Lồng Đèn Con Cá
Hơn nửa đời người, cứ mỗi dịp Trung Thu về tôi lại nhớ ngày xưa lúc mình còn nhỏ. Nhà nghèo, đông anh em, ba làm thuê, má ở nhà nội trợ nên việc nuôi tám người con thật khó khăn.
Tết Trung Thu, tôi thường được các anh chị làm cho chiếc lồng đèn ngôi sao. Nếu không xin được tre để làm đèn ngôi sao thì mới được má mua cho chiếc đèn giấy xếp hình tròn hay hình trái bí (đèn xếp bằng giấy, khi mở ra thì tròn như trái bí rợ).
Bọn trai trong xóm thì thường tự làm đèn lon để chơi. Đèn lon được làm bằng hai lon sữa bò: chiếc dưới làm bánh xe, chiếc trên được đục nhiều lỗ và đặt nửa cây đèn cầy vào bên trong. Khi đẩy đi, hai chiếc lon kêu giòn giã và phát ra ánh sáng rất đẹp. Tôi không thích lồng đèn ngôi sao, lồng đèn trái bí, cũng không thích những chiếc đèn lon ồn ào của bọn con trai. Tôi thích chiếc lồng đèn hình con cá. Loại lồng đèn này rất mắc tiền, chỉ những bạn con nhà giàu mới được cha mẹ mua cho, còn tôi chỉ biết nhìn và ao ước. Chiếc lồng đèn con cá có sườn bằng tre khá lớn - ngày xưa lồng đèn luôn được đốt bằng đèn cầy, nếu nhỏ quá thì khi đèn cầy ngã lồng đèn dễ bị cháy - được dán giấy kiếng trong màu đỏ; sườn phía ngoài có dán thêm những sợi bông gòn trắng; miệng, mắt và mang cá được vẽ bằng màu nước. Dù ban đêm hay ban ngày, lồng đèn trông cũng rất đẹp.
Tôi đã từng nằm mơ thấy mình cầm chiếc lồng đèn con cá đi chơi Trung Thu với các bạn. Mơ cứ mơ, chưa bao giờ tôi được thật sự cầm chiếc lồng đèn con cá đi chơi trăng.
Năm tôi học lớp Tư (tương đương lớp 2 hiện nay) ở Trường Nữ Tiểu học Mỹ Tho, gần đến Tết Trung Thu tỉnh tổ chức một kỳ thi viết về Trung Thu cho học sinh Tiểu học. Tôi nhớ câu hỏi của cuộc thi là "Vì sao em thích Tết Trung Thu?". Câu hỏi thật đơn giản. Câu trả lời của tôi cũng rất đơn giản. "Vì em thích chiếc lồng đèn con cá".
Thật bất ngờ, đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao mình đoạt giải Nhì. Lớp tôi không có giải Nhất. Lớp trưởng, người học giỏi nhất lớp, chỉ đoạt giải Ba với câu trả lời "Thích Trung Thu vì trăng Thu đẹp". Khi công bố kết quả, cô giáo đã rầy cả lớp: "Có vậy mà cũng không biết nói, ăn không thích lại toàn nói chuyện gì đâu. Nếu các em nói thích ăn bánh Trung Thu là đoạt giải Nhất rồi. Vậy là Nguyệt Quế nói thích lồng đèn con cá đoạt giải Nhì, Ngọc Cẩm thích trăng Thu đẹp đoạt giải Ba".
Tôi nhớ một câu nói về điều quý nhất trên đời: "Đó là cái ta đã mất và cái ta chưa đạt được". Câu nói thật đúng các bạn ạ. Chiếc lồng đèn con cá vẫn là điều quý nhất trong tôi. Khi đi lãnh thưởng vào đêm Rằm tháng Tám, tôi phải lội bộ từ nhà đến Trường Nam Tiểu học Mỹ Tho nhận giải. Chúng tôi ngồi theo trường và xếp hàng theo hạng đạt được. Thật đau lòng, giải Nhất được chiếc lồng đèn con cá và một bọc bánh, giải Nhì được chiếc lồng đèn trái bí và một bọc bánh, giải Ba được chiếc lồng đèn giấy xếp tròn và cũng là một bọc bánh. Như vậy, bánh thì giống nhau nhưng lồng đèn lại khác.
Không hiểu người phát thưởng có tuổi thơ hay không? Muốn bánh Trung Thu thì cho lồng đèn con cá, muốn lồng đèn con cá lại cho lồng đèn trái bí. Trong tất cả phần bánh của thí sinh đoạt giải hoàn toàn không có bánh Trung Thu mà chỉ toàn là bánh in, bánh kẹp ống, bánh bông lan...
Ra về, trời đổ mưa rất lớn. Tôi nhớ mình chẳng được đưa đón khi đi học hoặc đi lãnh thưởng như các bạn nhỏ bây giờ đâu. Mặc chiếc áo mưa dài chấm đất mượn của chị tôi - tôi lội bì bõm trên con đường ngập nước. Hai bên đường là những cây me to, thân lớn đến hai người ôm mới giáp. Bóng cây ngả lờ mờ như có ai đang nhìn tôi. Tôi vừa sợ ma, vừa sợ rớt bọc quà, vừa sợ mưa làm ướt lồng đèn, vừa sợ đạp vạt áo mưa. Tôi lê bước khó khăn như chiếc thuyền con giữa dòng nước lũ mà lòng buồn da diết. Tôi thích chiếc lồng đèn hình con cá mà.
Bây giờ đã già, tuy không giàu nhưng tôi có thể mua cả xe tải chở đầy những chiếc lồng đèn con cá. Nhưng chẳng ai chấp nhận bà già gần 60 tuổi cầm chiếc lồng đèn con cá đi chơi Trung Thu đâu. Cái tôi đã mất là tuổi thơ. Tôi nghiệm ra một điều "Nhận được cái mình muốn đúng lúc mới là quý".
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro