Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Về Nhà Đâu Chỉ Bởi "Tiếng Cơm Sôi"...

Nói thiệt, ngày còn ở quê chưa vô Đại học rồi ở lại luôn với Sài Gòn bao dung, tôi và anh em trong nhà may mắn đều đặn cơm ngày ba bữa, dù cũng có lúc khoai sắn độn thêm.

Hầu như không ăn hàng, quà vặt ngoài đường với các món đa dạng ê hề như bây giờ. Nhưng từ lúc bước chân vào con đường lang bạt, tôi lại không vướng víu nhớ cơm, quấn chân bởi phở hay các món ăn, hương vị quê nhà như khá nhiều người tôi biết – ngay khi đi xa vài bữa cũng cõng theo cả thùng mì gói, nồi cơm điện... Trên các hành trình một mình lang bạt đường bộ, sắt từ Việt Nam qua Lào, Trung Quốc, Tây Tạng, Nepal, Ấn Độ suốt bốn tháng trời, hay ngày mải miết cung Tây Tạng, Tân Cương, Kyrgyzstan, Tajikistan, Trung Quốc, Mông Cổ gần sáu tháng trời... tôi vẫn đón nhận, thưởng thức dễ dàng những thức món xứ người.

Dài dòng chút chỉ để nói rằng khi đi xa, nghe tiếng cơm sôi, ngửi mùi hồi quế (na ná hương phở), mắm ruốc (phổ biến miệt Nam Dương, Mã Lai Á...) hay cả vị nước mắm Phú Quốc (sản xuất ở Thái Lan!)... dù có thoáng nhớ, vẫn không đủ sức kéo tôi về. Mà chỉ duy nhất một điều – Tết, hay đúng hơn là những kỷ niệm ấm êm, những nhớ thương về hạnh phúc ngày cũ, âu lo về những gì sắp mất... mới đủ sức lôi tôi về. Về nhà, với gia đình, với Tết.

Không đi được nhiều như các bạn trẻ, tôi bù lại bằng các hành trình tự thiết kế, hiếm người đi. Vài tháng đến hơn nửa năm là thường như cung đường bộ, thuỷ Sài Gòn đến tận đảo ngọc Bali, vòng vèo Nam Á, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka gần nửa năm... Thế nhưng có duy nhất một chuyện đến giờ vẫn chưa làm được, "thua xa" các bạn, dù đã nhiều lần rất cố gắng: ăn Tết Việt nơi đất khách. Nhiều lần đã cố quyết, vé đã mua, đặt phòng... cuối cùng vẫn không làm được. Như hôm cuối năm đó ở Terengganu, ngồi một mình trong quán, thấy gia đình người bản địa tổ chức tiệc Tất Niên, tặng nhau phong bì lì xì đỏ là muốn chạy bay về nhà, rồi về thiệt. Bữa nọ đã mua vé cho chuyến phà Malacca đi Dubai, bỗng nhận tin nhắn đứa em "má hỏi chừng nào anh về để cúng Tất Niên" là quăng vé. Ngay năm rồi, hành trình lang thang Đông Bắc Ấn chỉ mới bắt đầu vô guồng với nhiều hứng khởi, cũng định đi xuyên Tết, nhưng lại một lần nữa, chỉ nhận tin nhắn là bay về.

Nhưng về để làm gì? Tôi có anh bạn vong niên, chuyện về quê dịp lễ Tết cũng na ná hầu hết nhóm bạn xa quê lập nghiệp ở Sài Gòn. Không chỉ bận rộn chuẩn bị trước vài tháng, mà ngay ngày thường vẫn bỏ công việc nhảy xe, lăn lóc tàu bè mỗi bận nghe lũ xa, bão gần hay tin mẹ già lúc trở trời trái gió... Nhưng chuyện của thế hệ thứ hai trong nhà anh thì khác với các gia đình trẻ bạn tôi, khi con anh đã lớn, bận bịu công việc, chuyện học hành, các mối quan hệ, sở thích riêng... Khác với mấy đứa nhóc cứ được nghỉ học đi chơi, ra khỏi Sài Gòn về thăm nội thăm ngoại, thấy núi rừng, đồng nương, con trâu, con bò gì cũng lạ... là mừng húm. Nên anh rất khắc khoải trước câu hỏi của cậu út vừa bước vào Đại học: "Tết nhứt về quê thì được cái gì?". Phải chăng là không có gì cho người trẻ như chốn đô thị phồn hoa náo nhiệt lắm trò vui, món giải trí, mà chỉ còn là miền nguồn cội để người có tuổi tìm đến, trốn về, náu mình trong kỷ niệm xưa. Điều băn khoăn là sao cậu trai lại có câu hỏi đó trong khi cháu lớn có suy nghĩ khác hẳn, dù chỉ hơn em mươi tuổi. Cả hai cùng sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, giáo dục, gia đình như nhau, môi trường xã hội không thay đổi quá nhiều trong chừng đó thời gian. Sự thể hiện của chủ nghĩa hiện sinh ngày càng bộc lộ rõ hay một góc khuyết, sự lãng quên, lơ là, chủ quan nào trong việc giáo dục của gia đình, xã hội... đã làm đứt rời sự kết nối giữa quê hương và thân phận, giữa cội nguồn và bản thể.

Rộng ra bên ngoài, câu hỏi này có phải cá biệt? Câu trả lời của những du khách tham gia các tour Tết thường đông nghẹt, kín lịch từ rất sớm mấy năm gần đây có khác với của người đã, đang và vẫn sẽ trở về? Để làm gì? Hương ngày nao không còn, vị xưa phai phôi, người cũ đã mất hay còn, đi xa có trở về... Tết bây giờ có còn gì phong vị xưa, nếu không muốn nói là khá chán với cuộc sống ngày càng công nghiệp hoá, vật chất hoá và những giềng mối ngày càng lỏng lẻo, rụng rơi... Nhưng nếu không về, tôi không chịu nổi khi nhớ những nén nhang bảng lảng ba thắp đêm Giao Thừa quấn quíu hương mai vàng mới bung thanh khiết, buổi sáng mùng Một ấm áp trong bếp quây quần chuẩn bị món cúng, con đường về quê ngoại quê nội băng qua những đồng lúa mùa Đông xanh non thanh khiết, lũ trẻ con về đầy nhà xúng xính áo mới bên nội, với ngoại để tôi hưởng ké nỗi xôn xao... Về bây giờ, về năm nay còn may mắn có được những niềm vui đó, chuyện đời người mai này mốt nọ ra sao ai mà biết, để mai kia không đỏ mắt ân hận nói với những câu "nếu biết vậy...", "đâu hay..."... Chỉ mới nghĩ đến đó, chỉ vô tình bấm lỡ bài ca lưu trong điện thoại "nếu con không về chắc mẹ buồn lắm..." là quăng tuốt, bỏ hết mà về. Ai muốn làm Thâm Tâm thì cứ, tôi thì không!

Nên, về nhà đâu phải chỉ bởi tiếng cơm sôi... Nên Tết vẫn thích được về với người thân, bên gia đình. Vì Tết không chỉ là mùng Một tháng Giêng, mà là ngày gia đình bên nhau, ôn chuyện xưa cũ, dặn dò chuyện mới. Có thể không còn đủ đầy, đã nhiều khuyết vơi, vướng vất chút buồn thương tiếc nhớ... Nhưng sẽ được đong đắp bởi tình thân, bởi những kỷ niệm yêu thương, đã bồi đắp, đã dưỡng nuôi tâm hồn, đã dìu đỡ những lúc khuỵu chân trên đường đời... Để sẽ còn mang theo mãi một đời.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #tảnmạn