Chương 1 : Chiếc hộp kì diệu
"Những chiếc thang máy quả là một phát minh to lớn của nhân loại" – tôi thầm nghĩ.
Đã từ khi còn rất nhỏ, lúc ngồi coi trên vô tuyến những bộ phim truyền hình, tôi vẫn thường hay nhìn thấy hình ảnh của một chiếc hộp đưa người ta dịch chuyển lên xuống từ tầng lầu này đến tầng lầu khác. Vô cùng tuyệt diệu và lạ kì. Cũng từ độ ấy, tôi dần nuôi trong mình "ước muốn mãnh liệt"- một cụm từ mà tôi học lỏm từ người anh của mình, đó là được tự mình trải nghiệm cảm giác đứng thử trong chiếc hộp ấy.
Chốn thôn quê tôi sống vốn có rất ít những nhà cao tầng, hay cái mà người ta vẫn thường gọi là tòa nhà chọc trời, cao ốc, chung cư hoặc trung tâm thương mại. Gia đình tôi lại thường không hay lui đến những vùng xa xỉ tít tận sâu trong trung tâm thành phố, nên khả dĩ những ước muốn ấy cũng chỉ được lặn ngụp trong trí tưởng tượng của bản thân tôi suốt một thời gian dài đằng đẵng.
Nhưng đã là trẻ con mà, có đứa trẻ nào lại để cho những ước mơ của mình nằm yên một chỗ?
Thi thoảng, tôi tự chế cho mình chiếc hộp bí ẩn đó. Bằng cách đơn giản nhất có thể, hình dung ra nó. Vốn dĩ chưa hề được tiếp xúc trực tiếp ngoài đời, nên bên trong chiếc hộp theo tôi chỉ là tối đen như mực, im ắng và sẽ rất hiện đại. Chỉ cần muốn di chuyển đến tầng nào thì nói ra số tầng ấy. Chiếc hộp hẳn phải là một nơi rộng lớn mà ta có thể chạy nhảy vui đùa thỏa thích, thậm chí là nhún nhảy như trên giường nhà của ta vậy. Và vì thế nó chắc chắn phải được làm từ một vật liệu kiên cố, cứng rắn nào đó. Tôi không tìm ra được câu trả lời cho chính mình. Nhưng tôi vẫn tự nhủ, nó cũng sẽ như cái sàn nhà và những bức tường gạch thôi.
Tôi hay kể cho những đứa trẻ quanh xóm nghe về chiếc hộp thần kì ấy, theo những gì bản thân đã tự tưởng tượng ra. Đứa nào nghe xong cũng đều há hốc, kinh ngạc. Đứa bảo rằng nó sẽ trú trong đó cả ngày để tránh những trận xung đình từ bố mẹ. Đứa bảo trong đó hẳn phải có một cái quạt lớn và mát mẻ để có thể đánh giấc ngon lắm. Đứa lại bảo sẽ giấu những món đồ quý vào trong đấy, vì nó tin theo lời kể của tôi rằng chiếc hộp tối đen như mực và rộng lớn như buồng ngủ ở nhà. Rồi cứ dần dần, chiếc hộp ngày càng trở nên kì diệu và phi thường hơn trong mắt bọn trẻ chúng tôi. Nó trở thành cả một giấc mộng to lớn mà đứa nào cũng đeo đuổi. Chỉ cần nghe gia đình có người được lên thành phố, chắc chắn sẽ có đứa nài nỉ để được theo cùng. Nhưng ngặt một nỗi, chưa có đứa nào thành công trong "công cuộc xin xỏ" ấy cả.
Minh Anh là đứa khéo vẽ nhất trong cả bọn. Không biết nó lấy từ đâu ra cái năng khiếu thiên phú ấy. Nó mà đã vẽ đồng lúa là người lớn nhìn vào còn trầm trồ những khóm cỏ dại mọc ven đường ruộng. Đã vẽ cánh diều dập dờn là người lớn nhìn vào còn trầm trồ những khúc mây bồng trôi lưng lửng theo gió. Hằng ngày, vừa nghe xong những gì bọn tôi đã miêu tả về chiếc hộp là nó hí hoáy ngay thêm những nét mới trong bản phát họa của mình. Tội nhất là có mấy ngày cả bọn tranh nhau mà tả, nó vừa vẽ vừa bôi liên tục, không kịp ngừng để hít thở lấy một chút không khí lưu thông qua đầu các ngón tay. Thế mà bản thảo ngày càng chi tiết và rõ ràng hơn. Cho đến một khoảng, khi cả bọn đều tấm tắc và nhất quyết rằng chiếc hộp ấy y sì như những gì Minh Anh vẽ, cô mới có ngày được ngơi tay.
Từ ấy chúng tôi chẳng cần phải tưởng tượng thêm nhiều nữa. Cũng chẳng cần phải đến căng óc nhớ mồn một hình dáng mà cả bọn nhất quyết từ trước về chiếc hộp. Cứ mỗi khi đứa nào muốn xem hình là lại hẹn nhau đúng vào cái giờ mỗi bữa vẫn hay hẹn. Minh Anh sẽ đem theo bản vẽ của nó, truyền nhau dần.
Có ngày nọ, bác Tư Khiễng hàng xóm (sở dĩ bác có cái tên như thế vì dáng đi vô cùng khập khiễng của mình, không bao giờ bác có thể đi vững một đường dài. Nghe đâu là do những năm trước bác từng té vài bậc thang khi leo lên tầng lầu chung cư dưới thành phố) thấy bọn trẻ náo nức quá thể vì bản vẽ về một chiếc hộp trông rất kì quái, nên cũng lấy làm lạ và chạy đến hỏi thăm.
- Sao mà lại phải ngắm nghía nó mỗi ngày như thế vậy mấy đứa?- Bác vừa hỏi vừa cầm bức vẽ lật qua lật lại
- Vì nó là mong ước của cả bọn đấy bác ạ- Chúng tôi đồng thanh đáp, rồi quay qua nhìn nhau cười
- Thế có trên vô tuyến không? Cái mong ước của các cháu ấy?- Bác cũng cười khì, lộ ra khuôn miệng với vài chiếc răng xỉn màu
- Cái này thì cháu cũng chả biết. Có nghe nhỏ Linh Chi nhắc đến, nhưng nó nhất quyết không phải là cái tụi cháu mong ước đâu bác. Một chiếc hộp to lớn thế này không thể nào đựng vừa trong cái tivi bé xíu ở nhà chúng cháu được. Người ta chỉ làm lại thôi- Thằng Công Thành nhanh nhẩu cất tiếng, nó nhại giọng của ai đó.
- Thực tế thì nó là cái gì nhỉ?- Bác Tư chau mày
- Bác cứ đoán thử xem- Tôi nhún vai. Nhưng liền sau đó là một bầu không khí im lặng.
- Hay vầy đi, bây giờ mỗi một ngày bác vào giờ nãy hẳn đến chỗ tụi cháu mà đoán một lần xem cái này là gì. Mà cháu nghĩ bác sẽ đoán đúng được nó trong vài ngày thôi, thậm chí là chưa đến vài ngày vì cháu nhớ là cái này nó phổ biến chốn thành phố lắm! Với lẽ Minh Anh dù nó không phải là một nhỏ họa sĩ đa tài nhưng cái khiếu vẽ thì không chê lẫn vào đâu được ạ. Bác thử đoán lần đầu tiên xem nào- Tôi nhanh chóng đề xuất một ý kiến để tìm ra cái tên xác đáng nhất cho chiếc hộp này từ bác Tư, vì thú thật có lẽ tôi cũng đã quên mất cái tên ban đầu của nó.
- Chịu thôi con nhỏ ranh này, chứ bác cũng chả mảy may nghĩ ra được nó là cái giống gì. Xa tít tại nơi thành thị thì bác mày đây có bao lần được đặt chân đến. Ngoài vài lần chạy chữa cho cái chân. Mà nhìn như vậy thì chắc là cái buồng ngủ nhỉ?- Bác vừa xem kĩ lại bức vẽ vừa lắc đầu nói.
Cả bọn chúng tôi cười được một trận ra trò với không chỉ lần đoán ấy mà ngay cả những lần về sau. Bác Tư đều cho ra những ý kiến trùng khớp với từng đóng góp của mỗi đứa trong bọn khi vẽ ra chiếc hộp. Thế mà thời gian trôi nhanh lắm, cho đến lúc bác ấy không còn đoán ra chiếc hộp này là gì nữa thì chúng tôi cũng đã lớn dần lên rất nhiều. Cả bọn ít tụ tập ở chỗ cũ vào mỗi ngày, thay vào đó là mỗi tuần. Đứa nào cũng chú tâm vào việc học hành nhiều hơn theo sự kì vọng của bố mẹ. Tuy nhiên không đứa nào là quên hẳn đi được chiếc hộp. Minh Anh đã vẽ cho mỗi đứa một bức để tiện ngắm tại nhà chứ không cần chạy ra hẹn nhau như xưa nữa, vốn dĩ thời giờ làm đống bài tập còn chưa đủ. "Đống ác mộng" đó không đến nỗi nhiều, nhưng cũng đủ làm cho chúng tôi tiêu giảm hẳn khoảng thời gian được vui chơi thoải mái như trước. Trong những lúc cắp sách đến trường và học thêm được nhiều điều mới lạ, đứa nào cũng dành ra vài lúc tìm hiêu về chiếc hộp kì diệu mà cả bọn vẫn còn nuôi niềm hi vọng được "trải nghiệm". Nhưng cho đến cuối cùng nhận lại vẫn là một sự bế tắc vô vọng. Không có thứ nào chúng tôi tìm ra hoàn hảo được đến như thế.
Một ngày nọ thằng Công Thành có tìm thấy tên của một cái hộp là "thang máy". Nó có kể cho cả bọn về điểm giống nhau giữa "cái thang máy" và "chiếc hộp". Nhưng sau khi nghe xong đứa nào cũng phản bác và cho rằng nó hoàn toàn chả giống gì cả. "Thang máy" chỉ là một ô vuông bé xíu, và dù là nó có lắp điều hòa đi chăng nữa cũng chẳng ai thèm muốn được ngủ trong một cái ô không đủ để duỗi chân ra như vậy. Và dĩ nhiên là dù nó có đưa người ta đi từ tầng này lên xuống tầng khác đó, nhưng "chiếc hộp" thì cóc cần phải bấm biếc đủ điều, chỉ cần nói vài tiếng là được ngay. Hơn hết thì cái căn bản cần để tâm nhất là không gian tối đen của "chiếc hộp", cái "thang máy" thì có công dụng gì khi không giấu được đồ quý của bọn tôi cơ chứ. Thằng Thành bị một trận xối xả đến tội nghiệp vì đưa ra mấy cái thông tin toàn khiến cả bọn hụt hẫng. Thế rồi chúng nó mới quay qua nhìn vào gương mặt đang nghĩ ngợi đủ điều của tôi và hỏi:
- Mày là đứa đầu tiên kể về chiếc hộp ấy đó Linh Chi. Bây giờ xác thực lại những gì nó vừa nói đi. Sao nhìn mày có vẻ là lạ vậy?
Đúng là tôi đang suy nghĩ đủ điều về hai từ "thang máy". Cái ngày mà tôi nhìn thấy chiếc hộp trên vô tuyến, hai từ ấy có xuất hiện đâu đó trên màn hình.
- Ờ thì... tao ngờ ngợ một chuyện.- Tôi rụt rè hẳn lại
- Chuyện? Chuyện gì? Mày đừng nói là nó đúng nhé, sao lại thế cơ được?- Ngọc Bảo không kiềm được cái tính nóng nảy của mình.
- Chuyện là ngày đó tao có thấy đâu đó trên màn hình vô tuyến lúc chiếu chiếc hộp có đề hai chữ "thang máy". Chỉ là tao không nhớ rõ hoặc có thể là tao sai...- Tôi im lặng một hồi, mắt đảo liên tục vì tìm kiếm một cái gì đó vớt vát cho sự gượng gạo vô cùng. Nếu tôi không nghĩ ra được một cái gì đó đáng hứng thú hơn, phần nhiều là bọn nó sẽ đả kích vụ "thang máy" ngược lại tôi.
- À mà vả lại,... tao còn nghe nói chiếc hộp này,... khi mà mình bảo nó đến tầng số 15 thì sẽ gặp được... người yêu của mình đó.- Tôi đã cố gắng để vén ra một lí do hợp với cả bọn nhất vào lúc bấy giờ, khi mà đứa nào cũng đang hứng thú dần với chuyện tình yêu. Vừa dứt lời mà tôi cảm thấy mình im bật đến nín cả thở vì e ngại sự diễn đạt chẳng mấy lưu loát của mình.
- Hả? Mày nói thiệt hả? Tao hơi bị thích vụ này nha, dù là nghe có vẻ hơi lạ lùng! Nó còn tuyệt vời hơn mấy cái điều trước mình nói về chiếc hộp nữa- Ngọc Bảo đỏ bừng mặt, giọng nói đã xen thêm vào chút tò mò, hứng khởi
- Tao lại dối tụi mày làm gì chuyện ấy. Tại tao mới nghe được nên trước đó chưa kịp bảo tụi mày thôi- Tôi chêm thêm vài lời để tăng tính xác thực cho "câu chuyện" của mình được trọn vẹn và đáng tin tưởng hơn.
- Tao có ý này nè. Sắp tới trường của mình sẽ tổ chức một chuyến vào trung tâm thành phố để học ngoại khóa ấy. Nếu được cả bọn cố gắng tìm cái gọi là... gì ấy nhỉ? ( Thang máy - Công Thành nhắc) Ờ phải. Dù gì kiểm chứng ở ngoài vẫn tốt hơn. Nếu nó đúng như những gì thằng Thành vừa nói thì chắc chắn là tụi mình vẫn chưa tìm ra "chiếc hộp" ngoài đời rồi. Tụi bây thấy hợp lí không- Minh Anh nói với giọng thuyết phục.
- Cũng được đó. Kiểu như là phương pháp "kiểm chứng loại trừ"- Vương Bảo mới xen thêm vào
- Phương pháp gì chứ? Mày mới tìm đâu ra mấy từ lạ vậy?- Tôi thắc mắc
- Kiểm chứng loại trừ đó! Mày không biết hả?- Vương Bảo hỏi lại tôi
- Tao cũng không biết- Ngọc Bảo trả lời thay tôi, kèm theo là cái lắc đầu của Công Thành- Nó là gì vậy?
- À thì...- Vương Bảo ậm ừ
- Là?... Mày không biết?- Tôi nghi ngờ
- Ừ thì thật ra tao cũng không biết, chỉ đọc được thôi. Mà nói chung là giống vậy đó- Cậu ta cười trừ và đáp lại bằng sự ngượng ngùng
Cả bọn lắc đầu ngao ngán rồi lặng đi vài phút, chắc hẳn trong tâm tưởng của đứa nào cũng đang nghĩ về chuyến tham quan ngoại khóa ấy. Hẳn là đứa nào cũng lo sợ phải đón lấy một sự hụt hẫng trong bất kể tình huống người ta vẫn hay nói đó là món quà mà "cuộc đời ban tặng". Chỉ có tôi là chẳng hề vướng bận nỗi lo lắng đó. Nhưng mặt khác, tôi lại phải trông mong vào những điều kì diệu hơn, so với cái thực tế sẵn đã phũ phàng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro