1. Ước nguyện mong manh
Năm đó, tôi được khoảng bảy tuổi. Vốn dĩ trước năm tôi bốn tuổi, tôi sống cùng bố mẹ mình trong Nam, nhưng do tính chất công việc, áp lực vật chất đã buộc tôi phải rời Hồ Chí Minh phồn hoa, nhộn nhịp để về vùng nông thôn giản đơn, dân dã.
Bố tôi khi đưa mẹ và tôi về quê đã rời đi ngay sau đó. Một năm ông về một lần vào dịp Tết Nguyên Đán, ở được hoạ hoằn lắm là bảy ngày hoặc có lẽ còn ít hơn. Do công việc bố sẽ rời đi sớm, tôi hiểu.
Sau mấy năm, mẹ tôi cũng kiếm thêm việc làm thêm ở bên kia sông. Điều đó có nghĩa rằng, trong một tháng tôi chỉ được gặp mẹ một hoặc hai lần, không có lần thứ ba, nhưng đồng thời tiền công cũng cao hơn, tôi biết chứ?!
Gia đình tôi tuy không phải quá khó khăn, nhưng cả nhà chỉ phải trông vào tiền lương của bố thì không thể đủ. Tôi còn nhỏ, em út tôi còn nhỏ hơn tôi những sáu tuổi. Trước khi đi mẹ dặn, nếu bố có gọi, nói là mẹ vẫn ở nhà, không được nói mẹ đi làm.
Tôi gật đầu.
Bố tôi không tán thành việc mẹ đi làm để em tôi ở nhà. Nhưng biết làm sao được?
Mẹ đi, ba đứa nhỏ chúng tôi bắt đầu những ngày tháng sống cùng ông bà nội.
Ngày chạy lung tung, thi thoảng chán những trò trẻ con rồi thì ngồi ngẩn ngơ, mỗi lần như vậy tôi đều mong mỏi mẹ và bố về với mình sớm sớm một chút.
Tôi nhớ họ.
Thế rồi, đứa nhóc khoảng bảy tuổi là tôi lập ra một kế hoạch.
Tôi sẽ đi học, tích cóp đôi giấy từ quyển vở bỏ đi, gập thành một con thuyền giấy viết ước nguyện của tôi lên thuyền hoặc vào tờ giấy trắng khác mà thả xuống sông.
Tôi bắt đầu học gập thuyền, bắt chước phim Hàn xẻng trên Vtv mà làm.
Thuyền to thuyền nhỏ đã được tôi gập xong, sở dĩ gập nhiều thuyền thì nghe cũng hiểu, tôi là một đứa nhóc hay mơ mộng viển vông mà.
Vấn đề tiếp theo lại đến, tôi không thể ra sông Hồng được. Ông sẽ mắng tôi chết thôi!
Nhanh như chớp, tôi mau chóng chạy xuống cổng, cạnh nhà tôi có một cái ao thật to (với sức vóc nho nhỏ của một đứa trẻ, tôi đã nghĩ, nếu mình từ bờ này bơi qua bờ kia khẳng định một ngày bơi cũng không tới). Tôi rón rén, đi thật khẽ, trong tay là đống thuyền giấy to to nhỏ nhỏ. Nắng chiều dần tàn rồi, ông chắc chắn đang cho đàn gà ăn. Chắc chắn ông sẽ không phát hiện ra tôi đã đi thả "ước nguyện" của mình.
Từ sau cánh cổng, tôi chạy băng băng một đoạn, mở hàng rào mốc meo bằng tre, tôi cẩn thận thả đống thuyền yêu quý xuống bãi cỏ xanh um trên bờ ao. Bên cạnh tôi có một cây xoan, vừa chắc vừa cao, tôi có thể đu vào đó phòng trừ bản thân trượt chân té xuống ao.
Nhà tôi cũng có ao đó, nhưng bờ cao t mét rưỡi, không có thấp đến mức trên bờ vớ tay chạm được nước như ao hàng xóm. Phải đây là ao hàng xóm! Mọi việc phải nhanh một chút, họ phát hiện tôi thả thuyền xuống ao họ thì hỏng.
Tôi nhanh nhẹn thả từng chiếc một xuống ao, từng chiếc đều là mồ hôi công sức và cả tấm lòng. Tôi nghĩ thầm sẽ thực hiện được giúp mình nhanh thôi, người ta thường chẳng nói hay sao, quan trọng chính là lòng thành, vật chất không quan trọng còn gì.
Thuyền giấy lơ đễnh trôi nổi trên mặt ao xanh, tôi thấp thỏm lo lắng sợ con cá nào sẽ đớp mất. Nhưng sự thực, cá chưa đớp mà thuyền ngấm nước chìm xuống trước, tôi cố vớt vớt nước đẩy nó ra xa. Kết quả thuyền càng chìm nhanh hơn.
Lòng buồn rười rượi, tôi chẳng thèm để ý ông phát hiện mình trốn khỏi nhà hay không? Cứ thế tôi lầm lũi đi về.
Không được, không thể từ bỏ. Tôi nghiên cứu sâu thêm. Với bộ óc đơn thuần của mình, tôi nghĩ nếu thuyền bằng xốp chắc chắn sẽ không chìm. Nhất định là vậy, bởi xốp nổi được trên mặt nước mà.
Tôi nhảy lên gác củi, tìm mảnh xốp nào đó. May mắn là nhà tôi còn một lượng xốp vừa đủ để tôi thử.
Trải qua N lần cắt ngang cắt dọc, thuyền xốp vĩ đại đã ra đời. Thuyền một mẩu, trên đó được tôi cắm một cây gỗ tượng trưng cho cột buồm và mảnh giấy viết ước nguyện dán lên cột buồm, bùm thành một cái cánh buồm. Nó đã sẵn sàng ra khơi rồi.
Như lần trước, tôi chạy đến bờ ao, thả nó xuống, thuyền lẳng lặng trôi, trôi chưa được bao lâu thì chìm nghỉm, tốc độ chìm nhanh gấp đôi thuyền giấy.
Tôi: "..."
Không thể, tôi đã đi sai một nước, là do "ước nguyện" gắn lên cột buồm quá "nhiều" khiến thuyền chìm.
Tôi chán nản.
Một thời gian sau, tôi vẫn thử, tới tận lúc hết hi vọng.
Thôi được! Tôi sẽ không từ bỏ.
Tôi liền dùng những hòn đá quanh gốc cây hồng xiêm già ngoài sân, dùng chì tôi viết lên mặt đá sần sùi những lời ước từ tận đáy lòng. Xong xuôi tôi kiếm mảnh vải từ áo cũ của bà, gói chúng lại, chôn xuống sau gác củi của nhà. Tôi đào đào, hì hục mãi mới chôn xong. Bằng cách này, tôi sẽ có thể bảo toàn được lời ước của mình.
Một hôm trời mưa rào, tôi chôn đá xuống đúng rãnh nước, tuy rãnh nông, chảy không xiết, nó chỉ hứng nước chảy từ gác củi nhưng tôi vẫn thấp thỏm không yên. Ngoài kia nền trời xám xịt, mưa to như trút nước, tôi đội nón lá của bà chạy băng băng ra sau gác củi.
Nước mưa đã lật tung mấy viên đá lên rồi!
Mưa tạnh, nắng lên tôi lại tiếp tục công cuộc đào lấp đá của mình.
Một thời gian sau, tôi nhận ra cách này không khả thi lắm. Tôi bèn nghĩ cách khác.
Tôi đem giấy ăn, loại giấy năm ngàn được một bịch lớn, tôi xé nó thành từng sợi nhỏ, rồi đem chúng buộc lên bờ rào với mong ước gió sẽ đem ước nguyện của tôi đi xa. Sau đó, tôi chắp tay vái vái vài cái nữa.
Vài ngày sau, em tôi nó mách, ông đã giật hết mấy mảnh giấy của tôi trên bờ rào rồi!
Mấy trò linh tinh này không biết tôi đã làm đi làm lại bao nhiêu lần, tin tưởng vào tờ giấy trắng mong manh không biết sẽ đến đâu, thuyền giấy dù có bền mấy thì sẽ chìm, đá thì cũng chỉ là đá, rửa là trôi... Nghe đã phi thực nhưng cớ sao tôi lại tin tới thế!
Tôi cũng không biết.
_11/08_
(Cảm xúc đã cạn, nó thật sự rất phức tạp, tôi cũng chẳng thể nói thế nào nữa, đây là một câu chuyện thực, không phải hư cấu)
(Đoán xem câu chuyện này là của tôi hay là "tôi"?!)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro