Nhớ Tết xưa Hà Nội
Thấm thoắt đã lại những ngày giáp Tết, cụ bà Nguyễn Thị Dương bồi hồi nhớ lại những ngày tết xưa khi cụ còn tấm bé. Đã hơn 70 năm trôi qua, ký ức tết Hà Nội vẫn còn rõ mồn một trong trí nhớ của cụ. Vốn là con gái Hà thành sinh ra và lớn lên ở khu phố cổ, nhà lại ở 91 phố Hàng Mã cận kề ngay chợ hoa cống chéo Hàng Lược nên dù bây giờ cụ Dương đã ngoài 80 tuổi nhưng cái không khí Tết Hà Nội vẫn như mới vừa hôm qua.
Nhà cụ Dương khi xưa là Xưởng củi hiệu Thanh Lâm lớn có tiếng nên ngay từ trước Tết cả tháng mẹ cụ đã tích gom củi gộc từ tỉnh về để bán phục vụ các nhà đun bánh chưng Tết. Các cửa hàng cửa hiệu rục rịch đóng cửa từ 23 tháng Chạp ông Công, ông Táo nhưng riêng cửa hiệu củi Thanh Lâm thì mở cửa bán cho đến tận 29 Tết.
Suốt từ 20 tháng Chạp tiếng pháo đã đì đoàng ngoài phố. Chợ hoa phố Hàng Lược đã ngập tràn sắc đào hồng, quất vàng xuống phố. Vì nhà ngay phố Hàng Mã nên hầu như hôm nào cụ Dương cũng ra chợ hoa vài lần, chỉ là để ngắm cho thỏa thích cái không khí nhộn nhịp ngày Tết. Hồi ấy dọc phố Hàng Mã người ta bày nhiều các loại đồ cổ lắm, đủ loại chén đĩa, bình, lọ hoa, đồ đồng đồ sứ... cơ man nào đồ cổ.
Rồi thì lo mua sắm thức ăn cho mấy ngày Tết, gạo nếp, đỗ xanh, lá dong được mua sẵn. Cụ Dương nhớ lắm cái ngày ngồi cả buổi bên máy nước công cộng để cọ rửa từng chiếc lá dong hay đãi đỗ đến đau cả lưng nhưng bù lại là cái đêm bắc bếp đun nồi bánh chưng thật ấm cúng. Bên bếp lửa bập bùng nồi bánh chưng sôi ùng ục như mang cả niềm vui thời thơ ấu.
Năm nào mẹ của cụ cũng đi chợ hoa mua cho được bình hoa lay dơn, thược dược, chân chim, đồng tiền về cắm lẫn. Cây đào thế luôn được đặt giữa phòng khách trên chiếc đôn sứ uy nghi cùng cây quất tán rộng ba tầng đủ cả quả chín quả xanh và lộc lá.
Mẹ của cụ vốn là gái Hà thành gốc và gia đình đã sinh sống nhiều đời ở khu phố cổ nên vẫn giữ cái nếp gia phong, chu đáo cho ngày Tết thiêng liêng của người Việt.
Ngày 30 bao giờ cũng là mâm cơm cúng tất niên mời gia tiên về sum họp cùng con cháu. Mâm cơm ngày Tết nhà cụ bao giờ cũng đủ mấy món truyền thống: Thịt gà luộc, hạnh nhân xào, khoanh giò lụa, khoanh giò xào, đĩa nem rán, xôi gấc đỏ, canh bóng nấu với chân tẩy chắc chắn phải có hoa lơ, đậu hòa lan, nấm hương và giò thả.
Nồi măng nấu chân giò hoặc thịt ba chỉ thái to, măng lưỡi lợn khô được mẹ của cụ ngâm trước đó cả tuần cho nở, luộc đi luộc lại mấy nước rồi mới nấu. Chiếc bánh chưng xanh được cắt lạt khéo léo bày bên mâm cỗ. Mâm cơm tất niên chiều 30 thật đáng nhớ, mọi người quây quần trong mùi hương trầm thơm ngát.
Bàn thờ sáng choang đèn nến, mâm ngũ quả được bày biện đẹp mắt nghi ngút hương vòng.
Sau bữa cơm tất niên là mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời. Một chiếc bàn nhỏ được chuẩn bị sẵn ngoài sân hướng về phương năm ấy quan hành khiển hành xuất. Mâm cúng thường là một con gà trống hoa nhỏ, được làm rất cẩn thận, buộc cánh tiên miệng ngậm bông hồng, gạo muối, vàng tiền và cút rượu nhỏ.
Đúng thời khắc giao thừa khi khắp nơi tiếng pháo đón năm mới râm ran thì mẹ cụ Dương đứng lễ tạ ơn đất trời cầu xin cho một năm mới được nhiều may mắn, còn cụ Dương thì chạy ù sang cái máy nước bên đường gánh vội về nhà mấy gánh nước lấy may.
Có lẽ sáng Mùng Một là thời khắc mà cụ Dương mong đợi nhất, bởi hai chị em cụ được mặc bộ quần áo đẹp nhất, thường là áo dài tân thời.
Sáng ra nhà ngoài chắp tay chào mẹ, thắp hương cho cha xong là được mẹ xoa đầu mừng tuổi đựng trong chiếc bao hồng điều. Ăn cơm xong cả nhà tất bật chuẩn bị bàn trà đón khách tới chúc Tết. Bộ ấm chén cổ được mẹ cụ cho phép đem ra dùng mấy hôm Tết.
Chè ướp sen thơm ngát, quả đựng mứt xếp gọn gàng các góc thứ nào ra thứ đó, có thêm cả cơi trầu cho mẹ tiếp mấy bà bạn thế nào tý cũng sang. Thế rồi người xông đất cũng đến nhà, tiếng cười nói chào hỏi ríu rít, ngày Tết ai ai cũng tươi cười và nói những lời nhỏ nhẹ. Qua trưa thì chị em cụ được mẹ cho đi chúc Tết nhà họ hàng.
Mẹ gọi hai chiếc xe kéo tay, mẹ ngồi một chiếc còn hai chị em bà ngồi một chiếc. Đường phố ngày Mùng Một tết vắng lắm, không khí ngày đầu năm thật trong lành. Chị em cụ đi đến nhà nào cũng được nhận quà mừng tuổi, ríu rít khoe nhau rồi đếm xem ai được nhiều hơn.
Cụ Dương còn nhớ như in cái cảm giác ngày Tết năm xưa, ngày Mùng Hai Tết mẹ cho hai chị em cụ đi chùa, thường thì mẹ hay sang chùa Thái Cam ngay bên đầu Hàng Gà trước, rồi mẹ ra chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá... Hai chị em được qua Bờ Hồ nhìn thấy tháp Rùa cổ kính rêu phong xa mờ. Cụ bảo ngày ấy thấy Hồ Gươm to lắm, mênh mông lắm mà sao bây giờ thấy nhỏ tí?
"Sáng Mùng Ba mẹ lại làm mâm cơm cúng hóa vàng. Mẹ bảo làm cơm để tiễn các cụ tổ tiên về lại cõi âm. Mẹ thịt con gà nhốt từ hôm trước, cắt khoanh giò mới và bỏ nồi cá chép kho nhừ từ trong Tết và nồi thịt bò kho gừng ra bày lên mâm cơm hóa vàng. Gần trưa cúng xong thì mẹ bắt hai chị em mang ra hè đốt hẳn một mâm vàng tiền to. Hóa vàng xong, hai chị em nhìn nhau ngẩn ngơ: vậy là hết Tết rồi sao?", cụ Dương bồi hồi nhớ lại.
Đã hơn 70 năm qua rồi, cụ Dương vẫn còn bồi hồi nhớ lại Tết xưa. Nhà cụ bây giờ vẫn ở 91 Hàng Mã. Cái xưởng củi ngày xưa không còn thay vào đó là 3 ngôi nhà 5 tầng của các con cụ xây sau này. Chợ hoa Hàng Lược vẫn còn, phố Hàng Mã ngày giáp Tết vẫn bày đủ các loại đồ cổ nhưng cụ bảo người ta bán toàn đồ Trung Quốc hay Bát Tràng giả cổ chứ không như ngày xưa là đồ thật.
Chợ hoa vẫn ngập tràn sắc đào và quất nhưng bây giờ hiếm thấy nhà nào cắm lọ hoa truyền thống như xưa như lay dơn, thược dược, đồng tiền, vi ô lét... mà thay vào đó người ta chơi lan Thái, địa lan Đà Lạt. Cũng chẳng còn thấy mùi trầm hương ngát thơm mà phảng phất mùi nhang hăng hắc.
Cụ Dương bắc ghế ngồi ra cửa ngắm dòng người qua lại, từ trong nhà, cô cháu gái đun nồi nước lá mùi già bay ra làm lòng cụ trùng xuống nôn nao nhớ Tết xưa. Cụ quay vào nhà, đến trước bàn thờ gia tiên, thắp nén hương trầm như muốn níu lại hồn Tết xưa trong lòng Hà Nội.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro