Cupid Và Psyche - Khổ Rồi Cuối Cùng Cũng Sướng (Kỳ 5)
Psyche làm theo lời tòa tháp chỉ, và lấy được phấn một cách dễ dàng. Nhưng khổ nỗi, từ tích Hy Lạp đến Kinh Thánh, phụ nữ bị mắc cái bệnh tò mò. Psyche muốn xem xem phấn son của thần đặc biệt cỡ nào, nên mở chiếc hộp ra để nhìn. Nhưng vì nàng là người trần, nên phép thuật của chiếc hộp khiến nàng lăn ra ngủ như chết.
Tác phẩm "Psyche mở chiếc hộp vàng", John William Waterhouse, 1903. Ông John này theo trường phái tân cổ điển, và rất thích vẽ tích Hy Lạp. Nhắc tới ông này là nhớ tới bức "Hylas và các nàng tiên sông" mà Micheal Jackson thuê người vẽ phỏng theo và ví mình như Hylas. Trong tác phầm này, Psyche đang lén mở hộp để nhìn trộm phấn của Venus. Không hiểu sao từ tích đến Kinh Thánh đều gán cho đàn bà cái tội tò mò?
Cũng đúng lúc này, vết thương của Cupid đã khỏi, nên cậu bay đi tìm người yêu (nhớ quá mà). Bay lòng vòng một hồi thì cậu thấy Psyche đang nằm trên đất ngủ ngon lành. Nhìn thấy chiếc hộp bị mở toang, Cupid hiểu ngay sự tình.
Tác phẩm "Cupid tìm thấy Psyche", Edward Burne Jones, 1865. Lúc Cupid bay tới thì Psych đã lăn ra ngủ khò vị bị chiếc hộp ếm. Cánh của Cupid trông hơi kỳ kỳ, chả đều gì cả.
Tác phẩm "Cupid và Psyche", Alphonse Legros, 1867. Nàng Psych đang ngủ, nhưng không biết ai thương tình đem giường đến cho nàng nằm vậy cà? Chứ đâu ra sẵn thế. Cupid nhìn hơi đờ đẫn, còn cầm cung tên làm gì không biết, định bắn ai đây?
Tác phẩm "Cupid và Psyche", Anthony von Dyck, 1638. Psyche ngủ như chết, tay còn cầm chiếc hộp, Cupid thấy Psyche nên mừng quá, vội chạy tới để đánh thức nàng dậy. Màu của tranh hơi buồn, nhưng ít ra thì trong tác phẩm này, cánh của Cupid trông đều đặn hơn.
Cupid làm phép cho Psyche tỉnh dậy. Nhưng ôm ấp nhau được một lúc, Cupid nói rằng mẹ Venus sẽ chẳng bao giờ để cho nàng được yên, nên Cupid phải cầu cứu Zeus. Psyche gật đầu, hứa sẽ chờ, và đem chiếc hộp quay lại ngôi đền của "mẹ chồng". Trong khi đó, Cupid bay lên Olympia.
Tác phẩm "Cupid và Psyche", Benjamin West, 1808. Cặp đôi trong tranh nhìn trẻ trung nhỉ, trông cũng khá dễ thương. Tranh này chắc là tả cảnh Psyche và Cupid ôm ấp sau khi Cupid đánh thức nàng dậy, vì trước đó Cupid tàng hình mà, đâu thể nào nhìn nhau đắm đuối thế này được.
Tác phẩm "Cupid và Psyche", Francois Gerard, 1798. Trong tác phẩm này, thì tuy cặp đôi trông vẫn trẻ trung, nhưng lại ra dáng người lớn hơn. Một con bướm đang nhẹ nhàng bay trên đầu Psyche, còn cánh của Cupid trông giống cánh đại bàng ghê. Hình do mạnh thường quân Hiếu Thiện cung cấp.
Cậu nắm tay Zeus, nói rằng cậu biết là mình nghịch lắm, hư lắm, nhưng bây giờ cậu yêu Psyche, nên hứa rằng mình sẽ ngoan, chỉ xin Zeus giúp cho hai người thành hôn. Zeus nghe bùi tai, và thấy rằng Cupid có vẻ trưởng thành hơn khi yêu Psyche, nên đồng ý giúp.
Tác phẩm "Cupid xin Jupiter (Zeus) giúp đỡ", Raphael, 1517. Đây là bức tranh vẽ trên tường của ngôi biệt thự cổ tên Villa Farnesina. Ngôi biệt thự hoàn tất xây dựng vào năm 1509, và có rất nhiều tranh vẽ tường của các họa sĩ nổi tiếng. Nghe đâu người chủ đầu tiên của nó làm nghề kế toán tài chính ở một ngân hàng. Bức tranh tường này vẽ cảnh Cupid xin Zeus giúp cho hôn sự của cậu và Psyche; Zeus thì đang bóp mặt Cupid, chắc là để săm soi xem thằng cháu của mình yêu thật lòng hay nói xạo giỡn chơi.
Ông xoa dịu Venus, rồi kêu Cupid đem Psyche lên thiên đàng. Tại đây, ông cho Psyche ăn Ambrosia (món quý của thần, ai ăn được món này sẽ trường sinh bất lão). Psyche chính thức trở thành một công dân của Olympia, và có thể cưới Cupid theo đúng luật. Hôn lễ được tổ chức rất hoành tráng, và cả hai sống với nhau rất hạnh phúc. Psyche sau này sinh một cô con gái tên Hedone (Hedone là thần của khoái cảm).
Như vậy tích này có một kết thúc đẹp, không thê thảm như các tích khác.
Tác phẩm "Psyche thức tỉnh", Guillaume Seignac, 1900. "Thức tỉnh" ở đây chắc ý nói Psyche được cho ăn Ambrosia và biến thành tiên quá (một kiểu "giác ngộ" ý mà), không thấy Guillaume vẽ cảnh Cupid đánh thức Psyche dậy, mà Psyche thì đã mọc cánh bướm, có nghĩa là thành tiên rồi. Không hiểu sao chỉ có một bên cánh nhỉ? Cánh kia đâu rồi?
Tác phẩm "Cupid đưa Psyche lên thiên đàng", William Adolphe Bouguereau, 1895. Thấy Cupid ôm Psyche âu yếm ghê, nhìn nàng cũng rất hạnh phúc, nhưng sao cánh bướm trông giống cánh ngài thế kia? William vẽ cặp đôi này theo đúng tiêu chí xinh xắn của thời nay, nhưng ông lười quá, bê y xì cái mặt cũng như tư thế của nàng Persephone trong tác phẩm "Mùa xuân trở về", rồi vẽ thành Psyche trong tác phẩm này.
Tác phẩm "Mùa xuân trở về", William Adolphe Bouguereau, 1886. Họa sĩ William vẽ cảnh Persephone quay trở lại từ âm phủ, đem mùa xuân đến với mọi người, làm hoa nở rộ. Các thiên thần nhỏ vui mừng vây quanh Persephone. Tác phẩm này từng bị chỉ trích là hở hang quá lố, nhưng thực sự thì chỉ có nhiều con nít vô tư khoe cơ thể thôi, chứ còn lại thì chỉ có mỗi mình Persephone khỏa thân, thấm vào đâu so với các tranh khoả thân tập thể khác nhỉ?
"Psyche và Cupid", William Adolphe Bouguereau, 1889. Ít ra trong tác phẩm này thì William có vẽ tư thế khác đi một chút. Nhưng Psyche hình như vẫn còn đang ngủ (kiểu như vừa đi máy bay vừa ngủ), không có vẻ gì là hồi hộp hay sung sướng khi được lên thiên đàng cả.
Tác phẩm "Hôn lễ của Cupid và Psyche", Pelagio Palagi, 1808. Zeus đạp quả địa cầu (ý nói mình là vua), cầm lấy tay Psyche để trao cho Cupid. Con đại bàng của Zeus thì nghịch khăn của Psyche (cánh đại bàng vẽ hơi bị kém tự nhiên), còn Cupid thì đang nghịch râu của ông ngoại. Thần hôn nhân Hymena thì cầm đuốc chúc phúc cho hai người. Nếu để ý, phía trên đầu Zeus là các chòm sao. Có nhân mã (con ngựa), song tử (hai anh sinh đôi), cự giải (con cua).
Tác phẩm "Đám cưới của Cupid và Psyche", Pompeo Batoni, 1756. Mẹ Venus (ngồi kiệu – nhưng trong phòng mà ngồi kiệu làm gì vậy trời?) hình như hết ghét con dâu, đưa tay chấp thuận cho đám cưới của Cupid và Psyche. Hymena thì cầm đuốc và đỡ tay Psyche cho Cupid đeo nhẫn. Nhưng Cupid này trông bé quá, còn Psyche thì lớn tướng thế kia, cứ y như là Psyche cưới con nít vậy, hơi bị kinh. Thần gió Zephrys, chắc do có giúp đỡ Psyche vài lần nên được mời đến đám cưới, nhưng Zephrys quen thói nên cứ phồng miệng thổi lung tung.
Tác phẩm nổi tiếng nhất về Cupid và Psyche thực ra lại là bức tượng này của điêu khắc gia Canova – một điêu khắc gia lẫy lừng của phái tân cổ điển. Canova bắt đầu tạc tượng vào năm 1787, và hoàn thành nó vào năm 1793. Canova làm hai bản, bản đầu nằm trong tay thống chế Joachim Murat, và Joachim tặng nó cho bảo tàng Lourve. Bản thứ hai được một quý tộc Nga mua lại và tặng cho bảo tàng Hermitage. Tác phẩm được tả là "vô cùng sống động và lãng mạn". Rất nhiều người cho rằng Lourve nổi tiếng vì có Mona Lisa, chứ thực tế thì các gian hàng bán đồ lựu niệm lại tràn ngập hình Cupid và Psyche của Canova, nào là áo sơ mi in hình, nào là ảnh postcard, nào là cục hít tủ lạnh, kệ chặn sách, tượng chặn giấy... Tích đẹp, tác phẩm cũng đẹp, thì ai mà chả khoái ngắm?
-Soi-
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro