Chương 08Thần Đô cửu cung
Ý định của Kinh Thiên Minh là bột phát, nó đi không chào ai, vừa hỏi vừa tìm, lúc đi lúc dừng. Cây cỏ dọc đường dần khô héo, gió đêm dần trở lạnh, bất tri bất giác, nó đã đi hơn một tháng, tiết trời đã sang thu. Thêm một bước, thêm một ngày, Kinh Thiên Minh càng nản chí, càng mất hi vọng; dọc đường hỏi người ta, đừng nói là biết ve băng đỏ, hỏi núi Thần Đô họ cũng chỉ lắc đầu, bảo chưa từng nghe nói.
"Núi Thần Đô gì cơ? Chưa nghe bao giờ!" Hôm đó, Kinh Thiên Minh lại hỏi một lão nông đang gặt lúa, lão nông nọ nhễ nhại mồ hôi trán, vừa lấy khăn ướt vắt trên vai lau mặt vừa đáp: "Nhưng gần đây thì có ngọn núi Vu đấy cậu trẻ, cậu tuyệt đối không được đi lạc lên đó, núi Vu nọ là nơi phù thủy ở, người phàm không leo lên được đâu."
Núi Thần Đô thì không tìm thấy, mà đồn đại về núi Vu thì mỗi người nói một kiểu, Kinh Thiên Minh đã nghe không biết bao nhiêu lần dọc đường đi, rằng trên núi Vu có phù thủy thần thông quảng đại cư ngụ, lệnh một tiếng có thể bảo cây biết đi, hoa biết bay, không phải nơi người phàm có thể lại gần; lão nông nọ hãy còn dông dài đủ thứ, Kinh Thiên Minh đã buông tiếng cảm ơn ỉu xìu xìu, quay người lê bước đi.
Đi đến ven một cái hồ lớn, Kinh Thiên Minh tìm đại một gốc cây ngủ luôn ngoài trời, lúc thì mơ thấy mình với A Nguyệt, Hạng Vũ và Lưu Tất đang chơi đùa trong cái miếu đổ nát, lúc lại mơ thấy A Nguyệt người lạnh như đá ngã ra đất cứng đờ, ác mộng cứ trở đi trở lại liên tục, giật mình tỉnh giấc, đã là sáng tinh mơ.
Tiếng chim lảnh lót không ngừng vang quanh tứ phía, bãi cỏ còn hơi đọng sương đêm, Kinh Thiên Minh đứng dậy đi đến mép hồ, ngồi xuống rửa mặt, nhìn khuôn mặt mình phản chiếu trong nước hồ, cười gượng, nghĩ: "Hết ác mộng này lại đến ác mộng khác thay thế, đến bao giờ mình mới có thể ngủ ngon, mơ được mấy giấc mơ đẹp đây?"
Nước hồ buổi sớm mát lạnh trong vắt làm nó sảng khoái tinh thần, nó trông ra khu rừng rộng thênh thang trước mặt, lại thấy mặt hồ phản chiếu mấy tầng mây dát vàng, ánh dương soi rọi thấu cả vào nơi sâu nhất trong khu rừng, nó không đừng được hít một hơi thật sâu, nhìn hồ nước hét lớn: "A Nguyệt! Em chờ anh! A Nguyệt! Em nhất định phải sống chờ anh về!"
Hái ít quả dại lót bụng, nó đi men con đường nhỏ tưởng như bị khu rừng nọ giấu đi mất đến tận trưa, chợt nghe thấy hàng tràng tiếng gào thét kì lạ ở phía trước. Một cậu trai mặc áo vải xám màu, ước chừng mười bảy mười tám tuổi, dáng người dong dỏng, mắt tròn mũi to trán cao, một đôi tai đón gió vô cùng nổi bật đang khua chân múa tay cạnh một tảng đá lớn.
Cậu trai nọ lúc nhìn trời lúc ngắm đất, hai tay đan nhau đặt trước ngực, nhìn chăm chăm về phía trước: "Bắc phong hành! Sơn lâm ngục thống! Thủy hỏa tiên minh!" Tiếp đó nhắm một mắt lại, chợt căng tay phải chỉ trời, miệng thét lớn: "Gió đến!"
Kinh Thiên Minh ngạc nhiên, nghĩ: "Anh ta đang gọi gió? Lẽ nào anh ta chính là phù thủy người ta vẫn nói?" Nó trông ra bốn phía, chỉ thấy bầu trời quang đãng, cây cỏ đứng thẳng, nào đâu có gió? Kinh Thiên Minh phì cười trong bụng: "Mình nghe kể chuyện nhiều quá, xem ra cũng khó tránh tự tưởng tượng ha."
Cậu trai áo xám nọ thử một lần không thành công, vẫn không bỏ cuộc, vò đầu bứt tai một lúc rồi chấn chỉnh tinh thần, căng mắt gấp bội trừng nhìn phía trước, lại niệm: "Bắc phong hành! Sơn lâm ngục thống! Thủy hỏa tiên minh!" Rồi lại nhắm mắt, chỉ trời thét lớn, "Gió đến!"
Kinh Thiên Minh không đừng được mà bước ra, cậu trai áo xám nọ đã nhìn thấy nó, nhưng anh chàng nín thở tập trung không động tĩnh, chỉ chờ gió ùa tới. Kinh Thiên Minh lẳng lặng trèo lên tảng đá lớn cạnh anh chàng để quan sát, nhưng bốn phía đều thấy biển cây đứng vững, chim hót trùng kêu, một cơn gió nhẹ cũng không có.
"Bắc phong hành! Sơn lâm ngục thống! Thủy hỏa tiên minh!" Cậu trai áo xám cố lại lần nữa, lần này dứt khoát dốc hết sức lực, thét như liều mạng: "Gió đến!"
Ánh nắng giữa trưa chiếu rát lên hai người, cậu trai áo xám đã nhễ nhại mồ hôi từ lâu, tiếp tục giữ nguyên tư thế một tay chỉ trời mãi một hồi, Kinh Thiên Minh lại không nhịn được nhìn xung quanh một lượt, vẫn chỉ thấy lá cây bất động, mặt hồ không gợn sóng.
Cậu trai áo xám bực bội gào toáng mấy tiếng, gào xong thì gãi gãi cổ như chẳng có chuyện gì xảy ra, nhếch mép mỉm cười rất vô tư. Kinh Thiên Minh thấy cậu vẻ ung dung không cáu giận gì, bèn bước lên chắp tay, hỏi: "Anh ơi cho hỏi, đến núi Thần Đô đi thế nào ạ?"
Cậu trai áo xám soi khắp người Kinh Thiên Minh một lượt, cười hì hì đáp: "Sao em lại hỏi đường lên núi Thần Đô khi đang đứng ở núi Thần Đô thế?" Kinh Thiên Minh vô cùng sửng sốt, không dám tin: "Đây chính là núi Thần Đô ạ? Dọc đường em hỏi bao nhiêu người, ai cũng nói quanh đây chỉ có núi Vu, không có núi Thần Đô mà."
Cậu trai áo xám hơi gật đầu, ngồi xuống nói: "Núi Vu chính là núi Thần Đô, người nghĩ có phù thủy sống ở đây thì gọi là núi Vu, người nghĩ có thần linh ngụ ở đây thì gọi là núi Thần Đô thôi."
Kinh Thiên Minh biết mình đã đến được núi Thần Đô thì cười sung sướng nhảy cẫng lên, hoàn toàn không suy đến chuyện người phàm sợ phù thủy nên gọi núi này là núi Vu, còn phù thủy thì kính thần linh ngụ ở núi này mà gọi là núi Thần Đô, cậu trai áo xám trước mặt đã gọi đây là núi Thần Đô thì chắc chắn phải là phù thủy. Cậu trai thấy Kinh Thiên Minh vui vẻ, cũng vui lây cười cùng.
Anh cười tôi cười, hai người cười lây của nhau chứ nào ai biết đến cùng ai đang cười gì, nhưng lúc này điều đó chẳng quan trọng. Hai người đang ôm bụng ngồi bệt dưới đất cười hả hê, cậu trai áo xám đột nhiên hoảng sợ hét lên: "Hỏng rồi! Mau nằm thấp xuống!"
Kinh Thiên Minh thấy vẻ mặt anh chàng nghiêm trọng, cũng vội vã nhoài người ra đất, hai người vừa nằm xuống không bao lâu, một trận gió lốc từ phía bắc rít gào cuốn đến, hai người bị thổi bù hết tóc, đầu váng mắt hoa, gió lốc đến không dấu hiệu đi bặt tăm tích, Kinh Thiên Minh đang định đứng dậy, cậu trai áo xám nằm sấp bên cạnh vội vàng đưa mắt ra hiệu, bảo nó đừng nhúc nhích.
Quả nhiên, trận thứ nhất vừa qua, trận thứ hai đã tới, cuốn nước hồ dậy sóng vang dội, cây cỏ nghiêng rạp cả. Kinh Thiên Minh thấy thế gió mãnh liệt không thể chống nổi, cũng cảm thấy kinh hoàng.
Trận thứ hai chưa nguôi, trận thứ ba đã ùa tới, cuốn đủ sắc cây cỏ, đủ loài chim muông lên không trung hợp thành một dải lụa nhiều màu, song sức gió mạnh chỉ trong chốc lát, cuốn đi không xa thì tan ngay. Mấy trăm con chim bất chợt được thả tự do, nhất tề kêu lên hoảng sợ, bay tản ra tứ phía, cảnh tượng rất đẹp mắt.
Ba trận lốc xoáy cuốn qua, trên núi lần nữa lại là sự yên tĩnh. Kinh Thiên Minh và cậu trai áo xám trơ mắt nhìn nhau một thôi một hồi, không hẹn mà cùng cười lớn. Kinh Thiên Minh hỏi: "Gió đến thật đó ư?"
Cậu trai áo xám cũng đứng dậy cười ha hả: "Gió đến rồi! Gió đến thật rồi!"
"Gió đến thật rồi!" Kinh Thiên Minh lại hô, "Nhưng mà đến chậm quá!" Nói toạc vấn đề, hai người lại càng không nhịn nổi cười, hồi lâu mới nguôi, cùng nằm song song trên bãi cỏ, tay chân dang rộng ngửa mặt ngắm đụn mây cuối trời.
Kinh Thiên Minh thở hổn hển vì cười, nói: "Lâu lắm, lâu lắm rồi mới được trận cười sảng khoái thế này."
Cậu trai bèn hỏi: "Sao lại vậy? Này em trai, trước đây em sống không được vui lắm à?"
"Không để mình quá vui vẻ, lúc mất đi mới không quá khổ sở; không để mình quá thân thiết với người khác, lúc mất đi mới không quá đau đớn." Nằm cạnh cậu trai áo xám, ấy là lần đầu tiên Kinh Thiên Minh cảm thấy nhẹ nhõm thoải mái sau ngần ấy năm, lời ấy buột khỏi miệng không qua suy nghĩ, nói rồi, tự mình còn thấy ngẩn ngơ. Tức khắc, nó chợt như tỉnh ngộ, như đã hiểu thêm một chút về bản thân mình.
"Nên gọi anh thế nào nhỉ?" Kinh Thiên Minh lên tiếng hỏi, mắt nhìn trời xanh. Cậu trai áo xám đáp: "Anh tên là Mao Cầu. Em thì sao?"
"Em tên là Kinh Thiên Minh."
"Kinh Thiên Minh huynh đệ, em đến đây làm gì?" Mao Cầu hỏi tiếp.
Kinh Thiên Minh bùng cháy hi vọng, hỏi: "Em đến tìm một loại ve tên là ve băng đỏ, nghe nói chỉ núi Thần Đô mới có, anh có nghe nói bao giờ không?" Mao Cầu nghĩ một lúc, đáp: "Chưa nghe, nhưng mà anh mới sống ở đây năm năm, không biết chừng là có thật đấy. Hay thế này đi, anh đưa em đi gặp sư phụ anh, có khi ông cụ lại biết chăng. Người anh em, em tìm nó làm gì?"
"Nghe đồn ve băng đỏ có thể giải trăm thứ độc, em có một người bạn cực kì thân, cậu ấy..." Nói tới đây, Kinh Thiên Minh đột nhiên cảm thấy nghèn nghẹn, không nói tiếp được nữa, đành đổi chủ đề, hỏi, "Anh Mao Cầu, ba trận gió ban nãy là anh dùng phép thuật triệu đến thật à?"
"Ừ, chỉ tiếc là đến chậm quá." Nói tới đây, Mao Cầu lại không nhịn được cười như nắc nẻ, song lần này Kinh Thiên Minh không cười nổi, lại hỏi tiếp: "Vậy là anh biết phép thuật phải không?" Mao Cầu cười, đáp: "Anh cũng mới học có năm năm, thế nên lúc linh lúc không đó, ha ha ha."
Kinh Thiên Minh đăm chiêu nhìn mây trắng trên trời, giọng bé tí hỏi: "Không biết phép thuật của anh có làm người ta khởi tử hồi sinh được không?" Mao Cầu lặng thinh một lúc mới đáp: "Anh nghĩ trên đời không có phép thuật này đâu. Những người đã chết đều thuộc về quá khứ, hồi sinh bọn họ thì có ý nghĩa gì? Mà em muốn hồi sinh ai đấy?"
"Nhiều lắm." Kinh Thiên Minh ngẩn ngơ, "Người em yêu quý, người em thật sự quan tâm, đều chết cả." Mao Cầu ngoái đầu nhìn Kinh Thiên Minh, không khỏi ngạc nhiên, ai ngờ cậu bé trước mắt nhỏ tuổi mà giọng đầy đau thương, nhưng lòng Mao Cầu thấu triệt, không vướng việc đời, cậu nói: "Từ xưa đến nay, ai cũng sẽ chết, tôi chết sớm, anh chết muộn, không có gì khác biệt cả, xuân hạ thu đông tuần tự, ngũ hành thịnh suy, sức người há thắng được trời, cậu em tội gì phải buồn chuyện vô ích, chỉ thêm phiền não."
Lời Mao Cầu nói, vào tai Kinh Thiên Minh còn mạnh hơn ba trận gió xoáy mới rồi, bao bận lòng uất ức như đã bị thổi bay cả, nhưng thoải mái chỉ được trong chốc lát, sau ấy lại lần nữa chìm đắm trong âu sầu.
Mao Cầu quay người đứng dậy, phủi cỏ phủi đất trên người, nói: "Cậu em, đi thôi, sư phụ anh thần thông quảng đại, phép thuật cao siêu, chắc chắn sẽ biết cái em bảo gì mà... Ếch xanh đỏ?"
Kinh Thiên Minh hơi cười, đáp: "Là ve băng đỏ mà."
Mao Cầu lè lè lưỡi lại cười chán chê, miệng huýt một tràng, có con lừa nghe tiếng bèn ve vẩy đuôi thủng thẳng đi tới, liếm láp cậu chàng vẻ thân thiết vô cùng. Mao Cầu trỏ con lừa, giới thiệu: "Kinh huynh đệ, đây là Vong nhi, Vong nhi, đây là Kinh huynh đệ."
"Vong nhi," Kinh Thiên Minh bật cười, hỏi con lừa, "Có phải mi hay đi đông đi tây nên mới bị người ta đặt cái tên này không thế?" Cứ như hiểu được tiếng người, biết người ta trêu nó, Vong nhi thẹn thùng cúi đầu, hai lỗ mũi to vụng trộm phì phì hai tiếng, tưởng như đang đáp lại: "Xấu hổ, xấu hổ."
Hai người cưỡi lừa leo lên đỉnh Thần Nữ trong mười hai đỉnh của núi Vu, càng đi thế núi càng dốc, biển cây um tùm, đường đi dần hẹp lại, nhưng Vong nhi đi rất thạo, vào đến lùm cây ngay chỗ vách núi hiểm trở đều biết chỗ này ngoặt, chỗ này rẽ; hình như còn nhớ đường, không cần đến Mao Cầu chỉ huy, nhịp bước chân vừa vững vừa nhanh, leo dốc mà không thở dốc. Kinh Thiên Minh khen: "Anh Mao Cầu, Vong nhi của anh giỏi thật đấy."
Mao Cầu đắc ý vỗ vỗ Vong nhi, nói: "Muốn đi nhanh trong núi phải có nó, sức chân chúng ta không xong. Nếu không có Vong nhi, đi đường lớn mất hai ba ngày cũng không đến nổi Thần Đô cửu cung đâu. Sư phụ anh cưỡi con lừa già tên là Một Vong, lừa con của anh tên là Vong nhi, thầy trò bọn anh hai con 'quên mà không quên' đó..." Mao Cầu hào hứng nói chưa dứt, Kinh Thiên Minh đã hỏi chen vào: "Thần Đô cửu cung? Anh Mao Cầu, anh vừa nói Thần Đô cửu cung?"
Mao Cầu bị ngắt lời cũng không để bụng, chuyện bàn vừa thay đổi đã tiếp lời ngay tức thì, tiếp tục tràng giang đại hải. Chỉ nghe cậu chàng nói: "Đúng đó đúng đó. Anh là người trong Thần Đô cửu cung, Phong Phác Tử sư phụ anh chính là Chưởng môn của Thần Đô cửu cung, là một bậc thầy trong Âm Dương gia, năm nay đã một trăm linh tám tuổi rồi đó."
"Một trăm linh tám tuổi?" Kinh Thiên Minh cơ hồ không thể tin nổi.
"Đúng thế, nhưng sư phụ sống bao nhiêu năm nay mà chưa cả xuống núi lần nào." Mao Cầu lại nói: "Ông cụ bảo, người sống dưới đây chán đánh nhau thì giết nhau, không có nghề nghiệp đứng đắn, đúng thật vậy không? Ôi, mà em ở dưới núi lên, chắc chắn phải biết rồi. Kinh huynh đệ, em nói xem, người dưới núi chỉ biết chém giết người khác thật à?"
Mấy câu hỏi đơn giản của cậu chàng lại làm Kinh Thiên Minh ngỡ ngàng. Từ năm nó chín tuổi rời khỏi cung điện Hàm Dương, người muốn giết nó đếm không xuể, nhưng vì sao họ muốn giết nó? Trừ do chính vua Tần hạ lệnh, có còn đáp án nào khác? Bao nhiêu năm trời, đâu phải nó không hiểu chuyện, chỉ là không muốn nghĩ đến mà thôi. Bây giờ Mao Cầu nhắc đến, tâm trạng lại đầy ắp như non như biển.
Mao Cầu thấy Kinh Thiên Minh hồi lâu không nói gì, lại tiếp: "Kinh huynh đệ, sao không nói gì cả thế? Em không biết, anh cũng đâu có trách em. Mà đúng rồi, em vừa hỏi anh Thần Đô cửu cung?" Kinh Thiên Minh vội hỏi: "Em định hỏi, anh có quen Thần y Đoan Mộc Dung không?"
"Thần y Đoan Mộc Dung?" Mao Cầu hơi lắc đầu, đáp: "Chưa nghe bao giờ. Từ năm anh mười ba tuổi gia nhập môn phái của sư phụ đến nay là năm năm, chưa từng nghe cái tên này. Sao, cô ấy là ai? Anh nên biết à?"
Kinh Thiên Minh định nói, nhưng có một tiếng người đanh lạnh vang từ sau lưng: "Uổng cho cậu tự xưng là đệ tử của Thần Đô cửu cung, sư tỉ của mình mà cũng không biết là sao?"
Kinh Thiên Minh và Mao Cầu sửng sốt, ngoái đầu nhìn ra sau. Một người đàn ông gầy gò khoảng bốn mươi tuổi cũng đang cưỡi một còn lừa, đầu vấn khăn mũ, tay phẩy quạt lông, mũi bé môi mỏng, hai mắt sáng ngời, rõ ràng cũng đang trên đường lên núi Thần Đô.
"Sư tỉ? Ai là sư tỉ?" Mao Cầu kinh ngạc, hỏi, "Sư phụ chỉ có mình tôi là đồ đệ, sư tỉ của tôi ở đâu ra?"
"Mười năm trước Phong lão tiền bối quyết ý bế quan tu hành, đuổi hết môn đồ đi..." Người đàn ông trung niên nhìn Mao Cầu, hơi cười: "Không ngờ về già lại nhận cậu học trò nhỏ tuổi như cậu, chắc cậu được ông cụ yêu quý lắm đây. Phong Phác Tử lão tiền bối vẫn mạnh khỏe chứ?"
"Cảm ơn quan tâm, sư phụ rất mạnh khỏe." Mao Cầu lại hỏi, "Còn các hạ là người quen của sư phụ? Không rõ tôn tính đại danh, lên núi Thần Đô này có việc gì?"
Người đàn ông trung niên đắc ý phe phẩy quạt lông trong tay, cao giọng đáp: "Ta đường đường là quốc sư đương triều nước Tần, Công Dương Ngự. Có việc gì thì, chờ ta lên đỉnh Thần Nữ gặp mặt Phong lão tiền bối khắc sẽ nói."
"Phụ... Vua Tần đã vời một quốc sư từ khi nào vậy?" Kinh Thiên Minh căng thẳng, nhưng thấy đối phương rõ ràng không quen mình, hơi bình tâm lại, trong lòng ngẫm nghĩ: "Đường đường là quốc sư nước Tần, sao cũng đến núi Thần Đô này? Trong chuyện này ắt là có vấn đề." Lòng lập tức cảm thấy lo sợ, ngấm ngầm cảm giác Công Dương Ngự đến đây không có ý tốt.
Còn Mao Cầu không có tâm lí đề phòng với người khác, chỉ thấy người này khá quen thuộc với sư môn mình, tỏ vẻ khó hiểu. Kinh Thiên Minh thấy cậu chàng không có ý kiến gì, nói: "Anh Mao Cầu, hay là chúng ta lên núi cho sớm, bẩm báo với sư phụ anh?"
Mao Cầu hơi gật đầu, liền đó huýt khẽ, hai chân kẹp Vong nhi giục đi nhanh hơn. Đường núi chật hẹp, Công Dương Ngự không vượt lên được, chỉ đành cưỡi lừa bám sát phía sau.
Hai con lừa một trước một sau leo lên núi, qua bao nhiêu chỗ ngoặt mới đến được đỉnh Thần Nữ. Chỉ thấy cây già sừng sững như chọc trời, sương mù lững lờ, ẩn bên trong là một căn nhà gỗ chẳng mấy bắt mắt, trước sân có mấy thửa ruộng phủ kín rau xanh dùng phên thấp quây lại, không ít gà vịt ngan ngỗng thành đàn đang đi lộn nhộn bên trong, lạch bạch tìm giun tìm mồi.
Một ông cụ nhỏ người tóc bạc chấm đất đang vui thú đi sau lũ gà vịt ngan ngỗng, huơ huơ cán gậy thon dài trong tay, miệng nạt khe khẽ. Mao Cầu xuống ngựa, chạy về phía ông cụ gọi: "Sư phụ! Sư phụ! Có khách đến này!"
"Thì ra lão nông không mấy ai chú ý này là Phong Phác Tử," Kinh Thiên Minh trố mắt, nghĩ thầm, "Ông cụ tóc dài này là sư phụ của cô Đoan Mộc ư?" Sao nó thấy ông cụ trước mắt chẳng hơn gì lão nông sáng nay nó hỏi đường? Đây chính là vị chưởng môn Thần Đô cửu cung phép thuật cao cường, thần thông quảng đại nay đã thọ tới một trăm linh tám tuổi mà Mao Cầu nói?
Phong Phác Tử ngẩng đầu nhìn thấy Công Dương Ngự, chỉ thở dài, lúc Kinh Thiên Minh đến gần thì quan sát nó từ đầu đến chân một lượt, nói: "Mao Cầu, bạn mới của con được đấy. Này anh bạn nhỏ, cháu tới đây làm gì?" Kinh Thiên Minh thuật rõ mục đích đến, Phong Phác Tử nghe xong, nói: "Thì ra cháu tới đây là để tìm ve lỡ hẹn?"
"Ve lỡ hẹn?" Kinh Thiên Minh hỏi, "Không phải nó tên là ve băng đỏ ạ?"
Phong Phác Tử đáp: "Không sai không sai, loài ve này to gấp ba lần ve thường, màu đỏ như máu, là động vật cuối hè đầu thu nhưng lạnh như băng nên mới gọi là ve băng đỏ."
Mao Cầu xen vào: "Thế sao còn gọi nó là ve lỡ hẹn ạ?"
"Ấy là vì ve thường chỉ nép dưới đất có bảy năm là chui lên, tìm bạn tình sống bên nhau cả đời; nhưng ve băng đỏ phải ẩn mình dưới đất bảy mươi năm mới chui lên, bảy mươi năm ấy nguy hiểm sớm chiều, được bao nhiêu con có thể bay lên cành cây, gặp được bạn đời đâu? Thế nên cũng gọi là ve lỡ hẹn." Phong Phác Tử trả lời, "Ta sống trên đỉnh Thần Nữ bao lâu nay cũng chỉ gặp có một con."
"Nó chính là con của cô Đoan Mộc rồi!" Kinh Thiên Minh nghe vậy, trong lòng chán nản, nghĩ, "Nếu vậy thì cơ hội tìm được ve băng đỏ lại càng hiếm hoi." Đang định hỏi tiếp, Phong Phác Tử đã giành trước một bước, tự dưng hỏi Kinh Thiên Minh: "Anh bạn nhỏ, ta hỏi cháu, làm thế nào để cầm một hòn đá vừa nung nóng?"
Công Dương Ngự từ lúc lên núi đã bị đối xử lạnh nhạt, nhưng gã không hề để bụng, chỉ cầm quạt lông phe phẩy, bấy giờ nghe câu hỏi của Phong Phác Tử lại dồn hết chú ý, đứng cạnh Mao Cầu chờ Kinh Thiên Minh trả lời.
Câu hỏi đột ngột của Phong Phác Tử làm Kinh Thiên Minh ngẩn người mất một lúc, nó nhìn hòn đá dưới đất, lại lén nhìn khuôn mặt nhăn nheo của Phong Phác Tử, nhớ lời Mao Cầu nói "xuân hạ thu đông tuần tự, sức người há thắng được trời", nó không hiểu ý của "ngũ hành thịnh suy" trong ấy, song trong lòng thấy không ấm không nóng, không bẩn không bệnh, khẽ khàng trả lời: "Chuyện này đâu có khó ạ, đừng để ý hòn đá nung nóng đó vội, chờ nó tự nguội là có thể cầm lên."
Phong Phác Tử nghe vậy thì mừng ra mặt, gật đầu lia lịa khen hay, Công Dương Ngự đứng cạnh thì hơi sững sờ. Vốn rằng đạo hạnh cao thâm như Phong Phác Tử mà nhận đồ đệ, thoạt tiên chắc chắn sẽ hỏi câu này để kiểm tra thiên bẩm, năm ấy Công Dương Ngự cũng từng trả lời, nhưng ý rằng: "Dùng nước lạnh xối vào là có thể cầm lên." Phong Phác Tử không ưa tính thô bạo trời sinh của gã, chỉ dạy gã công phu ngũ hành, còn liên quan đến đại đạo âm dương tương sinh thì chẳng nhắc đến nửa chữ.
Mao Cầu vỗ tay cười, nói: "Kinh huynh đệ, bảo sao anh với em vừa gặp đã thân, năm năm trước anh lên núi chặt củi vừa khéo gặp sư phụ, sư phụ đột nhiên hỏi anh, câu trả lời của anh với em giống y hệt." Mao Cầu vừa dứt lời, Công Dương Ngự đã xám ngoét mặt mày, nghĩ bụng, Mao Cầu như ngọc thô, Phong Phác Tử bế quan rồi lại phá lệ nhận nó làm đồ đệ, ắt hẳn định truyền thụ cho nó hết thảy tuyệt học trên người. Nghĩ đến đây, Công Dương Ngự chợt nổi sát ý.
Mao Cầu không hề nhận ra thay đổi ở Công Dương Ngự, chỉ hồ hởi: "Sư phụ, sao người không thu cả Kinh huynh đệ làm học trò đi? Con cũng vừa hay có bạn." Phong Phác Tử gật gật đầu, bảo: "Sư phụ con đang có ý đó đây." Bắt lấy tay Kinh Thiên Minh, hỏi: "Anh bạn nhỏ, có muốn bái lão già này làm thầy không?"
Công Dương Như đâu muốn thêm một kình địch cho mình, lập tức chắp hai tay cúi người lạy Phong Phác Tử, thưa: "Đệ tử bái kiến sư phụ, sư phụ sống qua trăm tuổi, vẫn tráng kiện như xưa, đệ tử thực lòng mừng thay sư phụ đấy."
Kinh Thiên Minh và Mao Cầu cùng nhìn nhau, Mao Cầu nghĩ: "Sư phụ? Người này gọi sư phụ mình là sư phụ? Thế thì ông ấy chẳng chính là sư huynh của mình? Sao mình chẳng biết gì nhỉ?" Kinh Thiên Minh thì nghĩ: "Thì ra ông ta là sư huynh của Mao Cầu, chẳng trách cái gì cũng biết."
Phong Phác Tử ậm ừ gật gù, chợt vỗ trán trán đánh bộp như nhớ ra, quay đầu nói với Mao Cầu: "Ây chà, ta quên không bảo con, thực ra con có một đại sư huynh tên là Công Dương Ngự đấy, đúng đúng, nó chính là Công Dương Ngự."
Rồi lại cười hì hì nói tiếp, "Ây chà, Mao Cầu à, thực ra có nhiều chuyện ta quên không nói cho con lắm, bây giờ tự dưng nhớ ra đây này. Con còn hai sư tỉ nữa cơ, đại sư tỉ tên là Ô Đoạn, nhị sư tỉ tên là Đoan Mộc Dung. Công Dương Ngự, Ô Đoạn, Đoan Mộc Dung, sau đó mới đến con, ha ha, sao? Giật mình chưa?"
Mao Cầu quả nhiên đang vẻ giật mình kinh ngạc, trong một chốc mà sư huynh sư tỉ càng ngày càng nhiều lên, cậu chàng tấm tắc: "Không ngờ một sư tỉ của con là thần y rồi mà một sư huynh của con còn làm quốc sư nước Tần nữa, giỏi ghê ha."
Phong Phác Tử gật gù đắc ý nhìn Công Dương Ngự, tỏ vẻ khâm phục: "Mao Cầu à, đừng nói là con không ngờ, đến ta còn chẳng biết việc đó đấy, ha ha ha. Thì ra cậu đi làm quốc sư cho nhà Tần cơ đấy, thực giỏi ghê ha."
Công Dương Ngự nghe ngữ điệu Phong Phác Tử có ý mỉa mai, quạt lông phẩy nhè nhẹ, mỉm cười đáp: "Sư phụ, đệ tử phò bậc vua hiền tài nhất thống thiên hạ, tới đây xin người ban cho Lạc thư." Gã không nói đã đành, vừa nói thì Phong Phác Tử lại nhớ ra, vội nói ngay với Mao Cầu: "Đúng rồi, Mao Cầu à, lại có chuyện này sư phụ quên không bảo con, mười năm trước đại sư huynh của con mang Hà đồ xuống núi, đến nay vẫn chưa trả, chỉ tội ông già ta đây chậm nhớ mau quên, lúc Đại sư huynh con mượn cũng chẳng nói với sư phụ con một câu, sư phụ con đương nhiên không nhớ ra được."
Mao Cầu nói với Công Dương Ngự: "Thật vậy ạ? Đại sư huynh, người ta nói có mượn nên trả, mượn lại không khó, sư huynh cũng nên trả Hà đồ cho sư phụ trước rồi hẵng mượn tiếp Lạc thưmới phải."
Kinh Thiên Minh thấy hai thầy trò một già một trẻ nói chuyện với nhau rất chân chất tự nhiên, không có tí gì giả tạo, song nghe giống kẻ xướng người hòa như đang diễn kịch vậy, thầm thấy tức cười, nhưng cũng bội phục sự mộc mạc chất phác ở họ.
Công Dương Ngự nghe Phong Phác Tử nhắc lại chuyện năm xưa mình cướp bảo vật của sư môn, thầm biết hôm nay phải cưỡng đoạt mới xong, trên mặt dần lộ ra sát khí, cười gằn: "Lạc thư, Hà đồ, sư phụ đọc chúng nó mấy mươi năm, đọc đến nát bươm rồi, cho đồ đệ mượn đọc ít thời gian thì có vấn đề gì?" Công Dương Ngự gập quạt lông lại, ấn cơ quan, sống quạt lập tức biến thành một con dao, gã lật tay, liền đó đâm thẳng vào bụng Phong Phác Tử.
Công Dương Ngự ra tay có bất ngờ thật, nhưng nào thoát được ánh mắt Kinh Thiên Minh? Chỉ là nó thấy Công Dương Ngự ra tay vụng về, chắc mẩm cụ già đạo hạnh cao thâm trước mặt có thể ứng phó mới không ra tay ngăn cản, nào có ngờ Mao Cầu hét thảm — con dao trong tay Công Dương Ngự đã lún sâu vào bụng Phong Phác Tử.
"Ông làm gì?" Kinh Thiên Minh giận dữ quát lên, kiếm Thanh Sương trong tay đâm thẳng về phía lưng Công Dương Ngự. Nhát dao của Công Dương Ngự không làm Phong Phác Tử chết ngay, nhưng lưỡi dao lún sâu vào bụng, Phong Phác Tử đã hết đường sống rồi; thêm nữa, thấy kiếm pháp của Kinh Thiên Minh lợi hại, hắn bèn rút dao ngay tức thì, quay người chuồn ngay. Gã chỉ xuýt xoa trong lòng chưa cướp được Lạc thư, cũng chưa giết được Mao Cầu, song dăm việc đó có thể để ngày sau làm, bây giờ mạng gã đang nguy, đoán chừng Kinh Thiên Minh chưa chắc sẽ đuổi theo, gã cuống quýt leo lên lừa trốn xuống chân núi.
Phong Phác Tử không ứng nổi một chiêu, cực kì nằm ngoài dự đoán của Kinh Thiên Minh. Thực ra môn phái Thần Đô cửu cung coi trọng đạo âm dương ngũ hành, xưa nay coi võ nghệ là vụn vặt rườm rà, đời người ngắn ngủi, bảo Phong Phác Tử chịu học làm sao? Thành ra cả Phong Phác Tử lẫn đệ tử của ông đều không biết võ nghệ, như Công Dương Ngự hay Đoan Mộc Dung đều là mười năm trước xuống núi mới bắt đầu tự học. Phong Phác Tử sống đến một trăm linh tám tuổi mà chưa luyện đến nửa chiêu võ, ngay cả nhát dao vụng về vô cùng của Công Dương Ngự mới rồi cũng không thể tránh nổi.
Thấy người Phong Phác Tử sũng máu, Kinh Thiên Minh vội vã giúp Mao Cầu đang gào khóc thảm thiết đỡ Phong Phác Tử ngồi dậy. Phong Phác Tử bị đâm vào bụng, không chết ngay, nhưng mất máu quá nhiều, muốn nói cũng chật vật: "Mao... Mao Cầu, con khóc gì?"
"Sư phụ, sư phụ sắp chết rồi ạ?" Mao Cầu bị hỏi câu ấy còn khóc dữ hơn gấp bội.
"Ngốc... Ngốc ạ, sư phụ dạy con gì con trả hết rồi à?" Phong Phác Tử nói, "Con người sinh ra rồi chết đi, cũng như âm thịnh dương suy, không thể thiên vị bên nào. Con đau lòng vì người chết đi, nhưng người chết chết rồi nào có tri giác, chỉ có người còn sống là con tự chuốc đau lòng mà thôi."
Mao Cầu nghe vậy, lập tức trấn tĩnh lại, quệt nước mắt không khóc nữa, nhưng Kinh Thiên Minh thì ngẩn ra đó, nghĩ: "Mấy năm nay mình nhớ đến mẹ, mình nhớ đến... Cha, chẳng lẽ thật chỉ là mình tự chuốc vạ vào thân ư?"
Mao Cầu hỏi: "Sư phụ, sư phụ còn gì quên chưa bảo con không thế?" Giọng điệu đã về như bình thường.
"Ờ phải ờ phải," Phong Phác Tử đáp, "Sư phụ lại nhớ ra rồi, nhân lúc sư phụ chưa chết hẳn phải nói ngay. Môn phái Thần Đô cửu cung chung ta vốn có hai cửa Âm Dương, năm đàn Ngũ hành, cửa Âm là đại sư tỉ Ô Đoạn của con, học bách độc; cửa Dương là nhị sư tỉ Đoan Mộc Dung của con, tập y đạo; năm đàn Ngũ hành vốn có năm người, chỉ tiếc bốn người còn lại đều bị Công Dương Ngự hại chết rồi, bây giờ chỉ còn mình nó thôi."
"Thế... Sư phụ, thế cái con học là ở cửa nào, ở đàn nào thế?" Mao Cầu ngơ ngác.
Phong Phác Tử cũng trả lời một cách khó hiểu: "Con là đệ tử ta phá lệ thu nhận lúc đã bế quan, sư phụ con nhớ ra cái gì thì dạy con cái đó, chẳng biết con tính là thuộc cửa nào đàn nào nữa, cứ cho là tất cả đi!" Phong Phác Tử nhìn sang Kinh Thiên Minh, lại tiếp. "Chỉ tiếc cho nhân tài như cháu." Bẵng đi một lúc, lại quay đầu dặn dò Mao Cầu: "Sư phụ con lại nhớ ra rồi đây, trong nhà gỗ có tín vật của chưởng môn Thần Đô cửu cung chúng ta, còn cả quyển Lạc thư đại sư huynh con muốn nữa, con phải giữ cho cẩn thận đấy."
"À đúng rồi, nếu có cơ hội lấy được Hà đồ về, con phải ngâm cứu kĩ càng, những gì sư phụ dạy được con thì Hà đồ và Lạc thư cũng dạy được... Sông Hoàng có tranh, sông Lạc thành sách... Một sáu ở Bắc, hai bảy ở Nam, ba tám ở Đông... Năm mười ở giữa... Phục Hi dựa vào đó vẽ Bát quái..." Lời nói dần không đầu không đuôi.
Mao Cầu hơi gật đầu, tỏ vẻ nhất định sẽ nghe theo lời dặn của sư phụ. Bấy giờ Phong Phác Tử bắt đầu hít ít thở nhiều, ông chầm chậm nhắm mắt, lặng tiếng một lúc lâu. Mao Cầu và Kinh Thiên Minh thấy ông không nói nữa, chia nhau ngồi hai bên người Phong Phác Tử, không ai dám rời xa một chốc.
Thời khắc mặt trời ngả về tây, Phong Phác Tử bỗng dưng mở mắt, bình thản nói: "Một âm một dương tức là Đạo, âm dương tức âm hoặc tức dương, thực sự không thể định danh." Nói xong, hai mắt nhắm nghiền, bỗng ra đi.
Ráng chiều rọi muộn, mười hai đỉnh núi Vu được ánh vàng che phủ. Kinh Thiên Minh thấy một con chim sặc sỡ bay vút lên từ đỉnh Phi Phong, hai cánh sải rộng, chớp mắt đã chao liệng trước đi Thần Nữ. Bấy giờ nó mới nhìn rõ đó là một con chim khổng lồ dài hơn sáu thước đầu gà cổ rắn, cằm yến lưng rùa, đuôi cá lớn mọc dài lông vũ năm màu đỏ trắng xanh vàng đen lướt gió.
"Phượng hoàng! Sư phụ, người nhìn kìa, có phượng hoàng thật kìa!" Mao Cầu vừa chỉ vừa kêu, tựa như sư phụ nó chưa chết, nó với sư phụ vẫn đang nói chuyện vậy, nhưng liếc lại chỉ thấy Phong Phác Tử nhắm nghiền hai mắt, bấy giờ Mao Cầu mới thực sự thấm thía, sư phụ từ nay về sau sẽ không nói chuyện với mình nữa.
Kinh Thiên Minh nhìn ngây ngẩn, phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng sau nhà gỗ nhìn xác Phong Phác Tử kêu thương ba tiếng, tiếng nào tiếng nấy cũng như nát ngọc, lại rỏ mấy giọt nước mắt như trân châu, bây giờ mới sải cánh bay lên cao.
Mao Cầu quệt nước mắt, thì thào: "Con không khóc, con nghe lời sư phụ, không khóc." Kinh Thiên Minh ngồi cạnh cũng chảy nước mắt. Hai đứa khóc một thôi một hồi, sau ấy mới bình tâm lại, chôn Phong Phác Tử dưới cây ngô đồng.
Mao Cầu vào trong phòng, mở cái rương gỗ nhỏ ở đầu giường sư phụ nó ra. Tín vật của chưởng môn vốn dĩ là một đôi khuyên tai, khuyên trái là viên tròn, khuyên phải là viên vuông, còn có một cuộn vải rách be bé, hẳn chính là Lạc thư rồi. Mao Cầu đút chúng vào một cái bọc vải nhỏ đeo sau lưng, đi ra nói với Kinh Thiên Minh: "Em trai, em với anh vừa gặp đã thân, hay là giờ mình kết nghĩa huynh đệ đi nhỉ? Từ nay về sau, em là người thân duy nhất của anh rồi."
Kinh Thiên Minh vừa hay có ý ấy, hai người bèn đến trước mộ Phong Phác Tử nặn đất làm hương, kết nghĩa kim lan. Mao Cầu vái thêm ba lần trước mộ, nói: "Sư phụ, giờ đệ tử sẽ xuống núi tìm Hà đồ, mong sư phụ phù hộ." Hẵng còn lưu luyến không nỡ rời, bấy giờ cậu chàng mới kết bạn đường với Kinh Thiên Minh cùng xuống núi.
Kinh Thiên Minh thấy vẻ đau lòng khôn xiết của Mao Cầu, tức tối: "Anh đừng lo, ngày sau có cơ hội, em đây nhất định sẽ giúp anh giết gã Công Dương Ngự nọ báo thù cho Phong Phác Tử lão tiền bối." Đâu ngờ Mao Cầu khua tay nói: "Đừng! Không cần báo thù, Thiên Minh, em phải hiểu, giữa Công Dương Ngự và anh không có thù hận gì, chỉ cần giúp anh lấy lại Hà đồ là được rồi."
"Không có thù hận thế nào được?" Kinh Thiên Minh cực kì sửng sốt, nói, "Chúng mình tận mắt chứng kiến gã giết Phong lão tiền bối mà."
Mao Cầu đáp lại thản nhiên như chẳng có gì bất thường: "Đúng thế, ông ta giết sư phụ thì chúng ta tìm ông ta để trả thù? Thế nếu sư phụ xuôi tay vì tuổi già, chúng ta phải tìm ai trả thù đây?"
"Cái này... Cái này thì em không biết." Kinh Thiên Minh lẳng lặng ngẫm nghĩ, nếu người trong thiên hạ ai cũng nghĩ và làm theo lời Mao Cầu thì thiên hạ đại đồng đêm không cần đóng cửa há là xa vời đâu? Xem ra Đạo của Âm Dương gia đẩy đến chí cực cũng có cái áo diệu khác lối chung đích với Nho gia.
Hai người đi đến lưng chừng núi thì thả Vong nhi và Một Vong tự kiếm cỏ ăn, Mao Cầu lấy lương khô trong tay nải chia cho Kinh Thiên Minh ăn cùng, hai đứa vừa ăn vừa nói chuyện phiếm, bất tri bất giác đã hiểu thêm không ít về nhau. Hai con lừa vốn đang gặm cỏ ở chỗ không xa, bấy giờ tự dưng dừng động tác, chỉ đứng run rẩy, Vong nhi còn hãi đến mức tiểu ra nữa.
Kinh Thiên Minh thấy quái lạ, ra hiệu cho Mao Cầu đừng nhúc nhích rồi rón rén đến gần hai con lừa xem tình hình — trong bụi cỏ có một con hổ vằn vện đang nằm ngủ ngon lành, có lẽ là hai con lừa ngửi thấy mùi hổ nên phát hãi. Kinh Thiên Minh cầm thừng trên mũi hai lừa định dắt đi, vừa quay đầu lại thì thấy Mao Cầu đang bặm chặt môi khoa chân múa tay ra hiệu cho mình.
Hai tay Mao Cầu lúc thì bắt chước động vật vỗ cánh, lúc lại chỉ về phía hổ, Kinh Thiên Minh ù ù cạc cạc, quay đầu nhìn lại con hổ lần nữa — một con ve đỏ như máu to bằng bàn tay đang đậu trên lưng hổ vằn, đó lại chẳng phải ve băng đỏ nó cất công tìm kiếm hơn tháng trời đấy ư? Tiết trời vừa vào thu, nắng gắt như thiêu như đốt, hổ kia cao hai trượng, cực kì sợ nóng; ve băng đỏ màu đỏ tươi song là vật cực lạnh, hổ kia được nó đáp lên người khá là khoan khái, ngủ đến ngon lành, chưa hề phát hiện Kinh Thiên Minh cầm kiếm đến gần.
"Chỉ cần cứu được A Nguyệt, có mất mạng cũng chẳng hề gì." Trong lòng Kinh Thiên Minh đã quyết, nó đâm ra chẳng sợ gì, hai tay nắm kiếm đâm về phía con hổ. Hổ kia nghe tiếng gió rền trong giấc ngủ, nhảy dựng lên, nhát kiếm chưa đâm vào chỗ yếu hại nhưng đã cắm vào chân phải của nó.
Hổ là loài cực kì hung ác, tuy đã bị thương nhưng vẫn ngoác miệng xông về phía Kinh Thiên Minh, song hổ dữ đâu bì được sáu búa cùng bổ của ba anh em Hắc Bạch Hoa? Kinh Thiên Minh liên tay đâm mấy nhát, hổ kia càng ăn đau càng gầm liên hồi, khắp núi khắp lũng đều rung chuyển tiếng rống của nó.
Kinh Thiên Minh không sợ hổ, khổ nỗi con hổ nhảy dựng dậy, ve băng đỏ tức thì bị dọa vỗ cánh bay mất, tốc độ bay chậm nhưng càng bay càng cao, càng bay càng cao, không lâu nữa sẽ mất tăm, nhưng con hổ vàng kia vẫn đang liên tục nhe nanh múa vuốt tấn công nó. Kinh Thiên Minh vừa phân tâm, cánh tay trái lập tức bị vuốt hổ cào trúng, máu tươi như suối.
"Người anh em, em đối phó với hổ, ve băng đỏ để anh cho." Trong lúc nguy cấp, Mao Cầu cong hai ngón giữa móc vào nhau, vững tiếng hét: "Nhân vô tâm! Kim mộc như câu! Kẻ đi tạm đứng!" Hai tay chỉ ve băng đỏ, "Bắt!"
Ve băng đỏ nọ đang bay nửa chừng bị chú định thân của Mao Cầu cản lại, lập tức đứng yên bất động. Kinh Thiên Minh thấy vậy, hết đỗi vui mừng, yên tâm quần nhau với mãnh hổ, nó vừa đánh vừa nghe Mao Cầu không ngừng hét lớn: "Bắt! Bắt! Bắt! Mi bắt! Bắt! Bắt! Bắt! Đừng có trốn nào, bắt! Bắt! Bắt!"
Kinh Thiên Minh chật vật mãi mới đánh gục được mãnh hổ, chạy tới chỗ Mao Cầu lúc này đã đầm đìa mồ hôi, thấy con ve băng đỏ dừng giữa không trung không cả nhúc nhích, giơ ngón cái khen: "May mà có anh đó."
"Hì hì hì, không có gì mà." Mao Cầu khiêm tốn đáp. Kinh Thiên Minh lại hỏi: "Phép thuật đã có tác dụng rồi, sao anh vẫn hét 'bắt, bắt, bắt' mãi không ngừng vậy?" Mao Cầu đang định giải thích, con ve băng đỏ lại tung cánh bay lên, Kinh Thiên Minh thầm nghĩ không hay, thi triển khinh công nhảy vọt lên, dễ dàng chụp được con ve hồng băng giữa hai lòng bàn tay.
"A ha!" Mao Cầu cười, "Giờ em biết vì sao rồi chứ? Bởi vì chú định thân của anh trai em chỉ giữ được mấy giây mỗi lần thôi, a ha ha ha!"
Kinh Thiên Minh bụm ve băng đỏ, A Nguyệt được cứu, trong lòng nó như trút được gánh nặng, cũng khoan khoái cười rộ lên. Định tìm vật gì đó đựng con ve băng đỏ nhưng trong tay chẳng có đồ gì chứa được, theo như Mao Cầu nói, đi thêm một lúc nữa là xuống núi rồi, đến lúc đấy mua đại bát đĩa gì đó ở thôn ở xóm là được, Kinh Thiên Minh gật đầu khen phải.
Hai đứa tiếp tục leo lên lưng lừa, sánh vai chạy thẳng về phía thị trấn. Kinh Thiên Minh ngồi trên lừa không dám lỏng tay, hai đứa vui vẻ tán dóc, chớp mắt đã xuống đến chân núi, Kinh Thiên Minh hỏi, "Anh này, chú định thân của anh lợi hại thật đây, học được phép thuật này rồi thì mọi võ công trong thiên hạ đều biến thành đồ bỏ rồi còn gì? Người ta có lợi hại đến mấy đi nữa, bị anh 'định' một cái thì lại thế nào được?"
"Người anh em nói thế là sai rồi, người biết chú định thân này rất ít, hơn nữa học rất khó, đối mặt với công phu hai mươi năm của người ta e là khó vận dụng nổi, anh đây học đủ năm năm, 'định' một con ve bé tẹo thôi cũng chỉ trong giây lát là nó lại khôi phục như bình thường," Mao Cầu giải thích, "Dùng chú định thân này ấy, kích cỡ của đối phương càng lớn, ý chí muốn cử động sẽ càng mạnh, ý chí mạnh thì khó 'định', nếu gặp phải người có ý chí kiên cường thì như mình chỉ có một sợi cỏ trong tay mà hòng trói hộ pháp bốn tay vậy, 'định' thế nào cho nổi?"
"Hóa ra là vậy, thế thì học phép thuật này với học võ công cũng chẳng khác nhau là mấy, là em đây nghĩ nhiều rồi." Kinh Thiên Minh cười phì, đang nói dở đột nhiên kêu lên, "Ôi cha! Hỏng rồi!"
"Hỏng cái gì cơ?" Mao Cầu đùa, "Ờ, không phải em chán anh học phép thuật vớ vẩn, không muốn kết bái với anh đấy chứ? Hỏng rồi hỏng rồi, chúng mình đã kết bái rồi, giờ hối hận cũng không kịp nữa rồi."
"Không phải không phải..." Kinh Thiên Minh lộ vẻ căng thẳng, nâng hai tay đang bụm ve băng đỏ lên, nói, "Em thấy con ve trong tay em không động đậy nữa hay sao ấy."
"Thế thì hỏng thật rồi!" Mao Cầu cũng bắt đầu căng thẳng, "Đừng bảo là em ép chết nó rồi đấy?"
Kinh Thiên Minh cuống lên hỏi: "Anh, anh có biết ve băng đỏ này dùng thế nào mới giải được mọi loại độc không?" Mao Cầu gãi gãi đầu, đáp: "Ban nãy sư phụ không có nói, anh làm sao biết được?"
Kinh Thiên Minh lại nói: "Thế phải làm sao đây?" Mao Cầu đề xuất ý kiến: "Hay là em hé tay một chút xíu nhìn vào trong xem sao?"
Kinh Thiên Minh lo ve hồng băng bay mất, nghe lời Mao Cầu chỉ hé một kẽ nhỏ, hai đứa cùng thò mặt nhìn vào kẽ, nhưng trong tay nào có bóng dáng con ve băng đỏ nào đâu?
"Xong rồi!" Mao Cầu gào thảm thiết, "Ve băng đỏ trốn rồi!" Kinh Thiên Minh xòe hẳn hai tay ra nhìn, lòng hai bàn tay đều dính chất dịch đỏ như son dần thu nhỏ lại rồi biến mất hẳn. Mặt xám như tro tàn, nó nói: "Không phải trốn, là em làm nó chết rồi."
"Chết rồi? Chết rồi cũng phải có xác chứ? Em xem, sư phụ anh chết rồi cũng có xác đấy thôi?" Mao Cầu kêu lên. Kinh Thiên Minh thầm nghĩ Mao Cầu nói câu này rõ là kì quái, hình như có bất kính với Phong Phác Tử, nhưng nó biết Mao Cầu không hiểu sự đời, nghĩ gì nói đấy mà thôi, lập tức đáp: "Ve băng đỏ hóa thành dịch máu, thấm hết vào lòng bàn tay em rồi, anh xem này!" Đoạn xòe hai tay cho Mao Cầu xem.
Vốn dĩ ve hồng băng là loài cực lạnh, hổ kia cao đến hai trượng mới cảm thấy mát lạnh khoan khoái khi ve băng đỏ đáp trên người nó; Kinh Thiên Minh là một cậu bé mười lăm tuổi, vóc bì thế nào được hổ? Thế nên vừa bụm ve băng đỏ trong tay là thấy lạnh thấu xương. Kinh Thiên Minh được Đoan Mộc Dung chỉ đường, nội lực đã có tiến bộ, bất chợt gặp rét thì thân thể cũng tự nhiên vận nội công kháng lại khí lạnh của ve băng đỏ. Năm xưa Đoan Mộc Dung tình cờ bắt được ve băng đỏ cũng bụm nó trong tay tìm cách hóa tan, khi ấy cô hẵng chưa học nội công, phải đốt lửa lớn lấy nhiệt độ cơ thể ủ ve, qua bảy ngày bảy đêm mới đại công cáo thành, từ ấy bách độc bất xâm. Phong Phác Tử không nhắc đến phương pháp ấy, Kinh Thiên Minh nào biết được đầu đuôi ngọn nguồn, nội lực của nó tự phản xạ, chỉ mất có hai canh giờ đã hóa tan ve hồng băng, nó vô tình biến thành cơ thể bách độc bất xâm mà không hề hay biết.
"Xong rồi xong rồi, xong rồi xong rồi..." Mao Cầu lơ đãng lầm bầm: "Xong rồi xong rồi, xong rồi xong rồi." Trong đầu Kinh Thiên Minh chỉ có suy nghĩ: "Mình hại A Nguyệt rồi, mình hại chết A Nguyệt rồi!" Miệng không thốt thêm một câu nào nữa, chỉ mặc con lừa lắc la lắc lư chở mình về Hoài Âm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro