Bơi Thẳng Vào Đời
Thằng oắt dùng ngón tay cáu bẩn, đen sì, hôi hám xếp đặt những hạt gỗ li ti mọt nghiến thành một gương mặt. Có mắt, mũi, tóc và biết cười. Nó bảo đấy là mẹ nó. Từ bé nó luôn mơ có mẹ. Nó không thể hình dung được dung mạo cái người được gọi là mẹ ấy thiện - ác thế nào.
Miệng thằng oắt lầm bầm mấy câu hát: "Mẹ tao là cave. Bố tao làm kéo xe"..., rồi lại "Bắt con ruồi xanh. Cho vào nồi canh...". Những câu đấy nó vẫn nghe thằng Đen và lũ đệ véo von hằng ngày mỗi lần đi học về. Trên cái gác xép như tổ con chồn hôi, lão Cách ngáy như sấm rền. Thi thoảng lão trở mình khiến chai lọ va vào nhau lanh canh như chuông gió. Thế giới của lão ở trên căn gác ấy bốc mùi xú uế, nồng nặc mùi rượu cồn và thuốc lào rẻ tiền, chát xít.
Cảm giác giấc ngủ bị làm phiền bởi tiếng lục cục, lầm bầm phía dưới. Lão lồm cồm toan bò dậy, miệng quát váng lên: "Đi ngủ ngay. Tao mà xuống thì mày nát người". Lão chưa kịp với cái cật tre dùng cời điếu bát, thằng oắt đã phóng vút ra khỏi nhà như một cơn gió. Nó vớ cái giá lưới phơi góc vườn, lùi lũi chạy về con lạch nước.
* * *
Thằng oắt có tên đầy mỹ miều. Là Cát, nhưng lại không trắng như Cát mà đen như cục gỉ than. 13 tuổi nhưng mang thân hình của thằng nhóc 7-8 tuổi. Cát được lão Cách nhặt về trên bãi rác phía sau khu ki-ốt của tập đoàn cave. Thằng bé tím tái, thiếu tháng được bọc trong chiếc áo len và đặt trong cái rá tre. Xung quanh lổn nhổn vỏ hộp và bao cao su đã dùng cùng cơ man kim tiêm. Bên dưới là lũ kiến, bên trên là lũ ruồi xanh, tiếng khóc ngằn ngặt không ra hơi giữa một sớm đầu Đông nhiều gió. Lão Cách vẫn còn nhớ cảm giác sợ xanh mặt lúc đó. Ban đầu lão giao thằng bé cho hội phụ nữ làng. Nhưng sau không ai nhận nuôi. Họ sợ. Mẹ thằng bé là cave. Mẹ thằng bé có thể dính si-đa. Họ bảo thằng bé mang trong mình dòng máu độc. Và lão Cách đã có một quyết định liều lĩnh nhất trong cuộc đời. Lão làm bố. Ai cũng nghĩ lão sảng rượu, nào ngờ lão làm thật. Thằng oắt xanh xao, đen đũi lớn lên như con còng, con cáy.
Thằng oắt và lão Cách là bức tranh tương phản từ ngoại hình đến tính cách. Lão chưa đến 60 nhưng chảy xệ, bệ rạc như ông già 80. Lão văng tục, chửi rủa không ngơi nghỉ cả trong giấc ngủ. Thằng Cát thì hoàn toàn ngược lại. Thế giới của nó là sự câm lặng và lầm lũi.
Men theo con lạch nước là khu ki-ốt với hàng ngàn mái fibro xi-măng san sát, lè tè được xây bằng sò táp-lô. Ở trong đó là thế giới của những cô gái trẻ, cả trinh nữ lẫn không trinh nữ. Các cô gái miền núi xứ Nghệ, hơi thở còn vương vất mùi đói nghèo, nương rẫy. Những cô gái miền Tây hoặc giả giọng miền Tây nhiễm phèn chua mặn để làm vui lòng khách đến. Thế giới ấy hoạt động đầy sôi nổi, tấp nập và cuồng nhiệt. Nó làm giàu cho cả một xóm làng trù mật nhà gạch cao tầng đỏ au phía trong con đê bê-tông, kè đá. Mẹ thằng oắt đã từng là một cô gái trong cái thế giới ấy.
Thằng Cát biết rằng dù suốt ngày chửi mắng nhưng lão Cách rất thương nó. Cũng suốt ngày dọa đánh nhưng chưa một lần thằng oắt bị lão già cho ăn roi. Tình thương của lão già không ồn ào như cái miệng lão. Lịch sự và vi tế hơn nhiều. Tình thương đó biểu hiện bằng những cái vuốt ve, ánh nhìn đăm đắm mỗi đêm khi thằng bé ngủ. Những cái đó nếu là khi thằng oắt thức, lão không dám thể hiện. Thằng Cát cũng thương bố nó bằng một sự câm lặng tương tự. Mỗi lần ra chợ bán được ít cá tươi hay con cua biển nó bắt được, lão già đều có thêm cút rượu hoặc vài gói thuốc lào, gói lạc húng lìu làm mồi nhắm. Lão cũng chả biết là lão mua hay quà biếu của thằng Cát. Bởi trí nhớ của lão giờ ngang bằng con thờn bơn hay lia thia gì đó.
Dù thân hình nhỏ thó, còi cọc nhưng đổi lại thằng Cát có cái dẻo dai hiếm thấy. Chả bao giờ biết ốm và đặc biệt, khả năng bơi lội của nó thuộc dạng đỉnh cao trong mấy cái làng ven con lạch nước này. Mụ Long vẫn thường ca ngợi với bầy đoàn thê tử rằng thằng oắt bơi dưới nước còn nhanh hơn cả bố nó chạy trên bờ. Nó như con rái cá, suốt ngày lặn ngụp nơi cửa lạch.
* * *
Thằng bé lặc lè xách xâu xương dừa tầm vài chục con cá căng và cá ngạnh, qua lối rẽ về nhà gặp đúng lúc mụ Long cũng định tạt qua thăm bố nó. Mụ xách theo đùm rau ngành ngạnh, vài con mực khô cùng một ít cá khô. Thằng oắt chắc mẩm một bữa cơm chiều căng rốn.
Ngôi nhà già nua, rúm ró như chính chủ nhân của nó. Thời trai tráng, lão Cát kéo xe cát, xe sảnh qua bãi cát lún hay lên dốc đê cao khỏe re. Việc đào mộ thuê khiến lão chạy sô không kịp, rủng rỉnh lắm. Nhưng giờ lão xuống dốc thực sự. Đi không vững nói gì việc kéo xe. Thần kinh chập chờn khiến người đời bơ lão trong việc bốc mộ thuê hay cải mả. Mấy lần nửa tỉnh nửa say, lão để sót xương cốt khiến người nhà sợ tím mặt. Giờ thằng Cát là chỗ dựa về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của lão. Và cũng may có mụ Long thi thoảng lại qua, vui vầy chém gió. Được cái lão và mụ hợp nhau ở khoản ăn tục nói phét. Rượu chè như hũ nút. Cuộc đời mụ cũng rối rắm như cái đầu nghìn năm không tắm gội của lão. Cuộc đời lão cũng dẹo dọ, xanh xao như dáng hình mụ. Cả hai phẫn uất ngang nhau và cũng lương thiện ngang nhau.
"Chào lão khọm" - mụ Long nói trong lúc đẩy cánh cổng nứa.
Lão Cách phì phèo thuốc lào trên cái chõng tre tụt nan. "A, chào mụ" - lão già chào lại. Mụ Long văng tục liên hồi, nhổ nước bọt phì phì như hổ mang chúa.
Mụ Long ngoài 40 nhưng cũng già xêm xêm lão Cách. Mụ tuổi rồng nên được bố mẹ đặt cái tên Long đầy nam tính. Mụ thuộc thế hệ đời đầu ngay từ khi tập đoàn cave khởi nghiệp quanh khu vực Hòn Câu. Lúc đó Long chỉ là cô gái 15-16 đen nhẻm, tóc râu ngô từ vùng đồi núi Tân Kỳ lơ ngơ về xuôi theo lời mời gọi bán hàng tạp hóa lương cao của chủ chứa. Dòng đời xô đẩy, sóng gió dập vùi, Long theo nghề bán hương buôn sắc lúc nào không hay. Ngoài 30 khi thân hình héo hon, tàn úa cộng chút vốn dành cả thanh xuân gom góp, Long tự lập ki-ốt kinh doanh riêng.
Mụ cũng bị người đời xa lánh. Nói như lão Cách, mụ là con cave già hết đát, hết hạn sử dụng. Lão vẫn thường ngợi ca vẻ thiện lương của mụ hơn những ông bà chủ khác, khi đối đãi với các em nhân viên như con người. Cũng chỉ mỗi mụ ở cái thế giới này tử tế, biết quan tâm đến lão. Cũng chỉ lão và mụ mới biết được những bí mật ẩn sâu hun hút trong nhau. Đơn giản mụ và lão không có sự đối sánh.
* * *
Thằng oắt lúi húi trong bếp với đống củi phi lao mục ẩm lo bữa cơm chiều. Ngoài bơi lội, bếp núc là thú vui của nó. Bởi ở đó, nó lánh xa được sự cằn nhằn thường nhật của lão Cách. Khoảnh sân nhỏ, mụ Long và lão Cách phê pha bên chai rượu đục. Khói thuốc lào xông lên nồng nặc, gay gắt. Cặp đôi nửa già nửa trẻ nghêu ngao hát, thi thoảng triết lý về sự đời. Khung cảnh lãng mạn, trần tục đến phát hờn.
Có tiếng xe đạp lọc xọc của ông bác đưa thư trên đường đá cát nhọc nhằn bò tới. Lão Cách hốt hoảng, mụ Long còn xớn xác hơn thế. Lá thư cho thấy cha con lão Cách vẫn còn có chút quan hệ với thế giới văn minh.
"Trần Cát, con Trần Cách. Ngày này..., tháng này..., tập trung tại Trung tâm Thể thao tỉnh nhập học... Học bổng toàn phần. Có chỗ ăn ở và học văn hóa...".
Mụ Long đọc như đứa trẻ vừa rõ mặt chữ. Một nụ cười sáng bừng trên gương mặt nhăn nheo của mụ. Lão Cách đơ 40 giây, nhúm thuốc lào vê dở rơi lả tả xuống đất. Mắt lão như có sóng. Bấy giờ lão mới nhớ ra câu chuyện gần hai tháng trước. Hai cha con lục tục cơm nắm, muối vừng, chai cuốc lủi lên Trung tâm Thể thao tỉnh dự thi bơi lội. Đi cho vui và coi như đi chơi. Lão đâu dám nghĩ thằng nhóc như con gà tre cụt đuôi kia đua chen được với đời. Cùng lứa tuổi, những thằng cu con nhà thành phố to như hộ pháp, đô vật - mặc những bộ đồ bơi, kính lặn như người nhái. Thằng Cát mặc độc chiếc quần đùi, chân đất phi thân xuống sọc nước xanh ngắt đặc quánh mùi Clo. Lão Cách còn sợ thằng con lão làm bẩn cái hồ bơi ấy. Lão hầu như ngủ suốt buổi sáng thằng oắt thi thố. Xong buổi, hai cha con lại lóc cóc xe ôm ra đường lớn đón xe khách trở về. Thú thực lão đã quên câu chuyện đó lâu rồi.
Đúng lúc thằng Cát khệ nệ bê mâm cơm, nghe tin trúng tuyển - nó loạng choạng suýt đổ. Bát canh cá nấu rau ngành ngạnh lắc sánh ra mâm. Gương mặt quắt lem luốc bừng lên phút chốc. Thằng oắt ngạc nhiên khi lão Cách trợn trừng mắt nhìn nó rồi bật cười khanh khách. Như lúc khác, có lẽ lão đã chửi rủa nó suốt ba ngày không tắt.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro