Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

1. Claude Monet và Isaac Levitan: Những mối tình đầu

Nếu nói tranh của Claude Monet là thứ mình theo đuổi và ao ước nhưng chưa bao giờ có được, thì tranh của Isaac Levitan lại mơ hồ có dáng dấp của... tình đầu, luôn chờ đợi, mong nhớ dù đã nếm qua.

Nói là tình đầu cũng không ngoa. Mình không giỏi mỹ thuật, những năm cấp 2, hễ đến tiết mỹ thuật là mình học hết sức vừa phải. Không phát biểu, không lên bảng, không nộp bài sớm, không năng nổ, chỉ vâng lời. Cả sách giáo khoa mỹ thuật mình cũng không đọc kỹ, cũng như tất cả các sách giáo khoa khác thôi. Sau này chín chắn hơn rồi mình mới nhận ra tầm quan trọng của sách giáo khoa, và tất nhiên là không còn cơ hội tìm lại. Nên, khi mình phát hiện mình nhớ da diết một bức tranh của ông hoạ sĩ nào đó đọc trong sách nào đó, học hồi nào đó, mình không biết là của ai.

À, may là mình nhớ cái tên Levitan. Nhớ như in một cách kỳ cục. Nhưng mình không nhớ Levitan là ai cả, mình chỉ biết Levitan là một ai đó thôi. Nói chung, may mắn là tìm được danh tính bức tranh kia: Mùa thu vàng; hoạ sĩ là Levitan.

Tình đầu là thế đó.

Năm mình "đào" lại Mùa thu vàng là năm mình học lớp 11 - à, hay mùa hè năm 11, mình cũng không nhớ nữa. Trùng hợp vừa học Người trong bao của Anton Chekhov, mà Chekhov lại là bạn thân của Levitan. Hai mươi năm sống trên đời, mình hay va vào những vụ trùng hợp, cả dễ thương và không. Vụ trùng hợp này là tình cờ và bất ngờ, tất nhiên cũng dễ thương, nhưng phần nhiều khiến mình muốn khóc (mình không dùng từ "xúc động" đâu, nó khác).

Đời Levitan thăng trầm nhiều, Chekhov cũng vậy, và đa phần nhân vật nổi tiếng thời ấy cũng thế. (Sự thăng trầm đó không rõ là dấu ấn của biến chuyển thời đại, hay vì đời họ thăng trầm nên mới có một thời đại xuống xuống lên lên). Và đa phần văn nghệ sĩ đều có mặt lận đận trong đời, không tình-yêu thì nghề-nghiệp. Với Levitan là cả hai, theo mình nhớ, vì lâu rồi mình không đọc lại gì về Levitan nên quên! Thứ khiến mình ấn tượng ở Levitan, ngoài tranh của ông, còn là chuyện tình của ông và em gái Chekhov là Maria Chekhova. Không nhiều bằng chứng chứng thực một việc thuộc về tình cảm cá nhân và lùi vào dĩ vãng quá xa như thế này, tất cả những gì mình đọc chỉ là báo lá cải - và vâng, báo lá cải Việt Nam! (Không đáng tin đâu! Đừng ai đào xem nhé, khóc tiếng mán đó!) Có một giai đoạn mình mến Levitan và mối tình không biết có thật hay không này đến nỗi định viết và đã viết (nhưng xóa) một hai truyện ngắn về Levitan, Maria Chekhova và một truyện riêng về Anton Chekhov. Tên truyện hình như là Tuyết và Bỏ mặc mùa đông. Sau đó tình cờ phát hiện nhạc Nga có cả hai bài tên là Tuyết và Bỏ mặc mùa đông, thế là mình bỏ mặc hố luôn! Nhưng cũng tình cờ thật, nhờ.

Nói về tranh của Levitan thì, dường như nằm đâu đó giữa hai trường phái Ấn tượng và Hiện thực. So với tranh Monet, tranh Levitan có lẽ hợp nhãn mình hơn. Nếu nói về hợp nhãn thì nên kể thêm về Shishkin, họa sĩ vẽ tranh phong cảnh người Nga, chuyên vẽ cảnh rừng (rừng thông?); nhưng không phải ngẫu nhiên mà mình thích Monet hơn cả. Như mình nói, tranh Levitan làm mình rung động như gặp tình đầu, dung dị, nửa thực nửa huyễn, đầy hoài niệm, nhiều ngoại cảnh, thoáng đãng và u buồn. Sự u buồn của tranh Levitan làm mình dễ chịu. Mình có thể hít thở, thiền và "đi theo" từng bức tranh một. Nếu không thiền, nên nghe thêm một chút tiếng piano solo theo kiểu rải từng nốt, từng phím một, hoặc thỉnh thoảng có tiếng violin da diết; thảng như thấy mình sống nơi đó, chậm rãi và đơn độc, thanh tĩnh giữa thời loạn (hoặc biết đâu là náo nhiệt mà mình không hay).

Mình không bình phẩm rõ ràng và cụ thể về bức nào của Levitan vì kiến thức hạn hẹp quá. Tương tự, mình cũng không thể làm vậy với Monet, dù mình tìm hiểu về ông nhiều hơn. Sở dĩ gọi tranh Monet là điều mình cầu mà không được, ước nhưng chẳng thấy là vì tranh ông rực rỡ quá. Nghệ thuật với mình, tất nhiên cũng có niềm vui những nỗi buồn lại chiếm đại đa số. Cá nhân mình, con chữ của mình không làm bạn với niềm vui được, nói chi đến sự rực rỡ đầy cuốn hút như tranh Monet. Nhưng thẳm sâu trong những gam màu tươi sáng ấy, thỉnh thoảng mình vẫn thấy nỗi buồn. Dù người ta cho rằng nhạc Claude Debussy và tranh Claude Monet có nhiều điểm chung, còn nhạc Frédéric Chopin và tranh Vicent van Gogh nói hộ tiếng lòng nhau, thì mình vẫn ưa ghép đôi nhạc Chopin - tranh Monet. Vì nghệ sĩ là người đeo mặt nạ? Mặt nạ đó là nhạc, là văn, là thơ, là tranh? Nhưng mặt nạ vẫn phải khoét lỗ cho đôi mắt nhìn ra và cho cái mũi được thở. Nghĩa là, ta vẫn có cơ may được thấy chân diện của họ, nắm bắt hơi thở cuộc đời, suy nghĩ của thông qua những khe hở hiếm hoi độc đáo kia? Có lẽ là thế vậy.

Monet là người khai sinh trường phái Ấn tượng, tranh ông thiên về nắm bắt nhịp chuyển của thời gian thông qua ánh sáng, bóng tối. Và tất cả đều quy về "màu sắc". Mình nhớ ông có nói hai câu thế này. Một, tạm dịch là "Tôi muốn vẽ cách một chú chim cất tiếng hót". Hai - ấn tượng và ý nghĩa nhất đối với mình - là "Khi anh ra ngoài để vẽ, hãy cố gắng quên những vật anh thấy trước mặt, cái cây, ngôi nhà, cánh đồng, hay bất cứ thứ gì. Chỉ nghĩ đơn giản, này là một hình vuông nhỏ màu xanh, này là một hình chữ nhật màu hồng, này là một vệt sọc màu vàng" (tạm dịch). Nhắc đến đây phải trở lại với lời chị Hiền Trang từng viết: "Thơ, trong lúc bình thường, chỉ là thơ. Nhưng một bài thơ khi nghe vào đúng thời điểm, giống như một sự chứng ngộ". Kỳ thực không chỉ riêng thơ, bất cứ thứ gì xung quanh con người, dù lên tiếng theo cách nào, cũng có thể trở thành "một sự chứng ngộ" vào thời điểm thích hợp. Tranh của Monet, lời của Monet, những điều mình biết về Monet là điều "bình thường" xuất hiện vào đúng thời điểm kia.

Dù tranh Monet thường đầy ánh sáng thiên nhiên, rực rỡ và tươi màu, nhưng những kiệt tác cuối đời vẽ hoa súng của ông lại u buồn, và nhiều tranh có gam màu đỏ, do căn bệnh đục thủy tinh thể và tất nhiên là do cả thời cuộc. Gần đây mình mới tìm hiểu về những bức vẽ hoa súng nước kia, và dường như, tranh Monet không "sáng sủa" như mình từng nghĩ. Rõ ràng như mình nói, mình ưa gán tranh Monet với nhạc Chopin, nhất là Nocturne in C Sharp Minor (No. 20), đoạn nhạc xuất hiện trong hai bộ phim mình từng xem là The Pianist (2002) và Franzt (2016) (kể ra để rủ mọi người xem cùng). Nhạc Chopin thì buồn không thấy lối ra! Mình đắn đo, thắc mắc rất lâu vì sao những bức "water lilies" kia lại hợp với Nocturne No. 20 đến vậy - phải có gì đó hơn là gam màu tối lạnh và không gian tưởng rộng mà hẹp của tranh chứ! Có lẽ do thời điểm ra đời của chúng là Chiến tranh thế giới thứ nhất, và câu chuyện đằng sau là nhằm để cổ vũ tinh thần công chúng nước Pháp như người ta từng phân tích. Đi sâu hơn nữa thì mình không biết và không nhớ, vì mình ngại lịch sử thế giới. Mình chỉ nhớ Monet mất con trai trong cuộc chiến này. Nỗi buồn từ đây mà nên chăng?

Truyện về Monet mình đang đọc chỉ có hai. Light (tạm dịch: Ánh sáng) của Eva Figes và Claude & Camille (tạm dịch: Claude và Camille) của Stephanie Cowell. Light là về Monet và gia đình với người vợ sau Alice, còn Claude & Camille là về Monet thuở thiếu thời với mối tình với người vợ trước và cũng là nàng thơ của ông, Camille. Light ấn tượng vì ngắn gọn và gợi được cái hồn của tranh Monet hơn, ngay từ chính cái tên, có lẽ vì Eva Figes vốn tập trung vào bản thân Monet hơn là chuyện tình cảm của ông với một ai. Trong Light, tất cả chỉ là bên lề mà cũng không hẳn là bên lề cuộc đời Monet, là một tập hợp mà trong đó 50% là Monet, 50% còn lại là vợ sau, là những gia nhân, là sáng tối và những mảng màu, là sự đối lập giữa niềm vui một buổi và nỗi u sầu năm dài tháng rộng. Ánh sáng trong Light khi lẻ tẻ, khi bừng rực, khi lụi tắt hoàn toàn. Và cách Eva Figes tả cảnh cũng khiến mình rung động không thua gì ngắm tranh Monet.

Với mình, mình không thích Claude & Camille bằng Light, nhưng vẫn đang đọc, để sau hẵng bàn. Và ước ao làm sao có truyện về Levitan bằng tiếng Anh, vì ngoài tiếng Việt mình chỉ đọc được mỗi tiếng Anh, gặp tiếng Nga thì chết dở! Còn không, biết đâu chừng mình sẽ viết.

Ai cũng có bốn mùa trong mình, còn lớp mặt nạ vẽ mùa nào, cảnh nào chỉ trời biết đất biết. Nghệ thuật thiêng liêng, và mùa đông trong đời đôi khi bị ẩn đi để tôn thờ khát khao toàn mỹ, hài lòng đó. Nhưng thỉnh thoảng gió tuyết cũng tràn ra hốc mắt. Thế nên dễ gì, ai cũng có một mùa đông để bỏ mặc. Thế nên lần này, viết về Levitan mình vẫn sẽ lấy tên Bỏ mặc mùa đông, nhưng không chỉ mùa đông của Isaac Levitan. Sẽ có những Claude Monet chăng?

11:11 P.M.

22.09.2023

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro