Lạ Lùng... So Đũa Mọc Hoang
So đũa là loại cây mọc hoang khắp các vườn tạp, mé sông, bờ ruộng ở miền Tây Nam bộ. So đũa thân cao và thẳng, trái dài thon thả, đều đặn giống như những chiếc đũa xếp song song, từng cặp lủng lẳng trên cành. Có lẽ từ hình ảnh này mà dân gian gọi loài cây này như thế.
Khi những cơn mưa cuối mùa vừa dứt, những cơn gió Bấc se lạnh ùa về cũng là lúc so đũa đua nhau nở rộ. Lúc nước trong, mặt sông mênh mông, nhẹ buông mái chèo lặng lẽ cập sát mé, với tay hái từng chùm so đũa mỏng manh thơm ngát, cảm giác mới an lành làm sao.
So đũa bông trắng nhụy vàng
Thò tay anh hái cho nàng nấu canh
So đũa ngon nhất nên hái vào buổi sớm mai, khi từng chùm bông còn đọng hơi sương, nở oà trong ánh nắng mới lên, tinh khiết và trong trẻo. So đũa hái về nhặt bỏ cuống và chót nhụy đắng, rửa nhẹ trong nước để tránh bầm giập mất ngon.
Bông so đũa nấu canh chua cá rô đồng, loài cá sống khắp sông rạch, ao đìa, lung bàu, thửa ruộng... ở miệt đất này là đậm đà nhất. Không biết có phải giữa chúng có mối lương duyên hay không mà thời điểm bông so đũa nở trắng cũng là lúc cá rô đồng béo nhất, ngon nhất.
Để nấu nồi canh chua, trước hết người ta làm sạch, để ráo cá rô đồng. Nấu nước sôi, cho cơm mẻ vào, lược lấy nước chua (có người không nấu cơm mẻ mà nấu bằng me, bần, nhưng tất cả đều được lược bỏ cái chỉ lấy nước). Nước sôi lại thì thả cá vào. Nấu nhỏ lửa để cá không bị nát, khi nước sôi lần nữa thì cho bông so đũa vào, nêm rau cần dày lá, hoặc ngò gai, ít lát ớt, nêm nếm rồi nhấc xuống ngay, để lâu bông so đũa rục sẽ mất ngon. Người Tây Nam bộ nổi tiếng với chuyện ăn "ngọt" hơn các vùng miền khác. Món canh chua cũng vậy, người ta chỉ nêm đường, muối, ít người xài đến bột ngọt.
Ăn canh chua cá rô bông so đũa thường là nước mắm nguyên chất thả vô mấy trái ớt hiểm chứ không pha chế gì thêm. Không biết món ăn này có giá trị dinh dưỡng cho người phụ nữ đến đâu, mà dân gian cứ truyền tai câu hát:
Canh chua nấu cá rô đồng
Nửa đêm thức giấc nhớ chồng đi xa
Bông so đũa còn được ăn kèm với các loại rau dại khác như điên điển, kèo nèo, cọng bông súng,... để chấm mắm kho, cá kho thì cũng hết ý. Vị đăng đắng của bông so đũa góp phần không nhỏ để quyến rũ người thưởng thức.
Dân gian còn dùng vỏ so đũa để trị chứng hôi miệng. Người bị cảm sốt nhiều ngày miệng đóng chất bợn đến cứng cả lưỡi, khiến người bệnh không buồn đến ăn uống. Dân gian vặt vỏ so đũa về giã nát, lấy nước để rơ cho sạch. Xong, người bệnh húp chén cháo nóng sẽ dần khỏe ngay.
Khi làm vườn, vác lúa, đào đất,... chẳng may bị trặc chân, sưng tay, người ta lấy vỏ so đũa giã nát với ít hột muối rồi cho thêm chút giấm chua vào bó ngay chỗ đau. Chẳng mấy lần vết sưng sẽ khỏi.
Với trí tuệ tuyệt vời, người bình dân đã tận dụng loài cây mọc hoang như so đũa để phục vụ cho đời sống của mình. Hơn thế nó đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người miệt đồng, quê mùa mà đáo để biết bao.
Bao mùa so đũa trổ bông
Hỏi ai so được nỗi mong nhớ này
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro