Những Ngôi Nhà Thơm Mùi Ký Ức
Tôi có thói quen mỗi buổi sáng thức dậy thường bật một bản nhạc nhẹ rồi kéo cao rèm cửa sổ, nhìn lên phía bầu trời rồi hít thật sâu không khí của buổi ban mai. Đó là những phút giây tôi thấy lòng bình yên nhất mà chẳng cần phải mất quá nhiều thời gian để vỗ về cho trái tim vốn dĩ đã yếu đuối từ lâu của mình.
Như sáng nay, tôi đứng bên hiên cửa nhìn những bông tuyết bay trắng trời, nhưng ở cuối góc đường kia, vẫn có một người đàn ông đang loay hoay đi dọn tuyết. Ở cái nước Đức này, mỗi khi tuyết rơi, nhà nào nhà nấy phải có nhiệm vụ dọn dẹp chúng sang một bên để không gây trở ngại cho người đi bộ, đi xe đạp. Tất nhiên không phải ai cũng chăm chỉ làm cái nhiệm vụ bất đắc dĩ ấy, nhưng nếu bạn không làm và chẳng may có người đạp xe ngang qua và ngã ngay trên lối đi trước nhà bạn thì bạn sẽ "được" thanh toán tiền băng bó cho họ, nặng hơn một chút thì tiền viện phí và dĩ nhiên, bạn phải bồi thường cho cả cái xe đạp chẳng may bị hỏng ấy của họ.
Nhà của bố mẹ nuôi tôi bên này vào mỗi mùa Đông, trong khi tôi còn nồng say trong giấc ngủ thì thằng em trai đã chạy ra ngoài đi dọn tuyết. Nó thích tán gẫu cùng mấy ông hàng xóm cũng đang thi nhau dọn, tôi chẳng biết họ làm điều đó vì thói quen đã có suốt bao nhiêu năm nay hay vì họ thích cái cảm giác như thế. Giống như tôi khi còn ở Việt Nam, mỗi lần đi chợ đều phải buôn dưa lê, dưa muối với người này, người kia vài ba câu rồi sau đó mới về nhà được, nếu không thì lòng sẽ bứt rứt lắm.
Tôi chăm chú đứng nhìn ông cụ già dọn tuyết rồi sau đó phủi phủi đôi chân, bước vào nhà. Qua ô cửa kính, tôi nhìn thấy bà cụ đưa cho ông ly trà và mỉm cười. Ngọn đèn buổi sớm trong một ngày Đông và nụ cười của họ đã làm cho ngôi nhà trở nên ấm cúng và thân thương hơn bao giờ hết. Trong đầu tôi lúc đó bắt đầu hiện lên hình ảnh của những ngôi nhà xưa cũ, nơi tôi đã gửi mười lăm năm cuộc đời mình trước khi qua xứ người đi học...
Tôi không nhớ từ khi sinh hai chị em tôi thì bố mẹ đã chuyển nhà bao nhiêu lần tất cả, nhưng trong ký ức của tôi, ngôi nhà mang hơi thở bình yên nhất có lẽ là căn nhà cấp bốn ở phố Tân Sơn - nơi tôi đã sống những ngày thơ ấu cũng những đứa bạn hàng xóm ngày nào như Hà, Tú, Quyền, Khánh và rất nhiều cái tên khác nữa mà bây giờ tôi không còn nhớ nữa.
Căn nhà ấy đã chứng kiến những ngày tôi, em Mậm và Hà chơi trò đám cưới và diễn kịch "Bố, mẹ và con". Ngôi nhà ấy cũng là nơi mà rất nhiều đêm trăng, những đứa con nít choai choai như chúng tôi tụ tập trước cổng nhà rồi kéo vai nhau đi thành một đoàn tàu, vừa đi vừa nghêu ngao hát: "Một đoàn tàu, nhỏ tí xíu, bước mau mau, người đi đầu là chú lái tàu...". Ngôi nhà ấy cũng đã khiến tôi bao lần hoang mang, sợ hãi khi nhiều đêm bố mẹ phải đi công việc, chủ yếu là đi đòi nợ và "nhốt" hai chị em tôi ở trong nhà. Em Mậm ngủ rất nhanh, còn tôi thì trằn trọc chỉ mong có tiếng xe máy về rồi mới yên tâm ngủ tiếp. Không phải vì tôi sợ bóng đêm, mà tôi sợ nếu như giữa con đường heo hút ấy, nếu bố mẹ có chuyện gì, chị em tôi mãi mãi sẽ là những đứa trẻ mồ côi. Đến bây giờ, đôi khi tôi vẫn tự hỏi tại sao ngày ấy tôi đã có thể biết nghĩ về sự sống và cái chết đến như vậy?
Cả cho đến sau này khi bố mẹ xây nhà ở thị trấn, nhiều khi không thể mang hai chị em chúng tôi theo được, bố mẹ lại để hai đứa ở trong nhà với một đống sách vở. Có lần cậu tôi từ Sài Gòn về, mang cho chúng tôi rất nhiều bánh kẹo nhưng tôi vẫn không dám đưa chìa khóa cho cậu để cậu vào nhà, vì mẹ dặn không được đưa chìa khóa cho bất kỳ người lạ nào.
Lúc ấy trong trí nhớ của tôi, hình dáng cậu thế nào tôi còn rõ vì khi cậu đi chúng tôi còn quá bé, bởi thế nên ngày gặp lại cho dù vẫn tin lời cậu nói nhưng tôi vẫn không dám trao cho cậu chiếc chìa khóa nhà để rồi cậu phải đứng chờ cho tới khi bố mẹ tôi về. Tất cả những kỷ niệm ấy đã lùi xa, dễ cũng đến mười lăm năm rồi, nhưng mỗi lần nghĩ lại lòng tôi vẫn luôn nao nao một nỗi niềm khó tả. Bao nhiêu yêu dấu đã lùi xa thì cũng là bấy nhiêu yêu thương còn ở lại. Làm sao tôi có thể quên được những buổi chiều lất phất mưa bay, ngồi bên chiếc ao cạnh nhà và cùng nhau câu cá, để rồi khi cá sắp cắn câu, tôi quay sang lắc tay bố: "Bố ơi, nhìn kìa!", cá nghe vậy rồi cũng... chạy đi luôn. Làm sao tôi có thể quên những buổi sáng Chủ Nhật khi bạn bè được đi chơi thì chị em tôi phải ngồi ở trong nhà viết vài cuốn "Bé tập tô" để luyện nét chữ, có lẽ chữ tôi sau này đẹp cũng là nhờ những năm tháng ấy và cũng tại chính căn nhà ấy, mẹ đã dạy cho tôi những bài học đầu tiên về lòng nhân ái.
Rất lâu sau này, dù đã xa vòng tay mẹ, nhưng tôi vẫn nhớ...
Thời gian sau đó gia đình tôi chuyển về thị trấn, đối diện ngay trường Tiểu học. Tôi và em Mậm vừa thi vào lớp Bốn. Nói là thi là bởi ngày ấy 4A là lớp chọn duy nhất trong trường, khỏi phải nói mẹ tôi đã tự hào như thế nào khi con gái mình được học ở đó. Nhưng với tôi, đó là thời kỳ khủng hoảng vì không theo kịp các bạn trong lớp.
Nhà ngay đối diện trường, chỉ cần vài bước chân là tới lớp, nhưng không hiểu sao tôi lại nhớ da diết con đường đi học cũ (dù suốt ngày bị các anh, chị lớp trên chặn đường đòi phấn cho đến khi tôi dọa bố tôi là công an, họ mới tha cho tôi). Nhưng ở mãi rồi cũng thành quen, căn nhà ở thị trấn dần dần trở nên quen thuộc và gắn bó với tôi suốt những năm tháng còn lại ở Việt Nam trước khi bước sang một chân trời mới.
Căn nhà đó có một cây hoa sữa trước cổng và sau này cây hoa sữa đó đã chứng kiến rất nhiều kỷ niệm thời con gái của tôi với một cậu bạn học cùng lớp. Phía sau nhà có một khu vườn nhỏ với một cây dâu, một cây ớt và vài cây hoa hồng, cạnh đó là một cái chuồng gà rất nhỏ. Căn nhà ở thị trấn có hai tầng và một cái sân thượng rất rộng nhưng cánh cửa ra sân thượng hầu như bị khóa suốt, hai chị em chỉ toàn hóng gió ở ban công trước nhà.
Cái ban công đó mùa Hè thường được chúng tôi trải chiếu ra nằm, lúc thì ngắm sao, ngắm trăng, lúc thì nằm nghe bà kể chuyện ngày xưa. Lúc nào không thích học thì lại trèo tường sang phòng ông ngoại và nằm xem phim với ông rồi kể chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bạn bè cho ông nghe rồi cùng ông khúc khích cười. Tôi nhớ cả những buổi sáng ban mai được bố đánh thức dậy trong tiếng gọi: "Tẹt ơi" trìu mến từ căn phòng quen thuộc, nhớ cả những buổi trưa hai chị em tôi trốn bố mẹ đi bắt chuồn chuồn hay những buổi chiều dạng chân ngồi chơi ô trước hiên nhà với Hến. Tôi nhớ cả những buổi tối cùng bà nội chơi bài tam cúc, hai chị em bảo nếu bà thắng sẽ phong bà làm "Người đẹp Bình Dương", bà thích lắm và cười lộ hết cả mấy cái răng đen còn sót lại. Mười mấy năm đã trôi qua nhưng trong ký ức chị em tôi, kỷ niệm ấy như một viên kẹo ngọt mà khi đã ngậm hết rồi, mỗi lần liếm môi chúng tôi vẫn tìm thấy vị.
Khi tôi mười hai tuổi, cũng tại căn nhà ấy lần đầu tiên mẹ nói với tôi về sự sống và cái chết. Mẹ dặn tôi những điều cần thiết nhất như thể mẹ sợ một ngày nào đó không xa đây nữa thôi, căn bệnh tim quái ác ấy sẽ tách mẹ ra khỏi cuộc đời chúng tôi. Đã không ít lần tôi nhìn mẹ vật lộn trong những cơn đau, đã không ít lần người ta bảo tôi chắc là mẹ không qua khỏi đâu, nhưng mẹ vẫn sống. Có những ngày khi cơn đau dịu xuống, mẹ gọi tôi vào phòng nói những lời nhẹ như gió thoảng nhưng nó lại như từng mũi kim đâm vào cơ thể tôi: "Bố con là người tốt, bố đã hứa với mẹ rằng bố sẽ không lấy vợ nếu mẹ có mệnh hệ gì. Nhưng trong cuộc sống không thể nói trước được điều gì, thế nên mẹ đã gửi ngân hàng cho hai chị em một ít tiền, đủ để các con học Đại học nếu bố sau này lấy phải người dì không tốt và không yêu thương các con...".
Mười hai tuổi, lần đầu tiên tôi biết khóc cho những nỗi lòng của mẹ.
Nhiều năm sau đó, tôi vẫn lớn lên trong căn nhà đầy ắp tình yêu thương của bố và mẹ, cho đến khi tôi mười lăm tuổi và cất cánh bay xa, bỏ lại phía sau mùi thơm ký ức cùng những rung động đầu đời ngọt ngào với người bạn trai học cùng lớp năm xưa.
Nhưng hành trang mang theo là tình yêu bao la của mẹ và những ấm nồng trong đôi mắt của cha. Trong những giấc mơ, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy mình trở lại căn nhà thơm mùi ký ức ấy, đi dạo cùng người ấy trên "con đường mưa" đầy kỷ niệm của hai đứa, ăn với bố mẹ và em một bữa cơm gia đình và mỉm cười hạnh phúc.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro