Người Mẹ Thứ Hai
Vậy là cuối cùng anh vẫn quyết định đi thêm bước nữa, mặc cho Tuấn và ông bà ngoại khuyên can hết lời.
Ngoại bảo ba Tuấn:
- Mẹ hiểu sự cô đơn, trống trải của con. Dù sao thì con gái của mẹ cũng đã mất gần 5 năm rồi, con có quyền đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng điều mẹ lưu tâm là thằng Tuấn còn quá nhỏ, cú sốc mấy năm qua không làm nó nguôi ngoai. Con cũng biết đấy, nó yêu mẹ nó rất nhiều mà.
- Con hiểu mà mẹ! Vả lại, con cũng muốn thằng Tuấn quen với nếp sống mới, không phải u sầu nữa. Con thường xuyên xa nhà nên không thể nào quan tâm nó chu đáo được. Vì thế, nó cần phải có một người mẹ chăm sóc, tâm sự, chia sẻ...
Không khuyên can được con rể, ngoại lầm lũi ra về. Còn Tuấn thì "trở mặt" với ba từ đó.
Thực ra, Tuấn không biết mặt mũi người phụ nữ của ba, nhưng trong thâm tâm Tuấn, bà ta rất đáng ghét, khó ưa vì đã thay thế vị trí mẹ mình, gây ra khoảng cách tình cảm giữa cha con Tuấn. Tuấn tự nhủ, dù bà ta có đẹp, có giỏi giang, hiền hậu cỡ nào cũng không thể thay thế vị trí của mẹ mình được. Và Tuấn thề với lòng là không bao giờ gọi bà ta là dì hay mẹ, mà đơn giản chỉ là "người đàn bà đáng ghét". Tuy ba Tuấn "ngụy biện" rằng, ba thương yêu bà ấy là do duyên nợ, do bà ấy hiền lành, mộc mạc, nhưng Tuấn lại cho rằng, bà ấy quyến rũ, bỏ bùa ba thì đúng hơn.
*
Do tính chất công việc nên anh thường xuyên đi công tác trên Tây Nguyên. Những lần xa nhà, anh hay ghé quán chị để lấy hàng cà phê và trà. Anh muốn kết hợp công việc lẫn kinh doanh để tăng thu nhập, lo cho cuộc sống của Tuấn. Chị là người miền Tây chính gốc, đã trải qua một lần dang dở, do hoàn cảnh khó khăn nên lặn lội lên tận nơi này mưu sinh. Chị giỏi giang, làm rất nhiều nghề, nào là: hái chè, trồng hoa, trồng rau củ, hái cà phê... Sau nhiều năm tích cóp, có chút vốn liếng trong tay, chị mở đại lý nhỏ gần trạm dừng chân trên đèo Bảo Lộc. Ban đầu, do tính chất công việc nên qua lại, nhưng dần dần hai người có tình cảm và đến với nhau. Anh cố giấu tình cảm này vì sợ Tuấn buồn, hụt hẫng và bỏ học. Nhưng do hai người yêu nhau quá mãnh liệt nên anh đánh liều thưa với ông bà ngoại và thỏ thẻ cho Tuấn nghe. Tất cả đều không đồng tình. Nhiều lần bị ngăn cản, anh hứa sẽ chấm dứt tình cảm này. Nhưng theo cảm nhận của Tuấn, những lần đi công tác về muộn là ba mình đang vui vẻ với "bà ấy" ở phương xa.
*
Ngày về với anh, chị hiền từ, nhân hậu như một cô tiên. Anh không tổ chức đám cưới, chỉ làm một bữa tiệc nhỏ, mời vài người lớn tuổi trong xóm đến để làm chứng và chia vui. Suốt cả buổi sáng trọng đại của ba, Tuấn không ngó ngàng đến, bỏ ra chiếc võng sau nhà, nằm ôm cuốn album có hình mẹ mà khóc. Bà ngoại ra an ủi, kéo Tuấn vào:
- Đừng làm ba con mất mặt mà! Nghe lời ngoại, vào nhà đi con!
Tuấn miễn cưỡng nghe lời ngoại vào nhà, nhưng lòng cứ ấm ức mãi. Chị ân cần đến bên Tuấn, chìa bao lì xì đỏ chóe, to tướng:
- Tặng con nè!
"Bà ta đang muốn mua chuộc tình cảm của mình chăng?", Tuấn nghĩ thế nên nhất quyết không nhận. Anh đứng bên cạnh, trừng mắt như ra lệnh. Tuấn nhận miễn cưỡng.
- Con quên cảm ơn dì rồi đó! - Anh nhắc nhở.
- Cảm... ơn...
Chị cười theo cách giảng hòa:
- Được rồi, chắc con nó chưa quen. Anh đừng vậy làm con sợ.
"Người đàn bà này đáo để thật. Biết cách nói chuyện ngọt ngào, cư xử khéo léo, hèn gì ba mình mê mệt là phải. Nhưng mình thì khác, nhất quyết không để cho bà ấy bỏ bùa". Suy nghĩ ấy cứ ám ảnh Tuấn mãi.
Đúng một tháng kể từ khi chị là vợ của anh, hiếm khi Tuấn ngồi dùng cơm với cả nhà. Vào giờ cơm, Tuấn thường đi học về trễ hoặc chạy sang nhà ngoại chơi để tránh ánh mắt trìu mến và sự ân cần của chị. Dường như hiểu được điều đó, nên cứ trời chạng vạng là chị chạy sang nhà ngoại gọi Tuấn về ăn cơm. Ngoại thúc giục, Tuấn ù té chạy một mạch về. Những bữa cơm có mặt chị thường nặng nề và Tuấn chỉ dùng đúng một chén. Khi chị định xới thêm chén nữa, Tuấn nhanh nhẩu mang chén đi rửa. Tối đến, bụng đói meo, Tuấn đi xuống nhà bếp lục cơm nguội. Chị đứng đó tự bao giờ, trên tay cầm một tô cơm nóng hổi, đầy ắp thức ăn:
- Của con nè! Ăn đi kẻo nguội!
Anh háy mắt, bảo con:
- Nhận đi con! Dì mới hâm nóng đó!
Tuấn hơi ngại ngùng, nhưng rồi thoáng trong vô thức, Tuấn nhận lấy và nhanh chân đi vào phòng ăn. Tô cơm ngon thật, nhưng sự "khó ưa" của chị vẫn không làm Tuấn cảm động.
Theo cách nghĩ của Tuấn thì từ khi "bà ấy" hiện diện trong nhà, tình cảm của cha con Tuấn bị chi phối. Ba ít quan tâm đến Tuấn. Có khi cả tháng, anh không hỏi han đến việc học của con. Chị thay mặt anh để làm việc đó. Có lần anh đi công tác xa về, mua một món quà thiệt to tặng chị, kèm theo một nụ hôn trìu mến. Trong khi Tuấn chẳng có thứ gì. Tuấn giận dỗi, hất tung ly nước cam trên bàn vỡ vụn. Anh nóng giận, tát vào má con một cái rõ đau. Tuấn khóc, vụt chạy như ma đuổi trong cơn mưa tầm tã. Chị đi tìm Tuấn, chạy khắp cả con đê, chạy sang nhà ngoại, nhưng chẳng thấy. Tối đến, chị bị cảm. Ngoại lọm khọm chạy sang thăm, sẵn tiện thông báo là thằng Tuấn đang ở bên đấy. Anh vẫn còn nóng giận, nhân có mặt ngoại, vội góp ý:
- Má chiều quá, nó sinh hư! Má nghĩ coi, sinh nhật của dì, nó không biết thì thôi, con mua quà tặng dì, nó cũng giận dỗi, làm vỡ cả ly thủy tinh. Con không biết phải làm sao cho nó vừa lòng đây?
- Con phải hiểu cho hoàn cảnh của nó. Mất mẹ là cú sốc quá lớn đối với một đứa trẻ chưa đầy 7 tuổi. Cần phải cho nó thời gian, con hiểu không!
Sáng hôm sau, ngoại dẫn Tuấn về nhà. Ngoại dỗ ngọt:
- Con xin lỗi dì với ba đi!
Tuấn đứng tần ngần mãi, trong khi ngoại luôn miệng thúc giục.
- Nhanh nào! Đi con!
- Không!
Tuấn dứt khoát rồi chạy vào phòng lấy cặp và dắt xe đi học. Cả ba người nhìn nhau hụt hẫng. Suốt buổi đến trường, có điều gì đó làm Tuấn chùn lòng, suy nghĩ vẩn vơ.
*
Ngày giỗ mẹ Tuấn, anh đi công tác xa, không về kịp, nhà chỉ có ông bà ngoại, chị và Tuấn. Không khí trở nên nặng nề hơn khi Tuấn không muốn chị "giả nhân, giả nghĩa" trước di ảnh của mẹ mình. Ngoại lớn tiếng la rầy, Tuấn mới thôi xấc xược. Trong bữa cơm, Tuấn cảm thấy không vui, lấy tập album có hình mẹ rồi chạy giữa trưa nắng lên chòi canh ngồi. Tuấn khóc một hơi vì nhớ mẹ, vì cảm thấy cô đơn, dường như quanh Tuấn chẳng còn ai, kể cả ông bà ngoại, những người từ trước đến giờ yêu thương Tuấn nhiều nhất. Rồi Tuấn suy nghĩ: phải chăng mình đã sai? Mình đã quá hỗn hào với bà ấy? Thực sự bà ấy tốt bụng hay giả đò như những mụ dì ghẻ trong các câu chuyện cổ tích mà mình từng đọc?...
Tuấn thức dậy bên giường bệnh. Người đầu tiên Tuấn nhìn thấy là người đàn bà mà Tuấn ghét nhất. Chị mừng rơn khi thấy Tuấn tỉnh lại:
- Con tỉnh rồi! Tạ ơn trời Phật!
Tuấn ngơ ngác nhìn xung quanh, miệng đắng chát, nghèn nghẹn hỏi:
- Tôi... co...n đang ở đâu đây?
- Con đang ở bệnh viện?
- Sao con lại nằm viện?
- Hôm qua, con bỏ ra chòi canh giữa trưa nắng, bị trúng nắng, lại đói nên ngất xỉu. Cũng may là ngoại biết con hay ra đó nên dì leo lên bế con xuống, đưa đi cấp cứu. Con vô sự là dì vui rồi. Chứ con mà có chuyện gì, dì không biết nói sao với ba con, với mẹ con nơi ấy...
Chị ngưng nói, không gian im lặng đến nghẹt thở. Tuấn trân mắt nhìn lên trần nhà, suy nghĩ vẩn vơ... Đột nhiên, Tuấn buột miệng:
- Mẹ!
Chị chưng hửng:
- Con vừa gọi ai? Ý con là quyển album hình mẹ con à? Dì đem cất trong phòng con rồi, yên tâm nhé!
- Không! Con gọi mẹ! Cho con gọi dì là mẹ, được không? Mẹ! Con xin lỗi những chuyện vừa qua!
Chị lặng đi, nghẹn ngào. Không còn niềm hạnh phúc nào hơn. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Cô y tá đứng ngay cửa phòng tự nãy giờ, không dám phá tan không gian yên bình của hai mẹ con.
Hay tin con trai bị bệnh, anh tức tốc về nhà. Giờ thì Tuấn đã xuất viện, khỏe mạnh, ăn nhiều và không còn ủ dột nữa.
Dường như do thứ tình cảm thiêng liêng tiếp nạp năng lượng nên trông Tuấn tươi tắn lạ thường. Tuấn ăn như chưa bao giờ được ăn:
- Mẹ cho con thêm tô cháo gà nữa đi. Ngon lắm!
Anh ngạc nhiên:
- Mẹ? Con vừa gọi ai là mẹ?
- Nhà này còn ai ngoài em - chị chen lời vào câu chuyện của hai cha con.
Biết được con trai mình thông suốt mọi chuyện, anh vui lắm, đưa tay véo má con liên tục:
- Con trai của ba đáng yêu quá!
Chiều hôm đó, hai cha con rù rì to nhỏ chuyện gì đó, rồi kéo nhau lên chợ huyện. Chị ở nhà lo giặt hết thau đồ, rồi còn chuẩn bị làm thức ăn, nấu nướng. Bỗng nhiên, cánh cửa xịch mở, Tuấn bước vào, reo to: "Chúc mừng sinh nhật mẹ! Happy Birthday mom". Anh theo sau, tay xách nách mang nhiều thức ăn, hoa quả và cả những món quà mà chị thích. Chị thảng thốt:
- Ơ, sinh nhật mẹ đã qua gần một một tháng rồi mà?
- Nhưng con muốn tổ chức lại, coi như là xin lỗi mẹ và mừng cả nhà ta hạnh phúc bên nhau.
Chị hạnh phúc đến nghẹt thở, khóe mắt rơm rớm, nhưng rồi lại cười, cười trong mãn nguyện. Ba người chụm đầu vào nhau, cùng hát bài Happy Birthday, cầu nguyện và thổi nến. Trong lời nguyện cầu, chị thầm mong gia đình mình luôn được hạnh phúc, mạnh khỏe, vui vẻ và yên bình.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro