
Ướt Sũng Tiếng Rao
Hai hôm nay Sài Gòn mưa nhiều. Không buồn như mưa Huế nhưng mưa đêm dưới ánh đèn vàng cũng làm cho lòng người gợn chút u hoài.
Không ngủ được mặc dù ban ngày cứ thèm vất áo blouse trốn khỏi bệnh viện để ngủ vùi một giấc cho thỏa thích. Có lẽ bởi mưa. Mà cũng có thể bởi những gì đang diễn ra trong mưa. Như tiếng rao da diết dưới đường phố kia chẳng hạn.
- Xôi cúc, bánh chưng đây. Xôi cúc...
Tiếng rao tảo tần, mong ngóng len lỏi qua các con phố vắng tanh, ướt đẫm bởi mưa đêm. Không hiểu sao tôi cứ hay bị đánh thức và dẫn dụ bởi những tiếng rao hàng rong như vậy, nhất là vào những đêm mưa. Có lẽ trong đêm mưa, tiếng rao có phần cô quạnh hơn và phận người mưu sinh ấy cũng có phần lạnh lẽo và nhiều tuyệt vọng hơn.
Cách đây hơn 20 năm, lũ chúng tôi, những cậu học sinh lớp 10 của Trường chuyên PTTH tỉnh Nghĩa Bình, co ro về quê ăn Tết trong cái rét căm căm cuối năm. Trời cũng mưa như thế này nhưng gió buốt hơn. Mưa miền Trung bao giờ cũng vậy. Từ ga Quảng Ngãi tù mù tối, chúng tôi đi dọc con đường Hùng Vương (hình như thuở ấy còn mang tên Phan Bội Châu thì phải) để xuống đường Quang Trung đón xe về nhà.
Trời lạnh. Bụng đói. Túi nhẵn tiền. Chúng tôi vừa đi vừa run lập cập. Một tiếng rao: Ai bánh mì hông? Rồi người bán bánh mì với bếp than đỏ rực tiến sát chúng tôi. Nhìn nhau như thử hỏi có đứa nào còn đồng nào không. Cuối cùng thì chúng tôi cũng gom góp được số tiền đủ mua hai ổ bánh mì không.
Chia nhau hai ổ bánh mì ấm nóng, chúng tôi đứa nào cũng có cảm giác như mình vừa thưởng thức một món sơn hào hải vị. Bây giờ nhắc lại vẫn còn thòm thèm cái cảm giác ngày ấy. Và hương thơm của ổ bánh mì cũng như tiếng rao đêm đã theo tôi hơn 20 năm trời lang bạt tứ phương.
Sau này ra Huế học, tôi có ấn tượng nhất với tiếng rao vịt lộn của những người phụ nữ Huế. Người ta thường bán vịt lộn khắp nơi nhưng tôi nhớ nhất là những ngọn đèn hột vịt ngay góc đường Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Huệ, hoặc gần gác chắn tàu lửa trước nhà thờ Phủ Cam. Những người phụ nữ cũng lặn lội khắp các con hẻm để bán.
Thời sinh viên làm gì có nhiều tiền để ăn khuya. Một tô mì tôm đã là cao cấp lắm rồi. Chỉ khi nào học thi căng thẳng lắm chúng tôi mới tự cho mình bồi bổ trí não bằng một lượng protein vịt lộn. Tuy nhiên cũng có đêm mưa gió bão bùng, người bán vịt lộn ướt cóng run rẩy gõ cửa phòng và năn nỉ ăn giùm bởi bán ế quá. Chúng tôi phần vì ái ngại cho người, phần vì không chiến thắng nổi cơn đói nên cũng đành ký sổ nợ. Dần dà thành khách quen.
Có đêm nghe tiếng rao khác lạ, giật mình mở cửa không thấy người phụ nữ thường hay đến, hóa ra bà bị bệnh nặng. Con dâu đi bán thay. Rồi dần dà tiếng rao của người con dâu này cũng thành quen thuộc. Mười mấy năm rồi không trở lại con hẻm lầy lội ngày ấy, chẳng biết bây giờ tiếng rao ấy có còn hay không. Mặc dù tôi biết chắc chắn một điều là Huế vẫn mưa gió tơi bời như ngày xưa, thậm chí còn dầm dề hơn trước nữa.
Ở châu Âu không có hàng rong. Vì vậy cũng không có tiếng rao đêm nên với tôi nó thiếu đi một chút hơi ấm.
Ban ngày ở Sài Gòn, những tiếng rao hàng rong không dễ nghe được bởi chúng bị chìm nghỉm, nuốt gọn trong ngàn vạn âm thanh máy móc khác. Chỉ có vào lúc khuya khoắt như thế này, những tiếng rao mới hiện rõ hình hài và thân phận của chúng. Những tiếng rao đủ vùng miền Bắc, Trung, Nam.
Tiếng rao nào cũng nghèo, cũng da diết, khắc khoải và buồn mênh mang. Tiếng rao trong mưa càng làm con người ta thêm chạnh lòng. Tôi không biết giờ này ở các vũ trường, quán bar có biết bao nhiêu chai rượu ngoại đắt tiền đã chảy vào thực quản người ta, có biết bao nhiêu món ăn ê hề bị vứt bỏ, có biết bao nhiêu phấn son đã bị trôi đi. Số tiền ấy có lẽ là lớn ghê lắm. Chắc là lớn hơn tất cả gánh hàng rong đang lầm lũi trong mưa kia cộng lại.
Cái thế giới chúng ta đang sống giãn ra quá nhanh, nhanh hơn nhiều so với tốc độ giãn nở của vũ trụ. Ai đó đã rất thành công với khái niệm "thế giới phẳng". Riêng tôi, tôi không nghĩ là nó phẳng hoặc đang phẳng hơn. Tôi có cảm giác rằng khoảng cách giàu nghèo xung quanh mình đang tăng lên với gia tốc dương cực lớn. Người giàu thì giàu nhanh quá, nhanh hơn sự trưởng thành về mặt nhân cách. Còn người nghèo hình như cũng bị bần cùng với tốc độ chóng mặt.
Làng quê không nuôi nổi những đứa con của mình. Mà bản thân cũng đang bị tấn công, thập diện mai phục. Những đứa con vốn không sinh ra để sống cuộc sống thị thành cuối cùng rồi cũng bị cuốn vào vòng xoáy đô hội. Không được chuẩn bị, họ đành phải bán những gì mình có thể có vì cuộc mưu sinh. Những người đang lặn lội dưới mưa kia đang bán gì? Họ bán cái thơm thảo của hồn quê cho phố.
Phố có nghe cái thơm thảo kia không? - Phố đang mơ màng ngủ.
Mưa có nghe không? - Mưa đang làm ướt sũng tiếng rao.
Người có nghe không?
Hay người cũng đã quá mỏi mệt rồi?
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro