ĐÀ
NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ (NGUYỄN TUÂN)
1.Hoàn cảnh sáng tác
+ Người lái đò sông Đà là một áng văn trong tập tùy bút Sông Đà (1960) – thành quả nghệ thuật đẹp đẽ của Nguyễn Tuân trong chuyến đi gian khổ và hào hùng tới miền Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Sông Đà gồm 15 thiên tùy bút và một bài thơ ở dạng phác thảo.
+ Mục đích chính của chuyến đi tới Tây Bắc của nhà văn đồng thời cũng là cảm hứng chủ đạo của cả tập bút ký là tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc và nhất là chất vàng mười – “thứ vàng đã được thử lửa” ở tâm hồn những con người lao động, chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ và thơ mộng.
2. Vẻ đẹp hung bạo và trữ tình của hình tượng con sông Đà
* Vẻ hung bạo, dữ dằn :
- Cảnh đá bờ sông “dựng vách thành”, có quãng lòng sông bị thắt hẹp lại như cái yết hầu.
- Những quãng dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm…
- Những “hút nước” chết người luôn sẵn sàng nhấn chìm và đập tan chiếc thuyền nào lọt vào.
- Tiếng nước thác sông Đà với nhiều cung bậc dữ dội khác nhau
- Quãng sông Đà với bao đá nổi, đá chìm, phối hợp cùng sóng thác như dàn thạch trận, lập nhiều phòng tuyến… sẵn sàng “ăn chết” con thuyền và người lái đò.
* Vẻ trữ tình, thơ mộng :
- Từ trên cao nhìn xuống, dòng chảy uốn lượn của con sông như mái tóc của người thiếu nữ diễm kiều.
- Nhìn ngắm con sông từ nhiều thời gian, không gian khác nhau, Nguyễn Tuân đó phát hiện những sắc màu tươi đẹp và đa dạng của màu nước sông Đà. Nó biến đổi theo mùa, mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng.
- “Nhìn sông Đà như một cố nhân”, nhà văn cảm nhận rõ nét cái chất “đằm đằm ấm ấm” thân quen của con sông và nhất là cái chất thơ như ngấm vào trong từng cảnh sắc thiên nhiên sông Đà.
- Từ điểm nhìn của một khách hải hồ trên dòng sông, nhà văn đó quan sát và khắc họa những vẻ đẹp hết sức đa dạng và nên thơ của cảnh vật ven sông.
3.Hình tượng người lái đò
- Là người tinh thạo trong nghề nghiệp
+ Ông lão nắm vững qui luật khắc nghiệt của dòng thác sông Đà “Nắm chắc quy luật của thần sông thần đá”.
+ Ông thuộc lòng những đặc điểm địa hình của Sông Đà “ nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào tất cả các luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở”, Sông Đà “như một thiên anh hùng ca mà ông đò thuộc đến cả những cái chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng”.
- Là người trí dũng tuyệt vời:Ông sẵn sàng đối mặt với thác dữ, chinh phục “cửa tử”, “cửa sinh”, vượt qua trận thuỷ chiến với đá chìm, đá nổi, với những trùng vi thạch trận và phòng tuyến đầy nguy hiểm. Ông lái đò vượt qua bằng những hành động táo bạo và chuẩn xác. Ông hiện lên như một vị chủ huy dày dạn kinh nghiệm:
+ Ở trùng vây thứ nhất:thần sông dàn ra năm cửa đá thì có đến bốn cửa tử, cửa sinh duy nhất nằm sát bờ trái và huy độg hết sức mạnh của sóng thác đánh vỗ mặt con thuyền. Luồng song hung tợn “liều mạng vào sát nách mà đá trái, mà thúc gối vào bụng và hông thuyền”. Thậm chí còn đánh đòn tỉa, đánh đòn âm… nhưng người lái đò bình tĩnh giữ chắc mái chèo giúp con thuyền “khỏi bị hất khỏi bờm song trận địa phóng thẳng vào mình”. Ngay cả lúc bị trúng đòn hiểm, mặt méo bệch đi nhưng ông vẫn tỉnh táo chỉ huy con thuyền lướt đúng vào luồng sinh.
+ Ở trùng vây thứ 2, dòng sông đã thay đổi sơ đồ phục kích và cả chiến thuật. Vòng vây thứ 2 này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào. Cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Nhưng ông đò đã “nắm chắc quy luật của thần sông thần đá” nên lập tức cũng thay đổi chiến thuật theo, nhận ra cạm bẫy của bọn thuỷ quân nơi cửa ải nước này. Ông không né tránh mà đưa con thuyền cưỡi lên sóng thác”“cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”. “Nắm chắc được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo vào cửa đá ấy”. Người lái đò tả xung, hữu đột như một chiến tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc có thừa lòng quả cảm đã đưa được con thuyền vượt qua tập đoàn cửa tử khiến cho những bộ mặt đá hung hăng dữ tợn phải xanh lè, thất vọng.
+ Ở trùng vây thứ 3, thạch trận ít cửa tử hơn những bên phải bên trái đều là luồng chết cả, cửa sinh lại nằm giữa lòng sông và bọn đá hậu vệ canh giữ. Nhưng ông đò không hề bất ngờ trước mưu mô hiểm độc của bọn chúng, tiếp tục chỉ huy con thuyền vượt qua trùng vây thứ 3.
- Là người tài hoa nghệ sĩ:
+ Ông đối đầu với ghềnh thác cuồng bạo bằng sự tự tin, ung dung nghệ sĩ. Tay lái linh hoạt, khéo léo, tài hoa như một nghệ sĩ trên sông nước : “ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”, “Vút, vút…thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước”. Dưới bàn tay chèo lái điêu luyện của ông con thuyền đã hoá thành con tuấn mã hiểu ý chủ- khi thì khéo léo né tránh luồng sóng dữ, khi thì phóng thẳng vào cửa đá có 3 tầng cổng “cánh mở, cánh khép”. Con thuyền như bay trong không gian, ông đò luôn nhìn thử thách bằng cái nhìn giản dị mà lãng mạn.
+ Sau cuộc vượt thác gian nan, ông đò lại có phong thái ung dung của một nghệ sĩ “Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nước ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh…”.
è Đây là hình ảnh về một người lao động mới mang vẻ đẹp khác thường. Người lái đò hiện lên như là vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, tài trí và luôn có phong thái ung dung pha chút nghệ sĩ. Ông chỉ huy cuộc vượt thác một cách tài tình, khôn ngoan và biết nhìn thử thách đó qua bằng cái nhìn giản dị mà không thiếu vẻ lãng mạn. Hình ảnh ông lái đò cho thấy Nguyễn Tuân đó tìm được nhân vật mới cho mình, những con người đáng trân trọng, đáng ngợi ca, không thuộc tầng lớp thượng lưu đài các một thời vang bóng mà ngay trong quần chúng lao động bình thường xung quanh ta. Qua hình tượng người lái đò sông Đà, nhà văn muốn phát biểu quan niệm : người anh hùng không phải chỉ có trong chiến đấu mà còn có trong cuộc sống lao động thường ngày.
- Đoạn văn tả trận thủy chiến, tập trung khắc họa hình tượng ông lái đò một lần nữa cho thấy sự uyên bác, lịch lãm của Nguyễn Tuân. ở đây có tri thức, có ngôn ngữ sống động của quân sự, thể thao, võ thuật, điện ảnh…
4. Nghệ thuật
- Những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị của tác giả.
- Ngôn ngữ đa dạng, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao.
- Câu văn có nhịp điệu, lúc thì hối hả, mau lẹ, khi thì chậm rãi, như tãi ra để diễn tả vẻ đẹp trữ tình rất nên thơ của con sông.
5. Chủ đề:
Qua hình tượng sông Đà và người lái đò, Nguyễn Tuân muốn thể hiện niềm yêu mến thiết tha với thiên nhiên đất nước và ngợi ca những con người lao động - chất vàng mười của cuộc sống
--------------------------
---------------------------
SO SÁNH SÔNG ĐÀ - SÔNG HƯƠNG
SÔNG HƯƠNG - SÔNG ĐÀ
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình tượng sông Đà trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” – Nguyễn Tuân và hình tượng sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” – Hoàng Phủ Ngọc Tường. Từ đó, trình bày suy nghĩ của mình về việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của quê hương, đất nước.
Định hướng cách làm bài:
Đây là dạng đề cảm nhận về hai hình tượng nghệ thuật, các em có thể tham khảo dàn ý sau:
I. Mở bài:
Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần bàn luận.
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân và Người lái đò sông Đà
– Giới thiệu tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường và Ai đã đặt tên cho dòng sông
– Giới thiệu vấn đề nghị luận : vẻ đẹp của sông Hương, sông Đà, và về việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của quê hương, đất nước.
II. Thân bài:
1. Nét tương đồng của 2 dòng sông:
a/ Sông Đà và sông Hương đều được các tác giả miêu tả như một nhân vật trữ tình có tính cách với những vẻ đẹp đặc trưng riêng biệt, thể hiện tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước.
b/ Sông Đà và sông Hương đều mang nét đẹp của sự hùng vĩ, dữ dội.
– Vẻ đẹp hùng vĩ của sông Đà được thể hiện qua sự hung bạo và dữ dội của nó trên nhiều phương diện khác nhau cảnh trí dữ dội, âm thanh ghê rợn, đá sông Đà như đang bày trùng vi thạch trận.
– Khi chảy giữa lòng Trường Sơn, sông Hương chảy dữ dội tựa 1 bản trường ca của rừng già, tựa cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại….
c/ Sông Đà và sông Hương đều có vẻ đẹp thơ mộng và trữ tình:
– Sông Đà: dáng sông mềm mại tựa mái tóc tuôn dài tuôn dài, màu nước thay đổi qua từng mùa, vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính…
– Sông Hương: với dòng chảy dịu dàng và đắm say giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Sông Hương còn mang vẻ đẹp của người con gái ngủ mơ màng chờ người tình mong đợi đánh thức. Nó còn được ví như điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế…
d/ Cả 2 đều được miêu tả qua ngòi bút tài hoa, uyên bác:
– Tài hoa:
2 dòng sông đều được miêu tả trên phương diện văn hóa, thẩm mĩ:
+ Sông Đà là nơi hội tụ 2 nét tiêu biểu, đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ, uy nghiêm, dữ dội lại vừa trữ tình, thơ mộng.
+ Sông Hương là dòng sông của âm nhạc, dòng sông của thơ ca, của lịch sử gắn liền với những nét đặc sắc về văn hóa, với vẻ đẹp của người dân xứ Huế.
– Uyên bác:
cả 2 tác giả đều vận dụng cái nhìn đa ngành, vận dụng kiến thức trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật để khắc họa hình tượng 2 dòng sông. 2. Nét độc đáo riêng trong từng hình tượng dòng sông:
Sông Đà:
– Trong đoạn trích, nhà văn tập trung tô đạm nét hung bạo, dữ dội của sông Đà giống như 1 kẻ thù hiểm độc và hung ác
-> Thể hiện rõ nhất qua hình ảnh nước dữ, gió dữ, đá dữ đặc biệt đá bày trùng vi thạch trận chực lấy đi mạng sống của con người. – Sông Đà được cảm nhận ở chính nét dữ dội, phi thường, khác lạ: tiếng thét của sông Đà như tiếng thét của ngàn con trâu mộng, đá trên sông đà mỗi viên đều mang 1 khuôn mặt hung bạo, hiếu chiến…
– Đặc biệt, tác giả miêu tả sự hung bạo của sông Đà để làm nổi bật sự tài hoa, tài trí của người lái đò. Lúc này đây, sông Đà như 1 chiến địa dữ dội. Và mỗi lần vượt thác của người lái đò là mỗi lần ông phải chiến đấu với thần sông, thần đá…
Sông Hương:
– Sông Hương được tô đậm ở nét đẹp trữ tình, thơ mộng, gợi cảm và nữ tính, luôn mang dáng vẻ của 1 người con gái xinh đẹp, mong manh có tình yêu say đắm. Khi ở thượng nguồn, nó là cô gái Digan phóng khoáng, man dại; khi ở cánh đồng Châu Hóa, nó là cô thiếu nữ ngủ mơ màng; khi lại như người tài nữ đánh đàn giữa đem khuya, hay là nàng Kiều tài hoa, đa tình mà lại chung tình, là người con gái dịu dàng của đất nước.
– Sông Hương được miêu tả qua chiều sâu văn hóa xứ Huế, nó như người mẹ phù sa bồi đắp cho vùng đất giàu truyền thống văn hóa này từ bao đời nay.
– Sông Hương được cảm nhận qua lăng kính của tình yêu: thủy trình của sông Hương là thủy trình có ý thức tìm về người tình mong đợi. Khi chảy giữa Huế, sông Hương mềm hẳn đi như 1 tiếng ” vâng” không nói ra của tình yêu. Trước khi đổ ra cửa biển, sông Hương như người con gái dùng dằng chia tay người yêu, thể hiện 1 nỗi niềm vương vấn với 1 chút lẳng lơ kín đáo.
– Thông qua hình tượng sông Hương mang nét đẹp nữ tính, nhà văn thể hiện nét đẹp lãng mạn, trữ tình của đất trời xứ Huế
2. Trách nhiệm bản thân trong việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của quê hương, đất nước
Học sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân dựa trên những gợi ý sau : Thế hệ trẻ cần có trách nhiệm bảo vệ cảnh quan đất nước qua hành động cụ thể như: yêu quí, bảo vệ môi trường, quảng bá thắng cảnh…
III/ Kết luận:
Đánh giá chung về đóng góp của hai nhà văn
– Qua vẻ đẹp tương đồng của 2 dòng sông, ta bắt gặp sự tương đồng độc đáo của 2 tâm hồn có tình yêu thiên nhiên tha thiết và niềm tự hào với vẻ đẹp của non sông đất nước Việt Nam.
– Mỗi nhà văn đều có 1 phong cách nghệ thuật độc đáo trong việc thể hiện hình tượng các dòng sông, giúp người đọc có những cách nhìn phong phú, đa dạng về vẻ đẹp của quê hương, đất nước mình.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro