Phượng Thư Và Mệnh Hoả (Phần 2): Máu Đỏ Của Nam Tính
(Tiếp theo phần 1 của bài, và bài 1, bài 2 của chùm bài)
Hành Hỏa đứng phía Nam, màu đỏ. Nguyên quán của Phượng Thư ở tại Nam Kinh, loài vật bản mệnh của Phượng Thư là chim phượng màu đỏ trấn phía Nam. Ớt (lạt tử) cũng có màu đỏ. Lần đầu Phượng Thư xuất hiện mặc áo màu đỏ rực (đại hồng), cài trâm ngũ phượng, mắt phượng sắc sảo, khí phái như tướng soái trên sân khấu.
Chợt thấy bọn hầu đỡ một người từ phòng sau lại. Người này trang sức không giống các cô kia, gấm thêu lộng lẫy, trông như một vị thần tiên! Trên đầu, đỡ tóc bằng kim tuyến xâu hạt châu, cài trâm Ngũ Phượng Triêu Dương đính hạt châu, cổ đeo vòng vàng chạm con ly, mình mặc áo vóc đại hồng chẽn thêu trăm bướm lượn hoa bằng chỉ kim tuyến, ngoài khoác áo màu xanh lót bằng lông chuột bạch viền chỉ ngũ sắc, mặc quần lụa hoa màu cánh trả; mắt phượng, mày cong lá liễu, vóc người óng ả, dáng điệu phong lưu.
Trang phục của Phượng Thư
Khi ở nhà Phượng Thư cũng ăn bận lộng lẫy, áo quần màu đỏ, khác hẳn người khác.
Phượng Thư ở nhà thường đội mũ Chiêu Quân lông điêu sắc tía, chung quanh có dây giắt hạt châu, mặc áo hoa màu hồng điều, khoác áo choàng bằng da chuột, viền chỉ tơ màu thạch thanh, mặc quần nền lụa đại hồng phấn son lộng lẫy, ngồi nghiêm chỉnh ở đấy, tay đương cầm cái đũa bằng đồng gạt tro lồng ấp.
Tính Hỏa của Phượng Thư còn biểu hiện qua màu đỏ của máu. Máu trong người là biểu tượng của sinh mệnh, sức khỏe. Khi Phượng Thư bắt đầu suy yếu thì máu trong người nàng cũng dần kiệt quệ vì bệnh băng huyết, để lại một Phượng Thư nhợt nhạt, không sức sống. Ngọn lửa dần bị dập tắt cũng như máu trong người Phượng Thư không ngớt tuôn chảy. Cuối cùng Phượng Thư vì bệnh tật, mất máu, cộng thêm tủi nhục mà chết năm 31 tuổi.
Phượng Thư khi bắt đầu bệnh tật, yếu ớt, trắng bệch
Theo quan hệ Tương khắc thì Thủy khắc Hỏa. Trong Hồng Lâu Mộng, Thủy là biểu tượng của nữ tính, vì thế Phượng Thư là kẻ phản nghịch giới nữ. Có nhiều dấu hiệu ám chỉ việc này. Vương Hy Phượng là tên nam giới, thậm chí trong Hồng Lâu Mộng có kể "truyện trong truyện" về một cậu học trò tên là Vương Hy Phượng lên kinh dự thi. Từ nhỏ Phượng Thư đã "giả làm trai, đi học". Lớn lên Phượng Thư không bằng lòng đứng đầu trong giới quần thoa, trái lại, nàng muốn lấn lướt cả giới đàn ông. Dì Chu đã nhận xét về Phượng Thư: "Bề ngoài dáng điệu óng ả, tưởng chỉ là một cô gái đẹp, nhưng lại là người có đến vạn con mắt, không chỗ nào là không nhìn thấy. Còn về ăn nói thì chấp cả mười anh đàn ông mồm mép cũng phải thua".
Tần Khả Khanh khi hiện về báo mộng cũng khen ngợi Phượng Thư: "Thím là bực anh hùng trong đám phấn son, ngay bọn con trai mũ cao áo dài cũng chẳng hơn được".
Vợ Chu Thuỵ cũng nịnh hót Phượng Thư: "Đừng nói là đàn bà làm không được, dầu cho hạng đàn ông ba đầu sáu tay cũng chưa chắc đã chống đỡ nổi".
Phượng Thư tài là thế, giỏi là thế nhưng lại phải chịu ba sự trừng phạt lớn trong đời người đàn bà Trung Hoa thời xưa: chồng chán ghét phản bội, không sinh được con trai, bị băng huyết mà chết. Đó là cái giá phải trả cho việc chối bỏ nữ tính, làm loạn âm dương. Theo y học Trung Quốc, bệnh tật xảy ra khi âm dương không cân bằng. Phượng Thư thừa dương (nam tính) mà lại thiếu âm (nữ tính). Hỏa quá vượng mà lại không có thủy trị nên bệnh càng tăng. Triệu chứng "âm hư hỏa vượng" của Phượng Thư có ba nguyên do chính.
Thứ nhất, hành vi, cử chỉ của Phượng Thư thường thiên về nam tính hơn là nữ tính, ví dụ như:
– Ở nhiều chương trong truyện, nàng uống rượu chẳng kém gì giới mày râu. Già Lưu, Sử Tương Vân say rượu đi tìm chỗ ngủ, còn Phượng Thư say thì... nóng máu, đánh nhau.
– Trái với những người đàn bà quý tộc thường mê tín, Phượng Thư lại không tin vào tâm linh. Ở chương 15, nàng nói với sư am Thúy Nguyệt: "Xưa nay ta chẳng tin sự báo ứng âm ty địa ngục gì cả. Bất cứ việc gì ta đã làm là làm".
– Nàng cũng không nhút nhát, e thẹn như những chị em khác. Ở chương 13, "Nghe người báo: "Ông vào!", các bà các chị nhớn nhác lẩn vào phía sau, chỉ có Phượng Thư thong thả đứng dậy".
Các tiểu thư trong Giả phủ đa phần đều văn nhã thanh tao, nhưng lửa hoang dại chứ không mềm mại như nước, như cây, thế nên Phượng Thư hầu như không biết chữ. Trong cuộc sống hàng ngày, mồm miệng nàng cay nghiệt và có ba phần thô tục. Giả Mẫu cũng nhận xét: "Con Phượng ăn nói như Hạng Võ".
Phượng Thư xinh đẹp nhưng chữ nghĩa biết rất ít, văn thơ không thạo, công việc trong nhà đa phần dựa vào trí nhớ tốt mà giải quyết
Thứ hai, dường như Phượng Thư có ý muốn vô thức "ví đây đổi phận làm trai được". Ở chương 46, Phượng Thư nói với Giả Mẫu về Uyên Ương: "Ai bảo bà khéo chải chuốt cho người? Chải chuốt đến nỗi nó đẹp mơn mởn lên, trách nào người ta chả thích? May cháu là dâu đấy, chứ là cháu trai, thì cháu đòi bà đã lâu rồi, không còn chờ đến bây giờ. Để cháu tu hết kiếp này, đến kiếp sau được làm con trai, cháu mới cần đến nó".
Thứ ba, chúng ta còn chứng kiến Phượng Thư nhiều lần đảm nhận vai trò đàn ông trong gia tộc. Ở chương 40, nhân ngày Tết trong Đại quan viên, nàng lên đứng đầu thuyền dùng sào chở thuyền đi, bất chấp Giả Mẫu can ngăn. Ở chương 54, nàng khoe với Vưu thị rằng mình "đốt pháo giỏi hơn bọn người hầu đấy nhé". Vì giới đàn ông trong nhà không ai kể chuyện cho Giả Mẫu vui, Phượng Thư cũng đóng luôn vai diễn hài. Nàng nói: "Trong nhị thập tứ hiếu có chuyện 'múa áo ban', các anh ấy không mặc áo hoa múa cho cụ tôi vui thì tôi phải khó khăn mới làm cho cụ tôi cười, để ăn thêm được một ít, cho cả nhà vui mừng". Những hành động tưởng chừng vui đùa đó thực ra báo hiệu cho quá trình tiếm quyền, lấn át phái nam của Phượng Thư. Trong mọi khía cạnh từ tài chính đến đối nhân xử thế trong gia đình, nàng đều làm chủ, bởi đàn ông nhà họ Giả người thì mải ăn chơi đàng điếm (Giả Xá), người mê luyện đan (Giả Kính), người bàng quan không để ý (Giả Chính).
Trong quan hệ Tương sinh thì Hỏa sinh Thổ, vì thế, Phượng Thư luôn che chở, bảo vệ, chăm sóc cho Bảo Ngọc – nhân vật mang mệnh Thổ và cũng là trung tâm của Ngũ hành. Nhân vật này sẽ được bàn ở bài sau.
(Bài cuối: Bảo Ngọc và mệnh Thổ.)
-Soi-
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro