Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phở Là Món Ăn Xa Xỉ Của Kỉ Niệm

Với người Hà Nội, phở có thể là món ăn thân quen, thế nhưng với người miền Nam nhất là ở những vùng quê, phở lại là một món ăn rất đặc biệt. Nhớ chuyện quê mình ngày mới biết phở, tôi vừa buồn cười vừa thấy thương phở vô cùng.

Tôi sống ở Cần Giờ, một huyện vùng ven của Sài Gòn. Cho đến 10 tuổi, tôi vẫn không biết hương vị của phở. Vài lần có dịp vào trung tâm Sài Gòn cùng bố mẹ, thỉnh thoảng tôi nghe đâu đó một mùi hương rất lạ ở những quán ăn. Nhưng với đứa con nít vùng quê lên thành thị, biết bao là cái lạ nên tôi không hỏi, không thắc mắc nhiều.

Rồi không lâu, cô Út tôi lên Sài Gòn học cách nấu phở từ một người bà con bên chồng, rồi về quê mở một tiệm phở nhỏ. Chính từ đó tôi biết nhiều hơn về phở, nhận ra hương vị đâu đó đã nghe qua.

Cô Út nấu phở bài bản lắm. Vợ chồng cô 2-3 bữa cất công lên Sài Gòn mua nào thịt, nào xương, nào bò viên, tương cà, tương ớt và các gia vị đặc trưng phải có của phở.

Công sức của cô được đền bù bằng sự hào hứng của người dân quê tôi, họ đến tấp nập. Nhiều người khen phở thơm phức, hương vị bay xa chục căn nhà còn nghe. Cũng có không ít người lạ lẫm với món ăn mới, lâu lâu bảo rằng phở có "mùi bò" quá nên không ăn được.

Coi vậy mà không được lâu, được một thời gian ngắn mọi người không mặn mà với món ăn mới. Ngày đó, hủ tiếu chỉ 10.000, bánh mì thịt chỉ 5.000 một ổ là no bụng. Dẫu biết phở đặc biệt, phở hấp dẫn nhưng không nhiều người có thể bỏ ra 20.000 cho một bữa ăn ngon.

Cô Út vẫn nấu với công thức như vậy, không mất hương vị của phở nhưng số lần cô lên Sài Gòn lấy hàng ít dần, thưa dần. Xuất hiện thường xuyên ở quán của cô Út mỗi sáng đều là các bác nhà giàu của xã. Lâu lâu có vài người công nhân viên, vài thầy giáo hay đôi khi là khách du lịch ghé ngang thưởng thức.

Tội nghiệp mấy đứa con nít thèm phở, sáng đi học cứ nhìn nhìn vào quán. Rồi năm hôm, ba bữa có đứa xin được tiền mẹ hí hửng chạy đến quán ăn mua một "tô nhỏ" thấy mà thương.

Vài người đi chợ khen phở thơm, phở ngon nhưng "lâu lâu mới ăn một lần, tiền đâu mà ăn nổi". Chỉ khi nào có bệnh, người ta mới dám mua phở để bồi bổ thường xuyên. Rồi cô Út học để bán thêm bò kho, bún bò để có khách mà còn sức duy trì quán.

Cầm cự rồi đến lúc quán phở cũng không sống nổi. Tôi không nhớ rõ có được 2-3 năm hay không. Chỉ nhớ rằng quán phở theo người dân nơi đây ăn vài cái Tết.

Nhớ Tết mấy mùa sau, khi tiền bạc rủng rỉnh, nhiều người lại thèm ăn một món ăn ngon như phở mà đâu còn. Mùa Tết mấy năm còn bán, nhà cô Út vui và nhộn nhịp lắm. Nhiều gia đình dẫn cả nhà ngồi đầy bàn. Có người nói vui quán phở trở thành một nhà hàng thu nhỏ đem từ Sài Gòn về vậy. Nhưng đó rồi chỉ còn là kí ức.

Bây giờ về quê tôi mà nhắc phở ngon người ta sẽ nhớ ngay về quán phở của cô Út.

Vài người đi lên trung tâm cũng ghé vài quán phở lớn để ăn. Khi về, ai cũng giành lời khen cho cô. Ăn phở tại Sài Gòn, nhất là những quán có tên "Phở Hà Nội", mọi người lại nhớ món Phở từng làm sóng gió quê hương mình.

Phở từ Hà Nội vào Sài Gòn, được cô Út học lại để đem về vùng quê xa xôi đói nghèo. Nhưng phở đến cũng mãnh liệt mà đi cũng gây nhiều tiếc nuối đến tột cùng. Đành chịu, nhưng giá phở sẽ sống mãi, mà không phải là món quà xa xỉ của kỉ niệm...

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #tảnmạn