Nhớ Vị Cua Đồng Rang
Nhớ ngày còn nhỏ đứng trên bờ ruộng, tôi háo hức xem bác nông dân nạt trâu kéo bừa, bởi nước rẽ đến đâu cua đồng hiện ra lồm cồm đến đó. Tụi chúng tôi còn chạy theo vồ vội cũng được giỏ đầy ắp mang về.
Thời đó, thịt còn phân phối theo tem, phiếu nhưng cua, tép thì sẵn. Chẳng nhớ hết có bao nhiêu cách chế biến nhưng tôi nhớ là ngoài nồi riêu cua vàng ngậy thì bà tôi còn ướp cua với thính vào hũ làm nước mắm cua.
Nhưng ấn tượng khó phai nhất là khi thấy mẹ tôi lựa những con cua nhỏ, ít gạch, nếu là cua bấy (mới thay mai) thì ngon nhất. Rồi mẹ bóc mai, bỏ vào chảo mỡ nóng rang cho giòn rồi chấm với nước xì dầu ngon chả kém ghẹ biển là mấy nỗi.
Cua đồng ngon bởi vị giòn tan từ mình cua cho đến từng cái chân cua. Ngày ấy nghe bà nội tôi bảo ăn cua cho mau lớn, còn sau này đi học được nghe thầy giáo dạy môn sinh học giảng giải là ăn cua để tăng thêm chất caxi tự nhiên cho cơ thể.
Mấy chú thợ cấy nhắm cua đồng với rượu cuối buổi chiều nhìn cũng khá hấp dẫn, ăn với cơm cho vơi rồi chan thêm bát canh cua mùng tơi, rau đay thì càng đúng vị đồng quê, dân dã.
Sau này khi đã ra thành phố phải xa đồng đất, có lần tôi cũng mua những con cua nhỏ về rang cho mọi người thưởng thức nhưng không còn thấy vị thơm và giòn như ngày nào. Hỏi ra mới biết đấy là những chú cua được nuôi trong bể bùn chứ không còn là con cua đồng hoang dã nữa. Tất cả những hương vị nồng nàn của bùn đất nơi những thửa ruộng ngàn đời tích tụ vào những chú cua bình dị mới có thể làm nên vị ngon đó.
Chiều nay về với quê làng, bà nội đã không còn nữa nhưng bên bát canh cua mẹ vẫn có thêm đĩa cua đồng rang.
Nghe tôi kể chuyện ăn cua ở thành phố, mẹ bảo chẳng bao giờ con người thay thế được hương vị của tự nhiên cả. Gắp chú cua đồng rang bỏ vào miệng cảm nhận ngọt bùi bình dị của đồng đất quê mới thấy yêu mảnh đất mình đã sinh ra đến lạ.
Có lẽ tình yêu quê hương cũng bắt đầu từ những gì nhỏ bé như thế. Chẳng phải vị ngon của cua đồng đã từng đi vào câu thơ của người đi xứ ngày xưa: Dâu già lá rụng tằm vừa chín/ Lúa sớm bông thơm cua béo ghê/ Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt/ Dẫu vui đất khách chẳng bằng về.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro