: Tập lấy hơi từ bụng.
Trước tiên đặt 2 tay lên ngực và bụng để xem cách hít thở sâu bình thường như thế nào. Thông thường khi hít vào thì ngực căng ra nhưng bụng lại hơi co lại, khi thở ra thì ngực xẹp xuống và bụng lại hơi phình ra.

Sau đó chủ động dùng ý chí để điều khiển hơi thở, khi hít vào thì cùng lúc cố dồn khí xuống vùng bụng (cái này trong chưởng nó gọi là "vận khí vào đan điền" )

Lúc đó khi hít sâu, ngực hơi căng 1 chút, còn bụng căng nhiều hơn, khi thở ra thì bụng xẹp xuống và ngực cũng xẹp xuống 1 chút.

Bạn luyện lấy hơi bằng bụng trong khoảng 30 ngày sẽ quen.

Bước 2: Luyện mở vòm cộng minh (khoang miệng)
Khi phát âm, bạn cố gắng mở to vòm miệng để hơi từ bụng cộng hưởng bên trong khoang miệng, tạo nên tiếng vang. Sử dụng vòm cộng minh sẽ giúp cho bạn không phải cố gắng lên giọng bằng dây thanh quản, đỡ bị khản tiếng.

Khi luyện cách sử dụng vòm cộng minh, cố gắng phát âm to và tròn chữ, chậm và vang.
Sau đó thay đổi cao độ, phát âm từ các âm trầm tới âm bổng.

Thời gian đầu chưa dùng quen, bạn kiểu gì cũng dùng nhầm bằng cách phát âm dựa chủ yếu vào cổ họng và dây thanh quản, dẫn tới khản tiếng. Khản tiếng tức là cổ họng và dây thanh quản của bạn đang bị tổn thương nhẹ, lúc đó tránh cố quá sức, sẽ ảnh hưởng tới chất giọng sau này.

Tuy nhiên sau đó, khi phải phát âm to, cơ thể sẽ tự lựa, thêm vào đó là sự điều khiển cho chủ ý từ não, để sử dụng vòm cộng minh một cách hiệu quả.

Bạn tập lấy hơi từ bụng và sử dụng vòm cộng minh là đã cải thiện được giọng nói rất nhiều. Còn mấy bài tập nâng cao hơn nữa, thiết nghĩ nó cần cho những dân chuyên nghiệp, đưa vào đây khéo bạn tẩu hỏa nhập ma

Tóm lại, người có giọng nói hay sẽ tự tạo hấp dẫn cho bản thân mình, khiến cho người nghe chú ý, yêu mến và thích được nghe mãi.Trong giao tiếp hàng ngày cũng như trong công việc, giọng nói hay sẽ mang lại nhiều cơ hội và thành công cho người sở hữu nó. Và bạn hoàn toàn có thể sở hữu một giọng nói hay nếu dành thời gian cố gắng rèn luyện.


Chúc bạn thành công!
(KSV tổng hợp từ Internet)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro