Bông Bí Rợ Xào Tép Bạc
Ca dao có câu:
Buổi chợ đương đông con cá lòng tong còn chê lạt
Buổi chợ tan rồi con tép bạc khen ngon
Thực ra đây là cách chơi chữ theo cách hiểu ngược nghĩa của người bình dân. Mượn từ bạc chỉ màu trắng để liên tưởng đến sự bạc bẽo của thói đời là nghĩa hàm ẩn mà câu ca muốn gửi đến người nghe. Chứ thực ra thì tép bạc hẳn ngon hơn cá long tong lắm!
Tép bạc hay tép đất là tên dân gian dùng để gọi loài tép có con lớn cỡ ngón tay cái, màu bạc, có râu và chót đuôi màu đỏ.
Dọc theo các dòng sông, lòng rạch miền quê, người ta thường hay đặt nò để bắt tép bạc. Nò làm bằng tre, trúc. Miệng nò đặt giữa hai tấm đăng bện bằng sậy. Độc đáo là miệng nò được dân gian chọn ngay nơi có dòng nước chảy xiết. Đặt tính của tép là hay bơi ngược dòng chảy. Chúng lại thích ánh sáng. Vì thế, trên miệng nò người ta còn đốt ngọn đèn dầu leo lét treo tòn ten để dụ tép vào. Nước chảy mạnh tạo tiếng kêu tí tách, tép hươ râu đỏ nước.
Chừng non canh một (khoảng 9 giờ tối) người ta bắt đầu dỡ nò bắt tép. Tép được rọng trong giỏ tre treo lềnh bềnh trên mặt sông, vì nếu nước đứng, tép sẽ chết. Sáng hôm sau, người ta "thăm" nò thêm lần nữa. Tép tươi ngon ăn đủ cả ngày hôm sau.
Những ngày đầu mùa mưa, người dân quê miền Tây Nam Bộ hay tận dụng những vùng đất trống ở góc vườn, bờ mương để trồng mướp, dưa leo, bí rợ,...
Bí rợ có thân dài trườn hay leo nhờ, những tua vòi quấn vào những vật tiếp xúc, chia ra nhiều nhánh, thân có năm cạnh. Toàn bộ cây được bao phủ bởi lớp lông cứng giòn, không gai. Lá bí lớn, nguyên, gân lá hình chân vịt, lá phủ lớp lông mềm. Giống bí rợ ngon nhất được ưu chuộng hơn hết là bí Vàm Răng. Bí bò lan phủ màu xanh mượt trên mặt đất, hơn tháng sau, cây bắt đầu ra bông.
Người nhà quê để bông cái cho thụ phấn thành trái và hái bông đực có màu vàng nghệ để chế biến các món ăn trong bữa cơm dân dã hàng ngày. Sáng sáng hái đầy những rổ bông bí đem về lặt bỏ nhụy và tước lớp da vỏ dai bên ngoài, rửa sạch để ráo nước. Tép bạc đem lột bỏ vỏ, rồi bắc chảo lên phi mỡ tỏi cho dậy mùi thơm. Trút tép vô xào, đợi tép săn chín, nêm nếm cho vừa ăn rồi cho tiếp bông bí đã chuẩn bị vào xào. Sơ qua vài dạo, bông bí vừa chín thì nhấc chảo khỏi bếp.
Dĩa bông bí xào tép được thêm ít tiêu xay nhuyễn lên cho hương vị nồng ấm.
Bữa cơm dân quê bình dị mà ngọt lịm bởi hương vị của những sản vật sẵn có được tận dụng và kết hợp một cách hoàn hảo.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro