Vài Nét Sinh Hoạt Của Người Sài Gòn Xưa
Trong tác phẩm "La geste française en Indochine" (Thành tích của người Pháp tại Đông Dương), Georges Taboulet xác nhận rằng vào năm 1859, trước khi lọt vào tay quân Pháp, Sài Gòn chưa phải là một thành phố đúng nghĩa, mà chỉ là một khu vực quần tụ của 40 làng mạc nằm kề nhau và không có một tổ chức chung.
Thực ra, trong tổ chức của chính quyền Đàng Trong, từ năm 1698, Sài Gòn đã ở trong một cơ cấu hành chính ổn định (thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn). Dù sao cách nhận định của Taboulet cũng cho ta ý niệm rằng sinh hoạt của người Sài Gòn trước thập niên 1860 còn rời rạc, thiếu tính chất quy mô, gắn bó của một cộng đồng có tổ chức chặt chẽ.
Tháng Tám năm 1861, Đề đốc Bonard thay thế Phó Đô đốc Charner trong cương vị tư lệnh quân viễn chinh Pháp. Viên tướng hải quân này bắt tay vào việc chỉnh trang Sài Gòn theo một kế hoạch tương đối quy mô do một trung tá công binh thực hiện. Nhiều con đường lớn bắt đầu xuất hiện và từ sau năm 1863, nhiều kiến trúc kiên cố mọc lên như dinh Đổng lý Nội vụ – còn gọi là dinh Thượng thơ (1864), dinh Thống đốc (1868), Nhà thờ lớn (1877)... Đến năm 1865, Sài Gòn đã có 15,350km đường lộ, hai bên đường đều có trồng cây, thường là me, bàng hay tếch. Ban đêm, chính quyền thực dân cho thắp sáng các con đường bằng đèn dầu dừa.
Theo nhận định của một số tác giả Pháp, nhờ mạng lưới sông ngòi chằng chịt, khả dụng quanh năm, Sài Gòn có một hệ thống thủy văn hoàn hảo nhất, giúp cho việc canh tác lúa và các hoa màu khác đạt hiệu quả cao, đồng thời cũng là phương tiện giao thông quan trọng từ các nơi khác đổ về. Đó cũng là lý do khiến một số khá lớn người dân Sài Gòn xưa sống chủ yếu ven sông rạch để tiện việc đi lại, mua bán. Trong những thập niên 1860-1870, phương tiện di chuyển chủ yếu của người Sài Gòn là ghe thuyền, đậu chật ních các bến sông. Phương tiện đường thủy này dùng chuyên chở hàng hóa từ các vùng xa đến Sài Gòn mua bán, một số dùng đưa rước khách sang sông hay di chuyển trên những quãng sông ngắn. Trên bộ, phần lớn cư dân đi bộ, những nhà giàu có sử dụng xe kiếng (malabare). Loại xe này không rõ bắt đầu xuất hiện từ năm nào nhưng đã thấy đề cập đến trong hồi ký Un an de séjour en Cochinchine (Một năm lưu trú ở Nam kỳ) của một dược sĩ Pháp tên là M. Delteil, xuất bản tại Paris năm 1887. Xe có bốn bánh, do một ngựa kéo, thùng xe bằng gỗ có cửa kính để khách ngồi trong xe có thể nhìn thấy quang cảnh trên đường đi; điều khiển xe thường là người Mã Lai, gọi là xà ích (sais, gốc tiếng Mã Lai). Đến cuối thập niên 1880, Sài Gòn, Chợ Lớn bắt đầu có xe kéo, làm phát sinh thêm một thành phần mới trong xã hội thuộc địa là phu xe kéo. Người ta còn đọc thấy trong biên bản họp của Hội đồng thành phố vào ngày 20.1.1888 một tờ trình cho viên đốc lý Sài Gòn, đề nghị cho lưu hành xe kéo tại Sài Gòn vì ở Chợ Lớn, chính quyền đã cho loại xe này hoạt động rồi.
Điểm đáng lưu ý là sau khi Pháp đánh chiếm toàn bộ Nam kỳ và chính thức thuộc địa hóa vùng này bằng hòa ước Giáp Tuất 1874 ký với triều đình Huế, số người châu Âu, nhất là người Pháp, đến Sài Gòn ngày càng đông. Vào thập niên 1880, khách sạn nổi tiếng của Pháp ở Sài Gòn là Favre do một người Pháp tên là Favre khai thác. Khách sạn nằm trên đại lộ chính Catinat giới hạn bởi hai con đường Bonard và d'Espagne (Lê Lợi và Lê Thánh Tôn ngày nay), một trong những nơi náo nhiệt nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.
Sự hiện diện của một số người Âu sống trong khách sạn hoặc thuê nhà riêng làm phát sinh một số nghề mới trong cư dân bản xứ. Trước tiên là nghề giúp việc nhà và nghề làm bếp cho Tây. Giúp việc nhà thường là người Việt, tuổi khoảng 18-20, được chủ Tây gọi là "boy" (cậu con trai), nghe quen thành ra "bồi". Công việc của người này là hầu bàn, lo nước tắm, dọn phòng và cả kéo quạt nữa, với mức lương từ 6 đến 8 đồng mỗi tháng, chỉ bằng 1/4 đến 1/5 tiền ăn hàng tháng tại khách sạn của một người Âu. Đầu bếp nấu ăn cho Tây thường là người gốc Hoa, lương từ 8 đến 10 đồng/tháng. Họ làm quen rất nhanh với cách nấu ăn của Tây và biết chiều theo sở thích của chủ. Thông thường người đầu bếp đến nhà của chủ làm những công việc theo thỏa thuận, đến chiều họ trở về nhà, sau khi nhận từ tay chủ khoản tiền đi chợ sáng hôm sau, vào khoảng 0,60 đồng đến 1 đồng cho hai người ăn. Nếu gia đình người Âu có con nhỏ cần người giúp việc là phụ nữ, họ liên lạc với trường Sainte-Enfance để các "sơ" (soeur) ở đây cung ứng người của trường. Những gia đình đông đúc, cần di chuyển thường xuyên sẽ sắm một xe kính và thuê một xà ích lương từ 12 đến 20 đồng/tháng, không ăn cơm chủ. Khách ở khách sạn thường được chào mời bởi một đội ngũ những người bản xứ làm nghề giặt là, cắt may, đóng giày,... Công giặt ủi (là) một bộ quần áo khoảng 2,5 đồng và nghề giặt ủi phát triển mạnh trên đường Catinat. Trong nghề may quần áo và đóng giày, người Tàu có nhiều ưu thế hơn người Việt. Một bộ complet thêm áo gilet, cả công may lẫn vải khoảng 8 đồng, được đánh giá là khá rẻ.
Sinh hoạt của những người Âu vào cuối thế kỷ XIX khá đơn điệu. Họ dậy lúc 6 giờ sáng, làm vệ sinh và đi làm cho đến 10 giờ. Bữa ăn trưa diễn ra lúc 10 giờ 30 phút, dưới những chiếc quạt kéo, vì lúc đó trời đã bắt đầu nóng nực. Giữa trưa, họ lên phòng và kéo dài giấc ngủ trưa đến 2-3 giờ chiều. Lúc này, Sài Gòn rất yên lặng, cửa hàng đóng cửa im ỉm, cửa nhà cũng không mở. Từ 2-3 giờ chiều, thành phố thức giấc, mỗi người quay lại công việc đang chờ cho đến 5 giờ chiều mới trở về nhà. Đó là lúc mà thành phố tỏ ra náo nhiệt nhất.
Sài Gòn thập niên 1880 có vẻ thích hợp với câu nói mà người ta thường gán cho Paris. Đấy là "thiên đường của phụ nữ và địa ngục của loài ngựa". Thực vậy, chỉ riêng Sài Gòn lúc đó đã có đến 400 chiếc xe ngựa cho thuê! Bữa cơm tối của người châu Âu tại Sài Gòn bắt đầu lúc 19 giờ 30 phút, khi màn đêm đã buông xuống hoàn toàn. Sau đó, phần lớn thanh niên và những người độc thân đến các câu lạc bộ hay vào các quán cà phê, ngồi uống bia ướp lạnh và có khi vui chơi đến sáng. Từ khi tình trạng vệ sinh ở Sài Gòn được cải thiện, nhiều phụ nữ người Âu kéo sang Việt Nam sống cùng với gia đình; sinh hoạt ở các câu lạc bộ hay quán cà phê lắm lúc được chuyển về những gia đình hiếu khách. Ở đó, họ nghe nhạc, nói chuyện, đánh bài và thường thì buổi gặp gỡ kết thúc bằng một cuộc khiêu vũ kéo dài đến nửa đêm. Ngoài những buổi họp mặt thân mật như thế, hàng năm có một hoặc hai buổi khiêu vũ đông người, dành cho giới trẻ trong thành phố và một buổi khiêu vũ chính thức tổ chức tại dinh Thống đốc Nam kỳ.
Cuộc sống của người Âu là cả một thiên đường so với những người dân đang sống chen chúc trên các sông rạch hoặc dãi dầu trên ghe thương hồ rày đây mai đó. Số người kiếm được bơ sữa của Tây bằng nghề bồi bếp không bao nhiêu so với người dân Sài Gòn "đầu đội trời, chân đạp đất" kiếm sống hằng ngày. Đầu thế kỷ XX, có một phụ nữ Anh lấy chồng là bác sĩ thuộc địa người Pháp, chỉ sau đám cưới vài tuần lễ đã phải theo chồng sang công tác ở Viện Pasteur Nha Trang. Trong những ngày sống ở Sài Gòn chờ ra Nha Trang, bà Gabrielle M. Vassal đã có dịp quan sát sinh hoạt tại thành phố này và miêu tả trong tập hồi ký Mes trois ans d'Annam (Ba năm sống ở Việt Nam của tôi). Khi mới đến thành phố, Vassal đã di chuyển bằng xuồng tam bản và một trong những bối rối đầu tiên của bà là không làm sao phân biệt được giới tính của những người chèo xuồng. Họ ăn mặc gần như nhau, chỉ có những khác biệt nhỏ mà phải sau một thời gian, Vassal mới phân biệt được. Thời đó, người Sài Gòn, nam cũng như nữ, đều mặc quần dài và áo rộng, tóc cũng đều cuộn lại thành búi tó. Quan sát kỹ mới thấy ở phụ nữ, búi tó nằm ở vị trí cao hơn, phía trên đầu, chiếc áo rộng cũng dài hơn. Về vóc dáng người Sài Gòn đầu thế kỷ XX, đàn ông ít khi vượt quá 1,60m chiều cao, phụ nữ còn thấp bé hơn nữa. Mặc dù vậy, họ là những người chèo xuồng rất thiện nghệ. Các phu kéo xe cũng thế, họ có thể kéo dễ dàng một người Âu nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể họ.
Với sự hiện diện của nhiều người Âu, cảnh chợ búa ở Sài Gòn cuối thế kỷ XIX diễn ra khá náo nhiệt. Phía ngoài chợ là cửa hàng của người Ấn Độ mà có người gọi là Matabar. Họ bán đủ loại hàng hóa, nhất là vải vóc. Cách buôn bán của họ không giống người Tàu. Khách hàng của họ nhiều nhất là phụ nữ. Buổi sáng, chợ là một tập hợp của rất nhiều người, đủ mọi sắc tộc, các đầu bếp người Tàu và An Nam, người đổi tiền Ấn Độ...
Để làm sạch đường phố trong mùa khô, chính quyền thành phố Sài Gòn cho xe đi tưới nước trên đường mỗi ngày hai, ba, thậm chí bốn lần. Đến thập niên 1880, đường phố Sài Gòn đã có 5 đại lộ, 39 đường và 3 bến tàu, dài tổng cộng 36,635km; so với năm 1865, đã tăng thêm hơn 20km. Trước năm 1878, nước uống của cư dân thường lấy từ các giếng đào cạn hay sông, rạch nên không đảm bảo vệ sinh. Sau này, chính quyền thực dân Pháp cho lấy nước từ một con suối, đưa vào bể lọc và cung cấp cho dân thành phố mỗi ngày 16.000m3 nước. Năm 1878, một tháp nước khổng lồ được xây dựng ở đầu đường Catinat, tại vị trí nay là Hồ Con Rùa. Tháp nước này tồn tại được 48 năm, đến năm 1921 thì bị phá hủy.
Ở Sài Gòn đầu thế kỷ XX, mỗi chiều người ta thấy từng tốp công nhân bản xứ trên đường đi làm về. Nổi bật trong số họ là các "thầy thông ngôn", không búi tó như hầu hết dân bản xứ. Họ đã húi tóc ngắn (như phong trào cúp tóc năm 1907), mặc quần dài trắng, mang giày tất ngắn, đầu đội khăn nhiều nếp. Các nông dân mặc quần dài trắng, áo rộng màu xanh sẫm, đôi khi vá chằng vá đụp. Họ đi hàng một bên đường, người này bước sau người kia, chân không mang giày dép gì cả. Một vài người cầm trên tay một đôi giày păng-túp (pantoufle) kiểu Tàu mà họ cố để dành cho những dịp trọng đại, tay kia cầm một chiếc dù che trên đầu. Đối với người nông dân ở Sài Gòn thời đó, có một chiếc dù, loại dành cho các quan lại khi xưa là một điều hãnh diện lớn. Còn công nhân làm ở các hãng xưởng thì thay cho chiếc khăn quấn quanh đầu như các thầy thông ngôn là một chiếc khăn mùi soa (mouchoir) hoặc một mảnh vải nhỏ quấn vụng về trên búi tó.
Phụ nữ Sài Gòn xưa cũng như đàn ông, không bao giờ đi sóng đôi trên đường. Từ chợ về, họ gánh hai chiếc giỏ cân bằng nhau nên bước chân vẫn nhẹ nhàng. Để đổi chiếc đòn gánh qua vai khác, họ chậm bước chân lại, cúi đầu xuống và đưa chiếc đòn qua cổ, ít khi chịu đặt quang gánh xuống đất. Những phụ nữ bản xứ có mức sống cao thì ngồi xe kéo, đầu đội một chiếc khăn bằng lụa màu nhạt hoặc dùng một cái trâm bằng vàng cài lên chiếc búi tó đen nhánh. Khi mặt trời đã ngả về Tây, các gia đình người Việt ở Sài Gòn tụ họp trước ngôi nhà nhỏ, bên cạnh mâm cơm. Nếu bữa cơm đạm bạc chưa được người nội trợ lo xong thì người cha hay người đàn ông trong gia đình lo việc bồng ẵm đám trẻ nhỏ. Lúc trời đã tối mịt, người ta đốt đèn dầu trên các bàn thờ và thắp hương. Tất cả vào nhà đóng cửa lại. Sự im lặng của khu xóm thỉnh thoảng bị phá vỡ bởi tiếng khóc của một đứa trẻ và lời ru nhè nhẹ của người mẹ.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro