Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Apollo - Thần Của Lắm Thứ, Kể Cả Bệnh Đau Tim

Sau bài học về cô chị Artemis, cậu em Apollo cũng nên có bài giới thiệu chứ nhỉ? Đây là một trong số hiếm hoi nam thần xinh xắn, đẹp trai, ít râu ria của thuyết Hy Lạp cổ, tội gì không ngắm?

Như đã kể trong bài Artemis: trinh nữ hay cũng mê gái giống bố; mỗi nhà thơ phán rằng Apollo được sinh ra tại mỗi địa điểm khác nhau. Homer thậm chí còn không nhắc đến Artemis với cương vị là chị Hai (như kiểu Apollo là con một của Zeus với Leto). Nhưng để bớt rắc rối, cứ nên theo tích mà nói Apollo và Artemis là hai chị em sinh đôi, đẻ trên đảo Delos. Ngoài tên Apollo, vị thần này còn hay được gọi là Phoebus.

Ngược hẳn với Zeus già khú, Poseidon râu ria xồm xoàm, Hephaetos thọt chân và Mars bặm trợn; Apollo được miêu tả là trẻ trung, xinh xắn, không có râu, yêu nghệ thuật, văn thơ.

Tác phẩm "Apollo", Carriera Rosalba, không rõ năm. Apollo ở đây trông rất giống một thiếu niên, với làn da trắng, mái tóc vàng xoăn tít rất dễ thương. Biểu tượng của vị thần này là: vòng nguyệt quế, đàn lia, mãng xà, quạ, cung tên.

Giống bức tượng đồng Poseidon, bức tượng đồng Apollo này là một trong số hiếm hiện vật còn sót lại từ thời Hy Lạp cổ, tuổi của nó khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Apollo này trông vạm vỡ và bớt thiếu niên hơn bức trên kia, nhưng cũng vẫn khá bảnh bao, trẻ trung. Bức tượng hiện đang nằm tại Bảo tàng Khảo cổ của Hy Lạp.

Tác phẩm "Apollo và Diana", Lucas Cranach the elder, 1523. Ông Lucas này không hiều sao vẽ Apollo râu ria bùm xùm như Zeus, trông già hơn hẳn bà chị sinh đôi. Mặc dù hai chị em được tả khá rừng rú, Artemis vẫn hơi lép vế, bị cho ngồi ôm con hươu trong khi Apollo đứng giương cung, rõ phân biệt. Bức tranh này hiện đang nằm trong bộ sưu tập Hoàng gia Anh quốc, ở The Queen's gallery. Hình do bạn Hiếu Thiện cung cấp.

Ông Lucas này có vẻ hơi lười. Đây là bức "Adam và Eve" cũng do ông vẽ. Lucas dường như bê y xì cái mặt của Apollo và Artemis vào tranh Kinh Thánh, lại có cả con hươu lởn vởn bên trái, trái táo thì trông giống trái đào.

Thần của... bệnh đau tim?

Giống các nữ thần, Apollo có khá nhiều tài lẻ, chức vụ. Theo Homer, Pindar, và Apollodorus thì Apollo có tài bắn cung không kém gì bà chị, chưa bao giờ trượt mục tiêu. Nhưng Apollo không làm thần săn bắn; thay vào đó, người nào bị Apollo bắn sẽ chết bất đắc kỳ tử, nên dân Hy Lạp hay phán rằng ai mà bỗng dưng lăn ra chết có nghĩa người đó bị Apollo phạt (hoặc thưởng (?) chắc theo kiểu giết nhân đạo) cho chết. Cái này nghe sao giống cách dân Hy Lạp dùng để giải thích bệnh đau tim. Nhưng cũng vì vậy mà trong danh sách biểu tượng của Apollo có con quạ xui xẻo. Người xưa thường nói ở đâu có quạ ở đó có chết chóc, chắc nguồn gốc là do bệnh đau tim của Apollo mà ra.

Bức "Apollo đổ rượu cúng", được vẽ trên đá hoa cương, khoảng 480 năm trước Công Nguyên. Bên trái là con quạ đen thui, biểu tượng của chết chóc.

Thần Mặt trời

Chức này trước đó thuộc về một Titan tên Helios, giống như chức thần mặt trăng thuộc về Selene; nhưng sau khi Zeus lên ngôi thì trời và trăng bị Artemis và Apollo giành mất. Khi Apollo cưỡi xe ngựa chiến kéo mặt trời lên cũng là lúc bình minh ló dạng, còn lúc cậu kéo xe xuống biển thì là hoàng hôn.

Bức "Mặt trời lặn", Francois Boucher, 1752. Ông họa sĩ này, như đã kể trong bài Artemis, thích vẽ các bà các cô sexy, hở hang. Nhưng gì thì gì, đâu ai dám mắng Boucher vì ông mang chức họa sĩ triều đình, dưới quyền Vua Louis XV của Pháp. Ông cũng rất thân với Madame de Pompadour, tình nhân của vua. Trong bức "Mặt trời lặn" này, ông ví vua Louis như thần Mặt trời Apollo, còn Pompadour như thần biển Thetis (đang dang tay đón), theo kiểu: sau một ngày làm việc, vua trở về nhà để hú hí với tình nhân (vợ thì đâu không thấy). Dĩ nhiên, bức này được dành tặng một ông hay ăn vụng nên Boucher vẽ thêm nhiều cô tiên biển hở hang ở xung quanh cho hấp dẫn. Được cái Boucher không đến nỗi quên tích, ông vẽ cảnh Artemis trùm chăn cho màn đêm buông xuống sau khi em trai làm xong việc và về nhà với người yêu.

Một năm sau, Boucher vẽ tiếp bức "Mặt trời mọc" cho nó đủ bộ. Lúc này, trời hết tối nên cô chị Artemis quay về (mặc áo xanh lơ, đứng ngang hàng với Apollo), còn cậu em (hiện thân của vua Louis) bắt đầu kéo mặt trời lên. Người yêu Thetis không quên đưa cho Apollo cây đàn lia, giống như "Anh ơi, còn quên chìa khóa xe nè!". Cả hai bức tranh đã được gia tộc Wallace ở Anh Quốc mua lại sau Cách Mạng Pháp, chúng hiện đang nằm ở Bảo tàng Wallace Collection.

Thần của Y khoa

Apollo còn là một thầy thuốc mát tay, biết chữa bách bệnh (hoặc làm cho bệnh dịch lan truyền nếu ghét ai đó). Trong danh sách biểu tượng của Apollo có con rắn, chính là biểu tượng của Y học ngày nay. Nhưng nói cho công bằng, thì hầu như chẳng có nhà thơ nào kể về việc Apollo chữa bệnh hết, chủ yếu là nêu tên nêu chức cho có. Người thực sự gắn liền với chức này là con trai của Apollo: thần Asclepius. Asclepius là con của Apollo và công chúa xứ Thessaly tên Koronis. Giống bố, Asclepius cũng lấy rắn làm biểu tượng, và cũng làm thần Y khoa. Đám con gái của ông này cũng dính tới thuốc thang: Hygieia (sạch sẽ, chữ "Hygiene" trong tiếng Anh có gốc từ đây), Aceso (hồi sức), Iaso (thuốc), Aglea (khoẻ mạnh), và Panacea (phương pháp chữa trị).

Tượng thần Apollo với con rắn (Apollo cầm đàn cho khỏi lộn với con trai). Đây là bản La Mã copy lại từ bản gốc đã thất lạc của Hy Lạp. Nó được tạc vào năm 150 sau Công Nguyên. Apollo mang chức và cầm rắn vậy thôi chứ ít thấy chữa bệnh gì cả.

Còn đây là con trai Asclepius, trông già hơn hẳn bố, nhưng Asclepuis thì đúng là có hành nghề y, và cũng lấy hình ảnh con rắn quấn cây làm biểu tượng.

Chủ của chín nàng thơ

Apollo còn là chủ của chín nàng thơ, vì vị thần này yêu nghệ thuật. (Một số nguồn nói rằng Athena cũng là đồng chủ của chín nàng này cùng Apollo. Tới chín nàng nên chuyện khá dài dòng, xin dành cho tích sau. Chung chung thì chín nàng này là: Clio (lịch sử, hay cầm sách hoặc cuộn giấy), Calliope (thơ hùng biện, hay cầm bàn viết), Erato (thơ tình, hay cầm đàn Cithara, một họ của đàn lia), Euterpe (nhạc, hay cầm sáo), Melpomene (bi kịch, hay cầm mặt nạ khóc), Polyhymnia (dân ca, mặt choàng khăn voan), Terpsichore (múa, cầm đàn lia), Thalia (hài kịch, cầm mặt nạ cười), và Urania (thiên văn, cầm com-pa).

Tác phẩm "Apollo và chín nàng thơ", 1856, Gustave Moreau. Hình do bạn Hiếu Thiện cung cấp. Apollo trẻ trung, ngồi ngoài cùng, nhưng tóc hơi dài nên nhìn giống con gái. Chín nàng thơ làm nền bị vẽ hơi mờ và lung tung. Trừ một số nàng nhận ra được, như: Urania (quấn băng xanh, cầm quả địa cầu và com-pa), Euterpe (cầm sáo, nhưng nhìn giống kèn), Terpsichore (đeo đàn sau lưng), Melpomene (cầm mặt nạ khóc, ngồi bên trái); còn lại thì chẳng biết ai là ai.

Tác phẩm "Apollo và chín nàng thơ", Hendrick van Balen, không rõ năm. Trong bức này thì chín nàng trông còn lẫn lộn hơn nữa. Ngoài Calliope đang cầm sách, Urania cầm com-pa (cầm giơ lên như thế để làm gì nhỉ?), và Terpsichore đang gảy đàn lia; còn lại thì cầm dụng cụ trật lất. Có tới hai cô đang thổi sáo, một cô chơi Cello (dụng cụ này thời Hy Lạp làm gì có, mà cũng chẳng nàng nào chơi Cello cả), một cô chơi violin, hai cô gảy tì bà (hay măng-đô-lin?). Nói cho cùng, thì hồi xưa nghe sách tả là cô này cầm cái nọ cái kia (mà tên của chúng lại là tên tiếng Hy Lạp, căn bản thì tài liệu nghiên cứu lẫn tài liệu dịch thời ấy không nhiều), nên các họa sĩ biết vậy chứ cũng ít hình dung mặt mũi mấy dụng cụ đó nó trông ra sao, thành ra vẽ hay bị loạn.

Tích về Apollo còn dài lắm, vị thần này cũng đẹp trai nên ngắm tranh cũng thích chứ nhỉ? Xin hẹn gặp lại vào tuần sau với một bài học khác, giải thích nguồn gốc của cái vòng nguyệt quế mà Apollo hay đội trên đầu; hoặc tích về chín nàng thơ? Các bạn thích tích nào hơn thì xin mời góp ý, mình sẽ "phục vụ" tích đấy.

-Soi-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #man#tận