Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Orpheus - Chết Vì Đa Nghi

Sau loạt bài về ông Diêm Vương Hades, âm phủ nghe giống như một chốn có đi mà không có về, chẳng ma nào dám bén mảng tới. Nhưng cũng có vài người mò xuống âm phủ thành công, một trong số ấy là chàng nghệ sĩ Orpheus.

Theo Apollodorus, Pindar, và Plato, thì bố của Orpheus là Oeagrus – vua xứ Trace, và nàng thơ Calliope. Vì Orpheus có gien của mẹ, chàng là một nghệ sĩ tài năng xuất chúng. Các nhà thơ như Pindar, Ibycus, Ovid, Virgil v.v... gán cho Orpheus biệt danh "Orpheus vĩ đại", hay "Cha đẻ của các bài hát". Nghe nói, khi Orpheus đàn, chim muông bay tới nghe, hổ, báo, sư tử chạy lại gần để thưởng thức, thậm chí đá cũng phải lăn tới chỗ chàng ngồi, cây cối phải nhích rễ lại gần chàng hơn.

Tác phẩm "Orpheus làm muông thú say mê", Aelbert Cuyp, 1640. Aelbert vẽ cảnh muông thú rủ nhau kéo đến chỗ Orpheus chơi đàn. Theo đúng sách thì cậu này gảy đàn lia, nhưng họa sĩ lại vẽ Orpheus kéo violin. Aelbert là một họa sĩ vẽ tranh phong cảnh nổi tiếng của Hà Lan vào thế kỷ 17, nên chắc ông mượn tích này để vẽ cây cối chim muông. Orpheus của ông – với mái tóc trắng hếu, bù xù đặc trưng của thời đó, trông hơi già và chán.

Tác phẩm "Orpheus và các con thú", Sebastian Vrancx, 1595. Orpehus này cũng kéo đàn violin, hơi lạc đề. Trong số các muông thú; ngoài chó mèo, bò, ngựa, gà... còn có một con bạch kỳ mã (ngựa một sừng) vốn chỉ có trong truyền thuyết. Con sư tử (cạnh báo đốm và ngựa, bên phải), nhìn hơi kỳ và còn sai tỷ lệ. Các họa sĩ Châu Âu thời này chỉ nghe tả về sư tử chứ cũng hiếm có cơ hội nhìn tận mặt (sở thú chưa có, mà có thì cũng không ai biết chăm mấy con này) nên hay vẽ theo trí tưởng tượng là chính.

Vì tài năng như vậy nên Orpheus được rất nhiều người mê, nhưng chàng chỉ mê mỗi một cô, tên Eurydice. Eurydice là tiên nữ, rất đẹp, cũng yêu Orpheus đắm đuối; và cả hai cùng nhau tổ chức đám cưới.

Tác phẩm "Phong cảnh với Orpheus và Eurydice", Nicolas Poussin, 1648. Orpheus thì dễ nhận ra rồi, cậu đang gảy đàn lia, còn Eurydice là cô nào? Bên cạnh Orpheus có vô số cô, sao biết được đây? Cô quấn khăn đang đứng chăng? Hình như Orpheus đang ngước mặt nhìn cô này. Thường thì khi Orpheus chơi đàn, ai nấy cũng phải bỏ công việc, chạy lại nghe nhạc như bị thôi miên; nhưng trong tranh thì có một chàng vẫn ngồi ung dung câu cá, mặt thì có ngoái lại nhìn Orpheus, nhưng không thấy xúc động gì cả.

Như bao tích khác, nếu chỉ yêu nhau rồi cưới nhau vậy thì sẽ không giật gân. Vui vẻ với nhau chẳng được bao lâu thì Eurydice chết. Một số nhà thơ xưa không nói rõ là vì sao chết; những nhà thơ thuộc thế hệ sau thì có thêm mắm dặm muối cho cái chết của cô này. Ovid phán Eurydice bị rắn độc cắn chết lúc nhảy múa; Virgil thì nói một vị thần tên Aristaeus mê Eurydice nên tính hãm hiếp cô (Aristaeus là thần của ngành nông nghiệp nhẹ, dạy dân làm pho mát, trồng cây ăn trái, nuôi ong lấy mật v.v...). Thấy Aristaeus tính giở trò với mình nên Eurydice vắt chân lên cổ chạy trốn, nhưng do tinh thần bấn loạn mà Eurydice không để ý, dẫm phải một con rắn và nó cắn cô chết. Các nhà thơ khác như Diodorus hay Pausanias thì nói một dâm thần (Satyr) rượt Eurydice chạy chứ không phải Aristaeus, và cô cũng chết do bị rắn độc cắn.

Tác phẩm "Cái chết của Eurydice", 1630, Jan Erasmus Quellinus. Chân phải của Eurydice bị rắn cắn chảy máu, Orpheus hốt hoảng quăng đàn lia xuống đất để ôm vợ. Chàng nghệ sĩ này trông vừa già, vừa vạm vỡ, chẳng "thư sinh" mấy; còn Eurydice thì cũng có bắp thịt cuồn cuộn, y như một gã đàn ông phải lao động chân tay quần quật.

Vợ yêu chết, Orpheus buồn lắm, kêu gào thảm thiết. Chàng muốn cứu sống vợ, nhưng Eurydice đã trở thành một bóng ma dưới âm phủ, muốn cứu thì chàng phải mò xuống dưới đó đem hồn nàng về; có điều âm phủ chẳng phải nơi ai cũng có thể bén mảng tới, vào đã khó, ra lại càng khó hơn.

Nhưng chàng nghệ sĩ Orpheus không biết sợ, cứ thế cầm đàn xộc thẳng xuống vương quốc của Hades. Người trần mà làm vậy thì chết chắc, nhưng tài đàn hát của Orpheus khiến các quái vật địa ngục phải rơi lệ, cảm động giúp anh tới gặp Diêm Vương. Ngay cả con chó ba đầu Cerberus, nổi tiếng dữ dằn, nhưng cũng phải nhường lối cho anh bước qua cái cổng địa ngục mà nó canh gác, vì tiếng đàn của anh quá hay.

Gặp Hades và Persephone đang ngồi trên ngai, Orpheus gảy một giai điệu buồn và hát về tình yêu của anh dành cho Eurydice. Bài hát quá xúc động, làm tan chảy cả trái tim lạnh băng của Hades, ông khóc thương cho chuyện tình của Orpheus và quyết định trả Eurydice về cho anh.

Tác phẩm "Orpheus biểu diễn cho Hades và Persephone", Francois Perrier, thế kỷ 17. Chàng nghệ sĩ lại bị vẽ sai dụng cụ, thay vì đàn lia, họa sĩ cho anh kéo violin. Cupid đứng cạnh Orpheus chắc là để nhấn mạnh rằng chàng lặn lội xuống âm phủ là vì tình yêu, chứ thực ra làm sao Cupid bén mảng xuống đây được? Hades và Persephone đang lắng nghe Orpheus biểu diễn một cách chăm chú. Hình như để mọi người không lộn Hades với Zeus, họa sĩ vẽ con chó ba đầu nằm dưới chân (đầu hai và ba trông kỳ kỳ, như thể được vẽ thêm vô chứ không có tý nghiên cứu gì về khung xương). Hades cũng cầm cây gậy nào đó trông như đũa phép, chả giống trượng gì hết, cảnh nền cũng không giống địa ngục mấy.

Tác phẩm "Orpheus biểu diễn cho Hades và Persephone", Jules Marchard, 1865. Đàn của Orpheus trông giống đàn cithara hơn là đàn lia; Hades và Persephone ngự trên ngai ở phía sau. Để thể hiện cảnh âm phủ, Jules vẽ vào đấy vài oan hồn và một con ma trắng hếu. Con ma và oan hồn phía bên trái trông hơi lạ lùng, nhìn nhỏ bé như con nít; oan hồn của con nít chăng?

Tác phẩm "Orpehus biểu diễn cho Hades và Persephone", Jan Brueghel the Elder, 1594. Cảnh địa ngục này nhìn kinh dị ghê! Có những con quái vật lai tạp, nửa bò sát nửa có vú nửa côn trùng, trông thấy mắc ói. Dòng sông chết đen ngòm thì đầy ma, các oan hồn cũng bị hành hình theo đủ kiểu, một số bị ngâm trong vạc dầu, một số thì bị cột vào cọc, vào bánh xe. Tích Hy Lạp cổ cũng có thiên đàng (Elysian Field), và Eurydice cũng mang dòng máu tiên nữ, cô làm gì ác mà bị tống xuống đây cơ chứ? Tội nghiệp Orpheus phải xuống đây đem cô về. Dụng cụ của anh lại bị vẽ sai nữa rồi, đàn lia chứ có phải đàn hạc đâu. Hades thì già khú, có chòm râu bạc phơ; lại vẽ lộn, Hades có râu đen, Zeus mới có râu trắng.

Sau khi giao linh hồn của Eurydice cho anh, Hades chỉ Orpheus lối ra khỏi địa ngục và dặn rằng: dù thế nào thì cũng phải ra khỏi đây mới được ngoái lại nhìn Eurydice, nếu nhìn trước thì nàng sẽ biến mất và quay về âm phủ vĩnh viễn. Orpheus đồng ý, và bắt đầu trở về mặt đất. Khổ một nỗi, Eurydice vẫn chỉ là một bóng ma, nên bước chân của nàng không phát thành tiếng; Orpheus đi mãi, đi mãi, nhưng không nghe thấy tiếng chân của nàng theo sau; anh nghệ sĩ này rất lo lắng, nghĩ rằng Hades chơi xỏ mình. Lúc vừa sắp bước ra khỏi địa ngục, chàng mất niềm tin vào Hades và ngoái lại nhìn, thế là linh hồn của Eurydice bị cuốn xuống âm phủ vĩnh viễn.

Tác phẩm "Orpheus dẫn Eurydice đi khỏi địa ngục", Jean Baptiste Camille Corot, 1861. Cảnh này đẹp ghê, trông chả giống địa ngục gì hết; mấy bà đứng bên kia sông cũng không giống hồn ma; rồi còn vụ Orpheus nắm tay Eurydice nữa, hồn ma sao nắm tay được? Nhưng phải nói rằng tranh rất thơ mộng, chỉ muốn ngắm thôi, có vẽ sai tí cũng chẳng sao.

Tác phẩm "Orpheus mất Eurydice mãi mãi", C. G Kratzenstein Stub, 1806. Eurydice bị lôi xuống địa ngục lần nữa, cả hai đã đứng ngay trước cửa hang rồi, chỉ còn chút xíu nữa thôi, tiếc ghê. Orpheus đưa tay ôm vợ, làm rớt cả đàn xuống đất.

Kết cục thế nào? Mất vợ tới hai lần, Orpheus đau khổ quá, chẳng thiết sống nữa. Có bản nói anh gảy một khúc nhạc thểu não, cầu cho được chết, thế là muông thú nhào vô xé xác anh ra, vừa xé vừa khóc rên rỉ; có bản nói anh bị quẫn trí, nên bắt đầu hành hạ, ngược đãi các phụ nữ vùng Thrace, thế là họ chịu không nổi, cùng nhau xé xác anh ra thành từng mảnh; rồi có bản nói anh chán nản, không để ý để tứ nên phạm thượng với thần rượu Dionysus, nên bị đám thuộc hạ Maenads của ông này băm vằm; bản cuối cùng phán rằng Orpheus tức các vị thần quá, kể hết các bí mật của họ cho người trần nghe, thế là Zeus dùng sấm sét đánh anh chết; nói chung là xác của Orpheus trong bản nào cũng bị bằm thành mấy mảnh.

Tác phẩm "Các nàng tiên tìm thấy đầu của Orpheus", John William Waterhouse, 1900. Các cô tiên sông này chắc là đang hãi hùng lắm, chưa kịp tắm rửa thì thấy đầu của chàng này nổi lềnh bềnh cạnh cây đàn lia. Không biết trong tác phẩm này thì ai giết Orpheus chết, chỉ biết là chàng không bao giờ chơi đàn được nữa. Thật đáng buồn!

Tác phẩm "Cô gái xứ Thrace ôm đầu Orpheus trên cây đàn lia", Gustave Moreau. Theo tranh này thì các phụ nữ vùng Thrace giết chàng chết. Đã xé con người ta ra thành mấy mảnh rồi mà con ôm cái đầu với vẻ luyến tiếc trìu mến! Gustave hình như bị ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn hay sao ấy. Tác phẩm "Zeus và Seleme" của ông rặt Ấn, cô gái trong tranh này cũng mặc trang phục lai lai phong cách của Ấn Độ. Hình do bạn Hiếu Thiện cung cấp, cảm ơn bạn Thiện nhé.

Tác phẩm "Orpheus và các Bacchantes", Gregorio Lazzarini, 1710. Họa sĩ này thì vẽ cảnh Orpheus bị đám Maenads của ông này giết chết (Tên khác của Maenads là Bacchantes). Maenads hung tợn chẳng kém gì quái vật (dù là đàn bà, nhưng theo thần rượu nên họ rất bạo lực, một lời cảnh báo không cho phụ nữ uống rượu chăng?). Một cô còn cầm violin của Orpheus (lý ra phải vẽ đàn lia) để phang vào đầu anh này. Họa sĩ vẽ con báo đốm (biểu tượng của Dionysus) bên góc trái của tranh, để mọi người biết đây là Maenads chứ không phải phụ nữ xứ Thrace.

Kết cục bi thảm cho một nghệ sĩ tài năng, giá chàng tin tưởng người khác thì đâu đến nỗi bị như vậy; chàng cũng nên tin vào chính mình hơn nữa, đàn hát hay thế kia thì thế nào cũng sẽ cảm hóa được Hades, tại sao phải nghi ngờ ông này chơi xỏ mình, trong khi bản thân lại tài năng như thế?

-Soi-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #man#tận