Đặc Sản Bánh Dày Của Người Mông Mù Cang Chải
Bánh dày của dân tộc Mông được xuất xứ từ một truyền thuyết được truyền từ đời này sang đời khác.
Truyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái rất yêu nhau, nhưng vào một ngày nọ cô gái đi hái măng, hái rau trên rừng thì bị một con hổ dữ bắt cóc vào rừng sâu, chàng trai rất đau khổ và buồn bã lâu ngày. Anh đã quyết định đi tìm người yêu nhưng phải làm như thế nào để chống đói được lâu ngày, đem theo lương thực gì để bảo quản được lâu mà vẫn ăn được. Ngồi suy ngẫm hồi lâu, anh đã nghĩ ra một cách là lấy gạo nếp xôi lên thật nhừ sau đó giã thật mịn, nặn lại thành từng cái bánh, mang theo chắc chắn sẽ để được lâu ăn qua ngày. Sau khi làm xong bánh anh đã vào rừng sâu truy tìm theo dấu vết của con hổ dữ để tìm người yêu. Chàng trai đi ròng rã suốt mấy ngày, mấy đêm nếu không có xôi giã nặn thành từng cái bánh để mang theo làm thức ăn chắc chàng đã chết đói từ bao giờ. Lặn lội qua bao nhiêu núi, vượt bao nhiêu thác ghềnh hiểm trở, cuối cùng thì anh cũng đến nơi trú ngụ của con hổ cướp người yêu của mình. Thấy được tình yêu sâu đậm của chàng trai dành cho cô gái xinh đẹp đang bên cạnh mình, con hổ vô cùng cảm động và đành thả cô gái về với chàng trai. Từ đó, đôi trai tài gái sắc họ sống hạnh phúc bên nhau và chăm chỉ trồng nương lúa để có gạo nếp nấu xôi giã bánh ăn hằng năm.
Từ câu truyện đó, người Mông đã gọi đó là bánh dày, bánh dày đã trở thành món ăn truyền thống và được coi là món bánh đặc sản của người dân tộc Mông. Từ thời xa xưa cho đến ngày hôm nay bánh dày là món không thể thiếu trong ngày Tết, đặc biệt là trong lễ cưới, giỗ tổ tiên hay lễ đặt tên cho trẻ nhỏ... Bánh dày có hình tròn và dẹt, người Mông quan niệm rằng hình tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời bởi chúng là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất...
Nguyên liệu: Bánh dày được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nếp thơm được hấp thành xôi.
Vật dụng chính: Máng gỗ, mẹt, chày gỗ, lá chuối lá dong hoặc trứng gà.
Cách làm: Gạo vo sạch được đun đồ hấp thật lâu khoảng 2-3 tiếng sao cho thật dẻo sau đó mang ra máng gỗ và dùng chày gỗ để giã. Tranh thủ khi nóng phải giã thật nhanh cho thật mịn, nếu để nguội thì khó thực hiện, yêu cầu là người giã phải khoẻ mạnh và khôn khéo, thường là hai thanh niên đứng hai bên máng để giã. Sau khi giã thật nhuyễn, uốn nắn từng nắm để cho vào mẹt, với bàn tay khéo léo và tỉ mỉ thường là của người phụ nữ nặn thành từng cái hình tròn dẹt, khum khum và cho vào mẹt có quấn theo lá dong tươi hay lá chuối xanh để ngăn các chiếc bánh kết dính với nhau. Mùi thơm của lá dong, lá chuối càng góp phần làm cho món bánh thêm đậm chất đồng quê gắn liền với thiên nhiên, hoà quyện với những con người cần cù lao động, thật thà và chất phác. Trước khi đó các mẹt để chứa bánh dày đã được rửa thật sạch và được bôi trơn bởi hỗn hợp mỡ và một ít sáp ong đun lên, khi cho bánh dày vào mẹt sẽ không bị kết dính mà dễ thực hiện động tác nặn hơn. Nhiều nơi khác, người ta còn cho quả trứng gà lăn đi lăn lại đều trong mẹt để chống các cái bánh kết dính với nhau. Ở Mù Cang Chải, chủ yếu là sử dụng hỗn hợp mỡ và sáp ong đun nóng lên. Một điều đặc biệt là trong khi các chàng trai giã bánh thì thường các cô gái sẽ thầm lặng quan sát và có sự lựa chọn khôn khéo người bạn đời cho mình. Bởi vì, theo quan niệm của các cô gái người Mông phải lấy được anh chàng nào cao to vạm vỡ, khoẻ mạnh thì mới có sức khoẻ vác gỗ, cày bừa được mùa như ý, chăm lo được cho gia đình sau này.
Cách thưởng thức: Ngon hơn khi ăn nóng hổi vừa mới làm xong để thưởng thức trọn vẹn mùi hương thơm đậm đặc vị xôi quê, vị thơm ngon riêng biệt của miền sơn cước. Có thể rán hay nướng lên để ăn, tuyệt vời hơn khi chấm với mía đường hoặc mật ong. Đến với Mù Cang Chải, mỗi du khách đều không thể bỏ qua đặc sản bánh dày chấm với mật ong quê xứ Mù. Đây là một cách thưởng thức mà bất kì ai cũng không thể nào quên về đặc sản bánh dày của dân tộc Mông. Đặc biệt là vào ngày Tết của người Mông Mù Cang Chải, khi đến chơi nhà dù là người lạ hay người thân đều có quà bánh dày để mang về, mặc dù nhà nào cũng giã cho ngày Tết nhưng đó là tấm lòng của gia chủ mong muốn người nhận có một năm mới an khang sung túc, làm ăn được mùa.
Với bánh dày, rất nhiều dân tộc khác cũng có, nhưng cách làm và hương vị của nó sẽ không bao giờ giống như của người Mông, để lý giải được điều đó cũng khó. Vì vậy, bạn hãy đến với quê hương Mù Cang Chải để một lần được thưởng thức món quà của thiên nhiên và trực tiếp quan sát cách làm đầy nghệ thuật của những con người hiếu khách nơi xứ Mù.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro