Mùa Hạ
Khi bà Hải chạy được đến trung tâm văn hóa xã, trời cũng đã gần quá trưa. Mà nào bà có đủng đỉnh gì cho cam. Khi bà vừa vặn vòi nước, lôi cái ống nhựa dài gần hai chục mét ra vườn thì anh Tín bên văn hóa xã chạy xe qua gọi: Bà Hải lên trung tâm văn hóa nghe điện thoại nhé! Nghe được thế, bà cắp nón chạy ra ngay, thế mà, cũng mất đến mười phút.
Đầu dây bên kia, giọng thằng Minh cằn nhằn:
- Mẹ làm gì mà lâu vậy, lỡ biết bao nhiêu là việc?
Bà vừa thở, vừa nói:
- Thì mẹ chạy liền, chứ có kịp nghỉ tí nào đâu. Mà có việc gì hả con?
- Mẹ bọn trẻ nó đi công tác, bà thu xếp nhà cửa ra trông chúng cho con nửa tháng.
- Nửa tháng? Nửa tháng... tức là hai tuần ấy hả con?
- Vâng.
Bà Hải im lặng mất một lúc. Bà nghĩ đến ruộng dưa đang đến kỳ thu hoạch trước mắt mà lo không biết phải làm cách nào. Nếu bán non sớm cho người ta thì không được mấy đồng mà nói không đi được thì thằng Minh nó lại chẳng giận dỗi làm ầm lên chứ chả chơi. Bà ngập ngừng:
- Con không gửi được cháu cho ai hả con? Tội nghiệp! Ở nhà, dưa sắp vào vụ rồi, mẹ đi lấy ai bán cho đây không biết. Hay con đưa cháu về đây mẹ trông, vừa được cả bà cả cháu.
Ở đầu dây bên kia, thằng Minh giọng như gào lên:
- Nắng thế này, mẹ bảo đưa bọn nó về có mà nung chúng ra à. Mà mẹ chỉ có mỗi tôi là con, chỉ bọn cu Bin, cu Bo là cháu thôi đấy nhé, không ra với cháu, cứ bám mãi cái vùng chó ăn đá, gà ăn sỏi, nắng nổ mắt người ra đó.
- Nhưng còn ruộng dưa?
- Dưa hay cháu, bà chọn đi? - Nó nói rồi giận dỗi cúp máy.
Bà Hải cứ cầm nguyên ống nghe đứng sững như thế một hồi lâu khi có tiếng đổ dài rồi mới tỉnh ra, lập cập cúp máy. Ờ! Mà nắng thế này cơ mà, nắng như ai thiêu, ai đốt thế này thì lũ cháu bé bỏng của bà nó nóng lắm đây.
Thật khổ, trẻ con thành phố cứ như bún nhão, chẳng bù cho bọn trẻ ở quê, sáng mở mắt thấy mặt trời là xách oi ra đồng mò cua, bắt tép mà đứa nào đứa nấy cứ lớn lên khỏe mạnh chẳng mất lấy một viên thuốc gió nào. Lúc nói chuyện đưa chúng về, bà mừng lắm, cho đó là sáng kiến tuyệt vời nhất của bà lúc ấy rồi. Bà nghĩ đến chuyện sáng ra bà sẽ gọi chúng dậy thật sớm tưới cây cùng bà, sẽ dắt cháu đi nhổ rau rút mà kể cho chúng nghe đó là món rau mà bố chúng thích ăn nhất. Rồi bà nghĩ đến bố mẹ chúng sẽ cười xòa khi thấy con ra thành phố rắn rỏi, khỏe mạnh và đã biết phân biệt thế nào con gà, con vịt. Nhưng rồi nghe con bà dấm dẳn, tự nhiên bà thấy buồn buồn.
Giờ phải làm sao với cái ruộng dưa đang mùa thúc quả để thu hoạch đây? Bà nghĩ nát cả óc. Kể từ khi thằng Minh nó đi học xa nhà, rồi lấy vợ, sinh con và ở lại thành phố thì chỉ một mình bà sống ở quê. Bà sống vậy quen rồi, thi thoảng ra thăm cháu, bà lại dấm dúi cho nó ít triệu gọi là làm quà. Con dâu bà cứ xua tay bảo: "Mẹ làm gì có tiền". "Mẹ có". Bà khẳng định. Rồi những năm sau đó, khi công việc không trôi chảy, thằng Minh nó lại gọi về, bảo mẹ vay cho con ít chục triệu để làm vốn. Lại vay, lại trả. Tiền ở đâu? Tiền ở đống dưa đang chờ thu hoạch trước mắt, chứ bà làm gì có lương, có thưởng. Tự nhiên lòng bà thấy buồn. Đâu rồi cái thằng Minh của bà ngày xưa, đâu rồi cái đêm trước khi ra đi học, Minh cứ ngồi thẫn thờ trước hiên nhà trong khi bà cặm cụi rang đầy một mẻ vừng lạc:
Mẹ không phải rang nhiều cho con đâu mẹ, mẹ cứ để mà dùng.
Mẹ ở nhà ăn gì chả được, mày cứ ăn no, lo học hành cho thành nhân là được con ạ.
Dưa sắp đến mùa rồi, hay để con ở nhà phụ mẹ ít bữa rồi ra học cũng chưa muộn.
Đừng làm thế con, phải đầu xuôi thì đuôi mới lọt được chứ. Mày cứ đi, ở nhà đã có mẹ và hàng xóm lo liệu.
Nhưng...
Chẳng nhung nhưng gì sất, mẹ ắt có cách của mẹ.
*
Thế là thằng Minh của bà rời tay bà từ đó. Nó đi trong nước mắt hạnh phúc của người mẹ già nua và nhỏ bé nhưng đang đầy quyết tâm nuôi con ăn học nên người cho bằng bạn bằng bè. Bà tiễn con ra bến xe, ôm nó mà khóc tu tu như dứt ruột mình đi vậy. Nhưng rồi khi bóng xe chạy khuất, bà lại tất tả trở về thu vén, dọn dẹp nhà cửa như không có chuyện gì xảy ra vậy. Căn nhà trống vắng đến lạ nhưng sao bà bỗng thấy mình vui quá. Vui hơn cả cái ngày len lén đứng sau bục cửa nhìn sang bàn học, bóng thằng Minh đổ dài trên vách trong những đêm thao thức. Những lúc ấy, bà rón rén như một con mèo sợ làm con giật mình. Đến khi nó nhận được giấy báo nhập học, bà làm quần quật cả ngày, cả đêm mà không thấy mệt. Bà thấy vui quá, yêu đời quá khi nhìn ruộng dưa đang đến kỳ thu hoạch, trái nào trái nấy xếp san sát bên nhau xanh bóng mỡ màng, sẽ là món tiền cho con bà vào trường trong những ngày sắp tới.
Ngày xưa là thế. Nhưng bây giờ thì thôi rồi! Bà vừa cắp chiếc nón lá vừa đi, vừa nghĩ về sự giận dỗi của thằng Minh. Cái thằng đã kỳ, bà chỉ đẻ được mỗi nó, chỉ có mỗi nó thì rõ ràng thằng Bin, thằng Bo là cốt nhục của bà, chứ còn ai vào đây nữa mà nó phải bảo với bà: "Chỉ thằng cu Bin, cu Bo là cháu" chứ.
Càng nghĩ, bà càng thấy sao trong lòng buồn buồn như đánh mất thứ gì không rõ. Cái thằng con yêu quý của bà đã giận bà thật rồi. Cái thằng Minh chăm ngoan, học giỏi của bà hồi nào còn chạy thốc ra ruộng dưa chỉ kịp đưa cho bà cái giấy báo đỗ Đại học rồi ghé vai kéo cái xe ba gác chở đầy dưa đỏ chạy băng băng trên đường làng cho kịp buổi chợ khiến bà khóc rưng rức vì hạnh phúc hôm nào đã giận bà thật rồi. Cái thằng cứ đẩy đi, đẩy lại miếng dưa đỏ ngọt lừ bảo mẹ ăn đi cho đỡ khát giữa đồng cát trắng giờ đã thay đổi giữa bộn bề cuộc sống đầy lo toan này rồi. Khổ cho nó, cái thời buổi phải tối mắt, tối mũi vì tiền làm cho tình cảm con người dần trở nên lạnh lùng và vô cảm. Những tưởng, nhà chỉ hai mẹ con thôi, yêu thương nhau còn không đủ nữa là giận dỗi.
Vậy mà, nó giận mẹ nó thật rồi! Thằng Minh con bà nó vì bà mà buồn thật rồi! Nghĩ thế, bà lại tự trách mình, trách mình sao không ừ đi cho nó vui lòng, sao mình không nói là mẹ sẽ có cách của mẹ mà lại nói những lời đó ra cho con trai bà phải bực mình cơ chứ. Bà có cần gì tiền cho mình đâu, chỉ là muốn chắt lót thêm cho nó phòng khi nó cần đến mà dùng cho đỡ khổ thân vay mượn. Thôi được rồi! Bà dứt khoát lắm, bà phải ra với chúng nó thôi, chúng nó đang cần bà đến thế kia mà. Ruộng dưa bà sẽ nhờ người ta bán hộ, xem như mùa này chỉ thu mỗi tiền giống, bao công lao chăm sóc bà xem như một trận ốm mất từng ấy tiền cho nhẹ nợ.
Nghĩ thế, bà bấm số điện thoại thằng Minh.
Nhưng đầu kia chỉ một hồi chuông dài.
*
Trời vừa mới non trưa thôi mà nắng đã đổ hầm hập xuống mặt đường bỏng rát. Lúc nãy vội vàng quên mang dép, bà Hải cứ thế chân đất bước về nhà. Đất nóng cứa vào chân nghe bỏng rát. Bà cứ bước đi, không nghĩ ngợi gì. Buồn chống chếnh trên đầu. Về đến nhà, chợt bà giật mình khi một dòng nước lớn ào ào chảy ra từ trong sân trượt cả dưới chân bà mát lạnh. Chao ôi, bà cuống quýt nhớ ra từ khi chạy đi nghe điện thoại đến giờ bà vội không tắt vòi nước. Rõ khổ, rồi lại tốn thêm một khoản điện nước cho cái sự đãng trí của mình, nghĩ vậy, bà ngồi thụp xuống mệt mỏi. Nước ở dưới chân té lên cả mắt bà giọt ngắn, giọt dài.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro