Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 05Tám mạch khác kinh


Vừa qua nửa đêm, bốn đứa Kinh Thiên Minh, A Nguyệt, Hạng Vũ, Lưu Tất tập hợp trước cửa nhà Đoan Mộc Dung, chuẩn bị xông vào nhà quỷ. Đêm ấy không trăng không sao, tối như đêm ba mươi, trên đường càng không nghe thấy tiếng người, cực kì quỷ dị, đến Kinh Thiên Minh cũng thấy đường phố quen thuộc ngoài cửa nhà mình bấy giờ thực làm người ta phát khiếp.

Mặt Lưu Tất nhăn nhó khổ sở, vẻ như sắp khóc đến nơi, môi trớt trớt run giọng: "Vì... Vì... Vì sao em cũng phải đến đây lần nữa cơ..."

A Nguyệt run môi, trả lời: "Mọi... Mọi người đều là... Bạn... Bạn tốt... Có phúc cùng hưởng có họa cùng... Cùng... Cùng..." Một chữ "chia" cuối cùng lại chẳng thể bật ra.

Sắc mặt Hạng Vũ cũng khó coi, nhưng lén nhìn vẻ tài cao chẳng sợ gì của Kinh Thiên Minh, bụng không muốn nhận thua, cũng hơi khoe mẽ vỗ vỗ vai Lưu Tất, an ủi: "Đừng sợ, anh bảo vệ cậu." Lưu Tất gật đầu, lập tức trốn ra sau lưng Hạng Vũ.

Thoạt nhìn, Kinh Thiên Minh là đứa trấn tĩnh nhất trong bốn đứa, nhưng hoàn toàn không phải vì lá gan nó to hơn người khác bao nhiêu, thực tế vừa vì biệt viện Cầm Vận ở ngay cạnh cửa nhà nó, tuy không rõ ẩn tình nhưng cũng đã bầu bạn lâu ngày, đương nhiên không thể không hoài nghi chuyện nhà quỷ; vừa vì nơi đáy lòng Kinh Thiên Minh vẫn cảm thấy, nữ quỷ có đáng sợ đến đâu cũng tuyệt không thể so với ác mộng của nó.

Chuyện đã qua ba năm, nhưng thi thoảng Kinh Thiên Minh vẫn mơ thấy ác mộng giống hệt thuở trước, trong mơ luôn luôn có Hàn Thân khắp người là máu dẫn nó chạy trốn, có mẹ nó vừa gào khóc vừa kiên quyết đẩy nó đi, còn có phụ hoàng lẳng lặng quay lưng không buồn nhìn nó thêm lần nào. Một hai năm gần đây, trong mơ còn xuất hiện thêm một người đàn ông không rõ mặt mũi bị loạn đao chém chết.

Kinh Thiên Minh đã không nói lung tung, không khóc nức nở trong mơ nữa; thi thoảng giật mình tỉnh lại giữa đêm khuya thanh vắng, chỉ còn mồ hôi túa khắp người và nỗi hoảng sợ khôn xiết. Cái Nhiếp và Cái Lan chỉ cho rằng, ngày tháng qua lâu, thằng bé sớm muộn cũng quên dần, chứ đâu biết đó là Kinh Thiên Minh càng giấu kĩ, càng giấu giỏi.

Nghĩ sắp phải vào nhà quỷ, A Nguyệt trừng lớn mắt, không đừng được nắm tay Kinh Thiên Minh mượn dũng khí. Kinh Thiên Minh nắm chặt tay A Nguyệt, thấp giọng nói với mọi người: "Đi thôi." Dứt lời, chìa tay đẩy thử cửa, không ngờ cửa vừa đẩy đã không một tiếng động mở ra, dọa cả bốn đứa tim đập loạn xạ. Lưu Tất ai oán: "Đích thị là... Nhà của quỷ rồi... Nào có người nào... Không khóa cửa nhà?" Chân mềm oặt, không dám đi tiếp về phía trước.

Con đường nhỏ trong rừng trúc quanh co mà đen kịt. Kinh Thiên Minh hơi điều chỉnh hô hấp; không phải nó không sợ quỷ, chỉ không sợ bằng ba đứa kia, thêm việc tự giấu kín tâm tình đã từ từ biến thành thói quen mà lúc này nó có thể tỏ ra tương đối bình tĩnh. Kinh Thiên Minh dẫn theo A Nguyệt đã cứng đơ người ở bên cạnh, nói với Hạng Vũ: "Từ giờ chúng ta tách nhau ra để đi, không thì làm sao so ai trộm được bộ xương trước?" Hạng Vũ không muốn cũng đành phải đáp: "Được, một lời đã định, ai thua cũng không được lấp liếm."

Bốn đứa lập tức chia làm hai nhóm, một trái một phải mò mẫm tiến về phía căn nhà trúc. Ếch nhái côn trùng kêu vang, bấy giờ nghe thấy cũng khiến bọn trẻ dựng tóc gáy, nhưng không ai muốn thua cược, bốn đứa chỉ có thể bất chấp.

Kinh Thiên Minh dẫn A Nguyệt lần tới cửa chính căn nhà trúc, đang định bước vào tra cho rõ ngọn ngành, A Nguyệt chợt nghe thấy tiếng "cộc cộc" rất vang, rít ầm lên: "Nghe kìa! Quỷ đang khóc, quỷ đang khóc!" Nói sao cũng không chịu đi vào nhà, kiên quyết đứng ngoài cửa đợi Kinh Thiên Minh trộm xương mang ra.

Phía sau nhà trúc, Hạng Vũ, Lưu Tất nghe thấy một tiếng kêu thảm thiết chói tai, sợ đến mức cả người mềm nhũn. Lưu Tất không muốn đi tiếp, nhưng bảo sao Hạng Vũ cũng không chịu, hai đứa một trước hai sau lần mò trong bóng tối lẻn vào nhà. Vừa vào tới sảnh chính, Lưu Tất bỗng thấy một cái bóng vụt qua trong bóng tối, không kìm được run giọng hỏi cho chắc: "Kinh Thiên Minh? Là Kinh Thiên Minh phải không?" Kinh Thiên Minh định đáp trả, bỗng nghe Hạng Vũ hét lên, nó và Lưu Tất lập tức quay đầu nhìn lại, không khỏi cùng hít một hơi lạnh. Trên cái bàn vuông chỉ đốt một ngọn nến, ánh nến lay động càng thêm phần quỷ dị; một bộ xương ngồi ngay ngắn bên cạnh bàn, tay trái ung dung chống sọ như đang quay người lại nhìn. Ba đứa thấy thế mà rùng mình. Hạng Vũ, Kinh Thiên Minh liếc mắt nhìn nhau, sợ thì sợ, hai đứa vẫn tung người lao lên cướp bộ xương. Kinh Thiên Minh chạm phải Hạng Vũ trong bóng tối, không nghĩ ngợi nhiều, lật cổ tay phải, dùng một đòn tóm tóm lấy tay thằng bé nọ, tay trái tiếp tục đưa ra phía trước định tranh phần. Hạng Vũ vội vàng giơ chân đá Kinh Thiên Minh, ai ngờ Kinh Thiên Minh thân dưới vững vàng mà người trên linh động, bước chân chỉ hơi loạng choạng đã vung một quyền trúng ngực Hạng Vũ cái "bịch". Một chiêu ấy của Kinh Thiên Minh kém sức lực hơn rất nhiều so với võ sư trong nhà Hạng Vũ, song lại có một luồng khí gây bức bối trong ngực thằng bé. Thấy Kinh Thiên Minh sắp thuận buồm xuôi gió, nó không buồn cả thở, lập tức dang hai tay, lao cả người về phía Kinh Thiên Minh.

Giữa lúc hai thằng bé mười tuổi lẻ quần nhau túi bụi trước bộ xương, một cơn gió lạnh đột nhiên ùa vào, dập tắt ánh nến, trong phòng chợt giơ bàn tay chẳng nhìn thấy ngón. Trong bóng tối, nhân lúc Hạng Vũ ngẩn người hơi lỏng tay, Kinh Thiên Minh đã chớp thời cơ, dựa vào phương hướng nhớ trong đầu lăn về phía trước, đoạt bộ xương ôm lấy chạy ra ngoài. Hạng Vũ cũng kéo theo Lưu Tất đuổi ra theo. Khi ấy, mây đen trên trời đã tản, ánh trăng rọi thênh thang, cảnh vật nhìn cực rõ, ba đứa vừa chạy ra khỏi nhà lại cùng lúc khựng chân, bị cảnh tượng trước mắt làm cho nghẹn họng vì kinh hãi.

Dưới ánh trăng, cả người A Nguyệt cứng đờ một cách không tự nhiên, hai tay hai chân giạng ra như chữ đại đứng nghiêng, thấy ba đứa đi ra, nó không động đậy mà thốt lên hoảng hốt: "Quỷ... Quỷ ở sau... Sau lưng... Chạm vào tôi, tôi không... Cử động được!"

Ba đứa nhìn ra đằng sau A Nguyệt, quả nhiên có một nữ quỷ mặc áo xanh, tóc dài xõa kín mặt nhìn không ra bộ dạng, đứng trước Kinh Thiên Minh đang ôm bộ xương, nữ quỷ cất tiếng than khóc thê thảm: "Cậu... Cậu định mang chồng ta đi đâu?"

"Oa!" Lưu Tất hãi tới mức tè róc rách ra quần, chỉ thấy nữ quỷ thoắt cái đã lướt đến sờ lên ngực nó, "Em... Em... Em cũng không cử động được, Hạng Vũ... Cứu em với!" Hạng Vũ nuốt nuốt nước miếng, thấy nữ quỷ đang càng lúc càng áp sát nó, không đừng được nói: "Kinh Thiên Minh, anh... Anh trả lại... Chồng cho... Cho cô ta đi?" Nói chưa dứt lời, cũng bị nữ quỷ sượt qua người, tức khắc không thể động đậy.

Ba người chỉ còn lại Kinh Thiên Minh, nó vốn định nhấc chân bỏ chạy, nhưng cảm thấy bỏ lại ba người A Nguyệt cũng quá không nghĩa khí. Nó hơi nghiến răng nhìn A Nguyệt, Lưu Tất và Hạng Vũ trông như ba con tò te, nghĩ: "Không trốn thì chỉ có đánh, đánh không lại cùng lắm là chết chứ gì."

Không phải nói, nữ quỷ ấy chính là chủ nhân của "nhà quỷ", Đoan Mộc Dung. Vốn cô ở trong nhà nghe thấy tiếng chí chóe nói cái gì mà có quỷ ở ngoài cửa, đi ra xem, hóa ra là bốn đứa trẻ con nhân đêm mò vào "nhà quỷ". Ngay tức thì, tính trẻ con nổi lên, xếp bộ xương ngồi cạnh bàn, xõa bù xù mái tóc dài đi ra dọa bọn trẻ con chơi.

Bây giờ, thấy Kinh Thiên Minh chẳng những không sợ mà còn đặt bộ xương xuống, đứng vào tư thế chuẩn bị đánh nhau với cô, Đoan Mộc Dung vô cùng kinh ngạc, càng thêm thích thú, càng muốn thử lá gan đứa trẻ nọ rốt cuộc lớn đến đâu. Cô phẩy nhẹ mái tóc dài, giơ tay tỏ vẻ lắng nghe, hỏi bộ xương: "Chồng à, chàng nói gì cơ? Bảo ta đừng làm khó lũ trẻ?"

A Nguyệt vừa nghe vậy, liến thoắng kêu lên: "Đúng đúng đúng, đừng chấp chúng tôi làm gì, các vị đại quỷ rộng lượng," nó vốn định nói "đại nhân rộng lượng", nhưng nghĩ đối phương là quỷ không thích hợp dùng, đổi thành "đại quỷ rộng lượng".

Quả nhiên thấy Đoan Mộc Dung nói: "Chồng ta bảo, không tính toán với các ngươi."

"Đúng đúng đúng," Lưu Tất cũng vội vàng phụ họa, "Trước nay tôi chưa từng thấy quỷ nào tốt như các vị, về nhà tôi nhất định sẽ bảo cha đốt thêm nhiều tiền giấy, đốt một xe bò... không, đốt ba xe bò được không?" Đoan Mộc Dung vừa nghe chỉ muốn lăn ra cười, mãi sau mới nhịn được, nhặt bộ xương lên ôm vào lòng, nói với Kinh Thiên Minh: "Chồng ta bảo, chỉ có cậu quấy nhiễu giấc ngủ của chàng, muốn giờ tí đêm mai cậu quay lại để chàng tự mình dạy dỗ cậu, cậu có dám đến không?"

Kinh Thiên Minh nghe vậy, cả kinh, nhưng lúc ấy chỉ mong ba người còn lại vô sự, liền nói: "Được, tôi đến! Nhưng cô thả ba người bạn của tôi ra trước đã." Đoan Mộc Dung gật đầu, giơ tay vỗ mấy cái lên người ba thằng bé kia, tay chân chúng lập tức linh hoạt trở lại. A Nguyệt vội kéo giật Kinh Thiên Minh, nói : "Anh ngớ ngẩn à? Sao lại đồng ý với ả?" Vừa nói, vừa kéo Kinh Thiên Minh theo sau Hạng Vũ, Lưu Tất ba chân bốn cẳng chạy, bốn đứa trẻ nhỏ trong chớp mắt đã biến mất khỏi con đường nhỏ quanh co khúc khuỷu trong rừng trúc.

Giờ tí đêm hôm sau, Đoan Mộc Dung đang ngồi trong nhà nhâm nhi thưởng thức món gà rừng rưới canh sáng sớm mua ở quán rượu về, đang gặm say sưa thì có tiếng trẻ con ở sau lưng: "Tôi tới rồi", người đến chính là Kinh Thiên Minh. Đêm qua Đoan Mộc Dung vui đùa, nghĩ thằng bé nọ nhất định sẽ nuốt lời, sợ quỷ nên không dám đến, ai ngờ nó giữ chữ tín, nửa đêm thật sự tới chỗ hẹn một mình, không khỏi thầm khen dũng khí của thằng bé.

Kinh Thiên Minh tỏ vẻ không hiểu hỏi Đoan Mộc Dung: "Nữ quỷ ở đâu?" Đoan Mộc Dung không nhịn được, phì cười: "Nữ quỷ ở đâu ra? Ta tên Đoan Mộc Dung, còn nhóc?"

"Tôi tên Kinh Thiên Minh." Kinh Thiên Minh nhìn ngang nhìn dọc, lại hỏi: "Thật không có nữ quỷ? Thế nam quỷ đâu?"

"Cũng chẳng có nam quỷ nào hết, nhóc con được lắm, lá gan không nhỏ đâu." Đoan Mộc Dung cảm thấy thằng bé khác người thật sự, trong lúc vui vẻ nhất thời còn định chia đùi gà cho nó ăn, song ngẫm lại thì vẫn không nỡ, hỏi: "Nhóc con, có muốn uống ngụm canh không? Cô phần cho nhóc một ngụm."

Kinh Thiên Minh lắc đầu, tỏ vẻ không tin nói: "Cô đừng gạt tôi, chắc chắn có quỷ mà, hôm qua nữ quỷ dùng yêu pháp, chỉ vỗ một cái, có ba người trong chúng tôi đều không thể cử động."

"Nhóc nói cái này hả?" Đoan Mộc Dung chưa dứt lời, nhanh như chớp đã điểm một phát lên thắt lưng Kinh Thiên Minh. Kinh Thiên Minh bỗng cảm thấy hai chân mỏi nhừ, lảo đảo sắp ngã ra đất, Đoan Mộc Dung lại vỗ vào thắt lưng nó, hai chân tức khắc khôi phục sức lực. Kinh Thiên Minh định mở miệng hét lên hai chữ "yêu pháp", nhưng Đoan Mộc Dung đã cười hi hi vỗ tiếp lên người nó, hỏi: "Ta chính là nữ quỷ ấy đấy, sao?" Một tay vẫn cầm đùi gà ăn dở, tay kia tiếp tục hết vỗ lại điểm lên người Kinh Thiên Minh.

Kinh Thiên Minh một chốc không thể cử động lại đột nhiên cả người linh hoạt, một chốc hai tay vô lực lại trong giây lát lưu thông máu khoan khoái dễ chịu. Biến hóa đủ kiểu chỉ trong nháy mắt, song chỉ thấy Đoan Mộc Dung vẫn như người rảnh việc tiếp tục gặm đùi gà trong tay.

Kinh Thiên Minh đứng đực tại chỗ, vừa kinh hãi, vừa bội phục tới mức nói cũng không nên lời, chỉ có thể sững người nhìn chòng chọc Đoan Mộc Dung. Hồi lâu sau, Đoan Mộc Dung mới ăn hết cái đùi gà, nước canh trên ngón tay cũng mút sạch đến giọt cuối cùng, bấy giờ mới lưu luyến không thôi đặt xương gà xuống, khe khẽ thở dài như đang từ biệt người yêu, quay đầu nhìn Kinh Thiên Minh.

"Đó không phải yêu pháp mà là một môn công phu của ta, tên Cơ hỏa thiêu tràng đả huyệt pháp." Đoan Mộc Dung đắc ý nói.

"Cơ hỏa thiêu tràng đả huyệt pháp?" Kinh Thiên Minh không dám tin, lại hỏi lại: "Không phải yêu pháp mà là võ công?"

Đoan Mộc Dung đáp: "Đúng, đây là một môn võ công vô cùng lợi hại."

Huyệt đạo học chính là một môn học của riêng dân tộc Trung Hoa phát triển nên, sách y học vẫn nói dùng châm trị tật chữa bệnh, cũng có thể giúp người luyện võ đả thông kinh mạch, tăng dưỡng nội kình, song huyệt đạo học chỉ vừa hưng khởi từ thời Xuân Thu Chiến quốc, bí quyết trong đó phần lớn đều là bảo bối "bí" nhưng không "truyền", kẻ hành y và người học võ tuy biết đến mà không hiểu. Thực sự phải đến thời đại Tam quốc gần năm trăm năm sau, Hoàng Phủ Mật mất gần trọn đời để soạn thành Châm cứu giáp ất kinh, huyệt đạo học trở thành học thuyết nổi tiếng ai ai cũng biết. Đoan Mộc Dung có cả tài chữa bệnh cùng võ học, phương pháp điểm huyệt có thể nói là do cô đề xướng.

Hai mắt Kinh Thiên Minh sáng ngời, chăm chăm nhìn Đoan Mộc Dung một lúc, chợt nói: "Dạy cho tôi đi."

Tuy Đoan Mộc Dung khá yêu thích đứa trẻ trước mặt, nhưng chưa yêu thích đến mức bằng lòng làm trâu làm ngựa dạy võ công cho người ta; huống hồ, muốn học tập bộ võ công này thoạt tiên phải thông hiểu toàn bộ những phần kiến thức đi trước, đó lại càng là bí mật trong bí mật, hỏi cô sao chịu để lộ cho người khác dễ dàng như vậy? Liền lắc đầu, nói: "Ta không thể dạy nhóc, nhóc hãy từ bỏ ý định ấy đi." Kinh Thiên Minh nghe Đoan Mộc Dung nói không thể dạy, vô cùng thất vọng. Đoan Mộc Dung đột nhiên nhớ ra, thiên Cốt không luận trong cuốn sách y cô tự soạn vẫn còn rất nhiều nghi vấn, tuy cô đã tự lấy thân mình thử nghiệm nhưng còn rất nhiều bất tiện, đứa trẻ này có thân thể khỏe mạnh, hai lần vào tới nhà mình cũng coi như có duyên. Đoan Mộc Dung suy nghĩ một lúc, hỏi Kinh Thiên Minh: "Như vậy đi, nếu nhóc đồng ý mỗi tối ăn cơm xong tới đây để ta châm mấy kim trên người, nói không chừng ngày nào đó ta cao hứng sẽ truyền cho nhóc công phu này, thế nào?"

Kinh Thiên Minh lộ ra mặt cười hiếm khi xuất hiện, trả lời: "Được, một lời đã định."

Trong hai năm tiếp theo, Kinh Thiên Minh vừa sớm tinh mơ đã dậy theo Cái Nhiếp luyện võ, vừa từ học đường về, hấp tấp ăn cơm là tới miếu nát làm sư phụ tạm thời của A Nguyệt. Kinh Thiên Minh luôn học gì dạy nấy, buổi sáng Cái Nhiếp dạy nó luyện những gì, buổi chiều nó liền dạy A Nguyệt luyện những cái đó, A Nguyệt không hiểu, nó sẽ làm mẫu, A Nguyệt luyện, nó cũng luyện cùng. Thực sự là học đi học lại những gì Cái Nhiếp dạy cũng có một chút hiệu quả.

Đến tối, lại đi gặp Đoan Mộc Dung học tập về kinh mạch huyệt đạo. Tuy Đoan Mộc Dung mừng thầm cơ duyên vừa khéo, gạt được một đứa trẻ ngoan ngoãn đến tận cửa giúp mình nghiên cứu, song vẫn tưởng rằng chẳng mấy tháng thì đứa trẻ nọ sẽ kêu khổ thấu trời mà bỏ trốn mất dạng, không ngờ Kinh Thiên Minh biết nhẫn nhục chịu đựng, ngày ngày bị chích bị châm mà không hề buông lời oán trách. Từ khi sinh ra, tính cô đã sớm nắng chiều mưa, không dễ thân thiết với người khác, Kinh Thiên Minh lại đề phòng người khác rất ghê gớm, đến nỗi tính tình tưởng như xa lánh lạnh lùng, nhưng không hiểu sao hai người họ lại cực kì ăn ý, sau hai năm đã trở thành bạn vong niên, hoàn toàn không mang đôi bên hơn kém nhau chừng hai chục tuổi.

Đêm ấy Kinh Thiên Minh lại tới nhà Đoan Mộc Dung, đi vào gọi to: "Cô Dung, con tới rồi đây." Đoan Mộc Dung đang mài châm trong khay bạc, Kinh Thiên Minh ló đầu nhìn vào, trên đá mài dao những kim tròn, kim móc, kim nhọn, kim dày, kim sắc tròn, kim nhỏ, kim dài, kim to đều là "bạn cũ" cả, cây nào cũng đã cắm trên người nó vô số lần.

Kinh Thiên Minh ngạc nhiên hỏi: "Cô Dung, hôm nay không phải mùng một, cũng không phải ngày rằm, sao cô lại muốn mài kim?" Đoan Mộc Dung quay đầu nhìn Kinh Thiên Minh, trong mắt lộ vẻ vui mừng khôn xiết, run giọng nói: "Nhóc ngoan, nhờ con chịu hơn hai nghìn châm, hôm nay cô của con đã thành việc lớn rồi." Dứt lời, Đoan Mộc Dung kéo Kinh Thiên Minh tới trước cái bàn nhỏ, chỉ vào đống thẻ tre dày cộp trên bàn, nói: "Con xem, viết xong rồi!"

Thẻ tre đặt trên bàn dài tầm một ngón tay, Đoan Mộc Dung viết chữ trong cật tre, không để lề trên, mỗi thẻ một dòng, số chữ không đồng đều, nhìn thoáng qua đâu như có hơn hai trăm thẻ, đầu mỗi thẻ khắc hai chữ Tố vấn. Cuốn sách này, Đoan Mộc Dung mất bảy năm, tìm tòi người sống kẻ chết khắp đại giang nam bắc mới soạn nên.

"Thật hay quá! Cô Dung, cô viết xong rồi." Kinh Thiên Minh lật thẻ tre, chỉ thấy phía trên phân thành tên các thiên Cốt không luận, Nuy luận, Cử thống luận, Thích yêu thống luận, trình bày mấu chốt, bên trong đều ghi chép kiến thức phong phú về phủ tạng, kinh mạch, huyệt đạo trên thân thể người, cùng các loại bệnh tật và phương pháp chữa trị. Kinh Thiên Minh vuốt thẻ tre, khen thật lòng: "Cô Dung, cô thực sự rất giỏi đó." Đoan Mộc Dung cũng vui vẻ đáp: "Đó ít nhiều cũng nhờ công của con nhím nhỏ con."

"Lại đây!" Đoan Mộc Dung thân thiết nói: "Mấy năm trước, ta từng nói muốn dạy con môn điểm huyệt." Kinh Thiên Minh nghĩ thầm: "A, cuối cùng cô Dung cũng dạy ta!" Bèn hết sức tập trung nghe từng lời từng chữ Đoan Mộc Dung nói ra, chỉ sợ sót điều gì. Đoan Mộc Dung nói: "Con còn nhỏ tuổi, nếu nội lực không đủ, học công phu điểm huyệt này cũng coi như vô ích, ta thấy thế này đi, ta không dạy con điểm huyệt nữa..."

Trong lòng Kinh Thiên Minh nguội lạnh, hai năm nay cắn răng chịu đựng khổ sở, đã bị đâm hơn hai nghìn kim, mỗi kim nó chịu tương đương với một câu Đoan Mộc Dung viết, chật vật bao nhiêu mới đến ngày Đoan Mộc Dung công thành, ấy mà giờ cô vẫn không chịu truyền cho nó bộ Cơ hỏa thiêu tràng đả huyệt pháp. Song, trong đầu Kinh Thiên Minh nhớ rất rõ ràng, ngày ấy Đoan Mộc Dung chỉ nói với nó không chừng lúc cô vui vẻ sẽ truyền công phu cho nó, không hề nói nhất định sẽ dạy. Lòng buồn bực nhưng miệng vẫn nói: "Cô Dung, không sao đâu."

Đoan Mộc Dung như không nghe thấy, chỉ nghiêm túc nói: "Ta quyết định truyền thụ cho con kiến thức Tám mạch khác kinh." Kinh Thiên Minh chỉ biết Đoan Mộc Dung đã không chịu dạy phương pháp điểm huyệt lại còn truyền thụ cho nó mất thứ vớ vẩn ngoài lề y học, hoàn toàn không biết, Tám mạch khác kinh chính là trọng tâm đi sâu nghiên cứu của Đoan Mộc Dung bảy năm nay.

Chỉ nghe Đoan Mộc Dung nói: "Ai cũng biết con người có mười hai kinh mạch, chính là kinh Thủ thái âm, kinh Thủ dương minh, kinh Túc dương minh, kinh Túc thái âm, kinh Thủ thiếu âm, kinh Thủ thái dương, kinh Túc thái dương, kinh Thủ quyết âm, kinh Túc thiếu âm, kinh Thủ thiếu dương, kinh Túc thiếu dương, kinh Túc quyết âm." Kinh Thiên Minh hơi gật đầu, khi Cái Nhiếp bắt đầu dạy nó nội công cũng đề cập tới mấy cái tên này. Cái Nhiếp nói rõ, nếu người học võ nếu có thể vận khí, đả thông mười hai kinh mạch trên, làm nội công tuần hoàn không có trở ngại, đó là đã luyện thành nội công thượng đẳng.

"Có điều, mọi người chỉ biết một mà không biết hai." Đoan Mộc Dung nói tiếp, "Ta hành nghề y nhiều năm, nghiên cứu cơ thể người, phát hiện ngoài mười hai kinh mạch ra còn có tám mạch 'đi đường khác'. Tám mạch ấy không phối hợp trong ngoài, không nối tiếp hay tuần hoàn qua lại, cũng không hề liên quan tới hệ thống lục phủ ngũ tạng..." Kinh Thiên Minh càng nghe càng tò mò, hỏi: "Vậy tám mạch ấy làm gì ạ?" Nó biết rõ khả năng của Đoan Mộc Dung, Đoan Mộc Dung nói trừ mười hai kinh mạch còn có tám mạch vận hành kì lạ, mà những mạch ấy không thông nhau, cũng không hỗ trợ ngũ tạng lục phủ, lời này vào tai người khác quả thực hoang đường không phải tra cứu, nhưng lòng tin của Kinh Thiên Minh không hề bị lung lay.

Đoan Mộc Dung thấy Thiên Minh tỏ vẻ thản nhiên không mảy may hoài nghi, liền nói tiếp: "Nói thế này đi, nếu ví khí trong thân thể người như dòng nước chảy, mười hai kinh mạch sẽ là kênh ngòi khai thông những dòng nước đó. Con học tập nội công chính là điều khiển khí tuần hoàn theo mười hai kinh mạch, có phải không?" Kinh Thiên Minh gật đầu đáp: "Đúng ạ, khi sư phụ dạy nội công cho con, đúng là đã giải thích như vậy."

"Thế khi con luyện tập nội công, cảm thấy nội lực dâng trào, kênh ngòi tràn đầy thì phải làm thế nào?" Đoan Mộc Dung hỏi, chăm chú nhìn vào mắt Kinh Thiên Minh.

Kinh Thiên Minh xấu hổ đỏ cả mặt, ngượng ngùng đáp: "Cô Dung à, con chưa từng rơi vào tình huống nội lực dâng trào mà không biết làm sao." Vốn dĩ Đoan Mộc Dung tha thiết y đạo, xa lánh võ học, cũng chưa từng gặp tình huống này, lập tức lớn tiếng cười ha ha, nói: "Ha! Sao mà phải cuống? Con học vốn kiến thức này của ta, nghiêm túc tu tập nội công, không quá mười năm, nhất định sẽ gặp phải."

"Thật ạ?" Kinh Thiên Minh lập tức thông suốt, cảm thấy mình không bị đâm uổng hơn hai nghìn kim. Đoan Mộc Dung tiếp tục nói: "Khí huyết con người ví như nước chảy, mười hai kinh mạch là kênh ngòi, còn tám mạch khác kinh này xem như biển hồ, nước trong sông trong kênh trào ra sẽ tích trong biển hồ, nước trong sông trong kênh không đủ sẽ bổ sung bằng nước từ biển hồ. Con đã nhớ được chưa?"

Kinh Thiên Minh trong phút chốc đã lĩnh ngộ được, nói: "A! Con hiểu rồi, đây là công phu tích trữ và lấy nội lực để dùng ở một nơi nào đó! Cô Dung, cô bảo con nói có đúng không?"

"Nhóc ngoan, con thông minh lắm." Đoan Mộc Dung hít một hơi, đột nhiên trở nên nghiêm túc, trịnh trọng nói: "Trước khi ta dạy con về tám mạch khác kinh, con phải thề độc trước, nói rõ, sau này bất kể con có rơi vào hiểm cảnh gì, cũng tuyệt đối không truyền lại kiến thức này cho người khác."

"Được!" Kinh Thiên Minh đứng dậy đi tới bên cửa sổ, quỳ xuống nhìn trời nói, "Đệ tử Kinh Thiên Minh..."

"Khoan đã." Đoan Mộc Dung cắt lời nó, "Ta truyền kiến thức cho con, đó cũng như ta ăn cơm phải trả tiền, hoàn toàn không có ý thu con làm đồ đệ. Muốn trở thành đồ đệ của Thần Đô cửu cung chúng ta, há lại dễ dàng như thế? Ba cái chuyện đệ tử, con bỏ bớt cho ta."

Kinh Thiên Minh bầu bạn Đoan Mộc Dung đã lâu nay, nhưng đây là lần đầu tiên nghe cô nói đến môn phái xuất thân, nhưng từ nhỏ không ở cung Tần thì ở tiệm bánh bao, nó không có khái niệm về đông đảo các môn phái trên giang hồ, chỉ biết Đoan Mộc Dung không muốn thu nó làm đồ đệ. Kinh Thiên Minh biết tính cách Đoan Mộc Dung quỷ dị, cũng không để bụng, chỉ thành khẩn nói: "Hôm nay Kinh Thiên Minh tôi thề với trời, tuyệt đối không nói với ai về học vấn cô Dung dạy, nếu tôi nói ra một câu một chữ nào, phạt tôi mù hai mắt, nát tim đứt ruột, chết không có chỗ chôn."

"Đứng lên đi." Đoan Mộc Dung thấy nó thành tâm, cũng đã thề độc, nâng nó đứng dậy, bắt đầu giảng giải chi tiết: "Cái gọi là tám mạch khác kinh, chính là tám mạch gồm mạch Nhâm, mạch Đốc, mạch Xung, mạch Đái, mạch Âm khiêu, mạch Dương khiêu, mạch Âm duy, mạch Dương duy tổ hợp thành." Tiếp đó, Đoan Mộc Dung dạy Kinh Thiên Minh biết tên gọi của tất cả các huyệt đạo thuộc tám mạch. Huyệt đạo tuy nhiều tuy phức tạp, nhưng đều là các huyệt đạo Đoan Mộc Dung châm tới châm lui trên người nó hai năm qua, có mấy huyệt đạo nó đã biết từ lâu, có quên một số, song qua đề cập của Đoan Mộc Dung cũng đã nhớ rõ trong lòng.

Đoan Mộc Dung nói tiếp: "Ta nhiều lần xem xét giữa mười hai kinh mạch và tám mạch khác kinh, thật ra là có tám huyệt đạo kinh khí thông nhau, ta chỉ nói một lần, con phải nhớ kĩ. Huyệt Nội quan thuộc kinh Thủ quyết âm thông với mạch Âm duy, huyệt Công tôn thuộc kinh Túc thái âm thông với mạch Xung, huyệt Hậu khê thuộc kinh Thủ thái dương thông với mạch Đốc, huyệt Thân mạch thuộc kinh Túc thái dương thông với mạch Dương khiêu, huyệt Liệt khuyết thuộc kinh Thủ thái âm thông với mạch Nhâm, huyệt Chiếu hải thuộc kinh Túc thiếu âm thông với mạch Âm Khiêu, huyệt Ngoại quan thuộc kinh Thủ thiếu dương thông với mạch Dương duy, huyệt Lâm khấp thuộc kinh Túc thiếu dương thông với mạch Đái." Kinh Thiên Minh vội vã đọc thuộc, suy ngẫm lí lẽ trong lời Đoan Mộc Dung.

Đoan Mộc Dung không để ý, tiếp tục nói: "Nội lực bất kể là từ mười hai kinh mạch xuôi dòng vào tích trữ trong tám mạch khác kinh, hay từ tám mạch khác kinh lấy sang mười hai kinh mạch để dùng, nhất định phải thông qua tám huyệt trên, do đó tám huyệt thực sự là cửa ngõ tu tập nội công đến mức thượng đẳng."

Kinh Thiên Minh đột nhiên hỏi: "Cô Dung ơi, nội lực của sư phụ con thâm hậu, nhưng người không biết kiến thức tám mạch khác kinh, sao có thể tu tập nội lực tới mức ấy?"

Đoan Mộc Dung nghĩ một chút, nói: "Có lẽ sư phụ con tu tập nội công năm này qua năm khác, mười hai kinh mạch đã sớm thông thuận không trở ngại, nội lực ngộ nhỡ tràn đầy, cũng một cách tự nhiên thấm qua tám huyệt chảy vào tích trữ trong tám mạch khác kinh, chỉ do sư phụ con không biết thôi. Bây giờ con biết rồi, công phu sư phụ con mất hơn mười năm để tập được, không biết chừng chẳng mất tới năm năm con cũng có thể tu thành."

Kinh Thiên Minh sửng sốt hỏi: "Vậy năm năm sau con không còn công phu nào để luyện nữa sao?"

Đoan Mộc Dung cười, mắng: "Đứa ngốc, con có biết biển lớn sâu chừng nào không?" Kinh Thiên Minh ngẩn người, thuận miệng đáp: "Không thể đo được ạ." Đoan Mộc Dung vặn lại: "Đã như vậy, con nói thử xem, nội công có thể luyện tới trình độ nào nào?" Kinh Thiên Minh hít sâu một hơi, hai mắt sáng ngời, khẳng định: "Đương nhiên cũng không thể đo được ạ." Hai người nhìn nhau cười lớn.

Sáng sớm hôm sau, Kinh Thiên Minh dậy thật sớm, ngồi trên nệm giường thầm nhớ phương pháp tám mạch tám huyệt Đoan Mộc Dung truyền thụ. Nó vốn định viết lại tám mạch và các huyệt đạo, nhưng lại sợ bị người khác phát hiện, thất tín với Đoan Mộc Dung, đành phải thầm nhẩm thuộc.

Đã thuộc xong, Kinh Thiên Minh ngồi xếp bằng, bắt đầu luyện công trên giường, dùng ý nghĩ dẫn đường cho khí, đưa nội lực theo kinh Thủ thái âm qua huyệt Liệt khuyết tập trung ở Đan điền, chầm chậm chạy ngược dọc bụng tới huyệt Quan nguyên, lại phân ra dẫn tới các huyệt quan trọng của mạch Nhâm là Cự khuyết, Thiên trung, Tử cung, Thiên đột, Thừa tương.

Lúc đầu chỉ cảm thấy tay nặng chân tê, khí tắc khó vận hành như con sâu róm ngọ nguậy, tiếng người tiếng vật ngoài nhà ùa hết vào tai, nhưng dù gì nó được thầy giỏi dạy dỗ nội công hơn ba năm, lời Đoan Mộc Dung nói lại có tình lí, nghĩ nước trong kênh ngòi muốn chảy ra sông lớn thực chất chỉ cần lực đẩy lúc đầu, một khi đủ lực thì có thể thuận theo tự nhiên mà trút ra biển. Một canh giờ sau, ý nghĩ trống không, khí tự vận hành, Kinh Thiên Minh chỉ cảm thấy cả người lẫn tâm trí đều sảng khoái khôn tả. Thậm chí khi Cái Nhiếp băn khoăn không hiểu sao nó lại an nhàn ngủ nướng, đi tới khe khẽ mở cửa phòng nó xem tình hình, Kinh Thiên Minh cũng không hề hay biết.

Đến khi đại công cáo thành thì trời đã sang trưa. Kinh Thiên Minh nhìn ra ngoài cửa sổ, hoảng hốt: "Lạ quá, sao thời gian hôm nay lại trôi nhanh như vậy? Nhìn sắc trời, sợ là học đường tan mất rồi." Đang buồn phiền định tự giác đi nhận lỗi với Cái Nhiếp, không ngờ vừa mở cửa đã thấy Cái Nhiếp đứng ngoài chờ sẵn, hai tay chắp sau lưng, vẻ mặt hiền lành mà vui mừng.

"Con ngoan." Kinh Thiên Minh chưa mở miệng, Cái Nhiếp đã mỉm cười khen nó, "Con vốn thiên tư hơn người, còn siêng năng kiên trì tập võ ít ai bì được, nãy ta thấy con tu tập nội công không để ý cả ta, mỗi lần thở ra hít vào đều thông thuận, đều đặn lại kéo dài. Thiên Minh, tốc độ tiến bộ của con vượt xa dự đoán của sư phụ đấy."

Nên biết rằng, nếu là ngoại công, thầy dạy võ nhìn thấy sao có thể không nhận ra ngay? Nhưng nội công chỉ vận chuyển trong người, Cái Nhiếp chỉ nghĩ Kinh Thiên Minh cần mẫn tu tập cuối cùng cũng có kết quả, nhưng đâu biết công phu Kinh Thiên Minh tu tập lúc ấy chính là hội tụ tinh hoa của những gì y và Đoan Mộc Dung dạy nó.

Kinh Thiên Minh thấy Cái Nhiếp trước nay nghiêm nghị đột nhiên hết lòng khen ngợi mình, không kìm được vừa vui vẻ vừa cảm động, cất tiếng gọi sư phụ lại không biết nói gì tiếp. Cái Nhiếp giơ tay phải xoa xoa đầu nó, khoan thai bước vào trong phòng, lấy một bọc đồ đặt trước mặt Kinh Thiên Minh, vẻ mặt đột nhiên nghiêm nghị. Bọc đồ mở ra, để lộ một thanh kiếm. Cái Nhiếp từ tốn nói: "Thiên Minh, cũng nên là lúc con có thể cầm kiếm."

Kinh Thiên Minh nghe vậy, kích động nói: "Đa tạ sư phụ!"

Cái Nhiếp cầm kiếm trên tay xem kĩ, giải thích: "Thanh Sương là thanh kiếm sư phụ từng sử dụng thuở thiếu thời, dùng sắt tinh khiết đúc thành, nay để cho con." Những năm cuối thời Chiến quốc, binh khí đa phần được đúc từ đồng thau, chỉ có một số ít binh khí dùng sắt đúc, kiếm Thanh Sương này có thể coi là một thanh kiếm báu. Nói xong, Cái Nhiếp giao kiếm cho Kinh Thiên Minh đứng hầu bên cạnh.

Kinh Thiên Minh nhận lấy, chỉ thấy kiếm chưa ra khỏi vỏ đã lâm râm tỏa ánh xanh, yêu thích không nỡ rời tay, mừng rỡ thốt lên: "Con có kiếm rồi, sư phụ! Cuối cùng người cũng dạy con Bách bộ phi kiếm rồi!"

Cái Nhiếp mỉm cười, hơi lắc đầu, lại lấy trong bọc một vật khác mở ra, ấy là một xấp lụa bạch cũ mềm, màu đã ngả ố vàng từ lâu nhưng chất vẫn còn trơn bóng tinh xảo. Trên xấp lụa bạch viết đầy chữ, vẽ đầy hình.

Cái Nhiếp trải lụa bạch ra, cảm thán: "Bao nhiêu năm trôi qua, giờ tâm nguyện của sư phụ cũng có thể hoàn thành. Bắt đầu từ ngày mai, ta sẽ dạy con luyện Kinh thiên thập bát kiếm."

Kinh Thiên Minh đầy nghi hoặc, hỏi lại: "Kinh thiên thập bát kiếm? Thế nào là Kinh thiên thập bát kiếm ạ?" Nó đoán, đại khái là một bộ kiếm thuật sở trường khác của sư phụ, chỉ chưa từng đề cập với mình.

"Đây là Kinh thiên thập bát kiếm." Cái Nhiếp nói, chuyển cho Kinh Thiên Minh xấp lụa bạch trong tay. Kinh Thiên Minh hãy còn nét ngây thơ, ngũ quan mềm mại mà anh tuấn, thoạt nhìn rất giống Lệ Cơ, chỉ đôi con ngươi cùng ánh mắt cố chấp là giống Kinh Kha như đúc. Trong chốc lát, chuyện xưa như rành rành trước mắt, Cái Nhiếp tưởng như thấy lại cảnh Kinh Kha cùng Lệ Cơ năm xưa mang theo kiếm phổ này đến tìm y xin giúp đỡ.

Kinh Thiên Minh cầm kiếm phổ, lật đi lật lại xem, nó chắc chắn chưa từng thấy kiếm phổ này, vì sao sư phụ lại mang vẻ mặt nghiêm nghị xót xa như xấp lụa bạch với nó có quan hệ sâu nặng không gì sánh được?

"Năm xưa, cha con hiệu đính Công Tôn kiếm pháp, dung hợp với phong phú các lĩnh ngộ kiếm thuật của bản thân, soạn ra Kinh thiên thập bát kiếm. Trước khi y xả thân vì nghĩa đã phó thác cả kiếm phổ này lẫn một bức huyết thư cho chú Hàn Thân của con, nhờ y chuyển tới tay ta." Nói đến đây, Cái Nhiếp lại thở dài, vẻ vừa vui vừa buồn: "Người xưa đã xa, hào khí hãy còn, nay di nguyện của cha con rốt cuộc có thể hoàn thành rồi."

Hai tay Kinh Thiên Minh nắm chặt xấp lụa bạch, cúi đầu trợn mắt, đầu ong ong cả lên, nghĩ: "Cha ta? Ai là cha ta? Kinh thiên thập bát kiếm gì? Tại sao không phải Bách bộ phi kiếm?" Nó không biết bản thân đang run lẩy bẩy, mãi lâu sau mới thì thào: "Vì sao? Vì sao không phải Bách bộ phi kiếm?"

Cái Nhiếp thấy vẻ mặt nó khác thường, chỉ đoán do thằng bé vừa thấy di vật của cha, bị bất ngờ đến nỗi tâm trạng kích động không thể tự chủ, bèn chìa tay trấn an nó, nói: "Luyện Kinh thiên thập bát kiếm trước, sau đó học Bách bộ phi kiếm. Thiên Minh, cha con không thể không có truyền nhân." Cái Nhiếp muốn hoàn thành nguyện vọng của người xưa trước rồi mới làm tròn nghĩa thầy trò, mặt khác cũng vì đã nghiên cứu kĩ lưỡng một phen, biết Kinh thiên thập bát kiếm trên thực tế thua xa Bách bộ phi kiếm, để Kinh Thiên Minh học từ dễ đến khó vốn là điều nên làm, nhưng lí do này đâu cần phải nói rõ với một đứa trẻ?

Song, trong đầu Kinh Thiên Minh trăn trở hết mãi không thôi vẫn là mấy câu vang vọng: "Cha ta? Cha ta là ai? Ai là cha ta? Cha ta là ai?" Hai mắt nó trừng trừng nhìn kiếm phổ, dường như gặp lại trận ác mộng quấn lấy nó nhiều năm nay, giọng Cái Nhiếp nói bên tai lại như xa vời vợi. Cái Nhiếp đang nói: "Dưới kiếm phổ có bức huyết thư, là thư chính tay cha con viết, cũng là lời cha con trăng trối phó thác con cho ta."

Kinh Thiên Minh chầm chậm mở hết xấp lụa bạch, quả nhiên có một mảnh vải xanh, giống như tức thời xé từ tay áo, khi xưa lấy máu thay mực, nay chữ đã cáu đen, viết lộn xộn không có bố cục, xoắn xuýt quanh hai con chữ đâm đầm đìa máu đôi mắt Kinh Thiên Minh — "Cô nhi".

Trong chớp mắt ấy, đầu nó tựa hồ muốn nổ tung, nó choáng váng, chỉ nghĩ: "Cô nhi! Cô nhi! Là ai biến ta trở thành cô nhi? Ta không có người cha như kẻ này, ta không cần người khác thương hại ta, không ai được phép thương hại ta!"

Kinh Thiên Minh trợn mắt nhìn bức huyết thư trên tấm vải xanh, hai mắt vằn tơ máu, mặt trắng bệch lảo đa lảo đảo đi tới góc tường, đột nhiên hơi nhấc tay trái lên. Cái Nhiếp thấy thế, thất kinh, phẫn nộ quát lên: "Con định làm gì?"

Tay Kinh Thiên Minh buông xuống, kiếm phổ Kinh thiên thập bát kiếm cứ như thế chao nghiêng vào lò than, trong chớp mắt, tấm lụa ố vàng giữa lửa than rừng rực hóa cả thành tro tàn. Thấy Kinh Thiên Minh còn định đốt bỏ cả di thư của Kinh Kha, Cái Nhiếp không suy nghĩ nhiều, giơ tay đè lại tay phải của Kinh Thiên Minh, đoạt lại mảnh vải xanh đẫm máu, bỏ vào ngực. Mùi khét nồng nặc đã bủa ra từ lò than.

Cái Nhiếp vừa giận vừa nghi: một đứa trẻ luôn lịch sự lễ phép, đọc sách tập võ đều vô cùng chăm chỉ, sao có thể biến thành thiếu niên phản loạn ngỗ ngược, hoàn toàn không chịu nhận sai trước mặt y thế này?

Cái Nhiếp vốn ăn nói vụng về, nhưng gặp phải tình huống này, y cảm thấy không thể không nói rõ ràng, sau một hồi im lặng, y nghiêm nghị nói với Kinh Thiên Minh: "Bộ kiếm pháp này do ông ngoại Công Tôn Vũ của con truyền lại, đã qua mấy đời. Công Tôn Vũ có lớn tuổi hơn ta, nhưng hai chúng ta là bạn thân, bộ kiếm pháp này ta cũng từng được chứng kiến thời trẻ. Sau này ông ngoại con cầm quân kháng đại quân nước Tần ở Bộc Dương, thành còn người còn, thành mất người mất, có thể nói y hi sinh vì người trong thiên hạ. Kinh Kha cha của con..."

Cái Nhiếp nói đến đây, Kinh Thiên Minh không kìm được kích động trong lòng, căm phẫn cãi lại: "Ông ta không phải cha con!"

Cái Nhiếp lại thở dài, trong thoáng chốc tưởng như đã già đi không ít tuổi, y nói: "Lòng thị phi, ai ai cũng có. Con lớn lên trong cung Tần, ta cũng từng nghe Phục Niệm kể, vua Tần quả thật đối tốt với con, nhưng con nghĩ kĩ mà xem, người con chưa từng nhìn thấy ấy đích thị là cha ruột của con; cứ coi như ta lừa con, Phục Niệm tiên sinh lừa con, chú Hàn Thân lừa con, nhưng Lệ Cơ mẹ của con lẽ nào cũng lừa con?"

"Ông ngoại con vì kháng Tần mà giao kiếm phổ này cho cha con; cha con vì thích Tần lại chuyển giao kiếm phổ này cho ta, vì lẽ gì đây? Không phải chính vì mong một ngày nào đó trong tương lai, kiếm phổ có thể giao tận tay con ư? Tuyệt không thể ngờ, kiếm phổ không dễ dàng gì tới được tay con, lại hóa thành một đống tro tàn."

Nhớ người xưa, Cái Nhiếp cảm thấy lòng như bị dao cắt: "Ta không hiểu vì sao lòng con lại khinh thường bộ kiếm phổ này đến thế? Con đọc sách thánh hiền nhiều năm, chỉ mong con nghĩ xem, kẻ đứng trên vạn người, trị dân như nô lệ có thể gọi là anh hùng, hay kẻ cứu giúp cho dân, cam nguyện hi sinh mới gọi là anh hùng đây?" Cái Nhiếp nói xong, quay người bỏ đi, chỉ còn một mình Kinh Thiên Minh đứng đực ra đó. Lò than vẫn tiếp tục cháy không ngừng nghỉ.

Hai ngày sau, Cái Nhiếp vẫn chưa nguôi giận hẳn, song lúc trời hửng sáng vẫn gọi Kinh Thiên Minh dậy. Khi hai người vào trong sân, Cái Nhiếp nói: "Từ hôm nay trở đi, ta dạy con Bách bộ phi kiếm."

Kinh Thiên Minh sửng sốt: "Sư phụ, người đồng ý dạy con Bách bộ phi kiếm?"

"Con là đồ đệ của ta, ta không dạy con thì dạy ai?" Cái Nhiếp trả lời.

Lập tức, Cái Nhiếp đem ba chiêu thức Bách bộ phi kiếm chỉ giữ lại tinh túy mà ân sư Mẫn Vu Thiên của y đã hóa phức tạp thành đơn giản lúc tuổi già bắt đầu dạy cho Kinh Thiên Minh, từ chiêu thứ nhất Nhất dĩ quán chi.

Nhất dĩ quán chi, nói là chiêu kiếm, chi bằng nói là phương pháp cầm kiếm dùng kiếm, tổng cộng trong đó chỉ có năm loại kiếm pháp cơ bản: đâm, rút, xỉa, chấm, quét. Lúc trước Kinh Thiên Minh và A Nguyệt nhìn trộm Hạng Vũ tập võ, cũng từng thấy võ sư chỉ dẫn Hạng Vũ những cách sử dụng này, nhưng sau thời gian hai nén hương, võ sư đã truyền thụ cho Hạng Vũ các chiêu kiếm đối kháng, thế mà Cái Nhiếp dạy một thức này đã tốn mất nửa năm.

Còn chiêu thức thứ hai Nhất liễu bách liễu bao gồm hai mươi mốt cách dùng còn lại của kiếm thuật, dù là văng, móc, giữ, vặn, kéo, nhốt... Cái Nhiếp đều dốc lòng chỉ điểm cả, bắt Kinh Thiên Minh luyện đến độ nhắm mắt cũng phải chuẩn xác. Kinh Thiên Minh càng luyện càng cảm thấy Bách bộ phi kiếm nó tập hoàn toàn là công phu nhập môn cơ bản của kiếm thuật, chẳng hề có chiêu thức nào đáng nói. Cho dù thức thứ nhất, thứ hai của Bách bộ phi kiếm thực sự là kiến thức cơ bản, vậy chiêu kiếm lẽ nào đều ở thức thứ ba? Nếu đúng như vậy, vì cớ gì sư phụ không hé nửa lời đề cập tới thức thứ ba Nhất vô sở hữu ấy?

Trong lòng Kinh Thiên Minh hoài nghi: "Nhớ khi còn bé từng chứng kiến, khi sư phụ đánh nhau với người ta rõ ràng đã dùng Bách bộ phi kiếm toàn các chiêu thức tinh xảo phức tạp, lẽ nào vì sư phụ giận ta, ngay từ đầu đã không có ý định dạy ta Bách bộ phi kiếm? Phải rồi, sư phụ hẳn là không muốn dạy ta rồi, còn ngại ta cố quấy rầy nên mới gạt ta như thế."

Nghĩ không thể học được tuyệt học cả đời của Cái Nhiếp, Kinh Thiên Minh cảm thấy vô cùng chán nản, đột nhiên hối hận: "Hay là ta nhận lỗi với sư phụ, xin người dạy ta Bách bộ phi kiếmchân chính nhỉ?" Nhưng ý nghĩ ấy trong chớp mắt đã tan biến, kiêu ngạo trong lòng nó lại áp đảo, "Bỏ đi, sư phụ đã không muốn dạy ta Bách bộ phi kiếm, ta cũng chẳng tội gì hỏi xin người."

Cái Nhiếp càng dạy nghiêm túc, Kinh Thiên Minh càng cảm thấy người trước mặt mình giả nhân giả nghĩa. Tuy trong lòng nghĩ vậy, nhưng dưới ánh mắt sắc bén của Cái Nhiếp, nó cũng không dám lười biếng, động tác có đơn giản cỡ nào, nhỏ nhặt ra sao, nó đều cố gắng đạt tới hoàn mĩ. Mặt khác, Kinh Thiên Minh vẫn cho rằng Cái Nhiếp vì tức giận mà cố ý làm khó nó, bắt nó nhận sai xin lỗi, bèn hạ quyết tâm nhất định phải tập thật xuất sắc, ôm niềm kiêu ngạo mà chịu đựng Cái Nhiếp.

(hết chương 05)

Thường được biết đến nhiều hơn bằng thuật ngữ tương đương "kì kinh bát mạch", nhưng trong chương truyện được đặt ngang với khái niệm "mười hai kinh mạch" để so sánh nên dùng thuật ngữ "tám mạch khác kinh". Để tham khảo, các bạn có thể đọc ở .

Cơ hỏa thiêu tràng đả huyệt pháp: "phương pháp điểm huyệt bụng đói cồn cào".

Tố vấn ("những câu hỏi cơ bản") là nửa đầu tiên và quan trọng nhất của pho sách Hoàng Đế nội kinh đến nay không rõ tác giả, được viết trong khoảng giữa thời kì Chiến quốc và triều nhà Hán, tập hợp các kiến thức xung quanh sức khỏe con người, đánh giá các bệnh chứng và phương pháp châm cứu chữa trị dựa theo Âm dương Ngũ hành và dòng khí.

Tên bốn thiên có thật trong Tố vấn. Thiên thứ 60 Cốt không luận bàn cái đau xương do phong thấp và cách châm cứu, thiên thứ 39 Cử thống luận bàn cái đau do khí lạnh làm tắc nghẽn lưu thông trong kinh mạch, thiên thứ 44 Nuy luận bàn nguyên nhân của sự tê liệt xương cốt, thiên thứ 41 Thích yêu thống luận bàn về đau thắt lưng và cách châm cứu.

Thanh Sương: tương truyền là bội kiếm của Hán Cao Tổ Lưu Bang, lưỡi kiếm sắc bén, ánh xanh như sương tuyết nên có tên "Thanh Sương". Thanh kiếm này thường tề danh với bội kiếm Tử Điện của Ngô Đại Đế Tôn Quyền, ghép thành một đôi "Tử Điện Thanh Sương".

Kinh thiên thập bát kiếm: "mười tám kiếm động trời". Chữ kinh 惊 trong đó đồng âm với chữ kinh 荆 trong tên Kinh Kha, tác giả bộ kiếm pháp này.

Nhất liễu bách liễu: thành ngữ, "xong một việc thì xong cả trăm việc khác".

Nhất vô sở hữu: "hoàn toàn tay trắng".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #tieuthuyet