Rảnh Rỗi Đọc Hồng Lâu Mộng
Một ngày đẹp trời nọ mình thấy một bài viết từ World Economic Forum (WEF) giới thiệu 4 cuốn sách cần đọc nếu muốn tìm hiểu về Trung Quốc đương đại: "4 books you need to read to understand modern-day China". Trong đó có "Dream of The Red Chamber" (Hồng Lâu Mộng) là tựa duy nhất được viết bởi một tác giả Trung Quốc. Thể loại tiểu thuyết, trọn bộ 3 tập 120 hồi, xấp xỉ 1900 trang.
Sẵn đang trong thời gian chờ visa Úc một cách chán chường và quá đỗi nhàn rỗi, mình đã đặt mua phiên bản đặc biệt của NXB Văn Học, nhóm dịch giả Vũ Bội Hoàng, Nguyễn Doãn Địch, Nguyễn Văn Huyến, Trần Quảng, Nguyễn Thọ, Nguyễn Đức Vân. Bộ này thiết kế bìa đỏ chói và có cái hộp cứng ngoài nhìn vô cùng trang trọng, giá đâu đấy trên 300k một tí nhưng đáng đồng tiền bát gạo.
Như Mao Trạch Đông đã từng nói "Mỗi người nên đọc cuốn tiểu thuyết này năm lần trước khi muốn đưa ra bất kì một nhận xét gì về nó. Dẫu đã từng được cày nát qua nhiều thế kỉ, cuốn sách với hơn 600 nhân vật độc đáo và đa dạng Hồng Lâu Mộng vẫn là một kho chứa nhiều điều bí ẩn". Với một người ghét cay ghét đắng thể loại này, mình đã mất hơn ba tháng để nghiền ngẫm, bắt đầu từ tháng 12/ 2016 đến tháng 2/2017. Từ tốc độ rùa bò mỗi ngày chỉ đọc một hồi cho tròn nghĩa vụ, dần dà đọc liền tù tì mười hồi một ngày và đến mấy chục hồi cuối cùng thì đúng là không buông ra được.
Do đã đi làm trở lại nên sắp tới có đọc sách thì cũng chỉ đọc sách tài liệu nghiên cứu, cho nên tối nay đi ngủ trễ chút viết ra vài dòng kỷ niệm cho lần đầu tiên đọc dòng tiểu thuyết có giá trị văn học như này.
1. Một tay cầm sách, một tay cầm gia phả
Lần đầu tiên đọc sách hớn hở lướt cái vèo đến hồi hai mươi mấy, sau đấy phát hiện ra không nhớ nhân vật nào ra nhân vật nào. Câu chuyện của Hồng Lâu Mộng xoay quanh gia đình nhà họ Giả và một số nhà thông gia lân cận. Bạn nào sinh ra trong đại gia đình thì chắc cũng biết nhà có bốn thế hệ ông bà, bố mẹ, anh em, con cái, cháu chắt, dâu rể, hai nhà nội ngoại sẽ rối bèng beng thế nào. Chưa kể nhà này là phú gia một chủ có thể có đến tới tám người hầu, trong nhà còn có tổng quản, đầu bếp, coi vườn, đánh xe, giữ nhà các loại.
Trong truyện không phải lúc nào cũng dùng tên nhân vật, tùy người và tùy thứ tự trong nhà sẽ có thêm cách xưng hô khác. Đơn cử như Vương Hy Phượng lúc thì được gọi là Phượng Thư, lúc thì là mợ Liễn (gọi theo tên chồng là Giả Liễn), khi thì là mợ Hai (do Giả Liễn là con trai thứ hai trong nhà).
Ngoài ra nếu không có trí nhớ tốt, rất khó khăn để có thể hình dung những nhân vật nào ở cùng một bậc trong gia đình. Ví dụ quan hệ giữa Bảo Ngọc và Tần Chung là chú và cháu mặc dù hai người bằng tuổi, chơi rất thân và cùng học chung một thầy.
Cho nên mình đã phác hoạ ra cái gia phả thế này và bắt đầu đọc lại từ hồi đầu tiên (à thực ra cũng cố gắng tìm gia phả trên mạng mà không có sẵn =="). Ngoài ra để tiện cho việc phân tích nhân vật và phân tích tác phẩm, mình cũng chăm chỉ ghi chú lại sau mỗi chương. Bạn nào muốn đọc Hồng Lâu Mộng thì cũng nên xác định tư tưởng là cần nhiều thời gian nha, cưỡi ngựa xem hoa thì sẽ không thấy tại sao trên thế giới lại có nhiều người điên cuồng theo đuổi cái ngành gọi là "Hồng học" đâu.
2. Khái niệm về không gian và thời gian
Tác phẩm ra đời vào khoảng giữa thế kỉ 18, vương triều nhà Thanh, thời Ung Chính, Càn Long (1723 – 1795) là lúc kinh tế cực thịnh. Các thành thị lớn như Nam Kinh, Dương Châu, Vũ Xương, Nhạc Châu... buôn bán, sản xuất sầm uất. Nhìn vào bản đồ địa lý và đọc lịch sử triều đại này là có thể hình dung sơ bộ.
Tuy nhiên cái mà mình muốn nói đến nó cục bộ hơn một tí. Trước hết hãy xem xét không gian của hai phủ Ninh Vinh mà cụ thể là vườn Đại Quan. Nếu đến Bắc Kinh thì đúng là có thể đến thăm vườn Đại Quan thật (vườn này được khởi công xây dựng năm 1984 với quy mô 13 ha, gồm hơn 40 công trình lầu hồng gác tía, sơn son thếp vàng). Tuy nhiên vào thời nhà Thanh thì không có cái vườn này đâu, chỉ có vườn Viên Minh (hay còn gọi là Ngự Viên) xây dưới thời Khang Hy thôi: The Yangmingyuan as Imperial Paradise.
Rất nhiều phân tích về vườn Đại Quan ở hai khía cạnh đan xen thực và ảo: Hai thế giới trong Hồng Lâu Mộng. Nhưng nếu bỏ chút thời gian tìm hiểu bạn sẽ còn tìm thấy bài viết thú vị sau về kiến trúc của vườn Đại Quan – The Propensity of Chinese Space: Architecture in the Novel Dream of the Red Chamber.
Vườn Đại Quan
Về thời gian diễn biến của truyện thì thực tình mình còn rất mù mờ, đến cuối truyện không có cảm giác được ra bao nhiêu năm đã trôi qua. Sau này nếu có đọc lại thì chắc là sẽ cố nhớ kỹ một chút ở những lần lễ Tết (chẳng hạn như Rằm tháng Một). Ngoài ra biết cách tính giờ của người xưa "Đêm Năm Canh, Ngày Sáu Khắc" thì sẽ hình dung tốt hơn mấy cái đoạn như "Ngày hôm sau, đúng giờ Mão hai khắc, Phượng Thư lại đến".
3. Một tác phẩm hai tác giả
Tào Tuyết Cần viết được 80 hồi thì chết mất. Cao Ngạc viết tiếp 40 hồi tiếp theo. Thực tình mà nói thì tội Tào Tuyết Cần vì nhân vật mình sinh ra nuôi lớn mà cuối cùng lại không được định đoạt kết cục của tụi nó. Tội Cao Ngạc vì đã mất thời gian nghiên cứu tìm hiểu mô phỏng các loại cho câu chuyện một kết cục thì lại ít khen nhiều chê.
Cơ mà thương thì thương nhưng thôi thì kệ, ai không biết chứ mình thì có cảm giác Cao Ngạc gia tốc khủng khiếp cho Hồng Lâu Mộng ở 40 hồi cuối. Kiểu như đọc 80 hồi đầu thì từ từ tà tà, qua đến 40 hồi sau thì việc này nối việc kia diễn ra liên tiếp, kẻ chết người đi nhà tan cửa nát đau lòng không kể xiết.
Thấy có nhiều người tranh cãi về việc Cao Ngạc để Đại Ngọc chết. Mình thì chỉ quan tâm đến việc tại sao khắc hoạ về Bảo Thoa lại quá mờ nhạt và Bảo Ngọc lại quá nửa vời như vậy (còn như nào thì phân tích dài dòng lắm mình lười).
Nói tiếp về vấn đề một tác phẩm hai tác gia, thực tế thì có rất là nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề này. Trong số đó mình hứng thú nhất với cách tiếp cận mới mẻ khoa học "Quantitative analysis" và "Text-Mining Approach" để so sách văn phong của các hồi với nhau. Kết quả thu về chính là: 80 hồi đầu tiên được viết bởi Tào Tuyết Cần, nhưng 40 hồi sau được viết bởi hai người chứ không phải mỗi mình Cao Ngạc. Một điều đáng ngạc nhiên hơn chính là hồi thứ 64 và 67 thật ra không phải do Tào Tuyết Cần viết.
4. Tào Tuyết Cần không những thông minh, mà còn rất hóm hỉnh
Trích Hồi 6 "Nay nói đến phủ Vinh, người không đông lắm, tính trên dưới có tới ba bốn trăm, việc không nhiều lắm, một ngày xử độ vài mươi vụ, rối beng như mối tơ vò, không biết lần từ đâu. Vậy thì nên lấy việc gì, người nào làm đầu mối mà viết truyện được".
Trích Hồi 18 "Nhớ lại những ngày ở dưới núi Thanh Ngạnh trong dãy núi Đại Hoang, mình sao mà buồn rầu tịch mịch vậy! Nếu không nhờ nhà sư chốc đầu và đạo sĩ khiễng chân mang đến đây, thì làm gì mình được thấy cái thế giới này. Muốn làm một bài phú đèn trăng, bài tụng tinh nhân, để ghi lại việc hôm nay, nhưng lại sợ vướng vào khuôn sáo của các sách. Với quang cảnh ấy, dù có làm bài phú, bài tụng, cũng không thể hình dung hết cái đẹp của nó; mà không làm thì những hào hoa mỹ lệ, chắc độc giả cũng có thể tưởng tượng ra được. Cho nên xin bớt đi, khỏi phải dài dòng, để quay về ý chính là hơn".
5. Bản tiếng Anh của Hồng Lâu Mộng
Người ở những nước có nền văn hóa với nhiều nét tương đồng với Trung Quốc như Việt Nam thấy Hồng Lâu Mộng hay có thể xem là điều hiển nhiên. Bản dịch tiếng Việt rất hay và sinh động, những ẩn nghĩa trong tên, trong xưng hô, trong thơ từ rất ngắn gọn dễ hiểu. Do tò mò nên mình kiếm thử bản tiếng Anh đọc vài hồi xem thế nào. Trích bốn câu trong "Táng Hoa Từ" (Bài từ chôn hoa) của Đại Ngọc:
爾今死去儂收葬,
未卜儂身何日喪?
儂今葬花人笑痴,
他年葬儂知是誰?
Nhĩ kim tử khứ nùng thu táng
Vị bốc nùng thân hà nhật táng
Nùng kim táng hoa nhân tiếu si
Tha niên táng nùng tri thị thuỳ
Giờ hoa rụng có ta chôn cất
Chôn thân ta chưa biết bao giờ
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ
Sau này ta chết ai là người chôn?
Ye flowers are now faded and gone, and, lo, I come to bury you.
But as for me, what day I shall see death is not as yet divined!
Here I am fain these flowers to inter; but humankind will laugh me as a fool.
Who knows, who will, in years to come, commit me to my grave!
6. Tổng hợp phân tích hay
Đọc trước, đọc sau hay vừa đọc phân tích vừa đọc Hồng Lâu Mộng cũng được. Chắc là còn nhiều lắm nhưng có nhiêu thì chia sẻ bấy nhiêu.
Phân tích một số nhân vật tiêu biểu
Chân và Giả trong Hồng Lâu Mộng
Mộng – Một thủ pháp nghệ thuật độc đáo của danh tác Hồng Lâu Mộng
Tổng hợp thơ từ trong Hồng Lâu Mộng
Một số thơ từ và nhân vật trong Hồng Lâu Mộng – Phần đầu
Một số thơ từ và nhân vật trong Hồng Lâu Mộng – Phần cuối
Bàn về thơ ca trong Hồng Lâu Mộng
Quan niệm nhân sinh của Hồng Lâu Mộng
Từ Hồng Lâu Mộng luận chế độ đa thê
Hội hoạ cổ điển Trung Hoa trong Hồng Lâu Mộng
—
Viết vớ va vớ vẩn cũng đã 3h sáng rồi, gia phả chắc để mai mốt chỉnh sửa tí rồi cập nhật sau nha! Phim truyền hình thì nên tìm xem bản năm 1987 của đạo diễn Vương Phù Lâm. Nhưng mà nếu thích Dương Dương đẹp trai thì hãy xem bản 2010 của đạo diễn Lý Thiếu Hồng.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro