Quán Của Gái
1. Quán bán đồ ăn vặt của Gái nằm ở mé sân trường đã hơn 20 năm. Hồi xưa, quán này của má chú Hai Rằng. Ngày nào bà cũng dọn ít bánh kẹo, trái cây, bắc thêm cái võng dưới gốc đa, nằm đong đưa cho mát. Ai tới mua phải kêu thiệt to... vì tai bà điếc. Mỗi bữa, bà lời được vài trăm, đủ tiền ăn trầu và cho mấy đứa cháu nội ít bánh kẹo. Bà mất, con cháu không đứa nào nối nghiệp cái việc quanh năm ngồi dưới gốc đa già lời lãi chẳng bao nhiêu. Khi hợp tác xã xay xát đóng cửa, trai gái trong làng thất nghiệp, Gái mới lấy chồng, sinh con. Không biết làm gì nuôi thân, sẵn lúc bà Hai mất nên Gái dọn thế vào chỗ trống, giữ chút nhớ thương cho làng quê năm cũ.
2. Sáng nào Gái cũng dậy thiệt sớm, dọn mớ đồ còn lại đêm qua ra bàn, kêu chồng ngồi coi rồi xách giỏ đi chợ. Tới trưa, Gái đủng đỉnh về, chú Tư theo sau còng lưng với hai gánh hàng đầy nhóc. Gái để lên bàn bịch bánh cam, bánh tiêu, chồng bánh tráng nướng, xâu bánh ú, mâm trái cây đủ loại. Mực khô bỏ trong bịch nhựa, nhỏ to đủ kiểu, nướng trên than thơm sực nức, ăn với nước mắm pha tương ớt. Bánh ú làm bằng nếp, trộn thêm tí muối, nhân đậu xanh hay đậu phộng với thịt mỡ, gói lá chuối thành hình tháp. Lột lá, lấy muỗng xắn một miếng, chấm nước mắm ớt tỏi, mỡ thấm vô nếp, dẻo và béo làm sao. Chùm bánh tro nhỏ xíu gói trong lá tre cũng dẻo, thơm, ngòn ngọt, không cần Tết Đoan Ngọ cũng có ăn mỗi ngày. Thẩu bánh thửng vàng ruộm, mớ bánh bò đủ màu xanh đỏ, hấp với nước dừa béo ngậy chèo kéo mọi người.
Hàng của Gái như một cái chợ quê thu nhỏ để tụi tôi khi có chút tiền thì chạy xuống ăn cho đỡ cơn thèm. Hết tiền thì ăn chịu. Gái không ghi sổ, nhưng không đời nào quên, thấy nợ hơi lâu là lôi tên ra nhắc.
Ngoài việc bán những món người ta làm sẵn, Gái còn làm nhiều món ít người bán. Gái lựa nải chuối sứ vừa chín tới, lột vỏ, bỏ vô thau, trộn đường cát vàng, chế thêm nước, pha tí màu đỏ rồi bắc lên bếp than, để lửa liu riu cho đường ngấm vô chuối. Gái sắp chuối thành vòng tròn chung quanh, chính giữa là nước đường, rồi múc rưới lên cho thấm. Đường tới, chuối đỏ au. Cắn miếng chuối dẻo, ngọt ngay, ăn 2 - 3 trái vẫn chưa đã. Vèo một cái, thau chuối bán sạch trơn.
Hay bánh tráng xanh đỏ, Gái cột thành ràng, nhúng vô thau mắm ớt tỏi đã pha loãng, chờ ráo nước đem nướng than. Mùi mắm thơm nức mũi, giòn tan, nhai rau ráu. Không nhúng mắm thì nướng chín, quết cục me ngào đường tán vừa chua vừa ngọt, rưới thêm muối ớt. Gái nướng cả chồng bánh khoai lang, thắng một xoong đường, bỏ ít gừng cho thơm, nặn chanh cho khỏi keo lại. Lấy bẹ chuối, dần một đầu cho mềm, quệt ít đường, quét lên bánh, lấy thêm cái nữa úp lên. Ngon miễn chê.
Gái còn đổ đông sương trong những khuôn nhỏ đủ hình thù, màu sắc. Con cá chép vàng, hoa hồng đỏ, chùm đào chín mọng... Sáng nào Gái cũng làm một mâm, chờ đông, bỏ vô thùng đá cho lạnh. 500 đồng một cái. Đứa nào mua, cạy ra bỏ trên tay, chẳng ai muốn ăn, cứ mân mê nhìn cây trái, con vật đủ màu, vừa giòn vừa ngọt mà thích mê ly.
Gái mua cả thúng bắp già về, lảy hột, rang chín vàng. Thắng đường tán vàng cho keo, trộn gừng, đem ngào với bắp. Bắp giòn, ngọt tê tê, cay vị gừng, nhai kêu rôm rốp. Mắm pha nước lạnh, thêm ớt màu và tỏi, nấu cho sôi. Bắp vừa rang xong, còn nóng để trong rổ, đổ nguyên chén mắm vào, lắc đều tay cho thấm. 500 đồng một bịch, ăn từng hột, giòn giòn, thơm thơm, cay cay, mằn mặn.
Nhiều khi đi chợ, gặp trúng mùa ốc, Gái bán thêm ốc ngựa, ốc nhảy luộc chín. Tài giã mắm ớt tỏi của Gái không ai sánh bằng. Phải là ớt xiêm chín đỏ, tép tỏi nhỏ xíu nhưng rất nồng, giã nát với đường cát, chế mắm, nặn chanh vô, không biết Gái pha như thế nào mà ngon chịu không nổi.
Tới mùa Hè, Gái có thêm rổ xay nhung đen bóng, căng tròn. Trái còn sống thì nhai luôn hột rau ráu, trái chín lột vỏ, ăn lớp thịt bên trong, mịn màng và ngọt. Rổ da sống chín lẫn lộn đủ màu xanh đỏ. Chùm dâu tròn lủng lẳng, mọng nước. Trái đỏ (nhưng vỏ màu hồng), chua loét, dành cho mấy bà bầu ngồi chấm muối ớt ăn cả rổ. Xâu chùm quân đỏ bầm, khi ăn phải dần cho mềm, ngọt lịm.
Đoạn đường nhỏ xíu chạy ngang qua làng, bụi đất dơ hầy, có cả chục quán bán hàng như Gái, nhưng người ta vẫn thích ghé tới quán của Gái, ngồi dưới bóng gốc đa làng giữa trưa nắng như đổ lửa, ăn miếng bánh tráng, hút điếu thuốc, ngóng chuyện xóm làng. Quán của Gái như trung tâm thông tin của làng, chuyện đầu trên xóm dưới đều có đủ.
Nửa đêm, mọi người ngủ hết, đường vắng tanh. Hai vợ chồng Gái lủi thủi dọn hàng về, nghỉ ngơi chút đỉnh rồi chuẩn bị cho ngày hôm sau.
3. Những đứa trẻ lớn lên, ra đời, có vợ có chồng, bỏ quê, lìa xứ, thỉnh thoảng một năm đôi bận tìm về thăm làng xưa cảnh cũ, lòng buồn hắt hiu khi cảnh vật không còn nguyên vẹn. Những căn nhà lụp xụp bị phá bỏ, nhà ngói cao tầng mọc lên. Người già năm cũ theo ông theo bà về cõi niết bàn. Bạn bè ở quê thì nheo nhóc vợ con. Chỉ có con đường năm cũ bụi bặm vẫn bám đầy, loang lổ và quán của Gái lặng im cùng năm tháng. Gái ngoài bốn mươi, vẫn bày hàng ra bán. Bây giờ, Gái đã lên chức nội, mệt trong người nên nhường bớt cho dâu con...
Những món ăn vặt năm xưa giờ tìm đỏ mắt cũng không còn bán. Chẳng ai còng lưng bỏ công làm thau bánh lọt, trái chuối rim, nướng bánh tráng khoai, hay chặt từng con ốc hút bán kiếm đồng lặn đồng mọc. Những bà hàng năm cũ giờ già lắm rồi, không làm bánh rán, bánh hột xoài, bánh cam, bánh bò nữa. Con cháu của họ đi làm công nhân ở Hyundai Vinashin, hay bỏ xứ vô Nha Trang, Sài Gòn lập nghiệp, ôm giấc mộng giàu sang. Nhiều món hồi nhỏ tụi tôi chỉ mong lớn lên, có đủ tiền sẽ mua ăn cho đã, vậy mà, bây giờ lớn rồi, chẳng còn ai bán cho ăn.
Xóm cũ dẫu có đổi thay, người cũ mất đi, bọn trẻ được sinh ra lấp vào khoảng trống, cây đa già quá, mưa bão quật ngã trốc gốc, chỉ có Gái vẫn ngồi đó mỗi ngày bày hàng ra bán dẫu chỉ còn lưa thưa. Mỗi lần về thăm nhà, tôi và bạn bè cũ lại tới ngồi nhâm nhi cái bánh, ăn con mực, nghe Gái nói cười, nhắc lại những chuyện xa lắc xa lơ, cái thời tụi tôi còn ở truồng tắm mưa, ăn chịu hoài không trả.
Tụi tôi quên hết rồi, vậy mà Gái vẫn nhớ...!
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro