Nước Chảy Xuôi Dòng
Đời người kể cũng lạ, tự dưng lại phải tuân theo cái vòng sinh lão bệnh tử luân hồi, nghĩ mà buồn. Nhưng giả dụ một đời không biết bệnh, không biết lão thì cũng buồn nốt. Đôi khi con người ta lại thèm được chết ấy chứ. Sống mà bị coi như gánh nặng thì chết để làm một linh hồn thanh thản có lẽ sẽ tốt hơn.
Mải miết với suy ngẫm cuộc đời bà cụ sực tỉnh, bà chợt nhớ là quên chưa nhắc thằng cháu nội mua một ít vôi ăn trầu. Lúc nhạt miệng tự dưng lại thèm cái the the ngòn ngọt ấy.
Nằm bệnh viện hoài bà thấy bứt rứt, đầu óc cứ gò lại thi nhau cong lên từng trận, cái khung sườn già nua ọp ẹp khụm lại từng hồi phát ra tiếng ho khèn khẹt mệt mỏi. Tuổi già quất lùa bệnh vào mình mà hành hạ, như thể một đời hưởng thụ đã đến lúc phải trả nợ. Ông trời cho đi thì lấy lại mấy hồi, tự dưng bà thấy sợ, sợ cảm giác sắp trở thành người thiên cổ. Trước đây, bom đạn tàn sát dữ dội bà còn lẩn qua được, nhưng bây giờ thì "bom đạn" nó lại ở chính trong người mình, tránh trời sao thoát.
Mấy ngày nay nằm trơ trong này bà thấy tủi thân, bà nhớ ông chồng quá cố đã ngót ba mươi năm. Bà ngẫm mà nghĩ ổng sướng thiệt, lúc còn sống thì bươn chải nuôi vợ nuôi con, chết là tạm dừng trách nhiệm, chỉ có bà là phải sống để chứng kiến cảnh con cháu báo hiếu.
Bà có mười một đứa con, nghe thì nhiều đấy, nhưng thời chiến có sinh ra chừng nào thì sống sót cũng ngang ngang người ta kế hoạch bây giờ. Cái sàng số mệnh đã giữ lại giúp bà năm đứa, đứa nào bây giờ tóc cũng phớt sương, thấy chúng con cứ chạy đua theo thời gian mà bà thấy buồn. Chúng rồi cũng như bà, sắp trở thành người già, sắp chết, vậy là hết một đời.
Người ta nói: Nước mắt chảy xuôi không bao giờ chảy ngược. Đúng lắm chứ, chẳng nhìn đâu xa, cứ nhìn vào mấy đứa con của bà thì thấy. Thằng Hai là con cả trong nhà, vậy mà từ khi làm thông dịch cho giặc, giặc tan nó dẫn vợ con đi luôn vào miền trong mà cư ngụ, nghe đâu bây giờ làm ăn cũng khó khăn. Mồ mả hương đèn chỉ do thằng Út trông ngó, nhưng cái thằng lúc nào cũng vấn vương cảnh hai quê như hắn thì đôi lúc làm ông bà lạnh lẽo.
Hắn mê mệt cái con đàn bà bị chồng bỏ, tay mang hai mụn con, hắn thấy thương, thấy mình cần có trách nhiệm với con đàn bà đó, còn vợ con hắn đói khát nheo nhóc nơi quê nhà thì mặc kệ. Hắn thiết gì cái con vợ hư, chính tai hắn nghe người ta đồn ầm chuyện vợ hắn dẫn trai về nhà, thế rồi hắn uất ức, đập phá đánh chửi tơi bời rồi bỏ đi, với hắn con tình nhân có vẻ chính chuyên hơn.
Còn ba ả con gái của bà cũng thảm lắm, đứa con gái lớn hiếm muộn mà lại còn nghèo, tội phải mắc vào ông chồng Ba Tàu ngày nào cũng chỉ biết ăn nhậu say xỉn, lâu lâu nó về thăm, bà thấy xót cho con nhưng biết làm sao.
Hai đứa còn lại thì rủ nhau lên núi mà sinh nhai, đứa nào có phận đứa ấy. Con Bảy thì làm chủ quán bia ôm, nhờ cái nghề bán thân người khác mà làm ăn kể cũng giàu phất lên nhanh chóng, cà nề làm gì cái nghề nhơ nhớp, bởi cũng lắm người thích thú cái nhớp nháp đó lắm chứ. Nếu không nó cũng đổ nợ từ lâu chứ có giàu sụ như bây giờ đâu. Mà người ngoài trông vào nó lại là đứa có hiếu lắm. Tiền bạc thuốc thang nó đâu tiếc gì với mẹ, có chăng chỉ vì nó ngại thằng chồng. Con Mười thì ổn hơn, không giàu không nghèo, vừa chừng nuôi con ăn học nhưng dạo này nhà cửa hục hặc chuyện chồng con, thấy nó gầy so bà cũng cay lòng.
Thằng Út đưa bà qua bệnh viện đã sắp ba ngày mà chẳng thấy mặt mũi đứa nào, trách sao bà không tủi, không thấy mình thừa thãi.
Đương lúc nghĩ thì thằng cháu nội bước vào, nó cầm trên tay lỉnh kỉnh những đồ cá nhân cho người bệnh. Bà cụ sai nó trở ra mua ít vôi, dù gì bà cũng đang cần, phần nào nhai trầu cũng giúp bà đuổi tan cái suy nghĩ cứ kéo nhau nhẩn nhơ trong cái đầu óc già nua muốn được lắng dịu đôi chút.
Trong lúc đợi thằng cháu trở lại bà chợp đôi mắt lem nhem đầy gỉ thiếp đi một lát. Thỉnh thoảng, ngoài hành lang vang lên tiếng lê chân bà lại giật mình nhổm dậy trông ngóng. Cái chờ chực làm bà không nén nổi tức tưởi.
- Con cái nó ở xa, mình đau chết nó không kịp về nhìn mặt lần cuối ấy chứ! - Bà cụ than thở với bà bạn già cạnh giường.
Lần này nghe tiếng lẹt đẹt nện vào nền gạch bà chẳng buồn nhổm dậy. Tổ cha bọn nó, mình đau yếu vậy mà không thấy mặt mũi đứa nào. Đứa con dâu vợ thằng Út biết bà đau yếu nằm viện đến cháo nuốt còn chẳng trôi, vậy mà tới bữa lại mần một cà mên đầy cơm với dưa cải. Làm như mang cơm cho anh nông dân cày ruộng không bằng. Nhìn cơm khô lởm chởm mấy lát dưa mà nước mắt bà chực rơi. Một đời nuôi con đến lúc nằm một chỗ nó báo đền mình thế đấy.
Nhưng lần này là con gái bà về thật, con Mười dẫn cả con gái cùng về, bà định bụng sẽ giận hay quát mắng nhưng thấy nó lem nhem bụi đường, tóc tai xác xơ lại vì gió bụi mà bà nguội đi cái uất ức.
Thấy mẹ gầy rộc con Mười sốt sắng, nó sai đứa con gái lấy tô đổ cháo gà nó hầm ở nhà mang đi. Bà cụ khòm cong người xuống yếu ớt húp nhẹ từng miếng cháo ngon lành, dẫu sao còn đỡ hơn cơm khô và dưa cải. Được một lúc thì vợ chồng con Bảy cũng về. Bà rút khăn trong túi chạm chạm con mắt đang lòe nhòe để nhìn cho rõ. Bà mừng mừng tủi tủi, tự dưng bà cảm giác mình vừa được tìm thấy sau khi bị bỏ rơi. Cái vui sướng làm bà quên cơn đau đang gầm ghì bổ những nhát chắc nịch trong người, lâu lâu đau quá nó chỉ kịp thốt lên những tiếng kéo khèn khẹt của đàm quện đặc trong cổ họng.
Chợt con Bảy bảo với em nó: "Mẹ chưa đi được đâu, yên tâm đi! Tao đi coi bói người ta nói qua hết thôi mà".
Nghe con Bảy nói vậy ai cũng thở phào nhẹ nhõm như thể trút cái gánh lo ngàn cân. Tội nghiệp, bà cụ cứ thấp thỏm lắng nghe mấy đứa con kháo chuyện, mà rồi cũng chẳng nghe trọn vẹn được cái gì. Tai bà giờ cũng điếc đặc đi, mặc bà cứ cố chăm chú nghe cho rõ, lâu lâu mấy đứa lại thay nhau phiên dịch cho bà, cái được cái mất, trong bệnh viện mà nói như la làng người ta lại bảo cho là vô văn hóa.
Trời trở chiều, chúng bảo nhau ai sẽ là người ở đây trông mẹ. Không thể để con trai thằng Út ở với bà, bất tiện đủ thứ mà bà lại xót cho nó. Con Bảy nhìn nhanh qua thằng chồng nó đang thiu thiu giường bên cái vẻ mặt lạnh lùng, nó cười cười như bao biện phải về để trông quán, quán xá không có người mất khách như chơi. Chờ thằng chồng bước ra cửa, con Bảy nhanh nhẹn dúi vào tay bà cụ tờ bạc năm trăm ngàn mà nó cất công chuẩn bị sẵn. Bà không kịp nghe con nói gì nhưng cũng nhanh nhẹn nắm chặt tờ bạc giấu xuống, con Bảy thấy vậy cười kha khả như thỏa mãn cái lòng báo hiếu của mình.
Đến tối thấy con Mười buồn buồn bà vặn hỏi thì nó than thở, ngày mai con gái nó phải trở vào trường học vậy mà tiền vẫn chưa xoay được, thấy nó trằn trọc, chợt bà rút bọc ni lông đã xỉn màu được ghim chặt trong áo, bà đưa lên mắt săm soi, rút đồng năm trăm ngàn chìa cho nó. Còn chần chừ chưa muốn cầm thì bà ấn mạnh vào tay nó. Một lát sau bà nằm thiu thiu, cái đầu đau như búa bổ nhức không chịu được, hơi thở khò khè mỗi lúc vọng lên nặng trịch.
Sáng hôm sau, vợ chồng thằng Út qua thăm bà, thật lòng bà cũng chả thích ả con dâu này, mà nó cũng có ưa gì bà. Cả năm thằng chồng bỏ đi mất xứ, bà ở nhà chỉ mình nó chăm sóc, nó than vãn với con Mười, cái giọng đanh lại oán trách. Nó ghét cái không công bằng của bà cụ, nó ghét cái thị tiền của con Bảy. Đứa không tiền thì có công, còn chị Ả và anh Hai cả năm có thấy mặt vậy mà lúc nào cũng hoạch họe mình nó, bảo sao cho cam. Bà thử lên nhà con Bảy ở thử xem, nó chả biện lí do là chỗ làm ăn, tối kỵ cảnh bã trầu đỏ bắn khắp nơi, rồi cái khọm khị tò mò của người già. Lâu lâu nó gởi về ít nước ngọt, ít bánh trái đã quý. Phần người già tính tình cũng nắng mưa, ai cũng nói thương mẹ nhưng cả năm họa ra có cái đám giỗ to to thì còn ghé về chút ít.
Ả con dâu của bà nói cũng chẳng sai, suốt ngày lụi cụi ngoài đồng, một thân một mình chứ thằng chồng nó bỏ theo gái, cơm nước có kham cũng phải chịu, nhưng uất quá bà phải la càn. Mẹ già bệnh tật mà chúng nó cứ bảo thầy nói chưa tới số, dúi mấy trăm ngàn rồi cười xuề xòa lấy hiếu. Anh Hai, chị Ả cũng còn thủng thẳng chưa về kịp. Nghĩ mà bà thấy đau lòng, thấy mệt mỏi như muốn trút đi cái hơi thở còn neo lại yếu ớt.
Trời đêm hôm ấy tự dưng chuyển giông, gió lùa qua khuôn gió phòng bệnh lạnh ngắt, tự dưng bà lại muốn được nhai trầu, dù biết bác sĩ không cho phép nhưng bà cứ nằng nặc, con Mười cũng đành chiều lòng bà.
Khuya. Bà sốt cao làm con Mười đâm hoảng phải đi gọi bác sĩ. Nằm trên giường bệnh bà cứ đưa mắt nhìn ra cửa chờ đợi. Tự dưng nước mắt cứ ứa ra tràn qua khóe nóng hổi.
Ngày hôm sau người ta nghe tiếng chiêng trống lạnh người vang lên thê lương. Kẻ khóc lóc, người vật vã như thể chết đi sống lại. Bà cụ đi thật, bà cũng chẳng chờ mấy đứa con về gặp lần cuối nữa...
Bà rồi cũng nằm sâu dưới ba tấc đất, nhắm mắt buông tay, mặc kệ lẽ đời như con tạo xoay vần...
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro