MỆNH CÁCH THẦN QUAN
Mình cảm thấy, mệnh cách thần quan trong Thiên Quan Tứ Phúc vẫn khá là mơ hồ. Có được mệnh cách, người đó đã bước một chân vào cánh cổng tiên kinh rồi. Truyện đã khẳng định, người có mệnh cách, sẽ trở thành thần quan chứ không hề nói, bắt buộc phải có mệnh cách thần quan mới phi thăng thành thần được. Truyện cũng khẳng định : "Một người có thể phi thăng hay không, không phải chỉ thông minh là được, thông minh kèm nỗ lực cũng chưa chắc đã được, lại càng không phải cứ dốc càng nhiều thiên tài địa bảo thì càng có tác dụng. Đôi lúc nó đáng giận thế đấy. Mười năm học tập gian khổ, không bằng kẻ trời sinh tài trí hơn người xuất khẩu thành thơ. Trăm năm dốc hết tâm huyết, không bằng một cơn tỉnh ngộ trong tích tắc của kẻ khác." Cuộc đời đôi lúc bất công là thế, nhưng ông trời tuyệt nhiên không tuyệt đường sống của con người. Cánh cổng này đóng lại, ta tự dùng sức mở một cánh cổng khác. Sư Vô Độ, ngạo nghễ với đất trời rằng "Mệnh ta ta định, chẳng tại trời", khắc tự có cái lý của hắn. Đó chính là chí khí của con người từ xưa tới nay(dĩ nhiên, mình không hề ủng hộ cách làm phi pháp của ổng là hại người đoạt mệnh). Từ cổ chí kim, con người luôn tìm cách chống lại số mệnh của mình. Trời cho người sinh trong gia cảnh bần cùng nghèo khó, người quyết chí học tập, tay trắng lập nên nghiệp lớn. Trời ban bệnh dịch, người tìm cách chạy chữa, phòng chống. Trời ban mưa bão hạn hán, người chèo lái chống chọi, thích ứng.
Đúng, mệnh cách là trời ban, ta không làm gì được, nhưng cuộc đời mình thì là của mình, vẫn là do mình làm chủ. Cuộc đời con người là phải không ngừng lựa chọn, chọn đúng chọn sai vẫn phải tự mình quyết định, không ai đủ khả năng chọn thay mình, tự mình phải chịu mọi trách nhiệm với quyết định đó, ngay cả ông trời cũng can thiệp được. Hạ Huyền vốn dĩ có khả năng thành thần quan nhưng mệnh cách y lại bị cướp đoạt. Sau này hắn lại trà trộn thành một thần quan giả mạo, trả được thù, có thể lấy lại mệnh cách nhưng hắn vẫn lựa chọn từ bỏ. Sư Thanh Huyền số phận ban đầu là sống cuộc sống an nhàn sung sướng tuy nhiên bị Bạch Thoại chân tiên ám quẻ, sau lại được đổi mệnh, phi thăng thành Phong sư. Sự thật vở lỡ, y vẫn giữ mệnh cách Phong thần, nhưng y lựa chọn từ bỏ, trở về làm phàm nhân. Tạ Liên 2 lần đầu phi thăng thành thần, nhưng y vẫn lựa chọn làm theo con tim, trở về làm người phàm. Hoa Thành từ lệ quỷ phi thăng thành thần, là điều khó khăn biết bao, thế nhưng lại tự mình nhảy xuống, quyết chí thành Tuyệt. Mệnh trời an bài cho họ 1 cuộc sống khác, nhưng sự thật họ đang sống cuộc đời ấy sao? Tất nhiên là không! Cuộc đời họ đều rẽ nhánh theo những hướng khác nhau và điều đó là do quyết định của bản thân họ.
Nhân định thắng thiên, đó là điều Thiên Quan Tứ Phúc muốn truyền đạt. Con người luôn có thể tạo nên kỳ tích, mà bản thân con người cũng đã là kỳ tích của tạo hóa. Thế sự vô thường, con người vốn nhỏ bé yếu ớt, luôn ngụp lặn trong vòng xoáy không ngừng của trần thế. Tạ Liên từ đỉnh cao vinh quang, bị đánh rơi xuống vực sâu vạn trượng, ấy vậy mà y vẫn có thể ngoi lên, trở lại vị trí ban đầu, thậm chí còn vinh quang hơn cả trước kia, pháp lực đứng đầu chúng thần, như phượng hoàng tái sinh từ tro tàn. Hoa Thành, từ một đứa trẻ thiên sát cô tinh, người người hà hiếp nhưng hắn tay trắng làm nên sự nghiệp, trở thành 1 đại nhân vật vạn người kính sợ, đến thần cũng phải kiêng dè. Vì sao họ làm được như vậy? Vì họ ngoan cường, không đầu hàng số phận, luôn tìm cách vùng vẫy tiến lên phía trước.
Quay trở lại với vấn đề, ta có thể khẳng định được rằng, người không có mệnh cách thần quan, như "người có đức mà không có tài, làm việc gì cũng khó". Nhưng khó không có nghĩa là không thể. Đúng là dù cố gắng kiên trì, ta chưa chắc hái được quả ngọt. Nhưng nếu ngay từ đầu không làm gì, thì tới cái lá còn chẳng có nói chi là tới quả ngọt hay chua. Người có mệnh cách thần quan, đúng là đã bước được 1 chân vào cổng tiên kinh, nhưng chân còn lại, vào hay không là ở tại bản thân mình. Lần phi thăng thứ ba của Tạ Liên là một minh chứng rõ ràng. Sau lần thứ 2 bị giáng cấp, Tạ Liên có thêm một gông nguyền rủa, tác dụng là đánh tan số mệnh của y. Nghĩa là, những thứ do vận mệnh trời sinh ban cho, như: xuất thân, nhân duyên, khí vận, hay còn gọi là may mắn (may mắn quan trọng lắm đấy, bởi vậy sao khi không lại có câu may mắn cũng là một loại năng lực), được linh quang hay ơn trên bảo hộ,... đều không còn nữa. Mọi việc sau này của Tạ Liên đều tự dựa vào sức mình, số mệnh không ảnh hưởng tới y, cũng không giúp hay hại tới y và dĩ nhiên, cái mệnh cách thần quan gì đó, dù có hay không, đều không liên quan tới Tạ Liên y nữa. Nhưng cuối cùng thì sao, Tạ Liên sau 800 năm lại một lần nữa phi thăng, rung động cả tiên kinh. Điều này chứng tỏ không nhất thiết phải có mệnh cách mới phi thăng được. Mệnh cách có lẽ cũng tương tự như tu Tuyệt ở Đồng Lô sơn, chỉ giúp ta bước trước người khác một bước dài hơn trên con đường phi thăng, chứ không quyết định tất cả.
Có mệnh cách, không có nghĩa là ngồi rung đùi chờ phi thăng. Được phi thăng hay không, đều có nguyên do cả. Phải có một lý do "chính đáng" nào đó, một "thời cơ chín muồi" nào đó để được phi thăng.
Phân tích một chút về 3 lần phi thăng của Tạ Liên. Lần đầu tiên, "Thái Tử Tạ Liên mười bảy tuổi của Tiên Lạc quốc với sự đại bại của quỷ hồn vô danh ở cầu Nhất Niệm, cứ như vậy, trong sấm vang chớp giật mà phi thăng. Tam giới náo động". Còn trẻ như thế, chưa làm được gì lớn lao nhưng Tạ Liên vẫn được phi thăng, hoàn toàn vì tài năng quá xuất chúng, tiềm năng vô hạn của bản thân. Lần thứ 2, "Chân trời sấm vang chớp giật, trong tầng mây bắn ra tia sáng kỳ dị... là thiên kiếp", lần này Tạ Liên hoàn toàn chẳng tu tập gì cả, thậm chí suýt sa đọa thành Bạch Y Họa Thế, nhưng y vẫn được phi thăng. Đó là nhờ phẩm cách bất phàm của y: nhân hậu, bao dung, một lòng bảo vệ chúng sinh, thấu triệt câu nói Thân tại Vô Gián, tâm tại Đào Nguyên (tuy câu này nói đã lâu nhưng tới tận khi ấy, Tạ Liên mới chân chính giác ngộ). Thế nhưng ta cũng không khỏi suy nghĩ, lần thứ 2 phi thăng này của Tạ Liên không phải đột ngột quá à? Phải chăng vì Quân Ngô cố tình ép uổng, phế chức Tạ Liên, là nghịch thiên nên chẳng qua, trời cao chỉ đang trả lại vị trí, số mệnh vốn có lại cho y??? Dĩ nhiên đây chỉ là giả dụ, Tạ Liên thật sự có mệnh cách thần quan (trong truyện, người duy nhất được xác thực có mệnh cách này chỉ có Hạ Huyền thôi nhé, nhưng ta cũng có thể chắc được 8 phần 10 Tạ Liên sở hữu mệnh cách này, y phi thăng tới 3 lần lận mà). Lần thứ ba, "Bầu trời nổ ầm một tiếng. Trời long đất lở, đất rung núi chuyển. Ánh lửa đèn Trường Minh bập bùng dữ dội, chúng thần quan đang nhắm mắt trong bảo điện giật mình tỉnh giấc, sắc mặt đột biến". Lần này Tạ Liên phi thăng khi ở trong trạng thái rất bình thường: đang ngủ, hoàn toàn không phải trong tình trạng kinh thần động phách như 2 lần trước. Lần thứ 3 này, Tạ Liên phi thăng nhờ công đức sâu dày và tu tập suốt 800 năm ở dưới nhân gian: diệt yêu trừ ma, hành hiệp trượng nghĩa, giúp đỡ muôn dân. 3 lần phi thăng của Tạ Liên đại biểu cho ba lý do cơ bản nhất để được phi thăng.
Ngoài ra, Hoa Thành tài năng, ý chí có thừa, thà móc mắt chính mình chứ không làm hại người vô tội, vậy nên giây phút đó, hắn đã phi thăng. Phong Tín, Mộ Tình, Linh Văn, Kỳ Anh, từ sớm đã điểm tướng, tạo điều kiện thuận lợi để tu luyện thêm, lập công đức, dựa vào tài năng, vậy là phi thăng. Dẫn Ngọc, Thái Hoa, Sư Vô Độ, tuy không nói rõ ràng nhưng thông qua truyện, họ phi thăng nhờ tu tập, tài năng. Bùi Minh phi thăng nhờ phẩm cách, tài năng. Vũ Sư Hoàng, phi thăng nhờ phẩm cách vô dục vô cầu, công đức sâu dày hi sinh vì đất nước.
Nếu nói, mệnh cách phi thăng không phải là điều kiện chủ chốt, vậy vì sao Hạ Huyền lại không thể phi thăng được nữa? Hắn, tài năng, bản lĩnh, ý chí, phẩm cách đều có thừa. Hạ Huyền cũng có thể như Tạ Liên lần thứ ba, tu tập tích đức, thời gian có thể dài, nhưng không hẳn là không thể. Vậy vì sao lại như thế? Thứ nhất, vì Hạ Huyền hắn chọn trả thù. Nếu như Tạ Liên ngoan ngoãn, thuận theo tự nhiên tại nhân gian thì Hạ Huyền lại nghịch thiên, chính tay hủy đi con đường cuối cùng đó. Bản thân không phải thần quan hay phó thần điểm tướng mà lại trà trộn, làm việc tại tiên kinh, đó là trái luật trời. Giết hai thần quan là Địa sư Nghi và Thủy sư Vô Độ, giả mạo một trong ngũ sư cả một thời gian dài, phạm tội tày trời, không bị Thiên tru đã là may mắn lắm rồi, nói chi đến việc trở lại làm thần. Mặc dù kết cục này cũng là điều Sư Vô Độ phải trả giá, nhưng cái chết oan uổng của Địa sư Nghi là không chối bỏ được. Cũng may, dù giả mạo, nhưng Hạ Huyền chưa làm gì tổn hại nhân gian, lại còng lưng gánh vác công việc thần quan suốt mấy trăm năm, xem như công bù tội, tránh được quả báo, Hạ Huyền hắn cũng hoàn thành tâm nguyện trả được thù. Thứ hai, khi chết đi, số mệnh khi còn là con người cũng sẽ tan biến theo, làm thần hay làm quỷ đều sẽ có số mệnh mới, như thoát thai hoán cốt, không liên quan tới sinh thời nữa. Sau khi thành quỷ, số mệnh của Hạ Huyền đã là Tuyệt cảnh quỷ vương, vẫn là mệnh cách vô song, đứng đầu chúng quỷ (nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo).
Lại nói tới Hoa Thành, lệ quỷ phi thăng thành thần, kỳ tích không thua gì Tạ Liên ba lần phi thăng, vậy tại sao hắn lại từ bỏ? Thứ nhất, song song với tình yêu, Hoa Thành đối với Tạ Liên là một lòng tôn kính, sùng bái và ngưỡng vọng, đúng là tình cảm của một tín đồ dành cho thần thánh. Trong lòng Hoa Thành, Tạ Liên chính là thần minh duy nhất, là vị thần duy nhất hắn thừa nhận, tôn thờ, thành kính. Quá khứ đau khổ, người người chê bai, bị đánh đập, bị ruồng bỏ, Hoa Thành từng đau khổ cầu xin, từng hờn trách, từng oán hận, từng muốn buông bỏ mọi thứ để trả thù. Trong mắt hắn, thế gian này, mọi thứ đều xấu xí, đều đang ghét bỏ hắn. Nhưng một thoáng kinh hồng đường Thần Võ cho Hoa Thành biết thì ra thế gian này vẫn có thứ kinh diễm tuyệt trần đến vậy. Có thể nói, Hoa Thành yêu Tạ Liên từ cái nhìn đầu tiên, là nhất kiến chung tình. Nhưng khoảnh khắc Tạ Liên phá bỏ quy tắc, bất chấp lễ nghi trọng đại là giang tay đỡ một đứa bé là hắn ngã từ lầu cao xuống thì trong mắt đứa trẻ ấy chỉ chứa mỗi hình bóng của Tạ Liên. Y là người duy nhất thương xót hồng hồng nhi ấy, là người duy nhất thật tâm đối đãi hắn như con người. Vì thế Hoa Thành kính trọng Tạ Liên, tôn thờ Tạ Liên, không phải vì y là thần mà vì Tạ Liên chính là lẽ sống của hắn, là tín ngưỡng của hắn.
Trong lòng Hoa Thành, Tạ Liên là thần minh duy nhất đáng để thờ phụng, là người trong sạch nhất, hoàn mỹ nhất. Hắn không chấp nhận được việc bản thân thấp kém, dơ bẩn thế này lại có thể thành thần, đứng ngang hàng với thần minh trong lòng hắn (Hoa thành chủ tự ti quá rồi!). Thứ hai, Hoa Thành tính ra cũng có một tấm lòng thiện lương, không hại người vô tội nhưng hắn vẫn chưa đủ bao dung, độ lượng để mà tha thứ, che chở, phù hộ cho chúng sinh từng ghét bỏ, chà đạp hắn lẫn người mà hắn một đời yêu thương. Hoa Thành thật sự làm không được, oán hận sâu dày như thế khó lòng một sớm một chiều là gỡ bỏ được, không điên tiết trả thù là may rồi. Hoa Thành cũng chẳng thích gì đám thần quan trên tiên kinh đó. Hắn luôn tỏ ý khinh thường, không xem mấy người đó ra gì, nhất là sau sự kiện 33 vị ấy hà hiếp Tạ Liên. Bởi vậy điều đầu tiên sau khi thành Tuyệt Hoa Thành làm đó là đi trả thù 33 vị ấy, nếu đang là thần quan, Hoa Thành khó lòng làm được.
Thứ ba, Hoa Thành một lòng trở thành người mạnh nhất, ưu tú về mọi mặt để có thể bảo vệ chu toàn cho vị quý nhân cành vàng lá ngọc trong lòng y. Nhưng trở thành thần quan chịu hạn chế rất nhiều. Sức mạnh phải tu tập rất lâu, đợi thiên kiếp để gia tăng phẩm cấp lại càng lâu hơn, thần lực lại phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố khác nhau mà mình không kiểm soát được. Với tính cách ngông cuồng của Hoa Thành, không sớm thì muộn cũng sẽ đắc tội với người ta, bị tước bỏ thần vị, vậy là công sức đi tong. Là thần quan thì vẫn phải dưới trướng Thần Võ đại đế Quân Ngô, vẫn chịu kìm kẹp, sao có thể làm theo ý mình, trở thành người mạnh nhất được. Vậy thôi chẳng thà tự thoát cái vũng bùn kìm kẹp tương lai của bản thân này, liều một lần mà vào Đồng Lô tu Tuyệt, chỉ một thời gian ngắn đã có thể làm bá chủ một phương, muốn gì làm đó rồi. Vậy mà với tài lực, sức mạnh to lớn đến thế, Hoa Thành vẫn bỏ lỡ Tạ Liên 800 năm. Vì sao? Vì khi đó, họ vô duyên với nhau. Thật ra ban đầu, Tạ Liên và Hoa Thành rất có duyên với nhau, luôn gặp được nhau, bên cạnh nhau một cách rất tình cờ. Tạ Liên bất ngờ đỡ được Hoa Thành từ trên lầu cao, sau đó lại tình cờ gặp lại lần nữa khi Hoa Thành bị Thích Dung đuổi đánh. Sau khi Tạ Liên phi thăng, lại có duyên ô đỏ hoa trắng một lần nữa với Hoa Thành. Sau đó Hoa Thành lại gia nhập quân đội, bên y trong trận chiến bảo vệ Tiên Lạc. Sau khi chết đi thành quỷ hỏa, lại tình cờ được Tạ Liên mua lại. Thế nhưng 2 người mệnh cách vô song này, gặp được nhau, lại là hữu duyên vô phận. Duyên phận vốn là thứ trời ban, khó lòng cưỡng cầu, khó lòng thay đổi theo ý mình. Sau đó bị giáng chức lần 2, Tạ Liên bị thêm một chú gông đánh tan số mệnh, mà trong số mệnh ấy, ngoài thần cách, khí vận còn có cả nhân duyên của bản thân y. Vì thế, Tạ Liên 800 năm ở nhân gian, nhân duyên của Tạ Liên cực kỳ kém, chẳng gắn bó lâu dài với ai, luôn cô đơn một mình, và dĩ nhiên "cái duyên" mỏng manh với Hoa Thành cũng theo đó mà tan.
Hoa Thành cũng thế, sau khi chết đi rồi tu thành Tuyệt quỷ vương, số mệnh xui xẻo, thiên sát cô tinh của con người là hắn cũng đã theo đó mà mất đi, mệnh số đổi khác. Mệnh cách tuy vẫn hung hiểm nhưng cũng thay đổi tốt hơn, thậm chí may mắn, vinh quang tột độ, nhưng "tình vẫn còn nhưng duyên đã mất". Cả 2 phía, duyên đều không còn, một bên lòng không hay biết, một bên mải miết truy tìm, kéo dài 800 năm. Cho đến khi Tạ Liên phi thăng lần 3, mệnh cách Tạ Liên một lần nữa lại thay đổi, chú gông ở chân có thể khóa chặt mệnh số con người nhưng chưa chắc có tác dụng với thần cách của thần quan. Trời cao có lẽ cũng đã động lòng, tác thành se duyên hai người với nhau, cộng thêm support hỗ trợ nhiệt tình từ con nợ Hạ ảnh đế bao năm nằm vùng trên tiên kinh. Vì thế mới có màn tái ngộ không thể lãng mạn, ngọt ngào hơn tại núi Dữ Quân. Giây phút Tạ Liên nắm lấy tay Hoa Thành qua rèm kiệu đỏ, tơ hồng đã kết, đôi bàn tay ấy vĩnh viễn không rời.
Nói thêm một chút về 2 thân phận thần quan và Tuyệt quỷ vương. Phong sư Thanh Huyền tuy mất hết pháp lực nhưng mệnh cách thần quan của y vẫn còn đó, Hạ Huyền cũng không hề lấy lại, Tiên kinh cũng chưa ai nói sẽ "sa thải" Thanh Huyền, mọi người cũng ra sức tìm kiếm y đưa về tiên kinh. Cho nên trên thực tế, Thanh Huyền vẫn là Phong sư danh chính ngôn thuận. Chẳng qua thần lực không còn, Thanh Huyền không thể thực hiện chức trách thần quan, mất đi ngọn nguồn pháp lực là tín đồ nên mới trở thành người.
Tương tự như thế, Hoa Thành từng tạo nên kỳ tích, từ lệ quỷ phi thăng thành thần quan, nhưng lại cự tuyệt Thiên giới, tự mình nhảy xuống, tu 10 năm tại Đồng Lô thành Tuyệt quỷ vương. Tuy cự tuyệt nhưng thật sự thần cách ấy không còn ư? Hoa Thành phi thăng, không phải là không ai biết, nhân gian cũng có lưu truyền. Khi phi thăng, thần quan tự nhiên sẽ có thần cách, không phải muốn bỏ là bỏ được, trừ phi mất hết nguồn cội thần lực là tín đồ mới trở về làm người được, tiêu biểu là trường hợp của Thanh Huyền. Đằng này, Hoa Thành chỉ là tự mình từ bỏ, không lãnh chức, không làm công việc thần quan, không ra mắt chúng thần nên không ai biết tới thôi, hắn thực ra vẫn là thần. Nhưng sau khi thành Tuyệt thì không chắc thần cách ấy có còn không hay đã biến mất?
Nhưng có một điểm rất đặc biệt của Hoa Thành mà 1 Tuyệt khác là Hạ Huyền không có, đó là Hoa Thành có tín đồ, rất nhiều là đằng khác, được thờ cúng đàng hoàng (Hạ Huyền giả làm Địa sư, dù có thực hiện lời cầu nguyện thì công đức cũng được ghi dưới danh nghĩa của Địa sư, là tín đồ của Địa sư, không phải của Hạ Huyền). Hoa Thành cũng có thực hiện lời cầu nguyện của tín đồ một tùy hứng. Đó chẳng phải là giống hệt công việc của một thần quan hay sao? Phải chăng pháp lực mạnh mẽ vô hạn đến mức phá được gông nguyền rủa của Hoa Thành, ngoài bản lĩnh của Tuyệt tu được tại Đồng Lô ra, phải chăng còn là bản lĩnh của thần, của pháp lực mà hắn tích tụ được từ công đức thực hiện lời cầu nguyện của tín đồ? Đặt nghi vấn như thế, thứ nhất, vì thân phận Hoa Thành quá đặc biệt, từ quỷ thành thần, từ thần về quỷ, rồi lại từ quỷ lên tuyệt, quá rối rắm, khó phân biệt được.
Thứ 2, chính là nguồn gốc pháp lực của Tuyệt. Phương pháp tu luyện khác nhau cho ra pháp lực khác nhau. Hạ Huyền tại Đồng Lô là ăn quỷ, hấp thụ pháp lực từ đám quỷ đó đến khi Đồng Lô chỉ còn mình hắn, vậy là thành Tuyệt. Đây cũng là cội nguồn pháp lực của hắn. Thế nên ảnh hưởng khi Đồng Lô khai mở lên hắn là ăn rồi ngủ để tiêu hóa pháp lực hấp thụ được. Hoa Thành có lẽ là dùng huyết khí tu luyện từ mắt mình là Ách Mệch, chém giết hết quỷ rồi trở thành Tuyệt, pháp lực có lẽ là thông qua Ách Mệnh mà thu thập được. Nhưng mình vẫn chưa có lý giải hợp lý cho việc tại sao ảnh hưởng Đồng Lô khai mở khiến Hoa Thành mất khống chế, phải hóa nhỏ để hạn chế bùng nổ pháp lực. Cái này phải mong ngóng cmt ý kiến của các bạn rồi. Tóm lại mình tin rằng, pháp lực đủ sức phá được gông nguyền rủa, của 1 mình Tuyệt quỷ là không đủ, phải có thêm thần lực của 1 thần quan mới phá được gông của 1 thần quan. Mình tin rằng, Hoa Thành vẫn có thần cách, vẫn là một thần quan, dù không ai thừa nhận điều đó, ngay cả tín đồ của hắn cũng vậy. Thậm chí sau này, Hoa Thành còn được thờ chung với Tạ Liên, trở thành một cặp, thờ như vậy mới phát huy hiệu quả mạnh mẽ nhất, đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi.
Bài viết của mình tới đây xin phép kết thúc. Rất mong các cmt thảo luận từ các bạn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro